HOA QUẢ CỦA NIỀM VUI

THEO TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM CỦA ĐỨC PHANXICÔ (Phần 2)

 

Chúng ta đã bàn đến niềm vui của Tin Mừng theo ĐTC Phanxicô, là niềm vui gặp gỡ cách cá vị với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, niềm vui ấy không trọn vẹn ở thế gian này do luôn xảy ra những cản trở đến từ bản thân con người yếu đuối. Chính tội lỗi của chúng ta cần được hoán cải và bản thân cần được biến đổi hằng ngày thì cuộc gặp gỡ giữa ta với Chúa Giêsu mới diễn ra thực sự theo đúng ý nghĩa của sự hiện hữu tương quan. Nếu con người phạm tội không mệt mỏi thì Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ không bao giờ ngừng. Thế nên, thần dược lòng thương xót của Chúa luôn là phương thế đồng hành với con người bất tòan. Và ĐTC luôn mời gọi mọi người sống niềm vui của người được tha thứ, đồng thời niềm vui ấy phải được diễn tả bằng chính hoạt động truyền giáo ngang qua chứng nhân niềm vui là đời sống của những người đã cảm nhận tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

Công đồng Vaticanô II xác nhận: sứ mạng của Giáo hội là truyền giáo, mỗi người mang trọng trách đem Chúa đến cho mọi người. Tuy nhiên một vấn nạn đặt ra là chúng ta đã, đang và sẽ loan truyền hay công bố gì cho con người trong thời đại chúng ta đang sống?

LOAN BÁO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Lòng thương xót của Chúa

Ngay phần đầu của Tông huấn, ĐTC đã đưa ra một nhận định rất sâu sắc về con người thời đại, ngài viết: “Nguy cơ lớn nhất trong thế giới ngày nay, với những cung cấp tràn ngập và đa dạng của chủ nghĩa hưởng thụ, là một nỗi buồn cá nhân đến từ tâm hồn tự mãn và tham lam, từ cơn sốt tìm kiếm những thú vui phù phiếm, và một lương tâm bị cô lập. Khi đời sống nội tâm bị đóng kín với những tư lợi, thì không còn chỗ cho người khác nữa…” (số 2) Từ đó, ngài đã đề ra những phương hướng cụ thể trong việc mục vụ.

Tưởng cũng cần nhắc lại lời nhận xét của Đức Pio XII khi nói về con người thời đại rằng họ đã đánh mất dần cảm thức về tội lỗi. Ý thức điều này nên đến thời Đức Gioan Phaolô II, ngài đã cố gắng tìm cách tiếp cận mới với việc loan báo Tin Mừng. Ngài nói: “Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, và cách riêng trong thời hiện đại chúng ta đang sống, Giáo hội phải coi một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình là rao truyền và thể hiện Lòng Thương Xót đã được mặc khải một cách tuyệt vời trong Đức Kitô”.

Cũng trong tinh thần nắm giữ truyền thống tốt lành ấy, Đức Bênêdictô XVI cũng đã phát biểu công khai trong lễ Chúa Nhật Kính Lòng thương Xót Chúa ngày 30-03-2008, rằng: “Lòng Thương Xót là hạt nhân trung tâm của sứ điệp Tin Mừng; đó chính là thánh danh của Thiên Chúa, là khuôn mặt Ngài tự mặc khải trong Cựu Ước và đầy đủ với Đức Giêsu Kitô, sự nhập thể sáng tạo và tình yêu cứu độ”.

Chúng ta có thể rút ra hai kết luận từ hai lời phát biểu này:

- Lòng Thương Xót là trung tâm của sứ điệp Tin Mừng.

- Đức Kitô là cách diễn tả đầy đủ nhất về lòng thương xót của Chúa. Nói cách khác, Đức Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót.

Thật ra, xét cho cùng, lòng thương xót chỉ là cách nói khác của Thiên Chúa Tình yêu. Vì tình Yêu đạt đến cao điểm là cứu độ và tha thứ như lời Giáo hội vẫn tuyên xưng: “Khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…” (Lời nguyện Chúa Nhật 26 TN) Ngay cả trong mặc khải cho thánh nữ Faustina, Chúa cũng tái khẳng định: “Ta tự thân là Lòng Thương Xót” (NK 281). Đó chính là sứ điệp rất quan trọng trong một thế giới mất dần cảm thức tội lỗi.

Nhưng đến triều đại của Phanxicô,  sứ điệp ấy mặc một bộ mặt mới, nghĩa là khởi đi bằng chính kinh nghiệm bản thân khi chạm đến Lòng Thương Xót. Thật vậy, trước khi viết Tông huấn này để mời gọi mọi người sống lại kinh nghiệm ấy thì trong một lần phát biểu chính ngài đã bộc bạch rằng: “Tôi là một kẻ tội lỗi mà Chúa đã đoái nhìn”, “Tôi là kẻ có tội, nhưng tôi tin tưởng vào lòng thương xót và nhẫn nại vô hạn của Thiên Chúa”. Chính những lời này nói lên lòng khiêm tốn của một người đã cảm nghiệm thực sự lòng thương xót của Chúa. Từ đó, ngài đã lấy sự hiền từ mà khuyên các linh mục rằng: “Tòa giải tội không phải là phòng tra tấn nhưng là nơi dành cho lòng thương xót của Chúa là điều khích lệ chúng ta làm điều lành càng nhiều càng tốt” (số 44).

Đồng thời, để hướng dẫn cho đời sống mọi kitô hữu, ĐTC đã trích dẫn câu nói của thánh Tôma  Aquinô như một qui tắc hành động, rằng: “Lòng thương xót tự nó lớn nhất trong các nhân đức, vì tất cả các nhân đức khác xoay quanh nó, và quan trọng hơn nữa, nó bù đắp sự thiếu sót cho những nhân đức khác. Điều này đặc biệt cho nhân đức cao trọng, và như thế thích hợp với việc Thiên Chúa có lòng thương xót, mà qua đó sự tòan năng của Ngài được tỏ bày cách rõ ràng nhất” (số 37).

Áp dụng

Như chúng ta đã biết, ĐTC chú trọng tính cách mục vụ như điểm nhấn ngay từ đầu của Tông huấn EVANGELII GAUDIUM  mà ngài đã đề ra. Khởi đi từ chủ đề lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta có thể đưa ra những từ khóa trong Tông huấn này như một cách trình bày riêng của ngài, chẳng hạn 3 động từ chúng ta nhắc tới ở đây là: đi ra, tham gia, đồng hành…

Theo ngài, Giáo hội đi ra là cách sống thể hiện ước muốn vô tận để ban tặng sự thương xót, là kết quả của kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha và sức mạnh của sự lan tỏa về lòng thương xót này (x. số24). Chắc hẳn, ngài nhận thức và chấp nhận những nguy cơ bấp bênh sẽ xảy đến cho Giáo hội hơn là tìm sự yên ổn trong nội bộ. Với phong cách ấn tượng và gợi cảm, ngài đã viết: “Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an tòan riêng của mình” (số 49). Người loan báo tin mừng đúng nghĩa là người làm một hành động can đảm: ra khỏi mình. Ngòai ra "Đi ra" còn được hiểu là một Giáo hội với những cánh cửa mở rộng được ngài ví như cánh cửa và vòng tay của người Cha nhân hậu sẵn sàng chào đón người con hoang đàng. Cụ thể, ngài liên tưởng đến cánh cửa mọi nhà thờ cần được mở rộng để đón nhận những tâm hồn thiện chí nhờ thúc đẩy của Chúa Thánh Thần đến đó tìm Thiên Chúa (x. số 47).

Tiếp đến, theo ngài, tham gia là dấn thân vào ngay trung tâm đời sống con người nhằm rút ngắn khoảng cách, chấp nhận đời sống của họ như thành phần đời sống mình và hơn nữa, chạm đến thân xác đau khổ của Đức Kitô trong những người khác (x. số 24). Cụ thể khi khuyên các Giám Mục, ngài muốn họ ở giữa mọi người với một sự gần gũi đơn giản và đầy lòng trắc ẩn (x. số 31). Dĩ nhiên điều ước ao đó Đức Phanxicô cũng muốn nhắn nhủ mọi kitô hữu thuộc giáo hội công giáo. Qua đó, ngài muốn người loan báo Tin Mừng phải sống như người của mọi người, nghĩa là làm tất cả mọi sự miễn sao ích lợi cho đòan chiên. Và nói như thánh Phaolô: vui với người vui, khóc với người khóc.

Đi thêm bước nữa, người truyền giáo biết đồng hành với mọi người, ngay cả trong những hòan cảnh nguy hại, bắt bớ. Ngay cả việc có thể hiến trọn đời mình bằng cách chấp nhận tử đạo như một chứng nhân của Đức Kitô. Theo Đức Kitô là vác thập giá, là hiến đời mình vì tình yêu. Chúa Giêsu đã thực hiện thế nào, người môn đệ cũng được mời gọi làm theo Ngài như vậy.

Và sau khi đã thực hành những điều này, ĐTC không ngừng nhắc nhở về việc lượng giá những gì mình đã thực hiện. Cách riêng là việc “ăn mừng” vì những hoa quả đạt được của việc loan báo Tin Mừng. Đây không chỉ là cách giải tỏa lành mạnh trong hành trình truyền giáo mà mọi người ước ao, hơn nữa, là động lực hữu hiệu và thiết thực trong những bước tiến của tương lai. Đồng thời, chúng ta cần ý thức rằng sống lòng thương xót Chúa như là việc minh chứng cho niềm hy vọng của con người thời đại.

(còn tiếp)

 

An Mai Đỗ O.Cist.


Văn Kiện Giáo Hội