KITÔ GIÁO VỚI THẾ GIỚI
ÐA TÔN GIÁO, ÐA DÂN TỘC


LM Trần Khánh Thành

Dẫn nhập.

Vào những thập niên cuối thiên niên kỷ thứ hai và bước sang thiên niên kỷ thứ ba, bên Âu cũng như bên Á, khi nhìn lại chỗ đứng của Kitô giáo trong lịch sử nhân loại hôm nay, con người có những nhận định nhiều khi trái nghịch nhau, không những từ phía những thành viên ngoài Kitô giáo mà ngay cả từ những thành viên thuộc Kitô giáo. Nhóm bi quan cực đoan nghĩ rằng Kitô giáo hết thời, không còn đáp ứng nổi những tâm thức của con người hôm nay, và họ dựa trên hiện tượng những người Kitô đào ngũ hay hiện tượng người Kitô không đến nhà thờ đang diễn ra, hình như mỗi ngày một nhiều nơi Âu Mỹ và một số nước hậu phát triển. Nhóm lạc quan và hiện thực - và người tiêu biểu cho nhóm này là Ðức Yoan Phaolô II - nhìn nhận những thực tại bi thương đang xảy ra trong lịch sử hôm nay cũng như giữa lòng Giáo Hội, nhưng vẫn xác tín vào một tương lai tốt đẹp, vào sứ mệnh sẽ hoàn thành theo thời gian, với điều kiện các thành viện trong Giáo Hội cố gắng cộng tác với Thánh Thần đang hoạt động và dẫn dắt Giáo Hội hoàn thành sứ mạng.

Ði tìm phương dược cho thực tại bi đát này, phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến thực tại đó. Nói chung người ta cho rằng con người hôm nay thờ ơ đối với vấn đề tôn giáo, con người hôm nay chỉ bị cuốn hút bởi mối bận tâm về cuộc sống con người. Tuy nhiên, sự xuất hiện một số tôn giáo mới , sự phát triển của một số tôn giáo như Hồi giáo, sự thu hút của một số tôn giáo Á Châu - Phật giáo, Ấn giáo - và thao thức của một số giới trẻ Tây phương về vấn đề tôn giáo lại minh chứng ngược lại : tôn giáo vẫn là vấn đề hiện thời của con người, một tôn giáo muốn đồng hành với lịch sử của con người, không những bản chất của tôn giáo ấy phải có khả năng đáp ứng đòi hỏi thâm sâu của con người, nhưng cách diễn tả niềm tin của tôn giáo còn phải phù hợp với tâm thức con người sống trong một môi sinh cụ thể.

Trở lại vấn đề Kitô giáo với thế giới đa tôn giáo và đa dân tộc : một vấn đề cũ phát sinh cùng thời với mầm mống Kitô giáo, nhưng đồng thời cũng là vấn đề hiện sinh của con người hôm nay. Muốn bình thản tiếp tục sứ vụ của Kitô giáo nơi trần thế, thiết tưởng cần lướt qua cội nguồn của vấn đề này, nhắc lại căn tính của Kitô giáo khi đi vào thế giới đa tôn giáo và đa dân tộc, hầu nắm vững căn tính ấy để tiếp tục sứ vụ trong bối cảnh của vấn đề hôm nay.

Trình Bày.

I. Cội nguồn của vấn đề.

Vấn đề này không phát sinh vì Kitô giáo mất chỗ đứng trong thế giới ngày nay, cũng không do trào lưu hội nhập văn hoá dường như đang bùng nổ ở Á Châu hay Phi Châu. Những bối cảnh này chỉ là cơ hội thúc đẩy Giáo Hội suy tư, đặt lại vấn đề và lần mò đi tìm những giải đáp.

1. Thiên Chúa trong Cựu Ước.

Có thể nói cội nguồn của vấn đề này bắt đầu khi Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người, cụ thể hơn, lúc Người gọi Abram để thành lập Dân riêng Người (cf. Kn 12, 1-3). Khi đến mời gọi con người đi theo mình, Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, đối diện với một thế giới đa tôn giáo, đa dân tộc. Lúc đó Người đánh mất một phần của chính Người để có thể nói với con người, nhưng Người vẫn giữ cái gì là cốt yếu của chính mình. Như vậy mới thực sự có mạc khải tình thương và cứu độ. Suốt dòng lịch sử Israel, Yavê Thiên Chúa tiếp tục con đường này, càng ngày càng sống và trao ban chính Người cho Israel, đồng hành với họ, nghĩa là cùng với họ, gặp gỡ những tôn giáo, những dân tộc mà chính Israel gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày ...

2. Ðức Yêsu.

Sự kiện Thiên Chúa gặp gỡ và đối diện với một thế giới đa tôn giáo và đa dân tộc nhằm công bố Tin Mừng, ơn cứu độ trở thành hiện thực và đi vào lịch sử nhân loại, khi Ngôi Lời chấp nhận mang thân phận con người và sống với con người để cứu độ con người. Xuyên suốt cuộc hiện hữu trần thế, và nhất là qua mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, thực chất mầu nhiệm Nhập Thể càng rõ nét hơn. Dường như Ðức Yêsu đánh mất thiên tính của Ngài, để qua thân phận làm người như bao nhiêu người khác - chỉ trừ tội lỗi - (cf. Ph 2,6-8 ; Co 1,15 ; 2C 2,7), Ngài loan báo Tin Mừng cứu độ do Ngài thực hiện, để những ai tin vào Ngài được cứu sống và tham phần vào sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta nói dường như Ngài đánh mất thiên tính, vì thật ra Ngài vẫn mang trong mình thiên tính : thiên tính không thể tách rời khỏi con người Yêsu thành Nazaret. Có như vậy, Ngài mới là Ðấng Cứu Ðộ trần gian và là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất. Có thể nói Ngài che dấu quyền năng, thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa để con người dám đến tiếp cận và đón nhận Thiên Chúa, Ðấng thương xót và yêu thương loài người. Như lời Yoan tuyên tín về mầu nhiệm nhập thể : Và Lời đã thành xác phàm, và đã lưu trú nơi chúng tôi, và chúng tôi đã chiêm ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang như của Con một tự nơi Cha, tràn đầy ơn nghĩa và sự thật (Yn 1,16). Hơn thế nữa, đấy là hành trình gặp gỡ con người mà Thiên Chúa đã chọn, và cuộc đời Ðức Yêsu là tột đỉnh hành trình mà sau này Phaolô gọi là con đường hủy mình ra không (cf.Ph 2,6-11).

3. Giáo Hội thời các Tông Ðồ.

Trước khi về Trời, Chúa Yêsu truyền lệnh cho các môn đệ loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới và thánh tẩy mọi dân tộc. Lệnh truyền này được tất cả các tác giả tin mừng lẫn Tông Ðồ Công Vụ ghi lại (cf. Mt 28,18-20 ; Mc 16,15-16 ; Lc 24,46-48 ; Yn 17,18 ; 20,21 ; Cv 1,8).

Ý thức rõ thân phận yếu đuối của mình trước mầu nhiệm Thập Giá, nhưng lại được Ðấng Phục Sinh trao phó cho sứ vụ cao cả, các Tông Ðồ không còn một con đường nào khác, ngoài con đường Chúa của các ngài đã đi và đã sống. Không những các môn đệ Ðức Yêsu thành Nazaret trung thành với nội dung sứ vụ được trao phó, như lời công bố (kerygma) đầu tiên minh chứng (cf. Cv 2,22-36), nhưng họ còn bắt chước cách hành sự của Thầy và Chúa của mình khi Ngài gặp gỡ, đối thoại với người Do thái hay với lương dân. Và con người tiêu biểu nhất của những môn đệ Ðức Yêsu không là ai khác, đấy chính là Phaolô thành Tarsô. Không những ngài xác tín, công bố mà còn sống mầu nhiệm Thập Giá nơi chính bản thân ngài. Niềm xác tín Ðức Kitô chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh (1C 15,3) và không muốn biết gì ngoài Ðức Kitô Yêsu, và là Ðức Kitô Yêsu bị đóng đinh Thập Giá (1C 2,2) đưa Phaolô đến niềm thâm tín Ðức Yêsu là Ðấng Trung Gian của Giao Ước Mới (Dt 9,15), trổi vượt hơn Giao Ước cũ (Dt 8,6) và là Ðấng Trung Gian duy nhất (1Tm 2,5) của Giao Ước vĩnh cửu.

Muốn công bố Tin Mừng này cho muôn dân, Phaolô hành sử như thế nào ?

Phaolô tóm gọn cách ngài hành sử trong thư 1C 9,22-23 : Với những người yếu, tôi đã nên người yếu, để lợi được những người yếu. Với mọi người, tôi đã nên mọi sự, để dù sao cũng cứu được ít người. Mọi sự tôi làm, đều là vì Tin Mừng, ngõ hầu được thông chia phần phúc Tin Mừng . Ðiều tâm huyết này Phaolô đã thực hiện ngay lần đầu tiên ngài bắt đầu rao giảng cho người Do thái ở Ðamas (cf. Cv 9,20-22), hay ở Antiôkia (Cv 13,16-41) hoặc cho lương dân tại Athêna (Cv 17,22-31). Không những Phaolô mạnh dạn thúc đẩy Tin Mừng Ðức Yêsu phải được công bố cho muôn dân, nỗ lực giúp mọi người đón nhận Tin Mừng này bằng cách rút tỉa những gì tích cực nơi nền văn hoá và tâm tình tôn giáo của họ nhằm phục vụ Tin Mừng Ðức Yêsu và hạnh phúc của họ, nhưng Phaolô còn tôn trọng nền văn hoá và tôn giáo của thính giả. Tuy nhiên Phaolô luôn luôn khẳng định nền văn hoá, tôn giáo của họ dù có cao đến mấy đi nữa cũng không thể so sánh với sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, với tôn giáo của Ðức Yêsu Kitô chịu đóng đinh (cf. Rm 16,27 ; 1C 1,17.19-26).

II. Giáo Hội hôm nay với thực tại đa tôn giáo và đa dân tộc.

Từ vài thập niên gần đây, nhất là từ sau Công Ðồng Vatican II, không những Giáo Hội ý thức và mời gọi con cái mình hãy có tinh thần cởi mở, tôn trọng những giá trị tôn giáo của các tôn giáo và những giá trị văn hoá của các dân tộc, nhưng còn tổ chức những cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tôn giáo, khích lệ tìm hiểu đào sâu các nên văn hoá khác nhau nhằm cùng với toàn thể nhân loại mưu tìm chân lý và thăng tiến con người để Tin Mừng thật sự được công bố và đi vào lòng nhân loại. Vấn đề đa tôn giáo và đa dân tộc thật sự trở thành một thách đố sống còn của Giáo Hội hôm nay không những ở Tây phương mà ngay cả Ðông phương. Một thách đố đầy hấp dẫn và tương lai, nếu Kitô giáo tận dụng những nét son của các tôn giáo và các nền văn hoá để công bố Tin Mừng của mình cho con người hôm nay trong những môi sinh khác nhau.

Một bùng nổ về những nỗ lực tìm hiểu các tôn giáo, các nền văn hoá, đặc biệt những tôn giáo và văn hoá Ðông phương, không những nơi những nhà trí thức Kitô giáo, nhưng ngay cả nơi quần chúng. Dường như những giá trị tôn giáo và văn hoá Tây phương không còn hấp lực và làm thoả mãn khát vọng tâm linh, nên họ bị cuốn hút bởi sắc thái huyền bí Ðông phương. Trước nguy cơ của các học thuyết duy tương đối nhằm biện minh cho thuyết đa tôn giáo và não trạng đề cao thái quá những nền văn hoá địa phương, ngày 06 tháng 08 năm 2000, qua Tuyên ngôn Dominus Jesus của Thánh Bộ Ðức Tin, một lần nữa Giáo Hội khẳng định mạnh mẽ sứ vụ loan báo Tin Mừng và truyền thống đức tin ngàn đời của mình, cách riêng về tính duy nhất và tính phổ cập về ơn cứu độ của Ðức Yêsu Kitô và của Giáo Hội, cũng như tinh thần cởi mở trao đổi, cộng tác với các tôn giáo và các dân tộc trong công cuộc mưu tìm chân lý và phục vụ hạnh phúc của con người mà Giáo Hội đang theo đuổi (Cf. Dominus Jesus, số 1-4).

Nhằm hướng dẫn việc tìm kiếm đường, chân lý và sự sống cho con người hôm nay trong việc tìm tòi suy tư thần học, trong việc đối thoại với các tôn giáo, theo đuổi công cuộc đại kết và hội nhập văn hoá, tuyên ngôn khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát lập trường của Giáo Hội Công giáo. Chúng ta có thể tóm lược khẳng định này trong 6 điểm sau :

1. Mạc khải của Ðức Yêsu-Kitô là mạc khải đầy đủ và chung cục.

Dựa trên mạc khải Kinh Thánh và giáo huấn của Công Ðồng Vatican II (MK số 2), Tuyên Ngôn nói rõ : Phải cương quyết tin rằng mạc khải tròn đầy về chân lý thần linh được thực hiện nơi mầu nhiệm Ðức Yêsu-Kitô, Ðấng là Con Thiên Chúa nhập thể, là đường, sự thật và sự sống . Qua toàn thể sự hiện diện và nhờ việc biểu lộ chính Ngài được thực hiện bằng lời nói và việc làm, bằng dấu chỉ và phép lạ, và đặc biệt hơn bằng cái chết và sự phục sinh vinh hiển từ cõi chết của Ngài, cuối cùng bằng việc sai Thần Khí chân lý, Ngài hoàn tất mạc khải. Với tư cách là Giao Ước Mới và chung cục, nhiệm cục Kitô giáo không bao giờ lỗi thời, và từ đó không còn phải đợi chờ bất cứ một mạc khải công khai nào trước khi Chúa chúng ta , Ðức Yêsu Kitô biểu lộ trong vinh quang (số 5).

Nên những ai chủ trương mạc khải nơi những tôn giáo khác bổ túc cho mạc khải của Ðức Yêsu là đi ngược với đức tin của Giáo Hội. Ngôi Lời nhập thể là nguồn, dù tham dự nhưng chân thực, và hoàn thành toàn thể mạc khải cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại, và Thánh Thần, là Thần Khí của Ðức Kitô, dạy chân lý toàn diện này cho các Tông Ðồ và qua các ngài, cho Giáo Hội mọi thời .

Cần phải phân biệt dứt khoát đức tin đối thần với tìn ngững của các tôn giáo khác Ðức tin là đón nhận trong ân sủng về chân lý mạc khải giúp con người thấu hiểu mầu nhiệm, còn tín ngưỡng của các tôn giáo khác chỉ là toàn bộ những kinh nghiệm và suy tư do con người trong khi tìm kiếm chân lý đã suy nghĩ và đã sống, nhằm đi vào những tương giao với Thần Linh và Ðấng Tuyệt Ðối : một kinh nghiệm tôn giáo còn đang trên đường tìm kiếm chânlý tuyệt đối và còn thiếu sự ưng thuận với Thiên Chúa là Ðấng tự mạc khải. Ngay cả những sách linh thánh của các tôn giáo khác thường mang một tia chân lý soi sáng mọi người.

2. Logos nhập thể và Thánh Linh trong công trình cứu độ.

Tuyên Ngôn phi bác khuynh hướng thần học muốn coi Ðức Yêsu thành Nazaret như một trong muôn nghìn khuôn mặt mà Logos đã mặc lấy xuyên suốt dòng thời gian để thông ban ơn cứu độ cho nhân loại. Nhằm biện minh tính phổ cập của ơn cứu độ Kitô giáo, lẫn sự kiện đa tôn giáo, họ đề nghi một nhiệm cục của Ngôi Lời vĩnh cửu cũng hiệu lực ở bên ngoài Giáo Hội và không có tương quan với Giáo Hội, và một nhiệm cục của Ngôi Lời nhập thể.

Những luận đề này kịch liệt tương phản với đức tin Kitô giáo : Ðức Yêsu thành Nazaret, con Ðức Maria, và chỉ có một mình Ngài là Con và Ngôi Lời của Chúa Cha. Dựa trên Kinh Thánh và tiếp nối truyền thống đưc tin từ Công Ðồng Nicê đến Công Ðồng Vatican II và lời tuyên bố của đức Yoan Phaolô II trong thông điệp Redemptoris missio, Thánh Bộ Ðức Tin khẳng định : Không thể tách biệt Ngôi Lời và Ðức Yêsu Kitô : Ðức Yêsu là Ngôi Lời nhập thể, Ngôi Vị duy nhất, bất khả phân chia. Ðức Kitô không là ai khác ngoài là Ðức Yêsu thành Nazaret, và Ðức Yêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để cứu độ mọi người (RM số 55). Nên tách biệt hành động cứu độ của Logos xét như là hành động của Ngôi Lời đã thành xác phàm là nghịch với đức tin Công Giáo. Trong công trình cứu độ chỉ có một chủ thể độc nhất tác động trong hai bản tính, thần linh và con người, đấy là ngôi vị độc nhất của Ngôi Lời.

Chỉ có một nhiệm cục cứu độ duy nhất do Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi muốn, đó là nhiệm cục có nguồn gốc và trung tâm là mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, Ðấng là trung gian ân sủng thần linh nhằm sáng tạo và cứu chuộc toàn thể nhân loại. Nên chỉ có một mình Ðức Yêsu Kitô là Ðấng trung gian và cứu chuộc phổ cập. Thánh Bộ Ðức Tin cũng phi bác giả thuyết một nhiệm cục của Chúa Thánh Linh phổ cập hơn nhiệm cục của Ngôi lời nhập thể, chịu đóng đinh và phục sinh. Ðức tin Công Giáo nhìn nhận việc nhập thể cứu độ của Ngôi Lời như là một biến cố của Ba Ngôi. Toàn thể công trình xây dựng Giáo Hội do Ðức Yêsu-Kitô là Ðầu xuyên suốt mọi thế kỷ hằng được thực hiện trong hiệp thông với Thần Khí của Ngài. Hành động cứu độ của Ðức Yêsu-Kitô, cùng với Thần Khí và nhờ Thần Khí của Ngài, lan rộng đến toàn thể nhân loại, vượt biên thùy hữu hình của Giáo Hội. Thần Khí không tác động bên cạnh hay bên Ngoài Ðức Kitô, nên chỉ có một nhiệm cục cứu độ duy nhất của Thiên Chúa độc nhất và Ba Ngôi, được thể hiện nơi mầu nhiệm nhập thể, chết và phục sinh trong sự cộng tác của Thánh Thần.

3. Tính duy nhất và phổ cập của mầu nhiệm cứu độ do Ðức Yêsu Kitô.

Dựa trên mạc khải của Tân Ước và truyền thống đức tin từ thời Giáo Hội nguyên thủy, Thánh Bộ tái khẳng định : ý muốn cứu độ của Thiên Chúa độc nhất và Ba Ngôi được biểu lộ và hoàn thành một lần thay cho tất cả nơi mầu nhiệm nhập thể, chết và sống lại của Con Thiên Chúa. Thánh bộ nhắc nhở thần học hôm nay khi tìm hiểu về những kinh nghiệm tôn giáo và về ý nghĩa những kinh nghiệm này trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, phải xem xét những phương diện và những yếu tố tích cực của những tôn giáo này : chúng có đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa hay không ? Và đi vào như thế nào ? Những giải pháp trù tính một hành động cứu độ bên ngoài trung gian độc nhất của Ðức Kitô đều chống lại đức tin Kitô giáo và Công giáo.
Ðức Yêsu-Kitô có một chức năng độc nhất và đặc thù đối với nhân loại và lịch sử nhân loại : chức năng này là của riêng Ngài, mang tính chất độc hữu, phổ cập và tuyệt đối. Ngài là trung tâm và cùng đích của chính lịch sử nhân loại.

4. Tính duy nhất và hiệp nhất của Giáo Hội.

Thánh Bộ khẳng định Chúa Yêsu, Ðấng trung gian độc nhất không những thành lập một cộng đồng các môn đệ, nhưng còn thiết lập Giáo Hội như mầu nhiệm cứu độ. Không những Ðức Yêsu-Kitô hiện diện nơi Giáo Hội, nhưng Ngài cùng hành động với Giáo Hội để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Không thể tách rời, lẫn không thể lẫn lộn Ðức Kitô với Giáo Hội, cả hai làm thành Ðức Kitô toàn thể duy nhất. Theo đức tin Công giáo, tính duy nhất và hiệp nhất của Giáo Hội chẳng khi nào vắng bóng, vì Chúa hứa không bao giờ bỏ rơi Giáo Hội và tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội nhờ Thần Khí của Ngài (cf. Mt 16,18 ; 28,20 ; Yn 16,13).

Hơn nữa có một liên tục lịch sử giữa Giáo Hội do Ðức Kitô thiết lập và Giáo Hội công giáo. Mặc dù có những chia rẽ giữa các Kitô hữu, Giáo Hội Ðức Kitô vẫn tiếp tục hiện hữu trọn đầy nơi một mình Giáo Hội công giáo. Chỉ có một Giáo Hội độc nhất của Ðức Kitô hiện tồn nơi Giáo Hội công giáo, do đấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với ngài cai quản. Dù không hiệp thông hoàn hảo với Giáo Hội công giáo, các Giáo Hội vì mật thiết liên kết do sự kế tục tông đồ và do bí tích Tạ Ơn hợp pháp, vẫn là những Giáo Hội đặc thù đích thực. Nên Giáo Hội của Ðức Kitô là một tập hợp những Giáo Hội, những Cộng Ðồng Giáo Hội. Do đó những Giáo Hội và những Cộng Ðồng giáo hội này vẫn có ý nghĩa và giá trị trong mầu nhiệm cứu độ. Chắc chắn sự thiếu hợp nhất giữa các Kitô hữu là một thương tích cho Giáo Hội, không phải vì thiếu hợp nhất mà thôi, nhưng vì còn là chướng ngại cho công cuộc thực hiện tròn đầy tính phổ quát của Giáo Hội trong lịch sử.

5. Giáo Hội là Vương quốc Thiên Chúa và Vương quốc Ðức Kitô.

Giáo Hội được trao ban sứ vụ loan báo và thiết lập Vương quốc Thiên Chúa nơi mọi dân tộc. Một đàng Giáo Hội là bí tích , nghĩa là vừa là dấu chỉ và là phương thế hiệp nhất mật thiết với Thiên Chúa và thống nhất nhân loại. Ðàng khác, Giáo Hội là dân rút sự hiệp nhất của mình từ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nên Giáo Hội cũng là triều đại của Ðức Kitô đã hiện diện một cách nhiệm mầu, là mầm mống và nguyên lý của triều đại của Vương quốc Thiên Chúa. Quả thật Vương quốc Thiên Chúa là một thực tại hiện tại trong thời gian, nhưng chỉ hoàn thành trọn vẹn khi lịch sử hoàn tất. Vậy không thể tách biệt Vương quốc với Giáo Hội.

Tuy nhiên hiệp nhất giữa Giáo Hội và Vương quốc không có nghĩa là Vương quốc Thiên Chúa đồng hoá với Giáo Hội trong thực tại hữu hình và xã hội của Giáo Hội. Nhìn nhận mối tương quan đích thật giữa Vương quốc Thiên Chúa, Vương quốc Ðức Kitô và Giáo Hội sẽ tránh được những phương diện tiêu cực do những chủ thuyết quá khích về quy triều đại , quy thần hay quy Giáo Hội .

6. Giáo Hội và các tôn giáo đối diện với ơn cứu độ.

Trên hành trình nơi trần gian, Giáo Hội cần thiết cho ơn cứu độ do Ðức Kitô là Ðấng trung gian và đường ban ơn cứu độ. Chính Ngài tuyên bố rõ ràng cần thiết phải có đức tin và phép thánh tẩy, do đó cần có sự hiện diện của Giáo Hội để con người đi vào qua cửa thánh tẩy. Học thuyết này không được đối nghịch với ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa : phải nắm vững cả hai chân lý đó, nghĩa là mọi người đều có khả thể thật sự được cứu độ do Ðức Kitô, và Giáo Hội cần thiết cho ơn cứu độ.

Giáo Hội là bí tích phổ quát về ơn cứu độ , vì hằng hiệp nhất với Ðức Yêsu Kitô Cứu Chúa, nên có một liên hệ bất khả thế trong kế hoạch của Thiên Chúa nhằm cứu độ toàn thể con người.

Về cách thức truyền đạt ơn cứu độ của Thiên Chúa cho những người không-Kitô hữu, luôn luôn do Ðức Kitô trong Thần Khí và trong tương quan nhiệm mầu với Giáo Hội. Tuy nhiên những chủ trương thần học coi Giáo Hội như một con đường cứu độ trong số những con đường khác đều đi nghịch với đức tin Công giáo.

Giáo Hội do Ðức Kitô thành lập là khí cụ của ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Chân lý đức tin này không giảm thiểu lòng tôn trọng chân tình của Giáo Hội đối với những tôn giáo trên toàn cầu. Nhưng đồng thời chân lý đức tin này triệt để loại trừ não trạng duy trung lập bị thấm nhiễm bởi chủ nghĩa tương đối hoá tôn giáo coi mọi tôn giáo đều có giá trị (Thông điệp Redemptoris missio, số 36). Các tín đồ của các tôn giáo khác có thể lãnh nhận ân sủng cứu độ của Thiên Chúa, nhưng khách quan, họ sống trong trạng huống nghèo nàn trầm trọng, khi so sánh với những người ở trong Giáo Hội, đươc trọn đầy những phương tiện cứu độ.

Trong việc đối thoại với các tôn giáo, sứ vụ Truyền Giáo ngày nay và luôn mãi vẫn còn giữ trọn vẹn hiệu lực và cần thiết (TG, số 7). Ơn cứu độ hiện diện trong chân lý. Những ai vâng phục sự thúc động của Thần Khí, họ đã đang trên đường cứu độ. Nhưng Giáo Hội phải lên đường gặp gỡ khát vọng của họ để đem chân lý ấy đến với họ. Sự đồng đẳng, điều kiện dể đối thoại, có nghĩa là bình đẳng về phẩm giá nhân vị của các thành viên, chứ không phải bình đẳng về những học thuyết, và càng không phải bình đẳng giữa Ðức Yêsu-Kitô và những vị sáng lập các tôn giáo khác. Ðược đức ái và lòng tôn trọng tự do hướng dẫn, Giáo Hội phải loan báo cho mọi người chân lý do Chúa mạc khải một cách chung cục, và công bố cần thiết phải trở về với Ðức Yêsu-Kitô, đính kết với Giáo Hội nhờ bí tích thánh tẩy và các bí tích khác, nhằm hiệp thông trọn đầy với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

Kết luận.
công bố Tin Mừng Ðức Yêsu Kitô cho mọi người trên hoàn vũ, hầu quy tụ muôn dân thành Dân Thiên Chúa duy nhất mà Giáo Hội là bí tích hữu hình và đang trên đường hoàn thành sứ vụ dưới sự dẫn dắt của Thần Khí Ðức Kitô. Tin Mừng này cần phải đi vào những nền văn hoá khác nhau, những tôn giáo của con người. Trên con đường mưu tìm hạnh phúc và công bố chân lý cho con người, trong niềm xác tín vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa và hành động của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, Giáo Hội nhận thấy mình phải đồng hành và cộng tác với mọi người thành tâm thiện chí đang nỗ lực tìm chân lý. Chính nơi môi trường nhân văn này mà Giáo Hội phải thực thi sứ mạng do Ðấng phục sinh ủy thác cho Giáo Hội. Nhưng làm sao có thể thi hành sứ vụ này ?

Ðối thoại với các tôn giáo, hội nhập các nền văn hoá khác nhau của nhân loại để chân lý Tin Mừng được mọi người đón nhận như một hồng ân nhưng không do Thiên Chúa, Ðấng giầu lòng xót thương dành cho con người, trở thành một vấn đề hấp dẫn, nhưng cũng đầy thách đố cho Giáo Hội và cho mọi thành viên của Giáo Hội ngày nay. Con đường Giáo Hội thuở ban đầu lần mò tìm kiếm (cách riêng Phaolô), và nhất là con đường nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa mang lấy xác phàm, chết và phục sinh để cứu độ muôn dân, nhất thiết phải là con đường độc nhất, khuôn mẫu độc nhất để công bố Tin Mừng cho con người hôm nay, dù họ dửng dưng với vấn đề Thiên Chúa hay đang trên đường tìm kiếm Người.


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà