Gaudete et Exsultate”:

Nguồn gốc, Cấu Trúc và Ý Nghĩa của Tông Huấn

 

Năm năm sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã quyết định ban hành Tông huấn thứ ba với tựa đề Gaudete et Exsultate (GE). Như phụ đề đã khẳng định rõ ràng, chủ đề của tông huấn là “Ơn kêu gọi nên thánh trong thế giới ngày nay”. Đức thánh cha đã đưa ra một sứ điệp chính yếu và đơn giản, chỉ ra yếu tính của đời sống Kitô giáo – sử dụng thuật ngữ của Thánh Ignatiô Loyola – là “tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự”, theo như lời mời gọi của thánh nhân dành cho các tu sĩ dòng Tên: curet primo Deum.[1] Đây là trái tim của mọi cải cách, nơi từng cá nhân lẫn toàn giáo hội: đặt Thiên Chúa ở trung tâm.

Khi trở thành Giáo hoàng, Đức hồng y Bergoglio đã chọn tên hiệu Phanxicô chính vì lý do này: ngài đi theo sứ mệnh của Thánh Phanxicô Assisi: “xây dựng lại” Giáo Hội theo hướng cải cách thiêng liêng lấy Thiên Chúa làm trung tâm. Ngài khẳng định: “Chúa yêu cầu chúng ta đủ thứ, và Người đáp lại bằng việc trao ban cho ta sự sống đích thực, tức hạnh phúc mà chúng ta đã được dựng nên để lãnh nhận. Chúa muốn chúng ta nên thánh chứ không hài lòng với một hiện hữu nhạt nhẽo và xoàng xĩnh” (GE 1).

Bản văn huấn quyền này không “không có ý làm một luận đề về sự thánh thiện, chuyên chở những định nghĩa và những nét phân biệt giúp cho việc nắm hiểu chủ đề quan trọng này, cũng không phải là một luận bàn về những phương thế khác nhau của việc thánh hóa”. Mục đích đơn giản của giáo hoàng là “gợi lại lời mời gọi nên thánh bằng một cách thực tiễn cho thời đại chúng ta, với tất cả những nguy hiểm, những thách đố và những cơ hội của nó” (GE 2). Và theo nghĩa này, ngài hy vọng rằng “những trang này sẽ nên hữu ích trong việc giúp toàn thể Giáo hội dấn thân một cách mới mẻ thúc đẩy khát vọng nên thánh” (GE 177). Như chúng ta sẽ thấy, ước muốn này của Đức thánh cha có trái tim đang đập thình thịch là sự biện phân.

Gaudete et Exsultate gồm năm chương. Khởi điểm là “ơn gọi nên thánh dành cho mọi người”. Từ điểm này, chúng ta tiếp tục nhận định rõ ràng về “hai kẻ thù tinh vi” có khuynh hướng bẻ sự thánh thiện sang những hình thức có chủ ý, trí thức và rất ưu tú. Rồi đến các mối phúc Tin Mừng như là mẫu gương tích cực của sự thánh thiện hệ tại ở việc theo đi đường lối “dưới ánh sáng của vị Tôn Sư” chứ không phải một ý thức hệ tôn giáo mơ hồ. Kế đến là một vài đặc tính thánh thiện trong thế giới hiện nay: sự kiên nhẫn và hiền lành, khôi hài, can đảm và nhiệt tình, đời sống cộng đồng và cầu nguyện thường xuyên. Tông huấn kết thúc với một chương dành riêng cho đời sống thiêng liêng như là “cuộc chiến đấu, tỉnh thức và biện phân”.

Tài liệu dễ đọc và không cần phải có những giải thích phức tạp. Tuy nhiên, trong hướng dẫn ngắn này, đồng thời cũng là bài giới thiệu tông huấn, tôi muốn trình bày trên hết là gốc rễ của nó trong những suy tư mục vụ của Bergoglio với tư cách là một tu sĩ dòng Tên, một giám mục, và cuối cùng gần đây hơn là một giáo hoàng. Tôi sẽ xác định những chủ đề chính và sứ điệp rõ ràng của mà Đức Phanxicô mong muốn trình bày trong thế giới hiện nay. Sự thánh thiện đối với Đức Phanxicô là gì? Ngài nhìn thấy nó được sống ở đâu? Dưới những hình thức và bối cảnh nào? Làm sao xác định được nó?

Vị trí bình thường của sự thánh thiện

Sự thánh thiện là tâm điểm của triều đại Phanxicô ngay từ đầu. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí La Civiltà Cattolica vào tháng Tám 2013, năm tháng sau khi được bầu làm giáo hoàng, ngài đã nói cách đầy đủ về nó. Thật hữu ích khi đọc lại sứ điệp chính: “Tôi thấy sự thánh thiện nơi dân Chúa, sự thánh thiện thường nhật”. Và cách bao quát hơn: “Tôi thấy sự thánh thiện nơi lòng kiên nhẫn của dân Chúa: người phụ nữ nuôi nấng con cái mình, người đàn ông làm việc để kiếm miếng cơm manh áo, những linh mục cao niên đau bệnh mang nhiều thương tích nhưng vẫn luôn nở nụ cười vì mình đã phục vụ Thiên Chúa, những nữ tu làm việc nhọc nhằn và sống sự thánh thiện kín đáo. Đối với tôi, đó là sự thánh thiện thường nhật. Tôi thường gắn kết sự thánh thiện với lòng kiên nhẫn: không chỉ là sự kiên nhẫn như là hypomoné, nhận lấy những gánh nặng của các biến cố và hoàn cảnh trong cuộc sống, mà còn là kiên vững trước áp lực của mỗi ngày qua. Đây là sự kiên nhẫn của Giáo hội chiến đấu mà Thánh Ignatiô đã nói đến. Đây là sự kiên nhẫn của bà con tôi: của cha tôi, mẹ tôi, bà nội Rosa, người rất tốt với tôi. Trong cuốn kinh nhật tụng tôi vẫn còn giữ ước nguyện cuối cùng của bà nội Rosa và đọc nó thường xuyên: đối với tôi nó giống như một lời kinh. Bà là một vị thánh đã chịu nhiều đau khổ, cả về tinh thần, và bà luôn tiến bước với lòng can đảm”.[2]

Trong câu trả lời này, ta thấy cung giọng và ý nghĩa của Gaudete et Exsultate, bầu khí thiêng liêng và áp dụng thực tiễn của nó. Đức thánh cha đã đưa ra một định nghĩa trong cuộc phỏng vấn này: “Có một ‘tầng lớp thánh thiện trung bình’ mà tất cả chúng ta có thể là một phần trong đó, sự thánh thiện mà Malègue đã viết về nó”. Đức thánh cha muốn nói đến Joseph Malègue, một văn sĩ người Pháp mà Bergoglio yêu thích. Văn sĩ này, sinh năm 1876 và mất năm 1940, được trích dẫn trong Gaudete et Exsultate: “đó là một sự thánh thiện được gặp thấy nơi những người láng giềng sống ngay cạnh nhà ta, những người sống giữa chúng ta và phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa” (GE 7). Malègue viết trong cuốn Agostino Meridier: “Ý tưởng cũ rích cho rằng chỉ có tâm hồn các thánh mới là mảnh đất thích hợp để khám phá hiện tượng tôn giáo dường như không đủ đối với ông. Phải kể đến những tâm hồn khiêm hạ, những thế giới bình thường của sự thánh thiện”.[3]

Như vậy, sự thánh thiện cần phải được tìm kiếm trong đời sống hằng ngày và trong số những người gần với chúng ta chứ không phải nơi những mẫu người siêu phàm, trừu tượng và lý tưởng. Trong một bài giảng ở Santa Marta ngày 24 tháng Năm 2016, Đức Phanxicô nói: “Con đường nên thánh rất đơn giản. Đừng đi lùi, cứ luôn tiến về phía trước. Và với sự mạnh mẽ”.[4] Cũng đừng biến nó thành sự thánh thiện của “chiếc máy giặt khô, quá sạch và đẹp đẽ” (Bài giảng tại Santa Marta, 14 tháng Mười 2013) hoặc “thánh thiện vờ vĩnh” (5 tháng Ba 2015).[5] Ta đừng nên tìm kiếm một đời sống hoàn hảo không lỗi lầm (cf. GE 22) nhưng là những người mà “Đời sống của họ có thể không luôn luôn hoàn hảo, nhưng ngay giữa những lỗi lầm và thiếu sót họ vẫn tiến tới và đã làm Chúa vui lòng” (GE 3).

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô nói về sự thánh thiện nơi việc từ nhiệm của giáo hoàng tiền nhiệm: “Đức thánh cha Bênêđictô đã làm một hành động thánh thiện, vĩ đại và khiêm nhường”. Sự thánh thiện nối kết sự khiêm nhường và vĩ đại lại với nhau và có thể được áp dụng cho một người lao động bình thường, một người bà hay một giáo hoàng. Cũng một sự thánh thiện như nhau. Có lẽ Bergoglio cũng biết được điều này từ các trang viết của Malègue: “Vì chính Đức Giêsu xá giải trong bí tích giải tội, xét về sự thánh thiện, linh hồn của Cha sở họ Ars và linh hồn của tôi đều cách với Đấng Vô Biên một khoảng cách bằng nhau”.[6] Không có sự bất đối xứng hoặc khoảng cách thiên đàng giữa linh hồn của người bình thường với linh hồn của người có vinh dự đến gần bàn thờ.

Sự thánh thiện của dân Chúa

Đức Phanxicô giúp ta hiểu rằng thánh thiện không phải là hoa trái của sự cô lập: nó phải được sống trong thân thể sống động của dân Chúa. Trong một bản văn xuất bản năm 1982, cha Bergoglio viết: “Chúng ta được tạo dựng vì sự thánh thiện trong một thân thể thánh: đó là Giáo Hội Mẹ Thánh của chúng ta”.[7] Và rồi ngài nói tiếp cách súc tích rằng sự thánh thiện đó là “cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đến với thân thể mình”.[8] Trong tông huấn này, ngài viết: “không ai được cứu độ một mình, như một cá thể tách rời. Đúng hơn, Thiên Chúa kéo chúng ta đến với Ngài, trong chính mạng lưới tương quan liên vị phức hợp tồn tại trong một cộng đoàn nhân loại. Thiên Chúa muốn đi vào đời sống và lịch sử của một dân tộc” (GE 6).

Chúng ta được “một đám mây lớn những chứng nhân” phủ quanh và thúc đẩy chúng ta “không ngừng tiến về đích” (GE 3). Những lời trong tông huấn Evangelii Gaudium (EG) như còn vang vọng đâu đây. Ở đó ngài đã viết về một “khoa thần bí” của việc sống chung với nhau, của việc “hoà mình và gặp gỡ, đón nhận và nâng đỡ lẫn nhau, lao mình vào giòng thác này, giòng thác hỗn mang nhưng có thể trở thành một trải nghiệm đích thực về tình huynh đệ, một giòng người thể hiện tình liên đới, một cuộc hành hương thánh” (EG 87, chữ in nghiêng của chúng tôi).

Kinh nghiệm này của dân Chúa không chỉ liên quan đến những người bên cạnh chúng ta, nhưng dựa vào truyền thống sống động nó bao gồm cả những người đã đi trước chúng ta.

Ở đây Đức thánh cha đã triển khai một cảm nhận mà ngài đã từng bộc lộ trong lời tựa cuốn sách thứ hai của mình được viết vào năm 1987 với tựa đề Reflexiones sobre la Vida Apostolica. Trong những trang sách này ngài đã viết về tổ tiên của chúng ta, những người đã đi trước chúng ta trong hy vọng, “nhiều thế hệ nam nữ, những tội nhân giống như chúng ta”. Họ đã “sống những thử thách của cuộc sống hằng ngày, họ đương đầu với chúng và biết cách chuyền tay ngọn đuốc hy vọng; và như thế ngọn đuốc ấy đã đến với chúng ta. Đến lượt mình, chúng ta cũng phát sinh hiệu quả bằng cách chuyền nó đi. Phần lớn con người không viết nên lịch sử: đơn giản họ chỉ làm việc và sống – vì họ biết mình là những tội nhân – họ chờ đón ơn cứu rỗi trong niềm hy vọng”. Và họ chuyền giao không chỉ một giáo thuyết nhưng trên hết tất cả là một chứng từ và họ đã làm thế “với sự đơn giản của mọi sự trong đời sống thường nhật”.[9]

Một lần nữa khi trích dẫn văn sĩ người Pháp rất yêu thích của mình, cha Bergoglio tiếp tục: “Chúng ta không biết tên tuổi của họ, họ đại diện cho các tín hữu, cho sự thánh thiện thường nhật: ‘cách nên thánh bình thường’, như Malègue rất thích nói. Chúng ta chẳng biết gì về những câu chuyện từng ngày từng năm tháng của họ, song cuộc sống của họ đã bừng nở trong chúng ta: hương thơm thánh thiện của họ đã bay đến chúng ta”.[10] Giờ đây, 30 năm sau, chúng ta gặp lại cùng một lối nói này trong tông huấn Gaudete et Exsultate. Và đây là bằng chứng cho thấy nhãn quan của Bergoglio về sự thánh thiện. 

Sự thánh thiện cá nhân như là sứ mệnh

Như vậy, sự thánh thiện không phải là bắt chước những mẫu người siêu phàm trừu tượng hay những thần tượng. Sự nên thánh bình thường rất là đơn giản, gần gũi và thông dụng: “sự thánh thiện nhỏ”.[11] Đức Phanxicô hay nhắc đến Thánh Têrêsa Lisieux, đến đời sống thánh thiện của bà. Trong các chuyến tông du, ngài đem sách của bà theo và đã phong thánh cho song thân của bà. Trong bài giảng tại Tbilisi, Georgia, ngày 1 tháng Mười 2016, ngài trích dẫn tự truyện của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu trong đó bà đưa ra “con đường nhỏ” để đến với Chúa, “sự tín thác của đứa trẻ nhỏ nằm ngủ trong tay Cha mình mà không sợ hãi gì” bởi vì “Đức Giêsu không đòi hỏi chúng ta phải có những hành động vĩ đại mà chỉ cần từ bỏ và lòng biết ơn.”

Nhưng sự thánh thiện cũng gắn với từng cá nhân (la santità è anche legata alla singola persona): thánh thiện là sống ơn gọi và sứ mệnh của riêng mình: “Mỗi vị thánh là một sứ mệnh” (GE 19).[12] Đây cũng là một giáo huấn khác của Thánh Têrêsa Nhỏ, như ngài đã nói trong bài giảng tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Manila vào ngày 16 tháng Giêng 2015.[13] Chính sự thánh thiện là một sứ mệnh. Đây không phải là một lý tưởng trừu tượng. Đức Phanxicô đã viết bằng những từ rất kiêu hãnh trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi có mặt trên trái đất này. Chúng ta phải coi mình như được đóng ấn, thậm chí được in nhãn bởi sứ mệnh mang ánh sáng, phúc lành, tạo sức sống, nuôi dưỡng, chữa lành và giải thoát. Nhìn khắp quanh mình, chúng ta bắt đầu nhận thấy những người điều dưỡng cho linh hồn, những thầy dạy cho linh hồn, những chính trị gia cho linh hồn, những người đã chọn hoà mình vào với người khác và cho người khác” (EG 273). Những gương mẫu cụ thể rất ấn tượng. Bergoglio không bao giờ nói hay viết chung chung: ngài cần đưa ra những nhân vật, những mẫu gương cụ thể, ngay cả những bảng liệt kê.

Văn năm 1989 cha Bergoglio giới thiệu cuốn sách của cha Ismael Quiles,[14] một tu sĩ dòng Tên thân thiết với ngài và đồng thời là giáo sư của ngài. Đức Phanxicô đã trích dẫn cha trong Tông huấn Evangelii Gaudium.[15] Cuốn sách được Bergoglio giới thiệu có tựa đề Lý tưởng thánh thiện của tôi.[16] Sau khi nói về sự thánh thiện chung chung, Quiles dành riêng phần hai trong khảo luận để nói về lý tưởng của riêng mình, nghĩa là sự thánh thiện mà Thiên Chúa muốn nơi mỗi người cách khác nhau. Như vậy, vấn đề ở đây là biện phân con đường riêng cho mình, con đường nên thánh của riêng mình, nghĩa là con đường nào mà bạn thể hiện mình cách tốt nhất, như Đức Phanxicô đã viết khi rõ ràng nhắc lại bài học của người anh em dòng Tên của mình (cf. GE 11). 

Sự thánh thiện từng bước một và không giới hạn

Chính Quiles khuyên sử dụng tính tuần tự - cũng như Đức Phanxicô trong Gaudete et Exsultate: Thiên Chúa không mong muốn mọi tâm hồn đều có một sự hoàn hảo bằng nhau; lại càng không mong muốn rằng một tâm hồn đạt được ngay lập tức mức độ thánh thiện mà mình có thể đạt tới được.[17] Sự thánh thiện liên quan đến trọn cuộc sống chứ không từ những chi tiết nhỏ nơi hành động của một con người. Các nhân đức không phải là đối tượng để “ghi vào sổ”. Mầu nhiệm của một con người có thể phản ảnh Đức Giêsu Kitô trong thế giới hôm nay nổi lên qua trọn cuộc sống, đôi khi được hình thành từ sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối (cf. GE 23). Và nó được thực hiện “dù bạn có lỗi lầm hay bước hụt” (GE 24).

Những giới hạn của con người cần được xét đến, con đường tuần tự mà tiến của mỗi người và đồng thời cũng là mầu nhiệm cao cả của ân sủng tác động trong đời sống của con người. Thánh nhân không phải là “siêu nhân”. “Ân sủng hoạt động trong lịch sử; và ân sủng thường nắm giữ và dần dần biến đổi chúng ta. Nếu chúng ta loại bỏ thực tại có tính lịch sử và tiến bộ này, thì đấy là chúng ta thực sự từ khước và chặn đứng ân sủng, cho dù chúng ta tán dương ân sủng bằng lời lẽ của mình” (GE 50).

Thật vậy, sự thánh thiện có thể được sống “ngay cả bên ngoài Giáo hội Công giáo và trong những bối cảnh rất khác”, những nơi mà “Chúa Thánh Thần vẫn khơi lên ‘những dấu hiệu sự hiện diện của Ngài để giúp đỡ các môn đệ Đức Kitô’” (GE 9), như Thánh Gioan Phaolô II đã viết.[18]

Thực sự, mối nguy nghiêm trọng nhất là “cho rằng mình biết Thiên Chúa không ở đâu, bởi vì Thiên Chúa hiện diện một cách mầu nhiệm trong đời sống của mọi con người, theo cách thế mà chính Ngài chọn lựa, và chúng ta không thể loại bỏ điều này bằng những sự chắc chắn mà mình giả định” (GE 42). Trái lại, “Ngay cả khi đời sống của ai đó có vẻ hoàn toàn hư hỏng, ngay cả khi chúng ta thấy nó bị hủy hoại bởi những đồi bại hay nghiện ngập, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó” (GE 42).

Như vậy, chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa trong đời sống nhân sinh thường nhật mà không giám sát đời sống của người khác cũng như xét đoán họ. Ở đây chúng ta thấy lại vài hàng nhắc nhở thường xuất hiện trong Amoris Laetitia (xem AL 112; 177; 261; 265; 300; 302; 310) – tránh giám sát đời sống của người khác khiến dễ đưa đến sự xét đoán mà không là gì khác hơn là sự kết án.

Đây là điểm rất quan trọng trong nhãn quan thiêng liêng của Đức Phanxicô, người học từ Thánh Ignatiô Loyola “tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự”,[19] mà không đặt ra giới hạn và biên giới cho hoạt động của Chúa Thánh Thần hoặc cách thức hiện diện của Ngài trong thế giới. Thật vậy, “gặp gỡ Thiên Chúa là một kinh nghiệm thiêng liêng không thể bị kiểm soát”.[20]

Kẻ thù của sự thánh thiện 

Tới đây, Đức thánh cha quyết định đặt trước chúng ta hai “kẻ thù” của sự thánh thiện. Một lần nữa ngài nhấn mạnh đến mối nguy của Tân ngộ đạo thuyết (neo-gnosticism) và Tân Pêlagiô thuyết (neo-pelagianism). Đây cũng là những nguy cơ được nêu lên trong bức thư luân lưu mới đây Placuit Deo của Thánh bộ Giáo lý Đức tin gởi các giám mục của Giáo hội Công Giáo về một vài khía cạnh của ơn cứu rỗi.[21]

Ngộ đạo thuyết (Gnosticism) là sự chệch hướng về ý thức hệ và trí thức xuất phát từ Kitô giáo khi biến thành “một bách khoa tự điển của những khái niệm trừu tượng”. Theo ngộ đạo thuyết, chỉ những ai có thể hiểu được chiều sâu của một giáo thuyết thì mới được xem như là một tín hữu thật sự (GE 37). Đức thánh cha nói rất cứng rắn về một tôn giáo “dựa trên chính nó và trở thành càng cận thị hơn” (GE 40) khiến cho sự mới mẻ của Tin Mừng trở nên xa cách.

Sự thánh thiện có liên hệ với thân xác. Trong một bài giảng ở Santa Marta, Đức giáo hoàng nói: “Hành vi thánh thiện vĩ đại nhất của chúng ta là nơi thân xác của anh em chúng ta và thân xác của Đức Giêsu Kitô. […] Chính khi chia sẻ cơm bánh với người đói khát, chữa lành người bệnh tật, người già lão, những người không thể cho chúng ta thứ gì để đổi lại: thân xác không hổ thẹn là thế đấy!” (7 tháng Ba 2014).

Chính vì thế nên chúng ta không thể coi sự hiểu biết của chúng ta về giáo thuyết như là “một hệ thống khép kín, không có khả năng đặt ra những câu hỏi, những nghi ngờ, những tra vấn”. Thật vậy, “những câu hỏi của mọi người, những khắc khoải, những đấu tranh, những mơ ước, những thử thách và bận tâm, tất cả đều có giá trị giải thích mà chúng ta không thể bất cần biết đến nếu muốn xem xét cách nghiêm túc cái nguyên lý của sự nhập thể. Sự băn khoăn của họ giúp ta tự hỏi, những câu hỏi của họ tra vấn chúng ta”.[22]

Một kẻ thù khác của sự thánh thiện là thuyết Pêlagiô, một thái độ nhấn mạnh đến sức mạnh cá nhân, dường như sự thánh thiện là hoa trái của ý chí chứ không phải của ân sủng. Đối với Bergoglio, sự thánh thiện trên hết là một tiến trình do Thiên Chúa thực hiện, Đấng chờ đợi chúng ta. Đây là sự thánh thiện: “cho phép Thiên Chúa viết lịch sử của chúng ta” (Bài giảng tại Santa Marta, 17 tháng Mười Hai 2013), “sự dễ dạy trước Chúa Thánh Thần” (16 tháng Tư 2013).[23] Đức Phanxicô xác định vài hành vi cụ thể và liệt kê chúng ra: “nỗi ám ảnh về lề luật, sự miệt mài bận tâm về những thuận lợi chính trị và xã hội, mối quan tâm quá chi li về phụng vụ, giáo lý và thanh thế của Giáo hội, thái độ kiêu hãnh về khả năng xử lý những vấn đề thực tiễn, và mối bận tâm quá đáng về những chương trình tự lực và sự thành tựu cá nhân” (GE 57).

Kết quả là một Kitô giáo đầy ám ảnh bị nhận chìm dưới những quy tắc và quy định, bị tước đi “tính chân chất, vẻ quyến rũ” (GE 58) và hương vị của nó. Một Kitô giáo trở thành nô lệ, như Thánh Tôma Aquinas nhắc lại khi khẳng định rằng: “những giáo huấn mà Giáo hội bổ sung vào Tin Mừng phải được đặt ra cách chừng mực, ‘để đời sống của tín hữu không trở thành gánh nặng’”, vì nếu chẳng vậy thì tôn giáo của chúng ta sẽ trở thành một dạng đày đọa”.[24] Đức Phanxicô đã lặp lại khái niệm này trong Evangelii Gaudium và trích dẫn nguyên văn ra đây. Ngài xác định lời khuyến cáo này phải là “một trong các tiêu chuẩn chúng ta phải lưu ý khi suy nghĩ về một cuộc cải tổ Hội Thánh và việc giảng dạy của Hội Thánh, giúp cho việc giảng dạy này đến được với mọi người”. (EG 43).

Các mối phúc thật 

Vậy thì chúng ta phải làm gì để trở thành những Kitô hữu tốt? Câu trả lời rất rõ: “Chúng ta phải làm, mỗi người theo cách của mình, những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi” (GE 63). Đối với Đức Phanxicô, việc chiêm ngắm các mầu nhiệm trong đời sống của Đức Giêsu, như Thánh Ignatiô Loyola cho thấy, “sẽ dẫn chúng ta đến chỗ hội nhập các mầu nhiệm ấy vào trong các chọn lựa và các thái độ của chúng ta” (GE 20). Cuộc đời Đức Giêsu cần được chiêm ngắm và chúng ta nên theo “chương trình nên thánh” thực tiễn của Ngài – các mối phúc thật. Niềm tin tưởng nền tảng này khiến Đức thánh cha tập trung vào Các mối phúc nơi chương trung tâm của tông huấn. “Một ít từ, những từ đơn giản nhưng thực tiễn dành cho mọi người: nó ở đấy không phải để suy tư mà là để thực hành, để thực hiện”.[25]

Gaudete et Exsultate xem xét từng câu của bản văn Các mối phúc thật trong Tin Mừng và giải thích.[26] Theo cách này, Đức Phanxicô trình bày sự thánh thiện theo Tin Mừng một cách rõ ràng, sine glossa và biện giáo. “Chúa chúng ta cho thấy rất rõ ràng sự thánh thiện không thể được hiểu hay được sống tách rời khỏi những đòi hỏi này” (GE 97). Và như thế ngài không tán thành một linh đạo trừu tượng tách biệt lời kinh với hành động hoặc trái lại cào bằng tất cả mọi sự trên thế gian. Và Đức thánh cha sử dụng cơ hội này để lập lại “nút thắt chính trị toàn cầu”,[27] – như ngài đã định nghĩa nó – của những di dân mà đáng buồn thay là “một vài người Công giáo” đã xem nó như là “vấn đề thứ yếu so với những vấn đề đạo đức sinh học hệ trọng” (GE 102). Thật có ý nghĩa khi chủ đề di dân tìm được một vị trí ưu tiên trong một tông huấn về sự thánh thiện.

Đặc tính của sự thánh thiện 

Trong chương bốn, Đức Phanxicô trình bày vài đặc tính của sự thánh thiện trong thế giới hiện đại. “Có năm cách diễn tả hùng hồn về tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, mà tôi cho là có tầm quan trọng cách riêng trong bối cảnh một số nguy hiểm và những giới hạn của nền văn hóa hôm nay” (GE 111). Đức thánh cha biết rằng có những mối nguy và giới hạn trong nền văn hóa này và ngài thậm chí còn liệt kê chúng ra: “Một cảm thức hoang mang, đôi khi bạo lực, gây phân tán và suy nhược; tính chất tiêu cực và bi lụy; tính tự mãn sinh ra từ chủ nghĩa tiêu thụ; xu hướng cá nhân chủ nghĩa; và tất cả những hình thức linh đạo thay thế chẳng liên quan gì tới Thiên Chúa và đang chi phối khung cảnh tôn giáo hiện nay” (GE 111).

Đặc tính đầu tiên mang những dấu vết kiên trì, nhẫn nại và hiền hòa. “Chúng ta cần nhận ra và chiến đấu chống lại những khuynh hướng hung hăng và ích kỷ của mình, và không cho phép chúng mọc rễ” (GE 114). Sự khiêm hạ bằng cách chấp nhận những sỉ nhục hằng ngày là đặc điểm của một vị thánh có “trái tim được lấp đầy bình an của Đức Kitô, được giải phóng khỏi tính hung hăng do lòng tự cao tự phụ” (GE 121).[28]

Đặc tính thứ hai là vui vẻ và hài hước. Thật sự, thánh thiện không bao hàm một tinh thần “rụt rè, rầu rĩ, chua chát hay u uất, cũng không mang một vẻ mặt thê thảm”. Quả vậy, “càu nhàu không phải là dấu hiệu của sự thánh thiện” (GE 126). Trái lại các thánh rất “vui tươi và đầy khiếu hài hước lành mạnh. Mặc dù rất thực tế, các ngài vẫn phản chiếu một tinh thần tích cực và hy vọng” (GE 122). Thiên Chúa “muốn chúng ta có thái độ tích cực, biết ơn và thoải mái” (GE 127).

Đặc tính thứ ba là can đảm và nhiệt tình. Nhìn nhận mình yếu đuối không làm cho chúng ta thiếu đi lòng can đảm. Sự thánh thiện vượt thắng nỗi sợ hãi và dè dặt cũng như nhu cầu tìm kiếm những nơi an toàn. Đức Phanxicô liệt kê một vài chỗ trú an toàn: “cá nhân chủ nghĩa, duy thiêng liêng, sống trong một thế giới nhỏ, tình trạng nghiện, chủ trương không khoan nhượng, bác bỏ những ý tưởng và những phương pháp mới, giáo điều, hoài cổ, bi quan, nấp đàng sau các luật lệ và qui định” (GE 134). Thánh nhân không phải là một quan chức bàn giấy, nhưng là một người nhiệt huyết không biết phải sống thế nào trong “sự tầm thường chán ngắt và buồn thảm” (GE 138). Các thánh gây sốc và làm ngạc nhiên vì biết rằng: “Thiên Chúa là sự mới mẻ vĩnh cửu. Ngài không ngừng thúc đẩy chúng ta bắt đầu lại, vượt quá những gì quen thuộc, đi tới những vùng ngoại biên và xa hơn nữa” (GE 135).

Đặc tính thứ tư là hành trình cùng với cộng đoàn. Thật vậy, Giáo Hội đã “tuyên thánh trọn cả những cộng đoàn đã sống Tin Mừng một cách anh hùng hay đã dâng hiến cho Thiên Chúa sự sống của tất cả các thành viên” (GE 141). Những nhóm người như vậy đã cùng nhau chuẩn bị ngay cả để tử đạo như các chân phước tu sĩ Trappist ở Tibhirine, Algeria (cf. GE 141). Đối với Đức Phanxicô, đời sống cộng đoàn giữ chúng ta khỏi “chủ nghĩa tiêu thụ đang lan tràn và có khuynh hướng cô lập chúng ta trong việc hăm hở tìm kiếm ích lợi cho mình tách rời khỏi người khác” (GE 146).

Đặc tính thứ năm là cầu nguyện thường xuyên. Các thánh có nhu cầu “hiệp thông với Thiên Chúa. Các ngài nhận thấy rằng một mối quan tâm duy chỉ dành cho thế giới này thì chật hẹp và ngột ngạt, và ở giữa các mối quan tâm và dấn thân của mình, các ngài khát khao Thiên Chúa, đắm chìm trong việc ca ngợi và chiêm ngắm Chúa” (GE 147) là Đấng không làm suy yếu khuôn mặt của Đức Kitô (cf. GE 151).

Thế nhưng Đức thánh cha cũng xác định rõ: “Tôi không tin vào sự thánh thiện mà không có cầu nguyện, dù đó là việc cầu nguyện không kéo dài hay gắn với những cảm xúc sâu đậm” (GE 147). Thật vậy, ngài cảnh báo chúng ta về những định kiến duy tinh thần khiến chúng ta nghĩ rằng “cầu nguyện phải là việc chiêm ngắm Thiên Chúa cách thuần túy, thoát khỏi mọi chia trí, ví như việc nghĩ đến tên tuổi hay khuôn mặt của người ta cũng là điều cần tránh” (GE 154). Hoàn toàn ngược lại, những lời chuyển cầu và nguyện xin rất đẹp lòng Chúa vì chúng gắn liền với thực tại của đời sống chúng ta.

Những chọn lựa một trong hai như “Thiên Chúa hay thế giới” hoặc “Thiên Chúa hay không gì cả” đều sai lầm. Thiên Chúa hành động trong thế giới, đưa thế giới đến sự hoàn hảo, để thế giới trở nên trọn vẹn trong Thiên Chúa. Việc phân định những đường lối nên thánh mà Thiên Chúa đề nghị cho chúng ta là kết quả của việc cầu nguyện.

Sự thánh thiện của chiến đấu và phân định

“Đời sống Kitô hữu là một trận chiến không ngừng. Chúng ta cần sức mạnh và can đảm để chống lại những cám dỗ của ma quỉ và để loan báo Tin Mừng. Đây là trận chiến ngọt ngào, vì nó cho phép ta hoan hỉ mỗi lần Chúa khải thắng trong cuộc đời chúng ta” (GE 158). Những lời đầu tiên này đã tóm tắt ý nghĩa của chương cuối cùng trong tông huấn Gaudete et Exsultate.

Và như vậy, Đức thánh cha không không giảm thiểu cuộc chiến đấu vào trận chiến chống lại não trạng thế gian “làm cho chúng ta trở nên đần độn và xoàng xĩnh”, cũng không phải trận chiến chống lại những yếu đuối và xu hướng của chính chúng ta – cũng như mọi người đều có những yếu đuối và xu hướng của riêng mình. Đức Phanxicô kê ra sự lười biếng, dâm dục, tham lam, ghen tị hay bất cứ gì khác. Đây cũng là “cuộc chiến đấu không ngừng chống lại ma quỷ, ông hoàng của sự dữ” (GE 159), và như vậy ma quỷ không là “một huyền thoại, một tượng trưng, một biểu tượng, một hình tượng ngôn ngữ hay một ý niệm” (GE 161).

Con đường nên thánh đòi hỏi chúng ta “giữ cho ngọn đèn của mình cháy sáng”, bởi vì những ai nghĩ rằng mình không phạm tội nặng nề chống lại luật Thiên Chúa thì “có thể rơi vào một tình trạng u mê” (GE 164). Suy nghĩ này có thể đưa đến sự hư hỏng tâm linh “còn tệ hại hơn cả sự sa ngã của một tội nhân, vì đó là một dạng mù quáng mà người ta cảm thấy thỏa mãn và yên ổn. Khi ấy thì mọi sự dường như có thể chấp nhận được” (GE 165).

Ơn phân định rất hữu ích trong cuộc chiến thiêng liêng này vì nó giúp chúng ta “biết một điều gì đó đến từ Thánh Thần hay đến từ tinh thần của thế gian hoặc tinh thần của ma quỷ” (GE 166). Ở đây, Đức Phanxicô theo bài học của cha linh hướng riêng của mình là Cha Miguel Ángel Fiorito, người đã viết một cuốn giải thích về những quy luật phân định của Thánh Ignatiô với tựa đề Discernimiento y lucha espiritual mà chính Bergoglio viết lời tựa vào năm 1985.[29] Ở đây chúng ta đọc thấy rằng cuộc chiến thiêng liêng là “nhìn thấy những vết chân của Thiên Chúa trong vết chân của con người”, thắng vượt được tính tham chiếu về chính mình (self-referentiality).

Trái tim đang đập thình thịch của tông huấn này là đoạn nói về cuộc chiến đấu và phân định. Đối với Bergoglio, một đời sống thánh thiện không chỉ là một đời sống đạo đức theo nghĩa là nó theo đuổi các nhân đức chung chung. Nó là một đời sống đạo đức bởi vì nó biết cách đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần và những hoạt động của ngài, và tuân theo những hoạt động ấy.  

“Không có sự khôn ngoan phân định, chúng ta dễ dàng trở thành mồi ngon cho mọi trào lưu rẻ tiền” (GE 167) trong bối cảnh hiện hữu “zapping” (lướt kênh truyền hình bằng bộ điều khiển từ xa) liên tục. Có thể nói, chúng ta có nguy cơ sống thiêng liêng như “lướt kênh truyền hình” nếu không được dẫn dắt bởi sự phân định.

Đây là ơn quan trọng vì nó cho phép chúng ta “nhận ra lịch trình mà Chúa sắp xếp, hầu tránh bỏ hụt những gợi ý Ngài ban cho và tránh xem thường lời Ngài mời gọi ta lớn lên”. Một lần nữa, Đức thánh cha nhấn mạnh đến tác động của ơn phân định trong những việc nhỏ của mỗi ngày: “Việc phân định được làm trong những việc nhỏ và có vẻ không phù hợp, vì sự cao cả của tinh thần được thể hiện trong những thực tại đơn giản hằng ngày. Nó liên quan đến việc cố gắng sao cho không cản trở tất cả những gì là cao quý, những gì là tốt hơn và đẹp hơn, trong khi đồng thời quan tâm đến những chuyện nhỏ, những bổn phận và trách nhiệm trong đời sống hằng ngày” (GE 169). Đức Phanxicô nhắc lại câu khẩu hiệu của Thánh Ignatiô rất quen thuộc đến nỗi ngài đã dành hẳn một khảo luận cho nó: Non coerceri a maximo, contineri tamen a minimo divinum est (“Không nản chí vì những công trình vĩ đại, nhưng dấn thân vào những việc bé nhỏ nhất, đó thực là điều thần linh”).[30]

Và ơn phân định không phải là sự khôn ngoan dành cho người khôn ngoan, người ưu tú và người được khai sáng. Đức thánh cha đã nói với các tu sĩ dòng Tên của Myanmar trong chuyến tông, minh họa điều đối với ngài là tiêu chuẩn ơn gọi của Dòng “Ứng sinh có thể phân định được không? Anh ta biết phân định không? Nếu biết phân định, anh ta ắt biết điều gì đến từ Thiên Chúa và điều gì đến từ thần dữ, khi ấy đã đủ cho anh ta tiếp tục. Ngay cả khi anh ta không hiểu biết nhiều, ngay cả khi anh ta thi trượt … vẫn luôn OK, bao lâu anh ta biết phân định thiêng liêng”.[31] Phân định là ơn đoàn sủng: “Việc phân định không đòi hỏi những khả năng đặc biệt, nó cũng không dành riêng chỉ cho những người thông minh hay đặc biệt học cao hiểu rộng. Chúa Cha sẵn sàng mặc khải chính Ngài cho những kẻ bé mọn (cf. Mt 11,25)” (GE 170).

Đức Phanxicô kết thúc suy tư của mình về ơn phân định với những dòng đặc biệt quan trọng tóm tắt hành trình của ngài cho đến lúc này: “Trong sự hiện diện của Thiên Chúa, khi chúng ta khảo sát hành trình đời sống của mình, không có lãnh vực nào là ngoài giới hạn. Trong tất cả các khía cạnh của đời sống, chúng ta đều có thể lớn lên và dâng hiến một cái gì đó quí hơn cho Thiên Chúa, ngay cả trong những lãnh vực mà ta thấy là khó khăn nhất. Nhưng chúng ta cần xin Chúa Thánh Thần giải phóng mình, và xua đuổi nỗi sợ vốn khiến ta gây cản trở sự thâm nhập của Thánh Thần vào một số vùng nào đó trong đời sống mình. Thiên Chúa mời gọi ta mọi thứ, nhưng Ngài cũng trao ban mọi thứ cho ta. Ngài không muốn đi vào đời sống chúng ta để làm mọi thứ bị què quặt hay tàn tạ, nhưng là để đưa chúng tới viên mãn. Vì thế phân định không phải là việc phân tích bản thân có tính qui ngã hay một hình thức nội quan nhuốm màu ích kỷ, nhưng đó là một tiến trình chân thực vượt qua chính mình để tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng giúp chúng ta đảm nhận sứ mạng mà Ngài mời gọi, vì ích lợi của anh chị em mình” (GE 175). 

Niềm vui và sự thánh thiện 

Để kết thúc bài phân tích này về Gaudete et Exsultate, chúng ta có thể đặc biệt suy tư về tựa đề. Lời mời gọi nên thánh của Đức Phanxicô mở ra lời mời đến niềm vui đơn sơ của Tin Mừng được trích dẫn ngay đầu tông huấn: “Hãy vui mừng hân hoan” (Mt 5,12). Lời mời gọi đến niềm vui Tin Mừng đã được phát đi trong tông huấn đầu tiên của Đức Phanxicô như tựa đề của nó Evangelii Gaudium (“Niềm vui Tin Mừng”). Các tài liệu huấn quyền Laudato Si’ và Amoris Laetitia cũng là lời mời gọi ngợi khen và vui mừng.

Đức thánh cha Phanxicô nói về niềm vui nào? Đối với Đức Phanxicô, niềm vui là “nguồn an ủi thiêng liêng” mà Thánh Ignatiô nói đến, “niềm vui nội tâm kích thích và thu hút thực tại trên trời và ơn cứu rỗi của linh hồn, đem lại cho nó sự tĩnh lặng và bình yên trong Đấng Tạo Hóa và là Thiên Chúa của nó” (Spiritual Exercises, 316). Lúc còn là cha Bergoglio, ngài đã viết rằng “đây là tình trạng thân quen của bất kỳ ai nhận lấy sự biểu hiện của Đức Giêsu Kitô với lòng cởi mở và đơn sơ của tâm hồn”.[32] Một Kitô hữu không nên có “bộ mặt đưa đám” (EG 10). Niềm vui (gioiaalegría, gozo) thường là một trong những từ thân quen nhất trong từ vựng của Bergoglio.[33] Đối với niềm vui Tin Mừng ngài cũng đặc biệt dành một vài suy tư trong bài Linh Thao của mình.[34]

Tựa đề Gaudete et Exsultate cũng nhắc lại Tông huấn Gaudete in Domino (GD) được Đức chân phước Phaolô VI ký ban hành vào ngày 9 tháng Năm 1975. Đức Phaolô viết: “Chúng ta có thể kinh nghiệm được niềm vui thiêng liêng, là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Nó hệ tại ở việc tìm kiếm sự nghỉ ngơi và thỏa mãn của tâm hồn con người trong việc sở hữu Thiên Chúa Ba Ngôi, được biết bởi đức tin và được yêu bởi đức ái đến từ Ngài. Niềm vui này làm nên đặc tính của các nhân đức Kitô giáo. Niềm vui khiêm hạ của con người trong đời sống của mình, giống như hạt giống của một thực tại cao cả hơn đã được làm cho đẹp thêm lên” (GD, III).[35]

Rồi thì diễn từ khai mạc long trọng Công Đồng Vatican II của Đức Thánh giáo hoàng Gioan XXIII có tựa đề Gaudet Mater Ecclesia. Cùng với những trang này, chúng ta có thể thêm vào tài liệu Aparecida (2007) đã “hít thở” qua những trang viết của Bergoglio.[36] Lời mời gọi đến niềm vui đã vang lên đến 60 lần ở đây. Trong phần kết của tài liệu của Đại hội đồng các giám mục châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê lần thứ năm, niềm vui làm môn đệ đánh dấu đời sống thiêng liêng và khát vọng của một người hướng về sự thánh thiện: “không phải là một tình cảm hạnh phúc vị kỷ, nhưng là sự chắc chắn đến từ đức tin; nó làm nhẹ tâm hồn và khiến chúng ta có thể loan tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa” (No. 29). Và một lần nữa: “Chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong niềm vui của hiện hữu giới hạn của chúng ta, và điều này làm phát sinh sự biết ơn chân thành trong tâm hồn chúng ta” (No. 356).

Những nối kết giữa Gaudete et Exsultate và những bản văn huấn quyền khác của Đức Phanxicô, cũng như của Bergoglio người mục tử của Argentina, giúp chúng ta hiểu rằng tông huấn này là trái chín của những suy tư mà Đức thánh cha đã cưu mang trong một thời gian dài, và biểu lộ nhãn quan của ngài về sự thánh thiện đan xen với nhãn quan về sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới hiện đại. Toàn bộ tài liệu diễn tả sự tin chắc tương tự với những gì mà Hồng y Bergoglio đã nói trước đây: “Chúng ta phải đồng hành cùng sự yếu đuối của người dân chúng ta để hướng về niềm vui tin mừng là cội nguồn sức mạnh của chúng ta”.[37]

* * *

Kết thúc Gaudete et Exsultate, Đức Phanxicô hướng những suy tư của mình về Đức Maria. Từ đầu thập niên 1980, Bergoglio đã nhìn thấy sự thánh thiện của Giáo Hội phản ảnh “trong khuôn mặt của Đức Maria không tội lỗi, tỳ vết và tinh tuyền”, mà không quên rằng “trong bầu ngực Mẹ đã quy tụ con cái của Eva, bà mẹ của những tội nhân”.[38] Đức Maria là “vị thánh giữa các thánh, và được chúc phúc trên hết các thánh. Mẹ dạy chúng ta con đường nên thánh và Mẹ luôn bước đi bên cạnh chúng ta”, như một người mẹ: “có những lúc Mẹ dang tay ôm lấy chứ không kết án chúng ta. Chuyện trò với Mẹ, chúng ta sẽ được an ủi, được giải phóng và được thánh hóa” (GE 176).

Tác giả bài viết: Antonio Spadaro, SJ

La Civiltà Cattolica

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

(gpquinhon.org) Thứ năm - 07/06/2018 08:20

 



[1] Nghĩa là “Hãy làm việc như luôn có Chúa trước mặt trước tất cả những điều gì khác”, Formula of the Institutes of the Society of Jesus (No. 1).

[2] A. Spadaro, “Intervista a Papa Francesco”, trong Civ Catt 2013 III 460.

[3] J. Malègue, Agostino Méridier, Milan, Corriere della Sera – Rome, La Civiltà Cattolica, 831f.

[4] Francis, L’umiltà e lo stupore. Omelie da Santa Marta. Settembre 2015 – Giugno 2017, Milan, Rizzoli, 2018, 230.

[5] Ibid., La verità è un incontro. Omelie da Santa Marta, Milan, Rizzoli, 2014, 335, and Ibid., La felicità si impara ogni giorno. Omelie da Santa Marta. Marzo 2014 – Giugno 2015ibid., 371.

[6] J. Malègue, Agostino Méridier, cit., 989.

[7] J. M. Bergoglio, Nel cuore di ogni padre, Milan, Rizzoli, 2014, 210.

[8] Ibid., 211.

[9] Ibid.Il desiderio allarga il cuore. Esercizi spirituali con il Papa, Bologna, EMI, 2f. 

[10] Ibid.

[11] Francis, L’umiltà e lo stupore, cit., 244 (Bài giảng ngày 9 tháng Sáu 2016).

[12] Cf. D. Fares, “I am a Mission: Toward the Synod on Young People,” trong Tạp chí La Civiltà Cattolica, ấn bản Anh ngữ số tháng Năm 2018.

[13] “Giống như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trong sự đa dạng của ơn gọi chúng ta, một cách nào đó, mỗi người chúng ta được kêu gọi là tình yêu trong trái tim của Giáo Hội”.

[14] J. M. Bergoglio, Non fatevi rubare la speranza, Milan, Mondadori, 2013, 212f.

[15] Đức thánh cha đặc biệt trích dẫn từ volume I. Quiles, Filosofia de la educación personalista, Buenos Aires, 1981, 46-53.

[16] I. QuilesIl mio ideale di santità, Milan, Paoline, 1956.

[17] Ibid., 196.

[18] John Paul II, tông thư Novo Millennio Ineunte, 56, 307.

[19] Cf. Spiritual Exercises, 230-237; Autobiography, 99, và Constitutions of the Society of Jesus, 288.

[20] J. Bergoglio – a. SkorkaIl cielo e la terra. Il pensiero di Papa Francesco sulla famiglia, la fede e la missione della Chiesa nel XXI secolo, Milan, Mondadori, 2013, 24.

[21] Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Thư “Placuit Deo” to the Bishops of the Catholic Church concerning some aspects of Christian Salvation, February 22, 2018.

[22] Sứ điệp video gởi Đại hội quốc tế về Thần học tại Pontifical Catholic University of Argentina (1-3 tháng Chín 2015).

[23] J. M. Bergoglio, La verità è un incontro, cit., 423, 78.

[24] Cf. Summa Theologiae, I-II, q. 107, art. 4.

[25] Francis, La felicità si impara ogni giorno, cit., Milan, Rizzoli, 2015, 126.

[26] Để hiểu rõ thêm xin đọc D. Fares – M. Irigoy, Il programma della felicità. Ripensare le beatitudini con Papa Francesco, Milan, Ancora, 2016.

[27] Francis, Speech to the community of La Civiltà Cattolica,” February 9, 2017.

[28] Đức Phanxicô nhìn nhận rằng hành vi hung hăng và luận chiến như thế không thiếu ngay cả trong giới truyền thông tự xem mình là “Công giáo”, thế mà họ dung dưỡng – nếu không muốn nói là xúi giục – những lời bôi nhọ và vu khống, khích động sự tức giận và trả thù (Cf. GE 115).

[29] M. A. Fiorito, Discernimiento y lucha espiritual. Comentario de las Reglas de discernir de la Primera Semana de los Ejercicios Espirituales de San Ignacio de Loyola, Bilbao, Mensajero, 2010 (ấn bản gốc năm 1985). Cf. J. L. NARVAJA, “Miguel Ángel Fiorito. Una riflessione sulla religiosità popolare nell’ambiente di Jorge Mario Bergoglio,” trong  La Civiltà Cattolica 2018 II 18-29.

[30] Khi làm Giám tỉnh dòng Tên Argentina, ngài đã dành một suy tư quan trọng cho khẩu hiệu này: J. M. Bergoglio, “Guidare nelle cose grandi e in quelle piccole,” trong Ibid., Nel cuore di ogni padre, cit., 91-102. Trong đó, ngài viết: “Thánh Ignatiô không xem điều gì là “nhỏ” hoặc “lớn” […] trong bối cảnh nhãn quan chức năng của thế giới, nhưng trong quan niệm thiêng liêng của đời sống. Giảm thiểu những thực tại siêu nhiên này thành những chiều kích thường nhật khác là sự cám dỗ hằng ngày. Chỉ có sự khôn ngoan của ơn phân định mới có thể cứu chúng ta ra khỏi điều đó” (tr. 94).

[31] J. M. Bergoglio, “At the Crossroads of History: Conversations with the Jesuits of Myanmar and Bangladesh”, trong laciviltacattolica.com

[32] Ibid., Aprite la mente al vostro cuore, Milan, Rizzoli, 2013, 124.

[33] Cf. Ibid., In Lui solo la speranza. Esercizi spirituali ai vescovi spagnoli (15-22 gennaio 2006), MilanVatican City, Jaca Book – Libr. Ed. Vaticana, 2013, 74f, n. 2.

[34] Ibid., Aprite la mente al vostro cuore, cit., 21-29.

[35] Cf., ibid., 24.

[36] Liên quan đến biến cố này trong giáo hội, xin xem D. Fares, “40 anni da Aparedica. Alle fonti del pontificato di Francesco,” trong Tạp chí Civiltà Cattolica 2017 II 338-352.

[37] Ibid., È l’amore che apre gli occhi, Milan, Rizzoli, 2013, 261. 

[38] Ibid., Nel cuore di ogni padre, cit. 210.


Văn Kiện Giáo Hội