Bài 5

GIA CÓP , CON NGƯỜI KHÓ HIỂU

 

Sau bài học của I-sa-ác, ta sẽ tìm hiểu ở đây cách làm giàu và lối sử dụng của cải vật chất của tổ phụ Gia-cóp. Nhưng khi nhắc đến tên của vị này, đối với những người có hiểu biết về Thánh Kinh, Gia-cóp thường bị mang tiếng xấu là rất ma-lanh và giỏi nghề lừa gạt. Nếu thật như thế thì có gì đáng để ta học nơi ông và chẳng có lý do gì ta phải mất thời giờ với ông. Nhưng không, ông là một nhân vật hết sức độc đáo, rất gần gủi với chúng ta và sẽ có rất nhiều điều hay học được nơi ông. Có điều là trước hết phải  biện hộ  cho ông khỏi những tai tiếng đôi, vì cho dù xét theo khía cạnh nào đi nữa, đạo hoặc đời, ông cũng không hề là người xấu, trái lại thì có. Vì vậy, có lẽ ta sẽ phải dừng lại nơi ông lâu một chút để bàn cho thông suốt vấn đề. Ta sẽ tìm hiểu về ông qua hai phần : phần thứ nhứt, nhằm lý giải cho  nỗi oan  của ông ; và, phần thứ hai, nhằm tìm học hỏi những điều hay nơi ông. Bài này sẽ dành cho phần thứ nhứt, còn phần thứ hai sẽ được bàn đến ở bài tiếp theo.

 

1. Cuộc đổi chác khác thường và cuộc lừa gạt dễ dàng

Sau Áp-ra-ham, ở chương thứ 25 của sách Sáng thế, chỉ với một ghi chú rất nhỏ về việc chào đời của Gia-cóp và Ê-xau, nhân vật Gia-cóp đã bắt đầu xuất hiện gần như đồng thời với I-sa-ác cha mình ( St 25,19-28). Vài chi tiết có vẻ nhỏ nhặt về việc hạ sinh Gia-cóp và Ê-xau như vầy, chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở đây, thật có lý do của nó. Quả vậy, các chi tiết này sẽ giúp ta hiểu rõ hơn nhân vật Gia-cóp độc đáo. Vậy trước khi bàn đến câu chuyện đổi chác quyền trưởng nam và việc đánh lừa I-sa-ác để lãnh lời chúc lành, ta hãy dừng lại một chút với câu chuyện chào đời của hai anh em sinh đôi này.

 

* Hai anh em sinh đôi, hai cá tính khác biệt

Trong câu chuyện của sách Sáng Thế Ký 25,21-28, có hai chi tiết đáng để ta lưu ý: một là, những cái tên được đặt cho hai đứa trẻ cùng với cá tính và nghề nghiệp của mỗi cậu ; hai là, tình cảm của hai vợ chồng I-sa-ác đối với hai đứa con.

Các soạn giả Sách Thánh ghi lại rằng :  Ðứa trẻ thứ nhất ra đời, nước da nó xậm đỏ và người nó phủ đầy lông, người ta đặt tên cho nó là Ê-xau ; liền tiếp theo đó là cậu em nó cũng chào đời tay nắm gót Ê-xau, người ta gọi nó là Gia-cóp  (St 25,25-26). Dường như đã có một cuộc tranh giành thứ tự chào đời ngay từ khi còn trong bụng mẹ giữa hai anh em sinh đôi này. Và rồi sau đó,  Ê-xau đã trở nên một tay thợ săn lành nghề, suốt ngày rong rũi trên các đồng cỏ còn  Gia-cóp là một người trầm tĩnh, suốt ngày quanh quẩn trong lều [với chiên cừu] (1) (St 25,27). Về phía I-sa-ác và Rê-béc-ca thì  I-sa-ác thương Ê-xau hơn bởi vì ông rất mê món thịt rừng của anh ta, trong khi đó Rê-béc-ca thương Gia-cóp hơn (St 25,28). Ðể thấy ngọn ngành của vấn đề, thiết tưởng, phải tìm trở lên cho đến đây.

 

Hai anh em sinh đôi đó, với hai cá tính và thể lý khác nhau, hai chọn lựa nghề nghiệp khác nhau, đã chung sống được với nhau dưới cùng một mái nhà trong bối cảnh tình thương không đồng đều của cha mẹ. Nhưng điều đó chỉ kéo dài cho đến một ngày nọ thì sự đổ vỡ xảy đến, sau vụ  biển lận lời chúc lành. Vấn đề ở đây là không thể đơn giản để đổ mọi tội cho Gia-cóp và coi Ê-xau như là nạn nhân. Vì nó đã trở nên rất phức tạp, và ta sẽ phải dành chút thời giờ để có thể hiểu cho tường tận đến mức có thể.

 

* Gia-cóp là người xấu ?

Ở đây, ta gặp hai mẫu chuyện liên quan đến Gia-cóp khiến ông bị gán tiếng là ma-lanh, là tay gạt gẫm, đó là vụ mua bán quyền trưởng nam với Ê-xau (St 25,29-34) và vụ lừa I-sa-ác để nhận lời chúc lành (St 27,1-30). Ta sẽ đọc kỹ lại hai câu chuyện này, vì trong đó có rất nhiều điều thú vị.

Nếu ta khởi đi từ một vấn nạn, làm sao có thể hiểu được rằng các soạn giả Sách Thánh lại đơn thuần kể xấu về vị tổ phụ mà tên của ông đã được chọn để gọi cả dân tộc này : Ít-ra-en, cái tên mà chính Thiên Chúa đã đặt cho ông, sau một cuộc vật lộn với Người suốt đêm thâu (xin xem St 32,21-28). Nếu ta chấp nhận câu trả lời là không thể đơn thuần hiểu như vậy, thì có chăng ta phải hiểu rằng qua các câu chuyện này các soạn giả Thánh Kinh muốn nói những điều tích cực hơn về Gia-cóp. Và do đó, sẽ có nhiều điều cần phải làm cho sáng tỏ. Vậy, ta sẽ dừng lại ở từng câu chuyện một với hy vọng có thể tìm thấy một câu trả lời gần với sự thật hơn. (Những điều sẽ được nói dưới đây là giả thuyết của người viết khi đọc lại Thánh Kinh dưới một nhãn quan riêng, với tham khảo và qui chiếu dựa trên các nghiên cứu liên quan của ngành chú giải Thánh Kinh).

 

a . Gia-cóp và Ê-xau, cuộc đổi chác khác thường

Câu chuyện đổi chác quyền trưởng nam này được Thánh Kinh, trong sách Sáng Thế 25 kể rất vắn chỉ trong vài câu (2). Bối cảnh được dựng lên thật đơn giản và rất tự nhiên : một lần nọ, Ê-xau đi săn về và cảm thấy đói lả ; trông thấy Gia-cóp đang nấu tô cháo đậu đỏ, vốn chẳng phải là món cao lương gì, Ê-xau, với cá tính sẳn có, đã đề nghị một cách không mấy lịch sự :  Ðể tao húp tô cháo, cái tô cháo đỏ đỏ đó, tao đói lắm rồi.  Nhưng Gia-cóp, cũng không phải là tay vừa, đã chớp ngay cơ hội và đề nghị :  Trước hết hãy bán cho tớ quyền trưởng nam đi.  Vẫn với tính cách rất thô, Ê-xau đã vô tình hay hữu ý trả lời : Tao sắp chết [vì đói] tới nơi, thử hỏi khi đó cái quyền trưởng nam kia có giúp được gì cho tao đâu ?  Gia-cóp vẫn chưa chịu, đòi rằng :  Anh hãy thề trước đã. Ê-xau đã thề và đã đồng ý bán quyền trưởng nam của anh ta cho Gia-cóp. Gia-cóp đã tỏ ra rất rộng rãi, chẳng những trao cháo mà còn thêm ít bánh mì nữa, Ê-xau đã ăn uống rồi bỏ đi ra. Và Thánh Kinh thêm rằng :  Ê-xau đã coi rẻ quyền trưởng nam của mình. Cuộc đổi chác này quả là không bình thường. Nó không bình thường vì nhiều lý do và dưới nhiều góc độ khác nhau. Ta sẽ xét nó theo ba góc độ :

 

1) Chuyển nhượng quyền trưởng nam là điều không thể .

Xét về mặt xã hội, việc bán quyền trưởng nam quả là không bình thường, vì nó vốn gắn chặt với việc chào đời, là điều chỉ diễn ra một lần và không thể thay đổi được. Theo luật pháp, quyền thừa kế có thể được chuyển nhượng cho bất cứ ai, tùy theo ý định của người để lại tài sản ; nhưng quyền trưởng nam không thể đổi được từ người này sang người khác, vì nó vốn được ấn định theo thứ tự ra đời của những người con, không thể có chuyện làm lại kiểu khác được. Vì vậy, dưới góc nhìn xã hội, câu chuyện đổi chác trên có vẻ như đùa. Và, Ê-xau đã có lý khi dám diễu cợt, ngay cả trong việc thề hứa, nhường quyền trưởng nam cho Gia-cóp, vì việc đó không hề có hiệu lực trong thực tế. Còn Gia-cóp thì có vẻ chẳng khác một  anh khờ  đi mua  trăng đáy nước , có được gì chăng chỉ là mất trắng tô cháo đậu. Quả thật, cho tới ngày nay, có ai trong chúng ta lại coi hoặc gọi Gia-cóp là anh của Ê-xau đâu. Ê-xau vẫn luôn là anh, còn Gia-cóp là em.

 

2) Nhưng đối với Thiên Chúa nó không còn là bất khả

Xét về mặt đức tin và thuần tôn giáo, ta thường nghe giải thích rằng Thiên Chúa đã chọn người bé mọn để góp phần thực hiện chương trình cứu độ của Người. Câu chuyện này sẽ giúp biện minh cho việc chuyển quyền thừa kế lời hứa của Thiên Chúa với Áp-ra-ham : sẽ không còn là vấn đề, khi xảy ra sự kiện rằng lời hứa đó đã được tiếp tục thực hiện nơi dân Ít-ra-en, dòng dõi của Gia-cóp, mà không phải nơi dân Ê-đom hoặc các dân khác, được coi là dòng dõi của Ê-xau. Do đó, sự bất bình thường trong việc chuyển quyền thừa hưởng lời hứa và chúc lành như vậy đã có lý do của nó. Tất cả mọi chuyện đó đã được giải thích là diễn ra theo ý định của Thiên Chúa. Và, ơn cứu độ đã lan xuống đến tận những người tín hữu ngày nay ngang qua Dân Ít-ra-en, và rồi qua giáo hội của Chúa Ki-tô.

 

3) Ê-xau và Gia-cóp, ai mất, ai được ?

Xét về mặt kinh tế học, ở đây, cuộc trao đổi, theo một hình thức kinh tế rất thô sơ, giữa món hàng (quyền trưởng nam) lấy một món hàng khác (tô cháo đậu) đã diễn ra thật hoàn chỉnh. Thật vậy, đã có hai món hàng để trao đổi cho nhau, một cuộc thương lượng giữa hai người chủ sở hữu và một hành vi trao đổi cụ thể có kèm theo một lời hứa từ phía Ê-xau. Cuộc đổi chác này đã hội đủ mọi yếu tố của một hành vi trao đổi hàng hóa, và như thế nó có hiệu lực  pháp lý  trong việc chuyển quyền sở hữu. Có điều là, không có một chứng cớ hoặc chứng nhân nào (như trường hợp Áp-ra-ham mua đất ở Khép-ron mà ta đã có dịp nhắc đến trong bài nói về Áp-ra-ham) ngoại trừ một lời hứa suông của Ê-xau. Do đó, dường như, Gia-cóp đã bị gạt khi quá đặt tin tưởng vào lời thề của Ê-xau, người đã vội quên đi hoặc cố tình không muốn biết đến điều này. Vì ta sẽ thấy Ê-xau quyết tìm giết Gia-cóp sau khi đã bị Gia-cóp đoạt mất lời chúc lành và anh ta đành phải nhận lời chúc dữ còn lại của I-sa-ác (St 28,41). Ðó cũng là một điều không bình thường.

Riêng Gia-cóp, dường như ông vẫn tin tưởng vào hiệu lực của cuộc trao đổi này và ông kiên nhẫn chờ đợi một cơ hội để nhận lấy phần  quyền trưởng nam của ông. Và, có lẽ, ông hiểu rằng điều này sẽ có hiệu quả là cho ông quyền lãnh nhận lời chúc lành của cha mình thay chỗ của Ê-xau. Ðiều đó đã xảy đến trong câu chuyện thứ hai mà ta sắp nói tới.

Ta có thể nhận định rằng, trong vụ này, Gia-cóp hoàn trong không có gì đáng trách hoặc đáng để bị coi là người xấu. Tuy nhiên, câu chuyện thứ hai dưới đây mới thật sự mang lại tai tiếng đáng kể cho Gia-cóp.

 

b . Gia-cóp và I-sa-ác, vụ lừa gạt dễ dàng

Theo thiển ý, câu chuyện về vụ lừa gạt này phải được đọc cho có gốc có ngọn. Trong đó,sự tham gia của người mẹ, bà Rê-béc-ca, thật đáng kể lắm. Và, thiết tưởng, cũng cần gắn nó với một nguồn gốc gần hơn, nhưng đáng kể hơn nữa, đó là việc Ê-xau đã cưới các cô vợ người Hít-tít, là những người không cùng trong họ hàng (xin xem St 26,34). Ðiều này đã làm I-sa-ác và Rê-béc-ca không hài lòng tí nào (xin xem St 26,35 ; 27,46). Không như trường hợp của I-sa-ác : phải cử người trở về đến tận quê ngoại để tìm vợ cho ông : bà Rê-béc-ca (xin xem St 24). Vì đây là một trong những điều rất hệ trọng theo phong tục.

Nếu suy luận xa hơn một chút, ta sẽ thấy, có lẽ, Ê-xau đã tự tách ra khỏi những ràng buộc gia đình, và vì thế không còn xứng đáng để kế tục dòng dõi của ông cha, tức là làm trung gian chuyển giao lời hứa của Thiên Chúa cho thế hệ tiếp theo, mà theo quan niệm thần học Thánh Kinh thì mối quan hệ này dẫn lên cho đến tận Thiên Chúa. Và, có lẽ, đó cũng chính là điều bận tâm của bà mẹ. Vì Rê-béc-ca, một mặt vừa để ý đến việc này, mặt khác vừa yêu thương Gia-cóp hơn, đã lợi dụng vai trò người mẹ trong gia đình của bà để thực hiện ý định của mình : bà đã lén nghe được lời yêu cầu của I-sa-ác bảo Ê-xau đi săn về làm cho ông món cháo thịt rừng mà ông ưa thích, rồi ông sẽ chúc lành cho (xin xem St 27,1-5) ; bà đã thuyết phục được Gia-cóp và tổ chức cho anh này gạt cha mình để lãnh nhận lời chúc lành ( St 27,6-29) ; và sau đó bà đã lo cho Gia-cóp trốn đi về quê ngoại, đến ở nhà ông cậu La-ban để tránh thảm kịch huynh đệ tương tàn với Ê-xau (xin xem St 27,41-45). Ở đây, Gia-cóp được mô tả như có vẻ rất dè dặt và bị động trước sự sắp xếp và thúc giục của mẹ.

Còn I-sa-ác, sau khi biết rõ là đã chúc lành lầm cho đứa con thứ, không hề tỏ ra hối tiếc ; có chăng là ông đã tiếc cho anh con cả bị lỡ mất lời chúc lành, và hơn nữa, ông còn trao cho Ê-xau, đứa con mà ông yêu thương hơn, lời chúc dữ (xin xem St 27,39-40).

Trong khi đó, về phần Gia-cóp, như ta đã gợi ý ở trên kia, có lẽ ông tự nghĩ rằng ông có quyền hưởng nhận lời chúc lành thay chỗ Ê-xau vì ông tin rằng mình đã được ông anh nhượng lại quyền trưởng nam. Có điều là ông không thể thuyết phục cha mình trao lời chúc đó cho ông. Mặt khác, ông không dám tin rằng ông có thể gạt được cha mình để nhận lời chúc. Ta có thể nhận ra điều này khi nghe ông trả lời cho bà mẹ :  Mẹ coi, anh Ê-xau con thì lông lá, còn con thì nhẵn nhụi. Biết đâu cha con sẽ rờ con ; con sẽ bị cha coi như một tên lừa gạt, và sẽ phải chuốc lấy lời nguyền rủa, thay vì được chúc phúc (St 27,11-12). Nhưng khi mẹ ông, bà Rê-béc-ca, một bà vợ rất hiểu tính chồng, đã giải thích rõ cách thức thực hiện vụ này, thì với sự giúp đỡ và ủng hộ của mẹ, Gia-cóp đã đóng hoàn hảo vai Ê-sau, đến nỗi I-sa-ác đã bị lừa một trăm phần trăm.

 

2 . Lỗi lầm nhưng biết sửa

Gia-cóp không phải là không có phần lỗi, xét về mặt luân lý học, tội cố tình lừa gạt. Nhưng ông cũng có lý do để làm điều đó, như vừa nói trên kia. Tuy nhiên, trong bài tiếp theo, ông sẽ tìm cách sửa chữa và bù đắp lại lỗi lầm những này đối với cha ông là I-sa-ác, , và đối với Ê-xau, anh của ông. Và ông còn làm nhiều điều khác nữa. Thiết tưởng, ngang qua cung cách đối xử của ông trong tương quan xã hội, ta sẽ nhận ra cách ông làm giàu và cách ông chi dụng tài sản.

An Thụ

05/02/2002

Chú thích :

(1) : Các đoạn này được dịch lại do chính người viết với ý định nói lên những điều muốn nói. Và mấy từ trong ngoặc vuông [.] là do người viết thêm vào để giải thích thêm về nghề nghiệp của Gia-cóp.

(2) : Ở đây người víết xin chuyển dịch lại bản văn theo một lối hành văn riêng. Nhưng để giúp quí độc giả tiện so sánh, xin được trích lại đây toàn bộ câu chuyện theo bản dịch của CGKPV :  Lần kia, Gia-cóp đang nấu cháo, thì Ê-xau từ ngoài đồng về, mệt lả. Ê-xau nói với Gia-cóp : Cho anh ăn món đo đỏ kia với, vì anh đang mệt lả. Vì thế người ta đặt tên cho nó là Ê-đôm. Gia-cóp nói : Anh hãy bán quyền trưởng nam của anh cho em trước đã ! Ê-xau nói : Anh đang sắp chết, thì quyền trưởng nam có ích gì cho anh ? Gia-cóp nói : Vậy anh thề ngay với em đi . Ê-xau liền thề và bán quyền trưởng nam của mình cho Gia-cóp. Bấy giờ Gia-cóp cho Ê-xau bánh và cháo đậu. Ê-xau ăn uống, rồi đứng dậy đi. Ê-xau đã coi thường quyền trưởng nam.  (St 25,29-34).


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà