Bài 12

GIÁO HUẤN CỦA CÁC NHÀ KHÔN NGOAN

 

 

Ðể kết thúc phần Cựu Ước, trong bài này, ta sẽ tìm hiểu về các giáo huấn khôn ngoan, vốn gần gủi hơn với kinh nghiệm của con người, liên quan đến tiền bạc,  vấn đề muôn thuở , và việc sử dụng nó. Tuy nhiên, với các nhà khôn ngoan của Thánh Kinh, các kinh nghiệm đó sẽ được mặc lấy một chiều kích tôn giáo. Quả vậy, vì với các vị, những giáo huấn này đã được tháp nhập vào mặc khải cứu độ của Thiên Chúa.

 

I - Các sách Giáo Huấn

1. Các sách Giáo Huấn gồm những cuốn nào?

Trong bộ Thánh Kinh Cựu Ước, ngoài bộ Luật Mô-sê (Tô-ra) và tập các sách Ngôn Sứ (Nơ-vi-im) mà ta đã có dịp tìm hiểu trong các bài trước, còn một tập sách khác : các sách Giáo Huấn (Kơ-tu-vim). Tập sách Giáo Huấn này gồm 7 cuốn, trong đó có 5 cuốn thực sự thuộc thể loại huấn giáo (đó là sách Gióp, sách Châm ngôn, sách Giảng viên, sách Khôn ngoan và sách Huấn ca) còn tập Thánh vịnh và sách Diễm ca thuộc thể loại thi ca. Các sách Giáo Huấn phản ánh và đại diện cho một trào lưu tư tưởng khôn ngoan thời đó : nền văn chương khôn ngoan vùng Lưỡng Hà Ðịa.

 

2. Thánh Kinh với nền văn chương khôn ngoan Cận Ðông

Văn chương khôn ngoan phản ánh tư tưởng của các nhà Khôn ngoan. Các vị là những người suy nghĩ về chủ đề hạnh phúc khởi đi chủ yếu từ những kinh nghiệm sống của con người. Nền văn chương này ảnh hưởng trên toàn khu vực Cận đông cổ thời. Vì vậy, trào lưu tư tưởng này đã thấm nhập vào nền tư tưởng và văn hoá của dân Ít-ra-en. Và hơn nữa, nó đã được tháp nhập vào giáo huấn của Thiên Chúa như một thành phần của mặc khải cứu độ. Thánh Kinh nâng nó thành Ðức khôn ngoan bắt nguồn từ Thiên Chúa. Nó là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa, được ban cho Dân qua một số người được Thiên Chúa tuyển chọn để hướng dẫn Dân, và cho những ai hết lòng tìm kiếm chân lý trong niềm tin thờ Ðức Chúa. Nó là nguồn gốc của sự khôn ngoan đích thật. Thật vậy, các giáo huấn khôn ngoan trong Thánh Kinh không chỉ hàm chứa những giá trị tích lũy từ kinh nghiệm sống của con người liên quan đến vấn đề hạnh phúc, hơn nữa chúng còn bận tâm đến những hướng dẫn về một hạnh phúc đích thật mang tính tôn giáo, liên quan tới niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất và duy nhất của Dân Ít-ra-en.

 

3. Ðức khôn ngoan với vấn đề hạnh phúc

Liên quan đến chủ đề của cải vật chất và cách thức sử dụng chúng, trong Thánh Kinh, các giáo huấn khôn ngoan dường như chỉ là một lập lại, hoặc một đúc kết, những gì đã được nói trong các phần trước. Nhưng đúng hơn, có lẽ, phải nói rằng : các giáo huấn khôn ngoan đó đã có ảnh hưởng trên các soạn giả Sách Thánh trong quá trình biên soạn. Cho nên, liên quan đến đề tài này, một mặt, các giáo huấn mặc khải chính là một phản ánh của nền văn chương khôn ngoan này và, mặt khác, nền khôn ngoan Cận đông đã được du nhập cách có ý thức vào mặc khải Thánh Kinh, với những thay đổi cần thiết cho phù hợp với niềm tin. Thật vậy, với chủ đích giáo dục niềm tin của Dân, mặc khải về Thiên Chúa đã chọn thể cách : vừa hội nhập vào trong những suy tư và kinh nghiệm khôn ngoan của nhân loại, vừa du nhập từ chúng các giáo huấn thích hợp hầu giúp con người, với trí khôn và suy tư chân chính, có thể hiểu và tin. Nền văn chương khôn ngoan, vừa là một cái khung hữu ích cho mặc khải, vừa bị vượt quá bởi mặc khải.

 

Chính vì vậy, ở đây, ta sẽ lần lượt gặp lại tất cả những gì đã được nói trước kia. Nhưng, không nên hiểu điều này như một thụt lùi trong dòng suy tư, hoặc chỉ là một sự lặp lại các điều đã nói. Ðúng hơn, có lẽ, phải hiểu chúng như một đúc kết, cách nào đó, về giáo huấn của Cựu Ước, trước khi chuyển sang phần Tân Ước.

 

Theo thời gian, cách tiệm tiến, mặc khải đã đưa thêm vào một nét  mới về tính phù vân của mọi giá trị trần thế đối diện với Ðức khôn ngoan, một điều cần thiết cho hạnh phúc con người. Với điểm này, của cải vật chất phải tự bộc lộ tính cách phù vân của chúng so với nhiều giá trị khác vững bền hơn và nhất là đối diện với hạnh phúc thật Thiên Chúa hứa ban. Ðó là điều mà sau này Ðức Giê-su sẽ nhấn mạnh : của cải vật chất không còn là điều tuyệt đối cần thiết cho hạnh phúc con người, ngay cả trong cuộc sống trần thế này. Nó chỉ là một công cụ mà thôi.

 

Với nền giáo huấn này, điều thật sự đáng kể đã được chuyển về Ðức khôn ngoan, vốn xuất phát từ nơi Thiên Chúa. Và đi cho đến cùng của suy luận, chỉ có Thiên Chúa mới là hạnh phúc đích thực cho nhân loại.

 

4. Một giáo huấn tôn giáo

Các giáo huấn trong các sách này bàn về chủ đề công bình xã hội như một phản ánh về lòng kính sợ Ðức Chúa và đối xử công bình với chính Người. Ai thực hành như vậy sẽ được hạnh phúc. Thật vậy, ta hãy nghe một trích đoạn của sách Châm ngôn :  Ước chi ân tình và tín nghĩa chẳng hề lìa xa con, nhưng nên như vòng con đeo vào cổ, và được con ghi khắc tận đáy lòng. Như vậy, con sẽ được cả Thiên Chúa lẫn phàm nhân yêu thương và quý chuộng. Hãy hết lòng tin tưởng vào Ðức Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. Hãy nhận biết Người trong mọi đường đi nước bước, Người sẽ san bằng đường nẻo con đi. Ðừng tự coi mình là khôn ngoan, hãy kính sợ Ðức Chúa và tránh xa sự dữ . Của cải làm ra, con hãy dùng mà tôn vinh Ðức Chúa, và hãy dâng lên Người phần hoa lợi đầu mùa của con. Nhờ thế, kho chứa của con sẽ đầp ắp lúa thơm, và bồn ép sẽ tràn trề rượu mới  (Cn 3,3-7.9-10).

 

5. Một quan niệm  mới  về tiền của

Trong các bài trước, ta đã thấy rằng các Ngôn sứ, dù không hề miệt thị của cải vật chất, nhưng đã kết án các cách thế sử dụng sai lầm của cải được thực hiện bởi những người không giữ lòng trung tín với Thiên Chúa, Ðấng họ tôn thờ. Những người này đã coi vàng bạc như một thứ thần tượng để thờ kính.

 

Trong khi đó, quan niệm cho rằng của cải vật chất mang một giá trị đáng kể, như là một chúc lành của Thiên Chúa và thiết yếu cho cuộc sống trần thế, là một quan niệm tồn tại rất lâu trong tư tưởng Do Thái, cũng như nơi các dân chung quanh. Quan niệm tương tự vẫn còn tồn tại ngay cả trong thời đại của chúng ta, nơi một số người. Tuy nhiên, trong lòng Dân Ít-ra-en, ngay từ thời các nhà Khôn ngoan, song song với quan niệm vừa nói trên, đã xuất hiện một quan niệm khác cho rằng tiền của chỉ là tương đối và, hơn nữa, chúng còn bị vạch trần tính phù vân vốn có. Chúng bị coi là tương đối khi đối diện với các giá trị khác cao hơn như sức khoẻ, sự lương thiện, tiếng tốt, v.v. Khi đối diện với Thiên Chúa và hạnh phúc thật Người hứa ban, tất cả mọi thực tại trần thế chỉ là phù vân.

 

Thực vậy, chính vua Cô-hê-lét, một nhà khôn ngoan mệnh danh là Giảng viên, sống vào khoảng thế kỷ thứ III TCN, đã là người đầu tiên trong Thánh Kinh nói về tính phù vân của của cải bạc tiền : nó phù vân như mọi sự phù vân khác (ta sẽ nói rõ hơn dưới đây). Nhưng, nếu trở ngược dòng lịch sử xa hơn cho đến ngôn sứ I-sai-a, khoảng thế kỷ thứ VIII TCN, ta thấy đã có lời Thiên Chúa kêu gọi những ai đói khát hãy đến mua không cần trả tiền những gì cần thiết cho nhu cầu sinh tồn của họ, I-sai-a kêu gọi rằng :  Ðến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây ! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng ; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng ? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị  (Is 55,1-2). Kể từ đó, người ta đã có thể nhận thấy rằng : tính cách miễn phí của ơn sủng Thiên Chúa đã chấm dứt vai trò  tuyệt đối  của của cải bạc tiền.

Trong dòng ảnh hưởng đó, ta sẽ nghe các nhà Khôn ngoan trong Thánh Kinh dạy Dân.

 

II - Những lời chỉ giáo

 

Liên quan đến đề tài về tiền bạc và việc sử dụng nó, các giáo huấn khôn ngoan, thực sự, không khó hiểu vì một mặt chúng được nói rất rõ ràng và, hơn nữa, chúng rất gần với tư tưởng khôn ngoan của mọi thời và mọi nơi. Cho nên, thiết tưởng chỉ cần liệt kê chúng ra đây mà không cần phải giải thích gì thêm.

 

1. Của cải vật chất, chúc lành của Chúa

Theo các nhà khôn ngoan này, của cải vật chất, vàng và bạc, vẫn còn mang một giá trị như là phần thưởng của Thiên Chúa cho những ai biết thực thi công bình trong tinh thần tôn thờ Ðức Chúa.

Trước hết, của cải là do Thiên Chúa ban cho như sách Châm ngôn khẳng định :  Chính chúc lành của Ðức Chúa cho ta được giàu sang, vất vả nhọc nhằn chẳng thêm chi vào đó (Cn 10,22).

Nhưng, ai được ở trong ân tình với Thiên Chúa mới thật sự có hạnh phúc, vì điều quan trọng nhất không nằm nơi sự giàu có. Sách Châm ngôn ghi lại cho ta lời cầu nguyện của một người đạo đức như sau :  Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt : xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có ; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói : Ðức Chúa là ai vậy ?, hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con (Cn 30,7-9).

Thật vậy, Thiên Chúa sẽ ban tặng sự giàu có như một bảo đảm vật chất cho ai biết quan tâm đến người đồng loại, nhất là những người anh chị em khốn khổ có nhu cầu. Ai thực hành như vậy, sự giàu có sẽ được ban thêm cho họ cùng với sự sống, vốn là điều cơ bản của đời người, và nhiều điều đáng giá khác nữa. Như sách Châm ngôn dạy :  Lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng tốt, vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương. Kẻ giàu người nghèo gặp nhau ở điểm này : cả hai đều được Ðức Chúa tạo dựng. (.) Giàu sang vinh dự và sự sống là phần thưởng Ðức Chúa dành cho kẻ khiêm nhu và kính sợ Người. (.) Người tử tế sẽ được chúc phúc, vì đã đem cơm bánh cho người nghèo (Cn 22,1-2.4.9). Và sách Huấn ca cũng kêu gọi:  . hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn, đừng chần chừ khi phải bố thí. Theo luật dạy, con hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng. Hãy bỏ tiền ra giúp người anh em bạn hữu, đừng đem chôn dưới đá kẻo nó hư đi. Hãy theo lệnh Ðấng Tối Cao mà sử dụng của cải, việc đó còn ích lợi cho con hơn cả vàng. Rộng tay bố thí là con chất đầy kho lẫm, và con sẽ thoát mọi nỗi gian nguy. Của bố thí sẽ nên vũ khí giúp con chống địch thù, lợi hại hơn cả khiên dầy giáo nhọn  (Hc 29,8-13).

 

2 .Của cải vật chất, phù vân

Tuy nhiên, như đã nói trên kia, của cải bạc tiền hàm chứa trong nó tính phù vân, như mọi thứ khác nó chỉ mang một giá trị tạm thời, như nhà Giảng viên đã công bố :  Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân  (Gv 1,2) và sách Châm ngôn cũng khẳng định :  . vì của cải không bền lâu muôn thuở và danh vọng chẳng lưu truyền muôn kiếp  (Cn 27,23-24).

Sự phù vân, ở đây, không có nghĩa là các thực tại trần thế chỉ là những thứ vô nghĩa hoặc hư không, chẳng có chút giá trị nào. Chúng phù vân nhưng không phải là điều giả trá. Tính phù vân của chúng nói lên rằng chúng vốn là những thực tại chóng qua, chỉ có giá trị nhất thời và nhất định, so với Ðức khôn ngoan. Trong số đó, tiền của và sự giàu có chỉ được xếp ở một thứ hạng rất thấp so với một số những giá trị bền vững hơn, và đặc biệt chúng sẽ trở thành hư không trước Thiên Chúa. Ta có thể kể ra vài so sánh.

 

Ðức khôn ngoan đứng hàng đầu trong số đó, nó vượt trội mọi giá trị của sự giàu sang, như ta nghe vua Sa-lô-môn nói rõ trong sách Khôn ngoan 7,8-9.13-14 rằng :  Ðức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Ðức Khôn Ngoan. Ðối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Ðức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Ðức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Ðức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất. (.) Những điều tôi đã thành tâm học hỏi được, xin truyền đạt hết, không dè sẻn chi. Tôi không hề giấu giếm của cải phong phú của Ðức Khôn Ngoan. Ðức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người. Chiếm được Ðức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa, và được Người tin cậy, vì đã tiếp nhận những lời dạy dỗ bảo ban. . Sách Châm ngôn cũng dạy:  Ðược khôn ngoan tốt hơn được vàng, được hiểu biết, quý hơn được bạc  (Cn 16,16).

 

Sống lương thiện thì đáng giá hơn giàu sang, như lời khẳng định của sách Châm ngôn 28,6 :  Thà nghèo mà ăn ở vẹn toàn còn hơn giàu mà sống quanh co .tiếng tốt thì cần cho một con người hơn là tiền của, vì cũng sách Châm ngôn nói rõ :  Lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng tốt, vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương  (Cn 22,1).

Nhất là, thực hành công chính, vốn là điều Thiên Chúa đòi hỏi và chờ đợi nơi con người, mới là điều thực sự cần thiết. Ta có thể kể ra đây hai chỉ dẫn của sách Châm ngôn :  Của phi nghĩa nào lợi ích chi, sống công chính mới cứu ta khỏi chết  (Cn 10,2) và :  Trong ngày thịnh nộ, của cải ích lợi chi, chỉ đức công chính mới cứu khỏi tử thần  (Cn 11,4) ;

Ta còn có thể kể thêm đến sức khoẻ, điều này hiển nhiên, là điều đứng hàng trên so với của cải. Sách Huấn ca 30,14-16 xác quyết :  Nghèo mà cơ thể lành mạnh cường tráng, còn hơn giàu mà thân xác ốm o xo bại. Khoẻ mạnh và tráng kiện thì hơn mọi thứ bạc vàng, một thân hình vạm vỡ thì hơn cả gia tài vô tận. Không của cải nào bằng sức khoẻ của thân xác, chẳng vui sướng nào hơn niềm vui của con tim .

Nhưng, phải nhắc ngay thêm rằng tất cả những thứ kể trên đều không đáng kể trước sự vĩnh tồn của Thiên Chúa và hạnh phúc thật nơi Người.

 

3. Của cải vật chất, mối nguy

Với tính phù vân bị lột trần đó, của cải vật chất, vốn được đánh giá khá cao nơi nhiều người, dễ trở thành một mối nguy cho bản thân họ. Bởi ước muốn chiếm hữu và lòng ham muốn chiếm hữu nhiều hơn, họ sẽ dễ dàng quên lãng điều quan trọng hàng đầu có tính cách quyết định đến hạnh phúc thật của họ : lòng kính sợ Ðức Chúa và quan tâm đến anh chị em.

Thật vậy, nơi các nhà Khôn ngoan, của cải vật chất còn được trình bày như một thử thách đối với con người và một cản trở họ đạt đến đích điểm của hạnh phúc. Ta nghe sách Giảng viên 5,9.11 lưu ý :  Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ ; kẻ bo bo giữ của chẳng thu được lợi lộc gì. Ðiều ấy cũng chỉ là phù vân ! (.) Làm việc vất vả thì ngủ ngon : ăn ít hay nhiều thì cũng vậy ; lắm bạc nhiều tiền đâu được ngủ yên ! Sách Huấn ca 27,1 còn nói rõ hơn :  Vì ham lợi mà nhiều người mắc lỗi, mải làm giàu, người ta cứ ngoảnh mặt làm ngơ  và đoạn 31,5-7 thêm :  Ðã ham tiền không sao công chính được, chạy theo lợi lộc ắt sẽ lỗi lầm. Bạc tiền khiến cho bao người sa ngã, thế nào cũng đưa họ đến hư vong. Nó là cái bẩy cho ai say mê nó, hết mọi kẻ ngu si sẽ sa vào . Quả thật, nó là một mối nguy cho con người, nhất là những ai chỉ lo nghĩ đến điều đó.

Từ đó, các nhà Khôn ngoan cũng không quên chỉ ra các lỗi lầm nghiêm trọng mà những người giàu có thường vấp phạm. Ðó là những lỗi lầm liên quan đến việc sử dụng không chính đáng của cải vật chất trong khi đối diện với những người cùng khổ, mà ta đã có nhiều dịp nói tới trong các bài trước.

Tuy nhiên, có lẽ phải nói thêm đôi điều về những chỉ giáo tích cực hơn về việc phải sử dụng tiền của như thế nào.

 

4. Nên sử dụng của cải như thế nào ?

Trong khi đó, các nhà Khôn ngoan cũng cho những lưu ý liên quan đến của cải bạc tiền, ví dụ như điều nhắc nhỡ của sách Huấn ca 5,1 này :  Ðừng cậy vào tài sản của con, và đừng nói : Tôi có đủ cả rồi ! . Ta cũng nhớ lại lời cầu nguyện trong sách Châm ngôn đã được trích trên kia rằng còn có nhiều điều khác quan trọng hơn tiền bạc, nhất là Thiên Chúa (xin xem Cn 30,7-9).

Tích cực hơn, các vị dạy những người giàu phải chia sẻ tài sản vật chất của họ cho người nghèo, nhất là những ai cần đến, bằng cách làm việc bố thí và tuyệt đối tránh khai thác người khác :  Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi. Ai đền ơn đáp nghĩa là biết lo xa, lúc sa cơ, người ấy sẽ tìm được nơi nương tựa. Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo, đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi. Ðừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi, dừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo. Một tâm hồn đang bực bội, con đừng làm khổ thêm, đừng bắt kẻ túng thiếu đợi lâu mới được con giúp đỡ. Kẻ khốn khổ xin nài, con đừng từ chối, gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi. Ðừng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu thốn, kẻo nên cớ cho người ta nguyền rủa con.  (Hc 3,30 - 4,5 ; xin xem thêm Hc 29,8-13). Bằng cách thực hành các điều đó, người ta có thể kết được nhiều bạn bè và sẽ trở nên những người bạn của chính Thiên Chúa, Ðấng là tất cả (xin xem Kn 7,7-14).

Ðó chính là hạnh phúc thật mà con người cần tìm kiếm.

 

III-Một lời kết cho phần Cựu Ước

Qua tất cả những gì đã được nói, ta có thể rút ra một kết luận mang tính thần học về của cải vật chất và cách thức sử dụng chúng theo Thánh Kinh.

Dưới ảnh hưởng của nền văn minh Cổ Cận đông, Thánh Kinh Cựu Ước hàm chứa một chuỗi suy tư rõ nét về vấn đề này.

 

Khởi đi từ những câu chuyện về một số nhân vật, vốn là gương mẫu về niềm tin, như các tổ phụ và các thánh nhân. Cùng với một cuộc sống niềm tin mẫu mực, cuộc sống thường nhật của các vị đã được trình thuật kèm với một lối sử dụng của cải vật chất cách chính đáng : bằng một tấm lòng nhân ái và tôn trọng con người hợp với đạo lý, các vị đã biết tận dụng sự giàu có của mình để sống trọn niềm tin vào Thiên Chúa giữa lòng đời. Như ta đã thấy, xét về mặt xã hội, vốn chỉ là những cá nhân thuộc về một bộ tộc như nhiều người khác, nhưng các vị đã được mô tả như những vĩ nhân : được coi là rất giàu có và hùng mạnh, nhờ ơn chúc lành của Thiên Chúa. Các vị đã biết tuân giữ lệnh Người truyền và tôn thờ Người, các vị đã được Người chọn lựa để thực hiện lời hứa cứu độ. Các vị đã hằng quan tâm đến những điều đáng giá hơn sự giàu có bạc tiền. Các vị đã không quên giúp đỡ và đón tiếp đồng loại, xây dựng tình huynh đệ, tỏ lòng rộng lượng, tôn trọng công bình, một mực hiếu hoà, chăm chỉ làm lụng, không muốn tranh cạnh.

 

Các thực hành cá nhân mẫu mực đó, đã được đúc kết thành những luật lệ, các luật thánh, nhằm xây dựng và điều hành một xã hội công bằng hơn, đầy nhân nghĩa hơn ; và nhằm loại trừ và hạn chế các thực hành sai trái nghịch lại Thiên Chúa và chống lại đồng loại.

 

Những sai phạm này đã bị mạnh mẻ lên án bởi các ngôn sứ với mục đích kêu gọi Dân đừng quên đặt niềm tin vào Ðức Chúa và phục hồi lại nền công bình xã hội mà Thiên Chúa đã răn dạy và thiết lập.

 

Các nhà khôn ngoan cũng đã lên tiếng chỉ dạy một số thực hành hợp với đạo đức và niềm tin, trong khi qui chiếu về mặc khải của Thiên Chúa.

 

Của cải vật chất, qua đó, chỉ được coi là một công cụ hữu ích có khả năng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các sinh hoạt xã hội con người. Tuy vẫn còn được coi là một chúc lành của Thiên Chúa và là một trong những thứ cần thiết cho cuộc sống trần thế của con người, tính cách phù vân của chúng đã bị vạch rõ. Hơn nữa chúng còn có thể, và rất dễ, trở thành một mối nguy cho con người. Vì với lòng tham không đáy, con người dễ bị mê hoặc bởi sự thu hút của chúng đến nỗi không còn khả năng nhận ra rằng bên cạnh mình còn có anh em đồng loại và bên trên mình còn có Thiên Chúa Quyền Năng. Họ trở nên mù quáng, họ tự đánh mất chính mình mà không biết.

 

Ðiều quan trọng là phải biết sử dụng chúng cách hữu ích hầu đem lại lợi ích cho tha nhân và cho bản thân, để mưu cầu hạnh phúc đích thực cho chính mình và cho mọi người.

 

Thiết tưởng, một suy tư thần học như thế, liên quan đến chủ đề tiền bạc, vẫn còn giá trị cho thời đại của chúng ta. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tìm hiểu các giáo huấn của Tân Ước, Thánh Kinh sẽ còn dạy cho chúng ta nhiều điều bổ ích nữa. Quả vậy, trong các sách Tân Ước, Ðức Giê-su sẽ có một giáo huấn hoàn toàn mới mẻ và tích cực cho đề tài tiền bạc.

 

An Thụ

05/06/2002


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà