MỘT VÀI NÉT VỀ KITÔ HỌC Á CHÂU


LM Trần Ðình

Dẫn nhập.

Á Châu là lục địa rộng lớn nhất trên trái đất và là nơi cư ngụ của gần 2/3 dân số thế giới với hai nước Trung Hoa và Ấn Ðộ chiếm gần nửa dân số toàn cầu. Chính vì vậy, Á Châu là mối ưu tư của Giáo Hội hôm nay, và là niềm hy vọng của Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba này (x. GA 4).

Nơi phần đất này, Giáo Hội Á Châu có thể hát lời ngợi khen "Thiên Chúa cứu độ" (TV 68, 20) vì Người đã chọn khởi sự kế hoạch cứu độ nơi đây. Chính tại Á Châu, Thiên Chúa đã mặc khải và hoàn thành ý định cứu rỗi của Người qua Ðức Giêsu, Ðấng cứu độ duy nhất hôm qua hôm nay và mãi mãi. Ðức Giêsu đã mặc lấy xác phàm, mang căn cước Á châu, được sinh ra bởi một người mẹ Châu Á.

Chỉ có điều, tại sao Ðấng Cứu Thế sinh ra tại Á châu mà cho đến nay vẫn có nhiều người của lục địa này chưa biết đến Người ? Ðó là vấn nạn to lớn mà Giáo Hội hôm nay, đặc biệt là Giáo Hội tại Á Châu, đặt ra cho chính mình (x. GA 19).

Ðó cũng chính là phần việc, là sứ mạng của Kitô học Á Châu : trình bày mầu nhiệm Ðức Kitô thế nào cho phù hợp với não trạng của người Á Châu, vốn đã ghi đậm nét của nhiều tôn giáo lớn, ngõ hầu họ nhận ra được Người thực sự là "Kẻ láng giềng của tất cả chúng ta tại Á Châu" (Kosuke Koyanma).

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu 3 điểm :

1. Bối cảnh của lục địa Á Châu và những luồng tư tưởng Kitô học.

2. Vài nét chấm phá về Kitô học Á châu.

3. Cuối cùng là một vài nhận định kết luận.

I. Bối cảnh của lục địa Á Châu và những luồng tư tưởng Kitô học.

Muốn hiểu Kitô học Á Châu đã được khai sinh như thế nào thì phải nhận dạng cho được bối cảnh của châu lục này.

1. Bối cảnh của Á Châu.

a/ Á Châu là chiếc nôi của những tôn giáolớn trên thế giới như Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo vá Ấn giáo. Ðó là nơi phát sinh nhiều truyền thống thiêng liêng khác như Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Zoroastrianism, Jainơsm (Ấn Ðộ), giáo phái Sikh và Thần đạo (Nhật). Hàng triệu người cũng theo những tôn giáo truyền thống và bộ lạc, với nhiều cấp độ nghi thức và giáo thuyết (GA 6).

b/ Á Châu là quê hương của những nền văn hóa lớn, với những nền triết học đa dạng và phong phú, đã ăn sâu vào đầu óc của dân chúng đến độ trở thành như một loại tôn giáo, như triết học Ấn Ðộ và triết học Trung Hoa.

c/ Sau cùng, hoàn cảnh đói nghèo, bị áp bức và sự phân chia giai cấp ... là một nét khác làm thành bối cảnh của lục địa này.

2. Những luồng tư tưởng Kitô học Á Châu.

a/ Sự hiện hữu của những tôn giáo lớn đã làm phát sinh "Kitô học đối thoại".

b/ Ðối diện với những nền văn hóa và triết học thâm thúy, các nhà thần học đã khai sinh "Kitô học hội nhập".

c/ Chạm trán với những khổ đau muôn mặt của con người "Kitô học giải phóng" đã ra đời.

"Ðối thoại", "Hội nhập" và "Giải phóng" là những tư tưởng chủ đạo của Kitô học Á Châu mà chúng ta sẽ trình bày tiếp sau đây.

II. Một vài nét về Kitô học Á Châu.

Nhìn lại chặng đường Kitô học Á Châu đã đi qua, chúng ta sẽ rút ra những điểm mấu chốt để có cái nhìn khái quát về môn học này.

1. Kitô học đối thoại.

a/ Kitô học của Raymundo Panikkar và ưu tư đối thoại với Ấn giáo.

Sinh năm 1918 từ mẹ là người Tây Ban Nha Công giáo và cha là người Ấn giáo, Panikkar đã chịu ảnh hưởng của hai gia bảo là Công giáo và Ấn giáo. Ông đã dạy nhiều nơi và viết nhiều sách, mục đích là để bắc nhịp cầu đối thoại giữa Ðông và Tây. Ông đã dành một chỗ rất lớn cho việc giải thích các truyền thống Hindu để suy tư về mầu nhiệm Ðức Kitô cách mới mẻ.

Tác phẩm chính yếu về Kitô học của Panikkar là quyển "Le Christ inconnu de l'hindouisme" (1964). Qua tác phẩm này, tác giả muốn chia sẻ một xác tín : Ðức Kitô là Ðấng hiện diện cách tiềm ẩn cả ở trong Ấn giáo, chứ không phải là sở hữu duy nhất của Kitô giáo.

Khi suy tư về ISVARA, Panikkar nhìn thấy Isvara khác nào là hình ảnh của Ðức Kitô.

Vedanta là truyền thống giúp xác định rõ nhất về chức năng của Isvara. Isvara là mặc khải và là dạng thái cá thể của Brahman (Ðấng Tuyệt Ðối, Ðấng Siêu Việt, Ðấng Vô Danh), là Thiên Chúa hạ giáng. Isvara vừa khác biệt vừa đồng nhất với Brahman, là trung gian giữa Brahman và thế giới trong việc tạo dựng.

Theo Panikkar : "Chính ở đó, chúng ta tìm ra được địa vị của Isvara, và cũng chính ở đó chúng ta tìm ra được một trong các chức năng của Ðức kitô". Và như thế, bất chấp vô số những khác biệt hai bên, một tiếp điểm có thể được tạo nên. Một cách suy diễn theo nhãn quan Kitô học có khả năng giúp nhận ra nơi dung mạo của Isvara theo các Ấn giáo diễn đạt những gì Kitô hữu tuyên xưng về Ðức kitô.

Panikkar đã minh họa luận đề cơ bản của mình về "Ðức Kitô chưa biết biết đến của Ấn giáo", như thế, cho dù tác giả có nhấn mạnh rằng không thể nào đặt Ðức Kitô hằng sống của lòng tin của các Kitô hữu trên cùng một bình diện với Isvara của truyền thống Vedanta. Hơn nữa, giáo lý về Ðức kitô và Thiên Chúa Ba Ngôi đòi hỏi phải có đức tin siêu nhiên thì mới có thể tiếp nhận được.

Panikkar không nghĩ rằng Isvara và Ðức Kitô hoàn toàn tương đương. Tuy nhiên, những suy tư của ông chỉ muốn phác họa cho việc xây dựng một Kitô học cơ bản có khả năng thích ứng và đối thoại với Ấn giáo, bởi vì có trình về Ðức Kitô một cách khả dĩ hiểu được đối với Triết Ấn thuần túy thì mới có thể mở ra một con đường để Người thâm nhập vào trong Triết Ấn.

Panikkar xác tín rằng Thiên Chúa không ngừng linh ứng cho nhân loại và Ðức Kitô quả thật đã ra tay hoạt động khi các bậc hiền triết Ấn lưu truyền sách thánh của họ. Ngoài ra, Panikkar cũng nhìn vào thánh Tôma Aquinô, người đã dùng hệ thống triết học Aristote để suy tư và diễn đạt chân lý Kitô. Và tiếp đó là trường hợp của thánh Phaolô khi ngài thuyết trình trước Hội Ðồng Arêôpagô ở Athêna với lời khắc trên một bàn thờ : "Kính thần vô danh" (Cv 17, 23). Theo gương Phaolô, Panikkar tin rằng có thể nói không những về "Thần vô danh" của người Hy Lạp mà còn cả về Ðức Kitô chưa được biết đến của Ấn giáo nữa.

Cuốn sách xuất bản năm 1964 đã nhanh chóng gây được tiếng vang lớn. Ra mắt đúng vào thời điểm Công Ðồng Vaticanô II soạn thảo bản tuyên ngôn về "Các quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo khác", cuốn sách được coi như một bước thay đổi tiêu biểu của phía Công giáo trong việc đánh giá các truyền thống tôn giáo khác. Tác phẩm này làm ta liên tưởng tới đề tài "Kitô giáo vô danh" (christianisme anonyme) của thần học gia Karl Rahner viết hồi thập kỷ 60, nghĩa là đồng thời.

b/ Kitô học của Seiichi Yagi và ưu tư đối thoại với Phật giáo.

Quan tâm đối với việc tìm hiểu Kinh Thánh và ưu tư với công việc đối thoại giữa Kitô hữu và đạo hữu Phật giáo, Yagi đã chủ trương xây dựng một dạng thần học sao cho có khả năng diễn đạt kinh nghiệm Kitô bằng những phạm trù Á Châu. Nói khác đi, cần phải canh tân Kitô học Nhật bản lại để có khả năng thích ứng hơn với bối cảnh chung sống trong môi trường Phật giáo.

Mẫu Kitô học này mở đầu với việc đối chiếu giáo huấn của Ðức Giêsu và giáo huấn của Ðức Phật. Tuy dầu có những khác biệt không thể phủ nhận, Yagi làm nổi bật sự kiện cả hai Vị đều lên án hành động "Tuyệt đối hóa bản ngã" (Cái tôi). Theo Ðức Phật, đó là ảo ảnh và là nguyên nhân của khổ đau. Còn theo Ðức Giêsu, nó làm phương hại đến điều quý giá nhất, là tương quan giữa Thiên Chúa và tha nhân.

Tuy nhiên, sự tương dồng nói trên đây, không được làm che khuất những khác biệt cơ bản : Theo Ðức Phật, thái độ ngạo nghễ của cái tôi làm phát sinh đau khổ, trong khi đó Ðức Giêsu cho thấy thái độ ấy làm phát sinh tội lỗi. Một bên dạy về con đường Nirvana (Niết bàn), bên kia thì vén mở cho thấy Nước Thiên Chúa. Tín đồ Phật giáo phải theo giáo huấn của Dharma (Phật pháp), còn Kitô hữu thì phải gắn bó với Ðấng sáng lập.

Dẫu vậy, đối với Ðức Giêsu cũng như Ðức Phật, con người cần phải được giải thoát khỏi khuynh hướng đề cao trái lẽ cái tôi của mình.

c/ Stanley Samartha và "Kitô học qui thần" (Christologie théocentrique).

Năm 1991, Samartha đã xuất bản một quyển sách với nhan đề "Một Ðức kitô - Nhiều tôn giáo. Hướng tới một Kitô học xét lại" (One Christ - Many Religions. Towards a Revised christology). Không có ý lên án những chân lý trong kitô học cổ điển, tác giả chỉ muốn tránh những cách giải thích hẹp hòi của nền Kitô học này và - về mặt tích cực, cố tìm cho ra những con đường khả dĩ mở ra những quan hệ giao dịch trao đổi hay hợp tác với các tín đồ các tôn giáo khác trong bối cảnh của một thế giới đa dạng.

Chúng ta lưu ý hai điểm trong tác phẩm này :

- Theo tác giả, trong bối cảnh đa tôn giáo của Ấn Ðộ, Kitô học cần phải đáp ứng hai đòi hỏi chủ yếu này : một mặt, chấp nhận ý nghĩa của mầu nhiệm ; mặt khác, phải cởi bỏ thái độ chuyên nhất đối với tín hữu các tôn giáo khác. Xác quyết rằng ý nghĩa của mầu nhiệm ấy chỉ được mặc khải trong một cá nhân riêng biệt, tại một nơi chốn riêng biệt, chứ không tại bất cứ một nơi nào khác, là tỏ ra không biết chi đến hoàn cảnh của tín đồ các tôn giáo khác, không biết là họ cũng có những giá trị qui chiếu riêng của họ :

"Trong khi những con đường cứu độ khác nhau đã từng từ hơn hai ba ngàn năm nay mang lại ý nghĩa và mục đích cho hàng triệu con người sống trong những nền văn hóa khác, mà cứ cho rằng truyền thống Do thái - Kitô Tây phương là câu trả lời duy nhất cho mọi vấn đề tại mọi nơi và cho mọi người trên thế giới thì quả là tự phụ, nếu không nói là không thể tưởng tượng nổi. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận giá trị vững chắc của kinh nghiệm Kitô về ơn cứu độ trong Ðức Giêsu Kitô, mà chỉ muốn đặt lại vấn đề về những lời xác quyết tự phụ có tính cách chuyên nhất Kitô hữu thường đưa ra nhằm giữ ưu thế cho kinh nghiệm ấy ... Nếu ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa - và đối với Kitô hữu thì chắc hẳn là thế, không thể khác được - thì tất phải mở rộng cửa cho những gì có thể đưa tới chỗ nhìn nhận giá trị của những dạng kinh nghiệm khác về ơn cứu độ".

- Vì tố giác mọi thái độ chuyên nhất, Samartha nỗ lực xây dựng một "kitô học qui thần", tức đặt Thiên Chúa làm trung tâm.

Lập luận của tác giả thế này :

"Trong một thế giới có nhiều tôn giáo khác nhau, thì có thể có và thực sự có những dạng loại thần học không qui chiếu về Ðức Kitô. Không biết đến hoặc phủ nhận sự kiện ấy là giữ thái độ thờ ơ đối với anh chị em sống chung quanh chúng ta ... Một Kitô học giữ lập trường cho rằng Thiên Chúa đã được mặc khải để cứu chuộc loài người chỉ nơi một mình Ðức Giêsu Nagiarét mà thôi, và rằng hành động mặc khải và cứu độ ấy chỉ diễn ra một lần cho tất cả hồi thế kỷ thứ I, tất cả sẽ gặp ngay nguy cơ đi ngược lại một chủ đề tư tưởng khác của thần học Do thái và kitô xác quyết rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu và công bằng, theo nghĩa là Ngài tạo dựng, nâng đỡ và cứu chuộc hết thảy mọi tạo vật ... Nếu thật là đúng khi dựa theo truyền thống cổ xưa nhất của Tân ước để nói rằng Ðức Kitô luôn qui hướng mọi sự về với Thiên Chúa, và như thế chính Ngài cũng "qui thần" (Théocentrique), qui hướng về với Thiên Chúa hay đặt Thiên Chúa làm tâm điểm của mình, thì chỉ có một cách duy nhất đặt Ðức Kitô làm trung tâm là "đặt chính thiên Chúa làm trung tâm".

Tác giả nói tiếp :

"Phải trả lời thế nào cho câu hỏi đặt ra về điều gì đã xảy ra cho hàng triệu con người đã chết trước khi Ðức Giêsu Nagiarét sinh ra, nếu ơn cứu độ chỉ có ở nơi Ðức Giêsu Kitô mà thôi ? Chẳng phải một Kitô học cho rằng Thiên Chúa đã được mặc khải để cứu chuộc loài người chỉ nơi một mình Ðức Giêsu Nagiarét mà thôi (và một lần cho tất cả hồi thế kỷ thứ I) lại không tương phản với nền thần học xác quyết rằng Thiên Chúa là Ðấng sáng tạo và cứu chuộc toàn thể nhân loại, và rằng tình yêu và sự công bằng của Người bao trùm hết mọi người thuộc mọi thời đó sao ? Nhưng con người có quyền gì để đặt giới hạn cho tự do của Thiên Chúa, đến độ Người chỉ có thể can thiệp vào trong lịch sử ở một thời điểm độc nhất trong suốt dòng thời gian ?".

- Cuối cùng, tác giả kể ra những hậu quả tiêu cựcdo những xác quyết chuyên nhất của Kitô giáo mang lại cho một thế giới đa tôn giáo :

. Gây ra sự phân cách giữa hai hạng người : những người được cứu độ và những người không được cứu độ.

. Làm cho sự hợp tác giữa người kitô hữu và tín đồ các tôn giáo khác thành khó khăn, chẳng hạn như trong nỗ lực chống bất công ...

d/ Yves Raguin và Kitô học về "Ðức Kitô hoàn vũ".

Kitô học của Raguin phát xuất từ việc chung sống với người Á Châu và nền văn hóa của họ. Trong phần lời tựa của tác phẩm "Le Christ et son mystère", tác giả viết :

"Ba mươi năm nay sống tại Ðông Á, tôi luôn tìm cách để thấu hiểu văn hóa Trung Hoa và các tôn giáo của nước này. Lúc nào tôi cũng được dẫn đưa đến chỗ nhìn Ðức Kitô với cặp mắt của người đang cố thử mỗi ngày tiến thêm một ít vào trong thế giới bí nhiệm của tư tưởng Châu Á. Và như thế, dần dần tôi đã được đưa dẫn đến chỗ nhìn Ðức Kitô dưới những sắc thái không mấy quen thuộc đối với những gì thu nhận được từ giai đoạn huấn luyện đầu tiên của tôi. Ðối với tôi, Ðức Kitô bây giờ vĩ đại và phong phú hơn trước đây, khi mà tôi chỉ đơn thuần nhìn Ngài theo nhãn quan tư tưởng Tây phương".

- Việc tiếp xúc với tư tưởng của Phật giáo và Lão giáo là nguyên nhân biến chuyển tư tưởng của ông. Tác giả nhận định :

"Qua giáo thuyết về cuộc giải thoát tận căn, Ðức Phật thúc giục chúng ta lắng nghe lời Ðức Kitô một cách chăm chỉ hơn : "Ai tìm giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ duy trì được mạng sống" (Lc. 17, 33)".

Bình luận một đoạn viết của Lão Tử : "Ði cho tận cùng hư không ..." Tác giả đã nhận ra rằng kinh nghiệm về "tự hủy" (Kénose) cũng là kinh nghiệm về thái độ phục tùng trọn vẹn đối với nguồn gốc (Origine) và tìm thấy nơi kinh nghiệm ấy một con đường dẫn đến chỗ chiêm ngắm thái độ vâng phục cho đến chết trên thập giá của Ðức Giêsu.

- Tác giả kết luận : "Qua kinh nghiệm cá nhân, Ðức Kitô ấy đối với tôi, không còn là Ðức Kitô của riêng người Kitô hữu. Người đã mang được một tầm kích có tính cách hoàn vũ hơn, ít nhất là theo tôi nghĩ. Người đã đến cho mọi người và chúng ta không có quyền độc chiếm cho riêng mình. Dần dần chúng ta phải trả lại chiều kích hoàn vũ ấy lại cho Người, trong khắp nơi trên thế giới. Người Tây phương cầm giữ Người là một người Tây phương : một thời điều đó đã được coi như chuyện thường tình. Mỗi người phải làm sao để nhận ra được Ngài thật là Ðức Kitô của chính mình. Và như thế, Người sẽ là Ðức Kitô hoàn vũ hay phổ quát như Phaolô đã dự kiến".

e/ Michel Amaladoss : "Ngôn từ thích hợp" trong Kitô học.

Năm 1989, Amaladoss đã viết về một đề tài : "Thực trạng tôn giáo đa dạng và tầm trọng yếu của Ðức Kitô".

Tác giả đã nói rõ về phương thức tiến hành mình chọn : đó là phương thức "đối thoại", tức là chú tâm lắng nghe tín hữu các tôn giáo khác, để từ mối quan hệ đó, dùng ngôn từ thích hợp mà diễn đạt căn tính của Ðức Kitô.

2. Kitô học hội nhập.

a/ Kosuke Koyama và "thần học hội nhập cảnh huống".

K. Koyama sinh năm 1929 trong một gia đình Kitô, và lớn lên trong cảnh chiến tranh. Ông đã tận mắt chứng kiến cảnh máy bay B. 29 của Hoa Kỳ ném bom Tokyo suốt ngày đêm và biến Thành phố này thành bình địa. Kinh nghiệm đau thương ấy đã đưa Koyama dấn thân nghiên cứu thần học suốt nhiều thập kỷ để làm sao giải thích được biến cố kinh hoàng kia dưới ánh sáng đức tin. Rồi ông đã sang Hoa Kỳ tiếp tục việc học và đậu bằng tiến sĩ Kinh Thánh. Trở về nước, ông được gởi đi truyền giáo tại Thái Lan.

Thời gian làm việc tại đây giúp ông xác tín rằng thần học phải được hình thành trong mối tiếp cận chặt chẽ với dân chúng địa phương. Ông đã giải thích vấn đề này trong một bài viết tựa đề là "Waterbuffalo Theology" (Thần học Hà mã) :

"Trên đường đi đến nhà thờ xứ tôi, không bao giờ tôi lại không thấy một đoàn trâu nước thong thả gặm cỏ trong thửa ruộng bùn lầy. Quang ảnh ấy mang lại cho tôi một niềm hứng khởi. Tại sao ? Bởi vì nó nhắc nhở cho tôi rằng những người có bổn phận mang Tin Mừng của Ðức Kitô đến với tôi, thường sống qua phần lớn cuộc đời họ với những con trâu nước lội trong ruộng bùn như thế".

Và Koyama đã ưu tư làm sao có thể rao giảng bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu đối với các nông dân Thái Lan và trong một cách thứ khả dĩ tiếp cận được với những kinh nghiệm của họ :

"Thần học của tôi tại Thái Lan phải bắt đầu với những nhu cầu của các nông dân, chứ không phải là với những tư tưởng cao siêu được khai triển ở trong bộ tổng luận thần học và thần học tín lý ...".

Kinh nghiệm sống nói trên sẽ giải thích cho thấy tại sao Koyama nhấn mạnh đến bối cảnh của hết mọi suy tư thần học. Không thể đến với Ðức Kitô mà không qua cảnh huống cụ thể. Thế nên, nếu muốn theo đuổi Kitô học thì không có một đường lối nào khác ngoài việc nỗ lực tìm hiểu bối cảnh của một địa phương, một miền, một thời điểm lịch sử nào đó.

Công tác ấy đòi hỏi phải có một niềm xác tín mạnh mẽ về cả hai mặt nhân học và thần học : con người là một hữu thể lịch sử và Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô là một Vị Thiên Chúa đã tự mặc khải ra ở trong lịch sử. Chính giữa lòng lịch sử, công trình của Ðấng Tối Cao đã tỏ hiện. Xét theo thần học, lịch sử loài người chính là nơi gặp gỡ cá nhân giữa Thiên Chúa và con người, đồng thời cũng là nơi gặp gỡ giữa con người với nhau.

Cho nên, nhiệm vụ của Kitô học là nói với họ về Ðức Kitô thế nào để họ nhận ra được người thực sự là kẻ "láng giềng của tất cả chúng ta tại Á Châu".

b/ John K. Kadowaki và "Thần học về Ðạo" (Tao).

Kadowaki là một linh mục dòng Tên người Nhật. Năm 1990 tác giả đã xuất bản một tác phẩm được coi như tiêu biểu cho "Thần học hội nhập".

Một điểm được xem như chính yếu của tác phẩm này bàn về các tôn giáo và các linh đạo Á Châu xét vì tầm trọng yếu của Ðạo (Tao) nắm giữ trong Lão giáo cũng như trong văn hóa Nhật Bản, để cuối cùng hướng nhìn về Ðức Kitô được giới thiệu như là "Ðạo", là con đường.

Tác giả không có chủ ý viết ra một thiên khảo luận về Kitô học, mà chỉ nhằm đưa các độc giả đến chỗ gặp gỡ một cách cụ thể, hiện sinh với Ðức Giêsu.

J. Kadowaki lấy cặp mắt Kitô mà ngẫm đọc Kinh Thánh, và hơn hết là Tin Mừng theo Thánh Gioan. Tác giả chọn đoạn nhập đề hay lời tựa của Phúc Âm này làm khởi điểm và dựa theo ánh sáng soi dẫn của đoạn này để bình giải câu nói của Ðức Giêsu : "Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14, 6).

Trái với những tác giả cho rằng có một đà tăng dần giữa ba danh từ dùng trong câu nói đó (= Ðức Giêsu là "con đường" trong nhân tính của Người, đi theo con đường ấy các môn đệ của Người sẽ đạt đến "chân lý", rồi từ đó được thông dự vào sự sống Thần Linh), J. Kadowaki cho rằng điều khẳng định chính yếu trong câu đó đã được nói lên qua từ đầu tiên : Ðức Giêsu là "Ðạo", là con đường.Còn hai danh từ kia thì giải thích cho thấy tại sao Ðức Giêsu là con đường : Ðức Giêsu là "Ðạo" vì Người là chân lý, tức là mặc khải tối hậu của tình yêu Thiên Chúa Cha ; rồi vì Thiên Chúa Cha sai Người đến trao ban cho Người sự sống để rồi Người lại trao ban sự sống ấy cho ngững ai tin vào Người.

Ðó là điểm chủ yếu nổi bật trong lời tựa của Tin Mừng theo Thánh Gioan : Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người giữa loài người và vén mở cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa Cha. Người là con đường theo nghĩa là cùng tiến bước với Người, chúng ta sẽ được thông phần vào sự sống sung mãn của Người.

Nắm được cơ sở vững chắc ấy của Tin mừng Gioan, Kadowaki bình giải tiếp một số đoạn khác trong Tin mừng Nhất Lãm, để làm sao đưa độc giả đến với Ðức Giêsu qua một cuộc gặp gỡ cá nhân. Tác giả giải thích về việc kêu gọi các môn đệ là những người đã theo Ðức Giêsu trên con đường của Người và đã chia sẻ cuộc sống với Người. Các dụ ngôn cũng vậy, không phải là được rút ra từ một giáo huấn lý thuyết, nhưng là nảy sinh từ cuộc sống cụ thể : những ai thật sự mở lòng để đón nghe những dụ ngôn ấy, tất sẽ nhận được từ chúng những lời của chính Ðức Giêsu là Ðấng thay vì bỏ họ cô đơn một mình, thì bao giờ cũng ở bên họ như người bạn đường trung thành.

J. Kadowaki đã tóm kết quyển sách như sau : "Ðạo, như một lực đỡ nâng, hằng tiếp tục dẫn bước như một người bạn đường trong cuộc hành trình của chúng ta, tiếp tục sinh động hóa hành động của chúng ta. Như nền tảng giữa lòng vũ trụ, hoạt động uy nghi và có sức sinh động hóa của Ðạo triển dương cao thấp, ngang dọc, tuôn đổ trong mọi sự và vén mở cho thấy tình yêu của Thiên Chúa Cha ...".

Người ta có thể chào đón "Thần học về đạo" như là một thử nghiệm tốt đẹp của "Thần học hội nhập" Á Châu. Quả thế, từ "Tao" (Ðạo) đóng vai trò quan trọng như từ "Logos" mà Tân ước đã mượn từ văn hóa Hy Lạp. Kadowaki đã dựa theo nhãn giới của khái niệm "Tao" để mà đọc Phúc Âm, và đặc biệt đã thực sự dùng khái niệm ấy, là ý niệm mang nhiều ý nghĩa sâu đậm thâm thúy trong các truyền thống Ðông Á để chỉ về Ðức Giêsu Nagiarét trong Phúc Âm theo Thánh Gioan. Kadowaki đã dùng kinh nghiệm và triết lý Ðông phương mà diễn đạt đức tin Kitô, đồng thời ưu tư xây dựng một nền Kitô mang nhãn hiệu Nhật Bản.

Ðể kết luận, một vấn đề được đặt ra là : làm thế nào để tuyên xưng niềm tin vào Ðức Kitô trong bối cảnh đặc thù của Nhật bản ?

Câu hỏi làm ta nhớ lại quyển tiểu thuyết nổi danh của Shusaku Endo tựa đề là "Thinh lặng" (Silence), viết về việc Cha Ferreira và một nhà truyền giáo khác đã chối đạo trong cuộc bách hại qui mô hồi thế kỷ XVII tại Nhật Bản. Tác giả đã để một nhân vật nói lên câu nói này : "Một cây mọc tốt trong mảnh đất này, có thể èo uột khi được bứng trồng qua một mảnh đất khác. Cây Kitô giáo có cành lá xanh tươi mọc lên um tùm, nụ chắc nịch không tài nào đếm xuể nơi xứ lạ, nhưng tại Nhật bản, lá cây Kitô giáo trở thành tàn úa, còn nụ chắc nịch thì trở thành héo khô". Và như thế Endo đã cho thấy những khó khăn mà đức tin Kitô gặp phải khi đâm rễ vào vùng đất này của Ðông Á.

Quyển tiểu thuyết kia có cực đoan mấy đi nữa thì nó cũng cho ta hiểu một vấn đề : Kitô học ngày nay càng cảm nhận thấm thía đòi hỏi cần phải "hội nhập văn hóa", bởi vì trình bày mặc khải Ðức Kitô sao cho thích đáng trong bối cảnh đặc thù của Nhật Bản là một việc làm quả thật quan trọng.

c/ Aloysius Chang và "Kitô học về khí" (Qi).

A. Chang đã thấy được một diều gọi là một cuộc "hội nhập Kitô học" (X. GA số 21 và 22 : Thách đố của việc hội nhập văn hóa) qua nỗ lực nghiên cứu về một trong những khái niệm chủ chốt nhất trong các truyền thống Trung Quốc, đó là khái niệm Khí (Qi), rất thông dụng trong y học cổ truyền và võ thuật.

Theo A. Chang, khái niệm Qi (khí) có thể đóng một vai trò quan trọng trong nền thần học Trung Hoa : đối với khoa Thần Khí học đã đành, mà còn đối với cả lãnh vực suy tư thần học khác nữa như lãnh vực Kitô học.

- Ðối với khoa Thần khí học, theo Chang : "Dù muốn chỉ về Ðức Kitô lịch sử hay Ðức Kitô hiển vinh, thì bao giờ Ðức Giêsu Kitô cũng ở trong liên hệ mật thiết với Thánh Linh". Bởi thế "người Trung Hoa dễ dàng hiểu việc Qi phát xuất từ Ðức Giêsu". Ðức Giêsu có trọn vẹn sự sung mãn của Qi (x. Ga 7, 37-39). Qi thấm nhập vào hết mọi chiều kích của thế giới và dẫn đưa lên cao tiến trình vĩ đại, tiến trình sự sống của vũ trụ.

- Trong lãnh vực Kitô học, A. Chang còn đi một bước xa hơn, tức là dựa vào lời của sách Mạnh Tử (về sức mạnh ý chí đạo đức, về việc nhận thức ngôn từ, cuộc thảo luận về Qi) để đọc lại cuộc đời của Ðức Giêsu, với cách nhìn ba chiều như thế này :

. Ý muốn của Ðức Giêsu không hề rời xa ý muốn của Deus absconditus, Cha Người ở trên trời. Hai ý muốn này chỉ là một : "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Cha Thầy" (Ga 4, 34).

. Qi của Ðức Giêsu hằng hiệp thông sâu thẳm với Qi của Deus absconditus, cũng như Thiên Chúa đã tạo dựng con người với hơi thở miệng Người (x. St 2, 7), thì cũng thế, nhân loại mới phát sinh từ hơi thở miệng Người (= Ðức Giêsu ; x. Ga 20, 22).

A. Chang đã dự kiến vấn nạn đặt ra như sau : bận rộn với những vấn đề của cuộc sống, người tín hữu có coi việc suy tư thần học về Qi như là chuyện của dĩ vãng, và có cảm thấy đó chỉ là việc gán ghép cho Ðức Giêsu Kitô những nét cổ xưa thường thấy nơi dung mạo các nhà hiền triết Trung Hoa không ? Chang trả lời :

"Thật ra, chúng tôi không mảy may theo đuổi việc cố làm sống lại một dạng văn hóa của thời xa xưa, nhưng là làm sao để ba yếu tố quý hóa trong chương sách Mạnh Tử mang lại hoa trái cho việc chúng ta gặp gỡ với Ðức Giêsu trong thời nay.

Một Ðức Giêsu Kitô tràn đầy Qi Thần Khí rộng lớn cao cả như mặt trời chiếu sáng rạng ngời, tất sẽ có sức thu hút không chống cưỡng nổi. Chính Ðức Giêsu cũng đã nói về điều đó : "Thần Khí của Ðức Chúa ngự trên Tôi, vì Ðức Chúa đã xức dầu tấn phong Tôi, sai Tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn" (Is 61, 1). Rồi Người bắt đầu nói với họ : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe" (Lc 4, 21).

Như thế, việc suy tư về Qi không những không làm quên đi điều chủ yếu Ðức Giêsu hằng quan tâm, đó là việc bành trướng của Nước Thiên Chúa, mà còn giúp cho biết chú ý nhiều hơn đến một nguồn sâu thẳm của lời Người nói và việc làm.

Theo B. Vermander, công tác ấy còn có thể bổ túc và nối dài với việc xem xét cho cụ thể hơn những kinh nghiệm mà thời nay người ta thường xem là tác động của Qi, bởi từ đó có thể tìm ra cách thức để bàn về các phép lạ trong Kitô học :

"Qi là một khái niệm đã từ hơn 10 năm nay, tạo được một uy tín lạ lùng tại Trung Hoa (có tới 60 triệu người theo môn Qi Gong, khí công), và sự việc ấy đi liền với hiện tượng chữa lành cùng những biểu hiện nhiều ít "lạ lùng" khác còn đầy mập mờ. Và như thế, rất dễ để mà nối kết với Qi của "quyền năng" phát xuất từ Ðức Giêsu như các thánh sử đã nhiều lần nói đến, để giới thiệu Ðức Giêsu như là con người mang trong mình Qi chính trực tới mức sung mãn. Chúng tôi nhận thấy rằng, một khi biết đến Phúc Âm, những người luyện khí công đều tự phát nghĩ đến việc nói trên".

Tóm lại, A. Chang đã làm một cuộc "hội nhập Kitô học" qua việc nỗ lực nghiên cứu khái niệm Qi.

3. Kitô học giải phóng.


a/ Kitô học Ðalít của Ấn Ðộ.

Là một nền thần học phát xuất từ thực trạng của giới Ðalít. Ðalít là lớp người ngoại đẳng (hors-caste / outcaste) tức là lối 20% người dân Ấn bị hệ thống đẳng cấp xếp vào lớp tiện dân hay cùng đinh. Những người Ðalít muốn xác định rõ lập trường của mình và ý thức cần phải hoạt động nhằm giải phóng cho chính mình. Sự kiện này dẫn đến việc khai sinh thần học Ðalít.

Lịch sử Thánh Kinh (đặc biệt kinh nghiệm Israel về cảnh nô lệ họ phải chịu bên Ai Cập) giúp cho giới Ðalít thấu hiểu trạng huống của mình, đồng thời nhận ra rằng họ phải được tôn trọng đúng với phẩm giá làm người của họ và sống trọn ơn gọi làm người "giống hình ảnh Thiên Chúa".

A.P. Nirmal giải thích rằng đây là một môi trường mở ra cho việc gẫm suy về Ðức Kitô và rộng hơn nữa là về Thiên Chúa Ba Ngôi, với thâm tín rằng Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi luôn đứng "về phía các người Ðalít" và kinh nghiệm về lớp người này sẽ mở lối cho họ đến được với Ðức Kitô và Cha của Người :

"Trong quá khứ, chúng tôi đã là nạn nhận của việc kỳ thị, và chúng tôi vẫn là nạn nhân của kỳ thị trong hiện tại. Dù thế, chúng tôi đã đi theo Ðức Kitô. Cuộc xuất hành đi đến với Người đã giúp chúng tôi nhận ra thân phận Ðalít của chúng tôi, thân phận Ðalít của Ðức Giêsu Nagiarét và cả tính chất Ðalít của Cha Người và Cha chúng tôi, của Thiên Chúa chúng ta".

- Tác giả cho thấy trong Cựu ước, Thiên Chúa đã tỏ ra là một Thiên Chúa Ðalít qua dung mạo người tôi tớ đau khổ (x. Is 53). Tiếp đó tác giả triển khai Kitô học Ðalít. Và đây là những khẳng định cơ bản :

"Ðức Giêsu Kitô đã mang thân phận một người Ðalít, cần phải hiểu nhân tính và thiên tính của Người theo nhãn quan ấy. Thân phận hay tính chất Ðalít của Người là ánh sáng chiếu soi một cách dứt khoát cho mầu nhiệm kết hợp thần nhân.

- Thân phận Ðalít của Chúa Giêsu được nổi bật trong tước hiệu "Con Người" khi tuyên bố về cuộc khổ nạn :

"Các lời ấy cho thấy rằng trong thân phận là Con Người, Ðức Giêsu sẽ gặp sự ruồng bỏ, khinh bỉ, khổ đau và phải chết ... Người phải chịu sống qua những kinh nghiệm Ðalít ấy trong tư cách là nguyên mẫu (tiêu biểu) của hết thảy những người Ðalít". "Con Người" đã bước vào tình trạng "đồng nhất toàn vẹn" với các người Ðalít thời Người.

- Tuy nhiên, thập giáchính là lúc, hơn bao giờ hết, Ðức Giêsu đã trọn vẹn mặc lấy thân phận Ðalít :

"Trên thập giá, Người đã bị đánh vỡ, đè bẹp, phân cắt, xé tan, gãy nát : tức là Ðalít theo nghĩa trọn vẹn nhất. Trên thập giá, Người lớn tiếng kêu lên : "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con" ? Con Thiên Chúa cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi. Cảm tưởng bị Thiên Chúa bỏ rơi như thế nằm ở ngay giữa lòng của kinh nghiệm Ðalít, của tâm thức Ðalít của chúng ta tại Ấn Ðộ đây. Ðó chính là tính chất Ðalít của thiên tính và của nhân tính, mà thập giá Ðức Giêsu là biểu tượng.

b/ "Thần học đấu tranh" (Theology of struggle) của Philippines.

"Thần học đấu tranh" ở đây hiểu là thần học hình thành trong một bối cảnh đấu tranh, một nền thần học của đại đa số nhân dân Phi nhằm nỗ lực xây dựng công lý. Cha đẻ của nền thần học này là Edicio de la Torre, người đã từng mạnh mẽ chống lại quân luật 1972 và đã 2 lần bị cầm tù.

Trong một cuốn sách xuất bản năm 1983, ngài đã công khai chỉ trích những cách nhận thức không trung thực về Ðức Kitô, đưa tới hậu quả là chỉ biết giữ thái độ an phận hoặc đồng lõa với các thế lực áp bức, đặc biệt là lối nhìn về Ðức Giêsu như là "Ðức Kitô ảo thân". Tác giả cho rằng phải gây ý thức để dân chúng nhận ra tình trạng áp bức họ đang phải chịu, ngõ hầu một khi biết trung thành với sứ điệp của Ðức Giêsu, thì họ cũng biết tích cực dấn thân vào cuộc đấu tranh giải phóng cho chính mình.

Theo một tác giả khác, L.Dingayan, cần giải thích biến cố Ðức Kitô trong bối cảnh đấu tranh :

"Về mặt nhân tính, Ðức Giêsu Kitô đã sống qua một cuộc đời chất đầy đấu tranh. Thế nên, cuộc sống, cái chết và việc sống lại của Ðức Kitô cần phải được giải thích lại trong viễn cảnh đấu tranh".

Ðức Kitô hằng hiện diện bên cạnh những người nam người nữ đang đấu tranh cho cuộc sống được công bằng và đầy tình người hơn, tức là có thể nhận ra Người ở giữa lịch sử hiện đại, "nơi mà bao nhiêu người đang đấu tranh để hiện thực hóa những hoài bão về một cuộc sống tự do và hợp lẽ cho con người, như chính Người đã cho thấy qua cuộc sống và hành động của Người.

c/ "Kitô học tiện dân" (Minjung theology) của Ðại Hàn.

Minjung ghép thành bởi hai từ : min có nghĩa là dân thường, không thuộc các giới cấp cao trong xã hội, và jung có nghĩa là quần chúng. Vậy, minjung có nghĩa là dân chúng, đại đa số nhân dân, là dân chúng bị áp bức, cách riêng là người dân Hàn Quốc bị áp bức. Như thế có thể định nghĩa thần học tiện dân là "thần học của những người bị áp bức trong hiện trạng của Ðại Hàn", là "thần học giải phóng" của Ðại Hàn.

Nền thần học này nỗ lực suy tư về những chủ đề liên quan đến ơn giải thoát do Ðức Kitô mang lại, đến công trình giải phóng do Thánh Thần thực hiện, và Vương Quốc cứu độ với việc thực hiện những lý tưởng công bằng và tình yêu của Phúc Âm ở ngay giữa thế giới này.

Byung-Mu Ahn, một nhà chú giải chuyên môn, đã để tâm cách riêng đến vấn đề Ðức Giêsu lịch sử.

Ông phân tích hai chữ : Ochlos và Laos. Ông lưu ý là : Maccô đã dùng từ Ochlos 38 lần, trong khi chỉ dùng từ Laos 2 lần.

Ochlos chỉ đám đông tụ tập chung quanh Ðức Giêsu : đám đông ấy không phải là "nhân dân nói chung" nhưng là đoàn thể những người nghèo khó, ốm đau, những người bị áp bức, những phụ nữ bị hạ nhục, tức là những người sống trong hoàn cảnh tương tự như cảnh ngộ của lớp tiện dân Ðại Hàn.

Ðức Giêsu không những giao tiếp với họ mà còn nên đồng nhất với họ nữa :

"Ðức Giêsu ấy không phải là Ðức Kitô nhìn về con người từ bên hữu Chúa Cha nhưng là Ðức Kitô nhìn lên Thiên Chúa từ bên cạnh con người, có nghĩa là : con người không phải là một hữu thể trừu tượng mà là người tiện dân đang khổ đau ... Ngoài tiện dân ra, Người không sống cho một ai nữa".

Việc Ðức Giêsu đồng nhất với tiện dân được thể hiện cao độ nhất trong cuộc Tử nạn. B. Ahn coi cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu là "cốt lõi tâm điểm của Kitô học".

Ông cho rằng chính lớp tiện dân đã tận mắt chứng kiến việc Ðức Giêsu chịu chết trên thập giá :

"Họ nhận thấy là tình trạng sống của họ giống hệt câu truyện khổ đau của Ðức Giêsu. Vì vậy họ kể lại câu truyện về biến cố Giêsu không phải như là của Người mà như là câu truyện của chính họ. Và khi họ than khóc cuộc Ðức Giêsu chịu chết là cùng lúc họ than khóc chính cái chết của họ. Hành động như thế là họ vạch trần bộ mặt thật của sự ác và của bất công, để mà ra sức chống cự lại".

III. Một vài nhận xét để kết luận.

Kitô học Á Châu đã đóng góp nhiều điều hữu ích, đáng trân trọng :

1. Ðáng nêu bật trước tiên là một ý thức sắc bén về mầu nhiệm bằng cách :

a/ Lên án những khuynh hướng chuyên nhất trong Kitô học, trói buộc huyền nhiệm Ðức Kitô.

b/ Lưu ý đến hướng đi "qui thần" (Samartha) của Kitô học, nhấn mạnh đến chiều kích hoàn vũ của mầu nhiệm Ðức Kitô (Panikkar) ... để mỗi người có thể nhận ra Ðức Kitô ấy thật là của chính mình (Raguin).

2. Thường sử dụng dạng "Kitô học từ dưới", nhấn mạnh đến nhân tính của Ðức Giêsu, rằng Ðức Giêsu ưu ái người nghèo, dấn thân cho công lý, liên kết những kẻ bất hạnh với những người gian truân, nhục nhã Người từng chịu trong cuộc đời dương thế.

3. Công tác hội nhập văn hóa cũng là ưu tư hàng đầu của các thần học gia như K. Koyama, Kadowaki, Chang : dựa theo ánh sáng của Kinh Thánh để xây dựng một Kitô học đặc thù cho bối cảnh Á Châu, để Ðức Kitô có thể "nói" với người Á Châu ngay trong bối cảnh các dân nước của mình.

Tuy nhiên,

1. Xác quyết về một "Ðức Kitô không bị ràng buộc" (Unbound Christ) là hay, miễn sao đừng để Người lại bị trói buộc bằng những dây thừng khác, rơi vào trong chính các ách nô lệ mà con người đã cố gắng giải phóng mình ra khỏi. Mối nguy của Kitô học Á Châu là để cho các điều kiện của các nền văn hóa Á Châu ràng buộc.

Nhấn mạnh đến hội nhập văn hóa là điều hay, nhưng thử hỏi có cuộc hội nhập văn hóa nào lại không đòi hỏi phải có một nỗ lực hoán cải từ bên trong ? Nhất là khi một nền văn hóa nào đó chưa hẳn đã sẵn sàng về mọi mặt để đón nhận sứ điệp Tin Mừng, hay còn chất chứa nhiều điều đối nghịch Tin Mừng. Phải cẩn trọng trong việc phân định những gì trong các nền văn hóa còn cản trở Tin Mừng của Ðức Kitô.

2. Kinh nghiệm về cảnh nghèo quả là một môi trường sinh hoạt rộng lớn của các dạng Kitô học Á Châu. Một lần nữa, chúng ta ca ngợi phần đóng góp của các "Kitô học giải phóng" : nhìn người nghèo cách cụ thể, nghĩa là trong chính môi trường văn hóa của họ và đưa môi trường này vào trong nỗ lực suy tư của mình, bằng cách nêu lên những hình thức nô hóa gặp thấy trong xã hội và những gì tôn giáo có thể đóng góp cho công cuộc giải phóng.

Chỉ có một điều : làm sao có thể tránh đồng hóa những người nghèo với những kẻ nghèo trong Kinh Thánh nghĩa là không những thiếu thốn về vật chất mà còn là những kẻ khiêm nhu, lòng rộng mở trước Thiên Chúa và được Người đón nhận.

Ngoài ra, việc coi người nghèo như chủ thể duy nhất của công cuộc cứu rỗi của Ðức Giêsu là nhấn mạnh quá đáng.

3. Khó khăn to lớn nhất đối với Kitô học Á châu là làm sao rao giảng Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu độ duy nhất.

Không thể nhân danh tầm quan trọng của mối giao hảo cụ thể với tín đồ các tôn giáo khác để lẩn tránh vấn đề. Người Kitô hữu không thể lấy lý do đối thoại để cắt xén, nhân nhượng những gì niềm tin vào Ðức Kitô đòi hỏi.

Ðức Giêsu Kitô là Con một của Thiên Chúa, Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người : đó là những lời tuyên xưng đức tin. Niềm xác tín này là xác tín tự do của riêng người Kitô hữu và không áp đặt ai phải tin. Ðừng quên rằng trong những thế kỷ đầu, khi tiếp xúc với các nền văn hóa, Kitô giáo đã gặp phải một sự đối kháng kịch liệt. Tuy nhiên, không vì thế mà các tác giả lớn trong truyền thống Kitô giáo đã làm giảm nhẹ đi nội dung niềm tin vào Ðức Kitô. Và nếu đã có những nỗ lực "Hi hóa" hay "La hóa" để tạo uy tín cho sứ điệp Tin Mừng trong bối cảnh thời đó thì Giáo Hội cũng đã quan tâm không kém đến sứ mạng công bố về căn tính của Ðức Giêsu Kitô ở giữa lòng lịch sử loài người và ở trong mầu nhiệm Thiên Chúa.

Việc tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô, Ðấng cứu độ duy nhất là điều thiết yếu đối với Kitô học, tựa như tiếng của ức vạn Thiên Thần trong sách Khải Huyền cất cao lời chúc tụng Con Chiên đã bị sát tế (x. Kh 5, 12).

Lm. Phêrô Trần Ðình


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà