Chúa Giê-su được tôn vinh trên thập giá
(Ga 18-19)
(Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an) – Bài 16

Tác giả: Linh mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J., ngày 6 tháng 3 năm 2019

 

Trong Tin mừng thứ tư, Chúa Giê-su loan báo cuộc Thương Khó ba lần với từ “giương cao” (3,14 ; 8,28 ; 12,32), và gián tiếp hay trực tiếp Chúa nói đến”được tôn vinh” (12,23 ; 17,1.4) ; “lên nơi đã ở trước” (6,62) ; “đến cùng Cha” (17,11.13) ; Gio-an thì kể “Đức Giê-su về với Chúa Cha”, “Đức Giê-su trở về cùng Thiên Chúa” (13,1.3).

1. Trong một thửa vườn, Chúa Giê-su bị bắt (Ga 18,1-11)

1 Sau khi nói những lời đó, Đức Giê-su đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ỏ đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào. 2 Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ. 3 Vậy, Giu-đa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu ; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. 4 Đức Giê-su biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi : “Các anh tìm ai ?” 5 Họ đáp : “Tìm Giê-su Na-da-rét.” Người nói : “Chính tôi đây.” Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. 6 Khi Người vừa nói : “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất. 7Người lại hỏi một lần nữa : “Các anh tìm ai ?” Họ đáp : “Tìm Giê-su Na-da-rét.” 8 Đức Giê-su nói : “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi.” 9 Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói : “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.”

10 Ông Si-môn Phê-rô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Man-khô. 11 Đức Giê-su nói với ông Phê-rô : “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?”

Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Mát-thêu và Mác-cô kể Chúa Giê-su đi tới “một thửa đất gọi là Ghét-sê-ma-ni”. Lu-ca kể “Chúa Giê-su đi ra núi Ô- liu như đã quen. Các môn đệ cũng đi theo Người”. Chúa cầu nguyện rồi bị bắt tại đó.

Gio-an kể : “Đức Giê-su đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào”.

Điều đáng chú ý là Gio-an nói đến một thửa vườn, không nói tên. Khi mai táng, Gio-an lại kể : “Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, nên các ông mai táng Đức Giê-su tại đó” (Ga 19,41-42).

Đến khi Chúa Phục Sinh, bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đứng bên mồ mà khóc. Chúa Giê-su đến, bà tưởng Chúa Giê-su là người làm vườn.

Với đặc điểm tạo biểu tượng mà chúng ta gặp nhiều lần trong Tin Mừng này, ở đây cũng phải chú ý tới chi tiết “một thửa vườn”. Ngay trong lời tựa, Gio-an đã gợi nhớ công trình tạo dựng. Ở chương 8, lại nhắc tới Xa-tan là kẻ sát nhân từ đầu, là cha sự dối trá. Trong Tin Mừng, nhiều lần Gio-an nói về Chúa Giê-su là Đấng ban sự sống. Khi Chúa chết trên thập giá, Gio-an lại kể “Chúa gục đầu trao hơi thở” [Thần Khí]. Tất cả những yếu tố này hợp lại, khiến chúng ta nhận ra “một thửa vườn” ở đây gợi nhớ thửa vườn Ê-đen mà “Thiên Chúa đã trồng” sau khi dựng nên con người, và “đem con người đặt vào đó, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,8.15). Chính trong thửa vườn ấy mà Xa-tan đã lừa dối được con người để đưa cái chết vào cho A-đam và dòng dõi (x. St 3,1-19).

Sách Khôn Ngoan diễn giải :

Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người

cho họ được trường tồn bất diệt.

Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người.

24 Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị

mà cái chết đã xâm nhập thế gian.

Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết. (Kn 2,23-24)

Thửa vườn còn liên quan tới Giao Ước, như sách Diễm Ca vận dụng : Đất Hứa được ví như “vườn nhà”, trong đó “tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc trọn về tôi (Dc 6,7). Chúng ta sẽ đề cập khi bàn về chương 20 của Gio-an.

Gio-an không kể Chúa cầu nguyện ở trong vườn, vì đã kể lời cầu nguyện tương tự ngay ở chương 12, khi những người Hy-lạp tới xin gặp Chúa (x. Ga 12,27-32). Coi như Chúa tới đây là tới “điểm hẹn” với Giu-đa thôi. “Giu-đa biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ”. Lu-cacũng cho thông tin tương tự : “Ban ngày, Đức Giê-su giảng dạy trong Đền Thờ ; nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Ô-liu” (Lc 21,37). “Người đi ra núi Cây Dầu như đã quen” (Lc 22,39). Núi Ô-liu ở bên kia thung lũng Kít-rôn.

Giu-đa không phải tốn công đi tìm, “dẫn một toán lính cùng đám thuộc hạ của các thượng tế” vào thẳng trong vườn. Chúa Giê-su cũng “biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra hỏi”. Trong vườn Ê-đen, con rắn lên tiếng hỏi người Đàn Bà. Trong vườn hôm nay thì Chúa Giê-su ra nghênh chiến với những kẻ do Xa-tan [đã nhập vào Giu-đa] dẫn đến : “Các anh tìm ai ? “Họ đáp “Tìm Giê-su Na-da-rét !”. Câu trả lời của Chúa Giê-su có thể hiểu : “Ta đây !”, hoặc “Ta là !” như Chúa Giê-su đã nói với người Do-thái ba lần trong chương 8 : “Nếu các ông không tin Ta Là”…” [Tôi Hằng Hữu] (Ga 8,24) ; “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết “Ta Là” (8,28) ; “Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Áp-ra-ham, “Ta Là” (8,58).

Khi ông Mô-sê xin được biết tên của Đấng phán với ông từ giữa bụi gai rực lửa, Thiên Chúa đã cho ông biết “Ta là Đấng Ta Là” (Xh 3,14), rồi ngay sau đó, 15 Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê : “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này : ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3,15). Trong Tin Mừng thứ tư này, Chúa Giê-su đã lần lượt cho thấy Người hơn hẳn Gia-cóp (x. Ga 1,51 ; 4,13-14), hơn hẳn I-xa-ác, con một yêu dấu của Áp-ra-ham (Ga 3,16), và hơn hẳn Áp-ra-ham (Ga 8,58), vì Chúa là Con Một yêu dấu của Thiên Chúa, là Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu. Chúa Giê-su tự xưng bằng Danh Tuyệt Đối của Thiên Chúa, và Danh Thiên Chúa trong Giao Ước với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Ở chương thứ tám, người Do-thái đã hiểu Chúa muốn nói gì, nên “họ liền lượm đá để ném Người” (Ga8,59). Trong vườn đêm nay, nghênh chiến với Xa-tan, Chúa Giê-su xưng ngay Danh Tuyệt Đối : “Ta Là !” Vừa nghe thế, cả Giu-đa lẫn đám lính và bọn lâu la của các thượng tế “lùi lại và ngã xuống đất”. Ngôn sứ Ma-la-khi đã viết : “Ai đứng vững được khi Người xuất hiện” (Ml 3,2).

Chúa hỏi họ lần thứ hai, họ thưa như lần trước. Chúa trả lời : “Tôi đã bảo các ông rằng “Ta Là” [là Ta đây !]. Và Chúa yêu cầu họ một điều : “Nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi !”.Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói : “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai”. Chú ý chi tiết này : các Tin Mừng Nhất Lãm thường nói “ứng nghiệm lời Sách Thánh”, Gio-an nói “ứng nghiệm lời Chúa Giê-su đã nói”.

Chúa Giê-su là “Lời đã làm người”, “Lời là Thiên Chúa”.

Các Tin Mừng Nhất Lãm đều kể khi Chúa bị bắt thì một trong các môn đệ tuốt gươm chém trúng một tên đầy tớ làm nó đứt tai (Mt 26,51 ; Mc 14,47 ; Lc 22,50), nhưng không cho biết tên người chém cũng như tên kẻ bị chém. Gio-an cho biết tên người chém là Phê-rô và tên kẻ bị chém là Man-khô và cả chi tiết : “đứt tai phải”. Có lẽ vì người môn đệ cùng đi với ông Phê-rô và bảo lãnh cho ông cùng vào dinh thượng tế, là người “quen biết vị thượng tế” (Ga 18,15-16) nên biết rõ chi tiết. Cả bốn sách tin Mừng đều kể rằng Chúa Giê-su ra lệnh không dùng bạo lực để bảo vệ Chúa. Nhưng chỉ có Lu-ca cho biết : “Chúa Giê-su sờ vào tai tên đầy tớ và chữa cho lành”, như để minh họa lời Chúa dạy : “Hãy làm ơn cho kẻ thù” (Lc 6,27.35).

Chúa Giê-su ra lệnh cho ông Phê-rô xỏ gươm vào bao : “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống.” Đây là lần duy nhất trong Gio-an chúng ta gặp thấy hình ảnh này, để nói về cuộc Thương Khó như là ý định, kế hoạch của Chúa Cha mà Chúa Giê-su vâng phục hoàn toàn.

2. Chuyện tại dinh thượng tế Kha-nan (Ga 18,12-27)

12 Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do-thái bắt Đức Giê-su và trói Người lại. 13 Trước tiên, họ điệu Đức Giê-su đến ông Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha. Ông Cai-pha làm thượng tế năm đó. 14 Chính ông này đã đề nghị với người Do-thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.

15 Ông Si-môn Phê-rô và một môn đệ khác đi theo Đức Giê-su. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giê-su vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. 16 Còn ông Phê-rô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phê-rô vào. 17 Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phê-rô : “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao ?” Ông liền đáp : “Đâu phải.” 18 Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó ; ông Phê-rô cũng đứng sưởi với họ. 19 Vị thượng tế tra hỏi Đức Giê-su về các môn đệ và giáo huấn của Người. 20 Đức Giê-su trả lời : “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. 21 Sao ông lại hỏi tôi ? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì.” 22 Đức Giê-su vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói : “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư ?” 23 Đức Giê-su đáp : “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào ; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?” 24 Ông Kha-nan cho giải Người đến thượng tế Cai-pha, Người vẫn bị trói.

25 Còn ông Si-môn Phê-rô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông : “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao ?” Ông liền chối : “Đâu phải.” 26 Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phê-rô chém đứt tai, lên tiếng hỏi : “Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao ?” 27Một lần nữa ông Phê-rô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.

Trong phần này chúng ta có hai chuyện đan kết với nhau : trong dinh thì “thượng tế tra hỏi Chúa Giê-su về các môn đệ và giáo huấn của Người” ; ngoài sân thì ông Phê-rô chối Thầy đủ ba lần trước khi gà gáy.

Sau cuộc đối thoại ở trong vườn, Chúa Giê-su để cho họ bắt trói, không kháng cự. Họ điệu Chúa về dinh Kha-nan, bố vợ của thượng tế Cai-pha. Kha-nan là thượng tế đã bị Rô-ma truất phế từ năm 16. Cai-pha là thượng tế đương nhiệm. Có vẻ như Kha-nan vừa là bố vợ, vừa là “bố già” điều khiển ở hậu trường, nên Cai-pha cho giải Chúa Giê-su về trình “bố già” trước. Gio-an không quên nhắc chúng ta về sáng kiến của Cai-pha, để cho thấy sáng kiến ấy đang được thi hành, vì thế Cai-pha nhường cho Bố Già “hỏi cung”.

Ngay từ ngoài cổng, trả lời câu hỏi của cô tớ gái về “sơ yếu lí lịch” của ông, ông Phê-rô đã chối thẳng thừng rằng ông không phải là người trong nhóm của Chúa Giê-su. Rồi như để chứng minh lời của mình, ông hòa mình giữa bọn thuộc hạ quây quần quanh đống than hồng ở ngoài sân, làm như ông có phép hoá thân của Tôn Ngộ Không để không bị nhận diện !

Sau khi đưa ông Phê-rô vào vị trí an toàn và ấm áp dưới trời đêm cuối xuân ở Giê-ru-sa-lem [tương tự như khí hậu Đà-lạt mùa đông], Gio-an đưa chúng ta vào trong dinh thượng tế để chứng kiến buổi hỏi cung do “Bố Già” chủ sự. Nội dung cuộc hỏi cung xoay quanh hai điểm : “Các môn đệ và giáo huấn của Chúa Giê-su”.

Chúa Giê-su không trả lời về các môn đệ vì hai lý do hiển nhiên : một là Chúa đã thưa với Chúa Cha rằng Chúa gìn giữ những người Chúa Cha trao, không để mất một ai, và ngay khi đối diện với những kẻ đến bắt Chúa ở trong vườn, Chúa đã yêu cầu để cho họ đi. Hai là “ông đứng đầu nhóm môn đệ” đang ngồi ngoài sân đã chối Thầy rồi.

Còn về giáo huấn thì Chúa mời ông thượng tế đi hỏi những người đã nghe Chúa giảng, vì Chúa luôn giảng dạy công khai, không nói gì lén lút. Chúa vừa dứt lời thì một tên thuộc hạ quen thói nịnh thần, giơ tay vả mặt Chúa mà bắt bẻ : “Anh trả lời thượng tế như thế ư ?” Chúa Giê-su không chịu cho hắn dùng bạo lực khỏa lấp sự thật : “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào ; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?”

“Bố già” hỏi cung cho vui thôi. Mọi chuyện thì “con rể của ông” đã quyết định rồi, nên ông cho giải Chúa Giê-su qua nhà con rể. Gio-an cho một chi tiết : “Người vẫn bị trói”, thoạt nghe có vẻ dư thừa, nhưng có lẽ không phải dư thừa. Nó nối với cảnh ở trong vườn : “Họ bắt Chúa Giê-su và trói người lại”. Câu chuyện ở dinh thượng tế Khan-na chỉ là chuyện ngang đường, đi qua nhà ghé “chào Bố Già”, hẳn là do Cai-pha chỉ thị để tỏ lòng trọng kính, nịnh Bố Già ; cũng giống như tên thuộc hạ vả mặt Chúa Giê-su để nịnh chủ. Tớ cũng như chủ đều là phường nịnh bợ. Cai-pha mới là thượng tế đương nhiệm, có quyền xét xử.

Đang khi Chúa Giê-su trả lời thượng tế ở trong dinh, thì bên ngoài ông Phê-rô tiếp tục chối cho đủ ba lần. Lần thứ ba mới thật là gay go, vì người điểm mặt ông là bà con với tên bị chém, có mặt trong đám thuộc hạ đi bắt Chúa Giê-su ở trong vườn : “Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao ? Một lần nữa ông Phê-rô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy”. Con gà hóm hỉnh lên tiếng ngay lúc ấy như nhắc ông Phê-rô đếm lại coi mấy lần rồi. Gio-an không cho biết phản ứng của ông Phê-rô khi nghe gà gáy, như các Tin Mừng Nhất Lãm, để dành tới sau khi Chúa Phục sinh sẽ kể tiếp. Gio-an đã kể đủ ba lần ông Phê-rô chối Thầy và ngưng với tiếng gà, như để cho thấy một lần nữa lại ứng nghiệm lời Chúa Giê-su báo trước (Ga 13, 38). Nhưng ngay lúc này, Gio-an không kể ông Phê-rô đã chạy ra ngoài khóc lóc thảm thiết như để cho ông chứng kiến cảnh đám thuộc hạ dẫn Chúa Giê-su “vẫn bị trói” ra, đi qua trước mắt ông Phê-rô, người vừa chối Thầy nhanh hơn gà gáy.

Có thể là ông Phê-rô đã chạy đi, nhưng người kể bỏ lửng chuyện ông Phê-rô để nhắm vào người đọc : ông Phê-rô còn đó hay không là chuyện của ông ấy, tôi là người đang đọc, tôi “còn đứng đó”, tôi cũng từng chối, không nhận mình là môn đệ của Chúa, không phải ba lần nhưng là nhiều lần, bằng ba cách : tư tưởng, lời nói, việc làm… Tôi nhìn Chúa bị trói dẫn đi qua trước mặt tôi với tâm trạng nào ?

Cai-pha chẳng hề nghe Chúa Giê-su, án đã quyết rồi. Ông chỉ chờ mau sáng để điệu Chúa Giê-su tới dinh, xin Phi-la-tô bật đèn xanh và dẫn Chúa đi đóng đinh thập giá. Hôm Lễ Lều, ông Ni-cô-đê-mô đã vạch rõ là phe lãnh đạo đang làm điều phi pháp, nhưng hôm ấy họ chỉ nhục mạ ông, đuổi ông về đi học lại. “Ông nói với họ : Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ? Họ đáp : Cả ông nữa ông cũng là người Ga-li-lê sao ? Ông cứ nghiên cứu rồi sẽ thấy : không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả” (Ga 7,51). Đêm nay Cai-pha làm đúng như thế.

3. Trước mặt Tòan Quyền Phi-la-tô (Ga 18,28 – 19,16)

28 Vậy, người Do-thái điệu Đức Giê-su từ nhà ông Cai-pha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. 29 Vì thế, tổng trấn Phi-la-tô ra ngoài gặp họ và hỏi : “Các người tố cáo ông này về tội gì ?” 30 Họ đáp : “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan.” 31 Ông Phi-la-tô bảo họ : “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người.” Người Do-thái đáp : “Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả.” 32 Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói, khi ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

33 Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người : “Ông có phải là vua dân Do-thái không ?” 34 Đức Giê-su đáp : “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi ?” 35Ông Phi-la-tô trả lời : “Tôi là người Do-thái sao ? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì ?” 36 Đức Giê-su trả lời : “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” 37 Ông Phi-la-tô liền hỏi : “Vậy ông là vua sao ?” Đức Giê-su đáp : “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” 38 Ông Phi-la-tô nói với Người : “Sự thật là gì ?”

Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Do-thái và nói với họ : “Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy. 39 Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Do-thái cho các người không ?” 40 Họ lại la lên rằng : “Đừng tha nó, nhưng xin tha Ba-ra-ba !” Mà Ba-ra-ba là một tên cướp.

1 Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giê-su đi và đánh đòn Người. 2 Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. 3 Họ đến gần và nói : “Kính chào vua dân Do-thái !”, rồi vả vào mặt Người.

4 Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái : “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy.” 5 Vậy, Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ : “Đây là người !” 6 Khi vừa thấy Đức Giê-su, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng : “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá !” Ông Phi-la-tô bảo họ : “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.” 7 Người Do-thái đáp lại : “Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.”

8 Nghe lời đó, ông Phi-la-tô càng sợ hơn nữa. 9 Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giê-su : “Ông từ đâu mà đến ?” Nhưng Đức Giê-su không trả lời. 10 Ông Phi-la-tô mới nói với Người : “Ông không trả lời tôi ư ? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao ?” 11 Đức Giê-su đáp lại : “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.”

12 Từ đó, ông Phi-la-tô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do-thái kêu lên rằng : “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da.” 13 Khi nghe thấy thế, ông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha. 14 Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái : “Đây là vua các người !” 15 Họ liền hô lớn : “Đem đi ! Đem nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá !” Ông Phi-la-tô nói với họ : “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao ?” Các thượng tế đáp : “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da.” 16 Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá.

Trình thuật Cuộc Thương Khó trong cả bốn sách Tin Mừng đều nói đến việc “người Do-thái” điệu Chúa Giê-su tới Tổng Trấn Phi-la-tô và xin Phi-la-tô cho họ đóng đinh vào thập giá. Lý do đơn giản là Rô-ma đã truất quyền kết án tử hình khỏi tay Thượng Hội Đồng Do-Thái.

Tin Mừng Gio-an có một cách trình bày rất đặc biệt về chuyện tại dinh Phi-la-tô. Gio-an không kể cuộc xét xử nào tại dinh Thượng Tế. “Bố già” Kha-nan hỏi Chúa Giê-su mấy câu rồi không kết luận gì cả. Trong trình thuật thì đây là khung cảnh cho Phê-rô chối Thầy đang khi Kha-nan hỏi Chúa về môn đệ và giáo lý. Coi như Phê-rô trả lời câu hỏi về môn đệ bằng ba lần chối, còn Chúa Giê-su trả lời câu hỏi về giáo lý của Chúa bằng cách gởi ông Kha-nan đi xin học lại từ những người đã trực tiếp nghe Chúa giảng. Kha-nan cho giải Chúa qua dinh Cai-pha, thượng tế đương nhiệm. Ông này đã tuyên bố từ trước rằng Chúa Giê-su phải chết thay cho toàn dân. Cai-pha không xét xử gì cả, chỉ giữ Chúa Giê-su qua đêm, chờ “lúc trời vừa sáng” thì điệu tới dinh Phi-la-tô. Chúa Giê-su là nhân vật chính đứng giữa Phi-la-tô và người Do-thái do các Thượng Tế trực tiếp điều động. Cuối cùng sẽ chỉ có các thượng tế và Phi-la-tô nói chuyện với nhau để kết thúc. Trong trình thuật của Gio-an, không có Hê-rô-đê. Người Do-thái tự ý nêu tên Ba-ra-ba, là một tên cướp, để xin tha thay vì tha Chúa Giê-su.

Thượng tế Cai-pha không hề nghe Chúa Giê-su mà chỉ tuyên bố rằng Chúa phải chết thay cho toàn dân. Phi-la-tô trở thành người đứng giữa. Chú ý tới các di chuyển và hành động của Phi-la-tô, ta có thể chia trình thuật thành 7 cảnh :

1/ đi ra nói với người Do-thái.

2/ lại đi vào nói với Chúa Giê-su ; Chúa Giê-su mời nghe, Phi-la-tô phủi.

3/ lại đi ra nói với người Do-thái.

4/ Phi-la-tô hành động : “nhận lấy” Chúa Giê-su và đánh bằng roi.

5/ lại đi ra nói với với người Do-thái

6/ Phi-la-tô nghe lời này của người Do-thái nói – phát sợ,

lại đi vào nói với Chúa Giê-su và Chúa trả lời, ông càng tìm cách tha Người,

ông lại nghe những lời người Do-thái đuổi theo ông vào tận bên trong :

7/ ông dẫn Chúa Giê-su rađặt ngồi trên tòa tại nơi gọi là Litho-strotos, “Nền lát đá”. Gio-anngừng kể, cho chúng ta thông tin về ngày giờ

Phi-la-tô nói với người Do-thái

Họ la lên

Phi-la-tô nói với họ

Các thượng tế trả lời.

Bấy giờ Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ (các thượng tế) để chịu đóng đinh thập giá.

Nhờ Phi-la-tô chúng ta được nghe hai bên, đồng thời cũng được nghe ý kiến và thấy phản ứng, cách hành xử của Phi-la-tô, trong tư cách là quan Toàn Quyền Rô-ma coi xứ Giu-đa.

Đến đây chúng ta có thể quay lại, đọc kỹ từng cảnh.

Người Do-thái điệu Đức Giê-su tới dinh Phi-la-tô, nhưng không vào, vì bước vào nhà người ngoại là bị ô uế, mà hôm đó là ngày dọn mừng lễ Vượt Qua rồi, nếu bị nhiễm uế thì đêm ấy sẽ không được ăn lễ Vượt Qua. Vì thế Phi-la-tô phải ra ngoài để nói với họ. [Tôi điều chỉnh bản dịch cho sát bản Hy-lạp để có thể bàn vào một số chi tiết quan trọng]

1/ Phi-la-tô đi ra bên ngoài gặp họ và nói : “Các ông tố cáo người này về chuyện gì ?”. Họ đáp : “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng trao (1) ông này cho quan

Một đám lãnh đạo cùng thuộc hạ dẫn người đến dinh quan lớn thì dĩ nhiên phải có chuyện gì để tố cáo. Nhưng họ lại tránh né, lấy việc “trao” làm lý do để chứng minh là tất nhiên ông này phải làm điều ác rồi. Phi-la-tô muốn biết ngay là điều gì, nhưng họ không chịu nói ra thì ông trả lại cho họ lãnh trách nhiệm : “Thì các ông nhận lấy (2) mà xét xử theo luật của các ông !

Bị từ chối, họ vẫn không chịu khai “chuyện gì”, nhưng nói ra một điều mà Phi-la-tô không thể từ chối can thiệp : “Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả !” Như thế thì họ quả quyết là họ đã xét xử theo luật của họ rồi, họ dẫn đến cho Phi-la-tô là để xin phê chuẩn án tử hình thôi, vì Rô-ma đã truất quyền xử tử hình của họ từ lâu rồi. Phi-la-tô bị dồn vào thế bắt buộc phải vào cuộc.

Gio-an lại ngưng kể và cho chúng ta biết : “Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói khi ám chỉ Người phải chết cách nào.” Vẫn là ứng nghiệm lời Chúa Giê-su đã báo trước ba lần : được giương cao (Ga3,14 ; 8,28 ; 12,32) ; đặc biệt ở Ga 3,14, Chúa còn so sánh với con rắn bằng đồng được ông Mô-sê treo lên cây (Ds 21,9). Nếu người Do-thái xử tử thì ném đá, còn nếu Rô-ma xử tử thì đóng đinh vào thập giá.

2/ Phi-la-tô lại đi vào bên trong dinh, gọi Chúa Giê-su [vàovà nói với Người : “Ông là vua người Do-thái à ?” (3) Chúng ta đừng vội thắc mắc tại sao Phi-la-tô lại đôt ngột hỏi như vậy. Chúa Giê-su hỏi lại ngay : “Ngài tự ý nói điều này, hay những người khác đã nói với ngài về tôi ?” Xác định chi tiết này là chuyện sinh tử, vì nếu là Phi-la-tô tự ý nói thì ý nghĩa khác, còn nếu do người khác nói với Phi-la-tô thì phải xác định họ nói với ý nghĩa nào. Chúa Giê-su nói “những người khác”, chứ không nói là những ai. Phi-la-tô cũng không trả lời thẳng, mà nói : “Tôi là người Do-thái hay sao ? Chính dân ông và các thượng tế đã trao ông cho tôi. Ông đã làm gì ?” Phi-la-tô minh định ông không nói chuyện với Chúa Giê-su như giữa người Do-thái với nhau, cũng không phải ông ta đã cho bắt Chúa Giê-su. Câu trả lời úp úp mở mở này đủ cho Chúa Giê-su nhận ra Phi-la-tô dựa vào nguồn tin nào mà đặt câu hỏi kia. Phi-la-tô chỉ quan tâm tới lý do thật sự của người Do-thái khi đòi giết Chúa. Chúa không trả lời thẳng câu hỏi của Phi-la-tô “Ông đã làm gì ?”, nhưng trả lời câu hỏi trước, minh định vương quốc của Người : “Vương quốc của tôi không thuộc về thế gian này. Nếu vương quốc của tôi thuộc về thế gian này thì thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị trao vào tay người Do-thái. Nhưng quả thật là vương quốc của tôi không ở chốn này”.

Phi-la-tô kết luận : “Như vậy thì ông là vua à ?” Hai bên đều nói chuyện hiển nhiên. Chúa Giê-su cho bằng chứng hiển nhiên rằng Vương quốc của của Người không thuộc về thế gian này, không thuộc về cõi này. Phi-la-tô cũng rút kết luận hiển nhiên : ông nói ông có vương quốc của ông, dù nó không thuộc cõi này, thì ông vẫn là vua chứ gì nữa.

Chúa Giê-su xác nhận câu trả lời của Phi-la-tô “Chính ngài nói rằng tôi là vua.” Lần này thì rõ ràng là Phi-la-tô đã tự ý nói, sau khi đích thân nghe chính Chúa Giê-su nói về bản thân, chứ không phải nghe “những người khác nói với ông”.

Chúa tiếp tục giải thích về cách thức Chúa thi hành vương quyền : “Tôi đã sinh ra và đến thế gian là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía [thuộc về] sự thật thì nghe tiếng tôi”. Kiểu nói ở đây gợi lại : “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi” (Ga 10,2-5.16.27). Nói với Phi-la-tô là người Rô-ma về Vương quốc của Chúa không thuộc thế gian này thì Chúa lại nói “Ai thuộc về Sự Thật thì nghe tiếng tôi”.

Để đi sâu vào điểm này, cần trở lại chương thứ 8. Trong dịp Lễ Lều Chúa Giê-su đã gây thắc mắc khi nói với người Do-thái : “Nơi tôi đi các ông không thể đến được”. Rồi giải thích : “Các ông thuộc về hạ giới ; còn tôi, tôi thuộc về thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này ; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này”. Trong cuộc tranh luận theo sau đó, Chúa Giê-su đã trả lời câu hỏi “Ông là ai ?” do người Do-thái đặt, Chúa Giê-su sẽ tự mặc khải bằng hai danh xưng mà Thiên Chúa đã trả lời cho ông Mô-sê từ trong Bụi Gai rực lửa khi ông Mô-sê xin được biết Danh của Ngài : Ta Là [Đấng Hằng Hữu] vàThiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác và Thiên Chúa của Gia-cóp (Xh 3,13-15). Chúa tuyên bố : “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi thì các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông”. Lời này châm ngòi cho một cuộc tranh luận gay gắt, đưa tới kết cuộc là họ toan ném đá Chúa. Nhưng cuộc tranh luận xoay quanh chuyện họ tự khẳng định họ là người tự do, không cần được giải phóng, vì cha của họ là Áp-ra-ham, là Thiên Chúa. Chúa Giê-su lại vạch cho thấy cha của họ không phải là Áp-ra-ham, lại càng không phải là Thiên Chúa, nhưng là thằng quỷ, cha của sự dối trá và kẻ sát nhân từ ban đầu (Ga 8,13-59).

Trong câu chuyện thân mật với môn đệ sau bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su cho họ biết : “Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).

Hôm nay thấy Phi-la-tô bắt đầu chú ý tới bản chất Vương quốc của Chúa, Chúa bắt đầu nói với ông về Sự Thật. Nhưng Phi-la-tô khẳng định ngay rằng ông không quan tâm. Ông buông thõng một câu : “Sự Thật là cái gì ?” rồi bỏ đi ra.

3/ Phi-la-tô lại đi ra bên ngoài gặp người Do-thái và nói với họ : “Phần ta, ta không thấy căn cớ nào nơi ông ấy cả. Theo tục lệ của các ngươi, vào dịp lễ Vượt Qua, ta phóng thích cho các ngươi một ai đó.

Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích vua của người Do-thái cho các ngươi không ?”

Họ lại gào lên rằng : “Đừng tha người này nhưng tha Ba-ra-ba.” Mà Ba-ra-ba này là kẻ cướp.

Cách xử lý của Phi-la-tô khiến ta thắc mắc. Ông đã kết luận rằng lời tố cáo của họ là không căn cớ. Thế nhưng ông lại dựa vào phong tục phóng thích cho họ một tù nhân vào dịp lễ Vượt Qua, để đề nghị với họ là tha “vua của người Do-thái”. Cần chú ý từng chi tiết ở đây, vì chúng ta dễ lẫn lộn với các trình thuật Nhất Lãm. Trong trình thuật của Gio-an, Phi-la-tô không đưa ra “ứng viên” nào khác cho họ chọn lựa, mà đề nghị trực tiếp “vua của người Do-thái”. Ông không nói tên vua của người Do-thái.

Đọc kỹ như thế, chúng ta sẽ nhận ra câu trả lời của họ trở nên hàm hồ cách tệ hại : họ đồng ý phóng thích cho họ “vua của người Do-thái”, nhưng không phải người mà họ đã dẫn đến, Phi-la-tô chưa bỏ tù người họ dẫn đến, nên đâu có thể nói phóng thích cho họ một người tù. Vua của họ đang ở trong tù, tên là Ba-ra-ba.

Tới lúc này ta chưa hề nghe nói đến Ba-ra-ba, người kể cung cấp ngay Thông tin về lý lịch của Ba-ra-ba. Thông tin lý lịch trở thành lời châm biếm thật hiểm hóc. Thế là “ăn miếng trả miếng”, Phi-la-tô bác lời tố cáo của họ vì “vô căn cớ”, họ bác lời đề nghị của Phi-la-tô vì ông tráo người này với vua người Do-thái, tên là Ba-ra-ba, đang là tù nhân của ông. Họ đòi chơi sòng phẳng, không để cho Phi-la-tô “tráo bài”

4/ Bấy giờ Phi-la-tô “nhận lấy” [elaben] Đức Giê-su và đánh đòn. Người Do-thái đến trao [paredokamen] Chúa Giê-su cho Phi-la-tô để yêu cầu xử tử. Phi-la-tô đóng vai con thoi : đi ra gặp và nói với người Do-thái, rồi lại đi vô nói với Chúa Giê-su, bây giờ lại đi ra gặp và nói với người Do-thái. Lần này người Do-thái không nói nữa mà gào lên, tình thế trở nên căng thẳng quyết liệt. Coi như Phi-la-tô bị ép phải “nhận lấy” người mà họ trao cho ông.

Làm gì bây giờ ? Họ đòi xử tử người họ trao cho ông. Theo thói tục Rô-ma, tử tù không phải là công dân Rô-ma thì bị đánh đòn trước khi chịu đóng đinh. Trong lịch sử Do-thái thời Chúa Giê-su, Hê-rô-đê Cả - được Rô-ma phong và yểm trợ chiếm phần đất Rô-ma trao cho ông gồm cả Ga-li-lê và Giu-đa – đã dùng chiến tranh để chiếm lĩnh vương quốc. Ông vua-thượng-tế cuối cùng của dòng họ Mác-ca-bê ở Giê-ru-sa-lem, tên là An-ti-gôn thua và bị Rô-ma bắt đem về An-ti-ô-khi-a đóng đinh. Trước khi đóng đinh, lính Rô-ma đánh “kỹ” tới mức thấy được ruột gan ông !

Tin Mừng Lu-ca kể Phi-la-tô nhượng bộ từng bước (Lc 23,1-25).

Lần thứ nhất ông khẳng định : “Ta xét thấy người này không có tội gì” (Lc 23,4).

Lần thứ hai, ông vin sự ủng hộ của Hê-rô-đê, tuyên bố : “Các người nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các người, mà không thấy người này có tội gì, như các người tố cáo. 15 Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các người thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. 16 Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.” (Lc 23,14-16)

22 Lần thứ ba, ông Phi-la-tô nói với họ : “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác ? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.” 23 Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.

Áp lực của âm thanh ”tiếng la càng thêm dữ dội” khiến Phi-la-tô nhượng bộ hoàn toàn :

24 Ông Phi-la-tô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. 25 Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giê-su thì ông trao nộp theo ý họ muốn.

Đọc Tin Mừng Gio-an, chúng ta phải tạm quên những giải thích này và chú ý theo bản văn.

Trong ba cảnh trước, chúng ta thấy trong câu trả lời cho Phi-la-tô, người Do-thái không nói gì đến danh hiệu vua. Chính Phi-la-tô tự ý hỏi thẳng Chúa Giê-su : “Ông là vua người Do-thái à ?” Chúa Giê-su ân cần giải thích cho ông về vương quốc của Chúa. Phi-la-tô kết luận : “Vậy thì ông là vua”. Chúa tiếp tục giải thích cho ông về cách thức Chúa thi hành vương quyền, nhưng ông phủi không nghe.

Lần thứ hai ông đi ra ngoài gặp và nói với người Do-thái thì cũng tự ý ông đề nghị phóng thích “vua người Do-thái”. Nhưng họ khẳng định “vua người Do-thái” không phải là người mà họ trao cho ông.

Ta có thể tóm lại, ba cảnh trước là phần thứ nhất của câu chuyện ở dinh Phi-la-tô : trao đổi để làm rõ quan điểm của mỗi bên.

– Người Do-thái không nhận Chúa Giê-su là “vua của người Do-thái”,

– Chúa Giê-su thì xác nhận Người là Vua, nhưng vương quốc của Người không thuộc về thế gian này và cách người thi hành vương quyền cũng khác.

– Phi-la-tô thì nhìn nhận Chúa Giê-su là Vua, nhưng không muốn nghe giải thích.

Trong ba cảnh trước, Phi-la-tô chuyển từ vai con thoi thành người trong cuộc, chọn lập trường cho mình : người mà người Do-thái trao cho ông là một ông Vua của một vương quốc. Đơn giản thế thôi, ông không muốn biết thêm. Ông cứ tạm cho cái danh hiệu là “Vua của người Do-thái”, dù chính người Do-thái không nhìn nhận thì ít ra là “vua mà người Do-thái trao cho ông”.

Cảnh thứ tư này như bản lề : Phi-la-tô chuyển sang hành động. Không tuyên bố lý do. Ông nhận lấy người mà người Do-thái trao cho ông và đánh đòn theo kiểu Rô-ma - đánh bằng roi tua, mỗi đầu tua có móc sắt để xé da xé thịt. Dĩ nhiên là Phi-la-tô sai lính của ông đánh đòn, nhưng Gio-an để Phi-la-tô làm chủ từ cho cả hai động từ nhận lấy  đánh đònGio-an không kể chi tiết chuyện đánh đòn, nhưng kể phần tiếp sau (ở đây xin cũng hãy tạm quên trình thuật Nhất Lãm) :

2 Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. 3Họ đến gần và nói : “Kính chào vua dân Do-thái !”, rồi vả vào mặt Người.

Bọn lính hành động như minh họa câu chuyện giữa Chúa Giê-su và Phi-la-tô : Phi-la-tô nói đây là “vua của người Do-thái”, còn Chúa Giê-su nhận mình là vua, nhưng vương quốc của Ngài không ở chốn này, chẳng có thuộc hạ nào bảo vệ Ngài. Bọn lính minh họa : quả thực Ngài không phải là vua một vương quốc thế gian, bọn lính tự do làm theo ý thích, chẳng sợ ai can thiệp : đội cho Ngài vương miện là vòng gai do lính sắm cho, khoác cho Ngài chiếc áo choàng đỏ (Gio-an không nói ai sắm cho !), và tự đóng vai thần dân tung hô theo lời của Phi-la-tô : “Kính chào vua người Do-thái” rồi “vả mặt Người” (4). Quả như Chúa nói với Phi-la-tô : “Vương quốc của tôi không thuộc chốn này”. Vương quốc của tôi là Vương quốc của Sự Thật. Phi-la-tô đã buông thõng : “Sự thật là cái gì” rồi bỏ đi ra, bây giờ Chúa Giê-su dùng lính của ông để trả lời : SỰ THẬT đối ngược với sự DỐI TRÁ. Ông phải lột hết mọi lớp dối trá chung quanh và trong lòng ông thì ông mới “biết Sự Thật, và Sự Thật giải phóng” cho ông.

5/ Cảnh thứ năm :

Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái : “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy." 6 Khi vừa thấy Đức Giê-su, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng : “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá !” Ông Phi-la-tô bảo họ : “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.” 7Người Do-thái đáp lại : “Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.”

Ở cảnh thứ nhất, người Do-thái dẫn Chúa Giê-su đến cho ông. Kết thúc cảnh thứ nhất, ông đi trở vào trong dinh, “gọi Chúa Giê-su [vào] và nói với Người”. Ở cảnh thứ ba ông ra ngoài một mình để gặp họ và nói với họ. Cảnh thứ tư diễn ra trong dinh : vì ông đã “nhận lấy” Chúa Giê-su, nên Người ở trong tay ông. Người Do-thái đứng ngoài chưa biết ông đã làm gì, vì ông nhận lấy và đánh đòn chứ không tuyên bố gì cả. Bỗng nhiên ông lại bước ra – họ chờ đợi. Ông long trọng loan báo : “Đây, ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người.” Mục đích là “để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy.”

Cách thức Phi-la-tô chứng minh ông “không thấy lý do nào để kết tội ông ấy” thật là khó hiểu. Người Do-thái dẫn Người đến trao cho ông, ông cự nự với họ rồi miễn cưỡng nhận lấy. Trong tay ông, Người đã được biến đổi hình dạng ra như thế đó, vì ông không thấy lý do nào để kết tội Người :

5 Vậy, Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ.

Lời giới thiệu của Phi-la-tô lại càng khó hiểu : Ông Phi-la-tô nói với họ : “Đây là người !”

Thoạt nhìn và nghe, ta có thể nghĩ tới lời trong bài ca thứ tư về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa :

Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta

mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa,

như khúc rễ trên đất khô cằn.

Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn,

dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. (Is 52,14 và 53,2).

Câu văn Hy-Lạp dùng mạo từ xác định “Ho Anthropos”, “Đây là con người !”, hoặc “Con Người đấy !” như đề dưới một tác phẩm nghệ thuật ; gợi nhớ “con người” mà Thiên Chúa đã dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27). Điều này phù hợp với cách thức Gio-an quy chiếu vào sáchSáng Thế ngay từ Lời Tựa. Phi-la-tô và bọn lính đã “tạc tượng sống”, cho thấy “con người hình ảnh Thiên Chúa” đã bị những mưu mô của “cha sự dối trá” biến đổi ra như thế đó. Thằng “cha sự dối trá” cũng là thằng “sát nhân” từ ban đầu. Chúa Giê-su đã cố vạch cho những “người Do-thái” (5) đang mưu đồ giết Chúa, thấy rằng họ đang làm điều “cha của họ là Xa-tan ưa thích” (x. Ga 8,31-47).

Câu “Chúa Giê-su Phi-la-tô đem ra cho dân thấy mà thương” trong Kinh Cầu Chịu Nạn có thể hiểu trong hướng này : “Hãy nhìn xem, còn phải là con người nữa không ?” Nhưng lời kể của Gio-an vang vọng lời sách I-sai-a xa hơn nhiều : “Người tôi tớ của Thiên Chúa” đang đứng trước mặt các người đấy, nhìn kỹ đi !

Bọn lính của Phi-la-tô nhạo báng cái hình tượng do chính họ “tạc” ra, chứ không phải là nhạo báng “Vua của người Do-thái” ; và sự nhạo báng của họ càng chứng tỏ “Vua của người Do-thái” đích thật ở sâu hơn phía sau, họ không đụng tới được.

Phi-la-tô giới thiệu “Con Người” do sự tàn bạo của bọn lính dưới quyền “tạc” ra như thế chứ không phải “Con Người” Thiên Chúa đã tạo thành “giống hình ảnh Thiên Chúa” như Sách Thánh nói. Phi-la-tô và lính của ông đang nhạo báng chính mình và nhạo báng Thiên Chúa. Họ đều thờ những ngẫu tượng do lòng họ tự nghĩ ra và tay họ tạc thành, đó là một cách nhạo báng Thiên Chúa rồi. Chính hình ảnh của Thiên Chúa cũng bị họ làm cho “không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52,14), rồi đem ra nhạo báng (6).

Các Tin Mừng Nhất Lãm cũng như Tin Mừng Gio-an và sách Khải Huyền còn gợi lại hình ảnh “Con Người” [Con của người] trong sách Đa-ni-en :

Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa :

có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.

Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện.

14 Đấng Lão Thành trao cho Người

quyền thống trị, vinh quang và vương vị ;

muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người.

Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một ;

vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong. (Đn 7,13-14)

Khi Chúa Giê-su dùng cụm từ “Con Người” [Con của người] để nói về chính mình, đặc biệt : “Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao ?” (Ga 6,62) là gợi lên hình ảnh này.

Kể lời của “xướng ngôn viên con thoi” Phi-la-tô giới thiệu một cách gãy gọn, “đanh thép”, không bình luận, như tựa đề dưới chân một pho tượng, Gio-an đã mở vách ngăn, để Cựu Ước vang vọng trong tâm trí người đọc và người nghe đã từng biết Cựu Ước (7).

Chúa Giê-su vẫn nói về Cuộc Thương Khó như cuộc Tôn Vinh. “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết “Ta Là” (Ga 8,28). Phi-la-tô đang bắt đầu “giương Con Người lên cao” trước mắt “người Do-thái”, và họ đòi làm tiếp với lý do rõ ràng hơn. Phi-la-tô nói đúng, trên cương vị nhà cầm quyền Rô-ma thì ông chỉ căn cứ vào luật Rô-ma nên không thấy có lý do gì để kết tội, vì người ấy không làm gì trái luật Rô-ma. Một con người mà lính của ông có thể dùng làm con mồi, để thỏa mãn sự tàn bạo của họ, và đã làm cho không còn hình đang người ta nữa như thế này, thì chẳng có thể là mối đe dọa cho quyền lực của đế quốc, nên ông chẳng cần can thiệp. Người đứng đó như một thách đố và một sỉ nhục cho “người Do-thái” : đây là “người Do-thái” mà chính “người Do-thái” muốn giết đấy ! Nhìn xem Phi-la-tô có thể làm gì với bất cứ “người Do-thái” nào, chẳng cần một lý do nào đâu nhé ! Phản ứng của “người Do-thái” thế nào ?

6 Khi vừa thấy Đức Giê-su, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng : “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá !” Ông Phi-la-tô bảo họ : “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.” 7 Người Do-thái đáp lại : “Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.”

Nếu quả thật Phi-la-tô tính toán theo cách mà “Kinh Cầu Chịu Nạn” suy diễn, thì ông lầm to, vì phản ứng hoàn toàn ngược lại. Chú ý là ở đây cụm từ “người Do-thái” đã được thu hẹp : “các thượng tế cùng các thuộc hạ”. Họ đáp lại sáng kiến của Phi-la-tô giống như ở sân bóng đá, khi một cầu thủ dẫn được trái banh tới gần cầu môn thì “phe ta” gào lên : “Dô ! Dô ! “. Thấy Chúa Giê-su trong tình trạng thể lý sẵn sàng để được giương cao trên cây thập giá thì họ tưởng Phi-la-tô đã thành “phe ta”, nên hô hào ủng hộ : “sút đi, còn đợi gì nữa !” Nhưng họ lầm. Phi-la-tô thẩy trái banh trở lại phần sân của họ như lúc ông ra gặp họ lần đầu : “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.”

Phi-la-tô như thách đố : các ngươi muốn làm theo ý các ngươi, bất chấp pháp luật Rô-ma hả ? Có giỏi cứ ra tay đi ! Bây giờ thì tới phiên Phi-la-tô dồn được “người Do-thái” vào thế bí (8), buộc họ phải nói rõ lý do tại sao họ đòi giết người này. Đã đến phút nói thật : “Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.” Phi-la-tô tưởng đã thắng cuộc, nhưng lời nói thật của họ lại đẩy ông vào tình trạng lúng túng vì sợ hãi.

6/ Cảnh thứ sáu :

8 Nghe lời đóông Phi-la-tô càng sợ hơn nữa. 9 Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giê-su : “Ông từ đâu mà đến ?” Nhưng Đức Giê-su không trả lời. 10 Ông Phi-la-tô mới nói với Người : “Ông không trả lời tôi ư ? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao ?” 11 Đức Giê-su đáp lại : "Ngài khôngc ó quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn."

Để hiểu được nỗi sợ của Phi-la-tô, chúng ta phải nghe “câu nói thật” trong ngôn ngữ và tâm trạng của ông. Khi chúng ta dịch ra là “Con Thiên Chúa” thì đúng với ý nghĩa như người Do-thái muốn nói. Nhưng trong lỗ tai Phi-la-tô, một người Rô-ma, thì cụm từ Hy-lạp (hay La-tinh cũng vậy) chỉ có nghĩa là “con của thần”. Người Hy-lạp và Rô-ma thờ rất nhiều thần. Câu chuyện sách Công vụ kể về “thánh Phao-lô ở A-then” và thánh Phao-lô ở Lýt-ra, minh họa điều này :

22 Đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói : “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. 23 Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ : ‘Kính thần vô danh’. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị. (Cv 17,22-23).

Tại Lýt-ra, có một người bại hai chân ngồi đó ; anh ta bị què từ khi lọt lòng mẹ, chưa hề đi được bước nào. 9 Anh nghe ông Phao-lô giảng. Ông nhìn thẳng vào anh và thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, 10 thì lớn tiếng nói : “Anh trỗi dậy đi, hai chân đứng thẳng !” Anh đứng phắt dậy và đi lại được.

11 Thấy việc ông Phao-lô làm, đám đông hô lên bằng tiếng Ly-cao-ni-a : “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta !” 12 Họ gọi ông Ba-na-ba là thần Dớt, ông Phao-lô là thần Héc-mê, vì ông là người phát ngôn. 13 Thầy tư tế đền thờ thần Dớt ở ngoại thành đem bò và vòng hoa đến trước cổng thành, và cùng với đám đông, muốn dâng lễ tế. (Cv 14,8-13).

Nghe lời đó ông Phi-la-tô càng sợ hơn nữa”. Tới đây chưa hề nghe nói Phi-la-tô sợ, bỗng nghe “càng sợ hơn nữa”, ắt phải hiểu là “bây giờ mới nói ra”. Người Do-thái nói thật thì Phi-la-tô cũng để lộ cái thật đang diễn ra trong lòng ông. Đối diện với Chúa Giê-su ở trong vườn, bọn lính và thuộc hạ của các thượng tế đã lùi lại và ngã nhào (Ga 18,6) ; Phi-la-tô đã đối diện và đối thoại với Chúa, hẳn cũng đã cảm thấy cái gì đó, nhưng tới khi nghe chính người Do-thái nói thì ông mới để lộ ra nét mặt, vì biết đâu lỡ ra “pho tượng” ông dựng trước mặt “người Do-thái” quả là con một vị thần nào trong “chư thần” của Rô-ma, xuống thăm cõi trần, thì sao ! ? Làm gì đây ? Cầu cứu thần : 9 Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giê-su : “Ông từ đâu mà đến ?”

Hai môn đệ đầu tiên hỏi Chúa “Thầy ở đâu ?” và Chúa đã trả lời trong bữa Tiệc Ly. “Người Do-thái” biết Chúa từ Na-da-rét đến, nên khi nghe Chúa hỏi tại sao họ dòi ném đá Người, thì “Người Do-thái đáp : “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng : ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” (Ga 10,33). Bây giờ Phi-la-tô nghe “người Do-thái” nói rằng Người tự xưng là “con của thần” thì “càng sợ hơn nữa”. Ông cũng lúng túng như hai môn đệ đầu tiên, nhưng lại hỏi : “ông từ đâu mà đến”. Nhưng Chúa ngậm miệng làm thinh. Phi-la-tô đem “quyền sanh sát” của mình ra hù dọa “con của thần”. Ông sợ quá hóa quẩn rồi, vì lỡ ra người đứng trước mặt ông quả là “con của thần” trong hàng chư thần của Rô-ma thì thần dậy cho ông biết lễ độ liền đấy. Dù sao cách phản ứng của ông chứng tỏ ông sợ thật rồi, nên Chúa ôn tồn trả lời, mong mở mắt cho ông :“Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu quyền ấy chẳng được ban cho ngài từ trên. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn" [tôi dịch sát]. Chúa có vẻ trấn an Phi-la-tô. Cho đến lúc này và sau đây ông có làm gì được tôi thì bởi vì TRÊN đã cho ông làm đấy. Nhưng Chúa lại đặt ông trước một nỗi sợ mới : “Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn”. Người Rô-ma cũng biết rằng phạm tới thần là có tội đấy, thần nhắm mắt cho làm, nhưng sẽ hỏi tội chứ không làm ngơ đâu. Phản ứng mới của Phi-la-tô : “Từ đó, ông Phi-la-tô tìm cách tha Người.” Nỗi sợ này không làm cho Phi-la-tô tê liệt, nhưng dẫn tới ý muốn chạy thoát bằng cách tha Chúa Giê-su.

Nhưng tiếng la hét của các thượng tế và thuộc hạ đuổi theo Phi-la-tô vào tận trong dinh như một lời đe dọa : “Nhưng “người Do-thái” (9) kêu lên rằng : “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da.” Phi-la-tô hiểu ý nghĩa của những lời này là “coi chừng cái ghế của ông đấy !”

7/ Cảnh thứ bảy :

13 Khi nghe những lời ấyông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha. 14 Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái : “Đây là vua các người !” 15 Họ liền hô lớn : “Đem đi ! Đem nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá !” Ông Phi-la-tô nói với họ : “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao ?” Các thượng tế đáp : "Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da." 16 Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá.

Ở cảnh thứ sáu, khi nghe lời đó, tức là “người này đã xưng mình là con của thần”, thì Phi-la-tô càng sợ hơn nữa. Bây giờ, khi nghe những lời ấy, tức là “nếu ông tha người này thì ông không còn là bạn của Xê-da”, chúng ta không biết cái gì xảy ra trong ông, nhưng chỉ thấy ông bật dậy như lò-xo, hành động quyết liệt, không tỏ ra sợ hay do dự nữa. Ở cảnh thứ 5 thì Phi-la-tô ra trước, long trọng tuyên bố lý do “dẫn người ấy ra ngoài”, rồi Chúa Giê-su bước ra một mình ; lần này thì ông đột ngột dẫn Đức Giê-su cùng đi ra, trước con mắt ngỡ ngàng của “các thượng tế và thuộc hạ”, ông đặt Đức Giê-su ngồi vào chỗ (10) mà đáng lẽ ông phải ngồi để phán quyết.

Trong khi Phi-la-tô giúp Đức Giê-su an tọa, người kể mở ngoặc nói với chúng ta về thời điểm trong chương trình mừng lễ Vượt Qua : “Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Quavào khỏang mười hai giờ trưa.” Độc giả và thính giả của Gio-an hiểu ngay đó là giờ - người Do-thái đang chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua - phải đưa con chiên đã tắm rửa sạch ở Hồ Chiên (11) lên Đền Thờ trao cho các tư tế để tới ba giờ chiều thì bắt đầu sát tế.

Trở lại diễn biến ở dinh Phi-la-tô. Chúa Giê-su đã an tọa, Phi-la-tô đứng làm người giới thiệu. Ông long trọng tuyên bố : “Đây là vua các ngươi !” “Người Do-thái” đáp lại bằng tiếng hô cổ võ nhiệt liệt : “Đem đi ! Đem nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá !” Phi-la-tô còn nhử thêm cho họ “thèm nhỏ dãi ra” đã : “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao ?” Kết quả vượt sự chờ đợi. Chú ý là lần này chỉ có các thượng tế lên tiếng thét gào tuyên xưng lòng trung thành tuyệt đối với hoàng đế Xê-da : “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da.” Phi-la-tô hả dạ trao Chúa Giê-su làm phần thưởng cho các thượng tế để họ đóng đinh. Phi-la-tô đã bảo “chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các ngươi sao”, thì bây giờ ông rất sẵn sàng trao Đức Giê-su cho họ dóng đinh vào thập giá, thế là “tốt đạo đẹp đời” !

Bây giờ chúng ta có thể hiểu lý do sự hả dạ của hai bên. Hai bên tìm được “tiếng nói chung” là lòng trung thành với Xê-da, mỗi bên theo tính toán riêng của mình :

Phi-la-tô bị “Người Do-thái” treo cái danh “Bạn của Xê-da” gắn với cái ghế Toàn Quyền của ông ra làm giá, ông liền hết sợ cả thần thánh, đứng bật dậy như lò xo, buông hết để đưa cả hai tay giữ lấy cái ghế của mình.

Người Do-thái” trong bước quyết liệt này chỉ gồm các thương tế thôi, thuộc hạ đứng im bên lề rồi. Các thượng tế chỉ muốn giết cho được Đức Giê-su, nên quên cả Thiên Chúa lẫn Lề Luật, sẵn sàng và hăng hái tuyên xưng lòng trung thành tuyệt đối với Xê-da.

Mạng sống của Chúa làm giá trả cho lòng ham muốn của cả hai bên được thỏa mãn.

4. Ý nghĩa cái chết của Chúa Giê-su theo Tin Mừng Gio-an

Đọc đến đây e có người lắc đầu tự hỏi “cái ông già này còn đức tin không mà đọc Phúc Âm như là đọc tiểu thuyết vậy kìa ?” Xin an tâm, tôi vẫn tin đấy ạ, và vì tin tôi mới đọc được như thế chứ. Một đàng sách Tin Mừng cũng là “văn chương chữ nghĩa”, một đàng thì “văn chương chữ nghĩa” này dùng để truyền đạt đức tin. Muốn vào sâu trong ý nghĩa của điều tôi tin, tôi phải ráng hiểu được văn chương của người rao giảng, vì ý nghĩa thoát ra [nói đúng hơn, được truyền đạt qua] từ mọi khía cạnh nghệ thuật của văn chương. Nếu chỉ kể chuyện này như một đoạn tin thời sự trên báo, đài thì ta đâu thấy được ý nghĩa.

Đoạn văn tuyệt vời lột trần được cái lý do, một trăm phần trăm phàm tục, đưa tới cái chết của Chúa Giê-su. Phơi bầy trước mắt chúng ta cái đen tối, tàn ác, hèn hạ, xấu xa trong lòng con người, mà chúng ta vẫn còn gặp bao lâu còn có loài người trên mặt đất này. Đồng thời lại cho thấy bàn tay quyền năng của Thiên Chúa dùng cả cái xấu xa, tàn ác của con người để thực hiện kế hoạch cứu độ tuyệt vời, mà các ngôn sứ của Thiên Chúa đã loan báo từ xưa. Thiên Chúa có thể biến mật đắng thành mật ngọt. “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” (Rm 8,28).

Hậu quả của cái hiểm độc, gian dối và tàn ác kia lại in lên Chúa Giê-su dung nhan người Tôi Tớ của Thiên Chúa mà I-sai-a đã loan báo trong bài ca thứ ba (Is 50,4-9) và thứ bốn (Is 52,13 – 53,12).

Cái chết trên thập giá là điều chính Chúa Giê-su đã báo trước nhiều lần.

Hình ảnh con Chiên của Thiên Chúa xuất phát từ chuyện Áp-ra-ham hiến tế I-xa-ác được Gio-an Tẩy Giả áp dụng để giới thiệu Chúa Giê-su cho dân chúng, thì bây giờ cũng thành sự. Vào chính giờ ngươi ta đem Con chiên Vượt qua lên Đền Thờ giao cho các tư tế, thì Quan Toàn Quyền Phi-la-tô, đại diện đế quốc Rô-ma, bao trùm cả “thiên hạ” thời đó, trao cho chính các thượng tế, để họ sát tế trên cây thập giá. I-xa-ác đưa vai cho cha chất củi rồi vác lên tới nơi lập bàn thờ… Chúa Giê-su đi ra, đưa vai vác lấy thập giá của mình, đi lên tới nơi dựng bàn thờ thập giá.

Trước khi đọc tiếp, nên đọc lại các chỉ thị về Con Chiên để ăn lễ Vượt Qua, để chúng ta theo dõi kỹ từng chi tiết trong phần tiếp theo, rồi đến cuối điểm lại từng chi tiết, chúng ta sẽ hiểu hơn.

1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập : 2“ Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. 3 Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en : Mồng mười tháng nàyai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. 4 Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. 5 Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. 6 Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, 7 lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. 8Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng. 9 Các ngươi không được ăn sống hay luộc, nhưng chỉ được ăn nướng, với cả đầu, chân và lòng. 10 Không được để lại gì đến sáng ; cái gì còn lại đến sáng, phải đốt đi.” (Xh 12,1-10).

5. Đức Giê-su vác thập giá lên Gôn-gô-tha và chịu đóng đinh (Ga 19,16-22).

Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ nhận lấy Đức Giê-su. 17Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha ; 18 tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa. 19 Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá ; bảng đó có ghi : “Giê-su Na-da-rét, vua dân Do-thái.” 20 Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng : Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp. 21 Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô : “Xin ngài đừng viết : ‘Vua dân Do-thái’, nhưng viết : ‘Tên này đã nói : Ta là vua dân Do-thái’.” 22 Ông Phi-la-tô trả lời : “Ta viết sao, cứ để vậy !”

Phi-la-tô đã nói rõ mấy lần rằng ông không thấy lý do nào để kết án Đức Giê-su, lần cuối cùng ông nói : “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các ngươi sao ?” Các thượng tế long trọng tuyên bố không có vua nào ngoài Xê-da, Phi-la-tô liền trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy thì trong cách kể của Gio-an, các thượng tế lãnh việc đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá. Chờ cho họ đóng đinh Người xong, Phi-la-tô sẽ tiếp tục ra tay.

Cả bốn sách Tin Mừng đều cho biết tên của nơi Chúa chịu đóng đinh, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha, tiếng Hy-lạp là Kranion ; Lu-ca chỉ ghi bằng tiếng Hy-lạp (Mt 27,33 ; Mc 15,22 ; Lc 23,33 ; Ga 19,17).

Ai vác thập giá, thập giá của ai ?” (12) là một điều lý thú khi so sánh trình thuật Thương Khó của bốn sách Tin Mừng để hiểu rõ hơn ý nghĩa của “chi tiết” này mà chúng ta ít khi để ý tới. Gio-an nói rõ : Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha”. Các Tin Mừng Nhất Lãm đều kể tới nhân vật Si-môn người Ky-rê-nê, Mát-thêu và Mác-cô thì cho cảm tưởng là Chúa vác đi một quãng rồi lính mới gặp ông Si-môn và “bắt xâu”, cho ông vác thập giá của Chúa mà đi theo sau. Lu-ca thì cho cảm tưởng là từ đầu lính đã túm lấy ông Si-môn và đặt thập giá lên vai cho ông vác đi đàng sau Chúa Giê-su. Lu-ca không nói đó là thập giá của Chúa, lính túm lấy ông Si-môn đang đi ngang qua đó, đặt thập giá lên vai ông để ông vác mà đi theo đàng sau Chúa.

Lời kể của Gio-an gợi nhớ hình ảnh I-xa-ác. Ông Áp-ra-ham gọi con ra, rồi tự tay chẻ củi trước khi đi, chất củi lên lưng con lừa. Khi tới núi Thiên Chúa đã chỉ cho ông, ông mới chất củi lên vai I-xa-ác, còn ông thì tay cầm dao, tay cầm lửa, hai cha con đi cùng nhau lên núi. Tới nơi, ông Áp-ra-ham lập bàn thờ, chất củi lên bàn thờ rồi trói con đặt trên đống củi (x. St 22,3-10). Trong chuyến lên núi tế lễ này, I-xa-ác hỏi : “Con chiên làm lễ toàn thiêu đâu ?” Áp-ra-ham trả lời “Thiên Chúa sẽ tự lo liệu cho mình một con chiên để làm lễ toàn thiêu, con ạ !” rồi cả hai đi cùng nhau”.

Gio-an đặt trước mắt chúng ta hình ảnh Chúa Giê-su đang một mình bước đi với thập giá trên vai. Nhưng Chúa đã từng nói với người Do-thái (Ga 8,16.29) rồi với các môn đệ : “Này đến giờ – và giờ ấy đã đến rồi – anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.” (Ga 16,32). Như một đạo diễn rất lành nghề, Gio-an cho chúng ta thấy “Chúa Giê-su tự vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Gôn-gô-tha”, không có ai cùng đi. Nếu thực hiện hai khúc phim và chiếu song song trên màn hình, ta sẽ thấy một bên là I-xa-ác con một yêu dấu cùng đi với cha là Áp-ra-ham, bên kia ta chỉ thấy Chúa Giê-su, Con Một yêu dấu của Thiên Chúa bước đi một mình, nhưng lời Chúa Giê-su cho chúng ta biết : “HAI CHA CON ĐI CÙNG NHAU”

Họ nhận lấy Đức Giê-su”, tôi dịch sát bản Hy-lạp để thấy hết ý nghĩa ở đây. Họ đã đến “trao (Ga18,30 động từ Hy-lạp paradidomi) Người cho Phi-la-tô ; sau khi nói qua nói lại, Phi-la-tô đã “nhận lấy” (Ga19,1) động từ Hy-lạp elaben - lambano) Đức Giê-su ; sau một trận đấu khẩu sôi nổi quyết liệt nữa, Phi-la-tôtrao (paradidomi) Đức Giê-su cho họ, “Họ nhận lấy [đón lấy] Đức Giê-su” (parelaben - para-lambano). Họ traoChúa Giê-su vào tay Phi-la-tô, Phi-la-tô đưa tay ra nhận lấy Đức Giê-su – Phi-la-tô trao Đức Giê-su qua tay họ, họ giơ tay ra nhận lấy [đón lấy] Đức Giê-su. Rồi “Đức Giê-su tự vác lấy thập giá đi ra…”. Đức Giê-su bị Người Do-thái và Phi-la-tô trao tay qua trao tay lại, đủ vòng qua lại rồi thì Đức Giê-su tự vác lấy thập giá đi ra… đến tận Gôn-gô-tha.

Bây giờ mới lại tới phiên họ hành động : “Tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũngđóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa.

Lại một chi tiết cần lưu ý. Các Tin Mừng Nhất Lãm nói hai người cùng bị đóng đinh hai bên thập giá của Đức Giê-su là trộm cướp (Mt 27,38 ; Mc 15,27) gian phi [làm điều gian ác] (Lc 23,32-33). Gio-an chỉ nói là hai người khác nữavà nhấn mạnh Đức Giê-su ở giữa (Ga 19,18), gợi lời đã viết trong Lời Tựa : “Ngôi Lời đã làm người và cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).

6. Phi-la-tô treo bản án (Ga 19,19-22).

Các thượng tế làm xong phần của họ là đóng đinh người mà họ không nhìn nhận là Vua Người Do-thái, vào thập giá. Phi-la-tô không mở miệng, nhưng ra tay, xác nhận rõ ràng bằng văn bản lời ông đã long trọng công bố : GIÊ-SU NA-DA-RÉT VUA NGƯỜI DO-THÁI. Ông còn ghi rõ GIÊ-SU NA-DA-RET, không lộn với ai được. Để chắc chắn mọi người đọc được, ông cho viết bằng ba thứ tiếng : tiếng địa phương (Híp-ri) và hai thứ tiếng chung của đế quốc Rô-ma là La-tinh và Hy-lạp.

Thế là chuyện đấu khẩu và trao tay giữa các thượng tế với Quan Toàn Quyền, trở thành chuyện công khai và chính thức cho cả “thiên hạ” được biết.

Các thượng tế thấy mình bị Phi-la-tô “tráo bài”, kéo tới yêu cầu ông sửa lại bản viết theo ý họ. Nhưng Phi-la-tô giờ này không còn là Phi-la-tô mà họ có thể làm cho lúng túng như mấy giờ trước đó. Cái ghế của Phi-la-tô được họ kê giùm cho vững rồi, ông ung dung cất giọng uy quyền và cương quyết : “Cái gì Ta đã viết là đã viết” [tôi dịch sát].

Mấy ông thượng tế tiu nghỉu ra về. Phi-la-tô rung đùi mỉm cười, soạn báo cáo gởi về Rô-ma cho Thương Viện và cho Hoàng Đế : Ngày 14 tháng Ni-san, dịp đại lễ Vượt Qua, người Do-thái, do các thượng tế cầm đầu, đã đồng thanh tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Hoàng Đế Xê-da, và để làm bằng chứng của lòng trung thành ấy, được sự chấp thuận của bản quan, họ đã tự tay đóng đinh “Giê-su Na-da-rét Vua của người Do-thái” trước giờ ăn lễ Vượt Qua, dựng thập giá ở một ngọn đồi bên ngoài tường thành, ngay bên đường qua lại, khiến khách thập phương về dự lễ có thể nhìn thấy và đọc được bản án do bản quan viết bằng ba thứ tiếng, và truyền treo lên đầu cây thập giá : “Giê-su Na-da-rét, vua người Do-thái.”

7. Phần thưởng của lính (Ga 19,23-24)

Tuy Phi-la-tô trao Chúa Giê-su cho thượng tế để đóng đinh, nhưng phần kỹ thuật thì vẫn do lính của Phi-la-tô thi hành, cùng với nhiệm vụ canh giữ.

23 Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần ; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. 24 Vậy họ nói với nhau : “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm. (Ga 19,23-24)

Bốn người lính thi hành phần kỹ thuật đóng đinh và dựng thập giá, được phần thưởng là chia nhau áo xống của người họ vừa đóng đinh. Chúa Giê-su bị bắt ở “khách sạn ngàn sao” thì trên người có chi ngoài chiếc áo dài và cái áo choàng. Chiếc áo dài này lại đặc biệt là không có đường may, dệt liền từ trên xuống dưới. Lính cũng biết quý nghệ thuật, nên thỏa thuận đừng cắt ra mà bốc thăm xem ai được.

Gio-an trích dẫn cho thấy việc lính làm đó lại là ứng nghiệm lời thánh vịnh 22/21,18.

Chi tiết kể tỉ mỉ về chiếc áo dài còn gợi cho người biết Cựu Ước nhớ tới chiếc áo dài sắm cho thượng tế, là công trình của thợ dệt với các loại sợi được chỉ định, chứ không phải của thợ may (x. Xh28,39) (13).

8. Đức Giê-su và thân mẫu (Ga 19,25-27)

25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27 Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Chi tiết này là riêng của Tin Mừng Gio-an, đi đôi với trình thuật Tiệc Cưới Ca-na (Ga 2,1-12). Hôm ở Tiệc Cưới Ca-na, thân mẫu Đức Giê-su có mặt sẵn, còn “Chúa Giê-su đến cùng với các môn đệ”với tư cách là khách được mời. Thân mẫu Đức Giê-su thấy họ thiếu rượu, nói với Chúa Giê-su rằng : “Họ không có rượu”. Câu trả lời của Chúa Giê-su mang hai điều bí ẩn : Người nói với thân mẫu : “Hỡi người Đàn Bà”, và khẳng định một khoảng cách diễn tả bằng thời gian : “Giờ tôi chưa đến”.

Hôm nay trên Gôn-gô-tha, thân mẫu lại có mặt cùng với “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến”, đứng gần cây thập giá, Gio-an vẫn không nói tên của thân mẫu Chúa Giê-su, bên cạnh còn có hai người phụ nữ cùng tên là Ma-ri-a (14). Hôm nay thì Chúa Giê-su thấy thân mẫu và người môn đệ và Chúa Giê-su lên tiếng. Người kể làm như một “đạo diễn”, cho ta nhìn từ phía sau lưng các bà, hướng lên Chúa Giê-su đang được giương Chúa lên cao vì “giờ của Người đã đến” (x. Ga 12,23), ta chưa thấy người môn đệ. Rồi đạo diễn cho ta hình từ tầm mắt của Chúa Giê-su nhìn xuống, bấy giờ ta mới thấy bên thân mẫu của Chúa có người môn đệ Chúa thương mến đứng đó. Chúa lên tiếng : “Hỡi người Đàn Bà, đây là con của Bà”, rồi nói với người môn đệ : “Đây là mẹ của anh”. Người môn đệ làm theo lời Chúa Giê-su bảo : “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.”

Ở Ca-na Đức Mẹ bảo những người giúp bữa tiệc : “Người bảo sao, cứ làm vậy”, Người bảo họ kín nước đổ đầy sáu cái chum. Họ làm theo lời Chúa Giê-su. Hôm nay thì Chúa Giê-su nói, người môn đệ làm theo, nhận [cặp trao – nhận đã gặp ở trên] bà vào giữa những người thuộc về mình, người nhà của mình”.

Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà không chịu đón nhận” (Ga 1,11). Hôm nay Chúa trao “người môn đệ Chúa thương mến” làm con của thân mẫu, và từ giờ đó người môn đệ này đã đón nhận thân mẫu của Chúa làm người nhà của mình. Thế là Chúa đã có “nhà mới” và “người nhà mới” : nhà mới là cộng đoàn của Giao Ước Mới do người môn đệ Chúa thương mến đại diện, khi Chúa thiết lập trên thập giá. Người môn đệ Chúa thương mến không có tên riêng ở đây, vì không có người môn đệ nào trên trần gian mà Chúa không “thương mến đến cùng” (x. Ga 13,1), ai cũng nói được như thánh Phao-lô nói : “Người đã yêu thương tôi và thí mạng vì tôi”. Khi tạo dựng con người, “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Trên Gôn-gô-tha, Ngôi Lời – “nhờ Người môn vật được tạo thành”, “đã trở nên người phàm và đang cắm lều ở giữa chúng ta” - trao chính thân mẫu làm mẹ của chúng ta, ban cho chúng ta máu và hơi thở của Người, để chúng ta có sự sống mới và “mặc lấy (15) con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa” (Cl 3,10).

Người Đàn Bà thân mẫu của Chúa Giê-su là Người Đàn Bà Mới và thật sự là Mẹ kẻ sống, đổi lại Người Đàn Bà thứ nhất mà Thiên Chúa đã tạo dựng từ cạnh sườn A-đam. A-đam phong cho bà danh hiệu EVA, mẹ kẻ sống, nhưng trước khi sinh được “kẻ sống” thì bà đã đem nọc độc sự chết vào ngay đứa con đầu tiên của bà khiến nó giết đứa em đầu tiên bà sinh cho nó (x. St 3,1-20 ; 4,1-8) (16).

Sự hiện diện của hai / hay ba người phụ nữ bên cạnh Đức Mẹ, còn gợi nhớ chuyện trong sáchXuất Hành, có hai bà đỡ giúp sản phụ Ít-ra-en, lại có người chị của Mô-sê tên là Ma-ri-a lảng vảng gần nơi đặt cái thúng đựng Mô-sê để góp phần cứu Mô-sê. Hôm nay thân mẫu Chúa Giê-su sinh đứa con mới do quyền năng tạo dựng của Lời Thiên Chúa (17), có hai người phụ nữ và chị / em của thân mẫu làm chứng. Trong luật Do-thái thì lời chứng của người phụ nữ không có giá trị pháp lý, trừ những trường hợp mà chỉ phụ nữ được chứng kiến. Chuyện sinh nở thuộc trường hợp ngoại lệ đó.

9. Chúa Giê-su trao hơi thở (Ga 19,28-30)

28 Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : "Tôi khát !" 29 Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. 30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Cho đến lúc này ta đã thấy bao nhiêu lời và hình ảnh của Cựu Ước được thực hiện, ứng nghiệm.Gio-an còn nhắc cho chúng ta rằng chính Chúa Giê-su biết là đã hoàn tất mọi sự theo kế hoạch của Chúa Cha do các ngôn sứ đã loan báo, chỉ còn một điều liên quan tới cuộc Thương Khó theo lời thánh vịnh : “Con khát nước lại cho uống giấm chua” (Tv 69/68,22). Chúa kêu lên : “Tôi khát !”. “Ở đấy có sẵn một bình đầy giấm”, không phải là giấm làm bếp, nhưng là thứ đồ uống chua mà lính Rô-ma mang theo (tạm ví như nước chanh không đường), nên mới có sẵn ở đó, đầy một bình. Hình ảnh này gợi cho ta nhớ tới ở tiệc cưới Ca-na, Chúa truyền múc nước đổ đầy sáu cái chum vốn dùng chứa nước để thanh tẩy theo phong tục Do-thái, rồi Chúa biến thành rượu ngon hảo hạng. Hôm nay ở đây có sẵn một bình giấm của lính Rô-ma. Chúa đang ở tư thế được giương cao trên thập giá, họ không có thể đưa trực tiếp cho uống, nên phải dùng miếng bọt biển thấm đầy giấm, bẻ một ngành hương thảo hoang đã mọc trên đồi mùa xuân, cắm vào và đưa lên cho tới miệng Người, Người nhắp chút giấm chua rồi kêu lên : “Thế là đã hoàn tất”. Suốt cuộc sống trần gian, Chúa Giê-su chỉ muốn thi hành mọi điều Chúa Cha truyền, kể cả cuộc Thương Khó, như Chúa đã nói với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly : “Chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” (Ga 14,31).

Sau khi đã hoàn tất mọi sự “đúng như Chúa Cha đã truyền” thì Chúa Giê-su được nhận lại vinh quang như Người đã xin Cha : “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con. Vậy lạy Cha, giờ đây xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,4-5). Và Người có thể thực hiện lời hứa : “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng bảo trợ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Chính lúc Người “đi” thì Người đã trao lại Hơi Thở của Người cho chúng ta ; người môn đệ thương mến vừa được trao làm con thân mẫu đứng đó đại diện cho chúng ta mà nhận lấy Hơi Thở của sự sống mới. Khi dựng nên con người đầu tiên, Thiên Chúa đã hà hơi vào lỗ mũi để con người thành loài có sự sống. “Thằng sát nhân từ ban đầu” đã đem cái chết vào cho con người, thì chính Ngôi Lời là sự sống, khi kết thúc kiếp phàm nhân mà Người đã nhận lấy, Người trao lại hơi thở của mình cho con người, để con Người lại trở thành loài có sự sống, và là sự sống đời đời. Đó là cuộc tạo dựng mới, tái tạo “con người theo hình ảnh của Thiên Chúa”. Thân mẫu Chúa Giê-su trở thành “Mẹ kẻ sống”, E-và mới. Khi để cho “thân thể có sinh khí được gieo xuống”, thì Chúa trao lại hơi thở, khi đã “trỗi dậy với thân thể có thần khí” (x. 1 Cr 15,44), Chúa lại đến trao Thần Khí cho môn đệ : “Người thổi hơi vào các ông và bảo : anh em hãy nhận lấy Thần Khí” (x. Ga 20,22).

10. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa bị đâm thâu (Ga 20,31-37)

31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. 32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. 33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. 34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. 35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực ; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. 36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. 37 Lại có lời Kinh Thánh khác : Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.              

Gio-an đưa chúng ta trở lại luật về xác người tử tội bị treo trên cây, và phong tục ngày lễ Vượt Qua, để giải thích trước về chuyện tiếp theo : “Khi một người có tội đáng phải án chết đã bị xử tử, và anh (em) đã treo nó lên cây, thì xác nó không được để qua đêm trên câynhưng anh (em) phải chôn ngay hôm ấy, vì người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Anh (em) không được làm cho đất của anh (em) ra ô uế, đất mà Đức Chúa Thiên Chúa của anh (em) đã ban cho anh (em) làm gia nghiệp.” (Đnl 21,22-23) (18)

Khi kể việc “người Do-thái” điệu Chúa Giê-su đến dinh Phi-la-tô, Gio-an đã nói lý do tại sao họ không vào : “kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được” (Ga 18,28). Bây giờ thì gợi tới luật về xác người bị xử tử bằng cách treo lên cây, không chỉ là người bị ô uế mà “đất” bị ô uế, thêm ngày sa-bát và ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn [Lễ Vượt Qua], nên càng phải khẩn cấp thi hành việc chôn xác người bị xử treo trên cây, để khỏi làm ô uế cả đất lẫn ngày lễ trọng này.

Nhưng mọi chi tiết liên quan tới việc xử tử Chúa Giê-su ở trong tay Phi-la-tô, đại diện của Hoàng Đế Xê-da mà họ đã cam kết tuân phục tuyệt đối, nên muốn thi hành luật này họ cũng phải “xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh (cho mau chết) và lấy xác xuống” (19). Nhờ thế lính mới phát hiện là Chúa Giê-su đã chết rồi. Nhưng “một người lính lấy giáo đâm (20) vào cạnh sườn Người, tức thì máu và nước chảy ra.”

Ta không hiểu tại sao anh lính này lại làm như thế. Nhưng chi tiết cuối cùng này lại được coi là có tầm ý nghĩa cực kỳ quan trọng :

35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực ; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.”(21)

Tại sao lại quan trọng đến thế ? Gio-an trích dẫn hai câu Kinh Thánh để giải thích ý nghĩa :

36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. 37 Lại có lời Kinh Thánh khác : Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.

Câu thứ nhất liên quan tới nghi thức sát tế Chiên ăn lễ Vượt Qua trong Xh 12,46 ; Ds 9,12 ; (x. Tv34/33,21) (22). Gio-an theo đuổi đến cùng việc trình bày Chúa Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa, và là Con Chiên của cuộc Vượt Qua mới.

Câu thứ hai trích từ sách Da-ca-ri-a (12,10) là một câu thật bí ẩn. Nhưng nối kết với “máu và nước chảy ra” thì lại âm vang nhiều lời trong sách Da-ca-ri-a và trong chính Tin Mừng Gio-an.

Mạch văn của Da-ca-ri-a từ chương 9 đến hết (ch.14) là lời hứa ơn cứu độ. Ngay sau phần cuối chương 12 nói về khóc than, chúng ta có lời hứa : “Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa- vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô-uế” (Dcr 13,1) (23). Sách Ê-dê-ki-en cũng có câu mà ta vẫn hát khi rảy Nước Thánh vào Mùa Phục Sinh : “Tôi đã thấy nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra.” (24)

Trong Tin Mừng Gio-an, Chúa Giê-su nhiều lần nói về nước, ánh sáng và sự sống. Chúa nói với người phụ nữ Sa-ma-ri về nước mà Người cho “trở thành mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” ; dịp Lễ Lều ở Giê-ru-sa-lem : “Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng : “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.” (Ga 7,37-38).

Ba hình ảnh chập lại ở đây : ngành hương thảo, máu và nước, gợi lên việc rảy máu chiên Vượt Qua lên khung cửa (x. Xh 12, 22) và nghi thức lập Giao Ước Xi-nai (x. Xh 24,5-8 ) Muốn cho máu khỏi đông lại thì phải pha nước vào, như thư Híp-ri nói rõ : “Quả thế, sau khi ông Mô-sê công bố cho toàn dân mọi điều răn như đã ghi chép trong Sách Luật, thì ông lấy máu các con bê, con dê hoà lẫn với nước, rồi dùng len đỏ thắm và cành hương thảo mà rảy trên chính cuốn Sách Luật cũng như trên toàn dân và 20 nói : Đây là máu giao ước, Thiên Chúa đã truyền cho anh em tuân giữ.” (Hr 9, 19-20).

11. Máu Xá Tội, Máu Giao Ước Mới, Máu Chiên Vượt Qua : ba trong một.

Máu và Nước từ cạnh sườn bị đâm thủng / hay được mở ra, là Máu Xá Tội và Máu Giao Ước MớiMáu Chiên Vượt Qua, ba trong một.

11.1. Máu xá tội

Chúa Giê-su là Đền Thờ, là Giao Ước Mới, là Thượng Tế. Trong Cựu Ước, ngày lễ Xá Tội, Thương Tế vào trước Hòm Bia trong Nơi Cực Thánh rảy máu con dê làm lễ tạ tội lên Nắp Xá Tội trên Hòm Bia giữa hai tượng Kê-ru-bim (trường hợp duy nhất trong Cựu Ước Thiên Chúa truyền đúc tượng) :

Chúng phải làm một Hòm Bia bằng gỗ keo, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi. 11Ngươi sẽ lấy vàng ròng mà bọc, ngươi sẽ lấy vàng mà bọc cả trong lẫn ngoài. Ngươi sẽ làm trên đó một đường viền chung quanh bằng vàng. 12 Ngươi sẽ đúc cho Hòm Bia bốn chiếc vòng bằng vàng và gắn vào bốn chân Hòm Bia : bên này hai vòng, bên kia hai vòng. 13 Ngươi sẽ làm những cây đòn bằng gỗ keo bọc vàng. 14Ngươi sẽ xỏ đòn vào những vòng bên sườn Hòm Bia để khiêng. 15 Đòn để xỏ vào vòng của Hòm Bia thì không được rút ra nữa. 16 Ngươi sẽ đặt vào Hòm Bia Chứng Ước mà Ta sẽ ban cho ngươi.

17 Ngươi sẽ làm một cái nắp xá tội bằng vàng ròng, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi. 18 Ngươi sẽ làm hai tượng Kê-ru-bim q bằng vàng gò, ngươi sẽ làm các tượng ấy ở hai đầu nắp. 19 Ngươi sẽ làm một tượng ở đầu này, một tượng ở đầu kia ; ngươi sẽ làm các tượng Kê-ru-bim gắn liền với nắp, ở hai đầu. 20 Các tượng Kê-ru-bim có cánh giương lên và phủ trên nắp. Hai tượng đối diện với nhau, cùng cúi mặt xuống nắp. 21 Ngươi sẽ đậy nắp xá tội trên Hòm Bia, và ngươi sẽ đặt vào đó Chứng Ước mà Ta sẽ ban cho ngươi. 22Ở đó Ta sẽ gặp gỡ ngươi. Từ trên nắp, giữa hai tượng Kê-ru-bim đặt trên Hòm Bia Chứng Ước, Ta sẽ nói với ngươi tất cả những gì Ta truyền cho ngươi để ngươi nói lại cho con cái Ít-ra-en.

Ngày lễ Xá TộiThương Tế phải mặc phẩm phục : “Nó sẽ mặc áo dài thánh bằng vải gai, mặc trên mình quần đùi vải gai, thắt đai lưng vải gai, đội mũ tế vải gai. Đó là phẩm phục thánh, nó sẽ lấy nước tắm rửa thân thể trước khi mặc vào.” (Lv 16,4)

Thượng Tế phải dâng lễ tạ tội cho chính mình trước : 11 A-ha-ron sẽ tiến dâng con bò tơ dùng làm lễ tạ tội cho chính mình, và cử hành lễ xá tội cho mình và cho nhà mình : nó sẽ sát tế con bò tơ làm lễ tạ tội cho chính mình. 12 Nó sẽ lấy than hồng trên bàn thờ trước nhan ĐỨC CHÚA bỏ đầy vào bình hương, sẽ bốc hai nắm đầy bột hương thơm, và đem vào phía sau màn trướng. 13 Nó sẽ bỏ hương vào lửa, trước nhan ĐỨC CHÚA, và khói hương như mây sẽ phủ nắp xá tội ở trên Chứng Ước, và như vậy nó sẽ không phải chết. 14 Nó sẽ dùng một ngón tay lấy máu con bò tơ rảy trên nắp xá tội, về phía đông ; rồi đằng trước nắp xá tội, nó cũng dùng ngón tay mà rảy máu bảy lần(Lv 16,11-14)

Sau đó Thượng Tế mới dâng con dê làm lễ tạ tội cho dân :

15 Nó sẽ sát tế con dê dùng làm lễ tạ tội cho dân, sẽ đem máu nó vào phía sau màn trướng, và cũng sẽ lấy máu đó mà rảy như đã rảy máu con bò tơ : nó sẽ rảy máu đó lên nắp xá tội, và đàng trước nắp xá tội. 16 Nó sẽ cử hành lễ xá tội cho thánh điện, vì những điều ô uế của con cái Ít-ra-en và những việc phản nghịch của chúng, nghĩa là mọi tội lỗi chúng. (Lv 16,15-16) (25).

Thư Híp-ri sẽ ứng dụng những qui định này để nói về Chúa Giê-su :

1 Vậy, giao ước thứ nhất đã có những quy luật phụng tự và có thánh điện dưới đất. 2 Quả thật, một cái lều, cái lều thứ nhất, đã được dựng lên ; lều này được gọi là Nơi Thánh, có cây đèn bảy ngọn, có bàn và bánh dâng tiến. 3 Đằng sau bức màn thứ hai, có một cái lều gọi là Nơi Cực Thánh. 4 Trong đó, có hương án bằng vàng và Hòm Bia Giao Ước hoàn toàn bọc vàng ; Hòm Bia này chứa bình vàng đựng man-na, cây gậy trổ hoa của ông A-ha-ron và các tấm bia Giao Ước. 5 Trên Hòm Bia, có hai tượng Kê-ru-bim rạng ngời vinh quang Thiên Chúa, dang cánh che phủ nắp xá tội. Bây giờ không phải là lúc nói tỉ mỉ về các điều đó.

6 Mọi sự xếp đặt như thế rồi, các tư tế thường xuyên vào lều thứ nhất để cử hành việc phụng tự. 7 Còn lều thứ hai, thì chỉ một mình vị thượng tế mới được vào mỗi năm một lần, đem theo máu để dâng làm của lễ đền tội cho chính mình và cho dân. 8 Như thế, Thánh Thần tỏ cho biết là lối vào Nơi Cực Thánh chưa được mở, bao lâu lều thứ nhất vẫn còn đó. 9Điều ấy là hình ảnh ám chỉ thời hiện tại, cho thấy những lễ vật và hy lễ dâng tiến Thiên Chúa không thể làm cho lương tâm người cử hành việc phụng tự trở nên hoàn thiện. 10 Những cái đó chỉ liên quan đến của ăn thức uống cùng các loại nghi thức tẩy rửa, và là những quy luật chỉ có hiệu lực bên ngoài, buộc phải giữ cho đến thời Thiên Chúa chấn chỉnh mọi sự.

11 Nhưng Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thụ tạo này. 12 Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. 13 Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, 14 thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.

11.2. Máu Giao Ước

Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mớilấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa. 16 Ở đâu có chúc thư, thì cần phải chứng minh rằng người làm chúc thư đã chết. 17 Thật vậy, chúc thư chỉ có giá trị khi người làm chúc thư đã chết, bởi vì chúc thư không bao giờ có hiệu lực bao lâu người làm chúc thư còn sống. 18 Do đó, nếu không có máu, thì đã không khai mạc giao ước thứ nhất. 19 Quả thế, sau khi ông Mô-sê công bố cho toàn dân mọi điều răn như đã ghi chép trong Sách Luật, thì ông lấy máu các con bê, con dê hoà lẫn với nước, rồi dùng len đỏ thắm và cành hương thảo mà rảy trên chính cuốn Sách Luật cũng như trên toàn dân và 20 nói : Đây là máu giao ước, Thiên Chúa đã truyền cho anh em tuân giữ. 21 Rồi, cũng theo cách thức đó, ông rảy máu vào lều thánh và mọi đồ phụng tự. 22 Chiếu theo Lề Luật, hầu hết mọi sự đều được thanh tẩy bằng máu. Không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ. 23 Vậy, nếu các hình ảnh mô phỏng những thực tại trên trời còn cần phải được thanh tẩy như thế, thì chính những thực tại trên trời đó lại càng phải được thanh tẩy bằng những hy lễ cao trọng hơn biết mấy. 24 Quả thế, Đức Ki-tô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta. 25 Người vào đó, không phải để dâng chính mình làm của lễ nhiều lần, như vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài khác mà vào cung thánh. 26Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình. 27Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. 28 Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.” (Hr 9,1-28).

11.3. Ơn tha tội và Giao Ước Mới

Trước khi giải thích về hai yếu tố này, thư Híp-ri đã trích dẫn lời hứa Giao Ước Mới trong sáchGiê-rê-mi-a 31,3-34 :

6 Nhưng hiện nay, Đức Giê-su được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn ; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn. 7 Thật vậy, giả như giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi, thì chẳng cần phải tìm giao ước thứ hai để thay thế. 8 Quả thật, Thiên Chúa khiển trách Dân rằng : Đức Chúa phán : Này sắp đến những ngày Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa. 9 Giao ước đó sẽ không như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông của chúng, trong ngày Ta cầm tay dẫn chúng ra khỏi Ai-cập. Bởi vì chúng đã không trung thành với giao ước của Ta, nên Ta cũng đã bỏ mặc chúng, Đức Chúa phán : 10 Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó, Đức Chúa phán : Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta ; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta. 11 Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng : “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. 12 Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.

11.4. Con chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian

Đến đây chúng ta có thể điểm lại các chi tiết trong quy định về Con Chiên ăn lễ Vượt Qua.

Ngày mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình… phải nhốt nó cho tới ngày 14 tháng này, rồi tòan thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều.

Tính từ khi bắt con chiên cho tới khi sát tế là 5 ngày, khi ăn là ngày 15 rồi, tức là sáu ngày trước lễ Vượt Qua. Nghiệm lại trong trình thuật của Gio-an, sáu ngày trước lễ Vượt qua Chúa Giê-su đã tới Bê-tha-ni-a, nhà 3 chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô là ba người Chúa thương mến. Trong bữa ăn, Ma-ri-a Chúa đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quí giá đổ lên chân Chúa. Coi như Con Chiên của Thiên Chúa đã được xức dầu dành riêng cho gia đình những người Chúa thương mến.

Thời Chúa Giê-su, chiên ăn lễ Vượt Qua phải được sát tế ở Đền Thờ, do tay các tư tế. Khoảng 12 giờ trưa ngày dọn mừng lễ, người Do-thái đưa con chiên lên Đền Thờ trao cho tư tế, để tới 3 giờ chiều thì bắt đầu sát tế. Cũng giờ ấy Phi-la-tô trao Chúa Giê-su cho các thượng tế để đóng đinh vào thập giá. Chúa Giê-su chết và được mai táng trước khi hết ngày “dọn mừng lễ”.

Ngày mồng mười trưởng gia đình phải lo “bắt” con chiên [động từ Hy-lạp lambanocho gia đình mình (Xh 12,3). Trong khung cảnh ấy Ở đây thì thượng tế và Pha-ri-sêu đã ra lệnh truy nã Chúa Giê-su (x. Ga 11,57), ngày Dọn Mừng lễ [ngày bắt đều từ lúc mặt trời lặn] họ sai lính và thuộc hạ đi bắt Chúa Giê-su và trói lại, sáng sớm họ đem Người đến trao cho Phi-la-tô, Phi-la-tô “bắt” [cùng một động từ Hy-lạp lambano] Chúa Giê-su mà đánh đòn, rồi trao cho các thượng tế để đóng đinh. Con Chiên Thiên Chúa là “Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29) chứ không chỉ xóa tội cho dân Ít-ra-en, Người phải chết để “qui tụ con cái Thiên Chúa tản mát khắp nơi về một mối”, như thượng tế Cai-pha đã nói tiên tri (Ga 11,52), chứ không chỉ qui tụ con cái Ít-ra-en. Chính Chúa Giê-su đã tuyên bố : “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12,32). Xê-da, Hoàng Đế Rô-ma thời đó được coi có quyền trên “cả thiên hạ” (x. Lc 2,1) nên Phi-la-tô thay mặt Xê-da, bắt con chiên cho cả gia đình nhân loại, và trao cho các thượng tế để sát tế làm của lễ xá tội và làm Chiên Vượt Qua, mừng cuộc giải thoát cả nhân loại khỏi tay thủ lãnh thế gian.

“Không được để lại gì đến sáng ; cái gì còn lại đến sáng, phải đốt đi” (Xh 12,10). Người Do-thái lo giữ luật về việc không được để xác tử tội treo trên cây qua đêm, nhưng Gio-an muốn trình bày Chúa Giê-su là Con Chiên Vượt Qua thì chi tiết này giúp giữ luật “không được để lại gì đến sáng”.

Luật “Không được làm gãy cái xương nào” (Xh 12,46) cũng được tôn trọng.

12. Mai táng trong vườn (Ga 19,38-42)

38 Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống. 39 Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. 4 0 Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. 41 Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. 42 Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.

Các môn đệ vẫn đi theo bên Chúa thì đã chạy tứ tán, bỏ Chúa một mình. Bây giờ một ông “môn đệ chui”, chui kỹ đến mức ta chưa hế biết là có ông, ông bỗng từ trong bóng tối bước ra, và chúng ta được biết ngay ông là người quyền thế cỡ nào. Phi-la-tô không thù ghét gì Giê-su Người Na-da-rét, ông đã muốn và tìm cách tha, nhưng vì sợ mất cái danh là “bạn của Xê-da” và cái chức Toàn Quyền, nên ông đã trao Người cho các thượng tế để đóng đinh thập giá theo như họ yêu cầu. Bình thường, tử tội bị treo thì sau đó người ta quăng cả xác với cây gỗ xuống hố, chứ không cho mai táng. Thế mà Phi-la-tô nể mặt ông Giô-xép, cho phép ông lãnh thi hài của Đức Giê-su để mai táng. Ta lại thấy cả ông Ni-cô-đê-mô cũng tới. Chúng đã biết ông thuộc phái Pha-ri-sêu, “một thủ lãnh của người Do-thái”, là “bậc thầy trong dân Ít-ra-en”, nhưng đã bị các thượng tế và người Pha-ri-sêu đuổi về đi học lại (x. Ga 7, 52), để họ rảnh tay thanh toán Chúa Giê-su. Ông đem một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương tới để tẩm liệm. Chúa Giê-su là người Do-thái, hai ot6ng cũng là người Do-thái nên làm “theo tục lệ chôn cất của người Do-thái”. Chúa Giê-su đâu có chuẩn bị phần mộ cho mình. Nhưng các ông có giải pháp cấp tốc, vì là ngày áp lễ rồi, phải đặt vào mộ trước khi hết ngày. “Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. 42Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.”

Gio-an đã dẫn chúng ta vào “giờ của Chúa” với một cân dầu thơm (x. Ga 12,3), kết thúc với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương và ngôi mộ mới chưa hề chôn ai, ở trong một thửa vườn (26). Khung cảnh đã dàn dựng sẵn cho câu chuyện tiếp theo ở chương 20.

13. Nhắc lại một ghi chú về bài 16

Trước khi kết thúc bài 16 khá dài này về Cuộc Thương Khó - thực ra là phần thứ nhất của cuộc tôn vinh theo Tin mừng Gio-an - tôi xin được nhắc lại với người đọc.

Sau khi chóng mặt vì phải mở tới mở lui Sách Thánh để theo [ấy là nếu ai muốn đọc !], có người sẽ lắc đầu : “Cái ông già này thật lắm chuyện, chắc là “rỗi việc” lắm nên cả ngày lật sách mỏi tay mỏi mắt không chán.” Xin thưa thế này.

Các vị đã từng học văn chương Việt Nam trước năm 1954, thì có lẽ dễ chấp nhận, vì thời “thế hệ chúng mình” ở Trung Học, phải [hay được ?] học các tác phẩm cổ điển như Chinh Phụ ngâm, Cung Oán ngâm khúc, Kim Vân Kiều, rồi các nhà thơ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, phải ôm đầu mà nhớ điển tích trong Sách Thánh Hiền và thơ văn Trung Quốc, vì các cụ tác giả đã được nuôi dưỡng bằng các sách ấy, nên khi hạ bút, mở miệng là có chất “sách Thánh Hiền” và thơ văn chữ Hán xuất ra liền. Muốn thi đỗ tú tài thì ráng mà nhớ, cho khỏi ú ớ khi vào vấn đáp, khỏi cắn nát bút khi viết bài thi, rồi lại làm theo lời than châm biếm của cụ Tú Xương về ngày niêm yết kết quả : “mai không tên tớ, tớ đi ngay – giỗ, tết, từ đây nhớ lấy ngày”. Tội nghiệp cha mẹ và người yêu !

Các tác giả của các sách Tân Ước : Tin Mừng, Công Vụ Tông Đồ, các Thư của các Tông Đồ, và sách Khải Huyền, là những vị đã thấm nhuần Cựu Ước cùng với sữa mẹ, khi đã nhận ra Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng Cứu Độ mà Mô-sê và các ngôn sứ đã loan báo, thì lấy Sách Thánh Cựu Ước làm chìa khóa và ánh sáng dẫn đường để đi vào màu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô. Tin Mừng Gio-an càng đặc biệt hơn, vì là cuộc khẩu chiến và bút chiến giữa hai cộng đoàn gốc Do-thái, một bên trung thành với truyền thống Pha-ri-sêu, một bên đã tin theo và làm môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô, tuyên xưng Người là Con Chiên Chúa, Chúa chúng ta. Lời Tựa đã tuyên bố đề cương và phương pháp trình bày :

16 Từ nguồn sung mãn của Người,

tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,

còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ;

nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa

và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,

chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Bởi vậy mà thánh Giê-rô-ni-mô, người đã bỏ vinh dự làm thư ký cho Đức Giáo Hoàng, đi học tiếng Do-thái với các ráp-bi, rồi giam mình trong một hang đá bên cạnh hang đá Chúa giáng sinh ở Belem, để hoàn chỉnh bản dịch Sách Thánh ra tiếng La-tinh – Bản Phổ Thông được Hội Thánh sử dụng từ dụng từ đó tới nay, và viết sách giải nghĩa Sách Thánh cho các Ki-tô hữu - đã quả quyết : “Không biết Sách Thánh là không biết Đức Ki-tô”.

Ngày nay người ta dễ rơi vào cạm bẫy giảng dạy và ĐỌC NHIỀU VỀ SÁCH THÁNH, nhưng lại ÍT ĐỌC SÁCH THÁNH, giống như người đi tìm đọc, nghe nói về người yêu của mình nhưng lại không đọc thư tình của chính NGƯỜI YÊU. Sách Thánh là THƯ TÌNH CỦA THIÊN CHÚA GỞI CHO TÔI HÔM NAY. Tôi là người môn đệ Chúa Giê-su thương mến đấy.

Với trình thuật về cuộc tôn vinh trên thập giá, người kể như mượn lời Chúa Giê-su nói với chúng ta : “Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát !” 29 Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. 30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !”.

Đề cương ban đầu đã được trình bày xong rồi. Đây là phần kết đấy. Như trong một kiệt tác đại hòa tấu (thí dụ bản hòa tấu số 9 của Beethoven), đoạn kết làm vang lại bên tai người nghe tất cả những chủ đề trước khi nhạc trưởng vung đũa kết thúc. Nhưng khoan hãy đứng dạy vỗ tay. Còn khúc ca khải hoàn để đưa ta vào niềm vui tuyệt đỉnh.

14. Khúc ca khải hoàn theo sau

Phần tiếp theo của Tin Mừng Gio-an là khúc ca khải hoàn. Sau khi ngày Sa-bát kết thúc, ánh sáng ngày thứ nhất vừa hé lên ở chân trời phía Biển Chết. Bóng một người phụ nữ tiến về ngôi mộ trong vườn, mù mờ trước mắt chúng ta, tiếng bước chân rón rén bỗng thành bước chân chạy hốt hoảng. Bóng người phụ nữ tiến về phía cửa đóng kín của một ngôi nhà, tiếng gõ cửa dồn dập… Tiếng chân hai người đàn ông như chạy đua về phía mộ. Họ rón rèn dừng lại… xem xét trong ngoài, rồi quay lưng. Tiếng phụ nữ thút thít giữ chúng ta lại đó. Lắng tai nghe tiếng ai nói chuyện với người phụ nữ… Người phụ nữ bỗng như reo to như thét lên, vỡ òa niềm vui : “Ráp-bu-ni !”. Khúc phim gợi nhớ những bước chân với nhịp độ đi, chạy, lững thững, và tiếng reo vui trong sách Diễm ca (x. Dc 3-6) :

Người tôi yêu đã xuống vườn nhà, xuống nơi trồng phương thảo :

chàng để đàn vật ăn trong vườn, còn chàng đi hái huệ.

Tôi thuộc trọn về người tôi yêu,

người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn.

Giữa những khóm huệ thơm, chàng cho chiên gặm cỏ. (Dc 6,2-3)

15. Lời kết bài 16

Khi cùng nhau tuyên xưng đức tin, chúng ta đọc : “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” ; “vì chúng ta, người đã chịu đóng đinh vào thánh giá”. Nhưng có nguy cơ “cha chung không ai khóc”, bao lâu chúng ta chưa đi tới chỗ nhận ra tương quan giữa “chúng ta” và tôi : chỉ có “chúng ta” khi có nhiều “tôi” cùng chung lời tuyên xưng và sống lời tuyên xưng. Có thể “đại diện để tuyên xưng”, như cha mẹ và người đỡ đầu, khi ẵm chúng ta tới giếng rửa tội, cho chúng ta mượn miệng lưỡi mà tuyên xưng, nhưng không ai “đại diện để sống” cho ai được. Hội Thánh chỉ làm phép rửa cho trẻ sơ sinh nếu cha mẹ và người đỡ đầu cam kết là sẽ dạy nó đích thân tuyên xưng và sống lời tuyên xưng. Cụ Nguyễn Du khiêm tốn kết thúc Truyện Kiều : “Lời quê góp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài trống canh”. Người làm chứng kể lại là “để cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19,35), và người kể chuyện không tìm giải khuây cho chúng ta : “Đức Giê-su còn làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ : nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ Danh Người.” (Ga 20,31)

Giê-ru-sa-lem ngày Mồng Bốn Tết Kỷ Hợi.

(1) Động từ Hy-lạp dùng ở đây là para-didomi, nghĩa là trao từ tay người này qua tay người khác. Giu-đa đã “trao” Chúa Giê-su cho người Do-thái, người Do-thái “trao” Chúa Giê-su cho Phi-la-tô. (Xem chú thích 2).

(2) Động từ Hy-lạp dùng ở đây là lambano có nghĩa là đưa tay cầm lấy, đón lấy, nhận lấy. Động từ này các Tin Mừng Nhất Lãm đều dùng khi kể về “Chúa cầm lấy bánh” trong phép lạ bẻ bánh nuôi đám đông cũng như trong bữa Tiệc Ly. Khi trao bánh cho môn đệ, Chúa cũng bảo : “cầm lấy mà ăn”. Gio-an cũng dùng động từ này trong trình thuật dấu lạ bẻ bánh nuôi đám đông (Ga 6,11) và trong trình thuật cuộc Thương Khó này. Chúng ta sẽ trở lại chi tiết này sau.

(3) Chú ý tới chi tiết này : khi dẫn từ nhà Kha-nan sang nhà Cai-pha thì Gio-an nói rõ : “Chúa Giê-su vẫn bị trói”, ở đây khi dẫn tới dinh toàn quyền Phi-la-tô thì không nói có bị trói hay không. Tin Mừng Mác-cô nói rõ : “Họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô” (15,1). Nhưng khi đọc Gio-an thì chúng ta cứ tôn trọng bản văn, đừng thêm bớt gì cả, vì “nói rõ” hay “không nói” một chi tiết đều quan trọng như nhau.

(4) Câu văn Hy-lạp dịch sát là “cho Người những cái vả vào mặt”, gợi ý đó là “quà dâng” cho vua.

(5) Xin nhắc lại rằng trong Tin Mừng Gio-an, “người Do-thái” không có nghĩa là mọi người Do-thái ; có khi nói chung, có khi chỉ nói vềnhững người Do-thái chống đối và đòi giết Chúa Giê-su, như khi nói về những người Do-thái đã tin, theo Chúa Giê-su, kể cả các môn đệ, “sợ người Do-thái” (x. Ga 20,19).

(6) Khi người ta khi dể, nhạo báng, xua đuổi người nghèo, người di cư tị nạn, người bị gạt ra lề xã hội vì mọi thứ kỳ thị… thì người ta nhạo báng chính mình. Chính bạo lực, bất công xã hội, các chính sách kỳ thị, ích kỷ của những người cầm quyền, ích kỷ ở cấp chủng tộc, dân tộc, quốc gia, nhất là khi được khai thác làm động cơ chính trị - muốn làm cho Nước của mình Lớn bằng cách loại trừ dân khác, nước khác – đã tạo nên những con người khốn khổ kia, mà họ khinh thị, thù ghét… Đổ mọi thứ tội ác lên đầu dân nhập cư, trong khi những tội ác chết người hàng ngày lại do “đồng bọn nhập cư kỳ cựu”, thích kỳ thị và bạo lực, gây ra : ma cũ bắt nạt ma mới ! Cả một vòng luẩn quẩn của “những điều Xa-tan yêu thích” (x. Ga 8,44). Người ta có vẻ thích thờ Xa-tan và làm con của Xa-tan, hơn là thờ Thiên Chúa và làm con của Thiên Chúa.

(7) Độc giả đối tượng của sách Tin Mừng Gio-an là người Do-thái ở hai phía : người Do-thái môn đệ và người Do-thái chống lại Chúa Giê-su, hai bên dùng Cựu Ước “đấu lý” với nhau.

(8) Người miền Bắc có câu “kẻ cắp gặp bà già”, quả đúng với cuộc đấu trí giữa “người Do-thái” và Phi-la-tô trong suốt trình thuật Thương Khó của Gio-an.

(9) Không nên dịch là “dân Do-thái”, vì có thể gây ngộ nhận. Khác với Mát-thêu (x. Mt 27,25), Gio-an không dùng thuật ngữ đó, chỉ nói “người Do-thái”. Tôi đã giải nghĩa ở chú thích số 5 trên đây.

(10) Thuật ngữ Bê-ma (tiếng Hy-lạp hiện đại đọc là vi-ma) dùng ở đây, là chỗ mà Phi-la-tô ngồi khi xử án, cũng gặp trong trình thuật Thương Khó của Mát-thêu (27,19) : Phi-la-tô đang ngồi ở chỗ này đề nghị cho người Do-thái chọn giữa Giê-su Ki-tô và Ba-ra-ba, thì bà vợ sai người tới nói nhỏ về cơn ác mộng của bà đêm trước.

(11) Bê-thét-đa, nơi Chúa đã chữa người bất toại và sau đó “người Do-thái càng tìm cách giết Đưc Giê-su” (x. Ga 5,1-18)

(12) Xin coi toàn bài ở phần phụ trương.

(13) Gio-an đang làm một động tác kỹ thuật quen thuộc trong phim ảnh hiện đại là in lồng lên nhau những tấm hình của cùng một người ở những tuổi khác nhau hoặc chức vụ khác nhau, để cho thấy khả năng, chân dung đa dạng của người ấy. Trong chuỗi hình về Chúa Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa - Đấng xóa tội trần gian - Đền Thờ Đích Thật – Giao Ước Mới – ta có thêm hình ảnh thượng tế qua chiếc áo dài này. Tạm ghi nhận để đó, đến cuối ta sẽ nhìn chung lại.

(14) Có thể đọc là ba người : một bà là chị/em của thân mẫu, không nêu tên, và hai bà khác cùng tên là Ma-ri-a, một bà là vợ ông Cơ-lô-pát và một bà là người ở Mác-đa-la ; có thể đọc là có hai bà cùng tên là Ma-ri-a, nên người kể xác định một bà là chị / em của thân mẫu, cũng là vợ ông Cơ-lô-pát, và một bà quê ở Mác-đa-la. Bà này sẽ có vai trò đặc biệt trong chương sau.

(15) Trong ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta thì “mặc” có tính cách bên ngoài, như mặc cái áo lên mình, nhưng trong ngôn ngữ Sách Thánh thì có nghĩa là biến đổi nên : “bất cứ ai trong anh em được dìm vào Đức Ki-tô đều mặc lấy Đức Ki-tô” [ngày xưa làm phép rửa bằng cách dìm vào trong nước – Giáo Hội Phương Đông vẫn còn làm như vậy]

(16) Chú ý là trong bản văn St 4,1-2 đứa con thứ hai được gọi là "em nó” trước khi có tên là A-ben.

(17) Công đồng Va-ti-ca-nô II quảng diễn sâu sắc giáo lý này trong chương cuối của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội.

(18) Thánh Phao-lô sẽ dùng luật này để nói về Chúa Ki-tô đã trở nên đồ bị nguyền rủa, để cứu chúng ta khỏi sự nguyền rủa của Luật Mô-sê (x. Gl 3,10-13)

(19) Ngày nay khi xử bắn thì có “phát súng ân huệ”, sau khi các xạ thủ bắn bằng súng dài, người chỉ huy cuộc hành quyết kê súng ngắn vào màng tang tử tội bắn một phát cho mau chết. Ngày 5/2/1597, 26 vị tử đạo ở Nhật bị đóng đinh thập giá giống Chúa Giê-su. Khi các vị cất tiếng hát từ trên thập giá, rất đông người đứng coi, nhiều tín hữu cũng có mặt trong đám đông hát theo vang dội, bốn tên đao phủ sợ quá, rút gươm kết liễu mạng sống cả 26 vị rồi rút lẹ. Gần 50 năm sau, vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam bị xử ở Phú Yên, quan “có lòng nhân từ”, sai đao phủ múa đao trước mặt, trong khi người khác lấy giáo đâm từ phía sau ; không biết sao mà đâm ba nhát không trúng tim, giáo lý viên An-rê Phú Yên vẫn quỳ yên, người chỉ huy phải rút gươm chém ba nhát mới đứt đầu.

(20) Bản Phổ Thông La-tinh và bản tiếng Sy-ri ghi là “mở ra”. Thánh Âu-tinh giải nghĩa theo cách đọc này.

(21) Có thể hiểu là “Có Đấng Ấy (Chúa Giê-su hoặc Thiên Chúa) biết rằng”, như một lời thề cam kết nói thật.

(22) Tv 34/33, 21 nói về người công chính được Thiên Chúa giữ gìn : “Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy”.

(23) Bản văn Da-ca-ri-a 12, 10 có thể hiểu hai cách : “Chúng sẽ nhìn lên Đấng chúng đã đâm thâu” (bản LXX, King James, T.O.B.) hay “Chúng sẽ nhìn lên Ta là Đấng chúng đã đâm thâu, chúng sẽ khóc than Người” (Híp-ri). Nhưng thông thường, một câu trích dẫn thường nhắc ta xem lại toàn bộ mạch văn ; câu trích dẫn như chìa khóa để đọc lại và áp dụng vào mạch văn mới.

(24) “Có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông. Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ…Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành ; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống” (Ed 47,1.9).

(25) Điều đáng lưu ý là Thượng Tế phải dâng con bò làm lễ tạ tội cho mình và gia đình rồi mới dâng con dê làm lễ tạ tội cho tòan dân. Giám mục và linh mục nên nghiền ngẫm chi tiết này kỹ hơn.

(26) Thế kỷ 19, một người Tin Lành dựa vào đây để nói rằng nơi mà các tín hữu vẫn tôn kính như Mộ Thánh của Chúa, và nơi Chúa phục sinh không có cái vườn nào cả. Ông thấy cách đó chừng một cây số, bên ngoài tường thành hiện nay (cũng như thời Chúa Giê-su) trong đó có mấy ngôi mộ, ông bảo rằng đó mới là “ngôi mộ trong vườn”. Ông quên rằng Giê-ru-sa-lem đã bị phá đi xây lại bao nhiêu lần từ đó tới nay, và mấy ngôi mộ ông thấy thuộc thời kỳ sau thế kỷ thứ nhất. Thôi thì để cho anh em Tin Lành có một chỗ mà viếng.

 


Trang Kinh Thanh