9

LẠY CHÚA,

CHÚA LÀ AI VÀ CON LÀ AI?

 

 

Những lời cuối cùng của lời cầu nguyện mà chúng ta vừa nghe ("Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con") nói lên một sự thật quan trọng: biết Chúa cũng là cách để biết mình. Chỉ khi biết Chúa, chúng ta mới biết mình.

Thời cổ đại, nhà hiền triết tự đặt cho mình một mệnh lệnh: "Ngươi hãy tự biết mình" và ông đã vận dụng mọi phương tiện ông có để thực hiện điều đó. Thời hiện đại đã thêm vào những kỹ thuật hoặc phương tiện nội quan truyền thống một phương tiện khác riêng của mình: tâm lý học chiều sâu. Trong những hành trình này và những hành trình khác tương tự, người ta luôn và chỉ giữ lại những yếu tố, khía cạnh và tâm trạng riêng. Thiếu một nhận thức tổng hợp và toàn thể về bản thân như một con người, như một toàn bộ. Vì vậy, người ta không đạt được kiến thức thực sự về bản thân, vì "chỉ những gì hoàn chỉnh mới đúng".

Để có được kiến ​​thức như vậy, cơ sở duy nhất và thước đo duy nhất, chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa. Kierkegaard, một triết gia mà chúng ta sẽ còn có cơ hội gặp gỡ trong chuyến đi của mình, đã viết: "Người ta nói rất nhiều về nguy khốn, về những lầm than của con người; tôi cố gắng hiểu chúng và tôi đã nhìn sát những khía cạnh khác nhau của chúng; người ta nói nhiều về những cuộc sống lãng phí, nhưng chỉ lãng phí cuộc sống của người nào đã trải qua những ngày sống mà để cho bản thân bị những niềm vui hay nỗi buồn của cuộc sống phỉnh phờ, đến mức người đó chưa bao giờ có một ý thức vĩnh viễn và dứt khoát về bản thân như một thần trí, như một “cái tôi", hoặc, tương tự như vậy là không bao giờ nhận thấy cũng như có cảm tưởng sâu sắc rằng có một Thiên Chúa, và rằng "chính mình", con người của mình, cái tôi của mình được tạo ra cho Thiên Chúa... Và dường như tôi có thể khóc thương vĩnh viễn trước nỗi thống khổ này, nơi người ta thấy rất nhiều người trải qua cuộc đời của họ[1]."

Khi con người chấp nhận Thiên Chúa hằng sống trong cuộc đời của họ, khi đó họ mới trở thành con người trọn vẹn và ý thức về chính mình. Cũng triết gia trên tiếp tục viết: "Người chăn bò (nếu sự việc có thể xẩy ra) là một cái tôi trước những con bò cái, một cái tôi rất thấp kém; một ông chủ cũng là một cái tôi trước nô lệ; nhưng trong cả hai trường hợp, không có cái tôi đích danh, vì không có thước đo. Đứa trẻ mà cho đến bây giờ không có thước đo nào khác ngoài cha mẹ nó, trở thành một cái tôi ở tuổi trai tráng, khi nó có Nhà Nước là thước đo... Nhưng cái tôi được nhấn mạnh đến vô hạn như thế nào, khi nó có Thiên Chúa là thước đo của nó! Cái tôi vươn lên đầy quyền lực với thước đo của cái tôi, và quyền lực vô hạn khi Thiên Chúa là thước đo của nó... Chính khi cái tôi ý thức mình đang ở trước mặt Thiên Chúa, và chỉ khi đó, nó mới là cái tôi vô hạn."

Có một thời, vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, người ta không còn truyền bá ý tưởng về một Thiên Chúa ngôi vị và mạc khải chủ động. Các triết gia và thi sĩ thích nhìn thấy trong Nhà Nước, trong Thiên Nhiên, trên Thế Giới hoặc trong Tinh Thần (được hiểu là sản phẩm toàn cầu của sự tự do của con người và lãnh vực của nó), nền tảng cuối cùng, nơi con người định vị mình và ý thức về mình. Đã không có một thước đo quy chiếu xác thực! Khi đó, con người giống như những đại thánh đường thời Trung cổ, rất uy nghi trong một không gian quá nhỏ hẹp. Qua nhiều thế kỷ, người ta đã có những công trình xây dựng sát bên, thành ra không có sự giải phóng mặt bằng cần thiết để có thể chiêm ngưỡng toàn bộ. Người ta cảm thấy khó chịu về mặt thể lý: các chi tiết chắc chắn có thể nhìn thấy được nhưng lại thiếu viễn cảnh chung, mà chỉ viễn cảnh này mới cho phép chiêm ngưỡng công trình trong tổng thể và môi trường của nó.

Không khó để tìm ra lý do cho việc thu hẹp chân trời liên hệ đến con người. Không thừa nhận điều đó với bản thân, con người dường như tìm cách tránh né bất cứ cuộc đối đầu nào, nếu không chắc chắn trước là sẽ chiến thắng. Họ biết mình sẽ chiến thắng trong cuộc đương đầu với thiên nhiên và với thế giới, bởi vì "khi bị vũ trụ đè bẹp, con người còn cao quý hơn thứ giết chết họ, vì họ biết mình chết và vũ trụ đang có lợi thế trước họ; nhưng 'vũ trụ lại không biết gì về điều đó[2]. Nhưng mặt khác, con người cũng biết rất rõ là mình sẽ không có được chiến thắng (theo nghĩa mà họ gán cho từ này) trong cuộc đối đầu với Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy mà họ từ chối đối đầu. Qua đó, họ khước từ "tính xác thực" thường được tuyên bố là lý tưởng tối cao của mình. Họ khước từ việc biết mình là ai. Họ vẫn là một "người chăn bò đáng thương".

Con người tôn giáo, đặc biệt là thánh nhân, không tìm gì khác hơn là một cuộc đối đầu như vậy. Họ coi nó quan trọng hơn mọi sự khác. Họ mong muốn nó, ngay cả khi biết rằng mình sẽ kết thúc như bị thiêu đốt, bởi vì họ không chỉ tìm thấy ở đó “hữu thể” của mình được mạc khải, mà cả "thân phận tội lỗi" của mình nữa. Thánh Phanxicô Assisi đã dành nhiều đêm để lặp đi lặp lại: "Lạy Chúa rất dịu dàng của con, Chúa là Đấng nào? Còn con đây, đầy tớ vô dụng của Chúa, con là ai?” Có khi ngài ngước nhìn lên trời, với đôi mắt được bầu trời làm sáng lên; có khi ngài nhìn xuống đất, tất cả đều lộn xộn. Ngài tâm sự rằng "nói lên những lời này đã mang lại cho ngài hai ánh sáng, một là ánh sáng của mạc khải và của sự hiểu biết về Đấng Tạo Hóa, còn ánh sáng kia là của sự hiểu biết về chính ngài[3]." Kiến thức kép này đã luôn tạo nên cho các thánh và các hiền nhân tột đỉnh sự khôn ngoan đích thực.

Một nhân vật hiện đại đã khám phá ra Thiên Chúa trong linh hồn mình và biến hai thực tại này, Thiên Chúa và linh hồn, trở thành hai cực điểm định hướng cho sự tìm tòi của mình, đó là Hồng y Newman. Ngài mô tả sự “hoán cải” của mình ở tuổi mười lăm như sau: “Tôi cảm thấy ngờ vực là tôi đã có liên quan đến thực tại của các hiện tượng vật chất: và tôi tập trung mọi suy nghĩ của mình vào hai hữu thể, và chỉ hai hữu thể mà thôi, mà sự hiển nhiên của chúng là tuyệt đối và rõ ràng: chính tôi và Đấng Tạo Hóa của tôi." Ngài nói thêm rằng nếu ai đó hỏi ngài tại sao lại tin vào Thiên Chúa, ngài sẽ trả lời: "Bởi vì tôi tin vào bản thân mình. Quả thực, tôi cảm thấy không thể tin vào sự hiện hữu của tôi mà lại không tin vào Đấng sống như một hữu thể có ngôi vị, Đấng nhìn thấy mọi sự và phán xét mọi sự trong lương tâm tôi. Tôi tin mình đúng. Làm sao tôi biết điều đó? Tôi biết là tôi biết điều đó[4]!"

Rõ ràng, đây không phải là một minh chứng có giá trị phổ quát về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đây là một chứng từ. Nhưng đối với chủ đề mà chúng ta đang bàn trong cuốn sách này, một chứng từ, như từ đây chúng ta biết, có giá trị như một minh chứng, nếu không muốn nói là còn hơn thế nữa. Kant viết: “Phải tuyệt đối tin chắc về sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng sau đó không cần phải chứng minh sự hiện hữu đó[5].

Trên hành trình từ Ý trở về quê hương, Newman đã sáng tác một bài cầu nguyện nổi tiếng bằng thơ. Chúng ta sắp biến nó thành của chúng ta, ít nhất một phần, cầu xin cho ánh sáng chiếu trên chúng ta, thứ ánh sáng đã chiếu trên ngài lúc mười lăm tuổi, và khiến ngài vui mừng kêu lên: "Chính tôi và Đấng Tạo Hóa của tôi! "

Hỡi ánh sáng dịu dàng,

Xin hướng dẫn con trong bóng tối bao quanh con,

Ôi! Xin hướng dẫn con!

Đêm dày đặc và con ở xa nhà.

Xin hướng dẫn con về phía trước!

Xin canh giữ đường con đi:

Con không xin được thấy chân trời ở xa,

chỉ một bước là đủ cho con!

 

 



[1]  S. Kierkegaard, La maladie mortelle, IB & II, 1; x. Oeuvres, t. 16, Paris, Orante, 1971, pp. 184 & 235.

[2]  B. Pascal, Pensées, éd. Brunschwicg, 347.

[3]  Fioretti de saint Francois, 3e considération sur les stigmates; cf. saint Francois d’Assise/Document, 2e éd., Paris, E!d. Franciscaines, 1981, p. 1228 sv.

[4]  J.H. Newman, Apologie pour sa vie, I et IV, 2, 5; cf. Textes nawmaniens, t. I, Paris 1955, p. 111 et 163 sv.

[5]  cf. E. Kant, L’unique fondement possible (cité note 40) 3e partie.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều