Bài 15 :

 

Hai đồng xu của bà goá nghèo : cho với lòng quảng đại

 

 

1. Hai tác giả, hai góc nhìn

Nếu như, trong bài trước, ta đã có dịp tìm hiểu về việc Ðức Giê-su quan sát thấy hành vi thờ phượng Thiên Chúa đã bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động thương mại, điều đã diễn ra trong khu chư dân của đền thờ; thì ở đây ta sẽ thấy một quan sát khác của Ngài về cách người ta bỏ tiền dâng cúng cho Ðền thờ, sự việc này có lẽ cũng diễn ra trong khu chư dân, hoặc giả là trong khu vực phụ nữ. Thật vậy, tuy các sách Tin Mừng không nói rõ là ở khu vực nào trong Ðền thờ, nhưng sự hiện diện của bà goá nọ cho ta một chỉ dẫn rằng sự kiện không thể diễn ra trong khu vực dân Ít-ra-en, là nơi các phụ nữ bị cấm vào, và đương nhiên cũng không trong khu Thánh và Cực Thánh.

 

Câu chuyện này được thuật lại bởi hai tác giả Tin Mừng : Thánh Mác-cô và Thánh Lu-ca. Ðể đọc ra ý nghĩa liên quan đến chủ đề của cải của trình thuật này, thiết tưởng ta sẽ phải làm một so sánh cách nào đó giữa hai tác giả.

Như ta biết, Tin Mừng theo thánh Lu-ca có nhiều trích đoạn liên quan đến chủ đề tiền bạc, và ngài thường trình bày các sự kiện dưới một lăng kính giải thích nhiều hơn là tường thuật. Trong khi đó, thánh Mác-cô, một tác giả tường thuật các sự kiện cách cô đọng nhất, thường kể chuyện không theo tính cách văn vẻ, cũng không mấy quan tâm đến tính hợp lý của các sự kiện, do đó nhiều khi ta nhận thấy tính cách thô sơ, thậm chí đôi lúc còn có vẽ lộn xộn nữa, trong các trình thuật của ngài.

Câu chuyện về bà goá nghèo này được cả hai vị chèn vào một cách không mấy hợp lý trong văn cảnh của nó. Nó đi liền sau câu khiển trách của Ðức Giê-su hướng về mấy ông kinh sư rằng họ đã nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ cầu nguyện lâu giờ (Mc 12,40 ; Lc 20,47). Và nó được đặt trước lời tiên báo về sự sụp đổ của ngôi Ðền thờ (Mc 13,1-2 ; Lc 21,5-7). Ðó là điểm chung của hai tác giả. Tuy nhiên, cách trình thuật của hai vị cũng mang nhiều dị biệt.

 

2. Theo thánh Mác-cô

a. Từ một quan sát

Bài tường thuật của thánh Mác-cô đặt câu chuyện này vào cuối một chuỗi những giáo huấn mà Ðức Giê-su thực hiện nơi Ðền thờ. Có lẽ, nó là phần kết được thêm vào và được trình bày như một nhắc nhở "đầy "lưu ý của Ðức Giê-su đối với các môn đệ (điều này ta cũng thấy nơi thánh Lu-ca). Theo như lời kể của Mác-cô, sau khi kết thúc một loạt những giáo huấn của mình, Ðức Giê-su đã cố tình nán lại trong khu vực Ðền thờ để quan sát xem người ta bỏ tiền vào thùng ra sao, rồi nhân đó Ngài dạy riêng cho các môn đệ về cách thức nhận định mang tính chiều sâu liên quan đến việc này :  Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó ; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình (Mc 12,43-44 ; cf. Lc). Về điểm này, thánh Mác-cô có vẻ hợp lý hơn Lu-ca.

Theo trình thuật của thánh Mác-cô, Ðức Giê-su, sau khi đã giảng dạy nhiều điều cho Dân trong Ðền thờ, Ngài ngồi  đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Ðền thờ  quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao (Mc 12,41). Với quan sát này, Ngài đã thấy được điều sâu xa nơi hành vi của một bà goá nghèo, điều mà chẳng mấy ai chú ý (điều này khác với sự quan sát và việc nhận ra tính cách lạm dụng của những nhà buôn mà chúng ta đã thấy trong bài trước, cũng là điều mà những người khác không để ý).

 

b.Dám cho tất cả

Vâng, Ðức Giê-su cố ý thực hiện việc quan sát này để xem người ta dâng cúng cho Ðền thờ như thế nào. Rồi, Ngài đã nhận ra hành vi đáng kể của bà goá nghèo nọ : bà đã cho cả phần cần thiết của mình. Ta không có chỉ dẫn nào rõ hơn để biết xem rằng sau khi cho hết hai đồng xu cuối cùng của mình, số phận của bà sẽ ra sao (như trong trường hợp của một bà goá thời ngôn sứ Ê-li-a, ngay dưới đây), nhưng ta biết chắc một điều là số tiền bà đã bỏ vào thùng là không đáng kể so với những người khác, và rằng đó chính là tất cả tài sản còn lại của bà.

Như ta đã biết, trong Thánh Kinh, những bà goá được coi là những người nghèo. Từ xa xưa, Luật của người Do thái luôn có những qui định nhằm bảo vệ các bà khỏi những lạm dụng quyền lực của những kẻ mạnh thế và những người giàu có. Ta có một câu chuyện khá quen thuộc khác kể về một bà goá nghèo thời ngôn sứ Ê-li-a : bà đã chấp nhận nhường chút phần bánh cuối cùng của bà và con trai bà cho vị ngôn sứ ; và rồi, một phép lạ đã được thực hiện : hũ bột không vơi và lọ dầu không cạn trong suốt thời kỳ hạn hán và đói kém trong vùng (xin xem 1V 17,7-16). Câu chuyện này có đôi nét gì tương đồng với điều Ðức Giê-su quan sát thấy ở đây : một bà goá nghèo không còn hy vọng sống còn qua thời kỳ hạn hán đói kém ; theo yêu cầu của vị ngôn sứ, bà đã quyết định nhường cả chút phần ăn cuối cùng của mình và đứa con nhỏ cho vị ngôn sứ - có một chút gì là chua chát trong tình huống này - ; và rồi phép lạ đã được thực hiện. Vâng, bà đã sẵn lòng nhường cho vị ngôn sứ đến cả chút phần lương thực cuối cùng của mình - đó chính là chút phương thế còn xót lại có thể kéo dài sự sống của bà và con trai bà thêm một thời gian ngắn. Cái mà bà đã cho, suy cho cùng, không phải chỉ là chút bánh nướng cuối cùng, mà hơn thế nhiều, đó chính là sự sống còn của bà và con trai bà, cho dù chỉ thêm được ít thời gian. Bà đã quyết định làm như thế với mục đích cứu sống  người của Chúa , đó là một người nào khác mà bà nghĩ rằng người đó cần cho cuộc sống hơn là chính bà và con trai bà. Thật là cao cả. Vâng, trong hoàn cảnh hạn hán và đói kém như thế, một chút của ăn vật chất quả là quí giá để có thể sống còn lâu thêm, với hy vọng sẽ tìm được một lối thoát hoặc một trợ giúp nào khác. Ai cũng có thể biết và hiểu rõ điều này, nhưng có lẽ không có nhiều người đành lòng nhường phần của mình cho người khác.

 

Một vấn đề xã hội : lạm dụng lòng quảng đại

Việc dâng cúng cho Ðền thờ là một hành vi tôn giáo xã hội, như ta vừa nói trên, vốn là tốt đẹp nhằm phục vụ cho các công ích xã hội và tôn giáo, phục vụ con người, nhưng cái đẹp đẻ và cao cả vốn nằm ở phía xa hơn : dâng cúng với một ý hướng tốt, và quan trọng hơn nữa, chính là dám  rút từ cái túng thiếu của mình  mà cho (Mc 12,44 ; Lc 21,4), như bà goá nọ đã làm. Có lẽ, những người đã từng sống trong những khu xóm nghèo cảm được rõ hơn điều này : người nghèo dễ thông cảm với nhau và dễ chia sẻ cho nhau dù chỉ là chút gì họ có. Họ chia sẻ cho nhau không tính toán cũng như không điều kiện gì cả, chỉ đơn thuần là với lòng thương cảm họ chia sớt cho người lân cận, khi thấy người đó cần.

Tuy nhiên, khi nghe kể rằng bà goá nọ  đã bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình , ta cũng cảm thấy có một chút gì đó xót xa. Dường như, thánh Mác-cô muốn gợi ý, cách nào đó, đến một vấn đề xã hội thời ngài. Vì, ta để ý thấy, ngay liền trước đó, Ðức Giê-su đã lên tiếng khiển trách các ông kinh sư đã từng  nuốt hết tài sản của các bà góa (Mc 12,40 ; Lc 20,47). Tại sao lại là các kinh sư ? Có lẽ chăng, trong khi giảng dạy Dân, họ đã nhấn quá mạnh đến việc dâng cúng cho Ðền thờ như là một điều thiết yếu mà người ta phải thực hiện hầu có thể được Thiên Chúa nhậm lời ? Có lẽ chăng, điều đó đã được nhấn mạnh quá nhiều đến nỗi các bà goá nghèo, như ta vừa nghe kể, phải vắt cạn túi để dâng nộp cho Ðền thờ ? Thật ra, ta không có chỉ dẫn nào rõ ràng về điểm này ngoài điều gợi ý trên của thánh Mác-cô. Tuy nhiên, đã có một cái gì đó không bình thường ở đây. Nếu hình ảnh bà goá mẫu mực thời ngôn sứ Ê-li-a đã được sử dụng để nhấn mạnh và ép các bà goá của thời Chúa Giê-su phải đặt lên hàng đầu việc đóng góp cho Ðền thờ hơn cả những nhu cầu thiết yếu của họ và con cái họ, thì quả thật đó là một điều đáng phải lên tiếng. Và chính Ðức Giêu-su đã thực hiện rồi.

 

3. Ðiều quan trọng : lòng quảng đại

Tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng hơn đã được hai thánh Mác-cô và Lu-ca làm nỗi bật, đó là tấm lòng quảng đại, và chỉ có tấm lòng quảng đại như thế mới là điều đáng kể dưới cái nhìn của Thiên Chúa, mà Ðức Giê-su đã không quên chỉ rõ. Nó có giá trị hơn nhiều so với những số tiền to lớn được dâng cúng. Nhưng ta cũng đừng quên rằng những khoảng đóng góp cụ thể bằng vật chất đó của những người giàu có, cho dù là họ chỉ rút ra từ của dư thừa của họ, vốn cũng cần thiết và thật hữu ích cho các hoạt động Ðền thờ. Chúng có giá trị nhất định của chúng. Thật vậy, Ðức Giê-su không hề phủ nhận sự hữu ích của các đóng góp này, Ngài chỉ làm một so sánh với một điều khác mang giá trị hơn, điều mà bà goá nọ đã thực hiện.

Thật sự mà nói, những người đã không ngại dâng cúng cho Ðền thờ vốn không phải là những người xấu. Họ đáng được coi là tốt vì họ đã nhìn nhận rằng của cải vật chất họ thu tích được vốn là do ơn lành của Chúa ban cho họ. Họ đáng được coi là tốt vì, với tấm lòng vừa chân thành vừa  quảng đại , họ đã không ngại trích dâng cho Thiên Chúa, theo niềm tin của họ. Nếu ta so sánh họ với những người giàu chuyên khai thác người nghèo, vì họ luôn cảm thấy còn chưa đủ giàu (như ta đã có dịp nói đến trong các bài trước đây), thì quả thật, những người chúng ta đang nói tới cũng đáng được nể phục cách nào đó. Ðương nhiên, với tư cách là con người, cũng có những người dâng cúng vì chút hư danh, họ làm việc này với ý định khoe khoang và muốn được người đời nể trọng vì đã  rộng tay đóng góp  cho hoạt động chung, họ làm điều này không chỉ vì tấm lòng thành.

Qua đó, ta thấy rằng giá trị của của cải bạc tiền không phải là không đáng kể. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nhiều chính là ở tấm lòng con người. Ðối với của lễ dâng cúng, không phải lễ vật và trị giá của nó, mà chính tấm lòng chân thành và quảng đại của con người mới là điều quan trọng và đáng kể.

 

4. Theo thánh Lu-ca

Bà goá nghèo, mẫu mực về lòng quảng đại

Trong khi đó, nơi thánh Lu-ca, ta thấy đã có một chuyển ý bất ngờ khiến ta có cảm giác là không có một liên hệ gì giữa câu chuyện này với những điều trước đó. Mặt khác, ngài cũng không đặt Ðức Giê-su vào trong tình trạng chú ý, mà chỉ mô tả rằng :  Ngước mắt lên nhìn, Ðức Giê-su nhìn thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền (Lc 21,1) và nhân đó Ngài đã nhận thấy hành vi của bà goá nọ. Nếu thánh Mác-cô có ý cho một giải thích về điều khiển trách các ông kinh sư trong khi gắn câu chuyện này với phần trước của nó và tách rời nó với lời tiên báo theo sau, thì thánh Lu-ca dường như muốn làm ngược lại, ngài cắt câu chuyện này ra khỏi văn mạch của lời khiển trách liền trước và cố ý nối kết nó với lời tiên báo đi liền theo sau bằng câu dẫn nhập này :  Nhân có mấy người nói về đền thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng .  (Lc 21,5). Ðiều này dường như muốn cho thấy rằng thánh Lu-ca có ý đề cao nhiều hơn đến tấm lòng quảng đại của bà goá nọ (điều mà thánh Mác-cô cũng nhắm tới), nhưng ngài không có ý đặt liên hệ giữa nó với việc  moi tiền  của các vị kinh sư như thánh Mác-cô đã làm ; đồng thời, thánh Lu-ca lại muốn đặt tấm lòng quảng đại của bà goá vào trong tâm khảm chung của toàn dân, nghĩa là ngài muốn nói về lòng quảng đại của Dân Chúa trong việc đóng góp cho các hoạt động tôn giáo, đặc biệt là Ðền thờ. Thật vậy, câu 21,5 liền theo sau câu chuyện, mà ta vừa trích, cho thấy rõ hơn điều này. Tuy nhiên, xin mở ngay một dấu ngoặc, rằng : tất cả những điều vừa được nói về của cải vật chất sẽ chẳng còn mấy giá trị, vì tự thân các công trình do tay con người làm ra vốn mang tính chất tạm thời, điều mà lời tiên báo về sự sụp đổ của ngôi Ðền thờ muốn gợi lên, ngay liền sau đó :  Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào (Lc 21,6). Vì quả thật, điều quan trọng hơn không nằm ở những thứ mang tính cách vật chất đó, điều đáng kể chính là lòng quảng đại của con người thể hiện trong hành vi dâng cúng, nó cho thấy lòng tin yêu và thờ kính Thiên Chúa của họ, mà bà goá nọ được trưng dẫn như một mẫu mực.

Thật vậy, để có thể hiểu rõ hơn về điểm này, ta hãy trở ngược dòng thật xa đến một bản văn Cựu Ước liên quan đến chủ đề dâng cúng cho các hoạt động tôn giáo mà đoạn Tin Mừng đã gợi cho ta, đó là một tường thuật về sự đáp ứng quảng đại của Dân trước lời kêu gọi của Mô-sê trong việc quyên góp để xây dựng nơi Thờ Phượng kính Gia-vê (trong Xh 35,4tt ; 36,2-7).

 

Lòng quảng đại của Dân. Vai trò tích cực của của cải vật chất

Khởi đi từ một điều hiển nhiên rằng tôn giáo tồn tại trong lòng xã hội. Ðể có thể duy trì và truyền bá tôn giáo, người ta cần những thừa tác viên  chuyên nghiệp , là những người tự nguyện sẵn sàng dành cả đời mình phục vụ cho tôn giáo của họ cũng như cho cộng đồng những người cùng tín ngưỡng. Ðiều cần thiết và hợp lý là những thừa tác viện này nên được dành riêng để chuyên lo đến sứ vụ đó của mình, họ phải không được quá bận tâm về kế sinh nhai của chính bản thân.

Theo tinh thần phân công lao động xã hội, từ xưa, trong Do Thái Giáo, được kể lại trong Thánh Kinh, điều này đã được nhìn nhận và thực hiện dưới hình thức các loại đóng góp cho các hoạt động tôn giáo. Chúng xuất hiện qua các loại hình  thuế . Thật vậy, trong Thánh Kinh Cựu Ước, ta thấy nói tới ba hình thức đóng góp : việc nộp  thuế thân , là một thứ thuế nộp theo đầu người (trong Xh 30,11-16) ; việc quyên góp để xây dựng nơi Thờ Phượng (trong Xh 35,4tt ; 36,2-7) ; và việc nộp thuế thập phân hàng năm (trong Ðnl 14,22-27.28-29 ; 26,12-15). Mục đích của chúng rõ ràng là nhằm bảo đảm cho các hoạt động tôn giáo được thực hiện liên tục và đều đặn bởi các thừa tác viên được chọn và, đặc biệt, loại thứ ba vốn là một hình thức tương trợ : vừa để duy trì hoạt động tôn giáo, vừa nhằm trợ giúp những người có nhu cầu trong xã hội như các thầy Lê-vi (là những người thuộc về chi tộc không được chia tài sản riêng như các nhóm khác trong Dân) và những người được coi là nghèo khổ, các trẻ mồ côi, bà goá và ngoại kiều (xin xem Ðnl 14 ; 26).

Ðiều đó cho thấy rằng tiền bạc và của cải vật chất giữ một vai trò đáng kể nào đó trong xã hội, không loại trừ xã hội tôn giáo. Nói cách khác, sự đóng góp của những tín hữu cho các công trình tôn giáo là điều cần thiết và chính đáng. Trình thuật về việc đóng góp của Dân Chúa cho công trình xây dựng Lều Tạm sẽ cho ta một khẳng định về điểm này. Thật vậy, để có thể xây dựng nơi Thờ Phượng để Thờ Kính Ðức Chúa, một trong những điều cần thiết là sự đóng góp của các thành viên trong Dân. Vào thời Mô-sê, ông đã nhân danh Thiên Chúa mà kêu gọi Dân thực hiện điều này. Ðáp lại lời kêu gọi đó, họ đã rộng tay đóng góp nào là vật dụng, tư liệu, công sức lao động thủ công cũng như nghệ thuật, vàng, bạc và mọi thứ cần thiết khác. Với lòng quảng đại đó, họ đã đóng góp nhiều hơn rất nhiều so với nhu cầu đặt ra, và ông Mô-sê đã phải ra lệnh ngưng cuộc quyên góp (xin xem Xh 36,2-7). Bên cạnh đó, ta còn nghe nhiều mô tả về sự sang trọng và trang trọng của công trình Thờ Phượng Thiên Chúa, công trình đã được thực hiện sau cuộc quyên góp nói trên (xin xem Xh 36 - 39). Bản văn của Tin Mừng theo thánh Lu-ca muốn gợi lại cho ta cùng một điều như vậy, như ta vừa thấy trên kia (Lc 21,5). Quả thật, của cải vật chất do toàn dân đóng góp đã giúp cho dễ dàng hoá việc thực hiện các hoạt động mang tính tôn giáo. Nói cách khác, của cải vật chất, ở đây, có vai trò như một công cụ hữu ích cho hoạt động tôn giáo xã hội.

Tuy nhiên, nếu ta tiếp tục theo dõi các giáo huấn trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, ta cũng sẽ thấy rằng, ngoài những chỉ dẫn có tính cách tích cực về của cải vật chất, ngài cũng không ngại phê bình những lạm dụng trong việc sử dụng tiền bạc, và thậm chí ngài còn kết án chính tiền bạc như là một tên lừa đảo. Chúng ta sẽ có dịp trở lại điều này trong các bài tiếp theo.

 

5. Ðể kết

Vậy, tiền bạc của cải được đóng góp cho hoạt động tôn giáo xã hội có giá trị nhất định của chúng, có điều là phải biết thực hành thế nào cho phải và với tấm lòng khiêm nhu và quảng đại.

Với hai lần quan sát của Ðức Giê-su, ta đã có dịp thấy hai mặt tiêu cực và tích cực của tiền của, điều mà Tân Ước muốn trình bày. Ta cũng sẽ thấy cùng một kết quả, khi ta tìm hiểu về các câu trả lời của Ðức Giê-su cho những người đến chất vấn Ngài về chủ đề này. Thật vậy, ta sẽ có dịp gặp nhiều loại hình chất vấn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng câu trả lời luôn mang cùng một ý nghĩa, có chăng chỉ khác nhau theo những cấp độ đặt điểm nhấn, hoặc theo những góc độ của vấn đề được đặt ra.

 

 

25/08/2002

An Thụ

 


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà