Canh tân đời sống kỷ luật và nghệ thuật đồng hành (I)

(gpquinhon.org) Thứ hai - 06/10/2014 06:06

DẪN NHẬP

Như chúng ta biết, Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới họp tại Rôma từ ngày 7 đến ngày 28.10.2012 đã bàn về chủ đề “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Có thể nói Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm vui Tin Mừng, ban hành ngày 24.11.2013, là hoa trái của Thượng Hội Đồng Giám Mục ấy đồng thời cũng là một sự suy tư riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô về Tân Phúc Âm hóa. Một vấn đề mà tông huấn đề cập đặc biệt là canh tân Giáo Hội trong nỗ lực truyền giáo, trong đó có canh tân đời sống kỷ luật và làm sao đạt tới một nghệ thuật đồng hành Kitô giáo nhằm làm tăng trưởng đời sống Kitô hữu.

Đứng trước những thách đố và cám dỗ đối với người làm công tác mục vụ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người hãy «mạnh dạn và sáng tạo trong việc suy xét lại các mục tiêu, cơ cấu, phong cách và phương pháp truyền giáo tại các cộng đoàn của mình»[1]. Trong tiến trình “suy xét lại” đó, dường như Đức Thánh Cha thấy rõ tâm trạng e ngại và lo lắng của chúng ta nên mới «khuyến khích mọi người áp dụng các hướng dẫn trong văn kiện này một cách quảng đại và dũng cảm, không bị ức chế hay sợ hãi»[2].

Theo tinh thần đó và theo định hướng của Đức giám Mục giáo phận, chúng ta sẽ tìm hiểu về việc canh tân đời sống kỷ luật và làm sao đạt tới nghệ thuật đồng hành Kitô giáo trong bối cảnh Giáo Hội phải đối diện nhiều thách thức hôm nay. Có thể nói đây là những việc hữu ích trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa và cách riêng trong chương trình gia tăng đức ái năm 2014 đối với giáo phận Qui Nhơn chúng ta.

I. THÁCH THỨC VÀ CÁM DỖ

Trong tông huấn Evangelii Gaudium, trong cả chương hai (số 50-109) Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một sự phân định theo tinh thần Phúc Âm để đọc “những dấu chỉ thời đại” giúp ta thấy những yếu tố làm hạn chế sự dấn thân và tinh thần trong việc truyền giáo. Bởi vậy, thật hữu ích, để chúng ta nhận diện, dù là tóm gọn, những thách đố và cám dỗ đối với người đang làm công tác mục vụ trong hoàn cảnh ngày nay. Qua đó chúng ta cũng thấy được ý nghĩa và giá trị thực tế của hai giải pháp mà Đức Thánh Cha đề nghị là canh tân đời sống kỷ luật và đạt tới nghệ thuật đồng hành nhằm giúp tăng trưởng đời sống Kitô hữu. Nhờ đó sẽ gợi lên cách thế để chúng ta áp dụng vào công việc mục vụ cụ thể trong môi trường của mình.

1. Những thách thức (số 52-75)

Đứng trước bối cảnh con người đang chứng kiến sự tiến bộ vượt bực và rất nhanh về khoa học - kỹ thuật, đồng thời chúng lại tác động rất lớn đến mọi mặt của cuộc sống (số 52), Đức Thánh Cha Phanxicô giúp ta nhận diện những thách đố khác nhau.

- Thách đố về kinh tế loại trừ và bất bình đẳng, từ đó nảy sinh một sự «toàn cầu hóa của sự dững dưng, […] vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta»[3].

- Thách đố về ngẫu thần mới về tiền bạc làm người ta thiếu quan tâm đến con người (số 55) và tệ hại hơn là sẵn sàng «xâu xé bất cứ cái gì cản đường cho sự gia tăng lợi nhuận» (số 56).

- Thách đố về hệ thống tài chánh thống trị thay vì phục vụ, trong đó người ta «chối bỏ đạo đức và chối bỏ Thiên Chúa, coi Thiên Chúa như là cái gì không kiểm soát được, không quản lý được, thậm chí nguy hiểm, vì Thiên Chúa kêu gọi con người thể hiện đầy đủ bản thân và tự do khỏi mọi hình thức nô lệ»[4].

- Thách đố về sự bất bình đẳng dẫn đến bạo lực. Đặc biệt, trong đó «một xã hội - địa phương, quốc gia, hay thế giới - muốn gạt ra bên lề một thành phần của mình»[5].

- Thách đố về văn hóa, về bách hại tôn giáo (số 61) và chúng ta đang ở trong «một bối cảnh văn hoá đậm nét cá nhân chủ nghĩa»[6].

- Thách đố về tiến trình tục hóa trên thế giới (số 64) và não trạng thế tục trong lòng Giáo Hội (số 93-97).

- Khủng hoảng văn hóa đang tác động nặng nề đến gia đình, lối sống cá nhân làm suy yếu mối liên hệ giữa con người với nhau, kể cả những người thân trong một gia đình, dẫn đến những hậu quả không tốt trong đời sống chung (số 66).

- Có những thách đố khác do xuất hiện những nền văn hóa hoàn toàn mới tại các đô thị (số 71-75).

2. Các cám dỗ đối với người hoạt động mục vụ (số 76-109)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý và lên tiếng cảnh giác một số cám dỗ đối với người đang làm công việc mục vụ:

- Đừng đánh mất nhiệt tình truyền giáo nhưng hãy dấn thân «gặp gỡ người khác, dấn thân vào thế giới hay một niềm say mê loan báo Tin Mừng» (số 79-80).

- Đừng ích kỷ và nguội lạnh thiêng liêng, đừng để mình bị cướp mất niềm say mê truyền giáo! (số 81-83).

- Đừng đánh mất niềm hy vọng (84-86).

- Đừng đánh mất cộng đoàn của mình, xây dựng mối tương quan với người khác, đừng xa tránh hay cách ly với họ (87-92).

- Đừng để mất giá trị Tin Mừng, đừng tiêm nhiễm “thói thế tục trong đời sống thiêng liêng” (93-97).

- Đừng đánh mất lý tưởng tình yêu huynh đệ, tránh tranh chấp lẫn nhau (số 98-101).

Đối diện với những thách đố và cám dỗ nói trên, trong nhiều giải pháp tương thích được Đức Thánh Cha đề ra để giải quyết, chúng ta đặc biệt lưu tâm một mặt đó là canh tân đời sống kỷ luật trong Hội Thánh và mặt khác là làm sao đạt tới một sự đồng hành đích thực nhằm tăng trưởng đời sống Kitô. Cả hai khía cạnh nầy liên hệ với nhau chặt chẽ và cả hai đều nhằm tới sao cho việc loan báo Tin Mừng được hiệu quả nhất. Chúng ta sẽ tìm hiểu hai nội dung nầy cơ bản dựa theo tông huấn Evangelii Gaudium và một số văn kiện khác của Giáo Hội.

II. LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG TRONG GIÁO HỘI

Đứng trước những thách đố và cám dỗ hiện nay vừa nói trên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ lên tiếng vừa cảnh giác vừa như một lệnh truyền rằng Giáo Hội cần phải chuyển đổi từ một nền mục vụ nặng tính bảo tồn sang một nền mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo[7]. Trong thực tế, nhiều khi chúng ta hành xử như một quan tòa khắt khe[8] hay như một người ban phát ân sủng tùy tiện và cảm tính[9]. Những lời nầy quả là mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa cũng như tương quan giữa lề luật - ân sủng, cụ thể là hình phạt trong Giáo Hội, và từ đó có thể canh tân cung cách mục vụ để tăng trưởng đời sống Kitô hữu.

1. Ý nghĩa của lề luật trong Giáo Hội 

Cũng như những cơ chế tổ chức trong xã hội, Giáo Hội có hệ thống pháp luật riêng của mình. Nhưng khác với xã hội, Giáo Hội có mục tiêu khác với mục tiêu của xã hội trần thế nên lề luật trong Giáo Hội có ý nghĩa, mục đích riêng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tống hiến Sacrae Disciplinae Leges (các luật lệ của kỷ luật thánh) khi ban hành bộ giáo luật hiện hành đã nêu một vài điểm súc tích về ý nghĩa và bản chất lề luật trong Giáo Hội.

a. Lề luật nâng đỡ đức tin - ân sủng 

Trong Giáo Hội, lề luật và đức tin - ân sủng không mâu thuẫn, không cản trở hay loại trừ nhau, nhưng lề luật nâng đỡ và hỗ trợ cho đời sống đức tin và ân sủng của người tín hữu. Thật vậy, «Bộ Giáo Luật không nhằm thay thế đức tin, ân sủng, các đoàn sủng và nhất là đức ái trong đời sống của Giáo Hội và của các tín hữu. Trái lại, mục đích của Bộ Giáo Luật là thành lập một trật tự trong cộng đồng Giáo Hội, chẳng hạn như khi xếp đức ái, ân sủng và các đoàn sủng vào hàng đầu, Bộ Giáo Luật đồng thời cũng giúp đức ái, ân sủng và các đoàn sủng được phát triển dễ dàng hơn trong đời sống của cộng đồng Giáo Hội cũng như trong đời sống của từng cá nhân là thành phần của cộng đồng ấy»[10].

b. Tính chất truyền thống và kế thừa của giáo luật

Chúng ta cần «phải xem giáo luật là một văn kiện luật pháp chính yếu của Giáo Hội dựa trên di sản luật lệ pháp chế của Mạc khải và Thánh truyền, và là dụng cụ nòng cốt để bảo đảm trật tự phải có trong đời sống cá nhân và cộng đồng, cũng như trong sinh hoạt của Giáo Hội. Vì thế ngoài các yếu tố căn bản của cơ cấu phẩm trật và cơ cấu tổ chức của Giáo Hội, như ý muốn của Đấng Sáng Lập thần linh, hoặc căn cứ trên truyền thống rất cổ xưa, và ngoài các quy tắc tổng quát quy định việc thi hành ba nhiệm vụ đã được trao cho Giáo Hội, bộ Giáo Luật cũng phải xác định một số quy tắc và chuẩn mực hành động nữa»[11].

Điều nầy cho ta thấy toàn bộ giáo luật không phải là những quy định bất khả thay đổi. Trong giáo luật không phải tất cả là thiên luật (bất biến) mà còn có cả những quy định do thẩm quyền của Giáo Hội đặt ra cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Và những điều nầy có thể thay đổi sao cho thích ứng với nhu cầu của thời đại. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta rằng ngày nay cần nhận ra một số thói quen, quy tắc không còn được hiểu và được chấp nhận đúng như trước và không còn hiệu quả để thông truyền Tin Mừng, nên phải bãi bỏ hay thay đổi thích hợp[12].

c. Giáo luật là phương tiện chứ không phải là mục đích

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định «Bộ giáo luật là một dụng cụ hoàn toàn phù hợp với bản chất của Giáo Hội, đặc biệt đã được trình bày qua giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II nói chung, và cách riêng trong học thuyết về Giáo Hội.… Bộ Giáo Luật rất cần cho Giáo Hội. Vì được tổ chức như một xã hội hữu hình, Giáo Hội cũng cần có những quy tắc: hoặc để phân định rõ rệt cơ cấu phẩm trật và cơ cấu tổ chức, hoặc để tổ chức cách xứng hợp việc thi hành các nhiệm vụ được Thiên Chúa trao phó, cách riêng những nhiệm vụ của thánh quyền và của việc cử hành các bí tích, hoặc để điều chỉnh các mối tương quan giữa các tín hữu với nhau dựa trên một sự công bằng đặt nền trên đức ái, nhờ việc xác định và bảo đảm quyền lợi của cá nhân; sau hết để nâng đỡ, củng cố và cổ vũ những sáng kiến chung nhắm tới một đời sống kitô giáo càng ngày càng hoàn hảo hơn nhờ giáo luật»[13].

Như vậy giáo luật là phương tiện hữu hiệu phù hợp với bản chất và mục đích của Giáo Hội. Qua đó Giáo Hội có thể:

- Ấn định cơ cấu tổ chức của riêng của Giáo Hội.

- Xác định và thi hành các nhiệm vụ: Rao giảng, Thánh hóa, cai quản, đặc biệt là cử hành các bí tích.

- Xác định các quyền lợi và bổn phận cũng như các tương quan của các thành viên trong Giáo Hội dựa trên công bằng, bác ái.

- Củng cố, khích lệ những sáng kiến của các phần tử để xây dựng Giáo Hội.

2. Ý nghĩa của chế tài trong Giáo Hội 

Trong một tổ chức luôn có những quy định chung để tổ chức đó được ổn định và hoạt động có hiệu quả, trong đó cũng có các biện pháp chế tài. Xét như là một tổ chức, Giáo Hội cũng có những chế tài của mình. Bộ giáo luật 1983 đã dành riêng quyển số VI đề cập đến chế tài trong Giáo Hội (De sanctionibus in Ecclesia).

Chế tài có nền tảng từ Thánh Kinh[14], chẳng hạn như trong một số bản văn: Mt 18,18; Mt 28,18-20; Ga 20,21; Ga 21,15-17. Và điều nầy đã được xác nhận rõ ràng nơi các ứng xử của thánh Phaolô đối với cộng đoàn tín hữu ở Côrintô, 1Cr 5,1-5.

Về hạn từ chế tài, nên biết rằng nếu bộ luật 1917 gọi phần hình sự là De delictis et poenis, thì bộ luật 1983 gọi là De sanctionibus in Ecclesia, chế tài trong Giáo Hội. Đây không đơn thuần chỉ là sự đổi tên nhưng liên quan đến nội dung. Hạn từ “sanctio”, chế tài có nghĩa rộng hơn là hạn từ “hình phạt”. Trong tiếng latin, sanctio có nhiều nghĩa, như sự thừa nhận, xác nhận, chấp nhận; cho phép, tán thành, bằng lòng, chấp thuận. Trong ngôn ngữ luật học nói chung, gọi là sự phê chuẩn, chuẩn y (một đạo luật, một hiệp ước), tức là công nhận giá trị của một hành động hay một văn bản; cách riêng ở hình luật, sanctio được dịch tùy theo văn mạch là: biện pháp, chế tài, trừng phạt. Trong bộ giáo luật hiện hành, hạn từ “sanctio” chỉ xuất hiện ở tựa đề quyển VI, và hai lần ở các điều 1311 và 1312 §1 (sanctio poenalis). Ngoài ra, nó còn được dùng 2 lần nữa ở đ. 96 và đ. 1457 §2. Tất cả đều bao hàm nghĩa là biện pháp của nhà chức trách chống lại những vi phạm pháp luật[15].

Tương tự như ý nghĩa của lề luật trong Giáo Hội vừa nói trên, chúng ta thấy được vai trò và sự cần thiết của chế tài trong Hội Thánh. Thật vậy, Hội Thánh bảo vệ những quyền của các tín hữu đồng thời khuyến khích và giữ gìn công ích, và xét như một điều kiện không thể thiếu được để phát triển trọn vẹn con người Kitô hữu, nhà cầm quyền Giáo Hội đã tích cực ban hành những biện pháp kỷ luật và hình phạt kèm theo… Cũng như lề luật trong Giáo Hội, các biện pháp chế tài cũng là một phương tiện nhằm tới sự hiệp thông, nghĩa là một phương tiện bù đắp lại việc thiếu điều thiện hảo của cá nhân và tìm công ích[16].

3. Ý nghĩa hình phạt trong Giáo Hội[17]

Hình phạt đã có từ rất sớm ngay trong những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (ví dụ, Mt 18 và 1Cr 5). Theo đó, các tác giả Tân Ước và các giáo phụ coi hình phạt không chỉ là một biện pháp để trừng phạt kẻ phạm pháp, nhưng quan trọng hơn phải coi đó là một phản ứng tự vệ đối với kẻ đã làm hoen ố sự thánh thiện của Giáo Hội. Sự phạm pháp trong Giáo Hội ộikhông chỉ làm xáo trộn trật tự nhưng trước hết nó đi ngược với bản tính thánh thiện của người Kitô hữu cũng như cộng đoàn các tín hữu. Tương tự như tính nghịch lý trong bản chất của Giáo Hội, vừa thánh thiện vừa tội lỗi[18], hình phạt trong Giáo Hội vừa thể hiện sự nghiêm khắc do ý thức về ơn cứu rỗi và sự thánh thiện đồng thời vừa có sự uyển chuyển khoan hồng do ý thức về thân phận yếu đuối của con người.

Nhiều người cho rằng vì Giáo Hội là một thực thể tinh thần, bác ái và có mục đích siêu nhiên nên chỉ cần có một kỷ luật tối thiểu nào đó và cần loại bỏ mọi hình phạt và sự cưỡng chế vì điều đó chỉ phù hợp với xã hội chính trị. Tuy nhiên làm như vậy có thể gây ra bất ổn, thiếu kỷ cương và xóa bỏ mọi giá trị và hiệu lực của bộ giáo luật xét vì Giáo Hội không chỉ là thực thể tinh thần nhưng còn là thực thể ngoại tại và xã hội nữa. Giáo Hội cần thiết có một hệ thống pháp chế đầy đủ để phục vụ cho khía cạnh tinh thần và cho nhiệm vụ căn bản mục vụ. Giáo Hội sử dụng chúng để hướng dẫn có hiệu quả lương tâm người tín hữu trong việc tuân giữ những lề luật Kitô giáo và dễ dàng theo đuổi những mục đích luật nhằm tới; hơn nữa nhờ đó ngăn ngừa được gương xấu và giảm bớt những hành vi đi ngược với lề luật[19].

4. Vài lưu ý mục vụ khi áp dụng kỷ luật Giáo Hội 

a. Đặc tính pháp lý-mục vụ của chế tài

Theo nguyên tắc, việc thiết lập hình phạt là một biện pháp cực chẳng đã, khi không còn phương pháp nào hữu hiệu hơn để bảo vệ kỷ luật Giáo Hội (đ. 1317). Không nên thiết lập hình phạt, nhất là hình phạt tiền kết nếu không có lý do thực sự cần thiết và khi các hình phạt khác không có tác dụng (đ. 1318).

Điều 1341 xác định rằng «Đấng Bản Quyền chỉ nên xúc tiến thủ tục tư pháp hay hành chính để tuyên kết hay tuyên bố một hình phạt, khi đã chắc chắn rằng việc sửa chữa trong tình huynh đệ, việc khiển trách hay các phương thế khác trong đường lối mục vụ của ngài không thể sửa chữa gương xấu, tái lập công lý và cải thiện phạm nhân một cách đầy đủ được».

Khoản luật cho ta thấy tính khoan hồng và mục vụ của hình luật trong Giáo Hội. Luật để nhiệm ý tùy theo sự xét xử mục vụ thận trọng của Đấng bản quyền. Điều 1341 là một khoản luật căn bản để giải thích hình luật nói chung và cách riêng trong việc áp dụng hình phạt. Trước khi tiến hành thủ tục pháp lý, phải xác định tình huống tội phạm, cần thiết phải đánh giá đúng đắn, cân nhắc hoàn cảnh cụ thể xem có còn phương thế mục vụ nào khác (sửa dạy huynh đệ, khiển trách …) và xét xem hình phạt có phải là cách thế để bảo vệ kỷ luật Giáo Hội, xóa bỏ gương mù, sửa chữa những thiệt hại, tái lập công lý, cải hoá tội nhân hay không? Nếu các phương thế khác không mang lại hiệu quả thì mới buộc lòng phải sử dụng thủ tục pháp lý để áp dụng hình phạt.

Người có trách nhiệm khởi động chính là Đấng Bản quyền (đ. 134§1). Trước hết, cần phải nắm chắc chứng cớ về tội phạm, chứ không phải chỉ nghe đồn. Sau đó, Bản quyền hãy điều tra sơ khởi (đ. 1717) tìm những dữ kiện, những yếu tố đủ để thấy có phạm tội và có thể quy trách, đồng thời cũng cần xét cả những hoàn cảnh có thể miễn hình, giảm khinh hoặc gia trọng (đ. 1321-1324).

Ngoài các hình phạt, trong bộ giáo luật còn nói tới những “tình trạng bất hợp lệ” làm đương sự không được thông hiệp vào tất cả quyền lợi của người tín hữu. Ví dụ đối với người tín hữu li dị và tái hôn, giáo luật không dự liệu hình phạt tuyệt thông hay cấm chế nào, nên đó không phải là một tội phạm hình luật, và đương sự không thể bị kết án. Tuy nhiên họ sẽ bị từ chối không được lãnh các bí tích (theo đ. 915; 980; 1007), bởi vì họ sống trong tình trạng bất hợp lệ, thường gọi là tội nhân công khai, peccator publicus. Hiện nay giáo phận chúng ta cũng áp dụng trong một số trường hợp[20].

b. Áp dụng hình phạt theo tinh thần giáo luật

Khác với tổ chức xã hội, “cực chẳng đã” Giáo Hội mới sử dụng hình phạt, đặc biệt những hình phạt ảnh hưởng đến sự hiệp thông, ví dụ như vạ tuyệt thông, cấm chế, “treo tòa”, “treo chén”, cấm xưng tội, rước lễ... Như chúng ta thấy, hình phạt thực chất không phải là cách giáo dục đức tin. Bởi đó nhiều áp dụng máy móc, hình phạt sẽ có tác dụng ngược. Thực tế cho thấy nhiều người bỏ đạo luôn chỉ vì một hình phạt nào đó, hay do sự khiển trách thiếu tế nhị; nhiều người mừng vị bị cấm dự lễ, cấm xưng tội rước lễ…

Bởi đó, khi ra hình phạt, răn đe phải giải thích và luôn rộng đường để đón nhận người bị phạt trở lại, “đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”. Phạt ai, không có nghĩa là bỏ rơi người đó, nhưng ngược lại, càng phải quan tâm đồng hành và nâng đỡ đức tin còn non yếu của họ nhiều hơn. Không dùng hình phạt để đe dọa, để “lấy uy”, làm cho người khác sợ mình… vì điều nầy đi ngược với ý nghĩa lề luật và hình phạt trong Giáo Hội. Cha Pio Ngô Phúc Hậu nói rằng «không có cái gì răm rắp cho bằng guồng máy. Nhưng họ đạo không phải là cái guồng máy… Ngày nay chúng tôi không muốn “bị” giáo dân sợ, mà muốn “được” giáo dân thương. Sợ là dấu hiệu của tình trạng ấu trĩ. Thương là dấu chỉ của tình huynh đệ. Tôi thích họ đạo hơi lộn xộn một tí, nhưng ở trong đó giáo dân được kính trọng, hơn là một họ đạo răm rắp đâu vào đó, nhưng ở đấy trật tự được trả giá bằng nhân phẩm»[21].

Đặc biệt trong việc giáo dục đức tin, sử dụng việc ban bí tích như một biện pháp chế tài hay thể hiện quyền bính vừa không được phép, vừa không đúng tinh thần người mục tử nhân lành. «Chúng ta nên sợ bị giam hãm trong những cấu trúc làm cho chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, những quy tắc biến chúng ta thành những quan tòa tàn nhẫn, với những thói quen làm cho chúng ta cảm thấy an thân»[22]. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thêm: «Chúng ta nhiều khi hành động như người ban phát ân sủng thay vì là người tạo điều kiện cho ân sủng. Nhưng Giáo Hội không phải là trạm thu phí; Giáo Hội là nhà Cha, có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ»[23]. Mà ai trong chúng ta lại không có vấn đề của mình, nên phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu, cảm thông và tạo cơ hội cho người khác đón nhận ân sủng.

Cách riêng, «các linh mục nhớ rằng toà giải tội không phải là một buồng tra tấn nhưng là một nơi gặp gỡ lòng từ bi của Chúa, thúc đẩy chúng ta làm hết sức mình. Một bước đi nhỏ giữa những hạn chế to lớn của con người, có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn là một cuộc sống bề ngoài xem ra đúng mực nhưng ngày ngày không phải đối diện với những khó khăn to lớn nào. Mọi người cần được đánh động bởi sự an ủi và hấp dẫn của tình thương cứu độ của Thiên Chúa, đang hoạt động một cách nhiệm mầu trong mỗi người, vượt lên trên các sa ngã và lỗi lầm của họ»[24].

c. Duyệt lại một số chế tài hay tục lệ trong giáo phận 

Như đã nói, ngoài những quy định của giáo luật, hiện nay tại các giáo phận đều có những biện pháp chế tài nhất định nào đó đã có từ lâu theo tục lệ xưa nay. Tuy nhiên, hoàn cảnh ngày nay có nhiều chuyển biến, nên chúng ta cần phải xét lại chúng theo tinh thần của giáo luật tức là theo tinh thần mục vụ và theo hướng dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt trong trong tông huấn Evangelii Gaudium. Có thể nói, điều nầy có ảnh hưởng rất tích cực đến công cuộc truyền giáo và hoàn toàn phù hợp chương trình năm gia tăng bác ái của giáo phận chúng ta.

Thật ý nghĩa khi Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng: «Trong công cuộc phân định đang diễn ra hôm nay… chúng ta đừng sợ xét lại chúng. Đồng thời, Hội Thánh có các quy tắc hay giới luật có thể đã từng khá hiệu quả vào thời của chúng, nhưng không còn hữu ích để hướng dẫn và định hình cho đời sống của con người hôm nay. Thánh Tôma Aquinô chỉ ra rằng các giới luật mà Đức Kitô và các tông đồ truyền cho dân thì “rất ít”… Các giới luật mà Hội Thánh thời sau truyền dạy nên được nhấn mạnh một cách vừa phải thôi “để không đè nặng lên đời sống các tín hữu” và biến đạo chúng ta thành một dạng nô lệ, trong khi “lòng thương xót của Thiên Chúa muốn chúng ta phải được tự do”. Lời khuyến cáo này đã được đưa ra từ nhiều thế kỷ, nay vẫn còn hết sức hợp thời. Nó phải là một trong các tiêu chuẩn chúng ta phải lưu ý khi suy nghĩ về một cuộc cải tổ Hội Thánh và việc giảng dạy của Hội Thánh, giúp cho việc giảng dạy này đến được với mọi người»[25].

III. NGHỆ THUẬT ĐỒNG HÀNH

1. Nhận xét về từ “đồng hành” trong Evangelii Gaudium 

Hạn từ “đồng hành” trong việt ngữ (được dịch từ tiếng Anh, danh từ accompaniment hoặc động từ là accompany tương ứng trong tiếng pháp là accompagnement  accompagner[26]) được sử dụng khá nhiều trong đời sống xã hội[27]. Gần đây trong đời sống Giáo Hội và trong nhiều văn kiện của Giáo Hội cũng sử dụng rộng rãi hạn từ nầy[28]. Chúng ta phải nhìn nhận rằng sự đồng hành Kitô giáo hay đồng hành thiêng liêng không phải là việc mới mẻ trong Giáo Hội. Thực vậy, «việc tư vấn tâm linh đã được thi hành từ buổi ban đầu của Giáo Hội cho tới ngày hôm nay. Cũng có người gọi đây là linh hướng hay đồng hành thiêng liêng (spiritual accompaniment). Đó là một việc thực hành xa xưa, đã được thử thách qua thời gian, đem lại biết bao hoa trái trong đường nên thánh và trong sự dấn thân theo Tin mừng»[29].

Trong tông huấn Evangelii Gaudium, hạn từ “đồng hành - accompaniment” đươc sử dụng khoảng 23 lần. Ngay trong chương đầu tiên của tông huấn, ở số 24, với phụ đề “đi bước trước, dấn thân và đồng hành, sinh hoa trái và vui mừng” cho ta thấy sự đồng hành là một phần trong lộ trình giúp tăng trưởng đời sống tín hữu và theo văn mạch ở đây chỉ sự đồng hành có tính tập thể (xem thêm số 44 và 92).

Ngay sau chương thứ hai, “Giữa cơn khủng hoảng về dấn thân cộng đồng”, thì trong chương thứ ba khi bàn về “Rao giảng Tin mừng”, tông huấn đặc biệt dùng hạn từ đồng hành với tần suất dày hơn và nhấn mạnh chiều kích đồng hành cá nhân, đặc biệt từ số 169 đến 173 đã sử dụng đến 15 lần hạn từ đồng hành. Điều nầy giúp ta cảm nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô coi trọng sự đồng hành trong bối cảnh Giáo Hội đang gặp nhiều thách đố hiện nay.

Trong chương cuối cùng của tông huấn, chương Năm, Đức Thánh Cha nêu lên mẫu gương Chúa Giêsu, người đồng hành và “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”. Đặc biệt ở các số cuối, từ 284 đến 287, Đức Thánh Cha nêu lên Đức Maria, Mẹ của công cuộc Tân Phúc Âm hóa, là quà tặng của Chúa Giêsu cho dân Ngài, là Ngôi sao của Tân Phúc Âm hóa, nên Mẹ trở nên mẫu gương cho sự đồng hành rất gần gũi với mọi người.

Rõ ràng sự đồng hành Kitô giáo không phải là điều gì mới mẻ đột phá, nhưng đặt trong bối cảnh đầy thách đố và dỗ hôm nay, một lần nữa nó được Đức Thánh Cha nhấn mạnh như một giải pháp hữu hiệu nhằm làm tăng trưởng đời sống Kitô hữu và đồng thời đem lại hiệu ứng tích cực cho việc Tân Phúc Âm hóa.

Dù không đưa ra một định nghĩa về đồng hành trong đời sống Kitô hữu là gì, nhưng bằng cách diễn tả tiến trình, sự cần thiết, mục đích và những đòi hỏi của sự đồng hành, Đức Thánh Cha Phanxicô giúp soi sáng cho ta hiểu về sự đồng hành mà ngài đề cập trong tông huấn. Cũng vậy, ở đây, chúng ta cũng sẽ không đưa ra một định nghĩa của hạn từ nầy mà chỉ tìm cách trình bày nội dung của chúng theo cách mô tả và diễn giải. Đó cũng là một cách giúp ta hiểu cụ thể và dễ áp dụng, hơn là cố gắng mày mò tìm cách đưa ra một định nghĩa mang tính lý thuyết, cô đọng và vì thế có thể gây khó hiểu và dễ thiếu sót.

Việc sử dụng hạn từ đồng hành trong Evangelii Gaudium như vậy thật ý nghĩa. Chúng ta sẽ tìm hiểu một vài nội dung của chúng theo tông huấnEvangelii Gaudium để từ đó rút ra những áp dụng thích hợp trong hoàn cảnh và theo chức vụ của mỗi người.

2. Sự cần thiết và mục đích của sự đồng hành

Xã hội chúng ta đang đề cao đến chủ nghĩa cá nhân nhưng nghịch lý ở chỗ, một mặt con người đôi khi lại trở thành “vô danh” trong thế giới ảo, không được ai biết đến hay chỉ được biết đến qua một “nickname”, qua một “avatar[30] tượng trưng nào đó, hoặc đơn giản chỉ là những con số (ví dụ, số an sinh xã hội, số CMND- số căn cước). Mặt khác, người ta lại thích soi mói đời tư của người khác, nhiều khi những mảnh đời riêng tư bị “thu”, bị “chụp”, bị “quay” rồi bị post lên internet cho mọi người biết hoặc cũng có thể do “tự sướng - selfie[31] của ai đó thích thể hiện mình, thích “đánh bóng” bản thân bằng cách đánh vào thói tò mò của người khác. Đức Thánh Cha nhận xét rằng chúng ta đang sống «trong một nền văn hoá đầy nghịch lý giữa sự đau khổ vì không được ai biết đến và đồng thời bị ám ảnh vì các tình tiết trong cuộc đời của những người khác khiến chúng ta rơi vào thái độ tò mò bệnh hoạn và đáng xấu hổ»[32]. Chính trong bối cảnh đó mà Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự đồng hành cá nhân là điều hết sức cần thiết và hơn nữa đó còn là một “nghệ thuật”. Đức Thánh Cha mời gọi «Hội Thánh phải nhìn người khác bằng đôi mắt thân tình và thiện cảm hơn. Trong thế giới chúng ta, các mục tử có chức thánh và các nhà hoạt động mục vụ khác có thể hiện thực hoá hương thơm sự gần gũi và cái nhìn thân mật của Đức Kitô. Hội Thánh sẽ phải dẫn đưa mọi người - linh mục, tu sĩ, và giáo dân - vào trong “nghệ thuật đồng hành” nầy»[33].

Điều nầy cho thấy, đồng hành không phải dành riêng cho linh mục nhưng cho mọi thành phần dân Chúa. Tuy nhiên linh mục vẫn là người có vai trò quan trọng bởi vì «như người giáo dục đức tin, các linh mục phải liệu sao cho đích thân mình hay nhờ người khác hướng dẫn mỗi tín hữu một cách cá nhân trong Chúa Thánh Thần cho họ được phát huy ơn gọi của họ đúng theo Tin Mừng»[34], với mục đích là «cho họ biết sống đức ái cách chân thành và cụ thể, và cho họ biết sử dụng sự tự do mà chính Đức Kitô đã từng sử dụng để giải thoát chúng ta.… Để đẩy mạnh điều ấy, các linh mục cần phải giúp mọi người nhìn ra đâu là điều đòi buộc và đâu là điều Chúa muốn xuyên qua các biến cố quan trọng hay không quan trọng của cuộc đời. Các kitô hữu cũng phải được dạy dỗ không chỉ sống cho mình, mà còn sống theo những đòi hỏi của luật mới là luật bác ái. Cũng như bao nhiêu người đã nhận được ơn Chúa, họ phải làm sao cho những người khác cũng được như thế. Tất cả mọi kitô hữu sẽ thi hành nghĩa vụ của mình trong cộng đồng nhân loại theo chiều hướng ấy»[35]

Trong truyền thống của Giáo Hội việc đồng hành nhằm đem lại sự nên thánh và dấn thân Tin mừng cho người được đồng hành, giúp chữa lành và khích lệ sự tăng trưởng trong đời sống Kitô giáo; cách riêng «sự đồng hành thiêng liêng (spiritual accompaniment) phải dẫn đưa người khác đến gần Thiên Chúa hơn, và nơi Người chúng ta đạt tới tự do đích thực»[36].

Tuy nhiên không nên coi đồng hành là «một trị liệu pháp hỗ trợ»[37], đặc biệt đối với ai tự mãn cho mình rằng mình hoàn toàn được tự do nếu thoát khỏi Thiên Chúa.

3. Đồng hành trên bình diện tập thể 

Đồng hành trên bình diện tập thể là nói đến yếu tố của cộng đoàn đối với người tín hữu. Đồng hành ở đây không phải là thái độ thụ động, chờ đợi người khác đến với mình van xin cầu cứu sự trợ giúp của mình, nhưng đồng hành đòi hỏi chúng ta cần phải đi bước trước «dấn bước, mạnh dạn có sáng kiến, đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã, đứng ở các ngả đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề»[38].

Cộng đoàn Kitô hữu loan báo Tin mừng phải năng động, dấn thân nhưng cũng phải biết hết sức kiên nhẫn trong hành trình nâng đỡ và gia tăng đời sống đức tin cho người khác. Thật vậy, «một cộng đoàn loan báo Tin Mừng cũng nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu. Cộng đoàn này cũng quen với việc kiên nhẫn chờ đợi và sự chịu đựng tông đồ. Loan báo Tin Mừng phần lớn hệ tại sự kiên nhẫn và không quan tâm tới áp lực của thời gian»[39].

Một cộng đoàn, gồm cả giáo sĩ và giáo dân, khi đồng hành với các anh chị em mình trong đức tin hay trong hành trình mở lòng đón nhận Thiên Chúa «phải có lòng thương xót và kiên nhẫn để dõi theo và nâng đỡ các giai đoạn tăng trưởng khi chúng tuần tự diễn ra»[40].

Từ đó chúng ta thấy việc tổ chức tốt đời sống cộng đoàn vừa là điều kiện vừa là “môi sinh” giúp cho đời sống Kitô hữu được tăng trưởng tốt đẹp. Đời sống của cộng đoàn tầm có quan trọng trong việc đồng hành với người tín hữu trong những bước tăng trưởng đời sống đức tin của họ.

4. Đồng hành với cá nhân trong các bước tăng trưởng

Đồng hành trên bình diện tập thể cũng phải đi đôi với hình thức đồng hành cá nhân. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô đây là cách đồng hành giúp tăng trưởng đời sống người Kitô hữu rất thiết thực trong bối cảnh ngày nay.

a. Nghệ thuật và đòi hỏi của sự đồng hành đích thực

Như đã nói trên, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn rằng Hội Thánh sẽ phải dẫn đưa mọi người vào “nghệ thuật đồng hành[41]. Khi nói đến “nghệ thuật đồng hành - art of accompaniment” đặt trong ngoặc kép, có lẽ Đức Thánh Cha muốn nói một sự đồng hành đạt tới một cấp độ nào đó để có thể được coi như một loại hình nghệ thuật, nghĩa là cần có sự khéo léo, uyển chuyển, kỹ năng sáng tạo, nhạy bén con tim, cách thức gợi lên cảm thụ về cái đẹp (thẩm mỹ, thánh thiện), phương thế kích thích tư duy, cảm xúc, niềm tin, hay ý tưởng nơi một người…«Nghệ thuật đồng hành dạy chúng ta biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người khác (xem Xh 3,5). Bước chân đồng hành này phải có nhịp đều và vững vàng, phản ánh thái độ gần gũi và cái nhìn cảm thông của chúng ta, giúp chữa lành và khích lệ sự tăng trưởng trong đời sống Kitô giáo»[42].

Từ đó Đức Thánh Cha nêu lên một số đòi hỏi hay điều kiện cần thiết trong nghệ thuật đồng hành. Đó phải là «những người nam người nữ biết dựa trên kinh nghiệm bản thân trong việc đồng hành với người khác, những người thành thạo trong các tiến trình đòi hỏi sự thận trọng, cảm thông, kiên nhẫn và ngoan ngoãn vâng nghe Chúa Thánh Thần»[43]. Chúng ta xét cụ thể hơn vài đòi hỏi nầy.

- Kinh nghiệm cá nhân và sự hiểu biết

Có thể nói kinh nghiệm cá nhân và sự hiểu biết là nền tảng cho sự đồng hành đạt tới thành công. Nhờ kinh nghiệm cá nhân giúp chúng ta dễ đặt mình vào hoàn cảnh với người khác và sự đồng hành của chúng ta có tính thuyết phục hơn. Thật vậy «kinh nghiệm bản thân của chúng ta khi được người khác đồng hành và nâng đỡ, và sự mở lòng của chúng ta cho người đồng hành với mình, sẽ dạy chúng ta biết kiên nhẫn và cảm thông với người khác, và tìm ra đúng con đường để chinh phục sự tin tưởng, sự mở lòng và thái độ sẵn sàng lớn lên»[44].

Sự hiểu biết ở đây là thành thạo trong các tiến trình phát triển đời sống Kitô hữu. Sự hiểu biết ở đây không chỉ do lý trí học hỏi và tìm kiếm có được mà còn do con tim nhạy bén trước những cuộc đời của người khác. Thật vậy «ai đồng hành với người khác cần hiểu rằng mỗi tình huống của một cá nhân trước mặt Chúa và đời sống trong ân sủng của họ là những mầu nhiệm mà không một ai có thể hiểu đầy đủ từ bên ngoài»[45]. Điều nầy hết sức cần thiết trong thế giới dựa vào kỹ thuật rất nhiều như ngày nay xét vì «sự thống trị của kỹ thuật làm cho con người không còn nhận biết những gì không thể giải thích chỉ bằng vật chất… Nhận thức không đơn thuần chỉ là một hành vi vật chất, vì đối tượng được nhận biết luôn ẩn giấu cái gì đó vượt trên dữ kiện thường nghiệm»[46].

Ngoài ra, «hiểu biết tính khí và tính tình con người sẽ giúp chúng ta bảo đảm không để cho đương sự sinh lòng kiêu ngạo và sống quá độc lập mỗi khi ngưỡng vọng những điều cao cả (tính nóng vội); hay tính tình dễ chịu không bị xuống cấp để trở thành nhẹ dạ và hời hợt (tính cầu toàn); hay thiên về đời sống nội tâm và cô độc một mình sẽ không biến chất thành thụ động và mau nản chí (tính u buồn); hoặc bền chí và điềm tĩnh không biến thành cẩu thả và hờ hững (tính lãnh đạm)[47].

- Thận trọng, cảm thông và kiên nhẫn

Thận trọng nói lên sự cân nhắc, đắn đo, suy tính kỹ càng không máy móc để tránh hết sức những sai lầm hay những tổn thương khó sửa chữa vì liên quan đến tâm hồn của một con người.

Cảm thông là hiểu biết những khó khăn của người khác như là của mình, biết chia sẻ tâm tư tình cảm một cách chân tình. Cảm thông để không phê phán, quở trách nặng lời người khác. Chẳng hạn khi sửa lỗi và giúp người khác lớn lên dựa trên việc nhìn nhận lỗi của mình (x. Mt 18,15), chúng ta được không phê phán về trách nhiệm và sự có tội của họ (x. Mt 7,1; Lc 6,37)[48]. Cảm thông giúp chúng ta «học biết gặp gỡ người khác với thái độ đúng đắn, nghĩa là biết chấp nhận họ làm bạn đồng hành mà không miễn cưỡng»[49].

Nói đến kiên nhẫn là nói đến sự bền bỉ, lâu dài không thối chí nản lòng, dù mất nhiều thời giờ mà kết quả chẳng thấy hay không đáng kể gì, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu, thì cũng phải kiên nhẫn chờ đợi và chịu đựng[50] và ai giỏi trong việc đồng hành thường không đầu hàng trước những thất bại hay những nỗi sợ hãi[51]. Nên nhớ, «việc đạt đến một mức độ trưởng thành mà ở đó các cá nhân có thể làm các quyết định tự do và có trách nhiệm cần nhiều thời gian và kiên nhẫn»[52].

- Lắng nghe và tôn trọng

Tôn trọng và lắng nghe là bước đầu của sự đối thoại và là điều kiện trước tiên để đối thoại thành công. Đối thoại là một điều không thể thiếu trong tiến trình đồng hành[53]. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy đến với các thành phần xã hội để «chia sẻ cuộc sống với mọi người, lắng nghe các mối quan tâm của họ»[54].

Về tầm quan trọng và hữu hiệu của việc lắng nghe, Đức Thánh Cha lưu ý: «Chúng ta cần phát triển nghệ thuật lắng nghe, chứ không chỉ là nghe suông. Trong lãnh vực truyền thông, lắng nghe là sự mở lòng để có được thái độ gần gũi mà thiếu nó thì không thể có sự gặp gỡ thiêng liêng. Lắng nghe giúp chúng ta tìm ra cử chỉ và lời nói thích hợp để chứng tỏ chúng ta không chỉ là những khách qua đường. Chỉ khi có thái độ lắng nghe với lòng tôn trọng và cảm thông, chúng ta mới có thể bước vào con đường tăng trưởng đích thực và đánh thức một khát vọng về lý tưởng Kitô giáo: ước muốn đáp lại trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa và làm cho những gì Ngài đã gieo trong cuộc đời chúng ta sinh hoa kết quả»[55].

- Vâng theo Thánh Thần hướng dẫn

Trong việc đồng hành, chúng ta phải lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần và vâng theo thánh ý đó chứ không phải ý riêng của ta. Thánh Thần sẽ thúc bách chúng ta đến với người khác không vì lợi ích cá nhân, tinh thần hay vật chất, mà vì yêu thương và muốn người khác được thăng tiến. Thật vậy, «sự dấn thân của chúng ta không chỉ duy nhất hệ tại các hoạt động hay chương trình thăng tiến và cứu giúp; cái mà Chúa Thánh Thần huy động không phải là một thái độ hiếu hoạt (activism) vô trật tự, nhưng trên hết là một sự chú tâm coi người khác “hầu như là một với chúng ta”. Sự chú tâm yêu thương này là khởi đầu cho một sự quan tâm thực sự đối với nhân vị của họ, thúc đẩy chúng ta hoạt động để mưu cầu lợi ích cho họ… “Tình yêu làm chúng ta thấy người khác dễ thương khiến chúng ta tự ý trao tặng họ một điều gì đó”» [56].

Cũng như bao hoạt động mục vụ khác, chúng ta cần có cái nhìn đức tin trong tiến trình đồng hành, bởi vì «nhìn thực tại bằng con mắt đức tin, chúng ta không thể không nhìn nhận những gì mà Chúa Thánh Thần đang gieo. Chúng ta sẽ tỏ ra thiếu tin tưởng vào hoạt động tự do và hào phóng của Chúa Thánh Thần nếu chúng ta nghĩ rằng các giá trị Kitô giáo đích thực đang vắng bóng tại những nơi mà rất nhiều người đã rửa tội đang biểu lộ đức tin và tình liên đới với người khác bằng nhiều cách khác nhau»[57]. Khi vâng theo và phó thác cho Chúa Thánh Thần chúng ta mới có thể gặt hái những kết quả kỳ diệu mà sức của con người không thể nào làm được hay tưởng tượng ra được. Thật vậy, «với con mắt đức tin, chúng ta có thể thấy ánh sáng mà Chúa Thánh Thần luôn luôn chiếu dọi giữa bóng tối, đồng thời không bao giờ quên rằng “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Đức tin của chúng ta được thách thức để biết rằng nước có thể biến thành rượu như thế nào và lúa mì có thể mọc giữa cỏ dại ra sao»[58].

Trong một số tình huống làm sao nhận ra và vâng theo Thánh Thần? Chúng ta nên biết rằng «Thánh Thần hướng dẫn dân Chúa trong chân lý và dẫn dân Chúa đến ơn cứu độ. Để chia sẻ tình thương nhiệm mầu của mình, Thiên Chúa ban cho toàn thể các tín hữu một bản năng đức tin - sensus fidei - là khả năng giúp họ phân định rõ cái gì thực sự là của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thần Khí ban cho người Kitô hữu một sự đồng bản tính nào đó với các thực tại của Thiên Chúa, và một sự khôn ngoan giúp họ nắm bắt các thực tại ấy bằng trực giác, cả khi họ không có đủ phương tiện cần thiết để diễn tả nó một cách chính xác»[59]. Như vậy chúng ta cần lưu ý những đề nghị hay sáng kiến của giáo dân xét như đó là ơn đặc biệt Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ trong những hoàn cảnh đặc biệt.

b. Đồng hành và truyền giáo

Đức Thánh Cha xác quyết mối liên hệ mật thiết giữa sự đồng hành và sứ mạng truyền giáo: «Sự đồng hành thiêng liêng chân chính luôn luôn bắt đầu và phát triển trong lãnh vực phục vụ sứ mạng truyền giáo»[60].

Một mẫu gương được Đức Thánh Cha nêu lên đó là «mối quan hệ giữa Thánh Phaolô với Timôthê và Titô là một ví dụ điển hình về sự đồng hành và đào luyện này trong hoạt động tông đồ. Khi giao cho họ nhiệm vụ ở lại tại mỗi thành phố để “hoàn thành công việc tổ chức” (Tt 1,5; xem 1 Tm 1,3-5), Thánh Phaolô cũng cung cấp cho họ những qui tắc cho đời sống cá nhân và hoạt động mục vụ của họ. Cách làm này rõ ràng khác hẳn mọi kiểu đồng hành can thiệp hay tự thể hiện độc lập»[61].

Chúng ta cần ý thức rằng «cộng đoàn phải là nơi chúng ta được nuôi dưỡng bằng cách hiểu rằng điều thiện mà chúng ta tìm kiếm không phải là sự thõa mãn riêng tư, nhưng là điều thiện chung. Những cộng đoàn đó không được thu mình lại thành những nhóm nhỏ, chỉ biết vui vầy trong nội bộ khép kín»[62], nhưng cần phải đi ra để đến với các gia đình lương dân nữa hầu «loan báo Tin Mừng nhắm tới một tiến trình tăng trưởng bao gồm việc coi trọng từng con người và kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc đời của họ. Tất cả chúng ta phải lớn lên trong Đức Kitô»[63].

c. Mẫu gương đồng hành

Chúa Giêsu chính là mẫu gương cho chúng ta cách riêng về sự đồng hành với người khác bởi vì «cả cuộc đời Đức Giêsu, cách ngài đối xử với người nghèo, các hành động, tính chính trực, các hành vi quảng đại đơn sơ hằng ngày, và sau cùng sự hiến thân hoàn toàn của Ngài, tất cả là điều quí giá và mặc khải mầu nhiệm sự sống thần linh của Ngài. Mỗi khi chúng ta khám phá lại điều này một cách mới mẻ, chúng ta trở nên xác tín rằng đó chính là điều mà những người khác đang cần»[64].

Khi đồng hành chúng ta cần xác tín rằng mỗi người thực sự là «một người truyền giáo đích thực, người không bao giờ thôi là một môn đệ, biết rằng có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình» và «cảm nhận được Đức Giêsu sống với mình giữa công cuộc truyền giáo. Nếu không nhìn thấy Ngài hiện diện tại tâm điểm sự dấn thân truyền giáo của chúng ta, lòng phấn khởi của chúng ta sẽ sớm nhạt nhòa và chúng ta không còn chắc chắn mình đang thông truyền điều gì; chúng ta thiếu sinh lực và đam mê. Một người không có xác tín, không phấn khởi, không chắc chắn và không yêu, người ấy chẳng thuyết phục được ai»[65].

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải «hoàn toàn đi vào các thành phần cấu tạo của xã hội này, chia sẻ cuộc sống với mọi người, lắng nghe các mối quan tâm của họ, giúp đỡ họ vật chất và tinh thần trong các nhu cầu của họ, vui với người vui, khóc với người khóc; tay trong tay với những người khác, chúng ta dấn thân xây dựng một thế giới mới. Nhưng chúng ta làm điều này không phải vì ý thức về sự bó buộc, không phải như một bổn phận nặng nề, nhưng là kết quả của một quyết định bản thân, nó cho chúng ta niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống»[66].

Kết thúc tông huấn, Đức Thánh Cha còn nêu lên Đức Maria là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta về sự đồng hành vì Mẹ «là người đã đem Đức Giêsu vào thế gian với một đức tin tuyệt vời, Mẹ Maria cũng đồng hành với “những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Ðức Giêsu” (Kh 12,17[67].

Mẹ Maria là mẫu gương sống động về sự đồng hành và thật gần gũi cho chúng ta noi theo trong cuộc sống đầy thách đố và cám dỗ hôm nay. Thật vậy, «Mẹ là người bạn luôn luôn quan tâm để cuộc đời chúng ta không thiếu rượu. Mẹ là người phụ nữ có trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu và đồng cảm với những nỗi đau của chúng ta. Là mẹ của mọi người, Mẹ là dấu hiệu hi vọng cho các dân tộc đang quặn đau để sinh ra công lý. Mẹ là người truyền giáo đến gần chúng ta và đồng hành với chúng ta suốt dòng đời, dùng tình mẫu tử để mở lòng chúng ta ra đón nhận đức tin. Là người mẹ thực sự, mẹ đi bên cạnh chúng ta, chia sẻ các phấn đấu của chúng ta và hằng bao bọc chúng ta bằng tình thương của Thiên Chúa»[68].


[1] Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm vui Tin mừng (23.11.2013), [=Evangelii Gaudium], số 33.

[2] Evangelii Gaudium, số 33.

[3] Evangelii Gaudium, số 54.

[4] Evangelii Gaudium, số 57.

[5] Evangelii Gaudium, số 59.

[6] Evangelii Gaudium, số 63.

[7] Xem Evangelii Gaudium, số 15.

[8] Xem Evangelii Gaudium, số 49.

[9] Evangelii Gaudium, số 47.

[10] Gioan Phaolô II, Tông hiến Sacrae Disciplinae Leges (Các luật lệ của kỷ luật thánh), trong Bộ giáo luật 1983, tr. 10, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2007, (Bản dịch việt ngữ của HĐGM Việt Nam).

[11] Gioan Phaolô II, Tông hiến Sacrae Disciplinae Leges (các luật lệ của kỷ luật thánh), trong Bộ giáo luật 1983, tr. 10, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2007.

[12] Xem Evangelii Gaudium, số 43.

[13] Gioan Phaolô II, Tông hiến Sacrae Disciplinae Leges (Các luật lệ của kỷ luật thánh), trong Bộ giáo luật 1983, tr. 10,-11, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2007.

[14] Để đào sâu về nền tảng Thánh Kinh của chế tài, tham khảo Velasio De Paolis, Davide Cito, Le sanzioni nella Chiesa, commento al codice di diritto canonico librro VI, Urbaniana University press, Roma 2001, 22-25. (Chế tài trong Giáo Hội, chú giải bộ giáo luật quyển VI).

[15] Một số người cho rằng, ở hình luật, hạn từ “sanctio” vẫn còn giữ ý tưởng nguyên thuỷ là “nhìn nhận, phê chuẩn” nhưng theo một nghĩa tiêu cực: nhìn nhận rằng hành vi đã đi ngược lại với các giá trị mà xã hội tôn trọng, nhìn nhận rằng hành vi đó gây tai hại cho xã hội và đòi buộc người đã thực hiện hành vi đó phải sửa chữa. Nhân đây cũng nên biết một loạt bài tranh luận về hạn từ “chế tài” giữa linh mục Thiện Cẩm và ông Nguyễn Xuân Diện, một chuyên viên pháp chế tôn giáo Hà Nội, được đăng trên Nguyệt San Công giáo và Dân tộc trong các số 57 và 58 năm 1999. Nguyên do là văn bản Nhà Nước áp dụng từ “chế tài” đối với tôn giáo trong Thông tư 1/1/1999/TT-TGCP ngày 16/06/1999 về việc hướng dẫn thi hành nghị định 26/1999/NĐ-CP ngày 14/04/1999 đối với tôn giáo. Theo cha Thiện Cẩm việc áp dụng từ chế tài đối với các tôn giáo như thế được hiểu theo nghĩa tiêu cực, và là sự phân biệt đối xử giữa người có đạo và người không có đạo. Chế tài theo tự điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn đó là “cắt, sửa (áo)… lại cho vừa. Hình phạt những người vi phạm luật đã định”. Ngoài ra cha Thiện Cẩm đã trích dẫn định nghĩa Chế Tài theo Từ Điển Bách Khoa Việt Nam “Chế Tài (luật), một trong ba bộ phận cấu thành của quy phạm pháp luật (giả định, quy định và chế tài), trong đó chế tài là bộ phận xác định các hình thức trách nhiệm pháp lý khi có hành vi trái ngược với với những quy tắc xử sự đã được ghi trong phần quy định và giả định. Chế tài được chia thành nhiều loại: chế tài hành chính, chế tài dân sự, chế tài hình sự…”; “Chế tài thể hiện thái độ của nhà nước đối với những hành vi phạm pháp và có tác dụng phòng ngừa, giáo dục để bảo đảm việc tuân thủ luật pháp, góp phần thực hiện pháp chế và dân chủ”. Trong khi đó ông Nguyễn Xuân Diện lại trích từ sổ tay pháp lý thông dụng- NXB Giáo Dục, 1996, tr. 57 về Chế Tài như sau “Chế tài là một trong ba bộ phận cấu thành của một quy phạm pháp luật. Thông thường chế tài gắn liền với các quy phạm pháp luật nhưng nó có khi tồn tại độc lập ở một vài điều cuối của văn bản pháp luật đó hoặc ở văn bản pháp luật khác. Phần chế tài của quy phạm là những phương tiện và biện pháp mà người làm luật cố ý sử dụng nhằm bảo đảm cho điều quy định của quy phạm được thực hiện. Vì vậy, chế tài có thể là biện pháp cưỡng chế được thể hiện là: chế tài trừng trị, chế tài khôi phục trạng thái pháp lý ban đầu, chế tài bảo vệ và khuyến khích khen thưởng, lúc nầy chế tài sẽ là chế tài khuyến khích”. Tuy nhiên cha Thiện Cẩm nhận xét là từ điển Bách Khoa có giá trị hơn cuốn sổ tay của NXB Giáo Dục. X. Thiện Cẩm, Vài nhận xét về nghị định số 26/1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo, trong Nguyệt san Công Giáo và Dân tộc số 57 tháng 9/1999, tr. 86-91; Vài nhận định về Thông tư của Ban Tôn Giáo Chính Phủ, trong Nguyệt san công Giáo và Dân tộc số 57 tháng 9/1999, tr. 97-103; Thư Ngỏ của linh mục Thiện Cẩm gởi ông Nguyễn Xuân Diện, trong Nguyệt san công Giáo và Dân tộc số 58 tháng 10/1999, 85-91; Nguyễn Xuân Diện, Bức thư ngỏ kính gởi linh mục Thiện Cẩm, trong Nguyệt san Công Giáo và Dân tộc số 57 tháng 9/1999, tr. 104-108.

[16] Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, II Librri III-IV-V-VI, 2 Ed, Accresciuta e aggiornata, Edizioni Dehoniane Roma 1996, 586. (Bộ giáo luật, chú giải pháp lý và mục vụ, tập II, Quyển III-IV,V-VI, in lần 2, có cập nhật và bổ sung).

[17] Xem Phan Tấn Thành, Tài sản, chế tài và tố tụng trong Giáo Hội. Chú giải quyển 5-6-7 giáo luật, tr. 105-108; đặc biệt có thể có thể tham khảo bài khảo cứu về bản chất và tinh thần của hình luật Giáo Hội, Velasio De Paolis, Davide Cito, Le sanzioni nella Chiesa, commento al codice di diritto canonico librro VI, Urbaniana University press, Roma 2001. 56-83. (Chế tài trong Giáo Hội, chú giải bộ giáo luật quyển VI).

[18] X. LG 8.

[19] Để tìm hiểu sâu xa về bản chất và tinh thần của hình luật giáo luật, có thể tham khảo (Exercus circa la natura e lo spirito del diritto penale canonico), trong Velasio De Paolis, Davide Cito, Le sanzioni nella Chiesa, commento al codice di diritto canonico librro VI, Urbaniana University press, Roma 2001, 56-83. (Chế tài trong Giáo Hội, chú giải bộ giáo luật quyển VI).

[20] Giáo phận Qui Nhơn có những biện pháp cụ thể đối với một số trường hợp, xem trong Bản Thông Tin giáo phận Qui Nhơn, số 114 tháng 10 năm 2007, tr. 539-553; và trong tài liệu Tòa Giám Mục Qui Nhơn, Mục vụ giáo xứ, khóa thường huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn, 03/06 - 060/6/2008, tr. 156-245.

[21] Pio Ngô Phúc Hậu, Nhật ký truyền giáo, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2010, tr. 141.

[22] Evangelii Gaudium, số 49.

[23] Evangelii Gaudium, số 47.

[24] Evangelii Gaudium, số 44.

[25] Evangelii Gaudium, số 43.

[26] Động từ “accompagner” trong tiếng Pháp (trong tiếng Anh cũng tương tự) có nhiều nghĩa: 1- Đi, đi theo, tùy tùng, tiễn đưa, hộ tống, hộ vệ. 2- Thích hợp; 3- Thêm vào, phụ thêm; 4- Hòa nhạc, hòa tấu., trong Đào Duy Anh, Pháp -Việt tự điển, Dictionnaire Francais - Vietnamien, NXB Trường Thi, 1957.

[27] Chỉ cần vào công cụ google.com tìm kiếm chữ đồng hành bằng tiếng việt hay bằng tiếng anh, pháp, Ý… là chúng ta được kết quả khổng lồ trong tictac.

[28] Ví dụ, trong các giáo xứ, đặc biệt cộng đoàn tu trì - chủng viện thường dùng hạn từ nầy. Một số văn kiện của Giáo Hội gần đây dùng chữ “đồng hành” khá nhiều. Chẳng hạn xem Gioan Phaolô II, Tông huấn về gia đình, Familiaris Consortio (22.11.1981), số 34, 65 [= Familiaris Consortio]; Bênêđictô xvi, Tông huấn Sacramentum caritatis, Bí tích tình yêu (22.2.2007), các số 28, 29, 96, 97 [= Sacramentum caritatis]; BỘ Giáo Sĩ, The priest, minister of divine mercy- Linh mục, thừa tác viên của lòng Chúa thương xót, tài liệu hỗ trợ các cha giải tội và linh hướng (9.3.2011), các số 64, 66, 67, 138 (bản dịch việt ngữ của linh mục Đặng Xuân Thành [=Linh mục, thừa tác viên của lòng Chúa thương xót]; BỘ Giáo Sĩ, Directoire pour le ministère et la vie des prêtres, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục (11.2.2013), các số 41, 73, 93, 111…(bản dịch việt ngữ của Đại Chủng Viện Huế, NXB Tôn Giáo 2014)[= Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục 2013]; HỘi ĐỒng Giám MỤc ViỆt Nam, Thư chung 1980, số 9; Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Thư định hướng mục vụ năm 2014, các số 19, 20, 21, 22; trong Bản Thông Tin Giáo phận Qui Nhơn, số 191 tháng 3.2014, tr. 165-167.

[29] Bộ Giáo Sĩ, Linh mục, thừa tác viên của lòng Chúa thương xót, số 64.

[30] Trong thế giới internet, Avatar có thể hiểu nôm na đó là hình ảnh tượng trưng cho người sử dụng khi chat hay online trong không gian ảo (online image that represents a user in chat rooms or in a virtual "space").

[31] Nhà xuất bản đại học Oxford cho biết họ đã chọn từ “Selfie” (Tự sướng hay Ảnh tự sướng) là “từ của năm” trong từ điển Oxford 2013. Theo ban biên tập từ điển Oxford, lượng sử dụng từ “Selfie” đã tăng 17.000% so với cùng thời điểm năm 2012. Theo đó “Selfie” là một tấm hình một người tự chụp chính mình, đặc biệt là khi sử dụngsmartphone hoặc webcam, rồi post lên mạng xã hội.Selfie” hay chụp hình “tự sướng” hiện nay rất phổ biến, chỉ cần lướt qua Facebook hay các diễn đàn thì người ta có thể gặp khá nhiều những hình ảnh Selfie (xem http://www.theverge.com/2013/11/18/5120390/selfie-is-the-2013-oxford-dictionaries-word-of-the-year).

[32] Evangelii Gaudium, số 169.

[33] Evangelii Gaudium, số 169.

[34] Vaticanô ii, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 6.

[35] Presbyterorum Ordinis, số 6.

[36] Evangelii Gaudium, số 170.

[37] Evangelii Gaudium, số 170.

[38] Evangelii Gaudium, số 24.

[39] Evangelii Gaudium, số 24.

[40] Evangelii Gaudium, số 44.

[41] Evangelii Gaudium, số 169.

[42] Evangelii Gaudium, số 169.

[43] Evangelii Gaudium, số 171.

[44] Evangelii Gaudium, số 172.

[45] Evangelii Gaudium, số 172.

[46] Bênêđictô xvi, Thông điệp Caritas in Veritate (29.06.2009), số 77.

[47] BỘ Giáo Sĩ, Linh mục, thừa tác viên của lòng Chúa thương xót, số 130.

[48] Xem Evangelii Gaudium, số 172.

[49] Evangelii Gaudium, số 91.

[50] Xem Evangelii Gaudium, số 24.

[51] Xem Evangelii Gaudium, số 172.

[52] Evangelii Gaudium, số 171.

[53] Chủ đề đối thoại, được Đức Thánh Cha nói đến rất nhiều trong tông huấn Evangelii Gaudium: đối thoại giữa Thiên Chúa và Dân Người, đối thoại mục vụ, đối thoại với dân chúng, đối thoại cá nhân, đối thoại trong gia đình, đối thoại xã hội, đối thoại với Nhà nước, đối thoại với các nền văn hóa, đối thoại giữa đức tin và lý trí khoa học, đối thoại liên tôn… x. Evangelii Gaudium, số 69, 71,74, 128, 133, 140, đặc biệt từ số 242 đến 258.

[54] Evangelii Gaudium, số 269.

[55] Evangelii Gaudium, số 171.

[56] Evangelii Gaudium, số 199.

[57] Evangelii Gaudium, số 68.

[58] Evangelii Gaudium, số 84.

[59] Evangelii Gaudium, số 119. Riêng về “sensus fidei” trong bản văn Evangelii Gaudium được dịch ở đây là “bản năng đức tin”. Tuy nhiên hạn từ nầy được dịch là “cảm thức đức tin” theo bản văn của Ủy ban Thần học Quốc tế với chủ đề “Sensus fidei in the life of the Church (2014). Trong đó ở số 49 có nói về “The sensus fidei as an instinct of faith -cảm thức đức tin như một bản năng của đức tin”, đó là một loại bản năng thiêng liêng giúp tín hữu phán đoán một cách tự phát, liệu một giáo huấn hay một thực hành đặc thù nào đó có phù hợp với Tin Mừng và với đức tin tông truyền hay không. Có thể đọc tài liệu nầy nguyên văn bằng anh ngữ tại:

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20140610_sensus-fidei_en.html; hoặc đọc bài phân tích và dịch thuật ra việt ngữ bản của Vũ Văn An trên http://www.vietcatholic.org và tại:

http://gpquinhon.org/qn/news/van-kien/Cam-Thuc-Duc-Tin-Trong-Doi-Song-Giao-Hoi-2587/.

[60] Evangelii Gaudium, số 173.

[61] Evangelii Gaudium, số 173.

[62] Timothy Radcliffe, OP, Sing a new song: the christian vocation, Dominican Publications, Norwich 1999, Bản dịch của Nguyễn Văn Chữ &AE, OP - Hát lên bài ca mới, ơn gọi Kitô hữu, NXB Tôn Giáo 2013, tr. 31.

[63] Evangelii Gaudium, số 160.

[64] Evangelii Gaudium, số 265.

[65] Evangelii Gaudium, số 266.

[66] Evangelii Gaudium, số 269.

[67] Evangelii Gaudium, số 285.

[68] Evangelii Gaudium, số 286

 


Văn Kiện Giáo Hội