ÐỐI THOẠI, MỘT ƠN GỌI
CỦA GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU

 


LM Nguyễn Trung Kiên

I. Ðối Thoại Và Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu.

1. Ðối thoại trong thời gian chuẩn bị Thượng Hội Ðồng.

Có thể nói Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu được chuẩn bị trong tinh thần đối thoại, theo nghĩa Tòa Thánh, cụ thể là Ðức Thánh Cha, muốn lắng nghe, muốn hiểu, muốn cùng Á Châu ưu tư và hy vọng. Chính quá trình và cách chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng gợi cho ta có ý nghĩ trên.

Thật vậy, trong hơn 2 năm 7 tháng chuẩn bị (từ 10/9/1995 đến ngày khai mạc Thượng Hội Ðồng 18/4/1998), Ủy ban Tiền Thượng Hội Ðồng đã có 5 cuộc họp để chọn đề tài và chuẩn bị bản đề cương trình lên Ðức Thánh Cha, để xem xét những phản ứng đầu tiên về bản đề cương, và để, sau khi gửi bản đề cương đến mọi nơi mọi giới trong khắp lục địa Á châu, cứu xét những bản trả lời các câu hỏi của bản đề cương và soạn thảo tập tài liệu làm việc (instrumentum laboris) với sự cộng tác của các chuyên viên từ nhiều nước của lục địa Á Châu. Tất cả những chuẩn bị này có lẽ cũng tương tự như các Thượng Hội Ðồng của những địa phương khác, thế nhưng cái khác có lẽ là tinh thần và bầu khí đối thoại như Ðức Thánh Cha đã ghi nhận trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, Ðức Thánh Cha viết :

"Những phiên họp trước đó của các Giám mục Á Châu đã góp phần chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng, tạo điều kiện cho có một bầu khí hiệp thông sâu xa đầy tình huynh đệ trong Giáo Hội. Về mặt này phải kể tới sự đóng góp của các phiên họp khóng đại và các hội nghị chuyên đề trước đó do Liên Hiệp Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (LHHÐGMAC) và các văn phòng của Liên Hiệp ấy bảo trợ, nhờ đó đông đảo giám mục Á Châu có dịp gặp gỡ nhau định kỳ, tạo điều kiện thêm cho những liên hệ trong thừa tác vụ. Tôi đã được đặc ân đến viếng thăm một số phiên họp ấy, thỉnh thoảng chủ toạ các cuộc cử hành Thánh Thể long trọng khai mạc hay bế mạc các phiên họp ấy. Vào những dịp đó, tôi có cơ hội quan sát trực tiếp cuộc hội ngộ trong tinh thần đối thoại giữa các Giáo Hội địa phương, kể cả các Giáo Hội Ðông Phương, hiện thân qua các vị mục tử của các Giáo Hội ấy. Những hội nghị này và các hội nghị theo vùng của các Giám mục Á Châu khác đã được Chúa quan phòng dùng làm sự chuẩn bị xa cho Hội nghị của Thượng Hội Ðồng Giám Mục.

Bản thân việc tổ chức Thượng Hội Ðồng này cũng xác nhận thêm tầm quan trọng của sự đối thoại, coi đó như cung cách sinh hoạt điển hình của Giáo Hội tại Á Châu. Chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến và đề nghị một cách chân tình và thẳng thắn, đó là phương thế đưa tới sự gặp gỡ đích thực giữa các tinh thần, sự hiệp thông trong trí óc và con tim, một sự hiệp thông trong tình yêu là biết tôn trọng và vượt lên trên những dị biệt" (GA 3).
2. Ðối thoại trong khoáng đại hội nghị Thượng Hội Ðồng.
Thượng Hội Ðồng cũng đã diễn ra trong bầu khí đối thoại và hơn nữa đã đề cập nhiều về đối thoại.

Tông huấn viết : "Cuộc gặp gỡ trong tinh thần đối thoại giữa các Giám mục và Ðấng Kế Vị thánh Phêrô, người được giao trách nhiệm củng cố anh em mình (x. Lc 22, 32), quả thật là một dịp làm cho đức tin và sứ mạng thêm vững mạnh. Hết ngày này qua ngày khác, lúc nào người ta cũng thấy đại sảnh của Thượng Hội Ðồng cũng như các phòng họp tràn ngập các báo cáo phản ánh đức tin sâu sắc, tình yêu hy sinh, niềm hy vọng không suy suyển, sự dấn thân với nhiều đau khổ, lòng can đảm bền bỉ và sự tha thứ đầy nhân ái ... Thượng Hội Ðồng là một thời cơ ân sủng, vì đó là một cuộc gặp gỡ Chúa Cứu Thế, Ðấng vẫn tiếp tục có mặt trong Giáo Hội thông qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần, được người ta cảm nhận qua những cuộc đối thoại huynh đệ về sự sống, sự hiệp thông và sứ mạng của Giáo Hội" (GA 3).

Ngoài ra, như chúng ta biết Thượng Hội Ðồng có tất cả 169 bài tham luận trong đó có 29 bài về đối thoại tôn giáo, 26 bài về hội nhập văn hóa, 26 bài về các vấn đề xã hội ... Như thế, rõ ràng nỗi bận tâm hàng đầu của Á Châu là vấn đề đối thoại. Mối bận tâm này diễn tả đúng tâm trạng của Giáo Hội tại Á Châu, phần đất đa văn hóa, đa tôn giáo nhất thế giới, và cũng phản ảnh chọn lựa của Liên Hiệp Hội Ðồng Giám Mục Á Châu : "đối thoại là phương cách mới để là Giáo Hội tại Á Châu" (Dialogue is a new way of being Church in Asia) theo tinh thần của thông điệp Ecclesiam Suam của Ðức Thánh Cha Phaolô VI. Bản thông điệp này vẫn được mệnh danh là bản đại hiến chương về đối thoại của Giáo Hội, theo tinh thần Công đồng Vaticanô II.

2. Ðối thoại trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Ðồng.

a. Một công trình của đối thoại.
Trong bài "trình bày khái quát về Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu", của ban thươờng huấn tổng Giáo Phận Tp.HCM, tác giả viết : "trừ hai Hiến Chế Tín Lý và Mục Vụ của Công Ðồng Vaticanô II, con chưa thấy bản văn nào có một tầm mức quan trọng và bao quát như Tông Huấn này ... Tông Huấn chứa đựng những suy tư sâu sắc, những nhận định chính xác và những đề nghị hành động rõ ràng để giúp chúng ta hiểu về chính Châu Á của mình với sự phức tạp, đa dạng và phong phú của nó, với những khó khăn và thách đố trong đời sống cá nhân và xã hội cũng như trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Ðức Thánh Cha đã tổng hợp tất cả các thực taị phong phú ấy cách kỳ diệu và đầy khôn ngoan, rồi quy về Ðức Giêsu Kitô như là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của toàn thể loài người và vũ trụ.

Tông Huấn này cũng là kết quả hành động của Giáo Hội thông qua các nghị phụ của Thượng Hội Ðồng. Ðây cũng là ơn soi sáng và tác động của Chúa Thánh Thần muốn nói một cách đặc biệt với Giáo Hội tại Á Châu ..."

Ðọc những lời trên, bản thân con tự nghĩ : nếu Thượng Hội Ðồng này không được chuẩn bị và không diễn ra trong tinh thần cởi mở, đối thoại thì có được như vậy không ? Nhìn lại diễn tiến của Thượng Hội Ðồng, ta thấy các nghị phụ đã lắng nghe Chúa Thánh Thần nói qua các biến cố và thực tại của Châu Á, rồi chia sẻ cho nhau : "Hết ngày này sang ngày khác, lúc nào người ta cũng thấy đại sảnh của Thượng Hội Ðồng cũng như các phòng họp tràn ngập các báo cáo phản ảnh đức tin sâu sắc" (GA 3). Còn Ðức Thánh Cha đã lắng nghe và nghe rất kỹ tiếng nói của Chúa Thánh Thần nói qua các nghị phụ để có thể "tổng hợp các thực tại phong phú ấy cách kỳ diệu và đầy khôn ngoan". Ðức Thánh Cha cảm nghiệm : "Thượng Hội Ðồng là một thời cơ ân sủng, vì đó là một cuộc gặp gỡ Chúa Cứu Thế, Ðấng vẫn tiếp tục có mặt trong Giáo Hội thông qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần, được người ta cảm nhận qua những cuộc đối thoại huynh đệ ..." (GA 3). Vì thế Ngài nói : "Tôi muốn chia sẻ với Giáo Hội Á Châu và với Giáo Hội trên khắp thế giới những kết quả của Hội Nghị đặc biệt này. Tài liệu này muốn chuyển tới cho độc giả sự phong phú chứa đựng trong biến cố thiêng liêng vĩ đại ấy, biến cố của sự hiệp thông và của tính tập đoàn giữa các Giám mục" (GA 4). Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu có lẽ đã trở nên "một biến cố thiêng liêng vĩ đại" do thái độ lắng nghe. Thế mà lắng nghe là thái độ căn bản, thậm chí là cốt lõi của đối thoại, vì đối thoại và độc thoại, khác nhau ở chỗ đó. Do dó có lẽ không quá đáng lắm khi ta nói Tông Huấn này là công trình của đối thoại.

b. Ngoài việc xác nhận vai trò quan trọng của đối thoại ở Á Châu, Tông Huấn còn vạch hướng cho nó.

Tông huấn viết : "Vấn đề lớn đang đặt ra cho Giáo Hội Á Châu hiện nay là làm sao chia sẻ với anh chị em người Á Châu của mình cái mà chúng ta cho là một quà tặng bao gồm hết mọi quà tặng, tức Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô" (GA 19).
Chỗ khác, Tông Huấn chỉ rõ : "Việc tân Phúc Âm hóa, xét như là một ơn gọi đến hoán cải, ân sủng và khôn ngoan, là nguồn hy vọng đích thực và duy nhất để có được một thế giới tốt đẹp hơn và sáng sủa hơn. Vấn đề không phải là Giáo Hội có gì thiết yếu để nói với những con người nam nữ của thời đại chúng ta hay không, nhưng là Giáo Hội có thể nói điều đó cách nào cho rõ ràng và thuyết phục" !
Thời gian họp Công Ðồng Vaticanô II, Vị Tiền Nhiệm của tôi là Ðức Phaolô VI, trong Thông Ðiệp Ecclesiam Suam, đã tuyên bố rằng : vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội và thế giới hiện đại, là một trong những vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Ngài viết rằng "sự hiện hữu của nó và sự cấp bách của nó, như thể tạo nên một gánh nặng trên tâm hồn chúng ta, tạo ra một sự khuyến khích, một ơn gọi". Kể từ ngày Công Ðồng, Giáo Hội luôn chứng tỏ mình muốn theo đuổi liên hệ đó trong tinh thần đối thoại" (GA 31).

Những đoạn văn trên trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu đã gợi cho chúng ta ý nghĩ đối thoại là cách nói, là thứ ngôn ngữ mà Giáo Hội Á Châu đang cần để thực hiện việc Tân Phúc Âm Hóa. Thật vậy Tông Huấn xác định : "Ðối thoại đại kết và đối thoại giữa các tôn giáo chính là ơn gọi đích thực của Giáo Hội" (GA 29). "Tiếp xúc, đối thoại và cộng tác với tín đồ các tôn giáo khác chính là một công việc mà Công Ðồng Vaticanô II đã giao phó cho toàn thể Giáo Hội như một bổn phận và một thách đố"(GA 31).

Ðức Thánh Cha cũng dùng lời của Thượng Hội Ðồng khuyến khích chúng ta canh tân và tiếp tục đẩy mạnh việc đối thoại : "Thượng Hội Ðồng nhắc lại sự dấn thân của Giáo Hội Châu Á với công tác cải thiện các quan hệ đại kết cũng như sự đối thoại giữa các tôn giáo, vì nhìn nhận rằng xây dựng sự hiệp nhất, nỗ lực hòa giải, thiết lập các dây liên đới, xúc tiến sự đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa, loại bỏ những thành kiến và gầy dựng sự tin tưởng giữa các dân tộc, đó chính là những công việc vô cùng quan trọng để Giáo Hội thi hành sứ mạng phúc âm hóa trên châu lục này. Muốn vậy, toàn thể cộng đồng Công Giáo phải thành thật xét mình, phải can đảm hòa giải và tiếp tục dấn thân đối thoại" (GA 24). Nguyên tắc của việc canh tân này là : "phúc âm hóa trong đối thoại và đối thoại để Phúc Âm hóa" (GA 31).

Chính vì thế tìm hiểu đối thoại là điều rất cần thiết đối với chúng ta, trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới này.

II. Quan Ðiểm Ðối Thoại Trong Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu".

Trong Tông Huấn Ðức Thánh Cha viết : "Sự hiệp thông và đối thoại là hai phương diện thiết yếu của sứ mạng Giáo Hội, sứ mạng đó có một tấm gương vô cùng nổi bật trong mầu nhiệm Ba Ngôi, vì từ Ba Ngôi phát sinh mọi sứ mạng và mọi sứ mạng phải hướng tới Ba Ngôi" (GA. 31).

Qua lời giáo huấn này ta có thể nói Ba Ngôi là nền tảng của hiệp thông và đối thoại, hơn nữa là cùng đích và là mẫu mực tuyệt hảo của hiệp thông đối thoại.

1. Chiêm ngắm Ba Ngôi để hiểu đối thoại.

Với khẳng định : "Từ Ba Ngôi phát sinh mọi sứ mạng" (GA 31). Ta có thể hiểu chính Thiên Chúa là cội nguồn của đối thoại. Lúc khởi thủy, Thiên Chúa "nói" và mọi sự liền có (x. Kn 1, 1-2,1). Như thế, đối thoại đã bắt đầu với sự tạo dựng. Sau đó, chính qua Ngôi Lời Nhập Thể - Ðấng mà nhờ đó mọi sự đã được tạo dựng và hiện hữu - Thiên Chúa đối thoại một cách đặc biệt với con người, vốn được dựng nên theo hình ảnh của Người. "Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử" (Dt 1,1). Khi chúng ta đặt mình trước sự hiện diện của Ngôi Lời Nhập Thể, Ðấng không ngừng làm việc nơi thụ tạo của người, trong quyền năng của Thánh Thần, chúng ta không thể không đáp trả Ngôi Lời. Nói khác đi, chúng ta cũng đang đi vào "đối thoại". Nhưhg đối thoại có nghĩa là gì ?

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học thuộc Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, xuất bản 1988 tại Hà Nội, thì đối thoại là nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau ; hay đối thoại là bàn bạc, thương lượng trực tiếp với nhau giữa hai hay nhiều nước để giải quyết các vấn đề tranh chấp.

Còn trong nguyên ngữ Hy Lạp, từ "dialogein" (đối thoại) được ghép bởi hai gốc : "dia" có nghĩa "xuyên qua" hoặc "nhờ" ; và "logein" đến từ "logos" (lời nói). Do đó, từ "dialogein" hay "đối thoại" thường được người Hy Lạp xưa dùng để ám chỉ những cuộc "trao đổi bằng ngôn từ", đặc biệt là những cuộc thảo luận triết học hay tranh luận. Như thế từ thời Hy Lạp cổ đại đến nay, từ "đối thoại" đã tiến hóa về ngữ nghĩa, vượt xa nghĩa nguyên thủy "trao đổi bằng ngôn từ" hay "tranh luận". Chẳng hạn, 4 ý nghĩa của từ "đối thoại" qua bốn hình thức đối thoại trong tập tài liệu "Ðối thoại và Rao giảng" (Dialogue and Proclamation (DP)) do Liên HÐGM Á châu (FABC), Ủy Ban Giáo Hoàng về đối thoại liên tôn (PCID) và Thánh bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc (CEP) soạn thảo chung. Bốn loại đối thoại đó là : đối thoại bằng cuộc sống ; đối thoại bằng hành động ; đối thoại bằng chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo ; đối thoại thần học. Trong 4 loại này, chỉ có đối thoại thần học là đúng nghĩa theo nguyên ngữ Hy Lạp (đối thoại bằng ngôn từ). Hơn nữa, đối thoại mà Giáo Hội quan niệm có một ý nghĩa và mục tiêu rộng lớn, sâu xa vượt bậc, so với ý nghĩa đối thoại trong đời sống. Ðối thoại của chúng ta là "đối thoại cứu độ" (GA 21) "đối thoại để Phúc Âm hóa" (GA 31). Tông Huấn viết : "Muốn đối thoại không phải chỉ là một chiến thuật để sống chung hòa bình giữa các dân tộc ; nhưng đó là một phần thiết yếu trong sứ mạng Giáo Hội, vì nó xuất phát từ chính sự đối thoại yêu thương của Chúa Cha với nhân loại thông qua Chúa Con trong quyền năng Chúa Thánh Thần" (GA 29).

Ðể hiểu rõ hơn về đối thoại, Tông Huấn hướng chúng ta về việc chiêm ngắm Ba Ngôi, "vì đối thoại có một tấm gương vô cùng nổi bật trong mầu nhiệm Ba Ngôi" (GA 31).

Ai trong chúng ta cũng đều được học rằng : Ngôi Con vốn ngự trong Ngôi Cha và Ngôi Cha vốn ngự trong Ngôi Con, cả hai Ngôi đều chia sẻ cho nhau những điều mình có và những gì là mình (đối thoại). Khi làm như thế, hai Ngôi đã ràng buộc vào nhau bằng mối hiệp thông yêu thương (tức Chúa Thánh Thần). Từ mẫu gương của Ba ngôi, chúng ta mạn phép định nghĩa "đối thoại" như sau : đối thoại là ở trong sự hiện diện của người khác ; là chia sẻ cho người khác những gì mình có và những gì là mình, đồng thời nhận từ họ cái họ là và cái họ có; là lắng nghe ; là thông truyền ; là làm phong phú người khác và chấp nhận để họ làm mình nên phong phú ; nhờ đó được gắn chặt với nhau bằng mối dây yêu thương. Ðó chính là định nghĩa đối thoại của Kitô giáo thế nào là đối thoại, một định nghĩa dựa trên điều chúng ta được mặc khải : "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4, 8-16).

Thật vậy, tại sao Thiên Chúa lại tạo dựng (tức bước vào đối thoại) ? Bởi vì Ngài là tình yêu. Tình yêu là chia sẻ cái mình là và cái mình có cho người mình yêu. Sự chia sẻ của Thiên Chúa được thể hiện qua hành vi sáng tạo; kế đó qua việc Chúa Giêsu Kitô trao hiến mạng sống mình để cứu độ các thụ tạo của Người. Sau cái chết trên thập giá, Chúa Con đã sống lại và ban Thánh Thần xuống để tiếp tục cuộc đối thoại của Người đối với thụ tạo. Như vậy, cách thức đối thoại như vừa mô tả trên đây bao hàm việc mở ra hoàn toàn với người khác, đến độ chấp nhận bị thương tổn vì người khác. Chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Nhập Thể đã bước vào một cuộc đối thoại như thế với con người : Người đã mở ra hoàn toàn, chấp nhận bị thương tổn và bị chết treo trên thập giá. Tuy vậy, Người vẫn không khép kín lại với con người ; tuy là "thân chim bị nạn", Người vẫn "không sợ cành cong". Trái lại vì tình yêu của Người không biên giới nên Người vẫn tiếp tục hiện diện với chúng ta qua Thánh Thần ; và như thế Người tiếp tục mở ra với chúng ta, chấp nhận có thể bị tổn thương một (hay nhiều) lần nữa vì chúng ta. Chính vì thế các nhà thần bí Kitô giáo thường nói : Ðức Kitô vẫn tiếp tục bị đóng đinh, vì Người còn tiếp tục ở với chúng ta.

Có lẽ xuất phát tự quan điểm Ba Ngôi về đối thoại đó mà Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phát biểu những lời sau đây với các vị lãnh đạo các tôn giáo ngoài Kitô tại Madras, Ấn Ðộ ngày 5/2/1986 : "Qua đối thoại, chúng ta để cho Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta ; vì cũng như chúng ta (có khả năng) mở lòng ra đối thoại với nhau thế nào, chúng ta cũng (có thể) mở lòng ra với Chúa như vậy".

2. Ðối thoại trong giáo huấn của Hội Thánh.

(Ba Ngôi là khuôn mẫu của đối thoại nói chung, nghĩa là của cả đối thoại đại kết lẫn đối thoại liên tôn. Hơn nữa sự hiệp thông, gắn bó trong tình yêu Thiên Chúa thôi thúc chúng ta sống hiệp nhất với nhau, nhất là "tại Châu Á, là nơi số kitô hữu tương đối nhỏ, sự chia rẻ càng làm cho việc truyền giáo trở nên khó khặn" (GA 30). Nhưng trong bài này, chúng ta dừng lại ở khía cạnh đối thoại liên tôn nhiều hơn).
Hội Thánh chiêm ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi và khi ẩn khi hiện, tỏ rõ cho chúng ta biết đối thoại là gì và phải làm gì để "Phúc Âm hóa trong đối thoại", để đối thoại thực sự mang tính Kitô. Tông Huấn viết : "kể từ ngày Công Ðồng ấy, Giáo Hội luôn chứng tỏ mình muốn theo đuổi quan hệ ấy (với thời đại này) trong tinh thần đối thoại. Tuy nhiên, ước muốn đối thoại không phải chỉ là một chiến lược để chung sống hòa bình giữa các dân tộc ; nó còn là một phần thiết yếu của sứ mạng Giáo Hội, bởi vì nó có nguồn gốc trong cuộc đối thoại cứu rỗi đầy tình yêu của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con trong quyền lực Chúa Thánh Thần. Giáo Hội chỉ có thể hoàn thành sứ mạng mình đúng theo cách Thiên Chúa đã hành động trong Chúa Giêsu Kitô : Người đã trở nên con người, chia sẻ đời sống chúng ta và nói bằng tiếng nói con người để truyền thông sứ điệp cứu rỗi của Người. Cuộc đối thoại mà Giáo Hội đề nghị, thì đặt nền tảng trên logic của mầu nhiệm Nhập Thể" (GA 29).

Tóm lại : "Ðứng từ quan điểm Kitô giáo, đối thoại liên tôn còn hơn phương cách nuôi dưỡng sự hiểu biết và làm giàu cho nhau: sự đối thoại đó là thành phần của sứ mạng rao giảng Tin Mừng của cả Giáo Hội, một cách thực hiện sứ vụ đến với dân ngoại" (GA 31).

Với quan điểm trên chúng ta sẽ hiểu đúng và sâu hơn những gì Hội Thánh dạy :

a. Khái niệm đối thoại.

Tài liệu Ðối Thoại và Rao Truyền viết :

"Từ đối thoại diễn tả một thực tế quan trọng do Giáo Hội đề xướng từ công đồng Vatican II. Thuật ngữ này có thể được hiểu trong ba cách : Thứ nhất, ở bình diện nhân loại thuần túy, nó có nghĩa là sự thông tin qua lại để đạt được một mục đích chung ; hoặc ở bình diện sâu xa hơn, nó là sự giao thiệp giữa con người với nhau. Thứ hai, sự đối thoại được coi như là thái độ tôn trọng và thân thiện thấm sâu vào tất cả những hoạt động trong sứ vụ Phúc âm hóa của Giáo Hội. Ðiều này được gọi là "tinh thần đối thoại". Thứ ba, trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo, thuật ngữ này có nghĩa là tất cả những mối liên hệ tôn giáo có tính tích cực và xây dựng, giữa những cá nhân và cộng đồng có những niềm tin khác nhau, hướng tới sự hiểu biết và làm phong phú lẫn nhau trong sự tuân phục chân lý và tôn trọng tự do. Nó bao hàm cả chứng cớ và sự thăm dò về những xác tín tôn giáo liên hệ. Tài liệu này sử dụng từ ngữ đối thoại theo nghĩa thứ ba này, như là một trong những yếu tố cấu thành toàn bộ sứ mệnh truyền bá Phúc Âm của Giáo Hội" (DP 9). Ðối thoại tôn giáo thì khác với phong trào Ðại kết. Phong trào này nhằm khôi phục sự hiệp nhất giữa tất cả các kitô hữu, nghĩa là giữa tất cả mọi người vẫn khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi và tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa và là Ðấng Cứu độ" (UR 1).

Rõ ràng ý nghĩa của đối thoại được trình bày ở đây, đặc biệt ý nghĩa thứ hai và thứ ba, phản ảnh "quan điểm đối thoại" (nếu có thể nói như thế) nơi Ba Ngôi Thiên Chúa : một sự hiện diện thấm sâu, làm phong phú cho nhau.

b. Các hình thức của đối thoại.

Hoạt động đối thoại được diễn tả trong nhiều cách. Tài liệu "Ðối Thoại và Rao Truyền" (DP 42, 45, 46) đã tóm tắt những hình thức có tính nguyên tắc như sau :

- Ðối thoại bằng đời sống : Ðây là môi trường mà con người cố gắng sống trong tinh thần cởi mở và thân thiện láng giềng ; cùng nhau chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, những khó khăn cũng như những lo toan của con người trong cuộc sống.

- Ðối thoại bằng hành động : Các Kitô hữu và những người khác cộng tác với nhau trong việc phát triển toàn diện và sự tự do của các dân tộc.

- Ðối thoại bằng cách trao đổi về thần học : Các chuyên viên đào sâu hơn sự hiểu biết của họ về các di sản của các tôn giáo và đánh giá đúng về những giá trị tinh thần của mỗi tôn giáo.

- Ðối thoại bằng kinh nghiệm tôn giáo : Các tín đồ của các tôn giáo có thể chia sẻ cho nhau những điều tốt đẹp trong tôn giáo của mình. Chẳng hạn về vấn đề cầu nguyện, chiêm niệm, niềm tin và các cách thế tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm Ðấng Tuyệt Ðối.

Sau khi liệt kê những hình thức đối thoại trên, tài liệu có những lưu ý sau :

"Ðừng xem thường tính cách đa dạng này của các hình thức đối thoại. Nếu chỉ giản lược đối thoại vào việc trao đổi có tính cách thần học mà thôi, thì đối thoại có thể dễ được xem như một sản phẩm xa xỉ trong sứ mệnh của Giáo Hội, và như thế sẽ trở thành lĩnh vực dành riêng cho các nhà chuyên môn. Trái lại, dưới sự dẫn dắt của Giáo Hoàng và các giám mục mình, tất cả các Giáo Hội địa phương và tất cả các thành phần của các Giáo Hội ấy đều được mời gọi để thực thi đối thoại, nhưng không phải tất cả đều có một phương cách như nhau. Ngoài ra các hình thức khác nhau này dĩ nhiên được liên kết với nhau. Những cuộc tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày và nỗ lực hoạt động chung sẽ mở ra được con đường đưa đến việc cùng nhau thăng tiến các giá trị con người và siêu nhiên. Tiếp đó chúng cũng có thể đưa đến hình thức đối thoại về kinh nghiệm tôn giáo, đáp ứng những vấn đề quan hệ mà hoàn cảnh của đời sống thường dấy lên trong tâm trí con người (xem NA 2). Các cuộc trao đổi ở mức độ kinh nghiệm tôn giáo cũng có thể làm cho các cuộc thảo luận thần học có thể soi dọi các kinh nghiệm và khích lệ các tiếp xúc đi đến tình trạng gắn bó hơn" (DP 43).

Tài liệu còn nhắc nhở : "Cũng cần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại trong mục đích phát triển toàn diện, cổ võ công bằng xã hội và giải phóng con người ... Mọi người cần phải liên kết với nhau để cố giải quyết những vấn đề trầm trọng mà xã và thế giới phải đương đầu, và để cổ súy việc giáo dục lương tâm hướng đến công lý và hòa bình" (DP 44). Có lẽ chương 6 của Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu : "Giúp con người được thăng tiến" đã được đúc kết trong tinh thần đối thoại này.

Ngoài ra, đối thoại bao giờ cũng là đối thoại với những con người sống trong một khung cảnh lịch sử văn hóa nhất định, nên tài liệu hướng chúng ta về việc đối thoại văn hóa : "Ngày nay, đối thoại liên tôn cũng rất khẩn thiết trong bối cảnh của văn hóa. Ý niệm về văn hóa rộng hơn ý niệm về tôn giáo. Theo một quan niệm nào đó, tôn giáo tiêu biểu cho chiều kích siêu việt của văn hóa, do đó có thể nói nó là hồn của văn hóa ..." (x. DP 45). "Phải cần có một nỗ lực đối thoại thấu đáo để có thể khám phá và tiếp nhận những giá trị văn hóa thích ứng với nhân phẩm và vận mệnh siêu việt của con người. Mặt khác, một số khía cạnh văn hóa Kitô giáo được xem là truyền thống có thể bị các nền văn hóa địa phương với các truyền thống tôn giáo liên hệ xét lại và đặt thành vấn đề. (x. EN 20). Trong các mối tương quan phức tạp giữa văn hóa và tôn giáo, đối thoại liên tôn ở mức độ văn hóa rất quan trọng" (DP 46).

c. Những lý do của việc đối thoại.

Hiệp thông dẫn đến đối thoại (GA 29).

Công đồng Vatican II đã nại đến việc hiệp nhất nhân loại và bổn phận của Giáo Hội là làm thăng tiến sự hiệp nhất và yêu thương (NA 1). Ðây là sự hiệp nhất của Ba ngôi Thiên Chúa Tình Yêu. Hiệp nhất trong khác biệt. Như vậy, việc đối thoại đã được đặt vào trong vị trí của thần học. Sự hiệp nhất của gia đình nhân loại không chỉ được hiểu trong ý nghĩa sinh vật học, mà còn trong ý nghĩa thần học nữa: hiệp nhất trong nguồn gốc, hiệp nhất trong bản tính, hiệp nhất trong cùng đích của nó, hiệp nhất trong sự cứu độ của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng cứu độ duy nhất và phổ quát của nhân loại (x. GA 25).

Các tôn giáo và những nền văn hóa của nhân loại không xa lạ gì đối với kế hoạch cứu độ này. Trong chúng, và đặc biệt là "trong lối sống và đạo đức", trong "huấn giới và giáo thuyết" cho dù có khác biệt với chúng ta, chúng cũng phản chiếu "chân lý giải thoát" (NA 2). Những chân lý về luân lý và tinh thần, những giá trị văn hóa - xã hội ngoài Kitô giáo này phải được "bảo tồn, khuyến khích và phát triển" (NA 2). Tuy nhiên, việc đối thoại không miễn trừ nhu cầu loan báo về Ðức Giêsu Kitô cũng như làm chứng về niềm tin của mình (NA 2, 4).

Như thế, chúng ta đối thoại không phải chỉ vì cái kết quả trước mắt của những mối liên hệ tốt đẹp với các tôn giáo khác hay vì một lý do đạo đức nào đó, nhưng vì một lý do sâu xa hơn nhiều. Thật vậy, thông điệp Sứ vụ Ðấng Cứu Ðộ (Redemptoris Missio - RM) đã nói : "Thần Khí đã ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để họ có thể đáp trả lại ơn gọi rất cao qúy của mình. Qua Thần Khí, con người có thể chiêm ngắm bởi niềm tin và nếm cảm mầu nhiệm của thánh ý Thiên Chúa. Quả vậy, chúng ta phải tin chắc rằng Thần Khí liên kết mọi người trong việc nhận biết Thiên Chúa qua mầu nhiệm Vượt Qua ... Sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí tác động không chỉ nơi mỗi con người, mà còn trên xã hội và lịch sử, các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo" (RM 28). Những tác động của ân sủng đó hoạt động xuyên qua "những hạt giống của Lời", hiện diện trong tâm trí và tâm hồn của con người, và cả trong những lễ hội, tập quán của các dân tộc và các tôn giáo (DP 16 -17).

Qua đoạn văn trên, ta có thể nói Thánh Thần là nền tảng của đối thoại. Chúng ta đối thọai vì tin vào hoạt động liên lỉ của Thánh Thần trong thế giới kể từ lúc khai thiên lập địa. Ðề tài này đã được nhấn mạnh nhiều trong các giáo huấn của Giáo triều Rôma. Chẳng hạn, trong Thông Ðiệp Sứ Vụ Ðấng Cứu Ðộ số 56, ÐGH Gioan Phaolô kêu gọi phải có "một thái độ tôn trọng sâu xa tất cả những gì mà Thánh Thần - Ðấng muốn thổi đâu tùy ý - đặt vào trong những hữu thể nhân linh". Cũng vậy, tài liệu "Ðối thoại và Rao giảng" khuyến khích phải "chú ý đến những dấu chỉ của thời đại mà qua đó Thánh Thần của Thiên Chúa đang nói, đang dạy bảo, đang hướng dẫn nhân loại, nam cũng như nữ"(số 78).

Như thế, có một lý do khác đòi buộc ta phải đối thoại : sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi mỗi tâm hồn. Ta có bổn phận tôn trọng phẩm giá của con người, vì con người vốn có quyền tự do chọn lựa điều không phải là tội.

Ngoài việc tái khẳng định : "Thánh Thần là tác nhân số một của việc đối thoại giữa Giáo Hội với mọi dân tộc, mọi nền văn hóa và mọi tôn giáo", Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu còn giải thích rõ tại sao và nhất là giúp ta hiểu đúng vai trò của Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Chúa Giêsu và trong công cuộc cứu độ do Ngài thực hiện. Ðức Thánh Cha viết : "Các nghị phụ tỏ ra rất quan tâm tới khuynh hướng thần học muốn tách biệt hoạt động của Thánh Thần với hoạt động của Chúa Giêsu - Ðấng Cứu Thế. Ðồng lòng với sự quan tâm ấy, tôi cũng xin lặp lại những gì tôi đã viết trong "Sứ vụ Ðấng Cứu Thế" ("Redemptoris Missio") : (Thánh Thần) ... không phải là một nhân vật thay thế Ðức Kitô, cũng không phải là cái gì lấp đầy chỗ trống mà có người cho rằng là có thật giữa Ðức Kitô và Ngôi Lời. Bất cứ điều gì Thánh Thần làm được trong tâm hồn con người, trong lịch sử các dân tộc, trong các nền văn hóa và trong các tôn giáo, đều là một sự chuẩn bị cho Tin Mừng và có thể hiểu đó cũng chỉ là quy chiếu về Ðức Kitô, Ðấng là Ngôi Lời đã nhờ quyền năng Thánh Thần mà có xương có thịt, "để Ngài cứu độ hết thảy mọi người và thâu tóm tất cả mọi sự ngay chính khi làm người trọn vẹn".

Bởi đó, không được vịn vào việc Chúa Thánh Thần có mặt khắp mọi nơi để bào chữa cho việc không thể công bố Ðức Giêsu Kitô là vị Cứu Tinh duy nhất và có một không hai. Trái lại, sự có mặt khắp nơi của Chúa Thánh Thần luôn đi đôi với sự cứu độ phổ quát của Ðức Giêsu. Chúa Thánh Thần có mặt trong công trình sáng tạo và trong lịch sử sau đó là để chỉ ta hướng về Ðức Giêsu Kitô, vì nơi Ngài công trình sáng tạo và lịch sử sẽ được cứu chuộc và hoàn thành. Sự có mặt và hoạt động của Chúa Thánh Thần trước khi Ðức Giêsu Kitô nhập thể cũng như vào giây phút Hiện Xuống quan trọng đều hướng ta nhìn tới Ðức Giêsu và ơn cứu độ do Ngài mang đến. Chúng ta cũng không bao giờ được phép tách rời sự có mặt khắp nơi của Chúa Thánh Thần với hoạt động của Ngài nơi Thân Thể Ðức Kitô, tức là Hội Thánh (GA 16).

Ngoài ra, Hội Thánh, dân Chúa phải đối thoại vì trong kế hoạch cứu độ duy nhất được ban cho nhân loại, Giáo Hội là bí tích cứu độ trần gian ngay cả đối với những tín đồ của các tôn giáo khác. Trong cuộc lữ hành chung của nhân loại, Giáo Hội là động cơ, dấu chỉ, và dụng cụ thúc giục con người hướng đến cùng đích mà họ đang tìm kiếm. Bởi đó, Giáo Hội có vai trò và trách nhiệm đối với tất cả mọi người, mọi hoạt động và mọi tôn giáo (RM 20). "là bí tích của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, Giáo Hội không thể làm gì khác hơn là tham gia đối thoại với mọi dân tộc, vào mọi thời và ở mọi nơi" (GA 29).

Hơn nữa, đối với Giáo Hội, đối thoại chính là một phương tiện tỏ lòng tôn trọng những cách thế giao tiếp với con người của Thiên Chúa. "Mạc khải là mối liên hệ siêu nhiên mà chính Thiên Chúa đã chọn để giao tiếp với con người có thể được giới thiệu qua đối thoại, qua Lời mà Thiên Chúa nói trong mầu nhiệm Nhập Thể và rồi trong Tin Mừng ... Lịch sử cứu độ là bản tường thuật cuộc đối thoại khác biệt và lâu dài này. Nó xuất phát từ Thiên Chúa và Ngài sáng tạo ra một cuộc đàm thoại khác biệt và tuyệt diệu với con người" (ES 41). Ðối thoại là một phương thế cộng tác trong hành động cứu độ của Thiên Chúa đối với con người và các cộng đồng nhân loại trong cuộc hành trình của họ xuyên qua đời sống.

Tóm lại đối thoại là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa mà con người đã được lãnl nhận (x. GA 24). Ðối thoại là sự biểu lộ tình thương đối với con người. Con người được chia sẻ tình yêu đó của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu cũng là đòi hỏi nền tảng của Ðức Kitô và là động lực của sứ vụ, là "tiêu chuẩn duy nhất để phán đoán điều gì phải làm và điều gì không được làm, điều gì phải thay đổi và điều gì không được thay đổi" (RM 60). Như thế có thể nói tình yêu là nền tảng của đối thoại.

Dưới góc độ xã hội học tôn giáo, ta thấy niềm tin thúc đẩy đối thoại và củng cố cho các chiều kích nhân loại của đối thoại. Con người cần đối thoại, tôn trọng và thử thách để lớn lên. Sự chung sống đòi hỏi phải có sự đối chiếu và hợp tác. Ðối thoại không thể nào tách rời khỏi chân lý, tự do và công bình.

Thật thế, đối với những người có niềm tin, đối thoại là "cách thức và phương thế nhằm hướng tới sự hiểu biết và làm phong phú lẫn nhau" (RM 55), để làm chứng cho những giá trị thiêng liêng và nhân bản của mình và giúp nhau xây dựng một xã hội đầy tình huynh đệ hơn" (RM 57).

Các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo chúng ta, nhất là Giáo Hội tại Á Châu, xứ sở đa văn hóa và đa tôn giáo nhất mặt đất này, có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc thăng tiến đối thoại.

III. DẤN THÂN ÐỐI THOẠI.

Ðối thoại là một ơn gọi nhưng cũng là một bổn phận và thách đố (GA 31).

1. Ðối thoại, một bổn phận ?

ÐHY Francis ARINGE, trưởng ban đối thoại của Tòa Thánh lưu ý đây là một bổn phận, nên không thể tùy tiện bỏ không làm. Mọi tín hữu đều có bổn phận này.

Tông Huấn Sứ Vụ Ðấng Cứu Ðộ nhấn mạnh rằng : "Mỗi thành viên và tất cả cộng đồng Kitô hữu được mời gọi để tham gia đối thoại, dù không luôn luôn ở cùng một trình độ hoặc cùng một phương thức. Sự đóng góp của họ thực sự cần thiết trong lãnh vực này, bởi vì họ có thể cải thiện các mối quan hệ giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau, qua gương sáng của họ trong những hoàn cảnh họ sống và trong những hoạt động của họ. Một số người trong họ cũng có thể đóng góp qua việc tìm tòi nghiên cứu" (RM 57).

Rồi mới đây, đầu năm thánh 2000 này, khi kết thúc Ðại hội khoáng đại tại Samphran, Thái Lan, Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC), trong viễn tượng "Một Giáo Hội Ðổi Mới Tại Châu Á Ðể Thi Hành Sứ Mạng Yêu Thương và Phục Vụ" đã viết : "Ðại kết và đối thoại liên tôn đã trở thành điều thiết yếu để ta thực hiện bất cứ tác vụ nào".

Như vậy, trong thực tế, mỗi chương trình mục vụ nên lưu tâm đến "tinh thần đối thoại" trong việc thực hiện những bổn phận khác nhau trong sứ vụ của Giáo Hội. Ngày nay người ta bắt đầu nói tới việc xây dựng một nền văn hóa đối thoại. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là hãy để cho Thần Khí hướng dẫn như Ngài đã hướng dẫn Ðức Giê su và các thánh (RM 87-92).

Trong thế giới ngày nay, không có Giáo Hội địa phương nào có thể tự cho mình được miễn trừ dấn thân vào việc đối thoại với các tôn giáo. Thật vậy, tình trạng đa tôn giáo đang gia tăng khắp nơi, và tất cả các Kitô hữu đang đối mặt với những cách tin và diễn tả niềm tin khác nhau.

Bổn phận này là của cả Hội Thánh nghĩa là của từng người không miễn trừ một ai, dù thuộc thành phần nào. "Tiếp xúc, đối thoại và hợp tác với những người theo các tôn giáo khác, là một trách nhiệm mà Cộng Ðồng Vatican II trối lại cho toàn thể Giáo Hội như là một bổn phận và một thách đố" (GA. 31).

Dù vậy, trong thực tế khi nghe tới đối thoại chúng ta thường nghĩ đó là một việc tùy thích, làm được thì tốt không làm được thì cũng chẳng sao vì mình có chuyên môn đâu mà đối thoại. Ðừng quên đó là một bổn phận. Và đây là một bổn phận của tình yêu. Nó là hoa trái của tình yêu hiệp thông với Chúa và với anh chị em đồng loại.

2. Ðối thoại, một thách đố ?

Thách đố vì có nhiều khó khăn. Và các khó khăn này thực sự là những cản trở chừng như không thể vượt qua được. Những khó khăn này có khi thuộc tâm tính con người, có khi thuộc về những nhân tố tôn giáo.

a. Những khó khăn trở ngại của đối thoại.

Ở đây, chúng ta nêu lên một số trở ngại được xem là quan trọng hơn cả :
* Không bám rễ sâu đủ trong chính đức tin của riêng mình.
* Không biết và hiểu đầy đủ tín ngưỡng và phương thức hành đạo của các tôn giáo khác có thể đưa đến một lối thẩm định thiếu sót về ý nghĩa của chúng, và đôi lúc còn có những giải thích sai trật.
* Những dị biệt có tính cách văn hóa phát xuất từ trình độ kiến thức khác nhau hoặc từ lối vận dụng các cách diễn tả khác nhau.
* Những nhân tố xã hội - chính trị hoặc một số các hệ quả khác của qúa khứ.
* Hiểu sai các từ ngữ như trở lại, phép rửa, đối thoại ...
* Chưa hoặc thiếu cởi mở, đưa đến một thái độ tự vệ, hay còn đi đến tình trạng gây hấn.
* Thiếu xác tín đối với giá trị của công việc đối thoại liên tôn, mà một số người có thể xem như một phận vụ dành riêng cho những nhà chuyên môn và một số khác lại xem như một dấu chứng thua cuộc hoặc còn như là một sự phản bội lại đức tin.
* Nghi ngờ về các động cơ thúc đẩy người đối diện trong công cuộc đối thoại.
* Một tinh thần tranh biện, khi diễn tả các xác tín tôn giáo.
* Thái độ bất tương dung, thường còn bị đẩy đến tình trạng gia trọng khi gắn liền với những nhân tố chính trị, kinh tế, giòng giống và chủng tộc ; và tình trạng thiếu hỗ tương trong đối thoại có thể đưa đến một tình cảm chán ngán.
Một số hiện tượng của bầu khí tôn giáo hiện nay: chủ nghĩa duy vật gia tăng, thờ ơ tôn giáo và sự nhân tăng các giáo phái tạo ra tình trạng hồ đồ và dấy lên những vấn đề mới (DP 52).

Tài liệu nhận định rằng : "Một số lớn những trở ngại này phát sinh do việc thiếu hiểu biết về bản chất thật sự và mục đích của đối thoại liên tôn. Do đó cần phải giải thích không ngừng về các nội dung này. Công việc đòi hỏi phải hết sức nhẫn nại. Ở đây cũng cần nhắc lại rằng công việc dấn thân của Giáo Hội trong đối thoại không lệ thuộc vào các kết quả đạt được trong việc cảm thông làm phong phú cho nhau. Sự dấn thân đó thực ra phát xuất từ tác động chủ động của Thiên Chúa đang đến đối thoại với nhân loại và do gương mẫu của Ðức Giêsu Kitô, mà cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Ngài đã mang lại cho đối thoại lối thể hiện tối hậu" ( 53).

b. Các nguy hiểm gặp phải khi đối thoại.

Không những khó khăn mà còn nguy hiểm,
ÐHY Francis ARINZE, đã nêu lên một số nguy hiểm sau :
- Có thể bị mất đức tin.
- Có thể rơi vào chủ thuyết duy tương đối (relativisme).
- Nguy cơ rơi vào chủ thuyết tổng hợp (syncrétisme).
- Nguy cơ mất đoàn chiên. Bỏ đạo của mình theo đạo người.

c. Các thách đố của đối thoại.

Ðối thoại có nhiều thách đố. Ở đây chúng ta thử nhìn vào một thách đố thuộc bản chất của đối thoại. Ðối thoại là mở ra. Nên có nguy cơ bị nhiễu và bị nhiễm. Làm sao vượt qua được. Ðây là một trong những thách đố lớn. Tuyên ngôn Dominus Jesus của thánh bộ truyền bá đức tin vừa qua (5/9/2000) là một bằng chứng cho thấy có những chuyên viên, những nhà thần học không vượt qua được thách đố đó, và chắc là không phải một hai người mà là nhiều, hơn nữa lập trường của những người ấy lại đang lan rộng trong dân Chúa, làm ô nhiễm "môi trường đức tin", nên Tòa Thánh đã phải "nhắc nhở", mong "làm sạch" đức tin, giúp dân Chúa vượt qua được những cạm bẩy của các thách đố gặp phải trong đối thoại.

Những cố gắng phân tích, suy tư sau đây của cha Jacques Dupuis sj, giáo sư kitô học và thần học về các tôn giáo hơn 40 năm qua, về lập trường của Paul Knitter, một nhà thần học về các tôn giáo, có thể giúp chúng ta hiểu vấn đề hơn.

Paul Knitter quan niệm rằng để có thể đối thoại liên tôn thì phải chuyển đổi "hệ quy chiếu" (paradigm) từ chủ trương qui - Kitô (Christocentrism) thành chủ trương qui - Thiên Chúa (có lẽ phải dịch là quy thần) (Theocentrism) mới có thể đi vào đối thoại được vì ông cho rằng đối thoại liên tôn chỉ đích thực khi được đặt ra giữa hai phía chỗ đứng ngang bằng nhau. Liệu Giáo Hội và người Kitô hữu có thành thực như họ nói, khi họ không sẵn sàng hủy bỏ các truyền thống của mình về Ðức Giêsu như Ðấng cứu độ duy nhất và phổ quát không ?

Cha Jacques Dupuis cho rằng nơi câu hỏi của Paul Knitter, vấn đề căn tính tôn giáo nói chung và căn tính Kitô hữu nói riêng bị đặt thành vấn đề trước sự cởi mở với các tín hữu tôn giáo khác mà cuộc đối thoại đòi hỏi.

Ðể trả lời cho vấn nạn đó, cha Jacues Dupuis đã phân biệt. Trước hết, trong đối thoại không những có sự cởi mở mà còn phải dấn thân sống đức tin của mình.

Thế mà dấn thân nào cũng đòi hỏi phải có sự lương thiện (honesty) và thành thực (sincerity).

Do dó, trước tiên, vì lương thiện trong đối thoại, mà ta không được "bỏ vào trong ngoặc" đức tin của mình (practicing an epochè), ngay cả là tạm thời, để rồi mong chờ kết quả sẽ có sự tái khám phá ra chân lý của đức tin này qua chính cuộc đối thoại liên tôn. Ngược lại, sự lương thiện và thành thực trong đối thoại liên tôn đặc biệt đòi hỏi các bên đối thoại phải đi vào cuộc đối thoại và tự dấn thân vào cuộc đối thoại đó trong sự toàn vẹn của đức tin của mình. Không được có bất cứ sự nghi ngờ có tính phương pháp nào hay sự cố chấp nào. Bằng không sẽ không có được cuộc đối thoại liên tôn hay đối thoại giữa các niềm tin (interfaith dialogue). Sau hết, ở nền tảng của mọi đời sống tôn giáo đích thực đều có một đức tin. Ðức tin này đem lại cho đời sống đó một tính cách đặc biệt và một căn tính đặc thù. Trong đối thoại liên tôn cũng như trong đời sống cá nhân của mỗi người, ta không thể đưa đức tin ấy ra mặc cả. Ðức tin tôn giáo không thể bị mặc cả. Ðức tin không phải là một món hàng có thể chia cắt hay trao đổi; nó là quà tặng của Thiên Chúa, nên người ta không thể muốn làm gì thì làm.

Tương tự, sự thành thực trong đối thoại liên tôn cũng không cho phép bỏ trong ngoặc đức tin, dù là tạm thời, vì sự toàn vẹn của đức tin không cho phép thỏa hiệp và sự giảm trừ nào. Ðối thoại liên tôn đích thực không cho phép đánh lừa như thế. Nó không chấp nhận một thứ "chủ trương tổng hợp" (syncrétisme), dù là để có một nền tảng chung, hay tìm cách vượt qua các chống đối và mâu thuẫn của các đức tin khác nhau bằng một vài giảm trừ như thế. Nó cũng không chấp nhận chủ trương tuyển lựa (l'éclectisme), dù để tìm kiếm một mẫu số chung nào đó nơi các truyền thống tôn giáo khác nhau, bằng cách chọn lựa nơi những truyền thống đó những những yếu tố này nọ, rồi nối kết chúng lại với nhau thành nột thứ hỗn hợp dị hình, bất nhất. Ðối thoại liên tôn đích thực không tìm kiếm sự dễ dàng, vì thường là ảo tưởng. Hơn nữa, không những nó không tìm cách né tránh bất cứ những bất đồng nào trong đối thoại, mà còn chấp nhận sự tồn tại của các bất đồng này và đối diện với chúng trong cách thức kiên nhẫn và với tinh thần trách nhiệm. Xua đuổi các khác biệt và những bất đồng có thể có là chấm dứt đối thoại vì đã tước đoạt đi những đối tượng của đối thoại liên tôn rồi. Sau cùng, đối thoại liên tôn tìm kiếm sự hiểu biết trong những khác biệt, trong sự thành thực đánh giá cao các xác tín khác với những xác tín của bản thân mình. Vì vậy, nó đưa cả hai phía đối tác tới chỗ tự vấn về những điều mà niềm xác tín của đối tác kia bao hàm, cho niềm tin của riêng mình.

Như vậy, trong đối thoại liên tôn cả hai phía, Kitô giáo và phía kia, đều không từ bỏ chính niềm tin của mình, thậm chí không bỏ đi cả những tuyên bố về tính phổ quát vốn có thể là thành phần của đức tin phía kia.

Sự nghiêm túc của đối thoại liên tôn không chấp nhận việc tuyệt đối hóa những gì tương đối cho dù vì không biết hay do cố chấp. Trong mọi đức tin và xác tín tôn giáo đều có cái nguy hiểm thực sự này.

Như vậy, sự dấn thân với chính đức tin của mình và sự cởi mở với những tín hữu khác cần được nối kết lại, chứ không loại trừ nhau. Một nền Kitô học hiểu cho thật đúng dường như cho phép cả hai điều ấy. (x, Jacques Dupuis sj, Vers une théologie chrétienne du pluralisme religieux, trang 572-575).

Qua những dòng suy tư trên. Hy vọng chúng ta hiểu hơn tại sao có Tuyên ngôn Dominus Jesu và cũng hiểu được các phản ứng liên quan.

d. Nhưng không bao giờ được xem là không vượt qua được.

Tài liệu Ðối Thoại và rao truyền nhắc nhở chúng ta những trở ngại, dù có thật, cũng không thể đưa đến việc đánh giá thấp các khả năng của đối thoại hoặc xem nhẹ những thành quả đã đạt được. Ðã có được những tiến bộ trong việc cảm thông và hợp tác tích cực. Ðối thoại đã gây nên một tác động tích cực trên chính Giáo Hội. Các tôn giáo khác cũng thế, nhờ đối thoại, đã đi đến một bước canh tân và cởi mở hơn nhiều. Ðối thoại liên tôn giúp Giáo Hội chia sẻ những giá trị Phúc âm với người khác. Vì thế, dù gặp những khó khăn, việc dấn thân của Giáo Hội vào công cuộc đối thoại vẫn kiên quyết và mãi còn tiếp tục (DP 54).

3. Hoa trái của việc đối thoại.

Ðối thoại có nhiều khó khăn, thách đố, đòi hỏi nhiều điều kiện tuởng chừng như không vượt qua được, nhưng cũng thật hấp dẫn vì đầy hứa hẹn.

Thật vậy : "Nếu Kitô hữu duy trì một tinh thần cởi mở như thế và chấp nhận tự xét mình lại, thì họ có thể gặt hái những thành quả của công cuộc đối thoại. Bấy giờ họ sẽ hân hoan khám phá được tất cả những gì mà Thiên Chúa, nhờ Ðức Kitô và trong Thánh Thần của Ngài, đã thực hiện và tiếp tục thực hiện trong thế giới và nhân loại. Một cuộc đối thoại chân thật không hề làm suy giảm đức tin Kitô giáo, nhưng là đào sâu đức tin ấy. Kitô hữu sẽ mãi ý thức hơn nữa về bản sắc đức tin mình và thấy rõ hơn nữa nội dung thiết yếu của sứ điệp Kitô giáo. Ðức tin họ sẽ vươn đến những chân trời mới, khi họ khám phá được rằng mầu nhiệm của Ðức Giêsu Kitô hiện diện linh động, vượt qua những biên giới hữu hình của Giáo Hội và cộng đồng những người Kitô hữu" (DP 50).

Thật vậy, các bên đối thoại có thể đóng góp cho nhau để có được sự tự hiểu biết về chính mình sâu xa hơn.

Nên nhớ rằng tác nhân chính yếu của đối thoại liên tôn là Thánh Thần của Thiên Chúa đang hoạt động nơi các bên đối thoại. Chúa Thánh Thần hoạt động cả hai bên, Kitô giáo và bên kia, do đó đối thoại liên tôn không phải là cuộc độc thoại. Kitô hữu không những cho đi, nhưng còn được nhận lãnh. Sự "trọn vẹn" của mặc khải trong Ðức Giêsu Kitô không miễn chuẩn cho các Kitô hữu khỏi sự đối thoại liên tôn, họ không độc quyền về chân lý. Hơn nữa, họ phải để cho mình được chân lý chiếm hữu. Thực tế, những người đối thoại với người Kitô hữu, cho dù họ chưa từng được nghe mặc khải của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô và chưa tìm kiếm, họ vẫn có thể tùng phục chân lý này và tùng phục Chúa Thánh Thần của Ðức Kitô là Ðấng chiếu rọi chân lý trong họ (NA 2). Ta có thể nói rằng, qua đối thoại liên tôn, Kitô hữu và những tín hữu tôn giáo khác đồng hành tiến về sự thật" (DM 13).

Kitô hữu đạt được một số thành quả từ đối thoại liên tôn. Họ có thể đạt được hai ích lợi chính. Một đàng, đức tin của họ trở nên phong phú hơn.Thật vậy, xuyên qua chứng từ và kinh nghiệm của những tín hữu các tôn giáo khác, họ có thể khám phá ra ở bình diện sâu xa một số khía cạnh và chiều kích của Mầu nhiệm Thiên Chúa vốn ít nhiều chưa được hiểu thấu đáo hay chưa được thông truyền tỏ tường qua truyền thống Kitô giáo. Ðàng khác, đức tin của họ sẽ được thanh luyện. Cơn sốc của việc gặp gỡ thường tạo nên một số vấn nạn, buộc họ phải nhìn lại một số giả định vô cớ, hoặc phá vỡ tận gốc rễ những định kiến hay những quan niệm hẹp hòi của họ. Vì thế, ích lợi của đối thoại liên tôn cũng có thể tạo nên một thách đố cho Kitô hữu.

Ích lợi lớn nhất của đối thoại liên tôn có lẽ là sự hoán cải sâu xa hơn với Thiên Chúa. Cùng một Ðấng Thiên Chúa đang nói trong cả hai bên, cùng một Chúa Thánh Thần đang làm việc trong cả hai bên. Thông qua chứng từ hỗ tương của nhau, chính Ðấng Thiên Chúa này mời gọi và thách đố hai bên qua đối tác của nhau. Cho nên, đối thoại liên tôn trở nên dấu hiệu dẫn đưa tới Thiên Chúa. Cùng đích riêng của đối thoại liên tôn, trong phân tích cuối cùng, là sự hoán cải chung của Kitô hữu và các tín hữu tôn giáo khác với cùng một Thiên Chúa - Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô - Ðấng đã mời gọi họ qua các bên đối thoại.

Ngoài ra còn có một ích lợi khác cho thần học Kitô giáo. "Ðể hiểu người khác, trong chừng mực nào đó cần phải nhìn thế giới này với đôi mắt của của họ, trong ánh sáng của các vấn nạn của họ vốn nổi lên trong dòng lịch sử của họ". Vấn đề thần học cũng thế, qua việc gặp gỡ, đối thoại với các tôn giáo khác, thần học Kitô giáo có nhiều cơ hội để cọ sát, và tự canh tân chính mình. Cụ thể hiện nay đang hình thành những nền thần học mới như Thần học về đa nguyên tôn giáo. Thần học đối thoại. Biết đâu Giáo Hội tại Á Châu sẽ đóng góp cho Giáo Hội toàn cầu nền thần học về đối thoại !

Tóm lại, qua đối thoại, Giáo Hội nỗ lực khám phá "những hạt giống của Lời", và "tia sáng của chân lý chiếu soi cho tất cả mọi người". Những điều này được tìm thấy trong mỗi con người và trong các truyền thống tôn giáo của nhân loại. Ðối thoại dựa trên niềm hy vọng và tình yêu, và sẽ mang lại hoa trái trong Thánh Thần (RM 56). (xin xem thêm Phụ Luc 2 : Tự do trong Thánh Thần).

Ðó là chưa kể, ngày nay ai cũng thấy đối thoại là điều kiện tất yếu của việc phục vụ con người và xã hội. Tất cả các tôn giáo được mời gọi để góp phần vào công việc phục vụ này. Hiện nay, việc phục vụ càng trở nên cần thiết hơn trong một xã hội đầy những bất công và căng thẳng. Các tôn giáo có thể góp phần giải quyết những căng thẳng này bằng cách cùng đối thoại với nhau (RM 57).

4. Làm gì để phát triển đối thoại ?

Cần xác tín giá trị, hiệu quả của đối thoại ; Và nhất là ý thức sứ mạng và bổn phận đối thoại của mình bằng cách cải thiện, canh tân nhận thức đối thoại và canh tân việc đối thoại của mình.

"Thượng Hội Ðồng nhắc lại Giáo Hội tại Á Châu phải cam kết thực hành nhiệm vụ cải thiện những liên hệ đại kết và sự đối thoại liên tôn, phải công nhận rằng sự hiệp nhất, cổ võ sự hòa giải, tạo ra những sợi dây liên đới, đề xướng đối thoại giữa các tôn giáo và văn hóa, tẩy chay những thành kiến và làm phát sinh sự tin tưởng giữa các dân tộc, tất cả những thứ đó cần cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội trên lục địa này. Tất cả những thứ đó đòi hỏi cộng đồng công giáo phải thành thật xét lại lương tâm, can đảm tìm kiếm sự hòa giải và một sự cam kết đổi mới dẫn đến việc đối thoại. Tại ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, điều rõ ràng là khả năng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội, đòi hỏi Giáo Hội phải ra sức phục vụ sự hiệp nhất trong mọi khía cạnh của nó. Sự hiệp thông và truyền giáo luôn đi đôi với nhau" (GA 24).

* Và dĩ nhiên cần dấn thân đối thoại. Tuy nhiên trong thực tế để dấn thân đối thoại, ta cần một số điều kiện sau :

- Cần có thái độ quân bình (DP 47), cởi mở trước chân lý (DP 49). Ngoài ra phải hiểu biết, khôn ngoan và nhạy bén trong nhận định, nhất là trong khung cảnh đa văn hóa, đa tôn giáo của Châu Á chúng ta (x. GA 18, 21, 30, vv).

- Cần có xác tín tôn giáo (DP 48). Sống đức tin trưởng thành : "Chỉ những người có Ðức Kitô giáo trưởng thành và xác tín mới có tư cách dấn thân vào việc đối thoại liên tôn chân chính. Chính những Kitô hữu được dìm sâu vào trong mầu nhiệm Chúa Kitô và sống hạnh phúc trong cộng đồng đức tin của họ, mới có thể dấn thân vào việc đối thoại liên tôn, mà không sợ rủi ro và có hy vọng gặt hái được hoa quả tích cực"(GA 31).

* Khả năng đối thoại cần được đào tạo, hướng dẫn :
- Cần được đào tạo : "Ðược đào tạo đầy đủ về lịch sử và bản chất của các tôn giáo khác là hết sức cần thiết, để có thể thấy được vị trí của chúng và để rèn luyện bổn phận truyền giáo của mình".
- Về đối thoại đại kết cũng thế, cần đưa việc đào tạo đối thoại đai kết vào chương trình chủng viện và các cơ sở giáo dục (x. GA 30).

- Cần được hướng dẫn : "Ðiều quan trọng tại Á Châu là cung cấp những cách thức xứng hợp cho cuộc đối thoại liên tôn - Phúc Âm hoá trong đối thoại và đối thoại để Phúc Âm hóa - và sự đào tạo xứng hợp cho những ai dấn thân vào đó" (GA 31).

Thậm chí cung cấp chỉ nam đối thoại : "Ðể hướng dẫn những người dấn thân trong quá trình này, Thượng Hội Ðồng gợi ý xuất bản một cuốn kim chỉ nam về đối thoại liên tôn" (GA 31).

* Tông Huấn cũng đệ nghị một số thực hành cụ thể :

- Về đối thoại đại kết. "Ðối thoại đại kết là lời thách thức và kêu gọi toàn thể Giáo Hội hoán cải, nhất là Giáo Hội tại Á Châu" (GA 30). Cụ thể cần làm tốt một vài việc như : "hãy mời các Giáo Hội Kitô khác tham gia công cuộc cầu nguyện và tham khảo bàn bạc để tìm ra những khả năng xây dựng những cơ cấu và tổ chức mang tính đại kết, có thể giúp đẩy mạnh sự hiệp nhất các kitô hữu. Tổ chức tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất cho có kết quả hơn" (GA 30 ).

- Về đối thoại liên tôn. Ðức Thánh Cha mời gọi chúng ta thực hành các hình thức đối thoại như :

. "Cần thiết phải đối thoại bằng sự sống và con tim". Môn đệ Chúa Kitô phải có tấm lòng hiền lành và khiêm nhường của thầy mình, không bao giờ tỏ ra kiêu căng, không bao giờ thỏa hiệp, khi gặp gỡ những người bạn mình trong cuộc đối thoại ( x. Mt 11, 29) "những quan hệ liên tôn được phát huy tốt nhất trong khung cảnh cởi mở với những tín hữu khác, trong khung cảnh muốn nghe, muốn tôn trọng và hiểu biết kẻ khác với các sự khác biệt của họ. Ðể đạt được tất cả sự đó, cần phải thương yêu kẻ khác. Sự kiện này đưa tới sự hợp tác, hài hòa và làm giàu cho nhau" (GA 31). Việc đối thoại bằng cuộc sống và bằng con tim (có lẽ phải dịch là bằng cái tâm) được nhắc tới hai lần (GA 25, 31). Ðiều này cho thấy rõ nét chiều kích Ba Ngôi trong đối thoại mà chúng ta phải thực hành: đối thoại là ở trong sự hiện diện của người khác, và qua đây ta cũng sống được cái logic của mầu nhiệm nhập thể trong đối thoại (x.GA 29).

. Những trao đổi uyên thâm giữa các chuyên viên trong nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau hoặc những đại diện của các truyền thống này, hành động chung nhằm giúp phát triển toàn diện con người và sự bênh vực các giá trị nhân bản và tôn giáo (GA 31). . "Tôi nhắc lại thật là quan trọng biết bao sự tái tiếp sức cho sự cầu nguyện và chiêm niệm trong quá trình đối thoại. Các người nam và nữ trong đời sống thánh hiến, có thể góp phần rất có ý nghĩa trong việc đối thoại liên tôn, bằng cách làm chứng cho sức sống của các truyền thống Kitô giáo, đó là sự khổ tu và chủ thuyết thần bí" (GA 31). Những điều này đặc biệt quan trọng đối với Á Châu chúng ta trong viễn tượng : "tương lai của việc truyền giáo tùy thuộc phần lớn vào đời sống chiêm niệm. Mỗi kitô hữu cần phải sống một linh đạo truyền giáo lấy cầu nguyện và chiêm niệm làm trọng tâm" ( GA 23).

Tóm lại ta cần sống một đức tin trưởng thành, khôn ngoan và thánh thiện hơn để có thể đối thoại : "vì chỉ những Kitô hữu được dìm sâu vào trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Chỉ khi nào dân Chúa nhận ra được ân huệ của mình trong Chúa Kitô, thì họ mới có khả năng truyền ân huệ đó cho kẻ khác nhờ sự rao giảng và đối thoại" (GA 31).

Là người kitô hữu Việt Nam, để có thể cải thiện việc đối thoại, chắc phải có thêm những thông tin về hiện trạng đối thoại ở Việt Nam. Rất tiếc con không làm được điều này. Con tin chắc là Giáo Hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực. Nhưng con chỉ nhớ sau Công Ðồng Vaticanô II, khoảng năm 1970, Ðức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình đã mở Văn Phòng Liên Lạc Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo. Văn phòng này có dịch và phổ biến một tài liệu của Tòa Thánh mang tựa đề "Gặp gỡ anh em Phật Giáo" do Vũ Ðộ dịch, xuất bản năm 1973. Trước đó, năm 1972, Ðức Tổng có viết lời giới thiệu cuốn sách "Vấn đề đối thoại tôn giáo" của Hoành Sơn Hoàng Sỹ Quý. Nhưng quan trọng hơn cả có lẽ là thái độ dứt khoát sống tinh thần đối thoại như trong lá thư chung 1980 củ Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã diễn tả. Ðức Cha Bartôlômêô, Tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã cho biết như thế khi Ngài trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn "UCA News", đăng trên báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1268, tuần lễ từ 21-7 đến 27/7/2000, trang 10 : "Thư chung đã động viên các tín hữu Công Giáo, đặc biệt ở cấp địa phương, hãy dứt khoát đi vào con đường đối thoại và dấn thân vào xã hội, cam kết phục vụ đồng bào không kể là là thuộc khuynh hướng chính trị và tôn giáo nào. Hai mươi năm qua, thái độ cởi mở đã trở thành một động lực tự nhiên nơi người công giá"


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà