I.    KHẢI HUYỀN LÀ GÌ?

        Cuốn sách cuối cùng phần Tân Ước mang tựa đề "Sách Khải Huyền." Trong Anh ngữ có hai tựa đề khác nhau: Revelation và Apocalypse. Revelation là từ phiên dịch từ Hy-lạp apokalypsis. Sách Khải Huyền cũng là cuốn sách gây nhiều hiểu lầm, không phải tại cuốn sách mà tại người đọc.

        Thí dụ chúng ta nhận thấy sự kiện này. Chúng ta thường nghe người ta nói đến sách "Khải Huyền." Khi nói lên tựa đề "Sách Khải Huyền," người ta nghĩ ngay đó là sách nói về "những gì sẽ xảy ra." "Khải Huyền" nghĩa là vén lên tấm màn che giấu những bí mật, cho nên còn gì bí mật cho bằng một tương lai mà chỉ có mình Thiên Chúa biết? Nhưng từ xưa tới nay chẳng có gì tò mò hơn là việc con người cứ muốn biết về tương lai. Vì thế người ta dùng mọi cách, hợp luật hay trái luật, cầu nguyện hay bói toán, gọi hồn, giải thích điềm lành này dấu gở kia, lúc nào cũng hăng say theo đuổi việc tìm hiểu những "huyền bí" ấy. Rồi theo suy nghĩ của nhiều người, những huyền bí ấy là chính những điều được nói đến trong sách Khải Huyền của Gio-an. Với họ, sách Khải Huyền là một thu thập những "huyền bí" về tương lai do chính Thiên Chúa mạc khải để chúng ta đọc và giải thích.

        Đây quả thực là một hiểu lầm tai hại chỉ vì ý nghĩa của tựa đề "Khải Huyền." Tự nó, có lẽ cuốn sách không quá bi thảm như vậy, nhưng điều vô cùng tệ hại là sự hiểu lầm ấy lại gây nên không biết bao nhiêu giải thích hoàn toàn vô căn cứ và sai lạc.

        Thực sự sách Khải Huyền vén mở một điều gì đó, cũng có thể là một tương lai, nhưng là một điều rất chắc chắn và chính xác, chứ không phải một cái nhìn bao quát về lịch sử tương lai. Đúng như phần nhập đề của sách đã khẳng định(1:1-3), đó là "mạc khải của Đức Giê-su Ki-tô," "những việc sắp phải xảy đến," "lời của Thiên Chúa," "lời chứng của Đức Giê-su Ki-tô," "những gì ông (Gio-an) đã thấy," và là "sấm ngôn" về "thời giờ đã gần đến." Tóm lại, Khải Huyền là mạc khải Chúa tỏ ra cho ông Gioan trong một thị kiến, không phải về một tương lai bất định, nhưng về một điều gì đó "sắp" phải xảy ra.

        Vậy điều mạc khải ấy là gì? Nội dung của cuốn sách cần phải giúp chúng ta tránh được những nghi nan. Điều mạc khải ấy là "Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mạc khải vinh quang của Người" (1 Cr 1:7) khi "Chúa Giê-su từ trời xuất hiện cùng với các thiên thần hùng mạnh của Người, trong ngọn lửa cháy bừng" (2 Tx 1:7), khi "ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giê-su tỏ hiện" (2 Pr 1:13), và khi "sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mạc khải" (Lc 17:30). Nói khác đi, điều mạc khải ấy là việc tỏ bày khải hoàn của Đức Ki-tô sắp tới. Chính sự kiện này ông Gio-an đã biết được trong một thị kiến và là sự kiện sách Khải Huyền đề cập đến.

        "Trước kia, anh em là những kẻ chết..."

        Cuộc khải hoàn của Đức Ki-tô hiện hữu trên một số bình diện. Vì Thiên Chúa là "Đấng đã có, hiện có và đang đến" (4:8) nên vào một thời điểm nào đó, khải hoàn của Đức Ki-tô vẫn là một sự kiện đã xảy ra, một thực tại đang diễn tiến và một lời hứa hướng về tương lai. Như chúng ta thấy qua những trích dẫn Kinh Thánh ở trên, hầu hết "mạc khải" của Đức Ki-tô nói về việc Người lại đến trong vinh hiển vào giờ tận thế, nhưng cũng có nghĩa là vào lúc này và tại nơi đây hoặc trong quá khứ nữa. Sách Khải Huyền coi Khải Hoàn của Đức Ki-tô như một thực tại đơn thuần, gồm quá khứ, hiện tại và tương lai hòa nhập làm một. Thực sự đó là một khải hoàn vĩnh cửu. Vậy thì tại sao Gio-an lại nói là "sắp" xảy ra?

        Ý tưởng về việc sắp đến này gặp thấy trong phần Tân Ước nằm sau sách Tin Mừng. Trong thư Cô-lô-xê 2:13-15, Phao-lô nói rằng: "Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. Người đã truất phế các quyền lực thần thiêng, đã công khai bêu xấu chúng, đã điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người." Ở đây khải hoàn là sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng trong Ê-phê-xô 6:12, Phao-lô nói: "Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao." Ở đây chưa phải là khải hoàn, nhưng là còn đang chiến đấu. Rồi trong 1 Cô-rin-tô 15:24-26, Phao-lô đặt khải hoàn trong một tương lai vô định, vào thời điểm những người công chính sống lại: "Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha. Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết." Rồi saün đà, Phao-lô lại thêm (câu 27): "Vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô."

        Đức Ki-tô khắc phục

        Có thể nói khải hoàn của Đức Ki-tô như là một quá khứ, bởi vì chỉ cần một lần sống, chết và phục sinh thôi thì Người đã khắc phục cái chết và tội lỗi. Nhưng Người đã thực thi như vậy chỉ là để loài người tiếp nhận và sống ơn cứu rỗi Người ban. Đức Ki-tô đã khắc phục kẻ thù, để không còn quyền lực nào có thể thống trị trên những ai thực sự thuộc về Người. Nhưng con người vẫn có thể sa đi ngã lại vào trong tay quyền lực ấy nếu họ cứ chối từ ân sủng của Đức Ki-tô. Do đó, cuộc sống của Ki-tô hữu trên trần gian này là một cuộc chiến gồm cả chiến thắng lẫn thất bại, còn tương lai là cuộc khải hoàn sau hết của Đức Ki-tô khi cuộc chiến kết thúc.

        Vậy đó chính là những điều Gio-an đã viết xuống. Với ngài, Đức Ki-tô là Đấng chinh phục, Đấng "đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người" (1:5-6); Người là "Thủ lãnh mọi vương đế trần gian" (1:5); "Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời, và Ta đã giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ" (1:18). Nhưng như thánh Phao-lô đã dạy, vì Đức Ki-tô vẫn đang sống trong Giáo Hội Người nên chiến thắng của Người phải được tiếp tục lập lại nơi các chi thể Người. "Ai thắng, Ta sẽ...", đó là điều kiện gặp trong những lời Người hứa với các Hội Thánh (2:8, 2:11, 2:17, 2:26, 3:5, 3:12, 3:21). "Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống" (2:10). Đến khi nào công cuộc của Giáo Hội kết thúc, chiến thắng của Đức Ki-tô mới hoàn tất. Sách Khải Huyền bảo đảm với độc giả rằng cuộc chiến thắng này sẽ hoàn tất và đó là mục đích Gio-an viết sách này.

Lời tiên tri

        Khi mọi sự đã nói hết và đã làm xong thì đấy là tất cả sứ điệp của sách Khải Huyền. Đúng vậy, một số chi tiết về chiến thắng của Giáo Hội tuy tương đối ít nhưng đã được nói đến rồi, ngoài ra không có gì được nói chính xác cả mà là cách tổng quát. Thí dụ, sách không quan tâm tới những thời đại khác nhau của Giáo Hội, hoặc tới những thời kỳ hết sức rõ rệt nào của tương lai. Quá khứ, hiện tại và tương lai thường được pha trộn trong một thị kiến tiên tri, đúng hệt như khi Chúa pha trộn việc tiên báo Giê-ru-sa-lem bị tàn phá với những mô tả về ngày tận thế (Mt 24, Mc 13, Lc 21). Thực ra những sự kiện ấy chỉ là một, hoặc đúng hơn những sự kiện ấy là những khía cạnh khác nhau của cùng một sự việc. Việc tàn phá Giê-ru-sa-lem và Đền thờ đã là hình ảnh báo trước cuộc khải hoàn sau hết của Đức Ki-tô rồi, bởi vì dựa trên sự kiện cũng như trên nguyên tắc, trật tự cũ (tức là Do-thái giáo và Đền thờ) đã lui khỏi sân khấu lịch sử, để cho Giáo Hội được tự do và độc lập trong thế giới. Đức Ki-tô khải hoàn trên thập giá là khởi đầu cho cuộc khắc phục cuối cùng của Người đối với sự chết.

        Hiểu lầm

        Mục đích của Khải Huyền là để dạy những điều nói trên. Sách viết ra không phải để thỏa mãn óc tò mò muốn biết tương lai. Sách viết ra không phải để nói ngược lại những lời Chúa nói về tận thế, "về ngày và giờ không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi" (Mt 24:36), và "anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến" (câu 42). Sách viết ra không phải để cung cấp một bản đồ để hướng dẫn người ta khám phá ra thế cuộc tương lai và số phận các dân các nước từ trước kia cho đến bây giờ. (Thực vậy, người ta đã quá lạm dụng sách Khải Huyền theo cách này qua biết bao thế hệ, và bất cứ khi nào họ cũng tìm thấy những "huyền bí" liên hệ tới cuộc đời họ. Nhưng xem ra lời tiên tri dễ ứng vào quá khứ hơn là chắc chắn về tương lai). Vậy trước hết, sách Khải Huyền không phải được viết ra để làm chúng ta sợ hãi hoặc thất vọng, nhưng là để an ủi và củng cố đức tin chúng ta.

        Chúng ta không lạc quan đến độ nghĩ rằng rất nhiều lời ý nghĩa trong sách Khải Huyền sẽ giúp cho sách khỏi bị sử dụng sai do những người đã lấy sách ấy làm cốt yếu (hoặc đúng hơn, đã hiểu lầm sách ấy là cốt yếu) cho việc giữ đạo và đời sống của họ. Có biết bao linh hồn tò mò đã tốn quá nhiều thì giờ để miệt mài công chuyện "tiên đoán thời cuộc" bằng cách chắp vá những con số hay biểu tượng chính bản thân họ cũng chẳng hiểu là gì, gắn cho nó một ý nghĩa họ muốn, rồi mập mờ lấy kết quả của việc chắp vá ấy mà phao ra đó là "lời Chúa." Sách Khải Huyền đã biến thành cái mỏ vàng cho những kẻ mơ mộng viển vông, ăn không ngồi rồi, tò mò lắm chuyện, những kẻ "chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người," những kẻ vênh vang cho rằng mình sẽ "lên thiên đàng thẳng băng," còn bao nhiêu người khác thì "sa hỏa ngục" hết, bởi cục diện đã như vậy rồi thì buông xuôi chứ đừng vùng vẫy vô ích. Có lẽ cho đến ngày tận thế, sách Khải Huyền cũng vẫn là cuốn sách "cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh, bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy họa diệt vong" (2 Pr 3:16).

        Tại sao có sách Khải Huyền?

        Nhưng nếu như thế, tức là nếu sách Khải Huyền đã dễ bị hiểu sai, hoặc nếu nó thực sự không phải là một cái nhìn chi tiết về lịch sử thế giới, thì tại sao lại được viết cách như vậy? Tại sao lại đầy những hình ảnh và biểu tượng? Tại sao lại không viết nó theo khuôn mẫu sách Tin Mừng hoặc những phần khác của Tân Ước?

        Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta nên biết hai điều sau đây. Thứ nhất là hoàn cảnh của Giáo Hội khi sách Khải Huyền được viết. Thứ hai là tác giả sách thuộc mẫu người như thế nào.

        Trả lời cho câu hỏi thứ nhất gặp thấy trong những thư thánh Phao-lô, các sách Tin Mừng và ngay trong sách Khải Huyền. Bách hại bắt đầu đổ xuống Giáo Hội, đến nỗi Phao-lô phải trấn an các tín hữu của ngài. Thực ra bách hại còn khốc liệt hơn cả những gì bản thân Phao-lô đã phải đương đầu. Không chỉ là việc Ki-tô hữu bị Do-thái kỳ thị, những cấm đoán tại địa phương, hoặc cá nhân khủng bố tại Ê-phê-xô, hoặc đánh đập tại Phi-líp-phê, hoặc cướp bóc tại Giê-ru-sa-lem nữa. Nhưng giờ đây là cả một mãnh lực từ một đế quốc rộng lớn và có tổ chức đang bắt đầu chĩa mũi dùi vào Ki-tô giáo. Qua sách Công vụ Tông Đồ, Lu-ca ngầm cho chúng ta thấy rằng người Rô-ma có vẻ như để Ki-tô hữu được yên, chứ không như thái độ của họ đối với người Do-thái. Rõ ràng không có thù hận gì công khai giữa người Rô-ma và Ki-tô hữu. Việc Phê-lích giam tù Phao-lô bất công là vì ông ta tham nhũng, chứ không phải vì ông ta là người Rô-ma. Phao-lô bị bắt giam vì Phao-lô có thể là một mối lợi cho Phê-lích, chứ không phải vì Phao-lô là Ki-tô hữu. Có lẽ Phê-lích chẳng quan tâm vấn đề Ki-tô giáo là một tôn giáo. Mà thường tình thì phải như vậy. Nhưng giờ đây tất cả hoàn cảnh đã thay đổi rồi.

        Phao-lô bị giam giữ tại Rô-ma giữa năm 61-63 sau công nguyên. Ngài được trả tự do vì thiếu bằng cớ buộc tội, sau đó lại bị giam lỏng do sự buộc tội bởi những người đồng hương. Nhưng theo như các sử gia Rô-ma công nhận, chẳng bao lâu sau khi Phao-lô được trả tự do, thì bạo chúa Nê-rô đã đốt cháy rụi thành Rô-ma, rồi ông ta dùng cộng đồng Ki-tô làm vật tế thần để mình khỏi mang tội. Thế là bách hại bắt đầu. Chính Phao-lô cũng bị lùng bắt và bị xử tử năm 67. Những cảnh tượng rùng rợn đã diễn ra và được các văn sĩ thời ấy ghi chép đầy đủ, thí dụ vị hoàng đế trác táng ăn uống rượu chè say sưa trong một khu vườn đầy Ki-tô hữu bị tẩm dầu thiêu sống làm đuốc, cảnh đám dân chúng man rợ hò hét và thích thú nhìn những Ki-tô hữu khốn khổ bị dã thú vờn vật tại hý trường.

        Nê-rô khủng bố

        Nê-rô bị ám sát năm 68, nhưng những bách hại Giáo Hội mới chỉ bắt đầu. Tiếp theo là triều đại của Ves-pi-a-nô (69-79), Ti-tô (79-81) và sau hết là Đô-mi-xi-ô (81-96). Những hoàng đế này đều tàn ác giống như Nê-rô vậy. Áp lực chống Ki-tô hữu đã tạo thành một tiền lệ dưới thời Nê-rô. Người ta nói những lời gian dối và lăng mạ Ki-tô hữu đến nỗi họ bị gọi là "căm thù của nhân loại." Việc Ki-tô hữu từ chối không chịu tôn vinh hoàng đế là thần trở nên cớ để họ bị khủng bố triền miên cho tới thời suy đồi của đế quốc Rô-ma. Tất cả những bách hại ấy là một kinh nghiệm mới mẻ với Ki-tô hữu, vì ngay cả sách Tin Mừng cũng không hề nói đến những thứ bách hại ấy. Dường như cả thế giới nằm trong bạo quyền đế quốc Rô-ma đều quyết tâm chống đối nhằm tiêu diệt họ, tạo nên một kinh nghiệm vô cùng kinh hãi.

        Vậy trong hoàn cảnh này, Gio-an đã có thị kiến đang khi ngài bị lưu đày dưới thời hoàng đế Đô-mi-xi-ô "tại đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su" (1:9). Sách Khải Huyền là một mạc khải cần thiết để củng cố và làm vững mạnh Giáo Hội thơ ấu ở giữa một thế giới cuồng nộ.

        Nhưng hoàn cảnh mới chỉ giải thích được nửa phần về sách Khải Huyền, còn nửa phần kia phải nhờ hiểu biết về con người của Gio-an.

        Gio-an Tông đồ là người Do-thái. Văn hóa, gia cảnh, học thức và tư tưởng là Do-thái. Điều này rất quan trọng khi giải thích sách Khải Huyền. Lời Chúa được truyền đạt qua Gio-an, một con người mang tâm não được đào tạo do lịch sử, văn chương và truyền thống Do-thái. Lời Chúa không thay đổi con người Gio-an, nhưng đến với chúng ta qua ngài.

        Văn loại Khải Huyền Do-thái

        Nếu Gio-an không phải người Do-thái thì chắc chắn sách Khải Huyền sẽ mang một hình thức khác rồi. Nhưng vì là người Do-thái nên Gio-an đã có cả một nguồn truyền thống cho ông sử dụng để viết lách. Ông thừa hưởng một truyền thống văn chương đã có saün từ lâu đời, đó là văn loại khải huyền Do-thái.

        Người ta nhận thấy rõ điều này: sách Khải Huyền của Gio-an là cuốn cuối cùng thuộc loạt sách khải huyền đã ra đời những năm trước đó trong những hoàn cảnh tương tự và cũng nhắm những mục đích tương tự. Sách Khải Huyền của Gio-an là cuốn sau cùng, là cuốn vĩ đại nhất, nhưng vẫn chỉ là một cuốn trong loạt sách khải huyền.

        Nếu hiểu biết một chút về cả sách Khải Huyền lẫn Cựu Ước, người ta sẽ nhận ra có nhiều biến cố trong Khải Huyền đã lập lại y hệt những gì đã được nói trong các sách Cựu Ước, nhất là Ê-giê-ki-en và Đa-ni-en. Những lời nói, câu văn, hình ảnh, biểu tượng đã được thay đổi cho thích hợp hoặc được sử dụng toàn bộ. Đọc sách Khải Huyền bằng nguyên ngữ và so sánh với sách Cựu Ước bản dịch Hy-lạp mà Gio-an đã sử dụng, người ta càng thấy sách Khải Huyền tùy thuộc vào Cựu Ước. Điều này không phải là ngẫu nhiên đâu.

        Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo

        Văn loại khải huyền Do-thái phát triển là do những hoàn cảnh phối kết với nhau, tựa như những hoàn cảnh xảy ra khi Gio-an viết sách Khải Huyền của ngài. Vào năm 587 trước công nguyên, thất bại cuối cùng đã khiến nước Do-thái vĩnh viễn mất đi độc lập. Dưới quyền cai trị của một người mà dân Do-thái coi là biểu tượng cho tất cả những gì xấu xa nhất của bạo quyền, tức là vua Na-bu-cô-đô-nô-xo, đế quốc Ba-by-lon rộng lớn đã tàn phá Giê-ru-sa-lem và Đền thờ, rồi đưa dân chúng Do-thái về Ba-by-lon. Thế là chẳng bao giờ người ta dám mơ tưởng đến việc dành lại tự do, ngoại trừ một thời vắn vỏi dưới triều Ma-ca-bê hồi thế kỷ 2 trước công nguyên. Mặc dù trong thời gian đế quốc Ba-tư tiêu diệt Ba-by-lon, dân Do-thái được phép trở về cố hương, họ cũng không còn đóng vai chủ nhân nữa nhưng là bầy tôi cho một ông hoàng ngoại lai. Kế tiếp đế quốc Ba-tư là A-lê-xan-đê đại đế của Hy-lạp. Thời gian này người Do-thái không thực sự bị bách hại, nhưng ảnh hưởng tinh tế của đế quốc mới lại tiêu diệt đức tin của họ. A-lê-xan-đê đã thống nhất thế giới trong một ngôn ngữ, một văn hóa, và theo ước vọng của ông ta, trong cả một tôn giáo nữa, tức là một hỗn hợp các thứ tôn giáo của lương dân. Nơi người Do-thái đã có một khuynh hướng mạnh mẽ là muốn hòa nhập và ngụp lặn theo hoàn cảnh mới của thế giới với lối sống hết sức vật chất. Qua sách Ma-ca-bê và các sách Giáo Huấn, nhất là sách Huấn ca và sách Khôn ngoan, chúng ta biết đã có biết bao người Do-thái sa ngã trước cơn cám dỗ theo lối sống ấy. Họ là tổ tiên của những người phái Sa-đu-kê-ô đã chạy theo lối sống ngoại lai và làm tủi hổ dân tộc tính của họ. Còn những người trung thành với đạo giáo và lề luật thì bị cô lập khỏi trào lưu đương thời và phải sống trong những khu vực biệt lập như ổ chuột.

        Ngoại giáo

        Năm 168 trước công nguyên, hoàng đế An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê IV thuộc đế quốc Hy-lạp Si-ri, lúc ấy đang cai trị Si-ri và Pa-lét-tin, đã gần như hoàn tất dự án biến Đền thờ của Thiên Chúa Do-thái thành nơi tế tự ngoại giáo và sẽ đặt tượng thần Zeus thay thế vào đó. Ngay khi bắt đầu triều đại vào năm 175, ông ta đã nhất quyết đi từ gây áp lực tinh thần đối với Do-thái tiến tới việc dùng võ lực. Nghi thức cắt bì và việc giữ ngày sa-bát bị cấm đoán. Nhờ hiệp lực của những người Do-thái không còn sống đức tin, An-ti-ô-khô đã dốc toàn sức mạnh của một quốc gia thế tục để chống lại Do-thái giáo.

        Nhưng An-ti-ô-khô đã không lượng sức mình. Nhìn thấy Đền thờ bị xúc phạm và thượng tế Ô-ni-a III bị sát hại, rồi nhận thức đã bị áp bức đến cùng đường và không còn gì nữa ngoài việc phải nổi dậy, nên cuộc thánh chiến Ma-ca-bê lan rộng khắp miền Pa-lét-tin. Dưới sự lãnh đạo của gia đình Ma-ca-bê, ông Mát-tít-gia và những người con dũng cảm là Giu-đa, Gio-na-than và Si-mon, Do-thái giáo đã cho người ta thấy tiềm lực sinh tồn và chinh phục. Chỉ trong vòng ít năm, Đền thờ được thánh hiến lại cho Thiên Chúa, Giu-đê được tự do và người Do-thái được độc lập, chứng tỏ một sức mạnh khiến những dân tộc lớn cũng phải sợ hãi.

        Dân tộc chia rẽ

        Nhưng mầm mống tham nhũng thối nát đã gieo saün. Chẳng bao lâu sau, con cháu nhà Ma-ca-bê đã sống bê bối và tồi tệ hơn cả hoàng đế ngoại giáo An-ti-ô-khô. Triều đại cuối cùng của nhà Ít-ra-en thực ra đã biến thành ngoại giáo rồi. So với những bất công do ngoại lai ngày xưa, bất công do các vua Do-thái ngày nay còn tệ hơn. Những nhóm Pha-ri-sêu và Sa-đu-kê-ô, những kẻ ban đầu thì khinh miệt, rồi dần dần đi tới ngưỡng mộ tất cả những gì không phải là Do-thái, đã chia rẽ dân chúng, không ngừng gây nên sát phạt, chém giết, thối nát cả xã hội lẫn tôn giáo. Năm 63 trước công nguyên, người Rô-ma đã thôn tính Giu-đê mà không gặp chống đối nào, rồi dân Do-thái phải chịu cảnh thần phục Rô-ma cho tới thời Tân Ước. Phản ứng cuối cùng là cuộc nổi dậy của Do-thái năm 67-70 sau công nguyên, kết thúc với việc Đền thờ bị phá bình địa, và cuộc nổi dậy lần thứ nhì năm 135 khiến cho nước Ít-ra-en không còn nữa và Giê-ru-sa-lem trở thành hoàn toàn ngoại giáo.

        Qua những hỗn độn, bách hại, mất đức tin và muốn tuyệt vọng buông xuôi ấy, những người Do-thái còn lòng tin thì quay về với Sách Thánh để tìm ủi an và hy vọng. Họ đặc biệt nương tựa vào những lời hứa rõ ràng của Chúa là sẽ bảo vệ và cứu thoát dân Người, và trông vào lời hứa ban Đấng Mê-xi-a là vị chinh phục chiến thắng. Thực vậy, người ta có khuynh hướng muốn giải thích những lời hứa của Chúa theo ý nghĩa quá vật chất và thường hiểu Đấng Mê-xi-a là người sẽ phá bỏ ách nô lệ Dân ngoại, cho dù khuynh hướng này lại rất hấp dẫn.

        Cho những người Do-thái mà thôi

        Từ những hoàn cảnh này, xuất hiện những tác phẩm khải huyền của Do-thái. Lấy văn chương khải huyền làm khuôn mẫu, các tác giả Do-thái bắt đầu viết. Tác phẩm của họ mang những hình ảnh và biểu tượng vừa hấp dẫn đối với đầu óc tưởng tượng của đông phương, vừa được sắp đặt thành sách để làm sao chỉ người Do-thái mới hiểu được, còn những người thù nghịch không phải là Do-thái thì không hiểu nổi. Người ta gặp thấy những khuôn mẫu này rất thường trong những tiên đoán của ngôn sứ Ê-giê-ki-en khi ngài bắt đầu sử dụng những cách thức biểu tượng để nói tiên tri về việc đế quốc Ba-by-lon sụp đổ. Theo các học giả Kinh Thánh hiện nay, nhiều đoạn trong I-sai-a cũng được đặt trong thời điểm bị Ba-by-lon đàn áp và được coi là khởi đầu cho văn chương khải huyền. Như vậy văn loại khải huyền đã có căn bản vững chắc trong Cựu Ước. Hơn nữa, một trong những tác phẩm khải huyền vĩ đại nhất từ xưa tới nay là sách ngôn sứ Đa-ni-en thuộc Cựu Ước, sách được viết do nguồn liệu trong những thời gian vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê bách hại Do-thái.

        Những sách khác

        Vì những sách này được viết sau sách Đa-ni-en, nên trong vòng hai thế kỷ trước Chúa Giê-su giáng sinh những tác phẩm ấy tạo thành một loạt sách khải huyền Do-thái. Trong số những tác phẩm này, nhiều khi giống sách Khải Huyền của Gio-an, thí dụ như: Sách Hê-nóc, Khải Huyền của Mô-sê hoặc Sách các Năm thánh, Sấm ngôn Si-bi-loâ, Chứng thư của Mười hai Tổ phụ, Mô-sê được đưa lên trời, Khải Huyền của Ba-rúc, Sách Ét-ra thứ bốn, Khải Huyền của Áp-ram... Có một số trong những tác phẩm này được viết cùng thời khi Gio-an viết sách Khải Huyền trên đảo Pát-mô.

        Những sách khải huyền Do-thái kể trên rất ít ảnh hưởng tới Gio-an. Những sách ấy giống với Khải Huyền của Gio-an ở điểm là nhắm cùng một mục đích và xuất phát từ cùng một nguồn gốc. Tất cả đều là tác phẩm văn chương nở rộ thuộc văn loại khải huyền thời Cựu Ước. Tất cả đều trông đợi vào những lời hứa của Thiên Chúa, vững vàng tiên báo một tương lai rực rỡ và việc kẻ thù của dân Chúa sẽ bị đập tan. Tất cả đều được viết nhằm an ủi và củng cố đức tin. Kể cả đức tin Ki-tô nữa, vì đức tin ấy đã bắt đầu khủng hoảng trước bách hại của Rô-ma, như Gio-an đã nói rõ trong những chương đầu sách Khải Huyền. Tất cả đều mang đặc tính và sử dụng biểu tượng. Đối với Gio-an cũng vậy, vì ngài là người Do-thái có truyền thống Do-thái nên biểu tượng đã trở thành phương thức diễn đạt tư tưởng và là cách để giữ cho kẻ thù không biết được sách muốn nói gì. Chỉ người nào quen thuộc với truyền thống Do-thái về văn loại khải huyền mới hiểu được những ý nghĩa của những từ "Con Vật," "sừng," "biển," và những hình ảnh tương tự như vậy. Ý nghĩa những từ và những hình ảnh ấy đã có saün trong Cựu Ước rồi.

        Điểm khác biệt giữa Gio-an với các sách khải huyền Do-thái khác chính là thực tại hy vọng mà ngài có thể cống hiến độc giả, niềm hy vọng thực sự đã được thể hiện trong công cuộc của Đức Ki-tô rồi. Vậy trong khi Do-thái giáo chỉ có thể hướng về một tương lai bất định, thì Gio-an lại có thể nói về một khải hoàn vinh hiển không chỉ là sắp xảy ra mà là đã thực sự hoàn tất rồi.

        Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ đề cập đến Gio-an đã thấy gì và những sách khải huyền Do-thái khác cũng giống vậy, nghĩa là cũng sử dụng những hình ảnh và biểu tượng như Gio-an sử dụng. Những chương sau đó nói sẽ nói về những gì độc đáo của Gio-an, tức là triều đại vinh hiển của Đức Ki-tô chiến thắng trong Giáo Hội dưới dất cũng như trên trời.


Trở Về Trang Mục Lục Kinh Thánh
Trở Về Trang Nhà