II

“THIÊN CHÚA ĐÃ YÊU THƯƠNG THẾ GIAN”

 

Bằng một lối văn trần trụi, không có lời bình giải thần học nào hoặc có tính xây dựng, các trình thuật cuộc Khổ nạn – nhất là những trình thuật của Phúc Âm nhất lãm – đưa chúng ta trở lại với những ngày tiên khởi của Giáo hội. Đó là những phần đầu tiên của Phúc Âm được hình thành (để sử dụng ngôn ngữ theo phương pháp hiện nay của “Trường phái Hình thức”) trong truyền thống truyền khẩu và loan truyền nơi các Kitô hữu.

Trong giai đoạn này, nổi bật là các sự kiện; tất cả đưa về hai biến cố: Ngài đã chết, Ngài đã sống lại. Nhưng giai đoạn các sự kiện thô qua đi mau chóng. Các Kitô hữu đặt ngay ra câu hỏi “tại sao” có các sự kiện này, nghĩa là sự kiện Khổ nạn: tại sao Thiên Chúa đã chịu khổ? Câu trả lời là: “Vì tội lỗi chúng ta!” Chính từ cách thức này mà phát xuất ra niềm tin phục sinh, được diễn tả trong công thức nổi tiếng của Phaolô: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta; Ngài đã sống lại để chúng ta được nên công chính” (x. 1Cr 15,3-4; Rm 4,25). Từ đây, vừa có những sự kiện – Ngài đã chết, Ngài đã sống lại – vừa có ý nghĩa của những sự kiện đối với chúng ta: vì tội lỗi chúng ta, để chúng ta được nên công chính. Câu trả lời có vẻ đầy đủ: cuối cùng lịch sử và niềm tin tạo thành một mầu nhiệm Vượt Qua duy nhất.

Ngược lại, người ta chưa bắt gặp nền tảng đích thực của vấn đề. Câu hỏi trở lại dưới một hình thức khác: tại sao Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta? Câu trả lời lập tức soi sáng cho đức tin của Giáo hội, như ánh rực rỡ của mặt trời, đó là: “Vì Ngài đã yêu thương chúng ta!” “Ngài đã yêu thương chúng ta, và vì thế đã nộp mình vì chúng ta” (x. Ep 5,2); “Ngài đã yêu mến tôi và đã hiến mạng vì tôi” (x. Gl 2,20); “Ngài yêu thương Hội Thánh và hiến mạng vì Hội Thánh” (x. Ep 5,25). Như ta chấy, đó là một chân lý không tranh cãi, chân lý hàng đầu, tràn ngập mọi sự, áp dụng cho toàn thể Giáo hội lẫn từng cá nhân. Thánh Gioan viết Phúc Âm muộn hơn các tác giả khác, đưa mạc khải này về chính Đức Giêsu lúc còn tại thế. Đức Giêsu nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy.” (Ga 15,13-14)

Câu trả lời cho câu hỏi “tại sao” có cuộc Khổ nạn của Đức Kitô thực sự là cuối cùng và không có chỗ cho bất cứ một câu hỏi nào khác. Ngài đã yêu thương chúng ta vì Ngài đã yêu ta. Chấm hết. Quả thực, tình yêu của Thiên Chúa không có lý do “tại sao”: đó là tình yêu nhưng không. Tình yêu độc nhất dành cho thế gian là thật sự và hoàn toàn nhưng không, không đòi hỏi gì cho Ngài (Ngài đã có mọi sự!), nhưng chỉ là cho đi, hoặc đúng hơn, là tự hiến. “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chình Người đã yêu thương chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” (1Ga 4,10.19)

Thế nên Đức Giêsu đã chịu khổ và chịu chết một cách tự do, vì yêu. Không phải tình cờ, không vì cần thiết, cũng không do ảnh hưởng của những lý do mờ ám hay vì những lý do lịch sử lôi kéo mà Ngài không được biết, hoặc không muốn. Ai quả quyết như vậy là làm cho nội dung của Phúc Âm trống rỗng, lấy đi hồn của Phúc Âm. Bởi Phúc Âm không gì khác hơn là sứ điệp vui mừng của tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Không những Phúc Âm mà toàn bộ Kinh Thánh không gì khác hơn là lời loan báo tình yêu nhiệm mầu không thể hiểu nổi của Thiên Chúa dành cho con người. Nếu tất cả Kinh Thánh bắt đầu nói cùng một lúc, nếu, do một sự kỳ diệu nào đó, một lời viết trở thành một lời được nói ra, thì tiếng nói này, mạnh hơn sóng biển, sẽ là: “Thiên Chúa yêu anh em”.

***

Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người cắm rễ sâu trong vĩnh cửu. Thánh Tông Đồ nói: “Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1,4), nhưng đã tỏ hiện trong thời gian bằng một loạt những cử chỉ cụ thể tạo nên lịch sử cứu độ. Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã nói về tình yêu này, tức tình yêu của Ngài (x. Dt 1,1). Ngài đã nói khi tạo dựng nên ta, vì tạo dựng là gì nếu không phải là một hành vi yêu thương, hành vi yêu thương tiên khởi của Thiên Chúa đối với con người? Kinh Nguyện Thánh Thể IV nói: “Chúa đã tác tạo mọi loài để ban cho chúng đầy tràn ơn phúc”.

Tiếp đến Ngài đã nói qua các tiên tri, vì các tiên tri trong Kinh Thánh thực ra chỉ là những sứ giả tình yêu của Thiên Chúa, những “bạn hữu của Tân lang” (x. Ga 3,29). Ngay cả khi lên án hay đe dọa, họ làm như thế để bảo vệ tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người. Nơi các tiên tri, Thiên Chúa so sánh tình yêu của Người với tình yêu của một người mẹ (x. Is 49,15 tt), với tình yêu của một người cha (x. Hs 11,4), với tình yêu của một người chồng (x. Is 62,5). Chính Thiên Chúa tóm tắt cách xử sự của Ngài đối với Israel bằng một câu: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở” (Gr 31,3), một câu lạ lùng không thấy có trong bất cứ triết học hay tôn giáo nào do miệng một Thiên Chúa nói ra! “Thiên Chúa của các triết gia” là một Thiên Chúa cho người ta yêu, không phải một Thiên Chúa yêu và yêu trước.

Tuy vậy, Thiên Chúa thấy không đủ khi nói cho chúng ta về tình yêu của mình “qua trung gian các tiên tri” (Dt 1,1). “Trong những thời sau hết đây, Ngài đã nói với chúng ta qua người Con” (Dt 1,2). Có một sự khác biệt lớn so với trước đây: Đức Giêsu không chỉ nói cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa, như các tiên tri; Ngài “là” tình yêu của Thiên Chúa. Vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16) và Đức Giêsu là Thiên Chúa!

***

Cùng với Đức Giêsu, Thiên Chúa không còn nói với chúng ta từ xa, qua các trung gian nữa; Ngài đích thân nói với chúng ta thật gần gũi. Ngài nói giữa điều kiện con người của chúng ta, sau khi đã chịu đựng mọi thử thách. Tình yêu của Thiên Chúa đã nhập thể và ở giữa chúng ta! Ngay từ thời Thượng cổ đã có một người đọc Ga 1,14 theo cách này. Đức Giêsu đã yêu chúng ta bằng một trái tim vừa thần linh vừa nhân loại, và nhân loại cách hoàn hảo, cho dù ngang tầm với thần linh. Đó là một tình yêu đầy sức mạnh và tinh tế, rất dịu dàng và kiên trì. Chính bằng tình yêu này mà Ngài yêu các môn đệ, các trẻ em, cũng như yêu người nghèo, người bệnh, người tội lỗi. Nhờ tình yêu này mà Ngài làm cho họ lớn lên, ban lại cho họ địa vị và niềm hy vọng; tất cả những ai đến gần Đức Giêsu với tâm hồn đơn thành đều lại thấy mình được tình yêu của Ngài biến đổi.

Tình yêu của Ngài biến thành tình bạn: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng gọi anh em là bạn hữu.” (Ga 15,15) Nó không chỉ dừng lại ở mức đó, nhưng còn đạt tới mức đồng hóa với con người, mà trước mặt người đó mọi loại suy của người ta đành bất lực, ngay cả những loại suy về người mẹ, người cha hay vợ chồng. Ngài nói: “Anh em ở trong Thầy và Thầy trong anh em.”  (Ga 15,4)

Cuối cùng, đây là bằng chứng tối thượng của tình yêu này: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), nghĩa là tới giới hạm cuối cùng của tình yêu. Có hai sự việc cho thấy người yêu thật sự và làm cho người đó chiến thắng: việc thứ nhất là làm sự lành cho người mình yêu, việc thứ hai, cao hơn, ở chỗ chịu khổ vì người mình yêu. Vì mục đích này và để làm bằng chứng cho tình yêu vĩ đại của mình, Thiên Chúa phát minh ra cách hư vô hóa riêng của mình, Ngài thực hiện và thực hiện bằng cách chịu đựng những điều kinh khủng.

Như vậy, qua tất cả những gì phải chịu đựng, Thiên Chúa thuyết phục con người bằng tình yêu lạ lùng đối với họ, là những người trốn chạy Chúa nhân lành, vì tưởng mình bị Ngài ghét bỏ [1], Đức Giêsu lặp lại điều một ngày kia Ngài đã nói với một thánh nữ [2] đang suy niệm về cuộc Khổ nạn: “Ta đã yêu thương ngươi, đó không phải là chuyện đùa!”

Để biết Thiên Chúa yêu ta dường nào, từ nay chúng ta có một phương tiện đơn giản và chắc chắn: hãy nhìn xem Ngài đã đau khổ biết bao! Không những trong thân xác Ngài, mà nhất là trong tâm hồn Ngài. Là vì cuộc Khổ nạn thực sự là cuộc Khổ nạn không thấy được và khiến Ngài phải kêu lên trong vưởn Ghếtsêmani: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được!” (Mc 14,34) Đức Giêsu chết trong tâm hồn trước khi chết ngoài thân xác. Có bao giờ một ai đó sẽ có thể nhận thấy linh hồn Đức Kitô bị bỏ rơi, buồn sầu và lo lắng, khi Ngài thấy mình “bị biến thành hiện thân của tội lỗi” (x. 2Cr 5,21), trong khi Ngài vốn là người Con vô tội nhất của Chúa Cha? Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh có lý do đặt nơi môi miệng Đức Giêsu trên thập giá những lời trích trong sách Ai ca: “Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem, có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ của tôi!” (Ac 1,12)

Những lời: “Sic Deus dilexit mundum – Thiên Chúa đã yêu thương thế gian dường ấy!” (Ga 3,16) gợi lên lúc này. Ở đầu Phúc Âm của mình, Gioan đã thốt lên: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người!” (Ga 1,14) Nếu chúng ta hỏi tác giả: “Ông đã nhìn thấy vinh quang của Người ở đâu?”, ông sẽ trả lời: “Tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người dưới thập giá!” Vì vinh quang của Thiên Chúa là đã giấu không cho ta thấy vinh quang của Người, đã yêu thương chúng ta. Đó là vinh quang lớn nhất mà Thiên Chúa có bên ngoài Người, bên ngoài Ba Ngôi. Lớn hơn là vinh quang đã tạo dựng chúng ta, đã tạo dựng cả vũ trụ. Giờ đây ngự bên hữu Chúa Cha, trong vinh quang, thân xác Đức Kitô không còn lưu giữ những dấu chỉ và những đặc điểm của cuộc sống phải chết của Ngài nữa. Tuy vậy có một sự Ngài bo bo giữ cho mình và bày tỏ cho cả triều thần thiên quốc, như sách Khải huyền nói (x. Kh 5,6): những dấu chỉ của cuộc Khổ nạn, những vết thương. Ngài tự hào về chúng, vì chúng là dấu chỉ tình yêu vĩ đại của Ngài đối với thụ tạo.

Đức Giêsu có lý khi lặp lại cho chúng ta hôm nay, từ trên thập giá, qua những lời của phụng vụ: “Dân ta ơi, có điều chi Ta đã có thể làm cho ngươi mà Ta đã không làm? Hãy trả lời cho Ta!”

***

Nhưng có lẽ người ta sẽ nói, nếu quả thực Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta trong một thời gian, lúc Ngài còn sống ở dưới thế, vậy bây giờ ở trên trời thì thế nào? Bây giờ Ngài không còn sống giữa ta, điều gì còn lại về tình yêu này, nếu không phải là một kỷ niệm mờ nhạt? Các môn đệ Emmau đã nói: “Đã ba ngày rồi” (Lc 24,22), còn chúng ta, chúng ta bị cám dỗ nói” “Đã hai ngàn năm rồi.”  Nhưng các môn đệ đó đã lầm, vì Đức Giêsu đã sống lại và đi bên cạnh họ. Còn chúng ta, chúng ta cũng lầm khi nghĩ như họ; quả thực, tình yêu của Ngài vẫn còn ở giữa ta, vì “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

Đây là sự thật thứ hai của ngày hôm nay, không kém đẹp đẽ và quan trọng hơn sự thật đầu tiên: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Thánh Thần cho chúng ta! Nước vọt ra từ cạnh sườn cùa Đức Kitô, cùng với máu, là biểu tượng của Chúa Thánh Thần. “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta.” (1Ga 4,13)  Chúng ta hãy nhớ đến câu này của Gioan; nó là tổng hợp mọi sự; nó có nghĩa là Đức Giêsu đã ban cho chúng ta tất cả con người của Ngài, tất cả tình yêu của Ngài, vì “nhờ Thần Khí, Người đã được sống lại” (1Pr 3,18).

***

Điều tôi vừa trình bầy là mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa trong lịch sử. Giờ đây chúng ta nói đến những gì liên hệ với chúng ta: chúng ta sẽ làm gì, nói gì, sau khi đã được nghe biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường nào? Có thể có nhiều cách trả lời. Một trong những cách đó là yêu lại Thiên Chúa. Đó là điều răn lớn nhất trong Lề Luật! Một thánh thi xưa của Giáo hội đã nói về điều này như sau: “Ai mà không yêu lại Đấng yêu chúng ta như thế? – Sic nos amantem quis non redamaret?”  Thế nhưng tất cả những cái đó đến sau. Có một điều phải làm trước.

Một cách trả lời khác có thể có là chúng ta yêu thương nhau, như Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Gioan lại không nói: nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, “chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11) sao? Nhưng ngay cả việc đó cũng đến sau. Có một việc phải làm trước. Việc gì vậy? – Tin vào tình yêu Thiên Chúa. “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó.” (1Ga 4,16) Chúng ta nói về đức tin, nhưng đây là một đức tin đặc biệt. Vì đức tin không phải chỉ là sự tán đồng của tâm trí đối với một chân lý, nhưng là một điều hoàn toàn khác. Đó là đức tin-sững sờ, đức tin không thể tin – nghịch lý như nó có thể là – đức tin không đi tới chỗ bị thuyết phục về điều mình tin, cho dù tin vào điều ấy. Thiên Chúa hết sức hạnh phúc trong sự vĩnh cửu yên hàn của mình, làm sao lại muốn không những dựng nên ta, mà còn đích thân đến chịu khổ ở giữa chúng ta? Làm sao có thể xẩy ra điều đó? Chính đó là đức tin không thể tin, đức tin-sững sờ. Phần lớn những lời trong Tân Ước chúng ta đã nghe cho tới lúc này, phải được đọc với những dấu chấm than. Đó là những lời diễn tả sự ngạc nhiên của Giáo hội sơ khai: “Người đã yêu mến tôi, và hiến mạng vì tôi!” (Gl 2,20) “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian dường ấy!” (Ga 3,16)

Đó là một điều vĩ đại mà đức tin này phải sững sờ và thán phục, một điều khó khăn hơn và họa hiếm hơn bất cứ điều gì khác. Chúng ta có thật sự tin Thiên Chúa yêu thương chúng ta không? Không, chúng ta thật sự không tin vào việc đó, hoặc ít ra tin chưa đủ. Vì nếu chúng ta tin như thế thì lập tức cuộc đời, chính chúng ta, các sự vật, các biến cố, tất cả đều biến hình trước mắt chúng ta. Ngay cả ngày hôm nay, chúng ta sẽ ở trên thiên đàng với Ngài (x. Lc 23,43), bởi vì thiên đàng không gì khác hơn là vui hưởng tình yêu của Thiên Chúa. Một lời của Đức Giêsu không được ghi trong sách thánh quy điển nói thế này: “Ai ngạc nhiên sẽ thống trị”. Thì lời đó đang được thực hiện ở đây. Trước một tình yêu không thể tin nổi của Thiên Chúa, người nào rất đỗi kinh ngạc đến nỗi không thể nói được gì nữa, thì ngay từ bây giờ người ấy đi vào trong Nước Trời.

Phần chúng ta, chúng ta không thật sự tin là Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thế giới luôn làm cho sự tin tưởng vào tình yêu khó khăn hơn cho chúng ta. Có quá nhiều phản bội, ảo tưởng. Người nào bị phản bội hay thương tổn thì sợ yêu hay được yêu, vì biết rắng bị lạm dụng thì tai hại như thế nào. Đến nỗi ngày càng có đông những người không tin vào tình yêu của Thiên Chúa, thậm chí vào bất cứ tình yêu nào. Thế giới và cuộc đời đi vào – hoặc đang ở – trong một thời kỳ băng giá.

Tiếp đến, trên bình diện cá nhân, là cám dỗ về sự bất xứng khiến chúng ta nói: “Đúng là tình yêu của Thiên Chúa thì đẹp đẽ, nhưng không phải cho tôi! Làm sao Thiên Chúa có thể yêu một người như tôi, đã phản bội Ngài, lãng quên Ngài? Tôi là một người bất xứng…” Nhưng chúng ta hãy lắng nghe lời  Chúa: “Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa cón cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự.” (1Ga 3,20)

***

Thế giới cần tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Quê hương chúng ta cần tin cách đặc biệt, nếu không muốn nó tiếp tục là “cái lưới khiến chúng ta trở nên quá hung dữ”, như Dante nói. Vì vậy cần trở lại với việc công bố của Phúc Âm về tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu. Nếu không làm thế, chúng ta thuộc vào số những người “thắp đèn rổi để dưới cái thùng” (x. Mt 5,15). Chung ta làm thế giới thất vọng về sự chờ mong thầm kín nhất của họ. Trên thế giới, có những người cùng với các người Kitô hữu rao giảng công bình xã hội và tôn trọng con người, nhưng không một ai – cho dù nơi các triết gian hoặc một tôn giáo nào – nói cho người ta biết Thiên Chúa yêu họ và đi bước trước về tình yêu này. Tuy vậy, tất cả đều do chân lý này chi phối, nó là sức mạnh làm lay động mọi sự. Ngay cả chính nghĩa của người nghèo và người bị áp bức không bao giờ được bảo đảm, bao lâu nó không dựa trên sự chắc chắn nền tảng và không lay chuyển này là Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài yêu thương người nghèo và người bị áp bức.

Nhưng nói dông dài và thương xót là không đủ. Như Đức Giêsu, chúng ta phải sẵn sàng chịu khổ và tha thứ cho người làm ta đau khổ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng” (Lc 23,34). Đức Giêsu đã để lại cho ta, những người Kitô hữu, lời Ngài nói đó trên thập giá làm di sản, để chúng ta giữ gìn nó cho sống động trải qua bao thế kỷ và để nó là dụng cụ đích thực mà chúng ta sử dụng.

Không phải để tha thứ cho kẻ thù của Đức Giêsu, sống thời đó mà nay không còn nữa, nhưng để tha thứ cho kẻ thù của Đức Giêsu hôm nay, những người thù nghịch với chúng ta, với Giáo hội. Kitô giáo là tôn giáo tha thứ cho kẻ thù. Không ai quả quyết mình biết “tình yêu của Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần” (x. Rm 5,5), nếu tình yêu này đã không giúp, ít nhất một lần, tha thứ cho một kẻ thù. Chúng ta phải công khai cám ơn những anh em này trong đức tin, những người mà, khi lòng đầy thù hận và bạo lực giết người, cảm thấy rằng Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy họ tha thứ, cũng một cách công khai, cho người đã giết một người trong số họ và đã khiêm tốn tuân theo sự thúc đẩy này của Chúa Thánh Thần. Những người đó tin vào tình yêu! Họ đã làm chứng cho Đức Kitô, cho thấy tình yêu của Ngài, bày tỏ ngày hôm nay trên thập giá, là điều có thể có nhờ Thần Khí của Ngài, cho thấy tình yêu này là duy nhất có thể làm thay đổi điều gì đó trên thế giới, vì nó làm thay đổi lương tâm con người.

Do đó, về phần tôi, tôi lặp lại lời mời gọi của tiên tri Isaia: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta. Hãy khuyên bảo Giêrusalem, hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn” (Is 40,1tt). Vì một tiếng nói rất nhỏ từ thinh lặng mà đến và trở về với thinh lặng, cả tôi nưa, tôi dám nói “giữa lòng Giêrusalem”, nghĩa là giữa lòng Giáo hội, để nhắc lại cho Giáo hội điều quý giá nhất mà Giáo hội đang sở hữu: tình yêu vĩnh cửu của Phu Quân. Giờ đây, chính Phu Quân đang hướng về Giáo hội, dùng như lời của Diễm ca mà nói với Giáo hội:

“Dậy đi em, bạn tình của anh.

Người đẹp của anh, hay ra đây nào!

Tiết đông giá lạnh đã qua.

mùa mưa đã dứt đã xa lắm rồi.

Sơn hà nở rộ hoa tươi

và mùa ca hát vang trời về đây”

Dc 2,10-12)

Trong ngày cực thánh hôm nay tưởng niệm cái chết của Đức Kitô, một nguồn hứng vui mừng nâng dậy thế giới.

(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 23-33)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 



[1]  x. Nicolas Cabasilas, La vie en Christ, VI, 2

[2]  Angêla Folignô


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều