III. BẢY HỘI THÁNH TIỂU Á

        Trong ba chương đầu sách Khải Huyền, chúng ta thấy có lời tựa của Gio-an, một thị kiến mở đầu và những thư gửi cho "bảy hội thánh." Một cách nào đó những thư này chuẩn bị cho toàn bộ sứ điệp của Khải Huyền và thực ra những thư ấy nhắm mục đích như vậy.

        Tại sao lại bảy hội thánh? Như chúng ta đã thấy, số bảy là con số tròn đầy của Do-thái. Có lẽ chúng ta không chút nghi ngờ rằng khi nhắc đến "bảy hội thánh" là Gio-an có ý nói đến Giáo Hội hoàn vũ, và khi bắt đầu sách với những lá thư gửi cho bảy hội thánh là ý ngài muốn những gì được nói trong sách này thì cũng được nói cho toàn thể Giáo Hội, như sách Khải Huyền làm chứng điều ấy.

        Đồng thời, Gio-an đã nêu rõ từng hội thánh một, chứ không phải ngài chỉ gặp đâu nói đấy. Nếu nhìn vào bản đồ Tiểu Á (nay là Thổ-nhĩ-kỳ) và đảo Phát-mô là nơi Gio-an đã sống (1:9), rồi để ý đến vị trí theo thứ tự các hội thánh nhận thư (chương 2-3), chúng ta sẽ hiểu được rõ hơn những gì ngài muốn nói. Như chúng ta thấy, bắt đầu với Ê-phê-xô là thành phố đứng đầu của vùng Á-châu thuộc đế quốc Rô-ma, ngài đã lần lượt một vòng nói đến những thành phố quan trọng trong vùng. Truyền thống kể rằng trong những năm cuối đời, ngài đã qua lại những nơi này. Đó cũng là lẽ tự nhiên việc ngài viết cho những hội thánh ngài quen biết khi ngài muốn viết một cuốn sách gửi cho toàn thể Giáo Hội. Chúng ta cũng sẽ thấy mỗi hội thánh ngài chọn đều có những đặc nét nói lên một đề tài thích hợp, một phần trong sứ điệp ngài muốn gửi đi.

        Gio-an bắt đầu (1:1-3) bằng cách giới thiệu trình bày việc mạc khải cho ngài là do Đức Giê-su Ki-tô về những điều sắp phải xảy tới. Như chúng tôi đã giải thích, phần còn lại của sách Khải Huyền sẽ giúp hiểu những điều ấy một cách đơn giản, tức là hiểu về cuộc khải hoàn của Giáo Hội Chúa Giê-su Ki-tô trước cuộc bách hại. Trong câu 3 người ta gặp thấy lời chúc phúc đầu tiên trong bảy "mối phúc" (những lời khác trong 14:13, 16:15, 19:9, 23:7 và 23:14) rải rác trong suốt cuốn sách. Một lần nữa, như vẫn thường làm, Gio-an nhấn mạnh rằng sắp đến lúc mạc khải được thể hiện.

        Trong 1:4-8, Gio-an gửi lời chào tới "bảy hội thánh", rất giống với cách Phao-lô bắt đầu các thư của ngài. Chúng ta cũng lưu ý là trong số các tác giả sách thánh Tân Ước, Gio-an lệ thuộc vào Phao-lô nhiều nhất - ân sủng và bình an ở cùng anh em là lời chào Phao-lô thường sử dụng, và danh hiệu trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại chỉ về Đức Ki-tô trong câu 5 là trích dẫn từ Cô-lô-xê 1:18. Chú ý trong các câu 4-6, Gio-an nói đến Ba Ngôi Thiên Chúa. Điều này cũng là một điển hình cho thấy ngài đã sử dụng "số bảy" để nói về sự hiệp nhất toàn vẹn. Lời chào phát xuất từ Đấng hiện có, đã có và đang đến, tức là từ Thiên Chúa Cha. Đây là cách Gio-an đã thay đổi danh hiệu của Thiên Chúa trong Xuất Hành 3:14 đi để cho phù hợp với mục đích của Khải Huyền. Rồi lời chào cũng phát xuất từ bảy thần khí hiện diện trước ngai của Người. Ở đây phải hiểu theo 4:5 và 5:6 và rõ ràng là Chúa Thánh Thần ("bảy" là ý mượn từ Is 11:2). Sau hết lời chào phát xuất từ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã làm cho chúng ta thành vương quốc và hàng tư tế, nghĩa là Đấng đã thiết lập một giao ước mới ("vương quốc" và "tư tế" là những từ dùng để chỉ về Ít-ra-en trong Ê-dê-ki-en 19:6 và Thánh Vịnh 114:2).

        "An-pha và Ô-mê-ga"

        Những từ ngữ tiếp theo để diễn tả Đức Ki-tô đã nói lên giáo lý Tân Ước về ơn cứu chuộc Người đem đến. Trong câu 7, có sự phối hợp ám chỉ giữa Mc 13:26 cùng những điều song song với Đn 7:13, và với Dc 12:10tt. Gioan trích lời Thiên Chúa phán: "Ta là An-pha và Ô-mê-ga." Câu nói này có nghĩa Người là khởi đầu và kết thúc. Thiên Chúa, Đấng hiện có, đã cóđang đến - đã hoàn toàn trải dài suốt dòng lịch sử, và mọi sự đều ở trong tay Người, bởi vì Người là Đấng Toàn Năng. Như thế chúng ta có một mở đầu thích hợp cho sứ điệp của Gio-an.

        Tuy nhiên, trước khi thực sự nói với các hội thánh, Gio-an mô tả một thị kiến về Con Người được mạc khải như sau. Chất liệu để mô tả hầu hết lấy từ chương 7 sách Đa-ni-en và chương 1 sách Ê-dê-ki-en. Đọc kỹ những chương này giúp chúng ta có một ý niệm về ý nghĩa của hình ảnh Gio-an sử dụng và biết được ngài đã thay đổi đi cho phù hợp với sứ điệp đặc biệt của mình. Chúng ta cũng có thể nói thêm là Gio-an đã có ý muốn chúng ta hiểu tại sao ngài làm như vậy - hoặc nói đúng hơn, ngài đã viết cho những người từng quen thuộc với những đoạn Cựu Ước ấy và do đó họ biết phải giải thích những lời của ngài như thế nào. Sự kiện này được minh chứng qua việc Gio-an thấy không cần phải giải thích hình ảnh quen thuộc ấy; nhưng trái lại, nếu ngài đưa ra một biểu tượng mới không có trong Cựu Ước thì ngài sẽ giải thích ngay ý nghĩa của nó. Thí dụ bảy ngôi sao và bảy cây đèn vàng được giải thích trong câu 20 vì đó là những biểu tượng của riêng Gio-an sử dụng. Nhưng những biểu tượng khác thì tốt nhất Cựu Ước sẽ giúp giải thích cho chúng ta.

        Gio-an viết cho một hội thánh bị bách hại - Chia sẻ nỗi gian truân kiên trì chịu đựng trong Đức Giê-su (câu 9) là hai lối diễn tả ưng ý nhất của Phao-lô để nói lên việc chịu đau khổ vì Tin Mừng. Còn Gio-an, một nạn nhân trong cuộc bách hại này (truyền thống kể lại rằng ngài đã bị phát lưu đến đảo Phát-mô dưới thời hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô, 81-96 sau công nguyên) đã xuất thần, tức là đã nhận được mạc khải của Thiên Chúa, vào ngày Chúa Nhật, có thể trong lúc cử hành phụng vụ. Ngài đã nhìn thấy có ai giống như Con Người (Đn 7:13) đứng ở giữa bảy cây đèn vàng, tức là giữa các hội thánh, như câu 20 sẽ giải thích. Dĩ nhiên Con Người là chính Đức Ki-tô, Đấng mặc áo chùng của vua chúa và ngang ngực có thắt đai của tư tế (câu 13). Việc Người đứng giữa những cây đèn vàng tượng trưng Người là Chúa của Giáo Hội Người. Người còn được mô tả là tóc trắng như len. Chi tiết này cũng mượn từ Đn 7:9. Tóc trắng tượng trưng cho sự vĩnh cửu; trong Đa-ni-en đó là đặc tính của Đấng Lão thành (Thiên Chúa), nhưng Gio-an lại rút gọn hình ảnh Đa-ni-en sử dụng và áp dụng cho Con Người, Đấng cũng là Thiên Chúa. Phần còn lại của mô tả trong các câu 14-15 cũng mượn từ Đa-ni-en, nhưng từ một thị kiến khác trong 10:5t. Tiếng Người như tiếng nước lũ là trích từ Ed 1:24, 43:2, vv. Bảy ngôi sao trong tay phải của Con Người được giải thích sau này và thanh gươm hai lưỡi trong miệng Người là một biểu tượng dễ hiểu chỉ về lời Chúa.

        Bảy hội thánh

        Như vậy, qua hình ảnh ấy, Gio-an đã loan báo rằng mạc khải ngài nhận được là từ nơi Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là Người, tức là Đấng Mê-xi-a, Đấng Cứu Thế, Đấng là Chúa của lịch sử và của Giáo Hội. Chính điều này đã được xác quyết do những lời của Con Người trong những câu cuối cùng của chương 1 này. Không rõ các thiên thần của bảy hội thánh có phải là biểu tượng nói về các giám mục của những hội thánh sẽ nhận được thư như chúng ta thường nghĩ, hay chỉ có nghĩa là những thiên thần Chúa đã chỉ định phải coi sóc Giáo Hội của Người, về điều này không thể xác định được.

        Nếu đọc thư gửi cho các hội thánh trong hai chương kế tiếp, chúng ta thấy là các thư ấy đều theo một mẫu đã saün. Phần vào đề theo khuôn mẫu "Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh..." Rồi tiếp đến là sứ điệp, chia làm hai phần, phần thứ nhất là khen ngợi và phần thứ hai là khuyến cáo. Cuối cùng kết luận cũng chia làm hai phần, (a) "Ai có tai..."; và (b) "Ai thắng..." Cũng nên lưu ý cách thức đặc biệt của Gio-an là trong ba thư đầu, mẫu (a) đi trước (b), nhưng trong bốn thư sau, mẫu (b) đi trước mẫu (a). Điều này như chúng tôi đã trình bày trong bài trước, cách thức của văn loại khải huyền là chia số bảy thành những nhóm bốn và ba. Thường thì Gio-an theo cách chia bốn-ba hơn là ba-bốn như ở đây. Thí dụ, trong chương 6, bốn trong bảy ấn được mở trước và ba ấn còn lại được mở sau. Cũng vậy, trong chương 8, bốn trong bảy kèn được thổi lên trước, còn ba kèn kia được thổi lên sau.

        Nếu xếp các thư gửi cho bảy hội thánh thành một nhóm, trước hết chúng ta sẽ hiểu Gio-an muốn nói gì. Rõ ràng trong các thư ấy, có những điều chi tiết liên quan riêng đến hội thánh mà thư được gửi cho, và do đó những điều ấy cũng là lý do tại sao hội thánh ấy được chọn lựa. Gio-an có những điều muốn khen ngợi và khuyến cáo các Ki-tô hữu trong thời ngài. Đồng thời, kết luận trong mỗi trường hợp cũng là điều ngài muốn gửi tới toàn thể Giáo Hội - "Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh." Cũng vậy, lời hứa cho "ai thắng" được nói với toàn thể Ki-tô hữu, bởi vì ai chiến thắng được những thử thách do bách hại và cám dỗ, thì phần thưởng của họ sẽ là sự sống đời đời. Vậy bảy hội thánh qua tính cách biểu tượng của mình đã tượng trưng cho toàn thể Giáo Hội, mặc dù mỗi hội thánh đều nhận một thư riêng biệt.

        Thanh gươm hai lưỡi

        Một tiêu chuẩn nữa chúng ta gặp ở những công thức trong các thư ấy, đó là hầu như trong mỗi thư, danh hiệu của Chúa Ki-tô lại là một trong số những chi tiết của thị kiến mở đầu. Như vậy, Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu... (2:1), Đầu và Cuối... (c. 8), Đấng mang thanh gươm hai lưỡi sắc bén (c. 12), Đấng có mắt như ngọn lửa hồng... (c. 18), và tiếp tục như vậy. Chỉ có một ngoại trừ là trong 3:7, thư gửi hội thánh Phi-la-đen-phi-a nói đến Đấng Chân Thật (một từ sách Tin Mừng Gio-an thường sử dụng để chỉ về "Thiên Chúa"), Đấng giữ chìa khóa vua Đa-vít... là một hình ảnh lấy từ I-sai-a 22:22 và được chọn lựa vì nội dung đặc biệt của thư gửi hội thánh Phi-la-đen-phi-a, về cánh cửa mở ra (một đặc ngữ của Phao-lô). Trong 3:14, thư gửi hội thánh Lao-đi-ki-a, danh hiệu một phần lấy trong thị kiến mở đầu, tức là Chứng nhân trung thành và chân thật, phần khác lấy từ Châm Ngôn 8:22, tức là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng.

        Hội thánh tại Ê-phê-xô (2:1-7) gần như hoàn toàn được ca ngợi. Ê-phê-xô đã đứng vững trong bách hại và đã sinh rất nhiều hoa trái việc lành như chúng ta có thể thấy qua sự ngưỡng mộ của thánh Phao-lô đối với hội thánh này. Họ đã theo lệnh của ngài, từ chối những thầy dạy giả trá và không ngại mệt mỏi phụng sự Chúa. Chỉ có lòng mến của họ là hơi nguội lạnh. Do đó, nguy cơ là Ê-phê-xô có thể đánh mất địa vị ưu tú giữa các hội thánh của Chúa. Tuy vậy, nguy cơ này xem ra vẫn còn xa, bởi vì Ê-phê-xô đã tẩy chay lạc thuyết của bè Ni-cô-la là lạc thuyết đã được nhắc tới ở câu 15 liên hệ tới hội thánh Pe-ga-mô, và cũng có thể ở câu 24 ("các bí mật thâm sâu của Sa-tan") liên hệ tới hội thánh Thy-a-ti-ra. Chúng ta không rõ lạc thuyết của bè Ni-cô-la là gì, nhưng có lẽ đó là một trong những nhóm rất phát triển tại Tiểu Á. Bè này chính thánh Phao-lô đã phải mãnh liệt chống lại trong thư ngài gửi cho tín hữu Cô-lô-xê sống gần đó và cũng chính là bè mà thánh Gio-an đã chống lại qua sách Tin Mừng của ngài. Vậy bè lạc giáo ấy thường được gọi là ngộ đạo thuyết, chủ trương có một thứ "khôn ngoan" ở cấp độ cao hơn và được sắp đặt để đối nghịch lại Tin Mừng. (Gnosticism: Chủ nghĩa tri thức, phái linh trí [là phong trào triết học khoảng trước hay sau kỷ nguyên, hỗn hợp nhiều thuyết tôn giáo, nhiều luồng tư tưởng, chủ trương vũ trụ nhị nguyên luận, trong đó việc giải thoát do thần linh mà đến, và hướng đi cuối cùng của vạn vật là chế ngự "vật chất" để trở về với "tinh thần"]. Christian Gnosticism: Chủ nghĩa tri thức Ki-tô giáo, phái linh trí Ki-tô giáo, thuyết dị đoan huyễn thức [bè dị đoan của phái linh trí phát sinh khi hấp thụ giáo lý Ki-tô giáo. Họ chủ trương thân thể Đức Ki-tô chỉ có bề ngoài mà không có thực, thân thể ấy không thể phục sinh, chỉ linh hồn mới bay thẳng lên thiên đàng]. Trích: Tự điển Thần học Tín lý Anh-Việt, nhóm Phiên dịch Tu sĩ Việt Nam tại Đài Loan thực hiện, Đài Loan 1996, trang 96-97. Người dịch trích dẫn, mong giúp độc giả dễ hiểu hơn).

        "Cây sự sống"

        Như chúng tôi đã nói trước đây, ở cuối thư gửi hội thánh Ê-phê-xô là một lời hứa và cũng là lời hứa nói với toàn thể Ki-tô hữu. Ki-tô hữu nào chiến thắng sẽ được ăn trái cây sự sống trồng nơi ngự uyển của Thiên Chúa. Hình ảnh ám chỉ Sáng Thế chương 2-3, về câu truyện con người được tạo dựng và sa ngã. Phần thưởng dành cho Ki-tô hữu sống tốt đó là số phận vĩnh cửu mà con người đã đánh mất khi bắt đầu có muôn loài muôn vật. Lời hứa này được lập lại, với cách dùng chữ khác nhau và đặt ở cuối mỗi thư. Trong câu 11, lời hứa ấy là ai thắng sẽ không hề bị cái chết thứ hai làm hại. Theo văn chương Do-thái thời ấy, chúng ta biết điều này có nghĩa là "bị án phạt." Vậy cái chết của thân xác, tức cái chết thể lý, là "cái chết thứ nhất" và không ai thoát được cái chết này. Còn cái chết của linh hồn, tức là án phạt mà bất cứ ai sinh ra cũng đều phải chịu, đó là "cái chết thứ hai" và người ta vẫn có thể tránh được nó. Đức Ki-tô đã dùng hình ảnh những cái chết này trong Mát-thêu 10:28. Trong 2:17, Ki-tô hữu chiến thắng được hứa ban man-na được dấu kỹmột viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới, chẳng ai biết được tên ấy, ngoài người lãnh nhận. Bình thường người Do-thái nói về man-na trong Cựu Ước như là thức ăn dành cho những ai được Đấng Mê-xi-a tuyển chọn khi Người đến. Như vậy, cho đến thời gian ấy nó vẫn còn là "được dấu kỹ", được dành riêng. Trong chương 6 sách Tin Mừng Gio-an, man-na được coi là biểu tượng của Thánh Thể đem đến sự sống đời đời. "Tên mới" chẳng ai biết được trừ người lãnh nhận, đó là một chủ đề được lập lại nhiều lần trong 3:12, 19:12, cũng như trong Ga 10:3tt và là một ám chỉ của Is 62:2 nói về vinh quang Ít-ra-en được tái lập: "Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho." Cho nên tên mới cũng chỉ về sự sống vĩnh cửu. Còn tại sao lại nói "một viên sỏi trắng" thì người ta giải thích khác nhau. Những người thuộc giáo phái ngoại đạo và chống lại Ki-tô giáo coi những viên sỏi như huy hiệu nói lên căn tính của mình. Mầu trắng trong văn chương khải huyền luôn là dấu chỉ chiến thắng và đặc biệt liên hệ với sự sống trên trời; đây là một biểu tượng về thời gian, vì người Rô-ma khi chiến thắng thì thường mặc áo dài trắng và khi nói đến một ngày thành công thì thường nói "đó là ngày được đánh dấu bằng một viên sỏi trắng."

        Trong 2:26-28, phần thưởng được hứa ban cho người chiến thắng phải hiểu theo ngôn ngữ của Thánh Vịnh 2, tức là Thánh Vịnh về khải hoàn của Đấng Mê-xi-a. Đây cũng chính là khải hoàn Đức Ki-tô đã lãnh nhận từ Chúa Cha (câu 28), hợp với lời hứa được lập đi lập lại trong sách Tin Mừng Gio-an. Phần thưởng ấy cũng liên hệ với Sao Mai, một ám chỉ trong Is 14:12 và những đoạn sử dụng hình ảnh này để diễn tả những gì được tôn vinh và vĩ đại, có lẽ cũng ám chỉ chính Đức Ki-tô là ánh sáng trần gian như thường thấy trong tin Mừng Gio-an. Trong 3:5, lời hứa gồm có ban áo trắng, tức sự sống thiên quốc, và Sổ Trường Sinh, tức sự sống vĩnh cửu theo tư tưởng Do-thái cổ xưa, như trong Xh 32:32 và trong thư thánh Phao-lô. Rồi Đức Ki-tô "sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta và trước mặt các thiên thần của Người" tựa như Chúa đã hứa trong Mt 10:32. Trong 3:12, Ki-tô hữu chiến thắng sẽ là cột trụ (một kiểu nói của Phao-lô như trong Gl 2:9) trong Đền Thờ Thiên Chúa, tức Giê-ru-sa-lem trên trời, chủ đề của phần cuối cùng sách Khải Huyền. Ở phần cuối này lại nhắc đến tên mới một lần nữa, tức là tên đã được Đức Ki-tô tỏ ra cho các môn đệ Người và sẽ không bị lấy đi khỏi họ, như trong Ga 17:26. "Tên" trong tư tưởng Sê-mít có nghĩa là chính con người mang tên ấy. Trong sách Tin Mừng Gio-an, "ở lại trong danh Đức Giê-su" có nghĩa là "sống trong Đức Giê-su", tức là chia sẻ chính sự sống của Người. Sau hết, 3:21 nói rằng Ki-tô hữu chiến thắng sẽ được ngồi bên Đức Ki-tô trên ngai của Người.

        Vậy qua tất cả những khẳng định với các hội thánh địa phương, người ta thấy có một sứ điệp chung gửi cho toàn thể Ki-tô hữu. Tình trạng hội thánh Miếc-na (2:8-11) khá hơn tình trạng hội thánh Ê-phê-xô, bởi mọi sự nói về hội thánh ấy đều tốt cả. Hội thánh ấy chịu nỗi gian truân, bách hại và cảnh nghèo khó vật chất, nhưng lại giầu có về mặt thiêng liêng (tư tưởng này cũng gặp trong Lc 12:21). Dường như hội thánh Miếc-na có đông tín hữu gốc Do-thái và họ chịu bách hại là do những đồng hương Do-thái không muốn tiếp nhận Ki-tô giáo. Thánh Gio-an nói rằng những kiều bào Do-thái bách hại anh em mình không phải là Do-thái đích thực, vì Ít-ra-en đích thực chính là Giáo Hội. Điều này trung thực với tư tưởng Phao-lô trong Rm 2:28 và 1 Cr 10:18. Gio-an nói: họ phải chịu bách hại lớn lao, nhưng nếu họ trung thành thì sẽ được ban triều thiên sự sống (có lẽ trích dẫn Gia-cô-bê 1:12). Cuộc bách hại sẽ kéo dài trong vòng mười ngày. Trong văn chương khải huyền, số "mười" là con số vô hạn định, và "ngày" đối nghịch với "năm" tức là thời gian ngắn chứ không phải thời gian dài.

        Hội thánh Pe-ga-mô (2:12-17) được ca ngợi, nhưng cũng bị kết án. Pe-ga-mô là nơi đặt ngai của Xa-tan; có lẽ ở đây muốn nhắc đến sự kiện Pe-ga-mô là một trong những trung tâm chính thờ Hoàng đế, tức là nơi vua Xê-sa-rê được sùng bái như một vị thần. Tại Pê-ga-mô, Ki-tô hữu đã mau mắn giữ vững đức tin dưới cơn bách hại và phải chịu tử đạo nữa. Đặc biệt một vị tử đạo đã được nhắc đến là An-ti-pa, nhưng không ai rõ lai lịch. Tuy nhiên một số Ki-tô hữu Pe-ga-mô lại chạy theo đám sùng bái ấy, chẳng khác gì những người Do-thái ngày xưa đã nghe lời rủ rê thờ phượng thần ngoại trên đồng bằng Mô-áp (Ds 24:3; 25:2). Họ đã bị lây nhiễm bè lạc giáo Ni-cô-la và nếu họ không hối cải thì sẽ bị kết án đau khổ do lưỡi gươm từ miệng Ta.

        Đạo lý giả dối

        Hội thánh Thy-a-ti-ra (2:18-29) cũng có những lý do để được ca ngợi và bị trách mắng. Nói chung tín hữu đã trung thành trong những việc lành, nhưng một số người đã để cho một người đàn bà xưng mình là nữ ngôn sứ mê hoặc. Thánh Gio-an gọi mụ đàn bà này là Giê-da-ben, tên bà vợ tồi bại của vua A-kháp nước Ít-ra-en. Họ đã bị dụ dỗ làm chuyện gian dâm, tức thờ ngẫu tượng như Cựu Ước thường hiểu như vậy. Chúng ta hiểu đó là việc thờ ngẫu tượng, vì căn cứ vào điều được nói đến tiếp theo là họ đã bị lôi cuốn ăn đồ cúng. Về việc ăn đồ cúng, thánh Phao-lô đã cảnh cáo trong thư 1 Cr 8:10; 10:14tt). Thánh Gio-an nói: "Giê-da-ben" này sẽ bị cơn bệnh nan y ("Ta bắt nó phải liệt giường") và những kẻ theo nó cũng sẽ bị diệt vong, vì Đức Ki-tô sẽ tùy theo việc các ngươi làm mà thưởng phạt mỗi người (c. 23). Đạo lý giả dối này cũng được giải thích là những gì mà "chúng gọi là các bí mật thâm sâu của Xa-tan" (c. 24). Có thể những kẻ theo gọi đạo lý ấy là "những điều thâm sâu", trong khi Ki-tô hữu đích thực thì gọi đạo lý ấy là "đạo lý của Xa-tan." Điều thâm sâu của đạo lý này giống như một thứ tri thức "cao hơn" do phái linh trí Ki-tô giáo chủ trương. Hầu hết Ki-tô hữu tại Thy-a-ti-ra đã không ngã vào lạc thuyết này.

        Hội thánh Xác-đê (3:1-6) bị kết án nặng nề nhất. Đó là một hội thánh chết hoàn toàn về mặt thiêng liêng; ngay cả những kẻ còn trung thành cũng sắp chết; họ chẳng có việc lành nào để tỏ ra hết. Do đó họ liều mình bị Đức Ki-tô xét xử. Người sẽ đến như kẻ trộm, bất chợt vào ban đêm (1 Tx 5:2). Chỉ có ít người thuộc Xác-đê sẽ được mặc áo trắng, đi cùng Đức Ki-tô, nghĩa là được chia sẻ cuộc Khải hoàn của Người mà thôi.

        Một tương lai rực rỡ

        Hội thánh Phi-la-đen-phi-a (3:7-13) là hội thánh duy nhất được nói tốt. Trong gian nan, rõ ràng là chịu bách hại bởi người Do-thái, họ vẫn trung kiên giữ vững đức tin. Do đó Chúa đã để một cửa mở trước mặt, thành ngữ được sử dụng trong Cl 4:6 và có nghĩa là một điều lớn lao chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Ở đây người ta thấy có hai điều được hứa ban cho hội thánh Phi-la-đen-phi-a: thứ nhất, các kẻ bách hại sẽ bị nhục nhã; thứ hai, hội thánh này sẽ được giữ gìn khỏi những khốn khó đang xảy đến trên toàn cõi đất.

        Thư gửi hội thánh Lao-đi-ki-a (3:14-22) có lẽ thời danh nhất, vì những dòng chữ trong các câu 15-16. Lao-đi-ki-a bị kết án, mặc dù trường hợp của hội thánh này không phải là tuyệt vọng. Hiển nhiên thánh Gio-an đã sử dụng hình ảnh những suối nước nóng nổi tiếng của Lao-đi-ki-a. Sách Khải Huyền nói: tín hữu Lao-đi-ki-a không nóng cũng chẳng lạnh, không trung thành nhưng cũng chưa mất đức tin. Cho nên họ phải quyết định dứt khoát làm môn đệ Chúa Ki-tô và giữ tất cả những đòi hỏi của việc làm môn đệ, hoặc không còn giả vờ mang danh Ki-tô hữu nữa. Trong các câu 17-18, màu sắc địa phương được sử dụng để nói lên ngôn ngữ đặc thù của sứ điệp gửi hội thánh Lao-đi-ki-a. Thành phố nổi tiếng về thương mại - điều này có lẽ ảnh hưởng tới tình trạng hâm hẩm nửa nóng nửa lạnh của tín hữu Lao-đi-ki-a. Chúa truyền lệnh hãy mua vàng đã thử lửa, có nghĩa là vàng ròng, vàng của sự giàu có thiêng liêng chứ không phải giàu có thế gian; chỉ như thế họ mới được mặc áo trắng. Người còn bảo họ phải đến với Người mà mua thuốc xức mắt. Tại Lao-đi-ki-a có trường y khoa thời danh. Tuy nhiên, thứ thuốc xức mắt tín hữu Lao-đi-ki-a cần là thứ thuốc thiêng liêng để giúp họ nhìn thấy được thực tại thiêng liêng. Trong gian truân, họ phải nhận ra được những nỗ lực Chúa muốn cải hóa họ, tuy Người không nói rằng những nỗ lực ấy đều là uổng công.

        Cựu Ước

        Sau khi rảo qua ba chương đầu của sách Khải Huyền, chúng ta đã thực sự có được một hình ảnh về toàn thể câu truyện sẽ được tỏ lộ trong những chương tiếp theo. Qua những hình ảnh khác biệt, những gì là căn bản nói về cùng một sứ điệp thì sẽ được mạc khải, không phải một lần mà là nhiều lần. Trong ba chương đầu tiên, chúng ta đã thấy các phần khác nhau được liên kết lại bằng những ám chỉ về những gì đã xảy ra trong quá khứ và những gì sẽ tiếp đến. Như vậy, qua tất cả cuốn sách chúng ta nhận ra đó là cách viết của người Sê-mít nói chung. Chúng ta có thể lấy một thí dụ cụ thể nhất trong sách Khải Huyền, là những gì thánh Gio-an muốn diễn tả khi ngài nói về Thiên Chúa là Đấng hiện có, đã có và đang đến. Ngài gắn bó với truyền thống quá khứ Cựu Ước, nhắc đến những biến cố đương thời, tiên báo về tương lai sắp đến, tất cả quyện chặt lấy nhau để tạo thành văn thể sách Khải Huyền. Một sứ điệp đã được gửi đến các Ki-tô hữu thời Gio-an, đặc biệt là các tín hữu thuộc bảy hội thánh Tiểu Á, nhưng trước hết đó là sứ điệp vượt thời gian gửi đến toàn thể Giáo Hội qua mọi thời đại mà bảy hội thánh kia chỉ là tượng trưng cho Giáo Hội mà thôi.

        Trong hai bài tới, tuy ngắn gọn hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục quảng diễn những chủ đề này qua những chương kế tiếp của sách Khải Huyền.

 


Mục Lục Kinh Thánh | Trở Về Trang Nhà
Trở Về Trang Nhà