Bài 11

CÁC VUA VỚI CỦA CẢI VẬT CHẤT

 

 

Trước khi nói về huấn giáo của các nhà Khôn ngoan, ta hãy trở ngược dòng lịch sử một chút, để tìm hiểu đôi điều về các vua. Liên quan đến họ, ta cũng thấy có hai mặt hay và dỡ trong việc sử dụng của cải vật chất. Trong việc này, nơi các vua, khía cạnh tích cực và tốt thường hiếm hoi hơn là việc sai phạm. Ðiều này có thể là hệ luận của một tiền đề rằng : các vua vốn là những người giàu có và đầy quyền lực. Có lẽ, đó cũng chính là một trong những lý do giải thích tại sao những  người giàu có khó vào Nước Trời  : họ thường và luôn dễ dàng sa vào cạm bẩy của sự giàu có vật chất , khiến họ phạm tội chống lại Thiên Chúa và đồng loại. Ðể làm sáng tỏ lập luận này, ta sẽ lấy ví dụ về hai vị vua được mệnh danh là thánh và khôn ngoan : Ða-vít và Sa-lô-môn. Chúng cũng sẽ phần nào cho ta một phản ánh về cung cách mà các vị vua trong Dân Chúa đã thực hành liên quan tới sự giàu có.

 

I. SA-LÔ-MÔN, VỊ VUA KHÔN NGOAN và GIÀU SANG

1. Cuộc đời Sa-lô-môn : trung tín và bất trung

Trước tiên, xin nói về Sa-lô-môn, một vị  đại đế nổi tiếng là khôn ngoan và giàu có, ông là con trai và người kế vị vua Ða-vít. Có lẽ, cũng như các vua khác, ông hoàn toàn xa lạ với phần đông trong chúng ta xét về địa vị xã hội, tuy nhiên, ta cũng có thể rút được đôi bài học liên quan đến sự giàu có của riêng ông cũng như của toàn dân Ít-ra-en : sự giàu có đến mức cực thịnh, dưới vương triều của ông, mang ý nghĩa gì ? ông đã làm gì với sự giàu có như vậy ?

Ðời vị vua này, ta có thể kể thành hai giai đoạn : giai đoạn thứ nhất, khi còn trẻ, ông là một người đạo đức và khôn ngoan, biết kính sợ ÐỨC CHÚA và thờ kính Người. Nhờ vậy, ông đã được thành công trọn vẹn. Dưới vương triều của ông, bờ cõi được mở mang hơn hết so với các vương triều trước ; và sau ông, uy tín ông lan rộng  bốn phương , sự giàu có của riêng ông được kể là  vô hạn , và hơn nữa ảnh hưởng của sự thịnh vượng đó lan đến cả toàn Dân. Và giai đoạn thứ hai, đến khi về già, ông đã yếu đuối chiều theo các bà vợ ; ông đã xây cho các bà những nơi tế tự các  thần ngoại bang . Ðiều này đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa. Nó đã làm cho ÐỨC CHÚA nổi giận, Người đã tuyên bố trừng phạt dòng dõi ông : quốc gia sẽ phải bị chia đôi và sự thịnh vượng không còn nữa.

 

2. Sự giàu sang ăn rễ nơi Thiên Chúa, một phản ánh về chính Người

Ông được kể như là người giàu có và sang trọng, sự giàu sang của ông được coi là bao trùm thiên hạ. Ở đây, dường như các soạn giả cố tình để qua một bên những đế quốc khổng lồ chung quanh (như Ai-cập và Át-sua) để mô tả về ông như một vị đệ nhất  đại đế trong thiên hạ, trong vùng, vào thời đó. Ðiều này, có lẽ, đúng nếu ta chỉ so sánh vương triều của Sa-lô-môn với các tộc dân nho nhỏ chung quanh trong vùng đất dọc bờ biển Ðịa Trung Hải (như dân Phi-li-tinh, dân Am-mon, dân Mô-áp, dân Ga-la-át, v.v.). Vì ta để ý thấy các con số được sử dụng để nói về sự giàu có của ông rất chẵn . Ví dụ như : số vàng ông thu hàng năm là 20.000 kg (1V 10,14), số ngựa ông có là 12.000 con và 1.400 cỗ xe (1V 10,26), ông có 700 bà vợ chính thức và 300 cung phi (1V 11,3), v.v. Dường như chúng muốn nói một điều gì đó khác hơn nữa (nhưng điểm này không thuộc về chủ đề của chúng ta, xin nhường cho các chuyên gia về chú giải Thánh Kinh). Ðiều quan trọng, có lẽ là, đối với các soạn giả Thánh Kinh, sự giàu sang tột đỉnh vị vua này đến từ một chúc lành và đồng hành của Thiên Chúa. Cụ thể hơn, chúng đi kèm theo sự khôn ngoan tột bực mà chính ÐỨC CHÚA đã ban thể theo lời cầu xin của ông, khi còn thiếu thời, lúc ông mới lên ngôi vua chưa được bao lâu (xin xem 1V 3,5-14). Sự giàu sang đó được coi là mang một chiều kích  vô cùng  khiến không có gì so sánh được với nó. Thật vậy, vì nó đã được liệt kê ra nhằm phản ánh chính sự giàu sang của Thiên Chúa.

 

3. Thịnh vượng dưới sự dẫn dắt của ÐỨC CHÚA

Ðiều quan trọng khác, sự giàu sang riêng có của ông đã lan trải đến mọi thần dân của ông, những người dân của Chúa. Dưới vương triều ông, theo lời kể, vốn là một phóng đại trong Thánh Kinh, không có thần dân nào của ông phải làm nô lệ cho ông hoặc cho bất cứ ai khác, vì các nô lệ được lấy từ những người ngoại quốc (xin xem 1V 9,20-22). Ðiều này muốn nói rằng, dưới vương triều Sa-lô-môn, chính Thiên Chúa đã điều hành đất nước và đưa nó đến sự thịnh vượng  tuyệt đối . Trong đó, cũng phải kể đến sự đồng lòng của toàn dân : chấp nhận đi dưới sự chăn dắt của chính ÐỨC CHÚA, qua công cụ là vua Sa-lô-môn.

Thật vậy, vì thể theo lời hứa từ ngàn xưa : mỗi khi Dân chấp nhận để cho Thiên Chúa dẫn dắt và mỗi khi họ quyết tâm đi theo đường lối của Người, thì chính ÐỨC CHÚA sẽ làm cho họ trở nên hùng mạnh hơn mọi dân chung quanh và sự giàu có sẽ đến với họ. Ta nhớ lại trường hợp của các vị tổ phụ đầy lòng trung tín trong các bài trước,  Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp : mặc dù họ chỉ luôn là một nhóm nhỏ, nhưng không một quyền lực lớn hơn nào có thể khuất phục được họ, vì ÐỨC CHÚA luôn ở cùng họ, kèm theo đó là sự giàu có  khôn tả .

Trái lại, khi Dân quay đầu trở mặt và quên lãng ÐỨC CHÚA, chạy theo các  thần ngoại bang thì các tai ương như chiến tranh loạn lạc hoặc đất nước bị ngoại bang xâm chiếm sẽ lại bao trùm trên Dân, cùng với bao nhiêu chuyện khác nữa sẽ xảy đến. Ðiều này đã chớm nở vào cuối đời Sa-lô-môn, khi ông làm những điều nghịch lại lệnh truyền của Thiên Chúa. Ông đã xây các nơi thờ tự cho các thần ngoại. Và Thiên Chúa đã tuyên án trên đất nước và dòng dõi tiếp sau ông (xin xem 1V 11,9-13).Ta đã có dịp nghe những điều tương tự khi các ngôn sứ lên án và chúc dữ trên Dân qua những nhà lãnh đạo  bất trung , trong bài 9 ( ngoài ra, ta còn có thể thấy điều này trong các chuyện kể về các vị vua trong các sách Các Vua và các sách Sử biên niên. Ta sẽ không đề cập đến chúng).

 

4. Trung tín và bất trung, thịnh vượng và suy tàn

Qua các điều nói trên, ta nhận rõ một chủ đề thần học quan trọng về chủ quyền và ân sủng của Thiên Chúa trên Dân, một trong những chủ đề chính yếu của Thánh Kinh. Ðồng thời, ta cũng thấy một đề tài khác có liên quan đến điều chúng ta muốn tìm hiểu : sự giàu có vật chất luôn là kết quả của lòng tín trung tuân giữ Lề Luật và, ngược lại, sự bất trung sẽ đưa đến suy tàn. Nơi các vị vua, cụ thể là nơi vua Sa-lô-môn mà ta vừa nói trên, điều này thật rõ ràng : một mặt, với sự khôn ngoan và giàu sang tột bực do ơn Chúa mà ông đã lãnh nhận, ông đã biết cách làm cho toàn dân của ông được hưởng lây, cũng như Danh Chúa được các lân bang biết đến. Mặt khác, vì bị siêu lòng trước các bà vợ ngoại quốc, cũng với sự giàu có đó ông đã thực hiện chính điều Thiên Chúa tuyệt đối cấm : xây tế đàn cho các thần ngoại. Ðó là một trọng tội chống lại Ðức Chúa : đối xử bất công với Người . Và Thiên Chúa đã tuyên án trên dòng dõi ông và trên đất nước.

 

II. ÐA-VÍT, THÁNH VƯƠNG

1. Tội giết người đoạt vợ

Trở ngược dòng xa hơn một chút nữa, ta có câu chuyện thú vị khác liên quan tới Thánh Vương Ða-vít : chuyện ông bị ngôn sứ Na-than nhân danh Ðức Chúa khiển trách sau khi ông đã phạm trọng tội  giết người đoạt vợ . khi ông giết vị tướng trung thành của ông là U-ri-gia, người gốc Khết. Ta đọc thấy rằng : tình cờ nhìn thấy Bát Se-va, vợ của U-ri-gia, một phụ nữ nhan sắc tuyệt vời, vì dục vọng Ða-vít đã cho đòi nàng đến và đã ăn nằm với nàng ; nàng đã có thai với vua; sau đó, do đã không thể gạt được U-ri-gia lãnh trách nhiệm về bào thai đó, vua đã mượn tay quân thành Ráp-ba, thuộc dân Am-mon, để giết chết vị tướng trung thành này ; rồi ông đã lấy nàng làm vợ (xin xem 2 Sm 11).

Sau khi nhận ra rằng ngôn sứ Na-than có ý quở trách mình, Ða-vít đã ăn năn hối lỗi và Thiên Chúa đã tha tội cho ông. Luôn luôn, mỗi khi con người ăn năn hối lỗi thì tội của họ sẽ được Thiên Chúa tha ngay ; hơn nữa, Người còn hứa tiếp tục thực hiện nơi họ lời hứa với Áp-ra-ham, vị tổ phụ của mọi người về mặt đức tin. Ðó là một trong những mặc khải quan trọng trong Thánh Kinh : Thiên Chúa, Ðấng có lòng nhân từ và thương xót vô biên.

 

2. Một dụ ngôn không đúng chỗ ?

Một điều đáng thắc mắc ở đây, vị ngôn sứ lại dùng một dụ ngôn kể về một người nhà giàu và một anh nhà nghèo nhằm thức tĩnh nhà vua về tội này. Dụ ngôn như sau :  Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo. Người giàu có chiên dê và bò, nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông : ông coi nó như một đứa con gái. Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bó của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông.  (2Sm 12, 1-4).

Với việc  giết người đoạt vợ  mà lại dùng câu chuyện giàu nghèo để khiển trách, có lẽ soạn giả Thánh Kinh còn muốn nói về điều gì khác nữa. Chúng ta hãy dừng lại để xem cho rõ hơn.

 

3. Vẫn vấn đề giàu nghèo

Dụ ngôn này được xây trên hai nhân vật tương phản nhau, một người giàu và một người nghèo, sống trong cùng một thành : người giàu có rất nhiều gia súc, còn người nghèo chỉ có độc nhất một con chiên cái đã mua được ; người giàu có khách đến thăm, còn người nghèo thì không.

- Lòng tham không đáy

Con chiên của người nghèo nọ đã bị ông nhà giàu bắt làm thịt đãi khách của mình chỉ vì  ông này tiếc của không muốn đụng đến số gia súc của mình. Ðiều này làm ta nhớ lại điều đã nói trong bài trước : quả là không hiển nhiên, đối với nhiều người, trong việc nhìn nhận là mình đã có đủ hoặc đã có dư thừa của cải vật chất. Ỏ đây, mặc dù đã có  nhiều lắm , ông nhà giàu này vẫn chưa chịu nhìn nhận rằng ông đã có đủ tài sản theo lòng ông mong muốn : có lẽ, ông vẫn luôn cảm thấy còn thiếu và, do đó, còn phải tìm cách tích lũy thêm nữa mới thoả lòng.

- Ước mơ chính đáng

Con chiên duy nhất đó chính là tất cả gia tài của anh nghèo. Thật vậy, tuy chỉ có mỗi con chiên nhỏ, nhưng anh nghèo kia dường như cũng không có đủ phương tiện để chăm nuôi như người ta thường làm đối với gia súc của mình. Anh ta nuôi nó bằng cách nhường bớt phần lương thực của mình cho nó. Anh ta không có chuồng trại riêng cho nó, cho nên nó ngủ chung với con cái trong nhà, vì thế nó đã trở thành thân quen với chúng. Hơn nữa, đó là một  con chiên cái , có thể ngầm hiểu là anh nghèo nuôi trong nó một hy vọng rằng nó sẽ có thể sinh sôi nảy nở thêm cho anh. Ðó là một ước mơ chính đáng của con người, nói chung. Ta còn đọc thấy rằng anh ta yêu quí nó như con gái anh ta.

- Quyền lực kẻ mạnh !

Thế mà, cuối cùng, vì một lý do hoàn toàn không chính đáng và không dính dáng gì đến anh, vì  lòng hiếu khách  của ông nhà giàu nọ muốn tiếp người  lữ khách của ông, vì lòng tham lam và tiếc của của ông nhà giàu, mà bao nhiêu công lao chắt chiu dành dụm và chờ đợi, bao nhiêu hy vọng chính đáng của anh nghèo đã dồn vào con chiên cái bé bỏng kia, chúng đã bị cướp đi và biến mất một cách tàn nhẫn. Sự việc này được vị ngôn sứ trình thuật theo một diễn tiến hoàn toàn suông sẻ, không hề thấy có chút dấu hiệu trở ngại hoặc khó khăn nào. Quyền lực của kẻ mạnh trên người cô thế được đặt thành vấn đề ở đây.

- Quyền lực kinh tế !

Trong dụ ngôn, quyền lực của ông nhà giàu được hiểu là một thứ quyền lực kinh tế dựa trên sự giàu có. Thật vậy, sự kiện ông nhà giàu bắt con chiên cái độc nhất của người nghèo nọ để đãi khách của mình được dụ ngôn kể một cách tự nhiên và liên tục, nó khiến ta có cảm giác rằng người giàu nọ có toàn quyền trên anh nghèo kia trong việc chiếm đoạt số tài sản vốn đã ít ỏi của anh. Ta không nghe nói gì về việc người nghèo  thấp cổ bé miệng  nọ tỏ thái độ hoặc lên tiếng phản kháng hay, đúng hơn phải nói cách khác, anh nghèo không có , cho dù chỉ một điều kiện đủ, một cơ hội hay một khả năng cần thiết để phản kháng. Ðiều này, dường như, muốn chỉ ra cái quyền lực  đáng sợ  của người giàu trên người nghèo. Ðấy mới là vấn đề xã hội đáng kể. Ðiều này có thể được so sánh với sự cô thế của vị tướng U-ri-gia trước quyền lực lấn át của vua Ða-vít.

- Quyền lực của vua !

Như vừa nói trên, điểm chung giữa dụ ngôn và tội phạm của Ða-vít  là vấn đề quyền lực : quyền lực của vua trên thuộc hạ của mình. Tuy nhiên, sự khác biệt về lĩnh vực áp dụng giữa hai tình huống, một bên là quyền lực chính trị còn một bên là quyền lực kinh tế, đã khiến cho Ða-vít không thể nhận ra rằng ngôn sứ Na-than muốn ám chỉ đến tội phạm của vua khi ông sử dụng dụ ngôn này. Vì thế, vua Ða-vít đã nỗi cơn phẫn nộ và buông lời phán quyết :  Có ÐỨC CHÚA hằng sống ! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết ! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót  (2Sm 5b-6). Nhưng chính sự phẫn nộ đó đã trở lại thành lời kết án trên chính hành vi của vua : tội lạm dụng quyền lực vốn được ủy thác và ban cho bởi Trên, chứ không phải tự thân mà có được, để cướp đoạt vợ người khác và còn giết chết người ấy bởi tay ngoại bang.

- Chỉ duy một tội ?

Không phải chỉ có tội ngoại tình và tội giết người, nhưng theo tinh thần của Mười Ðiều Răn, cũng là tinh thần của văn hóa Ít-ra-en từ xưa, vợ cũng được xem là tài sản của một người mà người khác không được phép xâm phạm (xin xem Xh 20,17 ; Ðnl 5,21). Hơn thế nữa, việc giết vị tướng trung thành này lại được thực hiện bằng cách mượn tay của kẻ thù qua một trận đánh không cân sức (xin xem 2Sm 11,14-17). Tội của vua này quả là đa dạng và đáng kể.

Thật vậy, tội lỗi thường và luôn mang bộ mặt đa dạng với những vi phạm đồng thời của nhiều tội khác nhau. Các tội thường có  dây mơ rễ má  với nhau. Do đó, dù chỉ phạm một tội nào đó, thường thì ta sẽ bị sa vào cả một mạng lưới chằng chịt của nhiều tội liên quan. Ðó là một trong những điều quan trọng cần lưu ý mỗi khi ta ngồi nhìn lại vào tận sâu thẳm tâm can mình, khi có điều kiện và khi thực sự muốn làm điều này.

 

III. VẪN CHUYỆN BẤT CÔNG XÃ HỘI

Các câu chuyện trên, một lần nữa cho ta một phản ánh về tình trạng xã hội nhiễu nhương trong xã hội Dân Chúa. Nó không hề vắng bóng cho dù là dưới các vương triều có tiếng là mẫu mực và thịnh vượng. Nguyên nhân của nó chính là do sự lạm dụng quyền lực và dùng sai mục đích của cải vật chất. Chúng mang lại những bất công và bất chính dưới nhiều hình thức khác nhau trong xã hội. Hậu quả là những người nghèo cô thế bị áp bức bất công dưới quyền lực lấn át của những kẻ bất nhân mạnh thế. Ðiều này không chỉ được thực hành bởi các vị vua  bất trung   với Thiên Chúa mà còn bởi chính các vị vua nỗi tiếng là đạo đức và thánh thiện như Ða-vít, khôn ngoan và giàu sang như Sa-lô-môn. Với Ða-vít và Sa-lô-môn mà hiện tình đã thế, thì sẽ còn tồi tệ hơn nhiều dưới sự cai trị của các triều vua khác vốn được đánh giá là những kẻ chỉ vì tư lợi mà không khước từ các thực hành bất công và tội lỗi. Ðiều này giúp hiểu rõ hơn những gì đã được nói về việc các ngôn sứ lên tiếng phản kháng các bất công xã hội trong bài 9.

Trên đây, ta đã gặp lần lượt trở lại tất cả những chủ đề đã được bàn đến trong các bài trước : chúc lành của Thiên Chúa luôn kèm theo sự giàu có, những người trung tín sẽ được chúc lành, lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa lớn hơn lỗi phạm của con người, sự bất tín đối với Thiên Chúa (nghĩa là đối xử bất công với Người) sẽ đưa đến những vi phạm về công bình xã hội. Chính vì vậy, cần phải rất thận trọng trong việc sử dụng tiền của. Của cải vật chất có giá trị của nó, nhưng bên trên nó còn có nhiều điều khác mang giá trị cao hơn như lòng trung tín, đức thương người, sự khôn ngoan, v.v. Các nhà Khôn ngoan, thuộc nền văn chương khôn ngoan Lưỡng Hà Ðịa, sẽ không quên nhắc nhở Dân về điểm này.

 

An Thụ

10/05/2002


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà