MẸ CÁC KẺ SỐNG

L.M.Nguyễn công Đoan S.J.

Ngày 30 tháng 12 năm 2020

(ktcgkpv.org)

 

Chúa nhật tuần thứ bốn Mùa Vọng mỗi năm chúng ta đều đọc lại bài Phúc Âm Truyền Tin để chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Thân mẫu Chúa Giê-su và là Mẹ chúng ta. Không phải chúng ta “thấy sang bắt quàng làm họ”, nhưng là chính Chúa Giê-su đã trao chúng ta cho Thân Mẫu trước khi Chúa tuyên bố “đã hoàn tất” công trình cứu độ Chúa Cha trao, rồi gục đầu trao hơi thở, như Thiên Chúa đã hà hơi vào lỗ mũi khi dựng nên Adong. Hơi thở Chúa Giê-su trao là Thánh Thần ban sự sống mới, sự sống đời đời.

Người nữ thứ nhất đã thua mưu chước của Xa-tan, bất tuân lệnh Thiên Chúa, đem cái chết vào cho dòng dõi trước khi trở thành Mẹ các kẻ sống mà sẽ phải chết. Thiên Chúa hứa sẽ cho người nữ và dòng dõi người nữ đạp dập đầu con rắn Xa-tan.

Đức Ma-ri-a là người nữ mới đã tham dự vào cuộc chiến thắng của Chúa Giê-su, Đấng đã đạp dập đầu con rắn nhờ vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chết và chết trên thập giá, Đức Mẹ đã được hưởng hiệu quả cuộc chiến thắng ấy nhờ ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Mẹ đứng gần thập giá khi Chúa Giê-su chiến thắng Xa-tan để ban sự sống mới cho một nhân loại mới, và Chúa Giê-su đã “đặt thân mẫu của mình làm mẹ của các kẻ sống” mới này. Thân mẫu Chúa Giê-su là Eva mới và thật sự là mẹ các kẻ sống mà sẽ không bao giờ chết.

Nhưng mối thù giữa người nữ và con rắn, giữa dòng dõi người nữ và con rắn sẽ còn tiếp tục suốt dòng lịch sử cho tới khi cuộc chiến thắng cuối cùng diễn ra.

Sách Khải Huyền dùng một thứ ngôn ngữ đặc biệt, đã có từ trong Cựu Ước, diễn tả cho chúng ta về cuộc chiến không khoan nhượng giữa Xa-tan và tay sai của nó với người Nữ và dòng dõi người Nữ là chúng ta đây, hôm nay. Xưa nay sách Khải Huyền đã bị xuyên tạc rất nhiều, và ngày nay càng nhiều người xuyên tạc vì đọc theo cách riêng của họ chứ không đọc trong toàn bộ Sách Thánh và trong Giáo Hội. Nhiều giáo phái mới lấy sách này làm nền tảng.

Chúng ta đừng bao giờ quên 2 điều căn bản này : Thứ nhất, Sách Thánh được viết ra trong Dân Chúa và cho dân Chúa (dân của Cựu Ước cũng như dân của Tân Ước), và phải đọc trong dân Chúa và giải thích bởi truyền thống và huấn quyền do Thiên Chúa ủy thác. Thứ hai, Sách Thánh từ đầu đến cuối là một cuốn sách duy nhất, do cùng một Thánh Thần linh hứng, nên không được tách rời từng cuốn hay từng chương, từng câu mà giải thích. Ngày nay trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, thông tấn xã, nhất là YOUTUBE, TWITT và những thứ tương tự, người nào cũng có thể nói bất cứ chuyện gì, xuyên tạc lời của bất cứ ai. Xuyên tạc cả Lời Chúa. Các ngôn sứ trong Cựu Ước, Chúa Giê-su và các tông đồ đều đã cảnh báo chúng ta về các “thày dậy sự dối trá”.

Tôi bắt đầu từ đoạn sách Khải Huyền về cuộc chiến quyết liệt để cho thấy phải đi ngược lên bao nhiêu xa mới hiểu được.

1/ Văn chương khải huyền được sử dụng để an ủi các tín hữu trong những cơn bách hại : sách Đa-ni-en thời Cựu Ước và sách Khải Huyền thời Tân Ước. An ủi không phải bằng cách vuốt cho êm như dỗ con nít, nhưng nói thẳng với người lớn, dùng những hình ảnh tượng trưng để nói về hiện tại và tương lai, kèm với lời hứa chiến thắng, đồng thời cho thấy “chưa hết đâu”, sẽ còn khủng khiếp hơn nữa, nhưng an tâm đừng sợ, vì lời cuối cùng bao giờ cũng thuộc về Thiên Chúa là chủ của lịch sử. Vì thế sách Khải Huyền vượt thời gian.

2/ Sách Khải Huyền trong Tân Ước.

Các Tông Đồ khởi sự rao giảng Tin Mừng, quy tụ cộng đoàn tín hữu tại Jerusalem. Chẳng phải chờ lâu mới thấy những cuộc bách hại xảy đến như Chúa Giê-su đã báo trước : “Nếu họ đã bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Vị tử đạo tiên khởi là Tê-pha-nô. Nhưng sách Công Vụ cho thấy đây là cơ hội để Tin Mừng ra khỏi Giê-ru-sa-lem như Chúa Giê-su đã hoạch định : Giê-ru-sa-lem, Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng thế giới.

Khi Hội Thánh có mặt tại Roma, thì các cuộc bách hại trở nên ngày càng dữ dằn hơn. Sách Khải Huyền muốn vạch cho Hội Thánh nhận thức rằng cho đến ngày cuối cùng của lịch sử, bách hại sẽ tiếp tục gia tăng chứ không yên, nhưng lời cuối cùng vẫn thuộc về Thiên Chúa và Con Chiên.

Thị kiến là cách Thiên Chúa tỏ cho các ngôn sứ biết tương lai bằng những hình ảnh siêu thực – các phim hoạt hình, chuyện cổ tích cho trẻ em, và ngày nay các phim khoa học giả tưởng đều sử dụng loại hình ảnh này – Ví như người đứng trên bãi biển nhìn thấy gợn sóng từ xa lan vào bờ, càng gần càng lớn lên... khi làn sóng này ập xuống thì làn sóng sau lại tới theo... càng lúc càng mạnh hơn, cho tới khi gió yên biển lặng, nhưng chỉ đến ngày tận cùng thì gió mới yên biển mới lặng, con thuyền của thánh Phê-rô cập bến yên hàn vì có Chúa ở trên thuyền, dù Chúa có vẻ như ngủ say không biết gì (x. Mc 4,35-41).

Hội Thánh trong cơn sóng thần [Tsunami].

Ngày nay chúng ta có cảm tưởng mình đang chứng kiến một cơn sóng thần muốn cuốn chìm con thuyền Hội Thánh. Bên trong thì khủng hoảng đủ kiểu : xì-căng-đan, chia rẽ, chống đối người kế vị thánh Phê-rô đang cầm lái con thuyền, nhiều nhà thần học gây hoang mang thay vì phục vụ đức tin... Sự trống rỗng do chính những người có trách nhiệm giáo dục đức tin trong Hội Thánh đã gây ra, dẫn đến sự thờ ơ, lãnh đạm của nhiều tín hữu. Nếu muốn hỏi vì đâu nên nỗi thì phải đám ngực mình trước !!! Cây cổ thụ mà rỗng ruột thì làm sao chịu nổi gió bão ?

Lấp vào cái lỗ hổng tinh thần đó những triết lý mới của thời “hậu vô thần”, chủ nghĩa tiêu thụ và hưởng thụ cuốn hút mọi người, cả trong hàng ngũ lãnh đạo của Hội Thánh, nói chi đến người trẻ, người tín hữu chẳng còn thấy đức tin, phép rửa, cầu nguyện có ý nghĩa gì trong đời sống hàng ngày của mình. Những thối nát, rác rưởi, dáng nhện ngay trong Tòa Thánh Vatcan mà “ông lão Phan-xi-cô” chân đi khập khiễng, đang phải ra sức quét dọn, tìm người giúp lấy chổi quơ sạch mọi xó xỉnh, chân ghế...nên bị chống đối kịch liệt, thậm chí có linh mục, giám mục trong thánh lễ nêu tên Đ. G. H. Bê-nê-đich-tô chứ không chịu nêu tên Đức Phan-xi-cô !

Anh chị em đừng giật mình khi nghe tôi nói mạnh như thế ! 40 năm trước, khi ăn cơm sở Công An của nhà nước cộng sản, với tư cách là “tên gián điệp cực kỳ nguy hiểm của Vatcan”, nói chuyện thẳng thắn giữa người lớn với nhau (với những cấp lớn), khi họ đề cập những chuyện lăng nhăng của một vài linh mục, tôi đã giải thích : chuyện các anh biết là chuyện nhỏ... còn nhiều chuyện tầy trời trong lịch sử, muốn thì tôi kể cho nghe ! Bắt đầu từ Mười Hai người thân tín nhất của Chúa Giê-su đấy : một ông bán Chúa với giá 1/10 chai dầu thơm thượng hạng, ông thề thốt trung thành mạnh miệng nhất thì chối Chúa ba lần nhanh hơn gà gáy, mười ông khác bỏ chạy, Chúa Giê-su một mình đi xuống âm ty. Đó là cái đêm đen tối nhất của Hội Thánh, nó không bao giờ trở lại được vì đó là đêm Hội Thánh sinh ra nhờ Chúa Giê-su đã thắng cả quyền lực cõi chết, và đangnắm mọi quyền trên trời dưới đất. Hội Thánh của Chúa khởi đầu với những người như thế chứ không phải những vị anh hùng... thế mà đã trải qua hai ngàn năm lịch sử, dù sóng gió bão bùng bên trong bên ngoài cũng không nhận chìm nổi.

Đó là niềm tin của “tên gián điệp” do Vatican phái về Việt Nam sáu ngày trước 30/4/75 đem chỉ thị và tiếp tay cho “trùm gián điệp nằm vùng N.V.T.”, Bửu bối của hắn là sách Khải Huyền mà hắn học rất kỹ trước khi được sai về.

20 năm sau hắn về Vatican báo cáo và được “Sếp lớn” là thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II xoa đầu ! còn “sếp trực tiếp” của hắn nay đã thăng chức Tôi Tớ Thiên Chúa ! Nhưng hắn vẫn còn là công dân Việt Nam và mang hộ chiếu (passport) Việt Nam !

Trở lại với sách Khải Huyền.

Tác giả tự giới thiệu là người anh em, người bạn đồng hành trong cơn thử thách, đang bị lưu đầy vì Lời Thiên Chúa và vì làm chứng về Chúa Giê-su

Thị kiến mở đầu giới thiệu Đấng Mạc Khải là Đấng đã chết và đang sống muôn đời, nắm giữ chìa khóa của Cái Chết và Âm Ty – nắm giữ cả Hội Thánh trong tay. Người nhận là Bảy Cộng Đoàn Hội Thánh, tượng trưng cho Hội Thánh phổ quát.

Bảy bức thư lần lượt vạch cho từng Cộng Đoàn Hội Thánh biết hiện trạng của mình, kêu gọi hoán cải và kiên trì, vì cộng đoàn nào cũng đang bị thử thách bên trong bên ngoài. Bảy bức thư luôn có giá trị cho toàn thể và mỗi cộng đoàn Hội Thánh, cộng đoàn tu trì, cho mỗi gia đình và mỗi người, để tự kiểm thảo và hoán cải không ngừng, vì chính chúng ta luôn bị thử thách bên trong bên ngoài.

Thị kiến thứ hai (ch.4-5)

Thiên Chúa trao quyền cho Con Chiên đã bị giết và đang sống điều khiển lịch sử, tượng trung bằng cuốn sách niêm phong bảy ấn.

Mỗi lần Con Chiên mở một ấn (ch. 6) thì một loạt sự việc diễn ra. Không có gì vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Con Chiên.

Các tôi tớ của Thiên Chúa được bảo toàn (ch. 7)

Diễn biến tăng cường độ (ch. 8-11,18)

Chuẩn bị cuộc chiến quyết liệt (11,19 -12,17)

Đây là điểm tôi muốn trình bày cho anh chị em, vì nó đưa chúng ta nhìn vào toàn thể giáo huấn về vai trò của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a : trong màu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô, màu nhiệm và đời sống của Hội Thánh và trong đời sống Ki-tô hữu của mỗi người chúng ta.

Câu chuyện về cái chết của hai chứng nhân ở chương 11 là tột đỉnh các cuộc bách hại trong giai đoạn thứ nhất, thế gian dưới quyền Xa-tan vui mừng vì coi như đã tiêu diệt được Hội Thánh, từ nay khỏi phải nghe nói đến Thiên Chúa nữa. Nhưng Thiên Chúa can thiệp như đã can thiệp khi Chúa Giê-su bị giết, Thiên Chúa đã cho Người sống lại vinh quang và cái chết không làm gì được Người nữa. Hội Thánh thì vẫn tồn tại, nên Xa-tan sẽ mở cuộc tấn công quyết liệt hơn. Đáp lại, Thiên Chúa cũng can thiệp quyết liệt hơn.

Trong Cựu Ước, Đền Thờ là nơi Thiên Chúa ngự, và trong Đền Thờ thì Hòm Bia Giao Ước là tột đỉnh nơi hiện diện của Thiên Chúa giữa dân của Giao Ước. Ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét, động đất là những dấu hiệu sự hiển linh của Thiên Chúa như ở núi Xinai. Mưa đá lớn gợi nhớ tai họa Thiên Chúa giáng xuống Ai cập (Xh 9,13-32). Trong Cựu Ước, sách 1 Sa-mu-en kể rằng khi cuộc chiến trở nên ác liệt và nguy hiểm thì người ta xin thượng tế Ê-li cho đưa Hòm Bia ra trận, hai con trai của Thượng Tế hộ tống. Quân địch nghe tiếng reo hò đón rước Hòm Bia là rụng rời sợ hãi... nhưng vì các con của thương tế Ê-li đã xúc phạm đến Chúa, nên Chúa để cho bại trận và mất luôn Hòm Bia vào tay quân địch (1 Sm 4,1-11).

Sách Khải Huyền dùng lại hình ảnh này, coi như trên trời cũng có Đền Thờ và Hòm Bia Giao Ước Mới là nơi Thiên Chúa ngự. Đền thờ mở ra, Hòm Bia vốn ở sau bức màn, nay xuất hiện... là hình ảnh diễn tả sự can thiệp quyết liệt của Thiên Chúa : Thiên Chúa sắp đích thân ra tay.

Dàn trận

Cuộc chiến tranh nào thì cũng phải có ít là hai bên tham chiến, mỗi bên lại có đồng minh. Cuộc chiến giải thoát dân nô lệ Ai cập diễn ra giữa Thiên Chúa và Pha-ra-ô. Thiên Chúa ra tay ngày càng mạnh mẽ, Pha-ra-ô trá hàng 9 lần. Lần thứ mười phải nhả ra, nhưng lại tiếc, xua quân đuổi theo nên bị tiêu diệt dưới biển. Trong phần thứ nhất, chương 8-9 đã vận dùng những hình ảnh các tai họa của sách Xuất Hành.

Ở đây tác giả trở lại từ lúc khởi đầu lịch sử cuộc chiến : Xa-tan đã thắng người nữ đầu tiên trước khi bà sinh đứa con đầu tiên để mang tên E-và, mẹ kẻ sống. Thiên Chúa đã tuyên phạt con rắn và hứa một cuộc chiến lâu dài mà kết thúc là con rắn sẽ thua :

14ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn :

“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất

trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.

Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.

15Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,

giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ;

dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”

Sau đó Thiên Chúa tuyên phạt người nữ :

16Với người đàn bà, Chúa phán :

“Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén ;

ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.

Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi”

Lần này người nữ xuất hiện trên trời trong trang phục vinh quang, nhưng đang quặn đau sinh con : Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời : một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. 2Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con

Con Mãng Xà1 kỳ quái : 3Lại có điềm khác xuất hiện trên : đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. 4Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.

Nhưng Thiên Chúa can thiệp ngay : 5Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. 6Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc ; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.

Trở lại cuộc chiến trên trời : Nguồn gốc Con Mãng xà, và bè lũ :

7Bấy giờ, có giao chiến trên trời : thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. 8Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. 9Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.

Cuộc chiến thắng trên trời bảo đảm chiến thắng cho cuộc chiến còn đang diễn ra dưới đất : 10Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời : “Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Ki-tô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài. 11Họ đã thắng được nó nhờ máu Con Chiên và nhờ lời họ làm chứng về Đức Ki-tô : họ coi thường tính mạng, sẵn sàng chịu chết.

Cuộc chiến tiếp diễn dưới đất : 13Khi Con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai. 14Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà, tại đó bà được nuôi dưỡng một thời, hai thời và nửa thời, ở xa Con Rắn. 15Từ miệng, Con Rắn phun nước ra đằng sau bà như một dòng sông, để cuốn bà đi. 16Nhưng đất cứu giúp bà : đất há miệng ra uống cạn dòng sông từ miệng Con Mãng Xà phun ra.

Tất cả diễn ra như một phim hoạt hình mà có lẽ trẻ em dễ theo hơn người lớn ! Người con bà sinh ra (con đầu lòng) được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai Thiên Chúa chính là Chúa Giê-su, như Chúa đã tuyên bố trước Thượng Hội Đồng Do Thái (x. Mt 26,64 ; Mc 14,62 ; 16,19 ; Lc 22,69). Dân đã được cứu khỏi ách nô lệ cũng được gọi là con đầu lòng của Thiên Chúa (Xh 4,22-23). Chúa Giê-su là con đầu lòng của Đức Mẹ (x. Lc 2,6)2, của Thiên Chúa (Rm 8,29) ; giữa mọi thụ tạo và từ cõi chết (Cl 1,15.18) ; Hội Thánh trên trời là cộng đoàn các con đầu lòng (Hr 12,23).

Cuộc chiến tiếp diễn : 17Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà.

Những người còn lại của dòng dõi người phụ nữ là những ai ? là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giê-su.

Đến lúc chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về người phụ nữ, con đầu lòng và những người còn lại của dòng dõi người phụ nữ.

Trước hết phải nhìn Người Phụ Nữ ở đây trong nhãn quan các ngôn sứ của Cựu Ước, là Xi-on, Giê-ru-sa-lem, mẹ muôn dân : I-sai-a 49,14-26 ; 52,1-12 ; 60,1-22 ; 62,1-12 ; 66,5-14 ; Xô-phô-ni-a 3, 11-18. Thánh vịnh 86/87 tóm tắt lời các ngôn sứ :

Thành Xi-on được lập trên núi thánh.

2CHÚA yêu chuộng cửa thành hơn mọi nhà của dòng họ Gia-cóp.

3Thành của Thiên Chúa hỡi, thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành ! 4Chúa phán :

“Ta sẽ kể Ba-by-lon và Ai-cập vào số những dân tộc nhận biết Ta.

Kìa xứ Phi-li-tinh, thành Tia cùng xứ Cút :

tại đó, kẻ này người nọ đã sinh ra.”

5Nhưng nói về Xi-on, thiên hạ bảo : “Người người sinh tại đó.”

Chính Đấng Tối Cao đã củng cố thành.

6CHÚA ghi vào sổ bộ các dân : “Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó.”

7Và ai nấy múa nhảy hát ca : “Xi-on hỡi, mọi nguồn gốc của tôi ở nơi thành.”

Cuộc chạy trốn và được Thiên Chúa nuôi trong hoang địa gợi lại dân của Giao Ước cũ sau khi thoát tay Pha-ra-ô. Khi dân lập cư trong Đất Hứa, Giê-ru-sa-lem thành nơi Chúa ngự, thì Xi-on / Giê-ru-sa-lem trở thành biểu tượng của Dân Thiên Chúa. Đất rẽ ra nuốt con sông lửa gợi lại chuyện Biển Đỏ rẽ ra cho Dân đi qua, thoát sự truy đuổi của Pha-ra-ô. Người phụ nữ được an toàn trong hoang địa trong một thời gian 3 năm rưỡi đồng thời với việc con Mãng Xà giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi người phụ nữ diễn tả cuộc chiến không ngừng, nhưng Thiên Chúa luôn bảo đảm bênh vực Dân Chúa.

Thân mẫu Chúa Giê-su, người Phụ Nữ trong Tin Mừng thứ tư

Trong sách Tin Mừng thứ tư, quen gọi là Tin Mừng theo thánh Gio-an, Thân mẫu Chúa Giê-su xuất hiện hai lần : ở tiệc cưới Ca-na (2,1-12) và ở bên thập giá (19,25-27). Cả hai lần đều chỉ được gọi là “thân mẫu Chúa Giê-su” chứ không nói tên, và cả hai lần Chúa Giê-su không nói “thưa mẹ”, mà nói “này người Phụ Nữ !”.

Ở tiệc cưới Ca-na Chúa nói : “Này người Phụ Nữ, chuyện này can hệ gì giữa bà với tôi ; giờ tôi chưa đến”.

Sách Tin Mừng áp dụng kỹ thuật dùng đồng hồ để gây hồi hộp, chờ đợi như trong một cuốn phim, đạo diễn cho chúng ta thấy cái đồng hồ trên tường và nghe tiếng tích tắc, tức là biến cố chủ yếu sẽ diễn ra vào giờ G nào đó mà chúng ta chưa biết, thỉnh thoảng lại cho chúng ta nghe tiếng tích tắc và thấy kim đồng hồ nhích từ từ.

Sau đó nhiều lần Tin Mừng này kể phe đối nghịch toan bắt Người, nhưng không thành, “vì giờ của Người chưa đến” (7,30.44 ;10,39).

Ở chương thứ 5, Chúa lại nói “Thật, tôi bảo thật các ông : giờ đã đến –và chính là lúc này đây– giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa ; ai nghe thì sẽ được sống.” (5,25)

Ở tiệc cưới Ca-na, lần đầu tiên đạo diễn cho ta nghe tiếng tích tắc và cho biết “giờ tôi chưa đến”, liên hệ tới tương quan giữa Ngài với thân mẫu. Tại Ca-na, thân mẫu Chúa Giê-su có mặt ở đó. Còn Chúa Giê-su và các môn đệ là khách mời. Thân mẫu như người trong họ hàng tới giúp, nên mới thấy họ lúng túng vì hết rượu.

Xin đọc cho kỹ, Thân mẫu nói với Chúa Giê-su : “Họ không có rượu” chứ không nói họ hết rượu, hay thiếu rượu. Không có rượu thì sao gọi là tiệc cưới được. Như vậy tác giả nâng lên một bình diện khác rồi. Một trong những đặc điểm của Tin Mừng thứ tư là luôn chuyển từ bình diện tự nhiên sang bình diện siêu nhiên của ơn cứu độ. Trong Cựu Ước, các ngôn sứ ví Giao Ước giữa Thiên Chúa với dân như một tiệc cưới. Câu trả lời của Chúa Giê-su cho thấy bây giờ Chúa bắt đầu rao giảng Tin Mừng chuẩn bị cho một Giao Ước Mới, lúc đó Chúa Giê-su là chàng rể và Thân mẫu sẽ có vai trò với tư cách Người Phụ Nữ.

Sau đó Thân Mẫu nói với những người giúp việc : “Ngài bảo sao cứ làm vậy !” Chúa Giê-su bảo họ múc nước cho đầy sáu cái chum bằng đá dung chứa nước để rửa chân tay (thanh tẩy) theo phong tục Do Thái giáo, trước khi vào bàn tiệc. Sao đó Chúa truyền múc đem cho người quản tiệc nếm, Người này nếm rồi gọi chú rể ra “trách yêu” : Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Tại sao lại trách chú rể ? Vì chú rể là người phải cung cấp rượu. Có đâu mà giữ ! Bây giờ mới có, và do Chúa Giê-su cung cấp bằng lời của ngài.

Câu kết cho thấy Chúa Giê-su làm “dấu lạ” này là dấu lạ thứ nhất tại Ca-na để nói về sứ mạng của ngài : Chú Rể của Đám Cưới mà I-sai-a loan báo (62,4-5). Dấu lạ thứ hai tại Ca-na sẽ là ban sự sống cho đứa con của viên sĩ quan từ Ca-phác-na-um lên xin (4,46-54).

Chương 12, khi những người Hy lạp xin gặp Chúa Giê-su, thì Chúa reo lên : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! 24Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Chúa được tôn vinh bằng cái chết mà thượng tế Cai-pha đã quyết định và nói lên ý nghĩa :

Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy , nói rằng : “Các ông không hiểu gì cả, 50các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” 51Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (11,49-52).

Trước cái chết, Chúa khiếp sợ đến nghẹn lời :

Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống : “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa !” 29Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói : “Đó là tiếng sấm !” Người khác lại bảo : “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !” 30Đức Giê-su đáp : “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. 31Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! 32Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” 33Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào” (12,27-33).

Đó là giờ Chúa Giê-su lập Giao Ước Mới bằng máu của Ngài. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su ban điều răn mới cho các môn đệ :

Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.” (13,34-35)

Ở núi Xi-nai, Thiên Chúa ban Luật của Giao Ước, ông Mô-sê chép lại. Ông tổ chức lễ thiết lập Giao Ước

Ông Mô-sê chép lại mọi lời của ĐỨC CHÚA. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. 5Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế ĐỨC CHÚA. 6Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. 7Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa : “Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” 8Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói : “Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, dựa trên những lời này.”

Khi “giờ đã đến”, Chúa Giê-su chịu treo lên thập giá thì thân mẫu lại có mặt, và lần này Chúa Giê-su lên tiếng trước :

Đứng gần thập giá Đức Giê-sucó thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la26Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (19,25-27).

Đứng bên cạnh thân mẫu có hai người phụ nữ khác có tên rõ ràng : người chị của thân mẫu, tên là Ma-ri-a, và bà Ma-ri-a Magdala. Từ tầm mắt của Chúa Giê-su trên thập giá, Chúa thấy thân mẫu và người môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa nói : “Này người phụ nữ, đây là con của bà”. Người con mới của Đức Mẹ được sinh bởi lời của Chúa Giê-su. Có hai người phụ nữ làm chứng : chị của thân mẫu và Ma-ri-a Magdala. Trong Cựu Ước, lời làm chứng của người phụ nữ chỉ có giá trị trong những hoàn cảnh mà đàn ông không được phép có mặt, cụ thể là lúc sinh đẻ, phải có một người trong gia đình với bà đỡ để làm chứng đứa trẻ này đúng là do bà mẹ này sinh ra.

Người môn đệ Chúa Giê-su thương mến

Thân mẫu Chúa Giê-su hai lần xuất hiện đều mang cùng một danh hiệu, và hai lần Chúa Giê-su nói với thân mẫu cùng một cách : “Này người phụ nữ”.

Người môn đệ Chúa Giê-su thương mến xuất hiện từ chương 13 tới cuối chương 21, luôn luôn với danh hiệu này, không bao giờ có tên3. Vị trí của ông ở bữa tiệc gợi lại vị trí của bộ lạc Ben-gia-min trong lời chúc phúc của ông Mô-sê,

Về Ben-gia-min, ông nói :

Là kẻ được ĐỨC CHÚA yêu thương, nó sống yên hàn ở bên Người,

Đấng suốt ngày che chở nó và nó sẽ ở giữa hai vai của Người (Đnl 33,12, dịch sát)

Ben-gia-min là con út của Gia-cóp, và ông yêu quý đứa con út này đến nỗi khi xin thế mạng cho em, Giu-đa đã kể trước mặt Giu-se lời ông Gia-cóp :

‘Các con biết rằng vợ của cha đã sinh cho cha hai đứa. 28Một đứa đã lìa cha, và cha đã nói : Đúng là nó đã bị xé xác, và cho đến nay cha chẳng được nhìn lại nó. 29Nếu các con đem cả đứa này đi xa cha, và nó gặp tai hoạ, thì các con sẽ làm cho kẻ bạc đầu này phải đau khổ mà xuống âm phủ.’ 30Vậy bây giờ nếu tôi về với tôi tớ ngài, là cha của tôi, mà không có thằng bé cùng về với chúng tôi, bởi vì người chỉ sống khi nó sống, 31thì khi thấy là không có thằng bé, người sẽ chết mất. Các tôi tớ ngài sẽ làm cho kẻ bạc đầu, là tôi tớ ngài và là cha của chúng tôi, phải buồn sầu mà xuống âm phủ. (St 44,27-31).

Trong bản tiếng Hy lạp (bản LXX), toàn thể nhà Gia-cóp được gọi là egapemenos [kẻ được yêu mến (Đnl 32,15 và 33,5).

Vậy nếu ta đừng vẽ rắn thêm chân, cứ tôn trọng bản văn, tác giả cố ý không cho một tên riêng mà chỉ nói “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến”, thì sẽ thấy rõ hơn ý nghĩa của lời Chúa Giê-su trên thập giá. Môn đệ nào cũng được Chúa thương, kể cả Giu-đa kẻ phản nộp, vì Chúa chấm miếng bánh trao tận miệng cho Giu-đa. Người môn đệ Chúa thương trở thành đại diện cho toàn thể Dân được Thiên Chúa yêu thương, và Chúa Giê-su yêu thương đến nỗi hiến mạng sống để cho toàn dân được sống, như lời thượng tế Cai-pha đã nói. Thân mẫu của Chúa là người Phụ Nữ mới, trở thành mẹ của Dân Mới, dân được sinh ra bằng máu và nước từ cạnh sườn Chúa, và nhận được hơi thở Chúa trao, như khi Thiên Chúa tạo dựng đã nặn con người bằng đất sét rồi hà hơi vào lỗ mũi và con người thành loài có sự sống. Ở Gôn-gô-tha, sau khi hoàn tất việc Chúa Cha trao, Chúa kêu lên “Đã hoàn tất”, “rồi người gục đầu xuống và trao hơi thở” (19,30).

Sau đó “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu và nước chảy ra” (19,34). Để dựng nên Người Nữ thứ nhất, Thiên Chúa đã làm cho A-đam ngủ say, rồi lấy một cái xương sườn cụt của ông mà làm nên người nữ. Từ cạnh sườn Chúa Giê-su ngủ sâu trên thánh giá, người nữ mới đã được tạo thành để làm mẹ các kẻ sống mà sẽ không phải chết, đó là Hội Thánh sẽ sinh con bằng Lời Chúa và các bí tích. Thân Mẫu Chúa Giê-su là hiện thân, hình ảnh của Hội Thánh khi đứng dưới chân thập giá, tham dự nỗi đau của con đầu lòng của mình là Chúa Giê-su, mà chính Người đã ví là nội đau sinh con (Ga 16,21-22). Thân mẫu của Chúa Giê-su đã sinh những người con mới do lời của Chúa Giê-su từ trên thánh giá, có chị của thân mẫu và Ma-ri-a Magdala làm chứng. Sau khi phục sinh, Chúa Giê-su sai Ma-ri-a Magdala “hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.” (20,17), Bà là một trong hai người làm chứng nên bà biết ai là anh em của Chúa.

Đến đây đọc lại chương 12 của sách Khải Huyền ta có thể hiểu rõ hơn : Người nữ xuất hiện trong vinh quang là Hội Thánh, mà Thân Mẫu Chúa Giê-su là tượng trưng. Đứa Con đầu lòng được đưa ngay lên tận ngai Thiên Chúa là Chúa Giê-su, con đầu lòng của Đức Mẹ và con đầu lòng của Hội Thánh là cộng đoàn các con đầu lòng đã vào trong vinh quang với Chúa Giê-su. Những người còn lại trong dòng dõi người nữ là Hội Thánh còn trên đường dương thế vẫn bị Xa-tan tấn công.

Thân Mẫu Chúa Giê-su thật sự là mẹ của Hội Thánh và mẹ của mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta là người môn đệ yêu dấu, như thánh Phao-lô viết : “Người đã yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Mỗi người là môn đệ yêu dấu đã được Chúa Giê-su trao làm con thân mẫu, cũng hãy đón Người về nhà mình, để có Mẹ ở bên luôn mãi suốt đời cho tới khi được Mẹ đưa về trời với Con Đầu Lòng của Mẹ. AMEN.

Lm. Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.

1) Một số người dịch “con rồng”, theo từ điển của Tây phương, quên truyền thống văn hóa VN : chúng ta là con rồng cháu tiên. Người phương Tây không biết truyền thống văn hóa VN, rất ngạc nhiên khi thấy chúng ta trang hoàng cung điện nhà vua, và cả nhà thờ với hình ảnh con Rồng.

2) Nhiều người (đáng tiếc là trong số có cả những nhà thần học Công giáo !) dựa vào đây để nói rằng sau khi sinh Chúa Giê-su, Đức Mẹ còn sinh nhiều con khác, nên Phúc Âm nói đến anh em chị em của Chúa Giê-su. Họ phạm hai cái ngu : như Chúa Giê-su trả lời những người Sa-đốc về sự phục sinh : “Các ông lầm, vì các ông không biết Sách Thánh cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa” (Mt 22,29-32). Cái ngu thứ nhất là không chịu tìm hiểu lối kể truyện của Lu-ca, luôn chuẩn bị cho trình thuật tiếp theo, ở đây là trình thuật dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ, vì là con đầu lòng. Gio-an Tiền Hô cũng là con đầu lòng nhưng Luca không nói vì không kể việc dâng trong Đền Thờ, cho vào sa mạc liền... Thêm vào đó, họ không biết văn hóa và ngôn ngữ Sách Thánh, họ theo chính sách thuộc địa văn hóa, áp đặt ngữ nghĩa của ngôn ngữ Âu châu lên cả Sách Thánh : Áp-ra-ham và Lot là cậu cháu, nhưng khi chia tay thì Áp-ra-ham nói : chúng ta là anh em ! (St 13,8). Ngôn ngữ VN chúng ta và nhiều dân khác ở Phi châu, từ anh em bao gồm cả anh em ruột và anh em họ (tôi đã hỏi một số sinh viên Thánh Kinh Học Viện khi họ học với tôi ở Giê-ru-sa-lem. Thêm cái ngu thứ hai Chúa Giê-su nói là họ không biết quyền năng Thiên Chúa. Mấy nhà thần học kia là linh mục, tu sĩ cả đấy, họ khấn sống độc thân vì Nước Trời nhờ sức riêng họ sao ? Chả lẽ họ thật sự nghĩ vậy chăng !?

3) Truyền thống từ những thế kỷ đầu đã gán cho ông là Gio-an con ông Dê-bê-đê.

 


Trang Kinh Thanh