“THẦY ĐÃ NÊU GƯƠNG CHO ANH EM”

Thánh Thể làm nên Giáo Hội

nhờ việc bắt chước

 

Trong trình thuật về bữa Tiệc Ly, Luca và Phaolô đã để lại cho chúng ta lệnh truyền của Đức Giêsu như chúng ta đã thấy: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Khi chúng ta đọc trong Phúc Âm Gioan cũng trình thuật về bữa Tiệc Ly, chúng ta minh nhiên thấy lệnh truyền này của Đức Giêsu: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm nhu Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Hai lệnh truyền này hiển nhiên có tương quan với nhau; nhưng người ta cũng nhận thấy có nét khác biệt: trường hợp đầu tiên là về “tưởng niệm”, một hoạt động quy chiếu tới phụng vụ; ngược lại, trường hợp thứ hai là về làm (“để anh em làm”), một hoạt động quy chiếu tới đời sống. Như thế, cùng một sự tiến triển đưa ta từ chỗ tưởng nhớ đến chỗ bắt chước, từ chỗ chiêm niệm Thánh Thể đến chỗ thực hành Thánh Thể.

Trong Phúc Âm của mình, bữa Tiệc Ly mà Gioan mô tả trong các chương 13-17 không phải là Bữa Ăn “vượt qua”. Quả thực, bữa ăn vượt qua của người Do Thái xẩy ra vào chiều ngày 14 nisan. (Theo Gioan, Đức Giêsu chết ngày 14 nisan, khi người Do Thái còn chưa hoàn tất bữa ăn vượt qua, là điều biện minh cho việc họ không vào trong dinh Philatô: x. Ga 18,28) Theo các tác giả Nhất Lãm, bữa ăn “vượt qua” của Đức Giêsu có thể đã được cử hành mấy ngày sớm hơn, nếu dựa vào một lịch phụng vụ khác với lịch chính thức thời ấy, nhưng được những người Essêni ở Qumran sử dụng. Có thể đây cũng là Bữa Ăn mà các tác giả Nhất Lãm làm nổi bật đặc tính vượt qua và Thánh Thể của nó, trong khi Gioan không nhắc gì đến nó.

Thế nhưng ở đây, tôi không có ý định dừng lại ở những vấn đề quen thuộc về thứ tự lịch sử của cuộc Khổ Nạn. Điều tôi quan tâm là muốn biết tại sao trong trình thuật về Bữa Ăn cuối cùng, Gioan không nói gì về việc lập phép Thánh Thể, trong khi ông nói cho ta về việc rửa chân. Không thể nghĩ rằng có một lúc ông không biết đến nghi thức Thánh Thể, hoặc nghi thức ấy đã không được thực hành chung quanh khu vực hình thành Phúc Âm thứ tư… Trái lại, người ta ghi nhận rằng tất cả trình thuật những biến cố liên hệ đến lễ Vượt Qua, trong Phúc Âm thứ tư, được xây dựng phù hợp với phụng vụ Thánh Thể đang thịnh hành trong môi trường của nó (thực hành của Quartodécimans, Nhóm 14 nisan, danh xưng chỉ nhóm người theo lịch do thái về lễ Vượt Qua, ấn định cử hành lễ Phục Sinh ngày 14 tháng nisan, bất kể là ngày nào trong tuần) và trình thuật này như là được sống lại trong phụng vụ ấy.

Động lực chính cũng không như người ta thường nói nữa, là Gioan, khi viết Phúc Âm của mình sau ba Phúc Âm kia, có ý định bổ túc cho các tác giả Nhất Lãm, hiểu ngầm là người ta đã biết những gì các ngài đã viết, hoặc ngài muốn tránh phổ biến mầu nhiệm Kitô giáo. Động lực thực sự là: trong tất cả những gì liên hệ đến lễ Vượt Qua và Thánh Thể, Gioan nhấn mạnh biến cố hơn bí tích, nói cách khác, điều được biểu thị hơn điều biểu thị. Theo Gioan, lễ Vượt Qua mới không bắt đầu ở nhà Tiệc Ly, lúc hoàn tất hành vi qua đó người ta phải tưởng niệm. Bằng cách loại suy, chúng ta có thể nghĩ rằng Gioan muốn làm nổi bật việc rửa chân trong bữa ăn cuối cùng, để nhắc cho cộng đồng Kitô hữu nhớ đâu là ý nghĩa của nghi thức Thánh Thể, mà họ từ đây thường cử hành, và cũng nhắc cho họ nhớ đâu là những đòi hỏi cụ thể chứa đựng trong đó cho Giáo Hội. Nói khác đi, như tôi đã đề cập ở trên, một cách mặc nhiên, tác giả Phúc Âm đòi chúng ta từ phụng vụ sang đời sống, từ tưởng niệm sang việc bắt chước Thánh Thể.

Ý nghĩa của việc rửa chân

Chúng ta đã thấy, đối với Gioan, hiểu rõ ý nghĩa của cử chỉ Đức Giêsu rửa chân cho các tông đồ quan trọng như thế nào. Chúng ta đang đứng trước một trong những tình tiết (có những tình tiết khác, chẳng hạn tình tiết cạnh sườn bị đâm thâu) trong đó tác giả Phúc Âm cho chúng ta hiểu rõ rằng có một mầu nhiệm ẩn giấu, một mầu nhiệm vượt lên trên sự kiện vô thường có thể tự nó chỉ cho thấy một lợi ích hạn chế.

Đức Giêsu nói: Thầy đã nêu gương cho anh em: Ngài đã nêu gương nào vậy? Thực tế chúng ta phải rửa chân anh em ta, mỗi khi chúng ta vào bàn ăn chăng? Chắc chắn là không. Đây là một việc khác mà ai đọc Phúc Âm có thể dễ dàng khám phá vì họ đã biết Đức Giêsu. “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16): đó là gương Đức Giêsu đã làm cho chúng ta.

Có một ngày tôi đọc lại trình thuật về việc rửa chân, tôi thực sự bị đánh động bởi nét tương cận sâu xa của bản văn này với thánh thi ca ngợi Đức Kitô trong thư Philipphê. Ở đó cũng thấy có lời mời gọi bắt chước: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5); tiếp đến là mô tả Đức Giêsu, phận là phận Thiên Chúa, nhưng “trút bỏ” để “mặc lấy thân nô lệ”. Về phía mình, Gioan cũng cho thấy Đức Giêsu “biết rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay”, biết mình “bởi Thiên Chúa mà đến và sắp trở về cùng Thiên Chúa”, thì đã cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, là cách ăn mặc của người nô lệ, và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ. Người ta hẳn muốn nói là tác giả sách Phúc Âm diễn tả bằng những hình ảnh tạo hình và những cử chỉ cụ thể điều Phaolô đã nói một cách tổng quát và minh nhiên.

Thực ra, đây luôn chỉ là một đề tài, là dây dẫn mọi sách Tân Ước: Đức Giêsu, tôi tớ của Thiên Chúa và của con người. Chính trong bối cảnh bữa ăn cuối cùng, Luca thuật lại trong Phúc Âm của mình một lời Đức Giêsu hẳn là đã nói sau lúc rửa chân: “Giữa người ngồi ăn và kẻ phục cụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27). Theo tác giả sách Phúc Âm, Đức Giêsu đã nói như thế nhân một cuộc cãi vã giữa các môn đệ, xem ai trong nhóm được coi là người lớn nhất (x. Lc 22,24). Một hoàn cảnh tương tự có lẽ đã gợi hứng cho Đức Giêsu cử chỉ rửa chân này, như một loại dụ ngôn bằng hành vi. Trong lúc các môn đệ bận tâm cãi nhau sôi nổi, Đức Giêsu yên lặng đứng dậy khỏi bàn ăn, đi tìm một thau nước và và một khăn lau, rồi trở lại, quỳ trước Phêrô để rửa chân cho ông khiến ông ngần ngại và hoàn toàn bối rối: “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13,6).

Trong đoạn nói về việc rửa chân, một cách nào đó Đức Giêsu đã muốn thu tất cả ý nghĩa cuộc đời của Ngài lại, để ý nghĩa đó được khắc sâu trong ký ức của các môn đệ; rồi một ngày kia các ông sẽ hiểu, khi các ông sẽ có thể hiểu: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13,7). Cử chỉ người ta thấy ở cuối Phúc Âm cho ta biết tất cả cuộc đời của Đức Giêsu, từ đầu tới cuối, là một sự rửa chân, một sự phục vụ con người; như một số nhà chú giải quen nói, đó là một cuộc sống cho, một cuộc sống được sống vì hạnh phúc của những người khác.

Đức Giêsu đã cho ta mẫu gương một đời sống hao tổn vì người khác, một cuộc đời trở thành “tấm bánh bẻ ra cho thế giới”: đó là chủ đề của Đại hội Thánh Thể thế giới ở Lộ Đức. Khi nói: cả anh em nữa, anh em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em, Đức Giêsu thiết lập diakonia, tức là sự phục vụ, khi nâng nó lên thành luật căn bản hoặc, đúng hơn, thành kiểu cách sống và gương mẫu cho mọi tương quan trong Giáo Hội.

Đức Giêsu đã nói cho Phêrô là “sau này” ông sẽ hiểu; thực tế, sau này – tức sau ngày Phục Sinh – , Giáo Hội không ngừng nói về phục vụ, bằng mọi cách ghi sâu việc phục vụ nơi các môn đệ. Khi phác họa chân dung một người góa bụa lý tưởng, trong các thư của mình, Phaolô đề cập việc rửa chân như một điều tốt: “Họ hãy rửa chân cho các thánh” (1Tm 5,10). Chính giáo lý về các đặc sủng đều quy hướng tất cả về sự phục vụ; phục vụ được coi như linh hồn và mục đích của mỗi đặc sủng. Thánh Phaolô quả quyết: mọi “biểu hiện đặc biệt của Thần Khí” là “vì lợi ích của cộng đồng” (x. 1Cr 12,7) và các đặc sủng được ban rộng rãi “để dân thánh được chuẩn bị làm công việc phục vụ (diakonia)” (Ep 4,12). Và khi tồng đồ Phêrô khuyên tiếp đón nhau, ngài ghi nhận: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ (diakonia) kẻ khác” (1Pr 4,10). Đặc sủng và thừa tác vụ, hay phục vụ, như hai yếu tố luôn liên kết với nhau cách cốt tử; một đặc sủng mà không được thấy rõ trong việc phục vụ thì giống như nén bạc chôn giấu dưới đất: nó trở thành điểm chính bị lên án (x. Mt 25,25); giống như một lưỡi cầy bị han rỉ vì lâu ngày không được dùng để cầy đất. Giáo Hội mang tính đặc sủng để phục vụ.

Tinh thần phục vụ

Tuy nhiên, chúng ta cần đào sâu ý nghĩa của phục vụ, để nó có thể trở thành hiện thực trong đời sống chúng ta, chứ không chỉ là những lời nói hay trên cửa miệng. Tự nó, phục vụ không phải là một nhân đức. Từ diakonia, phục vụ, theo Tân Ước, không tìm thấy trong bất cứ bản liệt kê nào về các nhân đức hay các hoa quả của Thần Khí. Thậm chí người ta còn nói về việc phục vụ cho tội lỗi (x. Rm 6,16), cho các ngẫu tượng (x. 1Cr 6,9), mà chắc chắn không phải là một việc phục vụ tốt. Tự nó, phục vụ không tốt không xấu: nó nhấn mạnh một điều kiện sống, hoặc một cách tương giao với người khác trong công việc của mình, một sự lệ thuộc liên quan đến người khác. Thậm chí nó có thể là một hành vi tiêu cực nếu làm vì cưỡng bách (nô lệ) hoặc vì những động lực vụ lợi.

Ngày nay, ai nấy đều nói đến phục vụ; ai cũng nói mình đang ở trong tình huống phục vụ: người bán hàng phục vụ khách hàng; người ta bảo tất cả những ai đang thi hành một chức năng xã hội là họ đang phục vụ hay đang trực ban. Hiển nhiên sự phục vụ mà Phúc Âm nói đến là chuyện hoàn toàn khác, cho dù nó không khai trừ cũng không hạ giá sự phục vụ mà người đời quen hiểu. Sự khác nhau là hoàn toàn trong những động lực và thái độ bên trong đưa đến phục vụ.

Chúng ta hãy đọc lại trình thuật về việc rửa chân, để xem Đức Giêsu làm việc này với tinh thần nào và điều gì đã thúc đẩy Ngài hành động như thế: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Phục vụ không phải là một nhân đức, nhưng có nguồn gốc trong các nhân đức, nhất là đức ái; nó là cách diễn tả cao quý nhất của điều răn mới. Thánh Gioan nói rằng: phục vụ có đặc điểm là “không yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18). Phục vụ là một cách biểu lộ agape của tình yêu “không tìm tư lợi” (1Cr 13,5), nhưng tìm lợi ích của người khác, không tìm kiếm mình nhưng là hiến mình. Tựu trung, đó là một cách tham dự và bắt chước hành động của Thiên Chúa, Đấng vì là “sự Thiện, tất cả sự Thiện, sự Thiện tối cao” chỉ có thể yêu và làm điều thiện một cách nhưng không (gratuité), không vì tư lợi nào.

Vì vậy, trái với sự phục vụ của thế gian, phục vụ theo Phúc Âm không phải là việc của người dưới, người làm công, người không có gì, nhưng đúng hơn là việc của người có của, giầu có, có địa vị cao. Về chuyện phục vụ thì ai được cho nhiều sẽ bị đòi nhiều (x. Lc 12,48). Do đó, trong Giáo Hội, Đức Giêsu nói kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ (Lc 22,26), “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tới mọi người” (Mc 10,44). Việc rửa chân là “dấu chỉ quyền bính Kitô giáo” (C. Spicq).

Ngoài tính nhưng không, sự phục vụ còn diễn tả  một đặc điểm quan trọng khác của agape nơi Thiên Chúa: sự khiêm nhường. Khi dạy: Anh em cũng phải rửa chân cho nhau, Đức Giêsu muốn nói: anh em phải phục vụ nhau bằng tình bác ái khiêm nhường. Bác ái và khiêm nhường cộng lại làm nên sự phục vụ theo Phúc Âm. Nhưng ở đây còn chuyện phải thỏa thuận với nhau. Tôi đã đọc nhiều định nghĩa rất hay về sự khiêm nhường, nhưng thú thật, tất cả đều làm tôi thất vọng. Sự khiêm nhường luôn được coi như một cách “thử” mình, hoặc như một cách “nói” về mình. Thế nên nó là một nhân đức cá nhân tuyệt vời, trong đó những người khác chỉ có liên hệ gián tiếp như là yếu tố để giúp xem mình có khiêm nhường không và, nếu có, thì khiêm nhường ra sao. Sách Gương Đức Giêsu Kitô nói: “Khiêm nhường là mình là sao thì đánh giá mình là vậy, xem xét mình trong sự thấp hèn của mình, tủi hổ về các khiếm khuyết của mình, xác tín mình nhỏ nhất so với mọi người” (II,2; III,8).

Nhưng nếu nhân đức khiêm nhường được tóm tắt như vừa nói, nó sẽ là nhân đức duy nhất không thấy nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa không thể có những cảm giác thấp hèn về mình, cũng không nói về mình với giọng điệu đó! Nhưng có nhân đức nào lại không có kiểu mẫu tối hậu nơi Thiên Chúa? Người ta hẳn có thể nói khiêm nhường là nhân đức đặc trưng của con người tội lỗi thôi. Nhưng chúng ta cứ mở sách Phúc Âm, và thấy Đức Giêsu quả quyết: “Anh em hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm hường” (Mt 11.28). Đức Giêsu luôn cho mình không mắc một lỗi nào, không bao giờ thấy mình ở dưới tước hiệu của mình là Chúa; Ngài công khai tuyên bố: ở đây có người còn hơn Giona, hơn Salomon, hơn Đavít, Abraham hay Môsê. Mạc dầu vậy, Ngài vẫn tuyên bố: hãy học với tôi vì tôi khiêm nhường. Chắc chắn chính vì khiêm nhường có một giá trị hoàn toàn khác, sâu sắc hơn những gì chúng ta thường gán cho nó.

Thật ra, trong ý nghĩa cao nhất của nó, khiêm nhường không ở chỗ hèn mọn, vì người ta có thể hèn mọn và khiêm nhường cách khách quan, nhưng không vì thế mà là nhân đức. Nó cũng không ở chỗ cảm thấy mình hay tuyên bố mình hèn mọn, vì một người có thể cảm thấy mình hèn mọn và vô nghĩa, và thực sự là thế. Thừa nhận như vậy mới chỉ là khách quan, nhưng chưa phải là người khiêm nhường. Sự khiêm nhường đích thực ở chỗ làm cho mình thành hèn mọn. Theo nghĩa này, nó có nơi Thiên Chúa; hơn nữa chỉ ở nơi Thiên Chúa, nó ở mức độ cao nhất. Thiên Chúa không hèn mọn, không cảm thấy mình hèn mọn, nhưng làm cho mình thành hèn mọn: ngài đã hạ mình, đã đi xuống, đã “hạ cố” như các Giáo Phụ nói. Và điều Ngài làm không có gì là lợi lộc, nhưng chỉ để làm điều tốt, để phục vụ, vì yêu. Khiêm nhường là nhân đức của Thiên Chúa, vì chỉ mình Thiên Chúa là không thể lên cao hơn (không có gì ở trên Ngài). Ở địa vị Ngài, khi Ngài muốn làm một hành vi nào ở bên ngoài, Ngài không thể làm gì khác hơn là đi xuống. Thánh Phanxicô Assisi đã đưa ra một trong những câu định nghĩa đẹp nhất về Thiên Chúa, ngày ngài nói với Thiên Chúa trong bài “Ca ngợi Đấng Tối Cao”: “Ngài là sự khiêm nhường!” Tất cả lịch sử cứu độ là lịch sử sự khiêm nhường của Thiên Chúa, thậm chí những nhục nhã của Thiên Chúa. Trong một bản văn đầy tình âu yếm đối với Thánh Thể, cũng thánh nhân còn nói: “Anh em hãy xem: hàng ngày Ngài hạ mình như khi Ngài từ ngai vàng xuống trong lòng Đức Trinh Nữ; hàng ngày Ngài đến với chúng ta dưới dáng vẻ bên ngoài khiêm nhường; hàng ngày Ngài từ cung lòng Chúa Cha xuống trên bàn thờ, trong đôi tay linh mục” (Admonitions I).

Chúng ta hiểu vì sao Đức Giêsu có thể nói: Hãy học với tôi vì tôi khiêm nhường. Ngài đã làm gì để cho là mình khiêm nhường? Đã hạ mình; từ lúc nhập thể, Ngài chỉ có đi xuống, xuống tới giới hạn cuối cùng mà chúng ta đang quỳ gối chiêm ngắm, là rửa chân cho các tông đồ. Các thiên thần đã phải run lên như thế nào khi thấy nhìn một cảnh tượng hạ mình như thế của Thiên Chúa, trong khi thậm chí không dám nhìn Ngài (x. Pr 1,12). Đấng Tạo Dựng quỳ gối trước thụ tạo của mình! Thánh Bênađô tự nhủ: “Ôi tro bụi, hãy xấu hổ vì sự kiêu căng của ngươi. Thiên Chúa đã hạ mình xuống, còn ngươi lại đưa mình lên!”

Hiểu như vậy – tức hạ mình để phục vụ – khiêm nhường thực sự là con đường hoàn toàn nên giống với Thiên Chúa, và, trong đời sống chúng ta, để bắt chước Thánh Thể. Cũng thánh Phanxicô còn nói: “Anh em hãy chiêm ngắm sự khiêm nhường của Thiên Chúa và mở lòng ra cho Người; anh em cũng hãy khiêm nhường, để Người nâng anh em lên. Không gì là của anh em, đừng giữ cho mình, để Người nhận tất cả anh em, Đấng đã phó nộp hết mình cho anh em (Lettre au Chapitre général, 2).

“Hãy đi và làm như vậy”

Ước mong mỗi cuối Thánh lễ phải là một lời sai đi của chính Đức Giêsu, Đấng cũng sẽ nói với chúng ta, khi giải tán chúng ta ra về, những gì Ngài đã nói với người thông luật về dụ ngôn người Samari nhân hậu: ông hãy đi và làm như vậy (Lc 10,37). Sau khi cắt nghĩa cho các tông đồ ý nghĩa của việc rửa chân, Đức Giêsu nói ngay với các ông: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành thì thật phúc cho anh em” (Ga 13,17)

Người ta tập phục vụ bằng cách phục vụ. Kết quả của bài nguyện ngắm này hẳn phải là can đảm duyệt lại đời sống của chúng ta (thói quen, chức năng, thời biểu làm việc, phân phối và sử dụng thời giờ), xem đời sống chúng ta có thật sự là một việc phục vụ chăng, và xem trong việc phục vụ này có tình yêu và khiêm nhường chăng. Điểm căn bản là xem chúng ta có phục vụ anh em, hay ngược lại chính họ phục vụ chúng ta. Người mà ngay cả khi dùng đủ cách để giúp người khác, không hoàn toàn vô vị lợi trong hành động của mình, tìm cách này hay cách khác để được người ta khen hay hài lòng cảm thấy trong lương tâm mình là người làm ơn, thì đó là người sử dụng anh em và biến anh em thành dụng cụ. Về điểm này, Phúc Âm có những đòi hỏi triệt để: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Một cách nào đó, tất cả những gì làm để cho người khác thấy, là hỏng. Christus non sibi placuit: Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình (Rm 15,3). Quy luật của phục vụ là như thế.

Để “phân định các tâm trí”, tức những ý định thúc đẩy chúng ta phục vụ, quả là hữu ích khi xem đâu là những việc phục vụ chúng ta thích làm và những việc phục vụ chúng ta cố tìm cách tránh né; xem lòng chúng ta – trong trường hợp được yêu cầu – có sẵn sàng từ bỏ một công việc vẻ vang, đem lại uy tín cho chúng ta, để đảm nhận một công việc tầm thường không được ai thích. Những việc phục vụ bảo đảm nhất là những việc chúng ta làm mà không ai, ngay cả những người được phục vụ, hay biết, nhưng chỉ có Chúa Cha trong nơi bí ẩn biết mà thôi. Đức Giêsu đã nâng lên danh hiệu tượng trưng của việc phục vụ một trong những cử chỉ khiêm nhường nhất được biết đến trong thời Ngài, và thông thường là một nhiệm vụ được trao cho nô lệ: rửa chân. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn” (Rm 12,16).

Ngược với tinh thần phục vụ là khát khao thống trị, thói quen áp đặt cho người khác ý riêng của mình, cách nhìn hay làm của mình. Tóm lại là sự độc đoán. Người có tính khí như vậy thường hay trở thành kẻ chuyên chế thực sự, không nhận thấy những đau khổ mình gây ra, thậm chí còn ngạc nhiên khi thấy người khác không một chút thích thú với “lợi ích” mình bầy tỏ cho họ, cũng không nhận ra những cố gắng của mình, đến độ coi mình như là nạn nhân. Đức Giêsu dạy các tông đồ là họ phải như chiên giữa bầy sói, nhưng ở đây thì ngược lại, chính họ là sói giữa bầy chiên. Những đau khổ mà đôi khi một gia đình hay cộng đoàn phải chịu, một phần lớn là do một người nào đó độc đoán, chuyên quyền, đè bẹp những người khác dưới giầy đinh của mình, và là người, viện cớ phục vụ người khác, mà thực ra bắt người khác phục vụ mình.

“Người đó” rất có thể là chính chúng ta. Về việc này, nếu chúng ta có chút nghi ngờ, cứ thành thực hỏi những người chung quanh ta, để họ nói lên mà không sợ hãi, có lẽ là chuyện tốt. Nếu thấy chúng ta làm cho người nào đó khó sống, vì tâm tính của chúng ta, cứ khiêm tốn chấp nhận thực tế và suy nghĩ lại về sự phục vụ của chúng ta.

Đàng khác, quá gắn bó với thói quen và tiện nghi riêng cũng trái với tinh thần phục vụ. Nói tóm, đó là tính khí nhu nhược. Người luôn tìm sự thỏa mãn cho mình, coi trọng lúc nghỉ ngơi, thời giờ rảnh rỗi, thời biểu của mình, người đó không thể phục vụ người khác cách nghiêm túc. Bao giờ cũng chỉ có và sẽ chỉ có một quy tắc phục vụ: Đức Kitô không tìm cách làm hài lòng mình.

Như chúng ta đã thấy, phục vụ là nhân đức riêng của người đứng đầu, đó là điều Đức Giêsu đã để lại cho các mục tử trong Giáo Hội, như là di sản cao quý nhất của Ngài. Chúng ta biết mọi đặc sủng là để phục vụ; nhưng điều đó đặc biệt đúng với đặc sủng của những ai “coi sóc và dạy dỗ” (Ep 4,11), nói khác đi đặc sủng của quyền bính. Chính để phục vụ mà Giáo Hội là “đặc sủng” và cũng chính để phục vụ mà Giáo Hội là “phẩm trật”!

Nếu đối với quần chúng Kitô hữu, phục vụ có nghĩa là “không còn sống cho chính mình nữa” (2Cr 5,15), thì đối với các mục tử, đó là “không lo cho chính mình”: “Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao?” (Ed 34,2). Đối với thế gian, không gì tự nhiên và chính đáng hơn là người nào là chủ (dominus) thì “làm chủ”, hành xử với tư cách là chủ. Tuy nhiên đối với các môn đệ của Đức Giêsu thì không như vậy, nhưng ai là chủ thì phải phục vụ. Phaolô viết: “Không phải là chúng tôi khống chế đức tin của anh em, trái lại chúng tôi góp phần tạo niềm vui cho anh em” (2Cr 1,24). Nơi Phêrô, chúng ta cũng thấy cùng một chỉ thị như vậy cho các mục tử: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cha anh em, nhưng hãy nêu gương sống cho đoàn chiên” (1Pr 5,3).

Trong thừa tác vụ mục vụ, không dễ để thoát khỏi não trạng  của người biết nhiều về đức tin. Một trong những tài liệu cổ xưa nhất về thừa tác vụ giám mục (Didascalia tiếng syri) cho thấy một quan niệm coi giám mục như là vua; trong Giáo Hội của ngài, cả Thiên Chúa lẫn con người không thể làm gì mà không có phép của ngài.

Về điểm tế nhị này, vấn đề hoán cải thường hay được đặt ra cho các mục tử với tư cách là mục tử. Âm hưởng nào còn in dấu sức mạnh và buồn phiền trong những lời Đức Giêsu nói sau lúc rửa chân: “Thầy là Chúa và là Thầy…”. Đức Giêsu “đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (Pl 2,6), Ngài không sợ liên lụy đến phẩm giá thần linh của Ngài, không sợ con người tha hồ bất kính đối với Ngài, nhưng Ngài trút bỏ đặc quyền của mình, cho người ta thấy mình như một người trong số những người khác (“nên giống người phàm”). Đức Giêsu đã sống đơn giản; sự đơn giản luôn là khởi đầu và dấu chỉ nói lên sự trở về đích thực với Phúc Âm. Phải bắt chước hành động của Thiên Chúa. Tertullianô viết: “Không gì nói lên đặc điểm và hành động của Thiên Chúa hơn là sự tương phản giữa những phương tiện đơn giản cũng như những cách thức hành động bên ngoài, với tính chất vĩ đại của các hậu quả thiêng liêng mà người ta có được” (De bapt. 1).

Để hành động và gây ấn tượng, thế gian cần vẻ hào nhoáng; Thiên Chúa thì không. Đã từng có thời kỳ thế giá của giám mục được biểu lộ trong những huy hiệu, tước hiệu, lâu đài, quân đội; đó là những giám mục ông hoàng, nhưng tính cách ông hoàng nhiều hơn giám mục. Về điểm này, ngày nay, để so sánh, chúng ta như thể thấy Giáo Hội sống trong một thời kỳ vàng. Tôi biết một giám mục cho là tự nhiên việc ngài mỗi buổi sáng bỏ ra hàng giờ đến nhà dưỡng lão để giúp các người già cả mặc quần áo đi ăn sáng; chính ngài đã thể hiện từng chữ bài học rửa chân. Phần tôi, tôi thấy có nhiệm vụ nói lên điều này. Suốt đời tôi, tôi đã nhận được những gương mẫu đơn giản đẹp nhất từ nhiều giám chức.

Tuy vậy, ngay cả về vấn đề này, cũng nên giữ một sự tự do theo tinh thần Phúc Âm. Sự đơn giản đòi chúng ta không được coi mình ở trên người khác, nhưng không phải lúc nào cũng khăng khăng coi mình ở dưới họ, để cách này cách khác giữ khoảng cách; không phải vậy, sống đơn giản là chấp nhận mình như mọi người, trong sinh hoạt thường ngày. Manzoni ghi nhận rất tinh tế: “Có những người tỏ ra rất khiêm nhường để đặt mình dưới người khác, nhưng lại không khiêm nhường để giống như họ” (Les fiancés, chap. 38). Đôi khi cách phục vụ tốt nhất không phải ở chỗ phục vụ, nhưng là để người ta phục vụ mình, như Đức Giêsu có lúc đã biết ngồi vào bàn để cho người rửa chân (x. Lc 7,38), và vui lòng chấp nhận để một số phụ nữ quảng đại và yêu mến phục vụ mình trong các cuộc hành trình.

Phục vụ Thần Khí

Về vấn đề phục vụ, có một khía cạnh cần làm nổi bật: phục vụ anh chị em, cho dù quan trọng và thánh thiện, không phải là khía cạnh đầu tiên của phục vụ, cũng không phải là điều chủ yếu; tiên vàn phải là phục vụ Thiên Chúa. Đức Giêsu tiên vàn là người “Tôi Tớ của Thiên Chúa, sau đó mới là tôi tớ của con người. Ngài nhắc điều đó cho cha mẹ khi nói với hai ông bà: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Ngài không ngần ngại làm đám đông thất vọng, những người đã đi theo để nghe Ngài, để được chữa lành, khi bất thình lình Ngài bỏ họ đó để lui vào nơi vắng vẻ mà cầu nguyện (x. Lc 5,16).

Ngày hôm nay, ngay cả việc phục vụ theo Phúc Âm cũng có nguy cơ bị tục hóa. Người ta quả quyết quá dễ là mọi việc phục vụ con người đều là phục vụ Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói về việc phục vụ Thần Khí (diakonia Pneumatos) (2Cr 3,8), và các thừa tác viên của Tân Ước là dành cho việc phục vụ này. Người như linh mục, do ơn gọi, được kêu mời phục vụ “theo Thần Khí”, không phục vụ anh em nếu ngài làm cả ngàn công việc phục vụ khác mà lơ là với việc phục vụ độc nhất người ta có quyền chờ đợi nơi ngài, và chỉ mình ngài có thể làm. Theo Kinh Thánh, linh mục “được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa” (Dt 5,1). Khi lần đầu tiên vấn đề này bùng nổ trong Giáo Hội, Phêrô đã giải quyết như sau: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải… Phần chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Thiên Chúa” (Cv 6,2-4).

Quả thực, có những mục tử lại quay trở lại với chuyện lo việc ăn uống: các ngài quan tâm đến mọi thứ vấn đề vật chất, kinh tế, quản trị, thậm chí đôi khi cả vấn đề nông nghiệp trong cộng đồng (mà ngài có thể dễ dàng để cho người khác lo), và lơ là với việc phục vụ đích thực không thể thay thế. Việc phục vụ lời đòi phải có giờ đọc sách, nghiên cứu và cầu nguyện. Một cách chung chung, nếu các tín hữu ngày nay than phiền trong Giáo Hội, chính là về sự kém cỏi của việc giảng dạy vì trống rỗng. Nhiều người khi tan Thánh lễ ra về, chán với bài giảng thay vì được nó làm cho phong phú.

Theo tôi, đó là vấn đề mục vụ ưu tiên số một. Phải cùng với Isaia mà lặp lại rằng: “Những ai nghèo hèn khốn khổ, tìm nước không ra” (Is 41,17); dân chúng tìm bánh, thì thường ra người ta lại cho con bọ cạp, nói cách khác những lời trống rỗng, thuộc loại tầm thường hiếm thấy, những lời của Thiên Chúa; hoặc chẳng cho gì.

Đây là một trang của thánh Grêgoriô Cả vẫn còn mang tính thời sự: “Đối với một mùa gặt đại thu, số thợ gặt lại ít: chúng ta không thể nhắc tới sự thiếu hụt này mà không buồn bã sâu xa, vì có những người lẽ ra được nghe lời tốt, nhưng những người rao giảng lại vắng mặt. Hãy coi: thế giới đầy linh mục, nhưng hiếm thấy những linh mục làm việc trong vườn nho của Chúa; chúng ta đảm nhận trách nhiệm linh mục, nhưng không chu toàn những bổn phận do trách nhiệm này đòi hỏi.. Chúng ta bù đầu vào những công việc trần thế; thế mà, những gì chúng ta đảm nhận trong trách nhiệm linh mục của chúng ta là một chuyện, và những gì hành vi của chúng ta minh chứng lại là chuyện khác. Chúng ta bỏ thừa tác vụ rao giảng; người ta gọi chúng ta là giám mục, nhưng có lẽ đúng hơn là để lên án chúng ta, vì chúng ta có những vinh dự thuộc về tước hiệu của chúng ta, nhưng không phải là những phẩm chất… Hoàn toàn hướng về những những chuyện thế sự, chúng ta dường như càng quan tâm đến những công việc thế gian thì tâm hồn chúng ta càng trở thành vô cảm” (Homélies sur les évangiles 17, 3.14).

Tôi kết thúc bài suy niệm về việc rửa chân và phục vụ. mượn lời của thánh Augustinô, là lời làm rõ ý nghĩa Thánh Thể của tất cả những việc trên trong Phúc Âm Gioan: “Thánh tông đồ Gioan đã trình bầy rõ ràng mầu nhiệm bữa Tiệc ly khi viết: Đức Giêsu đã thí mạng vì chúng ta, như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16) (Sermo 304, 1;  PL 38, 1395). Phải, Thánh Thể không chỉ là một mầu nhiểm để cử hành, để lãnh nhận hay chiêm ngắm; đó còn là một mầu nhiệm để bắt chước.

(R. Cantalamessa, L’Eucharistie, notre sanctification, Centurion 1989, chap. 5)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 

 

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều