XII

“ĐỨC GIÊSU KÊU MỘT TIẾNG LỚN,

RỒI TRÚT LINH HỒN”

 

Các tác giả Phúc Âm Matthêu và Maccô mô tả cái chết của Đức Giêsu như sau: “Đức Giêsu kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” (Mt 27,50; Mc 15,37). Kraxas phonè megalè trong tiếng Hy lạp, Clamans voce magna trong tiếng la tinh. Có một mầu nhiệm lớn trong tiếng kêu của Đức Giêsu lúc sinh thì, và chúng ta không thể bỏ qua. Nếu tiếng kêu này được phát ra, chính là để được thu lại nếu nó được viết trong Phúc Âm, chính vì nó cũng là Phúc Âm. Trong suốt cuộc đời của Đức Giêsu, tất cả những gì không nói ra hoặc không thể dùng lời nào để nói ra, đều hàm chứa trong tiếng kêu này. Qua đó, Đức Giêsu vét cạn tâm hồn Ngài tất cả những gì đã làm đầy nó trong cuộc sống của Ngài. Đó là một tiếng kêu xuyên qua các thế kỷ, to hơn mọi tiếng kêu của con người, cho dù đó là tiếng kêu từ chiến tranh, niềm vui hay thất vọng.

Không phải vì suy đoán mà tìm cách đi vào trong mầu nhiệm của tiếng kêu này và khám phá ra nội dung của nó. Có một lý do khách quan, thuộc tín điều cho phép làm chuyện này. Lý do đó là sự linh hứng Kinh thánh. “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng” (2Tm 3,16); “chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa.” (2Pr 1,21)

Vậy có người biết bí mật của tiếng kêu này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng đã “linh hứng” tất cả Kinh Thánh. Người quen cắt nghĩa ở đây điều Người đã không cắt nghĩa ở chỗ khác; Người cắt nghĩa bằng những lời hiểu được những gì Người đã nói bằng “những tiếng rên siết khôn tả” ở chỗ khác (x. Rm 8,26). Người là tác giả duy nhất của tất cả Kinh Thánh, vượt lên trên những tác giả nhân loại khác nhau của Người.

Thánh Tông Đồ nói: “Ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa.” (1Cr 2,11). Như vậy, không ai biết được những bí mật của Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí Đức Kitô, Đấng ở trong Ngài và, trong suốt cuộc đời của Ngài, đã là “bạn đồng hành chí thiết trong mọi sự[1]”. Đức Giêsu đã làm mọi sự “trong Thánh Thần”. Tất cả những gì Ngài nói là nói “trong Thánh Thần” (x. Lc 4,18; 10,21). Thậm chí tiếng kêu của Ngài trên thập giá là một tiếng kêu “trong Thánh Thần”, chứ không thuần túy là tiếng thét gào cùa người sắp chết.

Vậy “Chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1Cr 2,12), kể cả những gì được tiếng kêu này ban cho.

***

Trong thư Rôma thánh Tông Đồ viết: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5,5) Có một điều tôi đã chưa bao giờ để ý: qua những lời trên, thánh Phaolô không quy chiếu tới tình yêu của Thiên Chúa cách chung chung, cũng không nói cách trừu tượng, nhưng tới một lúc cụ thể của tình yêu này, tới một biến cố lịch sử chính xác, mà ngài bắt đầu minh giải ngay. Bản văn cho biết tiếp: “Bởi vì, khi chúng ta còn là hạng người vô đạo, thì Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,6). Liên từ “bởi vì – gar” chỉ ra rằng đây là một cách cắt nghĩa điều xẩy ra trước; có mục đích cho thấy tình yêu này của Thiên Chúa lớn như thế nào mà Chúa Thánh Thần đã đổ vào lòng chúng ta.

Nhưng xét toàn bộ, chúng ta hãy nghe cho kỹ điều chính Thánh Thần nói qua miệng thánh Tông Đồ. Theo tôi, chúng ta đang đi vào vực thẳm từ đó vang lên tiếng kêu của Đức Kitô lúc hấp hối.

“Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thật vậy nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của người phải chết, mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của người Con ấy.” (Rm 5,6-10)

Tiếng kêu của Đức Giêsu trên thập giá là tiếng kêu của người lâm bồn. Vào lúc này, Ngài sinh vào một thế giới mới. “Bức tường lớn ngăn cách” của tội lỗi đã bị hạ xuống, và việc hòa giải được thực hiện (x. Ep 2,14tt). Vậy đây vừa là tiếng kêu đau khổ vừa là tiếng kêu yêu thương. “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1) Ngài yêu thương họ đến hơi thở cuối cùng! Chúng ta hiểu tiếng kêu này của Đức Kitô chứa đầy sức mạnh thần linh nào, nhờ vào những gì nó kích thích nơi người nghe nó tại chỗ. Kinh Thánh viết là viên sĩ quan đứng trước mặt Ngài, thấy Ngài tắt thở cách đó thì kêu lên: “Quả thực người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15,39) Ông trở thành tín hữu.

Không gì khác hơn là chúng ta phải đón nhận tiếng kêu yêu thương này, để nó chạm tới lòng dạ chúng ta, làm thay đổi chúng ta. Nếu không, những Ngày Thứ Sáu thánh này qua đi vô ích. Đức Giêsu vừa thốt lên tiếng kêu lớn ấy thì “ngay lúc đó bức màn trướng trong Đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung” (Mt 27.51-52). Chính là để chỉ ra những gì sẽ phải xẩy đến trong tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa chẳng làm gì với đất đá. Chính những khối đá khác phải vỡ ra; đó là những “trái tim đá” của con người đã không bao giờ bị lay chuyển, không bao giờ khóc, không bao giờ hồi tâm.

Đức Giêsu biết rõ chỉ có một chìa khóa giúp mở những tâm hồn đóng kín, và không có lời trách móc nào, xét đoán nào, đe dọa nào cũng không có sợ hãi nào, xấu hổ nào, không gì khác có thể giúp được.. Chỉ có tình yêu mở các tâm hồn ra. Và đó là khí cụ Ngài đã dùng với chúng ta: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi khi nghĩ rằng một người đã chết thay cho mọi người” (2Cr 5,14). Hạn từ được thánh Phaolô dùng ở đây, sunechei, theo chiều vòng tròn có nghĩa là: bao quanh chúng ta tứ phía, bao vây chúng ta, bao bọc chúng ta; theo chiều đường thẳng có nghĩa: thúc bách chúng ta, không cho chúng ta ngưng nghỉ, urget nos, như bản Phổ thông dịch.

Chúng ta phải giữ cho lời sau đây gắn chặt lấy ta: “Tình yêu mãnh liệt như thử thần, lửa tình là ngọn lửa bừng cháy” (Dc 8,6). Chớ gì những ngọn lửa này bén vào chúng ta trong ngày thánh hôm nay, hoặc ít ra bén vào người nào đó trong chúng ta, khiến họ cuối cùng phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa. Khi là về Thiên Chúa, thì để cho Ngài hiểu biết và chiếm đoạt mình quan trọng hơn là để mình hiểu biết. Những điều này, Thiên Chúa mạc khải cho những người bé mọn, nhưng lại giấu không cho người khôn ngoan thông thái được biết (x. Mt 11,25)

***

Thế nên chúng ta hãy dành thời giờ để suy nghĩ về tình yêu của Đức Kitô bao trùm lấy ta và thấm nhập vào tận nơi sâu thẳm của con người ta. Hãy phơi bầy chúng ta cho tình yêu này, như cho mặt trời mùa hạ. Vậy tình yêu này của Đấng Cứu Thế có đặc tính nào?

Phẩm chất đầu tiên của nó là yêu kẻ thù của mình. “Ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa thì Người đã cho chúng ta được hòa giải với Người.” (x. Rm 5,10) Đức Giêsu đã nói là “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Nhưng phải hiểu rõ hạn từ “bạn hữu” nói ở đây. Chính Ngài cho thấy có một tình yêu còn lớn hơn tình yêu đó, lớn hơn việc hy sinh tính mạng vì “bạn hữu” của mình: đó là yêu thương kẻ thù của mình (x. 5,44) và hy sinh tính mạng vì kẻ thù của mình. Thế, bạn hữu ở đây muốn nói gì? Không phải những người yêu bạn, nhưng là những người bạn yêu (Bạn theo nghĩa thụ động là “những người được yêu”, không theo nghĩa năng động là “những người yêu”). Đức Giêsu gọi Giuđa là bạn (x. Mt 26,50) không phải vì Giuđa yêu Ngài. (Ngài biết là hắn phản bội Ngài), nhưng vì Ngài yêu hắn. Và hạn từ “kẻ thù” muốn nói gì? Không phải những người bạn ghét, nhưng là những người ghét bạn (ngược với bạn hữu, kẻ thù theo nghĩa năng động là “những kẻ ghét”, không theo nghĩa thụ động là “những người bị ghét”). Thiên Chúa không thù ghét ai, và về phần Ngài, Ngài không coi ai là kẻ thù. Mọi con cái của Ngài tốt và xấu theo cùng một cách thức.

Chính là đỉnh điểm, ngọn núi Everest, của tình yêu. Tình yêu mà người ta không thể tưởng tượng là có một tình yêu nào lơn hơn trên thế giới. Chết cho kẻ thù, yêu kẻ ghét bạn, muốn hủy hoạn bạn, thậm chí đang hủy hoại bạn! “Lạy Cha, xin tha cho họ!” (x. Lc 23,34). Và những kẻ thù này, chính là chúng ta. Chúng ta, những người tội lỗi, những người vô đạo, những người, kể từ Ađam, đã học biết hình thức tình yêu đáng sợ này, một tình yêu được gọi là ích kỷ: “yêu mình đến chỗ khinh mạn Thiên Chúa, nếu cần[2]”. “Chính người đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta […] Đức Chúa đã đổ trên đầu người tất cả tội lỗi của chúng ta […] và người chẳng hề mở miệng” (x. Is 53,4.6-7).

Lạy Đấng Cứu Chuộc chúng con, Chúa yêu chúng con biết mấy. Đừng để chúng con trở về nhà không biết lần thứ mấy, mà không hiểu biết mầu nhiệm ngày hôm nay. Xin làm cho cả chúng con nữa có thể vui mừng và cảm động thưa lên với Chúa: “Chúa đã lên tiếng kêu gọi, lạy Chúa, và tiếng Chúa đã phá vỡ sự điếc lác của con… Và giờ đây, trong tâm trạng mong ngóng chờ đợi, con khao khát hướng về Chúa[3].” Chớ gì tiếng kêu của Chúa lúc sinh thì cũng phá vỡ sự điếc lác của chúng con. Trong một ngày như hôm nay, mấy thế kỷ trước, một nhà thần bí lớn [4] đang miệt mài suy niệm cuộc Khổ nạn của Đức Kitô thì nghe được những lời này trong tâm hồn, những lời đã trở thành nổi tiếng: “Ta đã yêu con, đó không phải là chuyện đùa!”

***

Phẩm chất thứ hai của tinh yêu nơi Đấng Cứu Thế là một tình yêu hiện tại. Đây không phải là ngọn lửa đã tắt, không phải một sự việc của quá khứ cách nay đã hai ngàn năm và chỉ còn là một kỷ niệm. Tình yêu ấy đang trong hiện thể, đang sống động. Nếu cần, Đức Kitô sẽ còn chết cho chúng ta, vì tình yêu đưa Ngài đến chỗ chết vẫn còn kéo dài, không thay đổi. Đức Kitô nói với chúng ta bằng những lời mà, có một hôm, Ngài đã cho tín hữu Pascal nghe thấy:

“Ta là bạn hữu ngươi hơn bất cứ một bạn hữu nào khác. Ta đã làm cho ngươi hơn họ, họ sẽ không bao giờ chịu điều Ta đã chịu khổ vì ngươi, và cũng sẽ không bao giờ chết cho ngươi lúc ngươi bất trung và gian ác, như Ta đã chết và sẵn sàng chết cho các người Ta tuyển chọn[5]

Đức Giêsu đã đưa ra vô số dấu chỉ nói lên tình yêu của Ngài. Không gì còn có thể làm để bày tỏ tình yêu ấy, vì không có thử thách nào lớn hơn là hiến mạng sống mình. Nhưng nếu Ngài vét cạn những dấu chỉ tình yêu, thì tình yêu của Ngài không bị vét cạn. Giờ đây tình yêu của Ngài được phó thác cho một dấu chỉ đặc biệt, một dấu chỉ khác, một dấu chỉ là một thực tại, thậm chí là một ngôi vị: Chúa Thánh Thần. Tình yêu của Thiên Chúa – tình yêu này của Thiên Chúa mà giờ đây chúng ta được biết – “đã được đổ đầy vào lóng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Vậy đây là một tình yêu sống động, hiện tại và đang bập bùng: Chúa Thánh Thần.

Lúc mà các tác giả Phúc Âm khác nói là Đức Giêsu “kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn” thì Gioan nói: “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30), có nghĩa là Ngài không chỉ trút hơi thở mà còn ban Thần Khí, Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Ngài. Giờ đây chúng ta hiểu tiếng kêu của Chúa lúc sinh thì chứa đựng điều gì. Mầu nhiệm của Ngài cuối cùng được khai mở.

Chúng ta được sinh ra từ tiếng kêu đó. Những lời Thánh vịnh, trong thực tế, được áp dụng cho Đức Giêsu trên thập giá: “Kìa xứ Philitinh cùng xứ Cút, tại đó kẻ này người nọ đã sinh ra. Nhưng nói về Sion, thiên hạ bảo: người người sinh tại đó. Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó” (x. Tv 87, 4.5.6). Phải tất cả đều sinh ra tại đó, ngay cả những người không biết điều ấy.

***

Phẩm chất thứ ba của tình yêu nơi Đấng Cứu Thế là một tình yêu cá nhân. Đức Kitô đã chết “vì chúng ta”, thánh Tông Đồ nói như vậy. Nếu chúng ta gán cho kiểu nói “vì chúng ta” một ý nghĩa tập thể mà thôi, kiểu nói đó mất đi điều gì đó thuộc nét cao cả của nó. Sự mất tương xứng về con số tái lập một sự tương xứng nào đó về giá trị. Thật sự Đức Giêsu là Đấng vô tội, còn chúng ta là tội nhân, Ngài là Thiên Chúa còn chúng ta là con người; nhưng dù sao Ngài cũng chỉ có một mình, còn chúng ta có hàng tỉ người. Nói một người chết để cứu mạng sống của hàng tỉ người có thể xem ra ít phóng đại hơn. Nhưng không phải như vậy. Ngài đã chết “vì chúng ta” có nghĩa là “vì mỗi chúng ta”. Theo nghĩa phân phối, không chỉ theo nghĩa tập thể. Ở chỗ khác, thánh Tông Đồ đã nói: “Ngài đã yêu tôi và đã hiến mạng vì tôi” (Gl 2,10).

Thế nên không phải một tập thể mà Ngài yêu, nhưng là từng cá nhân, từng người. Ngài cũng đã chết vì tôi, và tôi phải kết luận là Ngài cũng sẽ chết cùng một cách thức ấy, cho dù chỉ có mình tôi để cứu trên mặt đất này. Đây là một quả quyết thuộc đức tin. Tình yêu của Đức Kitô là một tình yêu vô biên, vì Ngài thuộc thần linh chứ không chỉ thuộc con người. (Đức Kitô cũng là Thiên Chúa, chúng ta đừng bao giờ được quên điều đó, dù một phút cũng đừng!) Nhưng vô biên không do các phần tạo nên. Nó là tất cả nơi tất cả. Hàng triệu hình thánh thể được truyền phép mỗi ngày trong Giáo Hội, nhưng mỗi hình không chỉ chứa đựng một phần thân thể Đức Kitô, nhưng là tất cả Đức Kitô. Cũng vậy là tình yêu của Ngài. Có hàng tỉ người, nhưng không phải họ chia nhau mỗi người một phần nhỏ tình yêu của Ngài, nhưng là toàn thể tình yêu này. Tất cả tình yêu của Đức Kitô ở trong tôi, và điều đó phải gợi cho tôi niềm vui. Nhưng người anh em tôi cũng là đối tượng của tất cả tình yêu của Đức Kitô, và điều đó phải gợi ý cho tôi kính trọng, quý mến và bác ái với người đó.

Tôi cũng có thể nói: “Ngài đã yêu tôi, và đã hiến mạng vì tôi!” Ngài biết tên từng con chiên, Ngài gọi chúng “từng con một” (x. Ga 10,3) Không có ai chỉ thuần túy là con số đối với Ngài. Những lời của Thiên Chúa đọc thấy nơi tiên tri Isaia, vang lên mới mẻ và chân thực trên môi miệng Đức Kitô trên thập giá: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi, ngươi là của riêng Ta […] Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,1.4) Ngươi đáng được trân trọng, vì Ta thương mến ngươi: ở đây tất cả đều ở số ít. Những lời này êm dịu biết bao cho người thấy mình lầm than, bất xứng, bị mọi người bỏ rơi, dù họ ít can đảm mà tin vào điều đó.

Về điểm này, thánh Tông Đồ kêu lên: “Phải chăng là gian truân, khốn , đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Không, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35.38.39) Đấy là một khám phá có thể làm thay đổi đời sống của một người, là tin mừng mà chúng ta không bao giờ được mỏi mệt khi nói to cho con người ngày hôm nay. Một điều duy nhất bảo đảm và không lay chuyển trên thế giới này, chính là Thiên Chúa yêu tương chúng ta.

***

Tôi đã nói tiếng kêu của Đức Giêsu trên thập giá là tiếng kêu của người phụ nữ lúc lâm bồn. Nhưng là một tiêng kêu đặc biệt của lúc lâm bồn. Cách đây ít lâu, trong một chuyến ra nước ngoài, tôi được biết một trường hợp cảm động. Trong lúc một thiếu phụ trẻ chờ sinh con đầu lòng, người ta khám phá ra nơi nàng một khối u. Khi đi hóa trị ngay để làm ngưng khối u, chị được cảnh báo là chắc chắn sẽ mất đứa con. Phải chọn lựa. Bà con cũng như dư luận thúc ép chị cứu mạng mình, nói rằng chị sẽ có thể có những đứa con khác. Nhưng chị vẫn không lay chuyển và từ chối chữa trị. Chị đã trở thành một trường hợp cấp quốc gia, nhiều lần trở thành đối tượng cho báo chí và truyền hình, nhất là vì trong nước này, người ta đang tranh luận nhiều về việc phá thai. Để tránh tò mò, người thiếu phụ rời nước này, về ẩn nơi quê quán của cha mẹ. Ở đó, mấy ngày sau chị sinh con, một bé gái dễ thương, nhưng chị chết một tuần sau đó.

Tôi đã tự hỏi: một khi lớn lên, đứa trẻ sẽ cảm thấy gì khi biết điều đó? Đối với nó, mọi sự trong đời dường như là hư vô so với những gì mẹ nó đã làm. Đôi khi chúng ta bắt gặp những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ thì mẹ chết. Chúng không giống với những đứa khác. Chúng như mang một mầu nhiệm. Dường như chúng không biết cũng không muốn biết bất cứ điều gì, nhưng thực ra, chúng rất để ý thu góp mọi kỷ niệm và lời nói mà người ta nhắc lại về mẹ của chúng. Đối với chúng, người ta nổi bật theo cách họ nói về mẹ của chúng. Cái chết này được ghi nơi thẳm sâu con người của chúng. Chính từ cái chết đó mà chúng được sinh ra.

Chúng ta hãy là em bé gái này, hãy là những thụ tạo của một người mẹ chết! Trong Thánh lễ, linh mục đọc lời nguyện trước khi chịu lễ: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, theo ý Chúa Cha và với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chết để ban cho thế gian được sống (per mortem tuam, mundum vivificasti)…” Tiếng kêu của Đức Kitô trên thập giá là tiếng kêu của người chết để ban cho thế gian được sống.

Dùng cách thức “một người mẹ” để giải thích sự Cứu Chuộc có một lợi điểm. Nó cho thấy một điều gì đó mới mẻ, sáp nhập và sửa chữa một phần nhãn quan “pháp lý” dựa trên ý tưởng về giá cứu chuộc. Trong trường hợp người mẹ chết cho con được sống, mối dây giữa cái chết của chị và sự sống của đứa con không phải là ngoại tại, nhưng nội tại. Nó không ở nơi một người khác – Chúa Cha – Đấng nhìn tới cái chết này mà ban sự sống; nhưng ở nơi chính tình yêu của Đấng ban sự sống. Sự sống thực sự phát sinh từ cái chết. “Ngài đã chết đển ban cho thế gian được sống”. Nhưng chỉ giải thích này mà thôi cũng không đủ, nếu không có giải thích về sự “chuộc”. Là vì đứa con trước khi ra đời, không làm gì chống lại mẹ nó, nó không phải “kẻ thù”, cũng không “vô đạo” như chúng ta, ngược lại, chúng ta là kẻ thù, vô đạo trước khi Đức Kitô làm cho chúng ta được sống.

***

Trước mạc khải này về tình yêu của Đức Kitô, chúng ta đáp lại thế nào? Chúng ta đừng vội quyết định ngay và tìm cách đáp lại. Chúng ta sẽ không có khả năng đó, hơn nữa, đó không phải là chuyện quan trọng nhất phải làm ngày hôm nay. Có một chuyện phải làm trước tiên, một chuyện chứng tỏ chúng ta đã hiểu: xúc động. Đừng đánh giá thấp sự xúc động. Khi phát xuất từ tâm hồn và chính thực, xúc động là cách đáp lại thuyết phục nhất và xứng đáng nhất có thể có, trước mạc khải về một tình yêu lớn lao hoặc một nỗi đau buồn lớn lao. Khi xúc động, người ta trải nghiệm về việc không còn tự chủ được nữa. Người ta mở lòng ra cho người khác. Vì vậy người ta cảm thấy thẹn thùng về điều đó. Nhưng người ta không có quyền che giấu xúc động của mình trước người là đối tượng. Xúc động này thuộc về người đó, là của người đó, chính người đó đã gây ra, chính cho người đó mà nó được dành cho. Đức Giêsu đã không che giấu xúc động trước bà góa ở Naim (x. Lc 7,13), trước các chị của Ladarô, thậm chí Ngài còn “khóc” (Ga 11,35). Chẳng lẽ chúng ta lại xấu hổ khi bày tỏ xúc cảm của mình đối với Ngài sao?

Xúc động để làm gì? Nó quý giá, vì giống như nhát cuốc phá vỡ lớp đất cứng, và như vậy cho phép hạt giống chìm sâu dưới đất. Xúc động thường khởi đầu cho một sự hoán cải đích thực và một đời sống mới. Phải chăng chính chúng ta đã không bao giờ khóc – hoặc ít nhất muốn khóc – về cuộc Khổ nạn của Đức Kitô? Một số các thánh đã khóc đến mù mắt vì cuộc Khổ nạn này. Có ai hỏi Phanxicô Assisi vì sao ngài khóc nhiều, thì ngài trả lời: “Tôi khóc cho cuộc Khổ nạn của Chúa tôi”. Kinh Thánh viết: “Chúng sẽ nhìn lên Đấng chúng đã đâm thâu […] Chúng sẽ thương tiếc như người ta tiếc con đầu lòng” (Dc 12,10; x. Ga 19,37). Đó không chỉ là một lời tiên tri, mà còn là một lời mời gọi, một lệnh truyền của Thiên Chúa.

Quá đủ nước mắt khóc cho chúng ta, những giọt nước mắt giả dối khóc thương chúng ta. Đã đến lúc đổ những giọt lệ khác. Những giọt lệ ngạc nhiên, vui mừng, biết ơn. Những giọt lệ xúc động hơn là những giọt lệ thống hối. Đó cũng là “tái sinh bởi nước” (x. Ga 3,3.5). Khi nghe nhắc lại cuộc Khổ nạn hoặc chính mình sửa soạn đọc bài Thương khó, thử hỏi được bao nhiêu lần tôi đã nhớ lại câu thơ nổi tiếng của Dante, và lặp lại nó, lòng như giận dữ về chính tôi: “Nếu tôi không khóc, trái đất khóc về cái gì[6] ?”

Phụng vụ của Giáo Hội nêu gương cho ta. Trong Đêm Vọng Phục sinh, Giáo Hội diễn tả sự xúc động của mình trong bài ca Exsultet: “Ôi lòng Chúa thương chúng ta thật lạ lùng!  Ôi lòng Chúa thương yêu không thể đo lường được! Ôi tội hồng phúc, vì cho chúng ta đáng được Đấng Cứu Chuộc thật vĩ đại”. Chiều nay, chúng ta cũng lặp lại những lời trên đây, sau khi đã nhắc lại tiếng kêu của Đức Kitô sinh thì trên thập giá: “Ôi tội hồng phúc, vì cho chúng ta đáng được Đấng Cứu Chuộc thật vĩ đại”.

 

(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 129-140)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 



[1]  Basiliô Cả, Traité du Saint-Esprit, 16

[2]  x. Augustino, La Cité de Dieu, XIV, 28.

[3]  Augustino, Confessions, X, 27.

[4]  Angela Foligno

[5]  B. Pascal, Pensées, 806

[6]  Dante Alighieri, L’enfer, XXXIII, 42.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều