LINH ÐẠO TRUYỀN GIÁO
TRONG TÔNG HUẤN "GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU"


Phan Du Sinh

Lạy Ðức Maria Rất Thánh,
Nữ Tử của Thiên Chúa Tối Cao,
Mẹ Ðồng Trinh của Ðấng Cứu Thế
và Mẹ của tất cả chúng con
xin Mẹ âu yếm nhìn đến Giáo Hội của Con Mẹ
được gieo trồng trên mảnh đất Á Châu.
Xin Mẹ làm người hướng dẫn và mẫu gương cho Giáo Hội
khi Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Con Mẹ,
sứ mạng tình yêu và phục vụ tại Á Châu.

Ðó là phần mở đầu của lời cầu nguyện mà Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dùng để kết thúc Tông Huấn "Giáo Hội tại Á Châu". Ngài muốn mời gọi mọi tín hữu Á Châu hướng nhìn về Ðức Maria, Ðấng mà họ rất mực yêu mến và tôn kính, để biết cách đối diện với sứ mạng đầy thách đố : tiếp tục sứ mạng phục vụ và yêu thương của Ðức Kitô, hầu tất cả mọi người Á Châu "có được sự sống và sống dồi dào".

Ðể chu toàn sứ mạng đó, chúng ta cần đến một linh đạo, một con đường thiêng liêng. Không gì thích hợp hơn là nhìn lên Ðức Maria, vì Ngài là "gương mẫu của tất cả các môn đệ và là Ngôi Sao Sáng của việc Phúc âm hoá" (số 51). Vì thế, để khai triển chủ đề Linh đạo truyền giáo trong Tông Huấn "Giáo Hội tại Á Châu", chúng ta hãy dựa vào lời kinh kết thúc Tông Huấn này của Ðức Giáo Hoàng.

Sau phần mở đầu cầu xin Ðức Maria "làm người hướng dẫn và mẫu gương của Giáo Hội", Ðức Giáo Hoàng đã lần lượt chiêm ngắm những giai đoạn trong cuộc đời Mẹ để vạch ra những bước đường thiêng liêng trong công cuộc truyền giáo mà người tín hữu Á Châu phải đi theo.

I. Ðể cho Thần Khí hướng dẫn.

Mẹ đã chấp nhận cách hoàn toàn và tự do
tiếng gọi của Chúa Cha để làm Mẹ Thiên Chúa;
xin dạy chúng con loại bỏ ra khỏi lòng chúng con
tất cả những gì không thuộc về Chúa,
để chúng con cũng được tràn đầy
Chúa Thánh Thần từ trời cao.

Theo truyền thống Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần luôn luôn được liên kết với sự sống và việc ban sự sống. Người hiện diện từ giây phút đầu tiên của cuộc sáng tạo và luôn hiện diện trong thế giới như là quyền năng ban sự sống. Ðức Maria đã có thể cưu mang Ngôi Lời của Thiên Chúa, trao ban Ðức Giêsu cho nhân loại, đó là vì ngài đã được Quyền năng Ðấng tối cao "rợp bóng". Người Kitô hữu Á Châu muốn đem lại sự sống đích thực cho đồng bào của mình phải "được tràn đầy Chúa Thánh Thần từ trời cao".

< "Chúa Thánh Thần là tác nhân chủ yếu của việc Phúc âm hoá" (số 17). Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần tiếp tục củng cố chứng tá đức tin của các Kitô hữu giữa các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo của lục địa, chuẩn bị các dân tộc Á Châu vào cuộc đối thoại cứu độ với Ðấng Cứu Thế của mọi người, hướng dẫn Giáo Hội làm chứng cho Ðức Giêsu bằng những cung cách mới và có hiệu quả. Giáo Hội biết rõ rằng mình chỉ có thể hoàn thành sứ vụ khi nghe theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Vì thế linh đạo truyền giáo trước hết chính là sống hoàn toàn vâng phục Thánh Khí, để cho Thánh Khí uốn nắn từ bên trong hầu nên giống Ðức Kitô hơn, đón nhận từ Người sức mạnh để tiếp tục sứ vụ của Ðức Kitô, được biến đổi để trở thành một cộng đoàn chứng nhân.

"Do đó Giáo Hội không ngừng kêu lên : "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến ! Xin hãy tràn đầy tâm hồn các tín hữu Chúa và đốt lên trong họ ngọn lửa tình yêu của Chúa!" Ðó là ngọn lửa mà Ðức Giêsu ném trên mặt đất. Giáo Hội tại Á Châu chia sẻ niềm ước mong của Người cho ngọn lửa đó giờ đây lại bừng cháy lên" (số 18).

II. Cầu nguyện và chiêm ngưỡng.

Mẹ suy niệm các mầu nhiệm của thánh ý Chúa
trong tĩnh lặng của lòng Mẹ;
xin giúp chúng con trong cuộc hành trình
biết biện biệt những dấu chỉ của bàn tay uy quyền của Chúa.

"Bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2, 19 ; x. 2, 51). Ðức Giáo Hoàng đã dành nguyên số 23 để nhắc nhở rằng mọi Kitô hữu cần có một linh đạo truyền giáo đích thực gồm có cầu nguyện và chiêm ngưỡng : "Cộng đồng Kitô hữu càng đâm rễ sâu trong kinh nghiệm về Thiên Chúa xuất phát từ một đức tin sống động, thì càng khả tín về khả năng rao giảng cho kẻ khác biết sự hoàn thành của Nước Thiên Chúa nơi Ðức Giêsu Kitô. Ðó là kết quả của việc trung thành nghe Lời Chúa, cầu nguyện và chiêm ngưỡng, cử hành mầu nhiệm Ðức Giêsu trong các bí tích, nhất là trong bí tích Thánh Thể, và nêu gương về sự hiệp thông sự sống đích thật và yêu thương trọn vẹn. Trái tim của Giáo Hội địa phương phải hướng về việc chiêm ngưỡng Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, và liên lỉ ra sức kết hiệp mật thiết hơn với Ðấng mà mình tiếp tục sứ vụ. Việc truyền giáo là hành động bằng chiêm ngưỡng và là sự chiêm ngưỡng bằng hành động. Do đó một nhà truyền giáo mà không có kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa qua kinh nguyện và chiêm ngưỡng, thì sẽ có ít ảnh hưởng thiêng liêng hay thành công về mặt truyền giáo. Ðây là một suy tư rút ra từ thừa tác vụ linh mục của riêng tôi và, như tôi đã viết nơi khác, sự tiếp xúc của tôi với các đại diện những truyền thống thiêng liêng không Kitô giáo, nhất là của Á Châu, đã củng cố tôi trong xác tín rằng tương lai của việc truyền giáo tùy thuộc phần lớn vào việc chiêm ngưỡng.

Tại Á Châu, quê hương của các tôn giáo lớn, nơi mà các cá nhân cũng như toàn thể dân chúng đang khao khát cái thiêng thánh, Giáo Hội được mời gọi trở nên một Giáo Hội cầu nguyện, hoàn toàn thánh thiêng dù dấn thân trong những mối quan tâm trực tiếp về mặt nhân bản và xã hội. Tất cả các Kitô hữu cần một linh đạo truyền giáo thật sự gồm có cầu nguyện và chiêm ngưỡng".

Ngài nhắc nhở các linh mục sống làm sao để "dân chúng tại Á Châu khám phá nơi hàng giáo sĩ không chỉ là những người chuyên lo việc bác ái hoặc những người quản trị cơ chế, nhưng những con người mà tâm trí hướng về những gì thâm sâu của Thần Khí" (số 43). Nhờ có đời sống cầu nguyện, sự nhiệt thành phục vụ và cách sống gương mẫu, hàng giáo sĩ làm chứng hùng hồn cho Tin Mừng trong các cộng đoàn họ chăn dắt nhân danh Ðức Kitô.

Trong nhiều truyền thống tôn giáo tại Á Châu, những người nam nữ hiến mình trong đời sống chiêm ngưỡng và khổ tu, rất được kính trọng, và chứng tá của họ có một khả năng thuyết phục đặc biệt. Vì thế, "Hội Nghị Ðặc Biệt về Á Châu thúc giục những người sống đời thánh hiến trở nên chứng nhân cho lời mời gọi mọi người nên thánh, và nên gương mẫu lôi cuốn những Kitô hữu và không Kitô hữu, về tình yêu quên mình cho mọi người, nhất là những kẻ bé nhỏ nhất trong anh chị em mình. Trong một thế giới mà cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa thường bị giảm sút, những người thánh hiến cần phải nêu lên những chứng tá thuyết phục và có tính ngôn sứ về địa vị tối thượng của Thiên Chúa và của cuộc sống muôn đời." (số 44). Dựa theo những đề nghị của các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng, Ðức Giáo Hoàng đặc biệt khuyến khích việc thiết lập những cộng đoàn đan tu và chiêm ngưỡng, nơi nào có thể được.

Các gia đình cũng phải trở nên những "Giáo Hội tại gia", điều này có nghĩa là gia đình phải tham gia cách tích cực vào đời sống giáo xứ, chia sẻ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Sám Hối, dành thời gian trong ngày để cầu nguyện, đọc và suy niệm Kinh Thánh, cử hành những nghi lễ xứng hợp do cha mẹ chủ sự.

III. Tinh thần nhiệt thành và phục vụ.

Mẹ đã mau mắn đi thăm viếng bà
và giúp bà trong những ngày chờ đợi của bà;
xin cầu cho chúng con
cũng được một tinh thần nhiệt thành và phục vụ
trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng của chúng con.

Ðức Maria đã là nhà truyền giáo đầu tiên khi đem Chúa đến cho gia đình bà Elizabét. Nhà truyền giáo cũng phải bị thôi thúc bởi lòng nhiệt thành với các linh hồn, bắt nguồn hứng từ lòng yêu thương của Ðức Kitô.

Ðức Giáo Hoàng đã trích nguyên văn đề nghị 8 diễn tả niềm xác tín của các nghị phụ Thượng Hội Ðồng Á Châu : "Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô chỉ có thể được rao giảng bởi những ai bị chiếm đoạt và được linh hứng bởi tình yêu của Chúa Cha đối với con cái mình, tình yêu đó được tỏ bày nơi con người Ðức Giêsu Kitô. Việc loan truyền này là một sứ vụ cần đến những con người nam nữ thánh thiện, họ sẽ làm cho Ðấng Cứu Thế được biết và được yêu suốt đời của họ. Một ngọn lửa chỉ được cháy lên bằng cái gì đã bén lửa. Cũng vậy, việc loan truyền Tin Mừng Cứu Ðộ mà có hiệu quả tại Á Châu, chỉ có thể xảy ra, nếu các Giám Mục, các hàng Giáo Sĩ, những kẻ sống đời sống thánh hiến và giáo dân, cháy nóng bằng tình yêu Ðức Kitô và ao ước làm cho Người được biết cách rộng rãi hơn, được yêu cách sâu xa hơn, và được theo cách gần gũi hơn" (x. số 23).

Tinh thần nhiệt thành và phục vụ đó được đặc biệt biểu lộ bằng sự hiệp thông trong đời sống, nghĩa là qua việc phục vụ đầy yêu thương đối với những người nghèo khổ và những người không được ai bênh đỡ.

Giáo Hội tại Á Châu học biết cách yêu mến và phục vụ trong tình yêu, và học biết rằng một hoa quả cao quí của tình yêu là công bằng. Các Kitô hữu Á Châu ngày càng quan tâm đến việc đấu tranh bảo vệ nhân phẩm và theo đuổi công lý. Công việc phục vụ con người đó đặt nền tảng không phải trên các ảo tưởng của ý thức hệ nhưng là trên sự tôn trọng đối với hành vi tạo dựng của Thiên Chúa, Ðấng đã dựng nên con người giống hình ảnh Người. Các Kitô hữu dành nhiều năng lực vào việc thực hành đức ái, và việc thăng tiến và giải phóng con người, vì tuân phục mệnh lệnh của Chúa, đó là chúng ta yêu thương lẫn nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.

IV. Hiệp thông sâu xa với Ðức Kitô.

Mẹ đã hát bài ngợi khen Chúa;
xin dẫn dắt chúng con
biết hân hoan loan báo niềm tin vào Ðức Kitô,
Ðấng Cứu Ðộ chúng con.
Mẹ đã xót thương những kẻ thiếu thốn
và nói với Con Mẹ giùm cho họ;
xin dạy chúng con đừng bao giờ e sợ
phải nói về thế giới cho Ðức Giêsu
và phải nói về Ðức Giêsu cho thế giới.

Ðức Maria đã hát bài Magnificat ngợi khen Thiên Chúa, đã không ngần ngại nói với Chúa thay cho những người đang thiếu thốn trong tiệc cưới Cana. Sự hiệp thông sâu xa với Ðức Kitô là yếu tố cốt thiết của linh đạo truyền giáo : người ta chỉ có thể hiểu và sống sứ vụ truyền giáo khi qui về Ðức Kitô như qui chiếu về Ðấng được sai đi để loan báo Tin Mừng.

Vì thế, Giáo Hội tại Á Châu noi gương Ðức Maria hát lời ngợi khen "Thiên Chúa cứu độ" vì Người đã chọn khởi sự kế hoạch cứu độ của Người tại phần đất Á Châu, qua những người nam nữ của lục địa này.

Như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã minh nhiên viết rằng "không thể có việc Phúc Âm hóa thật nếu danh xưng, lời giảng dạy, sự sống, những lời hứa, vương quốc và mầu nhiệm Ðức Giêsu thành Nadareth, Con Thiên Chúa, không được loan báo" (Evangelii nuntiandi, số 20), Giáo Hội nhấn mạnh vị trí ưu tiên của việc rao giảng về Ðức Kitô trong mọi hoạt động Phúc âm hoá. Giáo Hội tại Á Châu ý thức rằng làm chứng về Ðức Giêsu Kitô là công việc phục vụ cao cả nhất mà Giáo Hội có thể trao tặng cho các dân tộc Á Châu.

Trong việc đối thoại liên tôn, "Chỉ những Kitô hữu được dìm sâu vào trong mầu nhiệm Ðức Kitô và sống hạnh phúc trong cộng đồng đức tin của họ, mới có thể dấn thân vào việc đối thoại liên tôn, mà tránh được sự liều lĩnh không đáng và có hy vọng hái được hoa quả tích cực" (số 31).

Người Kitô hữu nói về Ðức Kitô, thì phải thấm nhuần sứ điệp mà họ rao giảng vào đời sống mình. Vì thế, các linh mục cần được đào tạo vững chắc và liên tục, để canh tân về mặt nhân bản, thiêng liêng và mục vụ (số 43). Các người sống đời thánh hiến phải được huấn luyện và đào tạo xứng hợp ; nền huấn luyện này cần tập trung vào Ðức Kitô (số 44). Người giáo dân cũng cần được huấn luyện thành người rao giảng Tin Mừng, có khả năng đương đầu với các thách thức của thế giới ngày nay, không phải với sự khôn ngoan và hiệu năng thế gian, nhưng với tâm hồn được đổi mới và được vững mạnh bằng chân lý Ðức Kitô (số 45).

V. Sống mầu nhiệm thập giá Ðức Kitô.

Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá
khi Con Mẹ thở hơi cuối cùng;
xin Mẹ ở với chúng con
khi chúng con tìm cách nên một
trong tinh thần và trong phục vụ
với tất cả những ai đau khổ.

Ðức Maria đã can đảm đón nhận lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn và kiên trì đứng bên thập giá để chia sẻ nỗi đau khổ của Con yêu dấu. Sứ mạng truyền giáo cũng dõi theo cùng một con đường đó, và đích điểm cuối cùng là chân thập giá.

Ðể tình liên đới với kẻ nghèo trở nên dễ tin hơn, các Kitô hữu phải sống giản dị, theo gương Ðức Giêsu (số 34). Gương âm thầm của các người sống đời thánh hiến về sự nghèo khó và bỏ mình, về sự khiết tịnh và chân thành, về sự từ bỏ mình trong vâng phục, có thể trở nên một chứng tá hùng hồn có khả năng đánh động mọi người thiện chí và đưa tới một đối thoại mang lại kết quả với các nền văn hoá và tôn giáo xung quanh, và với người nghèo cùng với kẻ không thể tự vệ (số 44).

Trong nhiều miền tại Á Châu, việc rao giảng công khai bị ngăn cấm và sự tự do tôn giáo bị chối từ hay bị hạn chế có hệ thống. Khi ấy, chứng tá thầm lặng của đời sống là con đường duy nhất để loan báo Nước Chúa. Giáo Hội sống cách ý thức kiểu làm chứng này, coi đó là một "việc vác thánh giá mình". Các anh chị em của các Giáo Hội đang gặp khó khăn này, nếu biết kết hợp các đau khổ của mình với các đau khổ của Chúa chịu đóng đinh, sẽ cộng tác vào việc ban sự sống mới cho nhân loại.

Cuối cùng việc tử đạo mới mạc khải cho thế giới thấy điều cốt yếu nhất của sứ điệp Kitô giáo : tin vào quyền năng của thánh giá Chúa.

Ðể kết thúc, Ðức Giáo hoàng nhắc lại vai trò của Chúa Thánh Thần : Giáo Hội biết rõ rằng mình chỉ có thể hoàn thành sứ vụ khi nghe theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Trong những thực tại phức tạp tại Á Châu, Giáo Hội phải biện phân tiếng Thần Khí mời gọi làm chứng cho Ðức Giêsu bằng những cung cách mới và có hiệu quả.

Mẹ đã cầu nguyện với các môn đệ trên Lầu Cao;
xin giúp chúng con biết trông chờ Thần Khí
và đi tới nơi nào Thần Khí hướng dẫn chúng con.
Xin bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi quyền lực
đang đe doạ Giáo Hội.
Xin giúp Giáo Hội trở nên một hình ảnh đích thực
của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
Xin cầu giúp nguyện thay
để nhờ tình yêu và phục vụ của Giáo Hội
tất cả các dân tộc Á Châu có thể biết Con của Mẹ,
Ðức Giêsu Kitô,
Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của thế giới,
và hưởng nếm niềm vui sự sống viên mãn.
Ôi Maria, Mẹ của Thọ Tạo Mới
và Mẹ của Á Châu,
xin cầu cho chúng con là con cái Mẹ,
bây giờ và mãi mãi!


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà