Thầy đi đâu ? Để làm gì ?
Ga 14,1-31
(Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an) – Bài 13

Tác giả: L.M. Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J., ngày 17 tháng 1 năm 2019

Thủ lãnh thế gian đã đến. Kẻ bị nó nhập để làm công cụ phản nộp đã đi ra theo lời Chúa giục : “Anh làm gì thì làm mau đi !”. Đêm đã xuống. Bóng tối đã sẵn sàng xông vào cuộc chiến quyết liệt với ánh sáng.

Với giọng âu yếm khác thường, Chúa Giê-su nói thẳng về một cuộc tạm biệt đang diễn ra : “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy. Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái : Nơi tôi đi, các người không thể đến được, bây giờ Thầy cũng nói với anh em như vậy.”

Chúa để lại như một lời trăng trối, một kỷ vật, một của gia bảo, một dấu hiệu để họ nhận ra nhau và mọi người nhận biết họ là môn đệ của Chúa : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (1)

Ông Phê-rô nhanh nhạy hỏi ngay : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ?” Chúa trả lời : “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được ; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” Ông Phê-rô nôn nóng : “Sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy !” Thật là nồng nhiệt và chân thành. Nhưng Chúa Giê-su biết ông rõ hơn ông biết ông, nên không ngần ngại cho ông biết chuyện gì sẽ xảy ra với ông ngay đêm nay.

Sau những lời tâm huyết vừa nghe, các môn đệ chưa hiểu gì, những cũng xao xuyến vì đã cảm thấy có gì nghiêm trọng sắp xảy ra. Chúa Giê-su đi thẳng vào tâm trạng của họ : “Anh em đừng xao xuyếnHãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

Người cho các ông biết Người đi đâu và đi làm gì : “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở ; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đóVà Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi”.

Điều khác biệt và hơn hẳn giữa Chúa Giê-su với ông Mô-sê là đây. Ông Mô-sê dẫn dân tới bờ Đất Hứa nhưng ông không được vào. Ông chỉ phân chia trước cho họ (Ds 32–35) rồi nhắc lại Luật Giao Ước (sách Đnl) cho họ, sau đó ông được Thiên Chúa cho lên núi Nê-bô, đưa mắt nhìn qua Biển Chết và Sông Gio-đan, thoáng một vòng từ Bắc chí Nam, rồi về sum họp với tổ tiên. Dân chẳng bao giờ được thấy lại, cả đến cái xác của ông (Đnl 34,1-12). Chúa Giê-su đi dọn chỗ trong nhà Cha trên trời rồi đến đem chúng ta lên ở với Chúa mãi mãi.

Con đường nào

Vừa trả lời một thắc mắc, Chúa lại gieo cho các ông một thắc mắc mới. Lần này thì ông Tô-ma lên tiếng : “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường ?” Chúa Giê-su đã nói Thầy đi dọn chỗ cho anh em trong nhà Cha Thầy, thế mà ông Tô-ma vẫn chưa biết “Thầy đi đâu”. Chúa ôn tồn giải thích về con đường để tới nơi Chúa đi : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Ngay từ bây giờ anh em biết Người và đã thấy Người”. Chúa Giê-su vừa là con đường, vừa là sự thật vừa là sự sống, ba trong một.

Điểm tới của Giao Ước Xi-nai là Đất Hứa, phải qua 40 năm trong sa mạc mới tới nơi. Điểm tới của Giao Ước Mới trong Chúa Giê-su không phải là một miền đất nào, nhưng là chính Thiên Chúa Cha, nơi Chúa Giê-su ở trước (x. Ga 1,1.18 ; 6,62 ; 10,29 ; 14,10). Chúa Giê-su là con đường đưa tới Chúa Cha : “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Nhưng không phải là con đường 40 năm sa mạc, vì Chúa Giê-su ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Giê-su, nên chấp nhận đến với Chúa Giê-su, ở lại trong Chúa Giê-su là đã đến với Chúa Cha rồi. Chúa Giê-su là Sự Thật, vì Chúa Giê-su là Con Duy Nhất của Thiên Chúa, tất cả Vinh Quang Thiên Chúa ở nơi Chúa Giê-su, đầy tràn Ân Sủng và Sự Thật, nghĩa là tất cả Tình Yêu và Sự Thành Tín (He-set wa Emet) của Thiên Chúa để hoàn thành mọi lời hứa ơn cứu độ. Tột đỉnh của ơn cứu độ là thông phần sự sống vinh quang và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Vì thế Chúa Giê-su là con Đường, là sự Thật và là sự sống.

Thánh Phao-lô cho chúng ta một cách diễn tả khác : “Người là “Hình Ảnh (eikon, iconcủa Thiên Chúa”. “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,15.19). Thư Híp-ricũng nói tương tự : “Người là phản ảnh vẻ huy hoàng của Thiên Chúa, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Hr 1,3).

Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha

Nghe nói phải qua Chúa Giê-su mới đến được với Chúa Cha, ông Phi-líp-phê liền háo hức xin ngay : “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Mở đầu câu trả lời, Chúa Giê-su trách ông Phi-líp-phê : “Này anh Phi-líp-phê ơi, Thầy ở với anh em bấy lâu mà anh chưa biết Thầy ư ?”

Trước khi đọc tiếp câu trả lời, và để hiểu rõ hơn, ta hãy xem lại ông Phi-líp-phê đã có mặt trong hàng môn đệ từ lúc nào ? Đọc lại Ga 1,35-44 chúng ta thấy nói đến “Ông Gio-an đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là Con Chiên của Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp : “Thưa Ráp-bi (nghĩa là Thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” Người bảo họ : “Đến mà xem.” Họ đã đến, xem chỗ Người ở và ở lại với Người hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói…”

Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói : “Anh hãy theo tôi.” Ông Phi-líp-phê là người Bét-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.”

Thoạt đầu, Gio-an không cho biết tên hai người môn đệ, họ cùng là môn đệ ông Gio-an Tẩy Giả, cùng đứng đó và cùng nghe Thầy Gio-an nói và cùng đi theo đàng sau Chúa Giê-su, cùng nghe câu Chúa hỏi và cùng trả lời bằng một câu hỏi, cùng nghe Chúa mời và cùng đến xem nơi Chúa ở và cùng ở lại với Người ngày hôm ấy. Nhưng lúc ấy đã là giờ thứ mười, nghĩa là chỉ còn hai giờ nữa là hết ngày hôm ấy.

Sau đó ta được biết tên một người là An-rê, ông này lập tức đi tìm em là Si-môn và dẫn đến gặp Chúa Giê-su.

Hôm sau, khi đã quyết định đi về Ga-li-lê, Chúa gặp ông Phi-líp-phê và bảo ông : “Anh hãy theo tôi !”. Bây giờ chúng ta được biết ông Phi-líp-phê là đồng hương Bết-xai-đa với hai anh em An-rê và Si-môn. Phi-líp-phê và An-rê cùng mang tên Hy-lạp, và sau này chúng ta gặp hai ông này đi chung với nhau ở mấy lúc quan trọng : ở chương thứ sáu, hai ông dự phần vào việc Chúa bẻ bánh nuôi đám đông ở bên kia bờ hồ (Ga 6,5-8), Chúa hỏi thử ông Phi-líp-phê, ông An-rê thì phát hiện một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá. Ở chương 12,20-22 khi những người Hy-lạp muốn gặp Chúa Giê-su, thì họ nói với ông Phi-líp-phê, ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê, rồi hai ông cùng nhau tới thưa với Chúa Giê-su. Những chi tiết này cho phép ta nghĩ rằng hai ông đồng hương này cùng mang tên Hy-lạp, chắc là nói thạo tiếng Hy-lạp nữa nên thường xông xáo trong đám đông. Vừa là đồng hương vừa là bạn cùng trang lứa và thân với nhau, phản ứng giống nhau : ông An-rê vừa được biết Chúa thì đi dẫn em tới, ông Phi-líp-phê vừa được Chúa gọi đi theo thì đi tìm bạn là Na-tha-na-en giới thiệu Chúa cho bạn và mời “đến mà xem”. Ta có thể suy diễn thêm rằng hai ông bạn đồng hương này chính là hai môn đệ đã đứng với ông Gio-an Tẩy Giả, nghe Thầy giới thiệu, đi theo Chúa Giê-su rồi được Chúa Giê-su mời : “Đến mà xem”. Họ đến xem nơi Chúa ở và ở lại với Người hôm ấy. Cuộc đời họ thay đổi ngay hôm ấy. Ông An-rê thì đi tìm em dẫn tới. Ông Phi-líp-phê thì hôm sau Chúa gặp lại và gọi đi theo, ông lập tức đi tìm người bạn thân khác là Na-tha-na-en. Biết bạn mình thuộc loại “mọt sách”, nên Phi-líp-phê phải uốn lưỡi mở đầu với sách Luật Mô-sê và các Ngôn Sứ. Nhưng Phi-líp-phê quên rằng Na-tha-na-en ở làng Ca-na, biết Na-da-rét quá rõ, lại nói ngay tông tích Na-da-rét của Chúa Giê-su. Bị ông bạn thông thái bỉu môi : “Na-da-rét, cái xóm chết rét đó thì có cái gì hay được cơ chứ ?”. Phi-líp-phê đuối lý, nhưng đã thuộc bài của Chúa, liền đề nghị : “Thì bạn cứ tới mà xem !” Nể bạn, Na-tha-na-en cũng đứng dậy đi theo…

Những chuyện này nghe như suy diễn dông dài, nhưng lại giúp ta hiểu hơn câu Chúa Giê-su trả lời cho ông Phi-líp-phê. Phi-líp-phê là một trong những người ở với Chúa từ ngày đầu. Chúa trách nhẹ nhàng đích danh ông Phi-líp-phê : “Thầy ở với anh em bấy lâu rồi, thế mà Phi-líp-phê ơi, anh vẫn chưa biết Thầy ư ?” Ngày đầu gặp nhau, Thầy đã cho anh tới xem nơi Thầy ở, anh đã ở lại với Thầy hôm ấy, rồi anh đi rủ bạn đến xem nữa, rồi tiếp tục ở với Thầy từ đó đến nay, thế mà anh vẫn chưa biết thật sự Thầy ở đâu à ? Sao tới giờ này mà anh còn nói : “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” ? Anh xin như thế thì anh tỏ ra là anh chưa tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy thì tất nhiên “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” rồi còn gì nữa !

Chúa giải thích tiếp : “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.” Chúa Giê-su như chập lời và việc làm một. Ở nơi Thiên Chúa, lời và việc không tách rời nhau. Chúa Giê-su làm hay nói cũng đều do “Chúa Cha làm”, Chúa Cha làm cho Chúa Giê-su làm và làm cho Chúa Giê-su nói.

Chúa Giê-su đã từng bảo người Do-thái : “Tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an, đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để để tôi hoàn thành ; chính những việc đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người” (Ga 5,36-37) (2). Cái ngày ở Giê-ru-sa-lem dịp lễ Cung Hiến Đền Thờ, “khi người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su, Người bảo họ : “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm ; vì việc nào mà các ông ném đá tôi ?” Người Do-thái đáp : “Chúng tôi ném đá ông không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng : ông là một người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Chúa Giê-su bảo họ : “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra các ông cũng hãy tin vào các việc đó, như vậy các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng : “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,31-38).

Trong giờ phút trang trọng này Chúa cũng nhắc lại cho các môn đệ : “Anh em hãy tin Thầy, Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy ; bằng không thì hãy tin vì các việc ấy”. Đồng thời Chúa hứa một điều thật bất ngờ, mới mẻ : “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin điều gì thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”

Lời hứa thật lạ lùng. Ai tin vào Chúa Giê-su thì không những “làm được những việc Chúa đã làm”, mà “còn làm được những điều lớn lao hơn nữa”. Vế thứ nhất thì có vẻ dễ hiểu, vì tin vào Chúa thì ta để cho Chúa làm trong ta, chứ không phải ta làm, cũng như đối với bản thân Chúa Giê-su : “Chúa Cha ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình”. Vế thứ hai khó hiểu hơn, vì làm sao người tin vào Chúa lại có thể làm được những điều lớn lao hơn nữa ? Chúa Giê-su giải thích : “Vì Thầy đến cùng Chúa Cha”. Nghĩa là gì ? Bao lâu Chúa Giê-su còn trong thân phận người phàm, thì quyền năng Thiên Chúa nơi Người như bị “thu hẹp”, giới hạn, do màu nhiệm “tự hủy” để thật sự trở nên người phàm giống như chúng ta. Quyền năng Thiên Chúa chỉ lộ ra một chút như Chúa Cha muốn để làm chứng thôi. Còn khi Chúa Giê-su đã lên cùng Chúa Cha, đã được tôn vinh, nghĩa là cả thân phận người phàm nơi Chúa đã hoàn toàn dự phần vinh quang của Thiên Chúa Toàn Năng rồi, thì không còn bị giới hạn nữa. “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì chính Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.” Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giê-su sẽ xin : “Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha”. Con Thiên Chúa xuống làm người là để, và chỉ tìm, làm vinh danh Cha và chờ được Cha tôn vinh. Con Thiên Chúa được tôn vinh cũng là để tôn vinh Cha. Khi đã được tôn vinh thì không còn giới hạn nào nữa, nên Con thi thố tất cả quyền năng Cha trao mà tôn vinh Cha. Sức mạnh của lời cầu xin nhân danh Chúa Giê-su là như thế.

Làm gì để yêu mến Thầy và sẽ được gì

Xưa ông Mô-sê khuyên dân của Giao Ước Xi-nai trung thành yêu mến Thiên Chúa bằng cách giữ Luật Giao Ước, để được vào Đất Hứa và được sống lâu dài ở đó (x. Đnl 5, 32-33 ; 29, 8). Nay Chúa Giê-su cũng khuyên các môn đệ : “nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”, để được gì ?

15 ”Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. 16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. 18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. 19Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. 20 Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

Môn đệ được một sự hiện diện mới của Thiên Chúa Ba Ngôi : Chúa Cha sẽ ban một Đấng Bảo Trợ khác, “Thần Khí Sự ThậtNgười sẽ luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”. “Thầy không để anh em mồ côi. Thầy sẽ đến cùng anh em – Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em - Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến – Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”.

Giao Ước Mới cho chúng ta chính Thiên Chúa Ba Ngôi chứ không phải một miền đất hay bất cứ loài thọ tạo nào. Chúng ta không chỉ được nhìn Thiên Chúa từ bên ngoài như ông Mô-sê được nhìn thấy Đất Hứa. Chúng ta được tháp nhập vào trong Thiên Chúa, được chung phần sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta.

Ông Giu-đa – trùng tên với Giu-đa Ít-ca-ri-ốt – hỏi một câu có vẻ ngây thơ, nhưng là dịp để Chúa Giê-su nhắc lại và giải thích thêm các lời hứa vừa nói.

Đấng Bảo Trợ khác

22 Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian ?” 23 Đức Giê-su đáp : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. 25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. 26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh ThầyĐấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Điều kiện để hưởng những ân huệ của Giao Ước Mới là yêu mến Chúa Giê-su và giữ Lời của Chúa Giê-su. Thế gian không yêu mến Chúa Giê-su cũng chẳng giữ lời Chúa Giê-su thì làm sao có thể được hưởng ân huệ của Giao Ước Mới.

Trong “diễn từ giã biệt của ông Mô-sê” (sách Đnl), ông cố gắng nhắc lại mọi biến cố ông đã cùng sống với dân từ khi ra khỏi Ai-cập cho tới lúc phải chia tay với họ, đan chen giữa hồi niệm các biến cố, ông nhắc lại Luật Giao Ước cùng với những bất trung trong quá khứ, ông tha thiết mời họ nhận biết Tình Yêu của Thiên Chúa và nhắn nhủ dân trung thành với Giao Ước. Kinh nghiệm quá khứ chẳng cho ông chút lạc quan nào về tương lai, nên khi tổng kết lại, ông chỉ biết đưa ra nhận xét : “Cho đến ngày hôm nay, Đức Chúa đã không cho anh em lòng để biết, mắt để thấy, tai để nghe” (Đnl 29,3) ; ông cũng đã nhắc họ nhiều lần những bí quyết “giúp trí nhớ” (x. Đnl 4,9 ; 6,6-9 ; 11,8-9.18-20), nhưng ông chẳng có giải pháp nào hữu hiệu an toàn, cũng không thể hứa hẹn gì. Ông chỉ biết báo trước cho họ nhưng tai họa sẽ xảy đến vì sự bất trung của họ, và cam đoan rằng Thiên Chúa sẽ lại đoái thương cứu họ.

Qua cuộc đối thoại thân mật tối nay giữa Chúa Giê-su với các môn đệ, các ông đã tỏ ra rằng dù ở với Chúa bấy lâu, các ông cũng chẳng hiểu biết gì bao nhiêu, lời Thầy vào tai phải ra tai trái, học trước quên sau. Chúa Giê-su ân cần dạy dỗ các ông, nhưng cũng biết rằng các ông chưa hiểu gì nhiều và cũng chẳng nhớ bao nhiêu, nên Chúa hứa sẽ giải quyết tận gốc, bằng cách gởi Đấng bảo trợ mới đến ở với họ và ở trong họ, để dạy họ từ bên trong, và làm cho họ nhớ lại mọi điều Chúa đã nói với các ông.

Món quà chia tay

Kết thúc cuộc chia tay, ông Mô-sê để lại cho họ một bài ca và những lời chúc phúc. Rồi ông lặng lẽ chống gậy một mình lên núi Nê-bô, để được Thiên Chúa cho nhìn thấy Đất Hứa. Trên đỉnh núi hoang vắng, trong cô đơn tột cùng, ông vĩnh viễn rút khỏi ánh sáng mặt trời và ánh mắt của dân ông. Họ chẳng bao giờ được thấy lại vết tích gì của ông ; những lời giã từ tha thiết của ông vang tới tai họ rồi cũng theo đà loãng tan trong cái mênh mông của sa mạc.

Còn Chúa Giê-su, Chúa để lại cho môn đệ sự bình an tuyệt vời, vì đây không phải là vĩnh biệt, nhưng là chuyển mình sang một cách hiện diện mới, mà không gì cách ngăn được nữa :

27 ”Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo : ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em.’ Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. 30 ”Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31 Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy ! Ta đi khỏi đây !

Chúa không giấu các môn đệ về tính cách cuộc ra đi của Chúa : Chúa đi vào một cuộc giao đấu quyết liệt với Thủ Lãnh Thế Gian theo lệnh của Chúa Cha, và phần thắng đã được Chúa Cha đảm bảo rồi, vì thế môn đệ phải vui mừng. Giờ lên đường đã điểm. Ông Mô-sê một mình chống gậy lủi thủi lên núi để đón nỗi thất bại cuối cùng, còn Chúa Giê-su hô các môn đệ cùng lên đường, đi đón cuộc chiến thắng. “Nào đứng dậy ! Ta đi khỏi đây !”

Giê-ru-sa-lem, ngày lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa năm 2019

L.M. Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.

(1) Sau này thánh Phao-lô sẽ kể khi kết thúc “Công Đồng Giê-ru-sa-lem”, ba vị “cột trụ” là Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an “đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông : chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì. Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm” (Gl 2,9-10).

(2) Ở núi Xi-nai, dân chỉ thấy lửa và khói, và nghe tiếng sấm tiếng sét (Xh 19,16-19 ; 20,18 ; Hr 12,18-19).

 


Trang Kinh Thanh