Bài 10

 

TÔ-BÍT, GƯƠNG MẪU VỀ THỰC HÀNH BỐ THÍ

 

Sau khi đã đối diện với các vấn đề tiêu cực liên quan đến việc sử dụng của cải vật chất trong hai bài trước, ta lại có dịp gặp gỡ một nhân vật thú vị khác trong Thánh Kinh có một cung cách sử dụng tài sản khá độc đáo : ông Tô-bít, một người có tấm lòng vàng. Câu chuyện về ông nằm gọn trong quyển sách mà tên ông được lấy làm tựa, sách Tô-bít.

 

I. Ðôi nét về sách Tô-bít

Quyển sách này được xem là thuộc về thể loại văn chương hơn là lịch sử. Thật vậy, ta thấy rằng ông Tô-bít, thuộc dòng dõi Náp-ta-li, đã sinh sống vào khoảng thế kỷ thứ 10 TCN, thời đất nước Ít-ra-en bị chia đôi sau khi vua Sa-lô-môn qua đời ; ông bị đi đày sang xứ Át-sua cùng với thị tộc Náp-ta-li, vào khoảng năm 734 TCN ; còn con trai ông là Tô-bi-a, đã qua đời khoảng sau thời thành Ni-ni-vê bị phá hủy ,gần năm 612 TCN.

Trong phụng vụ Ki-tô giáo, sách này thường được trích đọc trong nghi thức lễ cưới với lời nguyện mẫu mực của đôi tân hôn Tô-bi-a và Sa-ra. Ðó là một điểm nhấn quan trọng của sách. Ngoài ra, ta còn thấy hai chủ đề quan trọng khác, đó là : lòng nhiệt thành bố thí và việc chăm lo chôn cất đồng loại mà ông Tô-bít đã thực hiện.

Ðối với chủ đề của chuỗi suy tư này, xin chỉ bàn đến việc bố thí của ông Tô-bít nhằm rút thêm được một bài học nữa về việc sử dụng của cải vật chất.

 

II-Nhân vật Tô-bít

Ngay từ đầu quyển sách, ta nghe chính Tô-bít tự thuật rằng : ông là người ăn ở theo sự thật và lẽ ngay, ông đã từng rộng tay bố thí cho đồng bào ông là những người cùng đi lưu đày với ông tại Át-sua (xin xem Tb 1,3). Nhưng ta sẽ tự hỏi, ông cùng bị đi đày như mọi người thì làm sao ông đã có nhiều tiền của để bố thí cho những người anh em đó, ông đã làm gì để có của cải mà cho ?

 

1)Người trung thành tuân giữ luật

Sách ghi lại rằng, từ khi còn ở quê nhà ông đã chăm lo giữ đúng theo luật Mô-sê. Không những ông giữ luật mà thôi mà hơn nữa ông tuân giữ tinh thần của luật và không bao giờ quên những người nghèo khổ : cô nhi, quả phụ và ngoại kiều (xin xem Tb 1,6-9).

Theo tự thuật của Tô-bít, trong khi ở xứ lưu đày ông vẫn luôn lo tuân giữ lề luật (Tb 1,10-11), nhờ thế Thiên Chúa đã thương đến ông và làm cho ông được lòng nhà vua Át-sua đương quyền, San-ma-ne-xe ; vị vua này đã dùng ông cho một số dịch vụ của mình : ông là người mua sắm tất cả những gì cần dùng cho vua (Tb 1,12-13). Ðó là lý do tại sao ông không bị rơi vào cảnh cơ cực như những người đồng bào bị lưu đày cùng với ông. Ðể lo việc mua sắm cho vua, ông đã có dịp đi sang các xứ lân cận. Một trong những xứ ông đã đi qua, xứ Mê-đi, là nơi ông đã ký gởi cho một người anh em của ông ,ông Ga-ba-ên, một số bạc đáng kể là 300 kg, (Tb 1,14). Trong thời gian tại chức đó, ông đã rộng tay bố thí cho đồng bào ông, như ông kể :  Dưới thời vua San-ma-ne-xe, tôi đã rộng tay bố thí cho các anh em cùng một dòng máu với tôi. Cơm bánh của tôi, tôi cho người đói khát ; quần áo của tôi, tôi cho kẻ trần truồng ; nếu thấy ai trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ni-ni-vê, thì tôi chôn cất người đó. Nếu có ai bị vua Xan-khê-ríp [kế vị vua San-ma-ne-xe] giết chết (.), tôi cứ đi lấy trộm xác họ mà chôn (Tb 1,16-18). Ðiều sau cùng này là lý do khiến ông bị thất sủng, vua Xan-khê-ríp đã ra lệnh tìm bắt giết ông. Ông đã bỏ trốn và tất cả tài sản của ông đều bị tịch thu vào kho vua (Tb 1,20). Ông đã trở nên tay trắng, trừ số bạc còn gởi nơi nhà ông Ga-ba-ên mà sau này ông sẽ sai cậu con trai Tô-bi-a đi nhận về (1) .

 

2)Người có tấm lòng cao thượng

Quả thật, ông có tấm lòng thương người đáng nể. Ta sẽ thấy, ngay khi còn lâm cảnh khó khăn sau khi vừa được tha án trở về nhà (2), nhân ngày lễ Các Tuần (3), ông đã được dọn cho một bửa ăn ngon, ông đã sai Tô-bi-a con trai ông và bảo :  Con ơi, con hãy đi tìm trong số các anh em chúng ta bị đày ở Ni-ni-vê, một người nghèo hết lòng tưởng nhớ Thiên Chúa, rồi dẫn người ấy về đây cùng dùng bữa với cha. Này, cha đợi con cho đến khi con về  (Tb 2,2). Dường như chẳng lúc nào ông quên những người nghèo khổ, ông luôn nghĩ và biết nghĩ về những người bất hạnh trong dân ông và tìm mọi dịp để đem lại cho họ chút niềm vui. Thật vậy, ngày đại lễ tôn giáo của dân tộc, đang sống trong cảnh lưu đày nơi đất khách, có mấy ai mà có được một bữa ăn cho đàng hoàng để mừng lễ, điều này lại càng vô vọng đối với những người nghèo ; lại nữa, vì là dân bị lưu đày, họ cũng không có quyền tụ tập đông người, cho dù là ngày lễ. Ông đã thấu được nỗi lòng của dân ông và ông đã cố làm một chút gì có thể : sai đi mời một người đồng bào đồng đạo nghèo nào đó đến chia sẻ bữa cơm ngon mà ông có được. Quả là một cử chỉ rất đẹp và một tấm lòng cao thượng, một tấm lòng vàng. Vâng, sống đạo chính là như thế, không nhất thiết phải làm những điều to lớn vĩ đại. Tuy nhiên, một hành động như ông đã làm không hề nho nhoi chút nào.

 

3)Giáo huấn của Tô-bít

Một ngày nọ, ông đã nghĩ rằng mình sắp chết, nhớ tới số tài sản còn gởi bên xứ Mê-đi, ông gọi con trai đến để báo cho biết về số bạc đó và sai anh ta lo đi lấy về mà sử dụng, đó chính là thừa kế ông để lại cho cậu.

Ở đây, ta đọc thấy một điều độc đáo, lời dặn dò của ông với cậu con trai. Nó như là một lời trăn trối (4) , và cũng là một bài giáo lý tóm gọn những điều thiết yếu trong lề luật. Ông đã dạy chúng cho con trai trước khi nói về số tài sản mà anh ta sẽ được hưởng. Ðó là một bài huấn giáo mở rộng, nó xoay quanh hai điểm cơ bản của lề luật,  kính Chúa, yêu người , mà ta đã có dịp nhắc tới ở bài 8. Trong đó, ta có thể liệt kê ra những điều quan trọng sau đây : thảo kính cha mẹ - trung thành với Chúa qua việc tuân giữ trọn vẹn lề luật, bố thí cho người nghèo - cưới vợ trong dòng tộc nhưng không phải cưới vì ham vui - trả lương sòng phẳng và tức thì cho người làm công - cho người đói khát ăn uống, người trần truồng mặc - chăm chỉ nghe theo chỉ dẫn của những người khôn ngoan để học lấy sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa (xin xem Tb 4,3-19).

 

III-Việc thực hành bố thí

Liên quan trực tiếp đến điều chúng ta quan tâm, xin phân tích kỹ hơn về đề tài bố thí. Ta nghe ông dặn rằng :  Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Ðối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. Tùy con có bao nhiêu, hãy cho bấy nhiêu ; có nhiều thì cho nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít. Như thế là con tích trữ vốn liếng vững chắc cho những ngày gian nan. Thật vậy, việc bố thí cứu cho khỏi chết và không để rơi vào cõi âm ty. Vì trước nhan Ðấng Tối Cao, của bố thí là một lễ vật quý giá cho những ai làm việc bố thí. (.) Hãy chia cơm sẻ áo cho người đói rách. Phàm là của dư thừa, con hãy lấy mà bố thí, và mắt con đừng có so đo trong việc bố thí của con.  (Tb 4, 7-11.16). Qua mấy lời giáo huấn này, ta lưu ý ba điểm : tinh thần, cung cách và giá trị của việc thực hành bố thí.

 

1)Tinh thần của việc thực hành bố thí

 Ðối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ . Ta có thể hiểu điều này theo cánh nói tính cực như sau : quan tâm và luôn quan tâm đến người anh em, đặc biệt là những người bất hạnh. Có lẽ, đó vừa là khởi điểm vừa là nền tảng cho việc thực hành bố thí, theo quan điểm của sách Tô-bít. Việc bố thí phải được thực hiện một cách tự nhiên như làhoa trái tất yếu của sự quan tâm đến đồng loại.

Theo cách nhìn của thần học tu đức và luân lý, cách thực hành như thế sẽ mang giá trị của một nhân đức. Có nghĩa là, người thực hành bố thí thực hiện nó như một thói quen, hay nói đúng hơn như một điều tốt cần thiết cho nhu cầu phát triển của đời sống nhân bản và thiêng liêng của bản thân (khi thực hành những hành vi này, ơn trợ giúp từ phía Thiên Chúa được kể là cần thiết, nhưng ta sẽ không bàn đến ở đây). Theo đó, sẽ không hề có chút khó khăn hoặc so đo nào trong khi làm việc này, cũng sẽ không hề có chút khó khăn nào khi thực hiện hành vi bố thí. Vì khi đó, việc bố thí đã trở nên như một thói quen làm điều thiện  bẩm sinh  của đương sự.

Ông Tô-bít, như được kể, đã thực hành như thế : với tinh thần quan tâm đến những người đồng bào và đồng đạo, việc thực hành bố thí đã trở nên một trong những  cá tính  của ông. Cũng với tinh thần đó, ông nhìn nhận nó như một điều thiện thiết yếu và ích lợi cho bản thân. Và ông đã không quên trao lại cho con trai ông như một phần tài sản thừa kế quan trọng (5) .

Tóm lại, theo quan điểm của sách Tô-bít, việc bố thí hàm chứa và khởi đi từ một tinh thần yêu thương và quan tâm đến đồng loại trong niềm tin và lòng tín thác vào Thiên Chúa. Thiết tưởng, đây là một trong những điểm quan trọng mà chúng ta cần lưu ý khi thực hành  nhân đức  này.

 

2)Cung cách thực hành việc bố thí

 Khi bố thí, mắt con đừng có so đo . Một khi việc thực hành bố thí đã trở nên một nhân đức đối với một người nào đó, nó sẽ không còn là đối tượng của một so đo tính toán. Tuy nhiên, phải hiểu sự so đo được nói ở đây theo một nghĩa khác hơn với sự cân nhắc chi li, tính hơn tính thiệt hoặc tính lợi tính hại khi làm việc bố thí. Có lẽ, nên hiểu là phải thực hiện việc này một cách tự nhiên và tự nguyện, như một nhân đức, tức là làm như tiếng lòng tự nhủ, trong từng trường hợp cụ thể. Không cần phải xét xem có nên cho hay không cho khi đối diện với người đang có nhu cầu, cũng không cần phải liệu xem cho như thế sẽ có ảnh hưởng gì đến bản thân hay không, ngay tức thì hoặc về sau. Nói cách khác, không cần phải vận dụng lý trí cho những cân nhắc tính toán, chỉ đơn thuần thực hiện theo tiếng lòng. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là phải cho tất cả hoặc cho theo nhu cầu  không biết đâu là giới hạn cần thiết của người đồng loại mà, trước hết và trên hết, là cho theo khả năng cụ thể và có thể của bản thân ngay lúc đó và tại đó (Tuy nhiên, nếu người nào có thể làm hơn thế nữa thì càng tốt, có lẽ không cần phải giải thích thêm).

Thật vậy, ta còn nghe Tô-bít dặn Tô-bi-a rằng :  Tùy con có bao nhiêu, hãy cho bấy nhiêu ; có nhiều thì cho nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít (.) Phàm là của dư thừa, con hãy lấy mà bố thí . Mới nghe qua câu sau cùng, có lẽ, ta sẽ tự bảo rằng có gì đáng giá cho lắm cái việc bố thí bằng của dư thừa. Vâng, có vẻ đúng như vậy. Nhưng, sự dư thừa đó sẽ được căn cứ vào đâu mà xác định ? Thường tình, ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng người đời không mấy ai tự nhận là đã có đủ những thứ mình cần và mình muốn ; lại nữa, một khi đã nhìn nhận rằng mình có đủ và có thừa, có mấy ai sẵn lòng chia sớt cho người đồng loại không so đo. Chính vì vậy mà trong xã hội luôn còn nhiều chuyện không ổn (điều này đã được nói tới trong hai bài trước). Vấn đề nằm ở đó. Thuộc về suy xét của mỗi người khi đối diện với những gì mình sở hữu. Xin nhường việc phán đoán cho quý độc giả.

 

3)Giá trị của việc thực hành bố thí

Giá trị của việc này mang, ít ra, hai chiều kích : tôn giáo và xã hội.

 

a- Về mặt tôn giáo, có lẽ, chỉ cần trích ra đây hai yếu tố : thứ nhất, hãy lo thực hành bố thí hầu  Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ  đối với ta trong cuộc sống, hôm nay cũng như mai hậu ; và thứ hai,  Vì trước nhan Ðấng Tối Cao, của bố thí là một lễ vật quý giá cho những ai làm việc bố thí . Ðể thấy rõ hơn vấn đề, ta sẽ nối kết nó với tinh thần của việc bố thí vừa nói trên kia. Nếu việc bố thí khởi đi từ tinh thần không làm ngơ trước cảnh khổ của người anh em, thì một trong những mục đích của nó là mong được chính Thiên Chúa đoái nhìn đến bản thân, nhất là trong cơn bỉ cực. Nói cách khác,  thương xót để cũng được xót thương . Nhưng, đúng hơn phải nói  được xót thương nên phải biết thương xót . Thật vậy, mỗi người đã được chính Thiên Chúa xót thương và quan tâm chăm sóc, theo cách nhìn của niềm tin. Theo niềm tin do thái giáo, Dân Chúa, cũng như mỗi thành viên, luôn được chính Thiên Chúa quan tâm chăm sóc. Các ngôn sứ, nhất là I-sai-a, đã luôn nhắc lại điều này (xin xem Is 41,8-20; 43,1-7; v.v.). Ðiều này cũng luôn đúng cho niềm tin ki-tô giáo. Như vậy, việc thực hành bố thí hàm chứa một hành vi kép : quan tâm đến đồng loại vốn là kết quả của việc nhìn nhận chủ quyền của Thiên Chúa trên bản thân cũng như trên mọi sự. Ðó là giá trị tôn giáo của việc thực hành bố thí mà ta có thể rút được từ sách Tô-bít.

 

b- Về mặt xã hội, hành vi bố thí bao hàm, ít ra, ba điều sau : thực hành công bình đối với đồng loại, góp phần thực hiện bình đẳng trong phân phối xã hội và góp phần xây dựng một xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

-Trước hết, bố thí là thực hành công bằng xã hội. Nếu đức công bình đòi hỏi phải trả lại cho tha nhân những gì thuộc về họ, theo như giáo huấn của thánh Tô-ma, thì ta không ngần ngại nói rằng bố thí chính là thực hiện đòi hỏi đó. Thật vậy, vì như thánh Am-rô-si-ô đã khẳng định :  Không phải bằng tài sản của mình mà anh đã rộng tay với người nghèo đâu, anh chỉ trao lại cho họ những gì thuộc về họ mà thôi. Vì, anh đã chiếm giữ làm của riêng những thứ được ban cho mọi người hưởng dùng chung. Ðất đai được ban cho mọi người chứ không phải là tài sản của những người giàu có  (6) ;

-Thứ đến, bố thí là góp phần thực hiện bình đẳng trong phân phối xã hội. Sự bất bình đẳng trong việc sở hữu tài sản luôn là một vấn đề xã hội khó giải quyết của mọi thời và mọi nơi (như ta đa có dịp đề cấp đến trong hai bài trước). Với sự đáp lại đòi hỏi thực hiện đức công bình như vừa nói trên, bố thí đã thực sự là một đóng góp phần nào cho việc tái phân phối của cải giữa người giàu và người nghèo trong xã hội.

-Sau cùng, bố thí là góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Ngoài việc góp phần làm giảm bớt những cảnh đói khổ và thương tâm của người nghèo, cùng với tinh thần yêu thương và tương trợ lẫn nhau được lồng phía sau, cộng với khả năng tái lập phần nào nền công bình và bình đẳng trong xã hội, việc bố thí sẽ hiển nhiên mang lại cho xã hội con người một nét đẹp vừa nhân bản vừa tôn giáo. Nó xây dựng và hun đúc tình nhân ái giữa con người với nhau, đồng thời làm sống động hình ảnh Thiên Chúa nơi nhân tính qua tình yêu thương nhau giữa họ. Ta lại nhận ra ở đây, chiều kích tôn giáo của việc bố thí.

 

IV-Bài học từ Tô-bít

Sách Tô-bít, với tính cách là một sách mặc khải, đã cho ta một cái nhìn tương đối hoàn chỉnh về một trong những yếu tố quan trọng của Thánh Kinh, bộ Tân Ước cũng sẽ nhấn mạnh điều này : bố thí và giá trị của thực hành này. Thật vậy, qua nhân vật Tô-bít, ta đã thấy bố thí là kết quả của một tấm lòng biết quan tâm đến đồng loại. Nó được thực hành như một nhân đức. Nó mang đồng thời giá trị tôn giáo và xã hội. Thực hành này góp phần đáng kể để xây dựng một xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Thiết tưởng, với những điều học được từ mẫu gương của Tô-bít, việc thực hành bố thí của mỗi người sẽ mang một sắc thái mới, vừa tôn giáo vừa xã hội. Bài học rút ra, có lẽ đã rõ : bố thí phải đi liền với lòng yêu thương và quan tâm đến đồng loại, một trong những nền tảng của ki-tô giáo.

 

 

An Thụ

07/05/2002

 

 

Chú thích :

(1) Câu chuyện này sẽ là khung cảnh cho câu chuyện cưới hỏi mẫu mực và  nỗi tiếng  của đôi tân hôn Tô-bi-a và Sa-ra.

(2) Sau cuộc ám sát vua Xan-khê-ríp bởi hai người con trai của chính vua, và việc kế vị của một người con trai khác, vua Ê-xa-khát-đôn (Tb 1,21).

(3) Một trong những đại lễ quan trọng của người Do thái (Tb 2,1 ; Xh 23,14-17 ; Lv 23,16 ; Ðnl 16,9).

(4) Nhưng thật ra ông còn sống cho đến khi Tô-bi-a trở về sau khi đã lấy được vợ và đòi được nợ, và chính con trai ông, nhờ sự chỉ dẫn của Sứ thần Ra-pha-en, đã chữa lành đôi mắt đã bị mù của ông do một tai nạn (xin xem Tb 2, 9-10).

(5) Ông đã trao nó cho Tô-bi-a đồng thời với các nhân đức khác như : tin thờ Thiên Chúa và tuân giữ lề luật của Người, yên mến sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, thảo kính cha mẹ, v.v.

(6) Thông điệp Sự phát triển các dân tộc, (Populorum progressio), số 23 - trích lại từ De Nabuthe, c.12, n. 53, P.L., 14, 747, trong J.-R. PALANQUE, Saint Ambroise et lEmpire romain, Paris, Éditions de Boccard, 1933, tr. 336 - dịch từ bản tiếng Pháp bởi người viết.

 

 

 


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà