CHÚC LÀNH CỦA THIÊN CHÚA

 

 

1.Từ Vườn địa đàng .

Ngay từ đầu , Thánh Kinh đã nói rõ : trong công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã phủ đầy mặt đất sự phong nhiêu và giàu có hầu nó có thể chuẩn bị phục vụ cho sự xuất hiện của con người. Thật vậy, khi mô tả về Vườn địa đàng, sách Sáng thế đã liệt kê tên bốn con sông Pi-xôn, Ghi-khôn, Ti-grơ và Ê-phơ-rát. Trong số đó, sông Pi-xôn chảy quanh xứ Ha-vi-la nơi có đầy vàng ròng. Rồi chim trời, cá nước, thảo mộc, hoa quả. Con người đã xuất hiện như người  chủ sử dụng  và người quản lý tất cả sự giàu có đó. Hơn nữa, Thiên Chúa đã chúc lành cho con người và trao cho nó nhiệm vụ thống trị trên muôn loài trên đất. Có điều đáng chú ý là lời chúc lành này không cần bao hàm sự giàu có về của cải vật chất như trong trường hợp của ông Gia-cóp về sau.

Thực vậy, của cải vật chất dư đầy đã có mặt trong cuộc sống nơi Ðịa đàng của hai ông bà nguyên tổ, nó đã được mô tả như là một thành phần của cuộc sống con người, một "cái gì" rất tự nhiên. Vậy, ta có thể nói rằng của cải vật chất "đã từng và vẫn còn là" một trong những điều tốt lành nằm trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa không quên nhắc lại yếu tố này khi Người chúc lành cho những người nào trung tín với Người. Ta có thể kể đến các tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp, vua Ða-vít cũng như Sa-lô-mông.. Và ngay cả trước các vị này ta đã có trường hợp của ông Nô-ê .

Ông Nô-ê, một người công chính dưới mắt Thiên Chúa, ông được Thiên Chúa chọn trong chương trình cứu chuộc của Người ngang qua việc cứu thoát ông và gia đình ông khỏi nạn Hồng thủy. Sau đại nạn này, Thiên Chúa đã chúc lành cho Nô-ê và các con ông. Lời chúc lành này cho thấy dường như Thiên Chúa muốn tái lập lại trật tự gần giống như nơi Vườn địa đàng xưa kia: con người được trao lại quyền thống trị trên đất, sở hữu những sản vật của đất và sinh sôi nảy nở tràn mặt đất. Cho đến đây, của cải vật chất vẫn được coi là một yếu tố thành phần của cuộc sống con người. Chưa thấy có một rạn nứt nào trong quan hệ giữa con người và sự giàu có vật chất. Cũng như chưa thấy có vấn đề về sự giàu có làm cớ cho con người phạm tội chống lại Thiên Chúa.

 

2. .Ðến Tháp Babel

Nhưng ngay sau đó. Sự đổ vỡ trong tương quan đã xuất hiện qua câu chuyện tháp Ba-Ben. Ở đây, con người đã cậy vào của cải vật chất mình có để xây ngọn tháp  tai tiếng  này nhằm chống lại Thiên Chúa. Ðiều trớ trêu là: với chính sự giàu có về của cải vật chất mà Thiên Chúa đã ban tặng đó, con người lại dùng như phương tiện để chống lại Người. Kể từ đó, của cải phải được dè chừng vì nó có khả năng trở thành một cạm bẩy xô đẩy con người đến mức đối nghịch với Thiên Chúa.

 

3.Hệ Luận

Vậy, của cải vật chất vốn là ơn lành của Thiên Chúa ban tặng, vì Thiên Chúa biết nó gắn chặt và cần thiết cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, đã có lúc, và đều này đã không ngừng lặp lại và tiếp diễn trong lịch sử nhân loại, rằng : con người đã sử dụng sự giàu có của mình sai mục đích nhằm chống lại Thiên Chúa, nó đã trở thành một ngẫu tượng. Một hệ quả của điều này là: rồi con người sẽ vì của cải vật chất mà chống đối nhau bằng nhiều cách. Ðiều này sẽ còn là đề tài cho chuổi suy nghĩ của chúng ta sau này : Làm thế nào để của cải vật chất đừng bao giờ trở thành một  ông chủ , trái lại nó phải chỉ luôn là một chúc lành của Thiên Chúa và là một công cụ hữu ích để giúp ta xây dựng tình người trong tương quan với tha nhân.

 

An Thụ

 


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà