GƯƠNG MẶT CHÚA GIÊSU TRONG

TRONG TÔNG HUẤN ECCLESLA IN ASIA

 

Món Quà đức tin

Đức Giêsu Kitô. Đấng Cứu Độ Thần Nhân

Con người và sứ mạng Con Thiên Chúa

Đức Giêsu Ki tô: Sự Thật về con người

Ơn Cứu Độ Duy Nhất và Phổ Quát nơi Đức Giêsu

 

Một vài nhận xét về cách giới thiệu Chúa Giêsu Kitô trong Ecclesia in Asia

Kitô học và Thánh Linh học là nội dung rất quan trọng cần phải bàn đến, khi muốn trình bày về Tông Huấn Ecclesia in Asia. Đó là phần Thần Học được trao đổi và tranh luận nhiều trong các nhóm nghị phụ Thượng Hội Đồng.

Các vấn đề được trao đổi và được sắp xếp thành 4 phần: Phần 1 là Kitô học và Thánh Linh Học; Phần 2 là Sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội; Phần 3 là Sứ mạng Yêu Thương và Phục Vụ của Giáo Hội;  Phần 4 là các vấn đề liên quan khác.

Bố cục của Tông Huấn Ecclesia in Asia gồm 7 chương, trong đó chương 2 là chương Kitô học và chương 3 là chương Thánh Linh học. Hai chương ấy đi liền nhau, gắn bó với nhau mật thiết và bổ sung cho nhau. Chúng ta không được tách rời hai chương ấy, vì Thượng Hội Đồng, với tất cả các nghị phụ, đã nỗ lực tối đa để giữ cho Thánh Linh học gắn liền với Kitô học. Nỗ lực này cần thiết, vì nhờ đó chúng ta vừa nhận ra giá trị cứu độ của các tôn giáo ngoài Kitô giáo, vừa giữ vững đức tin tông truyền tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ Duy Nhất.

Đạo của chúng ta là Đạo của Chúa Giêsu, nên không thể tránh né đề cập đến Người. Loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu là nhiệm vụ của mọi  Kitô hữu. Tin Mừng Chúa Giêsu được hiểu theo hai nghĩa: Chúa Giêsu là Chủ Thể của Tin Mừng, Người loan báo Tin Mừng về Nước Trời, Tin Mừng về tình Yêu Tạo Dựng và Cứu Độ của Thiên Chúa; Chúa Giêsu là Đối Tượng của Tin Mừng, Người là nội dung của Tin Mừng, Người là Đấng Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ trần gian, Người đã chết để chuộc tội loài người và đã sống lại cho loài người được thông phần sự sống của Thiên Chúa.

Món Quà đức tin:

Đóng góp lớn nhất và duy nhất của Giáo Hội Công Giáo với các Dân Tộc Á Châu là loan báo Đức Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và thực sự là con người, Đấng Cứu Độ Duy Nhất của mọi dân tộc. Điều phân biệt Giáo Hội với những cộng đoàn tôn giáo khác là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Đó là Ánh Sáng Giáo Hội không thể giữ riêng cho mình, mà phải chia sẻ cho mọi người. Giáo Hội muốn hiến cho các dân tộc Sự Sống Mới trong Chúa Giêsu Kitô, vì biết mọi người đều đi tìm Sự Sống viên mãn. Niềm tin vào Chúa Giêsu Kilô là động lực cho việc loan báo Tin Mừng tại Á Châu của Giáo Hội. Niềm tin ấy, Giáo Hội thừa hưởng từ các Tông Đồ, là Hồng Ân đã nhận lãnh và cần được chia sẻ. ( x.EA số 10 ).

Đức Giêsu Kitô. Đấng Cứu Độ Thần Nhân:

Đức Giêsu Kitô mà Giáo Hội tin và loan báo là một con người cụ thể, một con người lịch sử đã sinh ra tại mãnh đất thuộc miền tây Á Châu, mà ngày nay đang là mãnh đất tranh chấp giữa Israel và Palestine. Người đã sinh ra yếu đuối như những trẻ thơ khác, đã trải qua thân phận người di dân, trốn chạy sự tàn ác của vua Hêrôđê. Người có cha mẹ trần gian, nhưng luôn sống trong tương quan thân mật với Thiên Chúa, mà Người gọi là Abba.

Đức Giêsu gần gũi với những người nghèo khổ, những người bị lãng quên, những người thấp cổ bé họng. Người dùng bữa với những người tội lỗi và bảo đảm với họ bàn tiệc của Cha trên trời có chỗ cho họ, nếu họ trở về với Ngài. Một nhóm môn đồ theo sau Người, phần lớn là những người ít thông hiểu lề luật, và có cả phụ nữ.  Nhóm người ấy trở thành một gia đình mới sống trong tình yêu lạ lùng của Chúa Cha.

Đức Giêsu giảng dạy cách đơn sơ, dùng những hình ảnh và ví dụ trong đời sống hằng ngày để nói về Tình Yêu của Thiên Chúa và Nước Trời. Dân chúng nhận ra rằng Người nói với uy quyền. Là một con người có bản chất hiền lành dịu dàng, nhưng không tránh né sự thật, Đức Giêsu sẵn sàng trả giá cho sứ mạng của mình. Người đã bị vu cáo là phạm thượng và phỉ báng lề luật, luôn bị coi là một người nguy hiểm cho xã hội, cần phải loại trừ. Người đã bị xử tử như một phạm nhân, bị đóng đinh thập giá, chết đau thương và chôn cất vội vã, nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại.

Đức Giêsu là con người bình thường, đơn sơ, nhưng rất lạ lùng và huyền nhiệm. Người đã thi hành thánh ý Chúa Cha là hòa giải nhân loại với Cha. Người là Đấng Cứu Độ theo nghĩa tròn đầy nhất, vì các lời nói và việc làm, mà nhất là sự Phục Sinh của Người đã mạc khải Người là Con Thiên Chúa.

Con người và sứ mạng Con Thiên Chúa:

Chân tính và sứ mạng của Đức Giêsu chỉ có thể hiểu được cách đầy đủ, khi được đặt trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Hành vi cứu độ của Người bắt nguồn từ sự Hiệp Thông Ba Ngôi, từ Tình Yêu và Sự Sống của Ba Ngôi. Nơi con người Đức Giêsu có trọn vẹn thần tính của Thiên Chúa ( Cl 2, 9 ); Người mở đường cho chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Hiệp Thông Ba Ngôi.  Là Lời Nói Tối Hậu của Thiên Chúa, Người mạc khải Thiên Chúa và Ý Muốn Cứu Độ của Thiên Chúa cách đầy đủ nhất.

Sứ mạng của Đấng Cứu Thế đat tới Tột Đỉnh trong mầu nhiệm Vượt Qua. Nhờ Hy Tế Thập Giá của Người, Chúa Cha đã ban cho thế giới ơn Tha Tội và Sự Sống Viên Mãn. Hồng Ân ấy chỉ có thể đến với chúng ta qua Người Con Yêu Dấu, Đấng Duy Nhất có thể đáp trả tình Yêu của Cha cách trọn vẹn.

Trong Đức Giêsu Kitô, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được biết Thiên Chúa không ở xa, tách biệt với con người, nhưng ớ gần, thậm chí còn kết hợp với mỗi một con người và với toàn thể nhân loại trong tất cả mọi tình huống. Đó là sứ điệp mà Kitô giáo hiến cho thế giới, là nguồn an ủi và niềm hy vọng cho mọi tín hữu.

Đức Giêsu Ki tô: Sự Thật về con người:

Nhờ Đức Giêsu, con người biết được sự thật về chính mình. Nơi Đức Giêsu, chúng ta nhận ra sự cao cả và địa vị của mỗi con người trong Lòng, trong trái tim của Thiên Chúa. Vì mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã kết hợp một cách nào đó với từng cá nhân con người. Nơi Đức Giêsu, chúng ta khám phá khả năng vô tận của trái tim con người, đối với Thiên Chúa và đối với con người.

Đức Giêsu không những tái tạo sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại, mà còn làm nên một sự hiệp thông mới mẽ giữa những con người đã bị xa cách nhau vì tội lỗi. Nơi Người, chúng ta có một trật tự mới, một hòa điệu mới. Người là Bình An của chúng ta. Trong tất cả những gì Người đã nói và đã làm, Người giống như tiếng nói, giống như bàn tay và cánh tay quy tụ tất cả con cái của Thiên Chúa thành một gia đình yêu thương.

Đức Giêsu đã nối kết Trời và Đất nơi con người của mình. Nhân loại có thể tìm gặp ơn Cứu Độ nơi Ngôi Vị Con Thiên Chúa làm người và nơi sứ mạng được trao phó cho một mình ngài với tư cách là Người Con, sứ mạng yêu thương và phục vụ sự sống của mọi người.

 Ơn Cứu Độ Duy Nhất và Phổ Quát nơi Đức Giêsu:

Nhờ Ngôi Lời hiện diện trước khi có biến cố Nhập Thể mà thế giới được tạo thành. Nhưng với tư cách là Ngôi Lời Nhập Thể, đã sống, đã chết và đã phục sinh, Đức Giêsu Kitô đã được loan báo là Đấng hoàn tất công trình tạo dựng, hoàn tất lịch sử, hoàn thành những khát vọng sống viên mãn của con người.

Phục Sinh từ kẻ chết, Đức Giêsu Kitô hiện diện với mọi người, với toàn thể tạo vật một cách mới mẽ và huyền nhiệm. Nơi Người, mọi giá trị chân chính của các tôn giáo và các nền văn hóa đạt tới sự viên  mãn và hoàn thành. Từ lúc khởi thủy cho tới ngày cùng tận, Đức Giêsu là Đấng Trung Gian Duy Nhất. Ngay cả cho những người không tuyên xưng Người là Đấng Cứu Độ, vẫn có ơn Cứu Độ là ân sủng bởi Người, vì Thần Khí vẫn được Người thông ban.

Chúng ta tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là Người thật, là Đấng Cứu Độ Duy Nhất vì chỉ một mình Người đã hoàn tất chương trình cứu độ phổ quát của Chúa Cha. Ngài là Người duy nhất biểu lộ trọn vẹn Tình Yêu của Chúa Cha cho loài người. Tính Độc Nhất ấy làm cho Đức Giêsu có một cương vị tuyệt đối và phổ quát. Ngài thuộc về lịch sử, nhưng vẫn là trọng tâm và là cùng đích của lịch sử.

Một vài nhận xét về cách giới thiệu Chúa Giêsu Kitô trong Ecclesia in Asia:

Kitô học trong Ecclesia in Asia rất trung thành với đức tin tông truyền của Hội Thánh Công Giáo, triệt để tôn trọng các tín điều của Công Đồng Nixê và Calcêđônia. Nhưng cũng rất sinh động, nhẹ nhàng, không kinh viện, trường ốc, trái lại đi sát với Kinh Thánh.

Tông Huấn không tránh né khẳng định lập trường chính thống của Giáo Hội về Đức Kitô là Đấng Cứu Độ Duy Nhất, mặc dù vẫn công nhận các giá trị cứu độ trong các tôn giáo khác, vì mọi ân sủng đều được ban trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.

Quan điểm của Tông Huấn có tính mục vụ và truyền giáo nhiều hơn.  Bận tâm của các Chủ Chăn mà Đức Thánh Cha hoàn toàn chia sẻ là làm thế nào để có được những cách trình bày, giới thiệu những hình ảnh, những cách nói về Chúa Giêsu phù hợp với người Á Châu hơn, đánh động tâm hồn, trái tim họ nhiều hơn.  Điều này đã được thảo luận sôi nỗi trong các nhóm tại Thượng Hội Đồng. Thượng Hội Đồng, cũng như Tông Huấn chỉ đề ra hướng đi, phần còn lại là công việc của các nhà thần học.

Quan điểm mục vụ ấy của Giáo Hội được trình bày trong chương 4 của Tông Huấn, đề cập đến các vấn đề loan báo Đức Kitô tại Á Châu (số 20) những thách đố của Hội Nhập Văn Hoá (số 21), các lãnh vực then chốt của Hội Nhập Văn Hóa (số 22).  Tông Huấn có lưu ý rằng nhiều nghị phụ đã nêu lên sự kiện Đức Giêsu là một người Á Châu lại được coi là xa lạ với Á Châu. Phần lớn những người Á Châu có khuynh hướng coi Đức Giêsu như một Gương Mặt Tây Phương hơn là Gương Mặt Á Châu.

Như vậy vấn đề cụ thể hiện nay là làm sao cho Kitô học có nhiều sắc thái Á Châu hơn nữa. Kitô học phải có chiều hướng mục vụ nhiều hơn. Và trong chiều hướng ấy nên phân biệt làm 2 giai đoạn: giai đoạn bắt đầu giới thiệu Đức Giêsu cho những người không là Kitô hữu, giai đoạn tiếp tục loan truyền về Ngài cho các tín hữu Kitô.

Trong giai đoạn đầu, phải làm thế nào để giới thiệu Đức Giêsu là Đấng đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của con người Á Châu biểu lộ trong văn hóa dân gian, trong các huyền thoại. Nói chung nên dùng những phương thức kể chuyện, vì chúng gần gũi với các hình thái văn hóa Á Châu hơn là suy luận. Còn trong giai đoạn hai, nên dùng lối sư phạm khơi gợi, vận dụng các câu truyện, dụ ngôn, biểu tượng.

Các nghị  phụ đã đưa ra một số hình ảnh về Đức Giêsu, mà các ngài cho là vừa trung thành với Mạc Khải và Truyền Thống, vừa có khả năng đánh động con người Á Châu: Đức Giêsu là Minh Sư, là Thần Y, là Vị Linh Hướng, là Con Người Giác Ngộ, là Bạn của người nghèo, là Chủ Chăn Tốt Lành… Các nghị phụ mới phác họa, chưa có thể nghiên  cứu đào sâu. Đây là một công việc rất lớn, rất lý thú, nhưng cũng rất khó khăn mà các nhà thần học phải đảm nhận để giúp đỡ Giáo Hội.

Một số nghị phụ đã đề ra một hướng đi khá rõ trong các bản trả lời các câu hỏi của Thượng Hội Đồng, được đúc kết khá cô đọng trong lnstrumentum Laboris số 30. Nhấn mạnh sự gặp gỡ giữa trời và đất, giữa thần linh và con người, giữa vô hạn và hữu hạn nơi Đức Giêsu Kitô. Văn hóa Á Châu yêu thích sự hòa điệu giữa các tương phản, vì sự hòa điệu ấy vừa rất huyền nhiệm, nhưng cũng rất gần gũi với con người: hòa điệu giữa siêu việt và nội tại, giữa không và có, giữa rỗng và đầy, giữa chết và sống, giữa đau khổ và hạnh phúc, giữa yếu và mạnh, giữa nghèo và giàu, giữa tĩnh và động, giữa âm và dương, giữa thời gian và vĩnh cửu, giữa lịch sử và tuần hoàn vũ trụ... Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể, đã chết và đã sống lại là Điểm Hội Tụ tuyệt vời của các tương phản ấy. 

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

Giám Mục Mỹ Tho

 

Muc Luc