Tông Huấn NIỀM VUI YÊU THƯƠNG (AMORIS LAETITIA) (7)

Bản Việt ngữ: Lm. Lê Công Đức (dịch từ bản tiếng Anh)

 

CHƯƠNG CHÍN (chương cuối cùng): LINH ĐẠO HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

 

313.             Đức ái mang nhiều sắc thái khác nhau, tùy vào bậc sống mà chúng ta được mời gọi. Cách đây mấy thập niên, khi nói về việc tông đồ giáo dân, Công đồng Vatican II nhấn mạnh loại linh đạo phát sinh từ đời sống gia đình. Công đồng tuyên bố rằng linh đạo giáo dân “sẽ mang đặc tính riêng của nó do những hoàn cảnh của … đời sống hôn nhân và gia đình”,[1] và rằng: “việc săn sóc các gia đình không nên xa lạ” với linh đạo ấy.[2] Thiết tưởng cần mô tả ở đây một số đặc tính căn bản của linh đạo chuyên biệt này, như nó bộc lộ ra trong đời sống và trong các mối tương quan gia đình.

 

MỘT LINH ĐẠO HIỆP THÔNG SIÊU NHIÊN

 

314.             Chúng ta vốn thường nói về cách mà Thiên Chúa cư ngụ trong lòng những ai sống trong ơn sủng của Ngài. Ngày nay ta có thể thêm rằng Chúa Ba Ngôi hiện diện trong đền thờ của mối hiệp thông vợ chồng. Cũng như Thiên Chúa ngự trong những lời tán tụng của dân Ngài (x. Tv 22,3), thì Ngài cũng ngự cách mật thiết trong tình yêu hôn nhân là tình yêu tôn vinh Ngài.

 

315.             Chúa hiện diện trong những gia đình cụ thể và thực tế, với những lo toan, những cố gắng, những vui mừng và hy vọng hằng ngày của họ. Sống trong gia đình, chúng ta thấy khó giả vờ hay nói dối; chúng ta không thể ẩn nấp sau một mặt nạ. Nếu tính cách chân thực ấy được thúc đẩy bởi tình yêu, thì Chúa đang ngự trị ở đó, với niềm vui và bình an của Người. Linh đạo tình yêu gia đình được cấu thành từ hàng ngàn cử chỉ nhỏ bé nhưng rất thật. Trong cơ man những sự trao tặng và những gặp gỡ có sức đào sâu sự hiệp thông ấy, Thiên Chúa có chỗ ngự trị của Ngài. Sự quan tâm lẫn nhau “sẽ kết hợp yếu tố nhân loại và yếu tố thần linh”,[3] vì nó được đong đầy tình yêu của Thiên Chúa. Cuối cùng, linh đạo hôn nhân là một linh đạo của mối dây ràng buộc, trong đó tình yêu Thiên Chúa cư ngụ.

 

316.             Kinh nghiệm tích cực về sự hiệp thông gia đình sẽ là một nẻo đường đích thực cho việc thánh hóa hằng ngày và giúp lớn lên trong kinh nghiệm thần bí, một phương thế để kết hợp sâu xa hơn với Thiên Chúa. Những đòi hỏi của đời sống chung và của tình huynh đệ trong gia đình là một động lực để người ta không ngừng mở lòng ra thêm nữa, và nhờ đó gặp gỡ Chúa ngày càng trọn vẹn hơn. Lời Chúa nói với chúng ta rằng “ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối, và kẻ ấy bước đi trong bóng tối” (1Ga 2,11); người ấy “ở lại trong sự chết” (1Ga 3,14) và “không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Vị tiền nhiệm của tôi, Đức Bênêđictô XVI, đã chỉ ra rằng “việc ta nhắm mắt trước tha nhân cũng sẽ làm mắt ta mù đi trước Thiên Chúa”,[4] và rằng, cuối cùng, tình yêu là ánh sáng duy nhất có thể “luôn luôn soi sáng lại cho một thế giới ở trong bóng đêm”.[5] Chỉ cần chúng ta “yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài sẽ nên hoàn hảo nơi chúng ta” (1Ga 4,12). Vì “nhân vị gắn không rời với một chiều kích xã hội”,[6] và “sự diễn tả căn bản và trước hết của chiều kích xã hội ấy của nhân vị là đôi vợ chồng và gia đình”,[7] nên linh đạo trở nên cụ thể bằng xương bằng thịt trong mối hiệp thông gia đình. Vì thế, những ai có cảm hứng tâm linh sâu sắc không nên nghĩ rằng gia đình làm hạn chế sự lớn lên của mình trong sự sống của Thánh Thần, nhưng đúng hơn hãy xem đó như một nẻo đường mà Chúa đang dùng để dẫn mình tới những tầm cao của kinh nghiệm kết hợp thần bí.

SUM HỌP CẦU NGUYỆN TRONG ÁNH SÁNG PHỤC SINH

 

317.             Nếu một gia đình đặt Đức Kitô làm trung tâm, Người sẽ thống nhất và soi sáng toàn thể đời sống của gia đình ấy. Những thời khắc khổ đau và chông gai sẽ được kinh nghiệm trong sự kết hợp với thập giá Chúa, và sự gần gũi của Người sẽ giúp gia đình vượt qua những thời khắc ấy. Trong những giờ phút đen tối nhất của đời sống gia đình, việc kết hợp với Đức Giêsu bị bỏ rơi có thể giúp tránh sự đổ vỡ. Dần dần, “với ân sủng của Chúa Thánh Thần, [đôi vợ chồng] lớn lên trong sự thánh thiện xuyên qua đời sống hôn nhân, cũng như bằng việc tham dự vào mầu nhiệm thập giá Đức Kitô, là mầu nhiệm có sức chuyển hóa những khó khăn và đau khổ thành một hiến lễ tình yêu”.[8] Hơn nữa, những khoảnh khắc của niềm vui, thư giãn, những dịp mừng, và ngay cả tình dục có thể được kinh nghiệm như một sự tham dự vào sự sống phục sinh viên mãn. Bằng những cử chỉ khác nhau trong đời sống hằng ngày, các đôi vợ chồng làm nên một “không gian được Thiên Chúa chiếu sáng, trong đó họ kinh nghiệm sự hiện diện giấu ẩn của Chúa phục sinh”.[9]

 

318.             Việc cầu nguyện trong gia đình là một cách thức đặc biệt để diễn tả và củng cố đức tin ‘vượt qua’ ấy.[10]Có thể tìm ra vài phút mỗi ngày để qui tụ với nhau trước Thiên Chúa hằng sống, kể với Ngài những lo lắng của chúng ta, xin Ngài nhìn đến những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho một ai đó đang gặp khó khăn, xin Ngài trợ giúp ta diễn tả tình yêu, tạ ơn về hồng ân sự sống và về bao ơn lành khác, và cầu xin Đức Mẹ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Chỉ với một ít lời đơn sơ như thế, khoảnh khắc cầu nguyện này có thể đem lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình chúng ta. Những diễn tả khác nhau của lòng đạo đức bình dân là một kho tàng linh đạo cho nhiều gia đình. Hành trình cầu nguyện chung của gia đình đạt tới đỉnh điểm nơi việc cùng nhau chia sẻ Thánh Thể, nhất là trong khung cảnh ngày lễ nghỉ Chúa Nhật. Đức Giêsu gõ cửa các gia đình, chia sẻ với họ bữa tiệc Thánh Thể (x. Kh 3,20). Ở đó, vợ chồng luôn luôn có thể ký kết lại giao ước Vượt Qua, là giao ước đã kết hợp họ, và là giao ước phải phản ảnh giao ước mà Thiên Chúa ký kết với nhân loại trên thập giá.[11] Thánh Thể là bí tích của giao ước mới, ở đó công trình cứu chuộc của Đức Kitô được thực hiện (x. Lc 22,20). Mối liên kết chặt chẽ giữa đời sống hôn nhân và Thánh Thể, vì thế, trở nên càng rõ hơn.[12] Vì lương thực Thánh Thể cung cấp cho đôi vợ chồng sức mạnh và động lực cần thiết để sống giao ước hôn nhân mỗi ngày như một “Giáo hội tại gia”.[13]

 

MỘT LINH ĐẠO CỦA TÌNH YÊU TỰ DO VÀ ĐỘC HỮU

 

319.             Hôn nhân cũng là kinh nghiệm hoàn toàn thuộc về một người khác. Vợ chồng chấp nhận sự thách đố và khát vọng nâng đỡ nhau, sống cùng nhau cho đến răng long đầu bạc, và bằng cách này họ phản ảnh lòng trung thành của chính Thiên Chúa. Cái quyết định dứt khoát ấy, vốn định hình một lối sống, là một “đòi hỏi thâm sâu của giao ước tình yêu phu phụ”,[14] vì “một người không thể quyết định yêu mãi mãi thì khó có thể yêu dù chỉ một ngày”.[15] Đồng thời, sự trung thành như thế có thể chẳng có ý nghĩa gì về mặt thiêng liêng, nếu nó chỉ đơn thuần là vấn đề tuân giữ luật với thái độ cam chịu. Đúng hơn, đây là chuyện của trái tim, một trái tim chỉ có Thiên Chúa nhìn thấu (x. Mt 5,28). Mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta xác nhận lại trước mặt Chúa quyết định trung thành của mình, dù cho điều gì sẽ xảy ra trong ngày đi nữa. Và tất cả chúng ta, mỗi tối trước khi ngủ, ta hy vọng sẽ thức dậy và tiếp tục chuyến phiêu lưu này, tín thác vào sự giúp đỡ của Chúa. Bằng cách này, giữa vợ chồng, người này đối với người kia sẽ như một dấu hiệu và khí cụ của sự gần gũi của Chúa, Đấng không bao giờ ruồng bỏ chúng ta: “Này đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

 

320.             Sẽ đến một lúc mà tình yêu vợ chồng đạt tới đỉnh cao của sự tự do và trở thành nền móng cho một sự tự trị lành mạnh. Điều này xảy ra khi người này nhận ra rằng người kia không thuộc về riêng mình, mà có một chủ nhân quan trọng hơn nhiều, đó là Chúa. Không ai ngoài Thiên Chúa có thể chiếm được cái trung tâm sâu thẳm nhất và thầm kín nhất của người mình yêu; chỉ có Chúa mới là tâm điểm tối hậu của cuộc đời mỗi người. Đồng thời, nguyên tắc hiện thực tâm linh yêu cầu rằng người này đừng nghĩ người kia có thể hoàn toàn thỏa mãn các nhu cầu của mình. Hành trình tâm linh của mỗi người – như Dietrich Bonhoeffer đã diễn tả rất hay – cần giúp mình đạt được một sự “vỡ mộng” nào đó trong liên quan tới người kia,[16] để ngừng kỳ vọng từ người kia một điều gì đó vốn thuộc riêng của tình yêu Thiên Chúa mà thôi. Điều này đòi hỏi một sự thanh lý nội tâm. Cái không gian mà mỗi người trong đôi vợ chồng dành riêng cho mối tương quan cá vị với Thiên Chúa không chỉ giúp chữa lành các tổn thương của đời sống chung, mà còn giúp cho họ tìm thấy trong tình yêu của Thiên Chúa nguồn ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống mình. Mỗi ngày chúng ta phải cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để có thể đạt được sự tự do bên trong này.

 

MỘT LINH ĐẠO QUAN TÂM, AN ỦI VÀ KHÍCH LỆ

 

321.             “Các đôi vợ chồng Kitô hữu là những cộng tác viên của ân sủng và là những chứng nhân đức tin – cho nhau, cho con cái, và cho bà con họ hàng mình”.[17] Thiên Chúa mời gọi họ trao tặng sự sống và chăm sóc sự sống. Do đó, gia đình “bao giờ cũng là ‘bệnh viện’ gần nhất”.[18] Vì thế, chúng ta hãy quan tâm chăm sóc nhau, hướng dẫn và khích lệ nhau, và hãy kinh nghiệm điều này như một phần của linh đạo gia đình chúng ta. Đời sống làm vợ làm chồng là một sự tham dự hằng ngày vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và mỗi người – đối với người kia – là một sự gợi ý thường xuyên từ Chúa Thánh Thần. Tình yêu của Thiên Chúa được công bố “xuyên qua lời sống động và cụ thể nhờ đó hai người diễn tả tình yêu phu phụ của mình”.[19] Vì thế hai người là sự phản ảnh cho nhau của tình yêu thần linh ấy, tình yêu có sức an ủi bằng một lời nói, một ánh nhìn, một bàn tay giúp đỡ, một vuốt ve, một ôm siết. Do đó, “ý muốn xây dựng một gia đình chính là quyết tâm trở thành một phần giấc mơ của Thiên Chúa, là chọn mơ với Ngài, là muốn xây dựng với Ngài, là tham gia với Ngài trong công cuộc xây dựng một thế giới mà ở đó không ai cảm thấy cô đơn”.[20]

 

322.             Tất cả đời sống gia đình là một “công cuộc chăn chiên” trong lòng thương xót. Mỗi chúng ta, bằng tình yêu và sự quan tâm của mình, đều để lại một dấu vết trên cuộc đời của những người khác; cùng với Thánh Phaolô, chúng ta có thể nói: “Thư giới thiệu chúng tôi chính là anh em, thư ấy được viết trong tâm hồn anh em… không phải viết bằng mực, nhưng viết bằng Thánh Thần của Thiên Chúa hằng sống” (2Cr 3,2-3). Mỗi chúng ta là một “ngư phủ chài lưới người” (Lc 5,10), nhân danh Đức Giêsu chúng ta “thả lưới” (x. Lc 5,5), hay là một người nông dân canh tác mảnh đất của những người mà mình yêu thương, tìm cách đem lại những gì tốt nhất trong họ. Hoa trái của hôn nhân gắn với việc giúp người khác, vì “yêu ai là kỳ vọng từ người ấy một cái gì đó không xác định được và cũng không thể thấy trước được; đồng thời đó cũng là – bằng cách nào đó – làm cho người ấy có thể đáp ứng sự kỳ vọng này”.[21]Đó đúng là một cách để thờ phượng Thiên Chúa, Đấng đã gieo rất nhiều điều tốt lành nơi người khác trong hy vọng rằng chúng ta sẽ giúp làm cho triển nở.

 

323.             Thật là một kinh nghiệm tâm linh thâm sâu việc nhìn những người mà ta yêu thương với đôi mắt của Thiên Chúa và nhìn thấy Đức Kitô nơi họ. Điều này đòi hỏi một sự tự do và sự cởi mở có sức giúp chúng ta trân trọng phẩm giá của họ. Chúng ta chỉ có thể hiện diện trọn vẹn với một người bằng cách hiến mình hoàn toàn và quên đi mọi chuyện khác. Những người mà ta yêu thương xứng đáng nhận được sự quan tâm đầy đủ của ta. Đức Giêsu là mẫu gương về điều này, vì bất cứ khi nào người ta đến nói chuyện với Người, Người nhìn chăm chú vào mắt họ, nhìn trực tiếp, và đầy yêu thương (x. Mc 10,21). Không ai cảm thấy mình bị thờ ơ trong sự hiện diện của Người, vì những lời nói và cử chỉ của Người chất chứa câu hỏi này: “Bạn muốn tôi làm gì cho bạn?” (Mc 10,51). Đây là điều chúng ta kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày của gia đình. Chúng ta thường xuyên được nhắc nhở rằng mỗi người sống bên ta đều xứng đáng được ta lưu tâm cách tận tình, vì họ có phẩm giá vô hạn trong tư cách là đối tượng của tình yêu khôn thấu của Chúa Cha. Điều này sẽ giúp ta có được sự dịu hiền vốn có thể “khơi lên trong lòng người khác niềm vui thấy mình được yêu thương. Sự dịu hiền được diễn tả một cách đặc biệt qua việc ân cần quan tâm khi đứng trước những hạn chế của người khác, nhất là khi chúng được thấy rõ ràng.”[22]

 

324.             Được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, gia đình không chỉ mở ra đón nhận sự sống bằng cách sinh sản trong phạm vi gia đình, nhưng còn bằng cách đi ra và lan tỏa sự sống qua việc chăm sóc người khác và tìm kiếm hạnh phúc cho họ. Sự mở ra này được thể hiện đặc biệt nơi lòng hiếu khách,[23] như Lời Chúa hùng hồn khích lệ: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13,2). Khi một gia đình có tấm lòng rộng mở và hướng ra tới những người khác, nhất là người nghèo và người bị bỏ rơi, thì đó là “một dấu hiệu, một chứng tá và là sự tham dự vào thiên chức làm mẹ của Giáo hội”.[24] Tình yêu cộng đồng, như một phản ảnh về Chúa Ba Ngôi, là cái thực sự hợp nhất ý nghĩa thiêng liêng của gia đình và sứ mạng hướng ra người khác, vì nó làm cho bài giảng tiên khởi (kerygma) có mặt, trong tất cả những đòi hỏi mang tính cộng đồng của nó. Gia đình sống linh đạo của mình qua việc đồng thời vừa là một Giáo hội tại gia, vừa là một tế bào sống động giúp biến đổi thế giới.[25]

* * *

 

325.             Không phải tình cờ mà lời dạy của Tôn sư Giêsu (x. Mt 22,30) và của Thánh Phaolô (x. 1Cr 7,29-31) về hôn nhân được đặt trong bối cảnh chiều kích tối hậu và dứt khoát của hiện sinh con người chúng ta. Chúng ta cần khám phá lại sự phong phú của giáo huấn này. Chăm chú lắng nghe giáo huấn ấy, các đôi vợ chồng sẽ thấy được ý nghĩa sâu xa hơn của hành trình đời sống của mình. Như Tông Huấn này đã thường ghi nhận, không gia đình nào hoàn hảo ngay lập tức như thể từ trên trời rớt xuống; các gia đình cần không ngừng lớn lên và trưởng thành trong khả năng yêu thương. Đây là một ơn gọi không bao giờ hoàn tất, phát xuất từ mối hiệp thông trọn vẹn của Chúa Ba Ngôi, từ mối kết hợp thâm sâu giữa Đức Kitô và Giáo hội, từ cộng đoàn yêu thương là Thánh Gia Nadarét, và từ mối hiệp thông tinh thuần giữa các thánh trên thiên quốc. Việc chiêm ngắm sự thành toàn mà mình chưa đạt tới cũng giúp chúng ta biết nhìn – với cái nhìn đúng đắn – cuộc hành trình lịch sử mà mình thực hiện trong tư cách là gia đình, và bằng cách này chúng ta không còn đòi hỏi các mối tương quan liên vị của chúng ta phải hoàn thiện, phải tinh thuần trong các ý hướng, và phải nhất quán – điều mà ta chỉ gặp thấy trong Nước Trời mai sau. Chúng ta cũng sẽ được cảnh giác để không khắc nghiệt xét đoán những ai sống trong các hoàn cảnh chênh vênh. Tất cả chúng ta được mời gọi để tiếp tục phấn đấu hướng đến một cái gì đó lớn lao hơn chính chúng ta và gia đình chúng ta, và mọi gia đình phải thường xuyên cảm thấy được sự thúc đẩy này. Chúng ta hãy thực hiện cuộc hành trình này trong tư cách là gia đình, chúng ta hãy tiến bước cùng với nhau. Điều mà chúng ta được hứa thì cao trọng hơn điều mà chúng ta có thể tưởng tượng. Ước gì chúng ta không bao giờ ngã lòng vì những giới hạn của mình, cũng không bao giờ ngừng tìm kiếm sự viên mãn của tình yêu và hiệp thông mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta.

 

Lời cầu nguyện với Thánh Gia, Giêsu, Maria và Giuse

 

Lạy Thánh Gia,

nơi các Ngài chúng con chiêm ngắm vẻ rạng ngời của tình yêu đích thực;

chúng con tin tưởng hướng về các Ngài.

 

Lạy Thánh Gia Nadarét,

xin làm cho các gia đình chúng con

cũng trở thành nơi chốn của hiệp thông và cầu nguyện,

trở thành những trường học đích thực của Tin Mừng

và những Hội Thánh tại gia nhỏ bé.

Lạy Thánh Gia Nadarét,

xin cho các gia đình đừng xảy ra bạo lực, loại trừ và chia rẽ nữa;

xin cho tất cả những ai bị tổn thương hay bị xúc phạm

tìm thấy được sự an ủi và chữa trị.

Lạy Thánh Gia Nadarét,

xin làm cho chúng con

biết ý thức lại về tính thiêng thánh

và tính bất khả xâm phạm của gia đình,

cũng như vẻ đẹp của gia đình trong chương trình của Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse,

xin thương nghe lời chúng con khẩn cầu. Amen.

 

Tại Rôma, Đền thờ Thánh Phêrô, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót,

ngày 19 tháng 3, lễ trọng Thánh Giuse, năm 2016,

năm thứ tư triều giáo hoàng của tôi.

 

PHANXICÔ

[1] Sắc Lệnh về Tông đồ Giáo dân Apostolicam Actuositatem, 4.

[2] X. ibid.

[3] 369 VATICAN II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay, Gaudium et Spes, 49.

[4] Thông Điệp Deus Caritas Est (25.12.2005), 16: AAS 98 (2006), 230.

[5] Ibid., 39: AAS 98 (2006), 250.

[6] 372 GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Christifideles Laici (30.12.1988), 40: AAS 81 (1989), 468.

[7] Ibid.

[8] Phúc trình chung kết 2015, 87.

[9] GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Vita Consecrata (25.3.1996), 42: AAS 88 (1996), 416.

[10] X. Phúc trình chung kết 2015, 87.

[11] X. GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22.11.1981), 57: AAS 74 (1982), 150.

[12] Chúng ta cũng không được quên rằng giao ước của Thiên Chúa với dân Ngài được diễn tả như một hôn ước (x. Ed 16,8. 60; Is 62,5; Hs 2,21-22), và rằng giao ước mới cũng được trình bày như một sự đính hôn (x. Kh 19,7; 21,2; Ep 5,25).

[13] VATICAN II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, 11.

[14] GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22.11.1981), 11: AAS 74 (1982), 93.

[15] Id., Bài giảng trong Thánh Lễ với các gia đình, Cordoba, Argentina (8.4.1987), 4: Insegnamenti X/1 (1987), 1161-1162.

[16] X. Gemeinsames Leben, Munich, 1973, tr. 18. Anh ngữ: Life Together, New York, 1954, tr. 27.

[17] VATICAN II, Sắc Lệnh về Tông đồ Giáo dân Apostolicam Actuositatem, 11.

[18] Bài Giáo lý (10.6.2015): L’Osservatore Romano, 11.6.2015, tr. 8.

[19] GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22.11.1981), 12: AAS 74 (1982), 93.

[20] Diễn từ tại buổi Canh Thức Đại Hội Các Gia Đình, Philadelphia (26.9.2015): L’Osservatore Romano, 28-29.9.2015, tr. 6.

[21] GABRIEL MARCEL, Homo Viator: prolégomènes à une métaphysique de l’espérance, Paris, 1944, tr. 66. Anh ngữ: Homo Viator. An Introduction to a Metaphysics of Hope, London, 1951, tr. 49.

[22] Phúc trình chung kết 2015, 88.

[23] X. GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22.11.1981), 44: AAS 74 (1982), 136.

[24] Ibid., 49: AAS 74 (1982), 141.

[25] Về những khía cạnh xã hội của gia đình, x. HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Hợp tuyển Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, 248-254.

 


Văn Kiện Giáo Hội