Bài 9

PHẢN KHÁNG CHỐNG LẠI BẤT CÔNG XÃ HỘI

NƠI CÁC NGÔN SỨ

 

Trước khi quay lại tìm hiểu về cung cách sử dụng của cải vật chất nơi vài nhân vật khác như ông Tô-bít và một vài vị vua, để tiếp tục tìm hiểu về những vấn đề tiêu cực liên quan đến việc sử dụng của cải vật chất, xin nói thêm đôi điều về những bất công xã hội ngang qua các nhắc nhở của các ngôn sứ. Các ngài là những vị đã lên tiếng rất mạnh chống lại các sai phạm loại này.

 

Một lời về các ngôn sứ

Các ngôn sứ vốn là những vị nói nhân danh Thiên Chúa, được Thiên Chúa chọn và sai đến giữa Dân để chuyển đến họ ý định của Người. Các ngài nói về Thiên Chúa và về lòng thương xót của Người, nhằm kêu gọi Dân quay đầu trở lại với Người mà từ bỏ những tội nghịch của họ chống lại Thiên Chúa và chống lại đồng loại. Các ngài đã sử dụng lời nói hoặc các hành động đầy hàm ý để công bố những gì Thiên Chúa truyền cho họ. Nói chung, các ngài là những sứ giả Thiên Chúa gởi đến để nhắc nhở Dân đi đứng trong đường lối của Người.

Trong số các vị, ta thấy đặc biệt A-mốt, Hô-sê và I-sai-a, là những vị đã có những lời rất nặng khiển trách về các bất công trong xã hội : bất công đối với Thiên Chúa, bất công đối với đồng loại. Các điều khiển trách này, thực ra, không có gì khó hiểu nên chỉ xin liệt kê tóm tắt một số điều đáng lưu ý nhằm cho thấy những vấn đề xã hội gì đã diễn ra vào thời đó hầu rút được bài học liên quan đến việc sử dụng của cải. Các bất công đó thuộc về hai chiều kích : thứ nhất, bất công đối với Thiên Chúa ; thứ hai, bất công xã hội, vốn là hậu quả của điều thứ nhất.

 

a.Bất công đối với Thiên Chúa :

Theo như giáo huấn nền tảng của Do Thái Giáo được tóm tắt trong ba điều đầu tiên trong số Mười Ðiều Răn : ÐỨC CHÚA, Thiên Chúa Duy Nhất, là Thiên Chúa độc nhất của Dân (xin xem Xh 20,1-6 ; Ðnl 5,6-10). Theo tinh thần của giáo huấn Thánh Kinh, việc tôn thờ Người, đúng hơn là tôn thờ chỉ một mình Người, và tuân giữ các điều Người truyền dạy trong Luật là một cách thế đối xử công chính đối với Người. Làm ngược lại, hoặc không làm như vậy, chính là đối xử bất công với Thiên Chúa. Ðó là điều mà các ngôn sứ đã lên tiếng mạnh mẽ khiển trách Dân Ít-ra-en.

Vấn đề tôn thờ ngẫu tượng và sùng bái sự giàu có như thần thánh vốn là điều thường thấy trong bộ Cựu Ước. Các ngôn sứ, nhất là Hô-sê, nhấn rất mạnh về điều này. Thực vậy, ngài đã kết án Dân đã bắt chước theo phong tục của người Ca-na-an (dân bản xứ, vốn theo truyền thống văn hoá định cư) mà thờ kính thần Ba-an, vị thần sản lực của một số dân định cư. Họ đã đúc ra các tượng thần bằng vàng hay bằng bạc để thờ kính. Ngôn sứ Hô-sê đã tuyên án :  Xưa kia hễ Ép-ra-im lên tiếng là nó gây kinh hoàng, nó có một địa vị cao trong Ít-ra-en, nhưng vì mắc tội thờ Ba-an nên nó đã chết. Giờ đây chúng phạm thêm tội lỗi : đúc cho mình những tượng bằng kim loại, lấy bạc làm ra những tượng thần như trí mình sáng chế. Tất cả những thứ đó đều là sản phẩm do tay thợ làm ra. Rồi chúng ngỏ lời với những thần đó, còn dâng hy lễ nữa. Chúng là người mà lại hôn kính những con bê. Bởi vậy, chúng chỉ như đám mây buổi sáng, như sương mai chóng tan, như vỏ trấu bị cuốn đi khỏi sân lúa, như làn khói toả từ ống thông hơi  (Hs 13,1-3). Và trước đó, cũng chính ngài đã lên tiếng :  Ít-ra-en vốn là một cây nho sum sê, trái trăng thật dồi dào phong phú. Nhưng trái trăng càng nhiều, chúng càng dựng thêm các bàn thờ ngẫu tượng ; đất nước càng giàu sang, chúng càng làm thêm những cột thần lộng lẫy. Chúng là thứ người lòng một dạ hai, rồi đây chúng sẽ phải đền tội ; bàn thờ của chúng, chính Người sẽ đập tan, cột thờ của chúng, Người cũng sẽ phá đổ (Hs 10,1-2).

Còn ngôn sứ A-mốt khẳng định rõ rằng không phải là những lễ vật hy tế hay lễ vật toàn thiêu sẽ làm Thiên Chúa hài lòng, nhưng là sự công chính và công bằng xã hội. Ngài đã kêu gào rằng :  Lễ lạc của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường ; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú (.) Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn  (Am 5,21.24 ). Thật vậy, đã có quá nhiều bất công trong lòng xã hội Dân Chúa, đó là hệ quả của sự bất công đối với chính Thiên Chúa.

 

b. Bất công xã hội:

Ðây là một vấn đề của mọi thời và mọi nơi. Nguyên nhân của nó nằm ở chỗ : lòng tham của con người  không đáy họ luôn muốn có nhiều của cải bạc vàng hơn hầu có thêm sự bảo đảm vật chất và nắm trong tay thêm nhiều quyền lực do sự giàu có vật chất có thể đem lại. Với ước muốn đó, nhiều khi người ta đã không ngần ngại chà đạp lên người khác (điều này hiển nhiên, có lẽ không cần giải thích thêm). Trong xã hội dân Ít-ra-en thời xưa, vấn đề này cũng tràn ngập, đến nỗi Thiên Chúa đã phải can thiệp qua sự lên tiếng của các ngôn sứ. Ta có thể tập hợp lại theo ba loại chính sau đây : vì ham lợi mà người ta không ngại thực hành việc cân non đong thiếu, vì tiền mà người ta chẳng từ việc bẻ quẹo công lý và sự thật, và vì muốn trục lợi mà người ta nhẫn tâm khai thác đồng loại.

 

- Cân gian đong lận

Vì muốn thu lợi nhiều hơn, hoặc vì một lý do nào khác, một số người không ngại dấn vào trong các hành động mờ ám. Ngay từ thời xa xưa, trong lòng Dân Chúa, những điều như thế đã diễn ra, như : cân già cân non, đấu lớn đấu nhỏ, thước thiếu thước thừa, v.v. nhằm làm sao có lợi hơn cho họ. Ta thấy các ngôn sứ đã vạch rõ những điều đó, ví dụ như các lời sau đây của ngôn sứ A-mốt :  Các ngươi thầm nghĩ : Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa ; bao giờ mới hết ngày sa-bát để ta bày thóc ra ? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm ; ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ  (Am 8,5) ; hay là lời chất vấn của ngôn sứ Mi-kha :  Hỡi nòi gian ác, làm sao Ta chịu nổi những của cải chiếm được bằng dối gian, ê-pha thíêu hụt, xấu xa ghê tởm? Ta coi là liêm chính thế nào được những bàn cân gian trá, những túi đựng các quả cân gian? Hạng giàu có trong thành thì hung hãn, còn dân thành laị quen ăn gian nói dối, miệng hay nói lời lẽ gian tà  (Mk 610-12).

 

- Bẻ quẹo công lý và sự thật

Ngôn sứ A-mốt đã vạch trần lòng dạ chai cứng của họ như là nguyên nhân của việc từ chối lắng nghe sự thật, đến nỗi nhân danh quyền lực của mình, họ đã ngăn cản những người khác thực hiện điều công chính, ngài trách :  Xưa ta đã từng cho xuất hiện những ngôn xứ từ hàng con cái các ngươi, những na-dia từ lớp người trai tráng. Chẳng phải như vậy sao, hỡi con cái Ít-ra-en?- Sấm ngôn của ÐỨC CHÚA. Thế mà các ngươi đã bắt các na-dia uống rượu và ra lệnh cho các ngôn sứ : Các ông không được nói tiên tri ! (Am 2,11-12).

Ngôn sứ I-sai-a đã than phiền về việc thiếu tôn trọng sự ngay thẳng và công lý của những người cầm cân nảy mực, họ không còn là những con người của sự trung tín nữa mà đã trở thành những tay đao phủ và những kẻ nổi loạn, ngài đã lên tiếng :  Ðô thị vốn trung tín xưa kia sao nay lại trở thành con điếm? Ðô thị xưa kia vốn chính trực, vốn là nơi ngự trị của đức công minh, sao nay lại đầy lũ giết người? Bạc của ngươi đã biến thành gỉ sét, rượu ngon thì bị pha nước vào. Các thủ lãnh của các ngươi là những kẻ phản nghịch, đồng loã cùng trộm cướp. Tất cả bọn chúng đều thích ăn hối lộ, và chạy theo quà cáp. Chúng không phân xử công minh cho cô nhi, cũng chẳng quan tâm đến quyền lợi quả phụ (Is 1,21-23). Và cũng chính ngài đã mạnh mẽ kết án :  Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức, để cản người yếu hèn hưởng công lý, tước đoạt quyền lợi người nghèo khó trong dân tôi, để biến bà goá thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi. Các ngươi sẽ làm chi khi đến ngày trừng phạt, khi bão tố từ xa ập tới? Các ngươi sẽ chạy đến với ai mà xin giúp đỡ? Các ngươi sẽ để vinh hoa phú quí nơi đâu?  (Is 10,1-3).

 

- Khai thác người nghèo

Ngôn sứ A-mốt đã nhấn rất mạnh trên lỗi phạm thật nghiêm trọng này của Triều đại phía Bắc (thuộc Vương quốc Ít-ra-en, phân biệt với Vương quốc Giu-đa ở phía Nam), đó là việc biến những người thấp cổ bé họng thành những món hàng hoá để buôn bán hay trao đổi với giá rẻ mạt. Ta đọc thấy :  ÐỨC CHÚA phán thế này : vì tội của Ít-ra-en đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án. Ví chúng bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày. Vì chúng đạp đầu kẻ yếu thế xuống bùn đen và xô người khiêm hạ ra khỏi đường lộ  (Am 2,6-7a). Vâng, những người nghèo đã bị khai thác không thương xót. Còn những kẻ khai thác đã thực hiện điều đó với một ý thức rõ rệt, như lời hạch tội cũng của vị ngôn sứ này :  Hãy nghe đây hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. Các ngươi thầm nghĩ : Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa ; bao giờ mới hết ngày sa-bát để ta bày thóc ra ? (.) Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.  (Am 8,4-6). Ðiều đáng trách hơn nữa, những người đó chính là những người  đặt niềm tin  vào Thiên Chúa và  giữ luật tế tự  rất kỹ, khiến ngôn sứ A-mốt đã trách cứ :  Vì y phục của người ta cầm cố, chúng nằm lên trên, ngay bên mọi bàn thờ, và rượu của người nộp phạt, chúng đem uống tại đền thờ Thiên Chúa của chúng  (Am 2,8). Họ làm như thể những lễ tế đó sẽ làm hài lòng Thiên Chúa. Nhưng không, trái lại thì có, như ta đã thấy cũng chính ngôn sứ A-mốt đã vạch rõ trong đoạn Am 5,21 trích trên kia. Và ngôn sứ I-sai-a cũng không thể im tiếng được trong việc này, ngài cũng đã lên án như ta thấy trong đoạn trích Is 10,1-3 ở trên.

 

Một xã hội bất bình đẳng

Song song với những  tội như thế, và bên cạnh cảnh cùng khổ của những người nghèo thấp cổ bé họng mà ta đã có dịp thấy trong bài trước, các ngôn sứ còn mô tả một nét tương phản về một cuộc sống giàu sang trong nhung lụa của những kẻ trục lợi. Các ngài đã lên án điều đó như một bất bình đẳng nghiêm trọng trong xã hội. Như một ví dụ, ta lại có ở đây những lời của ngôn sứ A-mốt :  Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao ; như Ða-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ ! (Am 6,4-6).

 

Bất công xã hội, một điều cần phải chống !

Thiết tưởng bấy nhiêu cũng đủ để nói lên tình trạng xã hội thời các ngôn sứ và cũng đủ để cho thấy mặt tiêu cực do việc thu tích và sử dụng không đúng tiền của đem lại.

Một xã hội đầy bất công như thế hoàn toàn không phù hợp chút nào với tinh thần đạo lý và giáo huấn Thánh Kinh, đặc biệt nơi các ngôn sứ như ta vừa thấy, cần phải chống lại nó. Ðiều cần lưu ý, chống lại bất công xã hội không chỉ đơn thuần là đấu tranh chống lại các tiêu cực và phê phán những người thực hiện các điều đó nhưng, quan trọng hơn, trước hết mỗi người phải tự nhìn lại chính bản thân và lo để ý tránh các hành động có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra các loại bất công như thế.

Theo tinh thần của giáo huấn Thánh Kinh, những nguyên nhân của chúng là : khởi đi từ một lòng dạ không biết xót thương, cộng thêm với lòng tham lam không đáy - tiền của cũng như quyền lực -, và nhất là sự bất trung và bất chính đối với Thiên Chúa. Những nguyên nhân đó sẽ làm cho người ta dễ dàng bị cuốn hút vào các hành vi chà đạp người đồng loại và thực hành bất công xã hội, vô tình hay hữu ý.

Thánh Kinh đã cho ta những điển hình rõ nét về điều này qua sự can thiệp của các ngôn sứ liên quan đến các thực hành xã hội trong lòng Dân Chúa. Ðiều đó cho thấy một cái nhìn mang tính phê bình việc thu tích và sử dụng của cải vật chất không đúng mục đích, so với cái nhìn tích cực rằng sự giàu có là một chúc lành của Thiên Chúa mà ta đã có dịp bàn đến ở các bài trước. Ðây cũng là một điểm nhấn quan trọng trong giáo huấn thánh kinh về vần đề này.

Khía cạnh tiêu cực về việc sử dụng của cải vật chất như trên chắc là không có gì khó hiểu đối với mỗi người và bài học rút ra từ đó cũng hiển nhiên. Việc đào sâu thêm vấn đề, có lẽ, không còn cần thiết. Vậy, ta sẽ trở lại tìm hiểu một nhân vật khác vừa giàu có vừa đạo đức, ông Tô-bít, để xem vị này đã làm gì với sự giàu có của mình, đó sẽ là chủ đề của bài tiếp theo.

 

An Thụ

28/04/2002


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà