Raniero Cantalamessa

Lm Micae Trần Đình Quảng, chuyển ngữ

 

LÊN NÚI SINAI

Gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Hãy lên núi với Ta

 

Quý độc giả thân mến,

Tiếp cận với việc đọc một cuốn sách mới lại không phải là thực hiện một cuộc hành trình mới cách nào đó sao? Vì vậy, điều này dường như cho tôi thấy rõ ngay từ đầu, là xác định cho bạn đọc biết mục tiêu mà các trang này đề ra và hướng đi mà chúng ta sẽ cùng nhau nhắm tới: chúng ta lên đường đi tới Núi Sinai, để tìm kiếm một vài dấu chỉ sẽ nói cho ta biết về Thiên Chúa hằng sống.

Những người hành hương muốn leo núi Sinai địa lý khởi hành từ sáng sớm, trong lúc trời còn tối và nhiệt độ khá khắc nghiệt. Họ rời đan viện Sainte- Catherine, nơi họ vừa qua đêm; âm thầm, một mình hoặc trong những nhóm nhỏ, họ bắt đầu liên tục leo một đường dốc với vô số bậc thang, để lên tới đỉnh lúc còn sớm, hầu có thể chiêm ngưỡng trên đó cảnh tượng nổi tiếng và đầy ấn tượng lúc mặt trời mọc.

Chúng ta sẽ làm theo cách của họ. Chúng ta sẽ leo núi Sinai thiêng liêng để chiêm ngưỡng trên cao Đấng mà mặt trời chỉ là sự phản chiếu nhạt nhòa; để cả chúng ta nữa, trong mức độ có thể và theo cách Ngài muốn, chúng ta có được sự hiển linh bé nhỏ của Thiên Chúa, được Thiên Chúa tỏ mình ra. Chúng ta sẽ nhờ Môsê, Elia và cùng với họ là rất nhiều người khác đã từ Sinai trở về, hướng dẫn chúng ta.

Sinai là một ngọn núi mầu nhiệm: nó dường như ở khắp mọi nơi và không ở một nơi nào cụ thể. Chính tên núi cũng thay đổi: khi là núi Khoreb, khi là núi Sinai. Chỉ có một điều chắc chắn: đó là “núi của Thiên Chúa”. Điều đã xảy ra ở đó quan trọng đến nỗi Kinh Thánh nói về “Thiên Chúa của Sinai”, cũng như nói về “Thiên Chúa của Abraham” (x. Tv 68, 9; Tl 5, 5). Bất cứ ai đi trong "bốn mươi ngày bốn mươi đêm", dù phát xuất từ đâu, bao giờ cuối cùng cũng đến núi này. Môsê, một kẻ chạy trốn ở xứ Mađian, một hôm “dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khoreb". Tại đó, ông được thị kiến Thiên Chúa trong Bụi cây cháy bừng và được mạc khải về danh Thiên Chúa (x. Xh 3,1tt). Cũng vậy, sau khi đi suốt “bốn mươi ngày và bốn mươi đêm”, Êlidê đã đến chân núi này (x. 1V 19,8)

Đỉnh núi này, chúng ta cũng muốn đạt tới. Nhưng "ai được lên núi Chúa?" (Tv 24,3); ai có thể dám thực hiện một bước lên như vậy? Sách Thánh đáp lại bằng một câu rất đơn giản: "Môsê lên gặp Thiên Chúa và từ trên núi Chúa gọi ông” (Xh 19,3). Ông đi lên và Chúa gọi ông. Trước bất kỳ sáng kiến nào về phía chúng ta, chúng ta sẽ gặp sáng kiến ​​của Thiên Chúa. Chính Ngài gọi, chính Ngài mời: nếu bạn đang đọc những dòng chữ này, thì đó là dấu hiệu cho thấy Ngài vừa mời gọi cả bạn nữa.

Lời kêu gọi của Chúa tinh tế và mạnh mẽ biết bao! Con vật nhạy cảm với tiếng gọi của rừng; chàng nhạy cảm với tiếng gọi của nàng và nàng nhạy cảm với tiếng gọi của chàng. Lời Chúa kêu gọi mà linh hồn cảm nhận được từ Thiên Chúa sâu xa hơn vô cùng, mặc dù hoàn toàn khác về bản chất. "Lạy Chúa, Chúa đã hướng chúng con đến với Chúa, và tâm hồn chúng tôi không được yên hàn bao lâu chưa được nghỉ ngơi trong Chúa[1]."

Thiên Chúa nói với Môsê: “Hãy lên núi với Ta” (Xh 24,12). Có người đang gọi chúng ta và chờ chúng ta trên đó. Chúng ta đang tìm Ngài vì Ngài đã tìm chúng ta trước. Hơn nữa, chúng ta sẽ không tìm Ngài nếu chúng ta đã không tìm thấy Ngài. Một thánh đan sĩ đã nói: "Bạn sẽ tìm thế nào những gì bạn chưa đánh mất? Chỉ người nào đã biết Thiên Chúa và đã mất Ngài mới có thể tìm Ngài[2]": đó thực sự là tình hình của chúng ta, của tất cả chúng ta, được tạo dựng để trở thành "hình ảnh của Thiên Chúa". Nơi mỗi người chúng ta đều thấy lại sự đau buồn của Ađam, người bị đuổi ra khỏi Địa đàng, không còn nhìn thấy ánh mắt “dịu dàng và bình an” của Thiên Chúa mình.

Chúng ta sẽ sớm khám phá ra rằng ngọn núi mà chúng ta muốn leo không nằm ở bên ngoài mà nằm ở bên trong chính chúng ta, và chúng ta có thể coi suy tư của nhà thần bí là của mình, người đã viết:

“Tôi là một ngọn núi trong Thiên Chúa, tôi phải lên cao để Chúa bày tỏ khuôn mặt yêu dấu của Người cho tôi”[3].

Thế mà Sinai lại là một ngọn núi dốc. Ngày nay, việc tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống phải đương đầu với những gồ ghề và trở ngại mới, chưa được biết đến vào thời các Giáo Phụ hay khi thánh Bonaventura viết cuốn Hành trình của linh hồn tới Thiên Chúa. Trong thời đại chúng ta, hầu hết các cuộc hành trình xưa đã bị gián đoạn hoặc thậm chí không thể thực hiện được đối với con người thời nay, những người ít được đào tạo để vươn lên qua những mức độ suy tư, nhưng đúng hơn bị thu hút bởi những bằng chứng thuộc lãnh vực lịch sử hoặc hiện sinh. Đó là một Sinai của ngày hôm nay mà chúng ta phải leo lên, chứ không phải một Sinai trữ tình và vượt thời gian. Chúng ta muốn gặp Thiên Chúa hằng sống ngày hôm nay, chứ không chỉ biết Thiên Chúa đã từng sống ngày xưa. Nếu có thể, chúng ta muốn tìm lại ý nghĩa của Thiên Chúa hằng sống, bởi vì thế giới quanh ta cần Ngài – người ta thấy rõ điều đó!

Chúng ta theo cách của người ký lục có học, phục vụ Vương quốc bằng cả nova lẫn vetera, cái mới và cái cũ, tiếng nói của người thời xưa và tiếng nói của người thời nay. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa hằng sống được biết đến bằng kinh nghiệm hơn là bằng lý luận, bằng sự "lây lan" hơn là bằng tranh cãi. Cũng vậy, chúng ta sẽ không ngần ngại thường xuyên tìm đến những chứng từ nổi tiếng của những người đã gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe tiếng nói sống động phát xuất từ ​​ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” (Dt 12,1).

Chúng ta muốn đón nhận lời mời gọi mà Thiên Chúa ngỏ với con người trong các trang Kinh Thánh: "Dừng tay lại và hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!" (Tv 45,11). "Dừng tay lại": nói cách khác: hãy ngừng khuấy động; hãy lấy lại bình tĩnh của bạn. Hoặc, theo một bản dịch cũ: "hãy nghỉ ngơi" (vacate), hãy dành một khoảng cách nào đó đối với mọi sự và mọi người, để khám phá thực tại độc nhất vô nhị này quý hơn cuộc sống: "Ta là Thiên Chúa".

Vậy chúng ta hãy tìm kiếm sức mạnh của chúng ta nơi Chúa và quyết định trong lòng thực hiện: "cuộc hành trình thánh".

Với lòng tin và khiêm nhường, chúng ta hãy thưa với Người: "Lạy Chúa, con tìm tôn kiếm nhan Chúa. Xin Chúa đừng ẩn mặt !" (Tv 26,8-9).

 

 



[1]  Thánh Augustinô, Confessions, I,1; cf. BA t.13, p.273.

[2]  Cf. Archimandrite Sophronius, Starets Silouane, moine du Mont-Athos, trad. du russe par híeromoine Syméon, Paris, Présence, p.95

[3]  Ange Silesius, Le Pèlerin chérubinique, II, 83; tr. R. Munier, Paris, 1970


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều