Ngày sa-bát Đức Giê-su tỏ mình cho dân Giê-ru-sa-lem
(Tìm hiểu Tin Mừng Gio-an) – Bài 5

Tác giả: L.M. Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J., ngày 25 tháng 5 năm 2018

Sau khi kết thúc chuyến du hành “tuần trăng mật”, từ Ca-na về lại Ca-na, nhân một dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su trở lên Giê-ru-sa-lem (Ga chương 5).

Nhiều người tò mò đi tìm xem ngày lễ đó là ngày lễ nào, khác nào kẻ lật bụng rắn để tìm xem chân nó ở đâu, nhưng không ai tìm ra và cũng chỉ là phí thời giờ công sức, chẳng quan trọng gì, bởi lẽ ngày lễ hằng tuần “gây vấn đề” ở chương này chính là ngày sa-bát (ngày thứ bảy, x. St 2,2) Từ chương thứ năm tới chương thứ mười trong sách Tin Mừng này, Đức Giê-su dùng những ngày lễ quan trọng để tỏ mình ra cho dân, qua ý nghĩa của các ngày lễ : ngày lễ hằng tuần [sa-bát] ; lễ Vượt Qua ; lễ Lều và lễ Khánh thành Đền Thờ. Ngày sa-bát là lễ buộc hằng tuần, phải nghỉ hoàn toàn, không được làm việc gì. Sách Xuất Hành liên kết ý nghĩa ngày Sa-bát với công trình tạo dựng của Thiên Chúa (x. Xh 20,8-11) ; trong khi sách Đệ Nhị Luật lại liên kết với biến cố Xuất Hành, dân Chúa được giải thoát khỏi ách nô lệ và được nghỉ ngơi (x. Đnl 5,12-15) (Thời Ma-ca-bê nổi dậy chống vua Hy-lạp (167-164 tCN), ban đầu những người trốn vào bưng đành chết chứ không dám chống cự khi bị tấn công trong ngày sa-bát, sau đó họ thấy ngày sa-bát cũng phải tự vệ chống kẻ thù khi bị tấn công (x. 1 Mcb 2,29-38). Hiện nay người Do-thái đạo đức vẫn giữ luật kiêng việc xác ngày sa-bát rất kỹ : không nấu bếp, không lái xe, không bấm nút nhận hay gọi điện thoại, nút bật đèn, nút thang máy… Đồ ăn cho ngày sa-bát phải sẵn sàng trước khi ngày sa-bát bắt đầu, người mẹ thắp đèn trong nhà trước khi mặt trời lặn chiều thứ sáu và để suốt ngày sa-bát. Thang máy thì cài chế độ tư động, chạy liện tục từ trước khi bắt đầu ngày sa-bát, ngừng ở mỗi lầu, rồi lên, tới lầu trên cùng rồi xuống, rồi tiếp tục lên, xuống, cho tới hết ngày sa-bát).

1. Chuyện mở đầu cho những cuộc tranh luận lần này, qua đó Đức Giê-su tỏ mình ra cho dân Giê-ru-sa-lem, là trong ngày sa-bát, Người thấy một kẻ bất toại đã nằm 38 năm tại hành lang hồ nước Bết-da-tha [Bethesda], mong được lành nhờ sức mầu của nước hồ này. Người ta tin rằng “thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên ; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi”. Thấy ông ta nằm đó chờ thiên thần xuống khuấy nước, Đức Giê-su liền “khuấy động” lòng khao khát được lành đã đưa ông ta tới đây 38 năm trước, xem còn hay không ? Ông ta khẳng định lại lòng khao khát ấy và nêu lý do tại sao ông chưa được lành : ”Thưa ngài, khi nước khuấy lên thì không có ai đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó thì đã có người khác xuống trước tôi mất rồi !” Đức Giê-su ban cho ông ta tức khắc điều ông chờ đợi 38 năm nay : “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !” Một lời thôi. Thật là tuyệt vời trước mắt chúng ta. Chẳng những ông trỗi dậy, đi được, mà còn vác được cái chõng đã vác ông bấy lâu. Chúng ta gặp lại lời ban sự sống như ông sĩ quan đã được ở Ca-na. “Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” (x. Ga 1,3).

Ở Ga-li-lê, viên sĩ quan ngoại đạo và cả nhà ông liền tin. Ở Giê-ru-sa-lem, chẳng ai quan tâm. Người được chữa lành thì giống như người máy, Đức Giê-su bấm nút là trỗi dậy vác chõng đi. chưa kịp nhìn mặt người đã nói với mình, chẳng kịp nói một lời cám ơn. Người “Do-thái” (Tôi viết “Do-thái” trong ngoặc kép, vì chỉ một nhóm người “Do-thái” ở Giê-ru-sa-lem chống đối và mưu giết Đức Giê-su chứ không phải toàn dân Do-thái) ở Giê-ru-sa-lem thì chỉ để ý tới ông vì thấy ông vác chõng mà đi trong ngày sa-bát : “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng.” Ông chỉ biết kể lại sự việc như ông biết : “Chính Người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi : “Anh hãy vác chõng mà đi.”

Họ không cần biết ai là người đã chữa ông khỏi bệnh, mà chỉ muốn biết : “Ai là người đã bảo anh : ‘Vác chõng mà đi’ ?” Giữ đúng Luật mới là điều quan trọng trước mắt họ. Tôi nghiệp người vừa được khỏi bệnh, ông đâu kịp nhìn mặt người đã nói với mình. Trong khi ông đứng bật dậy, chưa kịp dụi mắt xem chuyện gì xảy ra với mình, thì Đức Giê-su đã lánh đi, lẩn vào đám đông chen chúc ở đó. Tại sao Người lại lánh mặt đi ? Người lánh đi để rồi gặp lại ông trong Đền Thờ. Mặt đối mặt. Người cho ông một lời thứ hai : “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước !” 

Chúng ta gặp cấu trúc tương tự lời Thiên Chúa ban Lề Luật trên núi Xi-nai : “Ta là Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.” (Xh 20,2-3). Đấng đã cho anh được lành bây giờ cho anh biết nguyên do bệnh của anh và biết làm sao để khỏi bị khốn hơn trước. Chúng ta như vọng nghe tiếng ngâm bài ca người tôi tớ đau khổ của I-sai-a (52,13 – 53,12) : Người đã mang lấy những bệnh tật của ta… gánh lấy tội lỗi của ta, để Ta được tha tội, được lành. Vì thế Người bảo ta “đừng phạm tội nữa kẻo khốn hơn trước”.

 Người “Do-thái” chỉ muốn biết ai đã bảo anh vác chõng mà đi trong ngày sa-bát. Anh đã nói “người đã chữa tôi lành bảo tôi thế đấy !” Bây giờ anh biết ai đã chữa anh cho lành, nên anh đi báo cho họ biết ai là người đã chữa anh cho lành : Đức Giê-su là người đã chữa anh cho lành đấy !

Có người bảo anh là kẻ phản bội vì đi báo cho người “Do-thái”, nhưng đọc kỹ bản văn thì không thể nói như vậy : anh không đi báo cho họ ai đã bảo anh vác chõng trong ngày sa-bát, mà tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng đã phán một lời cho anh được lành. Người “Do-thái” phải đọc ra được liên hệ giữa hai sự việc : Đấng phán một lời cho tôi được lành trong ngày sa-bát, cũng là Đấng bảo tôi vác chõng mà đi trong ngày sa-bát. Các sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 8,5-13 ; Lc 7,1-10) kể chuyện viên sĩ quan Rô-ma đến trình Đức Giê-su về người tôi tớ của mình “bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”, ông chưa xin gì cả nhưng Đức Giê-su đã tự ý nói : “Chính tôi sẽ đến chữa nó”. Nhưng chính ông sĩ quan lại can ngăn : “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi khỏi bệnh !” Rồi ông đưa thí dụ tôi tớ, lính tráng dưới quyền vâng lệnh ông tức khắc như thế nào, để diễn tả lòng tin của ông vào lời của Đức Giê-su : “Xin Ngài nói một lời là đầy tớ tôi khỏi bệnh. Đức Giê-su long trọng khen ông trước mặt mọi người : “Thật, tôi bảo thật các ông, tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế !” Ngày nay trong phụng vụ Thánh Thể, trước khi rước lễ, chúng ta khiêm tốn lặp lại lời tuyên xưng này.

2. Tranh luận

Thay vì tìm đọc cho ra mối liên hệ giữa hai lời của Đức Giê-su thì người “Do-thái” lại ghim lấy việc “Đức Giê-su hay chữa bệnh trong ngày sa-bát”, để chống đối Người. Tin Mừng Gio-an kể một lần tiêu biểu này thôi, và cho ta biết “Người hay chữa bệnh trong ngày sa-bát”. Các Tin Mừng Nhất Lãm cũng cho chúng ta thấy đây là một chủ đề đưa tới tranh cãi nhiều lần, thậm chí đưa tới việc người “Do-thái” quyết định giết Đức Giê-su (x. Mc 3,6). Tin Mừng Gio-an dùng dịp này để kể những cuộc tranh luận, qua đó Đức Giê-su bảy tỏ cho thấy Người là ai, quyền năng của Người từ đâu mà có.

Đức Giê-su trả lời cho thái độ hiềm thù của họ : “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Họ hiểu Người muốn nói gì. Ngày sa-bát Thiên Chúa nghỉ việc tạo dựng vì đã xong, nhưng có hai việc Thiên Chúa vẫn làm, đó là ban sự sống và xét xử, vì ngày sa-bát người ta vẫn sinh nên Thiên Chúa vẫn ban sự sống ; ngày sa-bát người ta vẫn cứ chết, nên Thiên Chúa vẫn xét xử. Họ hiểu rằng Đức Giê-su “nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.” Họ thông minh lắm, họ hiểu liền đấy chứ ; chính vì vậy “họ càng tìm cách giết Đức Giê-su”. Người kể đã vạch cho chúng ta thấy lý do họ tìm giết Đức Giê-su là thế đấy.

Đức Giê-su không lùi bước. Trái lại, Người vận dụng kinh nghiệm sống trong gia đình ở Na-da-rét, học nghề với thánh Giu-se, để nói rõ hơn tương quan của Người với Thiên Chúa. Người giải thích và khẳng định rõ hơn, mạnh hơn rằng quả thật Người ngang hàng với Thiên Chúa đấy :

19 Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng : "Thật, tôi bảo thật các ông : người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm ; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. 20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. 21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. 22Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, 23 để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con. 24 Thật, tôi bảo thật các ông : ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.

Người đi thêm một bước nữa để nói rằng Người là Đấng phán xét chung cuộc đấy. Người gợi lại những lời loan báo trong các sách ngôn sứ, đặc biệt Đa-ni-en 7,9-14

9 Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ.

Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền.

Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng.

10 Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra.

Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan.

Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra…

13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa :

có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.

Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành, và được dẫn đưa tới trình diện.

Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị ;

muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một ;

vương quốc của Người sẽ 14 chẳng hề suy vong.

Trong các Tin Mừng Nhất Lãm thì Chúa Giê-su gợi lại lời này trong sách Đa-ni-en khi trả lời vị Thượng Tế. Trong Tin Mừng Gio-an thì ngay ở đây Người đã gợi lại khi nói về “Con Người” :

25 Thật, tôi bảo thật các ông : giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa ; ai nghe thì sẽ được sống. 26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, 27 lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người. 28 Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con 29 và sẽ ra khỏi đó : ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống ; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.

Rồi trong cuộc Khổ Nạn, khi Đức Giê-su đã bị lính đánh đòn và cho mặc áo đỏ, đội mão gai, thì Phi-la-tô long trọng loan báo rồi đưa Người ra trước mặt đám đông mà nói : “Người đấy !” ; lời Phi-la-tô trước hết gợi lại lời trong bài ca Người Tôi Tớ Đau Khổ : “chẳng còn dáng vẻ một con người”, đồng thời cũng gợi lên lời này trong sách Đa-ni-en, vì ngay ở cuộc đối thoại đầu tiên với Phi-la-tô, chính Đức Giê-su đã nói với ông về vương quốc của Người, :

33 Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người : "Ông có phải là vua dân Do-thái không ?" 34 Đức Giê-su đáp : "Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi ?" 35 Ông Phi-la-tô trả lời : "Tôi là người Do-thái sao ? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì ?" 36 Đức Giê-su trả lời : "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." 37 Ông Phi-la-tô liền hỏi : "Vậy ông là vua sao ?" Đức Giê-su đáp : "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thậtAi đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." 38 Ông Phi-la-tô nói với Người : "Sự thật là gì ?"

Ngay ở chương thứ năm này, Người đã trả lời trước cho câu hỏi bâng quơ của Phi-la-tô, hỏi rồi quay đi, không đợi câu trả lời : “Sự thật là gì ?”

30 Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi. (Ga 5,30)

"Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người." (Ga 14,6-7)

Đức Giê-su đưa ra nguyên tắc pháp lý về giá trị của lời chứng : phải có hai người làm chứng khớp với nhauLời chứng của một người đáng tin là ông Gio-an Tiền Hô. Nhưng lời chứng quan trọng và giá trị hơn nữa là chính Thiên Chúa, Cha của Người : “đó là những việc Chúa Cha trao cho tôi để tôi hoàn thành ; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi”. Ông Ni-cô-đê-mô đã nhận ra điều ấy : “Chúng tôi biết : Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” (Ga 3,2)

Ngoài những việc Chúa Cha trao cho Người hoàn thành để chứng tỏ Người là Đấng Chúa Cha sai đến, Đức Giê-su còn nại đến lời Chúa Cha làm chứng. Chúng ta có thể nghĩ tới lời Chúa Cha phán khi Người chịu phép rửa ở sông Gio-đan, nhưng Người trực tiếp nêu lời Thiên Chúa trong Sách Thánh :

Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. 38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. 39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. 40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.

Trước khi gọi ông La-da-rô ra khỏi mồ, Đức Giê-su tuyên bố : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25) ; trong bữa Tiệc Ly Người nhắc lại cho các môn đệ : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và  sự sống.” (Ga 14,6)

Đức Giê-su lý giải tại sao họ không tin, không đón nhận Đức Giê-su :

Nhưng tôi biết : các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận. 44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được ?

Ai sẽ tố cáo sự cứng lòng tin của họ ?

Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy.46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. 47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói ?" (Ga 5,45-47)

Lời chứng của ông Gio-an Tiền Hô còn đó ; những việc Chúa Giê-su đã lãnh nhận từ Chúa Cha và đã hoàn thành thì các sách Tin mừng ghi chép lại cho chúng ta. Lời Thiên Chúa trong Sách Thánh còn đó, không ai có thể bãi bỏ (x. Ga 10, 34-36). Và Thánh Thần đã được ban xuống cho chúng ta để đưa chúng ta vào tất cả sự thật. Chúa Giê-su còn trao cho các tông đồ nhiệm vụ dạy dỗ chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Chúa và các bí tích, như nguồn sữa và của ăn thiêng trong lòng Mẹ Hội Thánh. Vậy thì chúng hãy đón nhận với lòng tin và khiêm tốn sống theo Lời Chúa để lớn lên không ngừng, như thánh Phao-lô đã căn dặn :

Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. 12 Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, 13 cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. 14 Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. 15 Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. (Ep 4,11-15).

Thánh Phao-lô tha thiết cầu xin cho chúng ta :

14 Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, 15 là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. 16 Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. 17 Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn ; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, 18 để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, 19 và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa. (Ep 3,14-19)

Giê-ru-sa-lem, ngày lễ thánh Mat-thi-a Tông Đồ, 14-5-2018

L.M. Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J

 


Trang Kinh Thanh