Bài 17 :

Nộp Thuế Cho Hoàng Ðế.

Công Cụ Xã Hội Tính Của Tiền Tệ.

 

Dẫn vào

Nói về tiền bạc, ta còn đụng đến một khái niệm khác đặc trưng và xã hội hơn, đó là khái niệm tiền tệ. Ðiều này có liên quan đến cả hệ thống tài chính tiền tệ của một quốc gia, cũng như hoàn cầu nữa. Hệ thống đó ảnh hưởng trên mỗi thành viên trong xã hội, cũng như trên các hoạt động kinh tế thương mại liên quan. Một trong những yếu tố quan trọng của nền tài chính tiền tệ là thuế má và hệ thống thu chi thuế. Nó phục vụ cho các hoạt động nhà nước nói riêng và công ích xã hội nói chung. Cả hai loại chi tiêu mang tính cách xã hội này đều ngày càng trở nên quan trọng trong mọi hệ thống chính trị xã hội. Ðiều này đã rõ nên thiết tưởng không cần phải lý giải, có chăng ta sẽ chỉ nói qua khi gặp những điều liên quan, dưới đây. Thánh Kinh cũng sẽ cho ta đôi nét, tuy rất ít, nhưng không kém quan trọng, về sự cần thiết này của hệ thống thuế má. Có điều là, đối với Ðức Giê-su, nó phải được nhìn một cách tách biệt với một thực tại khác cao hơn mà Ngài đến để mặc khải : Thiên Chúa và Nước của Người.

Sau khi đã nói về giá trị của của cải vật chất, về tính cách gây cản trở của tiền bạc, ở các bài trước, ta sẽ xem về khiá cạnh công cụ tính của tiền bạc trong hệ thống tài chính và thuế má.

Liên quan đến chủ đề nộp thuế, ta thấy có hai trình thuật trong các sách Tin Mừng : việc nộp thuế của hai thầy trò Ðức Giê-su và Phê-rô (Mt 17,24-27) và việc người ta chất vấn Ðức Giê-su về vấn đề nộp thuế cho Hoàng đế Rô-ma (Mt 22,15-22 ; Mc 12,13-17 ; Lc 20,20-26). Chúng sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác nữa trong giáo huấn của Ðức Giê-su về vấn đề tiền bạc.

 

1.Ðóng góp xã hội : trách nhiệm của mọi thành viên

Chỉ có một mình thánh Mát-thêu ghi lại câu chuyện nộp thuế của hai thầy trò Ðức Giê-su (Mt 17,24-27). Trong đó, Ðức Giê-su đã sai Phê-rô đi ra biển câu cá và lấy ra từ trong miệng con cá đầu tiên câu được một  đồng tiền bốn quan  để đem nộp phần thuế của hai thầy trò. Một đồng tiền bốn quan ? Tại sao chỉ có hai thầy trò, mà không có những môn đệ khác ?

Thuế nào ?

Về câu hỏi thứ nhất.  Ðồng tiền bốn quan  trong tiếng hy lạp : stathr (stater). Một đồng stater, trong Tân Ước, trị giá bằng 2 đồng drachmas của Alexandria hoặc 1 shekel bạc của Do thái. Ðó là số tiền tương ứng để nộp 2 xuất thuế thân, thứ thuế nộp cho Ðền thờ mà mỗi nam nhân Do Thái phải nộp hàng năm (x. Xh 30,11-16). Ta đã có dịp nói tới thứ thuế này trong một bài trước đây, bài số 15 (nên xin không nhắc lại tính cần thiết của nó). Thật vậy, thứ thuế này phải nộp bằng tiền chứ không phải bằng hiện vật như các loại của lễ dâng cúng vào mùa gặt, cũng không phải chiên dê : mỗi người nửa sê-ken bạc.

 

Có nhất thiết phải đóng thuế ?

Về câu hỏi thứ hai, chỉ nộp thuế cho hai thầy trò mà thôi, không nói đến các vị khác. Người ta có thể giải thích rằng : Tin Mừng chỉ cần kể thêm tên Phê-rô vào với Ðức Giê-su để làm đại diện cho tất cả các môn đệ kia, như trong nhiều trường hợp khác. Nhưng, có lẽ phải đọc trình thuật này trong bối cảnh xã hội cụ thể của nó. Theo các nhà chuyên môn, vào thời Ðức Giê-su, thứ thuế thân này được miễn trừ đối với các bậc thầy (rabbi) và các vị lãnh đạo tôn giáo trong Dân. Vì vậy, ta có thể hiểu rõ hơn câu hỏi của Ðức Giê-su đặt ra cho Phê-rô :  Anh Si-môn, anh nghĩ sao ? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế ? Con cái mình hay người ngoài ? , và sau lời đáp của Phê-rô, Ngài đã khẳng định :  Vậy thì con cái được miễn. . Lời khẳng định đó phản ánh thực trạng xã hội thời đó về các bậc làm thầy và các nhà lãnh đạo tôn giáo trong Dân, như vừa nói. Do đó, câu chất vấn của những người thu thuế Ðền thờ ở Ca-phác-na-um hỏi Phê-rô :  Thầy các ông không nộp thuế sao ?  cho thấy rằng họ không nhìn nhận Ðức Giê-su như một bậc thầy.

 

Việc Ðức Giê-su đề nghị Phê-rô đi câu cá lấy tiền nộp thuế, như kể trên kia, khiến ta có thể nghĩ đến hai điều : thứ nhất,  Ðể khỏi làm gai mắt họ , đúng hơn là để tránh cho họ khỏi cớ vấp phạm. Ðức Giê-su không muốn tranh cãi với họ về căn tính của Ngài, bởi vì họ không chịu tin và không muốn tin. Ngài đã chấp nhận nộp thuế như mọi người dân Do thái. Thứ hai, liên quan chặt chẽ đến điều thứ nhất, Ngài thực sự muốn tự đồng hoá mình với Dân Ngài, trở nên một người con Dân ở dưới quyền của Lề luật (Dt 2,17-18) theo như tinh thần  tự hạ mình  được thánh Phao-lô nói đến trong lá thư ngài gởi các tín hữu thành Phi-líp-phê (Pl 2,6-11 ; xin xem thêm Dt 8,4).

Còn về thánh Phê-rô, có lẽ, thánh Mát-thêu có ẩn ý về một sự kiện rằng : được coi là vị thủ lãnh của cộng đồng ki-tô hữu (vì các Tin Mừng được soạn thảo trong bối cảnh như vậy) nên thánh Phê-rô cũng có thể được hưởng quyền miễn trừ. Nhưng, theo tinh thần  đồng hoá  của Thầy, vị thủ lãnh của Dân Mới, Phê-rô, cũng cần phải ở trong và ở đồng hàng với Dân, với tư cách là một thần dân của Nước Trời như mọi thành viên khác. Vậy nên, cho dù là người lãnh đạo Dân Mới, xét về khía cạnh là Dân Chúa, Phê-rô cũng chỉ là một thành viên và do đó phải chấp hành luật này như mọi người. Thiết tưởng, đó là một lý do tại sao chỉ có thánh Phê-rô được kể ở đây.

 

2.Thuế má

Như đã xác định trên kia, trình thuật cuộc gài bẫy về việc có nên nộp thuế cho Xê-da hay không, mà ta bàn đến ở đây, được thuật lại bởi cả ba tác giả Tin Mừng nhất lãm (Mt 22,15-22 ; Mc 12,13-17 ; Lc 20,20-26). Ta sẽ không bàn đến việc người ta muốn gài bẫy Ðức Giê-su, nhưng sẽ xem xét cách thức Ngài dùng loại đồng tiền sử dụng thời đó để đối đáp lại với họ, qua đó ta sẽ hiểu thêm một đặc tính khác của đồng tiền trong giáo huấn của Ngài.

Theo trình thuật, Ðức Giê-su đã đề nghị họ cho Ngài xem đồng tiền ra sao (xin bỏ qua việc xem xét hình dạng các đồng tiền thời đó). Rồi từ hình dạng của đồng tiền, Ngài đã nói rõ lập trường của mình. Nếu so sánh với trình thuật nộp thuế nói trên kia, ta sẽ thấy có một khác biệt về việc dùng từ ngữ chỉ tiền bạc : nếu trong trình thuật trên kia nó là một đồng tiền trị giá bốn quan, thì ở đây từ ngữ được dùng là một đồng tiền cách chung : một đồng denier, một loại tiền đang lưu hành trong Ðế chế Rô-ma thời đó, trị giá một ngày công lao động. Nó gợi ý về tiền tệ nói chung.

 

Vai trò của tiền tệ

Câu trả lời danh tiếng của Ðức Giê-su :  Thế thì, của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa , vốn mang tính cách chính trị nhiều hơn là kinh tế : nó nói về hai hệ thống quyền bính. Nhưng, ở đây, ta chỉ muốn tìm hiểu về vai trò của tiền tệ nói chung. Tiền tệ được đúc ra bởi chính quyền nhằm phục vụ cho việc lưu chuyển đời sống trong xã hội, mỗi loại tiền có giá trị trong một xã hội nhất định, nơi nó được công nhận. Nó là một công cụ cần thiết giúp cho chính quyền điều hành nền kinh tế thương mại quốc gia. Vì, xét về mặt kinh tế xã hội thì nó giữ một vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế của xã hội và là thước đo cần thiết cho mọi hoạt động trao đổi trong xã hội. Nhưng, đặc biệt hơn, trong hệ thống tài chính quốc gia, tiền tệ giữ vai trò công cụ giúp chính quyền điều tiết nền kinh tế tài chính, nó bảo đảm cho tính độc lập của một quốc gia về mặt kinh tế và chính trị đối với các lân bang ; hơn nữa, nó còn là một công cụ thu thuế. Thuế, một phương thế chủ yếu trong toàn bộ thu nhập ngân sách quốc gia để chi dụng cho các hoạt động của chính quyền và các dịch vụ công ích xã hội. Tắt một lời, tiền tệ là một công cụ kinh tế của chính quyền một nước hoặc một vương triều để phục vụ cho việc điều hành, sự tồn tại và phát triển về mọi mặt của xứ sở đó.

Có lẽ, Ðức Giê-su hiểu rõ tầm quan trọng này của tiền tệ nói chung, và hệ thống thuế má nói riêng, nên Ngài đã không ngần ngại trả lời rằng hãy trả về cho Hoàng đế điều thuộc về Hoàng đế. Tuy nhiên, Ngài không quên phân biệt điều đó với những gì là thiêng thánh, là thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Nước Trời, cần phải được trả về cho chính Thiên Chúa.

 

Nộp thuế ?

Việc nộp thuế, xét về khiá cạnh chính trị và xã hội, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho hoạt động của guồng máy chính quyền, cả đời lẫn đạo, hầu duy trì một sự thống nhất trong công việc điều hành xã hội. Tuy nhiên có người sẽ có thể lên tiếng rằng :  Tôi không cần đến một nền quản lý như vậy, tôi muốn tự do chứ không chịu ở dưới một sự điều hành chung nào cả, vì đôi khi nó quá áp đặt hoặc quá độc đoán trên bản thân tôi . Bởi vì, trong lịch sử đã có rất nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống nhà nước. Ðối với những người này, xét như vậy, việc nộp thuế là điều khó chấp nhận. Nhưng, nếu xét suy cho kỹ, hệ thống quản lý chính trị tập trung như thế vốn là một bước phát triển quan trọng và cần thiết trong lịch sử xã hội loài người, một bước tiến lịch sử, cho dù đã có nhiều lập luận ngược lại. . Và, do đó, việc nộp thuế đã xuất hiện như một hình thức phát triển tất yếu phục vụ cho việc đóng góp của mỗi thành viên trong xã hội cho nền quản lý đó. Các đóng góp loại này chính là những viên đá mỗi người góp vào để xây dựng xã hội.

 

Việc lạm dụng sự đóng góp

Tuy nhiên, cũng có không ít các lạm dụng nơi một số người cầm quyền không thật sự quan tâm đến người dân như các vua chúa ngày xưa. Trong quá khứ đã có một số chế độ chính trị xã hội chỉ lo cho việc vun đắp cho sự giàu sang thịnh vượng của một số thành phần nào đó trong xã hội mà thôi. Như dưới chế độ phong kiến, mọi đóng góp mang tính cách thuế má nhằm, trước tiên, cung phụng cho các vua chúa và quan quyền, còn các chi phí cho các hoạt động xã hội được trích từ đó thì không đáng kể và chỉ được coi là một ơn huệ vua chúa ban cho dân đen. Vì thế ta hiểu tại sao, trong Thánh Kinh, cũng đã có những phản kháng mạnh mẽ chống lại việc tập trung quyền lực vào tay một người lãnh đạo duy nhất là nhà vua, và muốn tiếp tục duy trì chế độ liên bộ tộc (1Sm 8,10-18).

 

Ðâu là tiếng nói cuối cùng ?

Nhưng xét cho cùng, các bộ tộc cũng có những vị cầm đầu và họ cũng được nhiều ưu đãi hơn người khác. Sự bình đẳng vẫn không có chỗ. Cho nên, cuối cùng, xu hướng phát triển thành một nền chính trị tập trung quyền lực, hầu có được một sức mạnh quân sự và chính trị hùng mạnh hơn, đã thắng thế, bất kể mọi lý do chống lại nó (1Sm 8,19-22). Nhưng cũng phải kể đến tham vọng quyền lực càng ngày càng hơn của những con người, những nhà lãnh đạo trong quá khứ, mà đã đẩy tiến trình đó đạt đến hiện thực tính của nó (Thánh Kinh cũng có nói đến việc này, nhưng xin không bàn ở đây).

Ngày nay, sau nhiều giai đoạn phát triển của nền chính trị xã hội, các chế độ chính trị ngày càng mang nhiều tính dân chủ, hoặc ít ra là tính xã hội, hơn : các đóng góp thuộc dạng thuế má được ban hành và áp dụng đều có sự góp ý tích cực của toàn dân, đại diện bởi Quốc hội. Cũng tương tự, đối với việc chi tiêu ngân sách quốc gia. Và, ngày càng rõ ràng, thuế má và việc nộp thuế trở thành một điều  tự nhiên  và quan trọng cho hoạt động và sự phát triển của xã hội, của dân tộc, của quốc gia. Nó trở nên không thể thiếu được đối với một quốc gia. Tuy nhiên cần phải có những chính sách và chương trình thu chi cho hợp lý và hợp đạo đức nữa.

 

Tính cách chính đáng của thuế má

Tiền tệ, một phương thế cụ thể để thực hiệc chính sách thuế, nhất là ngày nay, có vai trò cụ thể của nó. Vậy, liên quan đến việc nộp thuế, từ xa xưa, Ðức Giê-su đã nhận ra tầm quan trọng của nó và Ngài đã không ngần ngại, cách gián tiếp, khẳng định điều đó qua việc chọn nộp thuế chứ không dùng quyền miễn trừ, với tư cách là một bậc thầy trong dân (Mt 17,27).

Vậy qua việc công nhận tính cách hợp pháp và chính đáng của quyền bính thế trần, qua việc nhìn nhận sự hợp lý của việc nộp thuế cho Hoàng đế, Ðức Giê-su đã gián tiếp chuẩn nhận sự cần thiết của hệ thống tài chính quốc gia, được thực hiện nơi việc thu thuế bằng hiện kim, như một điều kiện xã hội  tự nhiên  phục vụ cho các hoạt động chính trị xã hội. Về sau, thánh Phê-rô cũng viết cho các tín hữu điều tương tự (1Pr 2,13-17) để chỉ rõ rằng không có sự mâu thuẫn giữa việc sống đạo và việc thi hành nhiệm vụ người dân trong một quốc gia dưới bất kỳ một chế độ chính trị nào. Thánh Phao-lô cũng dạy cùng một thể cách như vậy cho các tín hữu của ngài (Rm 13,1.5-7 ; Tt 3,1). Bởi vì, việc nộp thuế, mà tiền tệ gián tiếp giữ vai trò công cụ, vốn là một trong những công cụ quan trọng cho việc điều hành và vận hành của một xã hội chính trị, theo như sự phát triển xã hội loài người ; nhất là ngày nay, điều này càng hiển nhiên và không thể thiếu được.

 

Kết Luận : công cụ tính của tiền tệ

Các giáo huấn của Ðức Giê-su đã không bị lỗi thời qua dòng thời gian. Ngài đã nhìn nhận việc nộp thuế như một thực tại có thực và cần thiết nhưng đồng thời, như gợi ý trên kia, Ngài cũng nói rõ sự phân biệt giữa nó với một bình diện khác trong đời sống con người, với tư cách là một nhân linh có nhu cầu tôn giáo : cuộc sống trần thế này, với những điều kiện cần thiết của nó, không đủ cho con người ; còn có một bình diện khác quan trọng hơn, đó là sống trong tương quan với Thiên Chúa. Tính cách cần thiết của điều thứ hai này được đặt một cách loại suy với sự cần thiết phải đóng góp cho hoạt động chung của xã hội qua việc nộp thuế. Do đó, phải trả về cho Thiên Chúa điều gì thuộc về Người.

Chính việc đặt song song hai bình diện như vậy cho thấy rõ rằng Ngài nhìn nhận tầm quan trọng của việc đóng góp xã hội, trong đó tiền bạc giữ một vai trò dụng cụ thực hiện. Và điều này phải được áp dụng cho mọi thành phần trong xã hội.

Nói cách khác, tiền bạc ở đây được nhìn dưới góc độ một công cụ giúp thực hiện các hoạt động chính trị xã hội của chính quyền, đại diện cho toàn dân .

 

An Thụ

08/10/2002


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà