HOA QUẢ CỦA NIỀM VUI

THEO TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM CỦA ĐỨC PHANXICÔ (Phần 3)

Sau khi đã xác định vị thế của những người loan báo Tin Mừng được đặt trong lòng thương xót Chúa và cách thức sống như những qui tắc hướng dẫn chung cho việc mục vụ, sang chương II, ĐTC Phanxicô thẳng thắn đưa ra những thách đố cũng như đề cập đến nhiều cám dỗ thường trực mà những người làm công tác truyền giáo phải đối diện. Đồng thời ĐTC cũng đề ra một số qui tắc giải quyết tức thời và những hướng xa nhằm thăng tiến Giáo hội và phát triển xã hội trong tương lai.

NHỮNG THÁCH ĐỐ VÀ CÁM DỖ NƠI NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG 

Trước khi đi vào nội dung chính, tưởng cũng nên nói rõ lý do về việc ĐTC đã dành một phần lớn (57 số) để bàn đến vấn đề này. Ngài nói: “Những sự dữ của thế giới chúng ta và của Hội thánh không phải là một lý do để giảm bớt sự dấn thân và nhiệt thành của chúng ta. Hãy chỉ coi chúng như những thách đố để lớn lên” (số 84). Tất nhiên, những thách đố và cám dỗ tự thân không phải là sự dữ nhưng hậu quả nó để lại có thể là một sự dữ theo một nghĩa nào đó, và theo ĐTC, chỉ coi chúng như những thách đố để bản thân lớn lên và đứng vững trước mọi nghịch cảnh trong đời sống sứ vụ. Như thế, vị thủ lãnh Giáo hội muốn mỗi người đối diện với những thực tại mà chúng ta phải đương đầu, từ đó, người loan báo Tin Mừng cần ý thức bản thân sẽ trang bị gì nhằm phục vụ cho sứ mạng cao cả mà không ai được chối từ vì nó là bản chất của Giáo hội. Nói cách khác, việc truyền giáo làm nên căn tính của các tín hữu và những khó khăn giúp họ lớn lên đồng thời khẳng định vị thế của mình trong cánh đồng truyền giáo.

Yếu tố ngoại tại

Trước hết, ĐTC đề cập đến nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Thế giới ngày nay là thế giới bị thống trị bởi quy luật cạnh trạnh, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu. Văn hóa ngày nay là văn hóa “vứt bỏ”. Không chỉ đơn thuần là khai thác và bóc lột nhưng là loại trừ người nghèo khỏi xã hội. Để duy trì lối sống loại trừ người nghèo như thế, người ta hình thành một thứ “toàn cầu hóa về sự vô cảm”, không còn biết thương cảm trước nỗi đau và tiếng kêu của người nghèo mà họ là một thành phần ít được thừa nhận trong xã hội nhưng chính những kẻ bị gạt ra ngòai lề xã hội lại   đối tượng ưu tiên cho những người loan báo Tin Mừng.

 

Kế đến, ĐTC nói đến việc từ chối tính ưu việt của con người. Thật vậy, tiền bạc đã thành ngẫu tượng mới đẩy con người xuống hàng thứ yếu. Chính khi con người quá đề cao hiệu năng của công việc, làm mọi cách để được nhiều lợi nhuận, họ đã hạ thấp nhân phẩm. Đó là một nền kinh tế phi nhân với những “cỗ máy di động”. Thái độ này tạo nên tình trạng thờ ơ trước nỗi khổ của đồng loại mà ĐTC gọi là tòan cầu hóa vô cảm. Sống trong một xã hội như thế, con người chỉ biết bản thân bất chấp tất cả và nếu cần sẵn sàng dùng bạo lực để nói lên chính kiến của mình. Khi có sự đối kháng kịch liệt giữa các thế lực thì xã hội ấy luôn có nguy cơ bị tan rã và tiêu diệt. Nhận ra điều này, người loan báo Tin Mừng phải thiết lập một nhịp cầu mới trong sự thông cảm và đồng cảm với những người bị xã hội khinh thường và loại trừ để men Tin Mừng và chính đời sống của Chúa Giêsu khích lệ họ dấn thân xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Có như thế, chúng ta mới hy vọng xoa dịu những đau khổ của người đồng loại, khả dĩ đem nền kinh tế tài chính trở lại với một nền kinh tế vì con người (x. số 58).

Nếu như nền kinh tế "cục bộ" đề cập trên đây đã để lại một chấn động mạnh mẽ ảnh hưởng đến phẩm giá con người nói chung và liên lụy gián tiếp đến đời sống nhân loại thì những thách đố về văn hóa chi phối trực tiếp tòan bộ đời sống tinh thần của con người; đồng thời, đặt ra cho Giáo hội cách tìm hướng đi đúng đắn trong việc sống đức tin để có thể hội nhập vào các nền văn hóa khác nhau.

Thật vậy, ĐTC lưu ý về những người nhân danh văn hóa để phục vụ cho tham vọng cá nhân. Từ đó, không tránh khỏi những thói sống hình thức bề ngoài: hời hợt, chóng qua… và người ta tìm mọi cách để bảo vệ cho những gì là chủ nghĩa cá nhân. Vô hình trung, nó đe dọa đến nền văn hóa, là những giá trị tinh thần được con người bảo tồn trong dòng lịch sử. Do đâu mà có những hệ lụy đáng tiếc xảy ra? Có lẽ một phần lớn là do việc tòan cầu hóa gây ra, nó có thể giúp phát triển về kinh tế nhưng lại tỉ lệ nghịch với đạo đức con người. Vì quá đề cao đến vật chất, tạo thêm hố sâu ngăn cách giàu nghèo và tính ích kỷ chi phối tất cả nên dường như văn hóa không còn được đề cao như ưu thế của những giá trị tinh thần.   

Tiến trình tục hóa này chắc hẳn chi phối mạnh mẽ trong đời sống đức tin của các tín hữu. Ngày nay, có sự xuất hiện của những phong trào tôn giáo mới, phần lớn dường như đề ra một linh đạo không có Thiên Chúa. Sự giải thoát không đến từ Thiên Chúa nhưng tự sức con người. Điều này khiến con người càng khẳng định khuynh hướng cá nhân nhằm lấp đầy những chỗ trống rỗng trong tâm hồn do chủ nghĩa duy lý thế tục hiện hành mang lại.

Hơn nữa, khi tiến trình tục hóa hoàn toàn chối từ chiều kích siêu việt của cuộc sống, con người càng tạo ra một sự lệch lạc trầm trọng về mặt luân lý, mất dần ý thức về tội cá nhân và xã hội. Cũng trong chiều hướng đó, chủ thuyết tương đối được cổ xúy, dẫn đến tình trạng mất phương hướng nơi người trẻ dễ thay đổi; điều này đặt ra những lối tiếp cận mới cho người phục vụ Giáo hội. Mà ĐTC muốn khởi đi từ môi trường gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội.

Ngoài ra, còn phải kể đến những thách đố khác trong thời đại ngày nay, chẳng hạn những cuộc bách hại các tôn giáo, cách riêng Kitô giáo; sự lan rộng của chủ nghĩa tương đối và dửng dưng tôn giáo. Những điều này không những gây tổn hại cho Hội thánh mà còn cho cấu trúc chung của xã hội.

Yếu tố nội tại

Trước tiên, chúng ta thấy nơi nhiều người làm mục vụ, kể cả mhững người được thánh hiến, một bận tâm quá đáng về tự do cá nhân và tìm sự an tòan nơi nền kinh tế nào đó, khiến họ sao nhãng đời sống nội tâm và nếu còn một chút thao thức nào, họ cũng chỉ dựa vào những an ủi thiêng liêng và cảm giác sốt sắng thiếu nền tảng. Một khi không được như lòng sở nguyện, họ trở nên dị ứng với những gì thiêng liêng và mặc cảm với mọi người; dần dà, dẫn đến chủ trương tương đối hóa mọi sự hoặc che giấu căn tính và những xác tín Kitô giáo của mình.

Đối với chủ trương tương đối hóa, ĐTC nhấn mạnh, nó hệ tại ở việc hành động như thể không có Thiên Chúa và người nghèo quanh mình; từ đó, kéo theo việc tranh giành quyền lực và tìm vinh quang cho bản thân bằng bất cứ giá nào. Vô hình trung, họ loại người nghèo ra khỏi chương trình mục vụ và truyền giáo. Như thế, khi tìm giành quyền lực và tìm vinh quang bản thân, cách nào đó, họ không còn tìm vinh quang Thiên Chúa. Đó lại là thái độ của những người sống tinh thần thế tục, nghĩa là sống với vẻ hình thức bên ngoài đạo đức và nhân danh cả tình yêu Giáo hội để mưu cầu thỏa mãn bản thân.

Còn một khi che giấu căn tính và những xác tín Kitô giáo của mình, họ sống trong trạng thái ươn lười tê liệt. Xét cho cùng, vì họ hành động mà thiếu động lực và xác tín mạnh mẽ về giá trị của những dấn thân trong niềm vui, thiếu một nền linh đạo hướng dẫn hoặc quá ảo tưởng về những dự kiến bất khả thi. Do đời sống thiếu nền tảng đức tin và đời sống nội tâm, họ không sẵn sàng chấp nhận những rủi ro và thất bại trong đời sống mục vụ. Từ đó, họ thất vọng với thực tại, với Hội Thánh và với bản thân.  

NHỮNG GIẢI PHÁP THỰC TIỄN

Ngay từ Phần Mở Đầu, ĐTC đã nói rõ: “Tôi cũng không tin rằng người ta nên mong đợi từ huấn quyền Giáo Hòang một lời dứt khoát hoặc đầy đủ về những vấn đề liên quan đến Hội Thánh và thế giới. Thật không thích hợp cho Đức Giáo Hoàng thay thế các Giám Mục địa phương trong việc phân biệt tất cả những vấn đề phát sinh trong lãnh thổ của các ngài” (số 16). Qua đó, chúng ta có thể thấy rõ việc ĐTC nhận ra những giới hạn bản thân trong khi tiếp cận những vấn đề vốn phức tạp đòi hỏi một kinh nghiệm cọ xát thực tế. Dù vậy, chúng ta cũng có thể ghi nhận hai điểm nhấn như hướng giải quyết cho những thách đố và cám dỗ được ngài đề ra trong Tông Huấn này. Đó là Nền luân lý Kitô giáo tôn trọng nhân phẩm.

Nền luân lý Kitô giáo

ĐTC đã đưa những lời phát biểu của các Giám Mục Hoa Kỳ vào Tông Huấn này như một vấn nạn lớn của con người thời đại, rằng: “Trong khi Hội Thánh khẳng định về sự hiện hữu của những qui tắc luân lý khách quan áp dụng cho tất cả mọi người, thì lại ‘có những người trong nền văn hóa của chúng ta miêu tả những giáo huấn này như không công bằng, nghĩa là trái với những quyền cơ bản của con người…” (số 64). Như thế, Hội Thánh bị coi là cổ võ một thành kiến cá nhân và như can thiệp vào tự do cá nhân. Nhưng thay vì trả lời trực tiếp bằng cách minh chứng những học thuyết đó, ngài lại dùng những ý kiến ngược lại để bác bỏ lập trường lệch lạc ấy, ngài viết: “Mặc dù làn sóng thế tục đã tràn ngập xã hội chúng ta, ở nhiều quốc gia – kể cả những nơi mà Kitô giáo là thiểu số - Hội Thánh Công Giáo được coi là một tổ chức đáng tin cậy theo dư luận quần chúng, được tin cậy trong tất cả những gì liên quan đến lãnh vực đòan kết và quan tâm đến những người nghèo khổ nhất” (số 65). Ngoài ra, ngài còn nhắc đến vai trò trung gian của Hội Thánh trong việc bảo vệ hòa bình thế giới, bảo vệ sự sống… tắt một lời, Hội Thánh muốn góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp và nhân bản hơn.

Tưởng cũng cần nhắc lại một cách hiểu đúng đắn về luân lý Kitô giáo. Chúng ta thử tưởng tượng hình ảnh một gia đình, trong đó, người cha và mẹ đã chuẩn bị xây một căn nhà từ mô hình dành cho những đứa con nhỏ với rào chắn bảo vệ an toàn để chúng được bảo đảm và vui chơi thì phải chăng những rào chắn ấy lại là những cấm đoán làm cho bạn mất tự do? Hiểu một cách nào đó, chúng ta cũng là những đứa con nhỏ của Mẹ Hội Thánh được hướng dẫn bởi những qui tắc luân lý cụ thể. Khi chúng ta còn chưa ý thức đủ những nguy hiểm của thực tại quanh mình thì Người Mẹ ấy đã dùng những rào chắn bảo vệ thì chúng ta lại coi đấy là những vật cản. Đó chẳng phải là cách diễn tả tình yêu thương tuyệt vời của Mẹ dành cho những đứa con đó sao? Không dừng lại ở những qui tắc dưới dạng giới luật, Hội Thánh còn hướng dẫn mọi con cái mình bằng những lời hết sức khích lệ trong việc xây dựng công ích chẳng hạn, đó như là những động lực kích thích chúng ta làm việc lành. Đi xa hơn nữa, Hội Thánh còn định hướng hành động cho mọi người khi đề cao những giá trị nhân bản đích thực, khả dĩ được xã hội công nhận. Đó là điều ĐTC đã dùng chính những người có phán đoán lành mạnh trong xã hội nhằm trả lời cho những ai chủ trương cá nhân hưởng thụ và tương đối hóa mọi giá trị luân lý thực tiễn.

Cũng trong Tông huấn này, ĐTC nói đến một tình yêu đáp trả từ phía con người với Thiên Chúa Tình Yêu. Đó là giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Tất nhiên, về phía Thiên Chúa, Ngài luôn trung tín với lời hứa ấy; còn về phía con người, luôn có sự bội phản. Cảm nghiệm được điều này từ bản thân mà ĐTC đã nói: “Mọi người đều phải đến với sự an ủi và khích lệ từ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, là điều hoạt động cách mầu nhiệm trong bất cứ ai, vượt trên và vượt ra ngoài những lỗi lầm và sa ngã của họ” (số 44). Như thế, luân lý Kitô giáo luôn là cách diễn tả tình yêu tha thứ của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, nghĩa là nó luôn giả thiết ân thánh và tự do đáp trả của con người, bất chấp sự yếu đuối mỏng giòn từ phía con người.

Thế nhưng căn tính của một kitô hữu không dừng lại ở việc thực hành luân lý, ĐTC đã mượn lời của Đức Benedictô XVI mà lưu ý các tín hữu rằng: “Ở nguồn gốc của việc làm một kitô hữu không phải là một lựa chọn luân lý hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một người, là điều mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (số 7). Có thể nói, chính việc gặp gỡ này mà con người cảm nhận được nguồn gốc thần linh của mình, từ đó, con người mới thực sự đáng tôn trọng bằng tất cả phẩm giá bản thân.

Tôn trọng nhân phẩm

Để trả lời cho nền kinh tế loại trừ con người và tôn thờ tiền bạc, ĐTC đề nghị các nhà lãnh đạo phải đem nền kinh tế tài chính trở lại với nền luân lý vì con người. Chính khi quá chú trọng đến lợi nhuận kinh tế mà con người đã bị khai thác như một phương tiện, ấy là một nền kinh tế phi cá nhân và thực sự không lấy con người làm cùng đích (x. số 55). ĐTC đã phân tích cho mọi người thấy, đây là một ý thức hệ loại bỏ con người với tư cách là một nhân vị. Ngài đề nghị: “Luân lý – một nền luân lý không ý thức hệ - cho phép chúng ta tạo ra một sự cân bằng và trật tự xã hội nhân đạo hơn” (số 57). Như thế, một nền luân lý đích thực cũng nhằm thăng tiến xã hội và đề cao phẩm giá con người. Mặc dù, nhận ra những vấn đề tế nhị này của Giáo hội có thể khó được mọi người đón nhận nhưng ngài khuyên chúng ta phải trả giá để cho mọi người thấy rằng mình làm điều ấy vì trung thành với cùng một niềm tin về phẩm giá của con người và công ích (x. số 65).

KINH NGHIỆM TÂM LINH CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

 Sa mạc hóa về tâm linh

ĐTC ghi nhận chiều kích “sa mạc hóa tâm linh” này phổ biến hầu như khắp mọi nơi và trong mọi ngõ ngách. Đó là một không gian vắng bóng Thiên Chúa, việc chống đối Kitô giáo bằng bạo lực đến nỗi âm mưu phá hủy tận gốc rễ. Nhưng thay vì bi quan, ngài lại nhận ra một điểm sáng, đó là chính trong tình trạng khô khan, trống rỗng này mà con người tái khám phá những gì là thiết yếu nhất; đồng thời, những người loan báo Tin Mừng có dịp tái khám phá lại niềm vui của đức tin (x. số 86).

Đức giáo hòang Phanxicô kêu gọi mọi kitô hữu hãy là người mang bình nước để tiếp ứng cho những người khác. Mặc dù, các tín hữu trao cho họ bình nước uống nhưng với hy vọng nó trở thành cây Thánh Giá, chính nơi đó, từ cạnh sườn của Đấng chịu đóng đinh sẽ phát sinh nguồn nước trường sinh cho mọi người(x. số 86).

Từ nhãn quan chiêm niệm ấy, ngài mời gọi những người loan báo Tin Mừng phải gắn liền đời sống mình với Thánh Giá, nơi khơi nguồn sự sống đích thực và niềm vui vĩnh cửu cho mọi người. Ngài thật có lý khi khẳng định: “Chiến thắng của kitô hữu luôn là Thánh Giá…” (số 85) Đó cũng chính là niềm hy vọng chung cuộc từ xác tín của những người loan báo Tin Mừng trong niềm vui Phục Sinh.

Đam mê truyền giáo (x. số 78)

Thuật ngữ này khá mới mẻ trong “linh đạo” của Đức Phanxicô. Thật vậy, trong khi đề phòng các tín hữu về lối sống hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân mà ngài lại dùng thuật ngữ đam mê trong lãnh vực truyền giáo, xem ra, là một nguy hiểm chăng?

Chúng ta vẫn nghe nói về những người đam mê cờ bạc, tửu sắc… đến nỗi thân tàn ma dại. Đó là những đam mê làm băng hoại con người. Nhưng còn một hình thức đam mê tích cực mà mọi người đáng ước ao như: đam mê thể thao, đọc sách…Nó giúp thăng tiến con người và khẳng định nét độc đáo nơi mỗi nhân vị. Như thế, chúng ta hiểu sao về thuật ngữ đam mê truyền giáo?

Triết gia Kierkegaard phát biểu rằng con người không đam mê, như cây không nhựa sống. Điều này được hiểu như là một dưỡng chất, yếu tố thiết yếu không thể thiếu của một sự sống. Cũng vậy, đam mê được đặt để trong con người như một khát vọng vươn lên không cùng khi nhắm đến một đối tượng nào đó. Đối tượng xấu hay tốt, sẽ tạo nên một đam mê xấu hay tốt. Như thế, đam mê truyền giáo là một điều mà các kitô hữu đáng ước ao vì nó nhắm đến phục vụ vinh quang Nước Trời.

Đam mê truyền giáo không phải là dừng lại ở cảm xúc nhất thời, nhưng là một động lực trường kỳ và mạnh mẽ nhắm vào những đối tượng truyền giáo như là thành phần của đời sống mình. Điều này chúng ta đã thấy nơi gương của Cha Damien, Cha của những người cùi. Sau khi  phát hiện mình bị nhiễm bệnh này, cha đã nói: từ nay, tôi không còn gọi những người cùi là anh em nữa nhưng gọi là những người anh em của tôi. Và ngài giải thích: vì tôi đã sống chính đời sống của họ. Như thế, đam mê phục vụ trở nên thành phần không thể thiếu trong đời sống ngài. Đồng thời, đam mê này giúp ngài vượt qua mọi khó khăn, trong khi đó, cảm xúc chỉ nhất thời, thay đổi tùy hứng.

Ngoài ra, đam mê truyền giáo còn giúp những người loan báo Tin Mừng luôn sáng tạo và tìm ra những phương thế mới mẻ và thích hợp hầu làm phong phú sứ vụ này. Mà xét cho cùng, điều thiết yếu là họ phải thuận theo lời mời gọi của Thánh Thần, là nguyên lý sáng tạo của mọi hoạt động trong cánh đồng truyền giáo.    

Như thế, hiểu được thuật ngữ này, chúng ta sẽ cảm nhận phần nào nhiệt huyết truyền giáo đã tạo nên một Đức Phanxicô mà ngày nay cả Giáo hội và xã hội ngưỡng mộ khiến tạo nên một cơn sốt “Phanxicô”. Đây không phải là một hào nhoáng bên ngoài nhưng là niềm đam mê phát ra từ nội lực của một đời sống tâm linh trưởng thành trong linh đạo dòng Tên.

 

 An Mai Đỗ O.Cist


Văn Kiện Giáo Hội