Năm chiếc bánh với hai con cá

và Man-na đích thật từ trời xuống

(Tìm hiểu Tin Mừng Gio-an) – Bài 6

Tác giả: L.M. Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J., ngày 1 tháng 6 năm 2018

Cả bốn sách Tin Mừng đều kể truyện Chúa Giê-su bẻ năm chiếc bánh và hai con cá nuôi đám đông (Mt 14,13-21 ; Mc 6,30-44 ; Lc 9,10-17 ; Ga 6,1-14).

Riêng Mt và Mc còn kể thêm truyện Chúa dùng bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ nuôi bốn ngàn người (Mt 15,32-39 ; Mc 8,1-10). Tuy kể cùng một truyện “năm chiếc bánh và hai con cá”, nhưng trình thuật của Tin Mừng Gio-an có những chi tiết khác biệt với trình thuật Nhất Lãm mà chúng ta cần xem kỹ để hiểu ra ý nghĩa mà sách Tin Mừng này muốn truyền đạt.

1. Quang cảnh mở đầu (Ga 6,1-4)

Di chuyển quen thuộc của Đức Giê-su trên hồ : từ bờ bên này qua bờ bên kia. Đông đảo dân chúng đi theo, cả trên bộ lẫn dưới thuyền, “vì họ đã từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm”.

Phản ứng trước cảnh đám đông kéo đến : “Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ

Thời gian : “Sắp đến lễ Vượt Qua là Đại Lễ của người Do-thái”. Lễ Vượt Qua cho tới nay vẫn là ngày lễ lớn nhất của người Do-thái, vì là lễ kỷ niệm ngày dân Ít-ra-en trong Cựu Ước được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ bên Ai-cập. Thiên Chúa đưa họ ra khỏi Ai-cập, dẫn họ đi và nuôi dưỡng họ trong hoang địa cho tới khi họ vào được Đất Hứa. Sách Tin Mừng Gio-an kể tới ba lần Lễ Vượt Qua, từ khi Đức Giê-su khởi đầu đi rao giảng (Ga 2,13-25) cho tới khi Chúa được tôn vinh tại Giê-ru-sa-lem (Ga 13-20). Câu chuyện “bẻ bánh” ở chương thứ sáu xảy ra vào dịp lễ Vượt Qua lần thứ hai, tại một ngọn núi gần Biển Hồ (Ga 6,1-14).

Ba sách Tin Mừng Nhất Lãm đều đặt vào khung cảnh nhóm Mười Hai trở về sau khi được Chúa sai đi Rao giảng Tin Mừng. Đám đông kéo đến thật đông. Các tông đồ có sáng kiến xin Người giải tán đám đông để họ đi mua thức ăn, vì nơi họ đang tụ tập quanh Người là nơi hoang vắng. Người bảo các ông phải đích thân cho họ ăn. Các ông thú nhận mình bất lực. Các ông chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Người truyền cho đám đông ngả lưng xuống cỏ. Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho các ông và các ông dọn ra cho dân ; cá cũng vậy. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều minh họa sứ mạng của các tông đồ là nuôi dân bằng Lời Chúa (rao giảng) và Bánh của Chúa trao.

Tin Mừng Gio-an mở ra một viễn tượng khác. Đám đông tuôn đến với Đức Giê-su vì đã chứng kiến dấu lạ Người làm trên những kẻ đau ốm. Gio-an dùng kiểu nói “dấu lạ” để cho thấy việc Người chữa lành các kẻ đau ốm bằng quyền năng lạ thường, là “dấu hiệu” tỏ bày ơn cứu độ, chứ không phải tất cả. Vì thế Đức Giê-su sẽ trách những người tìm đến với Người vì đã được ăn bánh no nê, chứ không phải vì đã đọc ra ý nghĩa của dấu hiệu chỉ về Người là Bánh ban Sự Sống đời đời. Họ như những đứa con nít, thấy ai cho bánh cho kẹo thì chạy theo. Nói chuyện gì ngoài bánh kẹo thì không nghe. Hết bánh hết kẹo thì bỏ đi.

Gợi lại bối cảnh sách Xuất Hành

Ở đây cũng nên đọc lại sách Xuất Hành từ chương 3 tới chương 17. Ngay từ đầu dân Ít-ra-en đã không tin vào Thiên Chúa, cũng không tin vào Mô-sê. Khi tới bờ Biển Đỏ và bị quân đội của Pha-ra-ô đuổi sau lưng thì họ oán trách ông Mô-sê. Sau khi vượt qua biển và thấy xác quân Ai-cập dạt vào bờ thì “họ tin vào Đức Chúa và tin vào Mô-sê, tôi tớ của Người” (Xh 14,31). Nhưng chỉ mấy ngày sau, thiếu nước uống, thiếu bánh, thèm thịt thì họ lại oán trách ông Mô-sê (x. Xh 15,23-27 ; 16,1 – 17,7) ; thâm chí họ toan ném đá ông nữa (Xh 17,4). Diễn biến câu chuyện trong toàn chương thứ sáu của Tin MừngGio-an có chút gì tương tự như câu chuyện trong sách Xuất Hành, nhưng theo trình tự ngược lại : được ăn thì họ tìm đến nhưng khi nghe Người nói “trái tai” thì họ bỏ đi, kể cả một số môn đệ. Nếu chú ý tới “âm thanh”, ta có cảm tưởng âm thanh của Xuất Hành được dùng làm “nhạc nền”cho trình thuật của Gio-an.

Ngoài ra, Gio-an còn đặt hai ngọn đèn chiếu cực mạnh để giúp chúng ta chiêm ngắm “dấu lạ” này, bằng cách gợi cho chúng ta nhớ đến :

1/ Lời Thiên Chúa hứa đãi tiệc (Is 25,6-8)

6 Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc : tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. 7 Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. 8 Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy.

2/ “Chúa là mục tử” (Tv 23/22)

CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng ước trong lành 3 và bổ sức cho tôi.

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.

4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.

6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,

và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.

2. Bữa Tiệc trên núi (Ga 6,1-14)

Người kể chuyện cho chúng ta nhiều yếu tố để nhận ra rằng sáng kiến ở đây hoàn toàn là của Đức Giê-su. Người lên núi ngồi, Người chờ đám đông như chờ khách đến dự tiệc. Người hỏi ông Phi-líp-phê, nhưng chỉ là để thử ông thôi, “Người đã biết mình sắp làm gì rồi”. Ông Phi-líp-phê và ông An-rê là hai người mang tên Hy-lạp, và sau này ở chương 12, những người Hy-lạp muốn gặp Đức Giê-su cũng nhờ hai ông này làm trung gian ; chứng tỏ hai ông này biết nói tiếng Hy-lạp. Vai trò “trung gian quốc tế” của hai ông này gợi cho thấy bữa tiệc này là để “thiết đãi muôn dân” như lời sáchI-sai-a dẫn trên đây.

Năm chiếc bánh và hai con cá do một em bé đem tới.

Ông An-rê nêu sự bất tương xứng hoàn toàn giữa số lượng bánh và cá với số lượng người ăn.

Đức Giê-su trả lời bằng cách nói với môn đệ : “Anh em cứ bảo người ta ngả lưng (Từ Hy-lạp ở đây có nghĩa là ngả lưng xuống trong tư thế để ăn ở bàn tiệc.) xuống”.

Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngả lưng xuống”. Chúng ta như thấy trước mắt cảnh thánh vịnh “Chúa là mục tử” diễn tả : “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”. Chúng ta được biết ngay số người ăn : “khoảng năm ngàn người”.

Vậy Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người đang ngả lưng để ăn”. Từ thời các Tông Đồ tới nay, cử chỉ này đã mang ý nghĩa chuyên môn là “cử hành bí tích Thánh Thể” (Sách Công Vụ dùng từ “Bẻ Bánh” theo nghĩa này (x. Cv 2,42). Mt 14,19 ; 26,26 ; Mc 6,41 ; 14,22 ;Lc 9,16 “dâng lời chúc tụng” ; Lc 22,19 “dâng lời tạ ơn”. Trong phụng vụ, “Kinh Nguyện Thánh Thể” dùng cả hai động từ tạ ơn và chúc tụng. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta nói “làm phép của ăn”, “Xin Đức Chúa Trời làm phép”, rồi đọc kinh Lạy ChaCó lẽ do dịch từ la-tinh “benedictio” theo nghĩa “chúc lành” “làm phép” [như làm phép ảnh tượng], trong khi “chúc tụng” mới là ý nghĩa theo Thánh Kinh và phong tục của Dân Giao Ước.), nhưng xưa cũng như nay, đó là nghi thức khai mạc bữa ăn của dân Giao Ước, tạ ơn Thiên Chúa vì của ăn Chúa ban cho. Trình thuật của Gio-an không nói đến bẻ bánh, nhưng nói Đức Giê-su tự tay phân phát bánh và cácho thực khách, nhấn mạnh vào khía cạnh Người đích thân đãi tiệc như lời sách I-sai-a loan báo.

Ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý”. Phong tục dân nào cũng thế, đãi tiệc thì phải dư dật, không giới hạn, khách cứ việc ăn thoải mái. Phong tục dân Sê-mít, Việt Nam và nhiều dân khác, khi đãi tiệc thì bàn ăn lúc nào cũng phải đầy, thấy vơi là tiếp thêm ngay, làm sao đế cuối bữa bàn ăn vẫn đầy. Nếu khách mà ăn hết nhẵn thì chủ nhà mất mặt ! Khi nào khách “đã ăn no nê” thì mới dọn đi. Chủ tiệc thấy còn dư nhiều sau khi thực khách đã no nê, thì hãnh diện vì mình đã đãi một bữa tiệc cho ra tiệc ! Mười hai môn đệ đi thu gom những miếng bánh và cá còn dư, được mười hai thúng đầy. Dư dật, đầy tràn là đặc tính của thời Đấng Mê-si-a. “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư”.

Dân chúng đã đọc ra được ý nghĩa ấy : “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su đã làm thì nói : Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian”. Dựa vào lời hứa trong sách Đệ Nhị Luật 18,15-18, cả dân Do-thái và dân Sa-ma-ri từ thời ấy cho đến ngày nay vẫn trông đợi Vị Ngôn Sứ này. Nhưng Đức Giê-su biết họ trông đợi một Đấng Mê-si-a theo ý họ chứ không phải theo ý Thiên Chúa, nên biết họ sắp làm gì : Họ sắp đến bắt Người mà đem đi tôn làm vua. Kiểu nói bạo lực này gợi ta liên kết với phần cuối : họ sẽ bắt Người, đem đi… như người Tôi Tớ Đau Khổ : “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. 8 Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu”. (Is 53,7)

Nhưng bao lâu Giờ của Người chưa đến thì không ai bắt được Người (Ga 7,30 ; 8,20) ; thậm chí Người lánh đi (x. Ga 6,15 ; 8,50 ; 10,39 ; 11,54). Lần này thì “Người lánh mặt, đi lên núi một mình”.

3. Đức Giê-su đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ (Ga 6,16-21)

Ba sách Tin Mừng MtMc và Ga đều liên kết truyện Đức Giê-su đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ với việc nuôi đám đông. Cách bố cục và kể chuyện làm cho chúng ta nghĩ đến sự liên tục giữa bữa ăn thịt chiên Vượt Qua tại Ai-cập, và cuộc vượt qua Biển Đỏ của dân Ít-ra-en trong Xh 12-14, rồi Thiên Chúa ban Man-na làm của ăn nuôi họ trong hoạng địa. Mt và Mc dừng lại sau truyện Đức Giê-su đi trên mặt nước mà đến với môn đệ, trong khi Gio-an kể tiếp bài giảng về Bánh trong hội đường ở Ca-phác-na-um, ở đó Đức Giê-su tự giới thiệu là Man-na đích thật từ trời xuống, là bánh ban sự sống đời đời.

Chúng ta có thể ngạc nhiên vì sau khi Đức Giê-su lên núi thì “chiều đến, các môn đệ xuống lại Biển Hồ, rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um, bên kia Biển Hồ”, không ở lại chờ Người ! Ta lại càng ngạc nhiên khi đọc tiếp : “Trời đã tối mà Đức Giê-su chưa đến với các ông”. Có thấy Thầy trò hẹn hò gì với nhau đâu. Các ông xuống thuyền và chèo đi sau khi Người đã lánh mặt, đi lên núi một mình. Họ chờ Người đến với họ bằng cách nào ?

Biển động và gió thổi mạnh”, gợi nhớ cảnh dân Ít-ra-en đứng trên bờ Biển Đỏ, bị quân của Pha-ra-ô đuổi sát sau lưng, “ông Mô-sê giơ tay trên biển, Đức Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hóa thành đất khô cạn. Nước rẽ ra và con cái Ít-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn”. (Xh14,21-22)

“Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền, các ông hoảng sợNhưng Người bảo các ông : “Chính Thầy đây mà, đừng sợ”. Lại gợi lên nỗi hoảng sợ của dân Ít-ra-en khi quân của Pha-ra-ô đuổi theo tới gần họ, và Thiên Chúa trấn an họ (x.Xh 14,15-18).

Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định tới”. Ông Mô-sê đã trấn an dân đang hoảng sợ : “Đừng sợ ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em… Đức Chúa sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên”. (Xh 14,13-14)

Dịp lễ Vượt Qua này chúng ta như thấy Đức Giê-su dùng khung cảnh Biển Hồ (Nhiều nhà chú giải Âu Mỹ tốn công sức và giấy mực để tranh luận về thứ tự giữ chương thứ năm và chương thứ sáu của Gio-an, vì họ cho rằng thứ tự hiện nay không hợp lý… Nhưng cũng lại là vẽ rắn thêm chân, họ muốn sắp xếp theo cách suy nghĩ của họ. Họ chẳng có bằng chứng nào thuyết phục được ai cả. Đừng phí thời giờ vô ích. Hãy ráng suy nghĩ theo thứ tự hiện có, sẽ thấy thú vị hơn và ý nghĩa sâu xa hơn.) để “diễn lại” cuộc Vượt Qua đầu tiên, khi Thiên Chúa đưa dân Người ra khỏi ách nô lệ Ai-cập, đưa họ vượt qua Biển Đỏ và nuôi dưỡng họ trong hoang địa. Đức Giê-su đang thực hiện một cuộc Vượt Qua mới, đưa chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết, và nuôi chúng ta bằng Bánh thật bởi trời để đưa chúng ta về quê trời vinh quang, vào trong lòng Cha của Người (x. Ga 13,1 ; 14,1-4).

Hình ảnh Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ còn gợi cho ta lời Thánh vịnh : “Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Người rẽ nước mênh mông, mà chẳng ai nhận thấy vết chân Người”. (Tv 77/76,20), và như thế cho chúng ta thấy Đức Giê-su là Thiên Chúa.

 


Trang Kinh Thanh