SỰ CHIA RẼ VƯƠNG QUỐC

CÁC TIÊN TRI THỜI KỲ LƯU ÐÀY

***

SỰ CHIA RẼ VƯƠNG QUỐC

 

SALÔMON (Ðọc 3V, 1 - 11).

 

Salômon con trai của Bat-shêba, được chọn làm vua thể theo quyết định trên giường lâm chung của Ðavít ; người anh của Salômon là Ađônyah thì không được chỉ định, Salômon tiếp tục công việc Ðavít đã bỏ dỡ. Triều đại ông đã nổi tiếng lẫy lừng về sự vinh quang phú quí . Có biệt tài về những đường lối thế tục, ông đã bước vào thị trường thương mại quốc tế và đem lại sự phồn vinh cho Yêrusalem. Hàng trăm chiếc xe trận đã tậu được với hàng ngàn con ngựa. Di tích những chuồng ngựa đã được tìm thấy tại thành Mêgiđô trong cuộc khai quật tối tân, chứng tỏ rằng điều mô tả trong 3V. 10, 26 không phải là những lời có tính cách yêu nước quá đáng.

"Salômon tậu dàn xe cộ và ngựa : Ông có một ngàn bốn trăm cỗ xe và mười hai ngàn con ngựa ; ông dồn chứa trong các thành để xe và gần bên vua ở Yêrusalem". Lương thực chi dụng trong nhà của ông là "Ba mươi gánh bột tinh lúa miến và sáu mươi gánh bột mỳ, mười bò béo nẫy và hai mươi bò chăn ngoài đồng, một trăm dê cừu không kể hươu nai, hoẳng, cu cu nuôi béo" (3V. 4, 22 - 23).

Chúng ta đọc thấy rằng nữ hoàng Saba đã phải kinh ngạc khi trông thấy "sự thịnh soạn nơi bàn ông, chổ ở của triều thần, hàng ngũ quân hầu và y phục của họ, các quan chước tửu của ông, cùng những lễ thượng hiến mà dâng tiến nơi nhà Yavê". Sự giàu sang phú quý của ông tiêu biểu cho các triều đình thời xưa, và trái ngược hẳn với sự đơn giản của thủ đô vua Saul ; đó là chưa nói gì đến sự nghèo đói cùng cực mà Môsê và dân chúng phải trải qua nhiều năm trong sa mạc, trong thời kỳ xuất hành. Sự phồn vinh này che đậy một câu chuyện đáng thương tâm về những sưu cao thuế nặng mà người bình dân trong mỗi thị tộc phải gánh chịu, câu chuyện ngàn đời về người giàu trở nên giàu hơn và người nghèo lại càng nghèo mạt là một thực tế hàng ngày trong suốt đời vị vua quá xa hoa này.

 

Mặc dầu quá say mê sự phù phiếm thế trần, vua Salômon cũng góp phần vào lịch sử cứu độ và vào sự phát triển tôn giáo Môsê, trong đó ơn cứu độ được tiềm tàng. Trong khoảng thời gian bảy năm (khoảng 960 - 953 trước TCGS) ông dồn sức lực vào việc xây cất một đền thờ cho Thiên Chúa, trên sân đập lúa của Araunah mà Ðavít, cha của ông, đã mua trước kia . Vật liệu hảo hạng nhất đã tìm được gỗ bá hương cao vút của xứ Liban phía bắc. Vua xứ này tên là Khiram, đã gửi những người thợ tài khéo nhất của ông đến để giúp xây cất. Ðền thờ rất đơn giản về hình thể : Nó hình chữ nhật, không có gì là to lớn đối với tiêu chuẩn thời nay, độ 60 xích chiều dài, 20 xích chiều rộng. Ðược chia làm ba phần chính : một tiền đình, một chính điện và một hậu tẩm, nơi Cực Thánh. Khám Giao Ước được đặt vào giữa cảnh thâm u của hậu tẩm. Khi được đặt vào Hậu Tẩm và khi đám mây chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa đã bao phủ trên nó, thì Khám Giao Ước trở thành một vật cao quý nhất trong nơi thánh thiện nhất trên thế giới. Chỉ một mình vị thượng tế mới được phép vào chốn thâm cung của nó, mỗi năm chỉ được một lần mà thôi, vào dịp lễ xá tội được cử hành cách trọng thể.

 

Nghi lễ thờ phụng chung quanh Khám đã có dưới thời Ðavít trước kia, được cải thiện cho hoàn hảo hơn. Thánh Kinh nói : "Các Lêvít ca sĩ, tất cả nhóm Asaph, Hêma, Giơđutun, các con cái và anh em họ đều mặc lụa là đứng sẵn với chũm chọe, đàn sắt, đàn cầm, ở phía đông tế đàn, và bên cạnh họ là 120 tư tế thổi loa. Vậy khi tất cả như một, họ thổi loa ca hát, đồng thanh cất tiếng ngợi khen cảm tạ Yavê, và trổ tiếng loa, chũm chọe và nhạc khí mà ngợi khen Yavê (2Ks. 5, 12 - 13).

 

Những nghi thức bên ngoài của tôn giáo Môsê cứ như thế mà phát triển. Những nghi thức đó cũng có thể trở thành kiểu cách bên ngoài mà thôi (đó là mối nguy hiểm mà mọi tôn giáo đều gặp), nhưng nó chứng tỏ lòng ước ao của vua cũng như của dân chúng muốn dâng lên Thiên Chúa cái đẹp của ca nhạc và nghi lễ. Tính cách thiêng liêng của Salômon, vị vua thuộc dòng Ðavít và là con của Thiên Chúa, được nổi bật qua đoạn văn mô tả sự dâng hiến đến thánh như sau :

 

"Khi Salômon đã nguyện xong với Yavê tất cả lời khấn nguyện van xin ấy, thì ông đứng dậy trước khỏi tế đàn Yavê, nơi ông quì gối và giương tay lên trời, đoạn ông đứng mà chúc lành lớn tiếng cho toàn thể đoàn hội Israel .

 

Ngày ấy vua đã tác thành khoảng giữa tiền đình trước nhà Yavê, ở đó ông đã thượng hiến đồ cúng, và dàn mở lễ tế kỳ an." (3V. 8, 54 - 55, 64).

 

Trong khung cảnh đó, Salômon hành động như là một tư tế hơn là một vị vua. Nói cho đúng hơn, ông đã hành động như một vị vua có tính cách tư tế, đang ở một địa vị đặc biệt giữa Thiên Chúa và loài người, địa vị đó đã được ban cho các vua dòng dõi Ðavít qua lời tiên tri Nathan. Trong mỗi tường hợp như thế, chắc là dân chúng đã tự hỏi : Phải chăng chính Salômon là vị vua, con của Thiên Chúa, là kẻ đã được hứa ban cho một vương quốc vừa vĩnh cửu vừa phổ bác.

 

Salômon cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của tôn giáo Môsê do những lời khôn ngoan ông đã nói và đã viết. Truyền thống Thánh Kinh nhấn mạnh nhiều về sự khôn ngoan sâu xa của ông, và những câu cách ngôn ông đã phát biểu.

 

"Ông khôn ngoan hôn tất cả mọi người trong thiên hạ. Hơn Etan, Egrakhi và Hêman, hơn Kalrol và Ðarđa con của Makhôl. Tên ông vang đến tất cả các dân chung quanh. Ông cũng đã truyền 3000 cách ngôn, và thi cả của ông tính đến 1005 bài (3V. 4, 31 - 32). Theo Linh mục Thế Thuấn thì (1V. 5, 11 - 12).

 

Nhiều câu cách ngôn của Salômon chắc chắn là đã được truyền lại xuyên qua nhiều thế kỷ tiếp, và đã tới tay chúng ta dưới hình thức "Sách Cách Ngôn" và những Thánh Vịnh.

 

Tuy vậy, vị vua con của Thiên Chúa, con người khôn ngoan và hòa bình này, đã kết liễu bằng một tôn giáo bi thảm, bị xấu hổ thẹn thùng vì tính say mê sắc dục vô độ của ông. Các bà vợ và hầu thiếp của ông đếm được hàng chục, hàng trăm, nhiều bà thuộc ngoại giáo, và họ mang theo sự tôn thờ những vị thần tà giáo của họ. Việc Salômon chấp nhận cách thụ động những thể thức ấy chính là đầu mối sự tội của ông. Và cuoối cùng ông đã thực sự tham gia vào việc cúng bái các tà thần đó.

 

"Vua Salômon yêu nhiều gái ngoại bang, công chúa của Pharaô, các con cái Moab, Ammon, Eđom và Hít-tít . Salômon trắn tríu yêu thương chúng nó. Ông có 700 thê thất và 300 hầu thiếp, và chúng đã làm xiêu lạc lòng ông. Khi Salômon đã già, thì các vợ ông làm xiêu lòng ông theo các thần khác. Lòng ông không còn đơn thành với Yavê Thiên Chúa của ông như lòng của Ðavít cha ông. Salômon đã đi theo Astoret của dân Siđôn, Milkom, đồ tởm của dân Ammon. Bấy giờ Salômon đã xây cao đàn cho Kamosh, đồ tởm của Moab, trên núi phía đông Yêrusalem. Ông cũng làm như thế cho tất cả các vợ ngoại bang, những người muốn huân yên tế lễ cho các thần của họ (3V. 11, 1 - 8).

 

Thiên Chúa không làm ngơ trước thái độ khinh thường này của vị vua, con của Ngài, và hình phạt chẳng bao lâu đã xuất hiện. Vương quốc hùng cường và phồn thịnh của Salômon chỉ tồn tại ít lâu sau khi ông chết :

 

"Bởi đã nên thế ấy nơi ngươi, và ngươi đã không giữ Giao Ước của Ta và các luật điều Ta đã truyền dạy ngươi, Ta sẽ giựt lấy vương quyền của ngươi . Song Ta sẽ không làm thế vào ngày đời ngươi, nhân vì Ðavít cha ngươi, nhưng Ta sẽ xé nát khỏi tay con ngươi. Có điều là Ta sẽ không xé nát tất cả nước, Ta sẽ ban cho con ngươi một chi tộc vì Ðavít tôi tớ của Ta, và chỉ Yêrusalem Ta đã chọn" (3V. 11, 11 - 13).

 

Thế rồi Salômon chết, khi đã già và hư hỏng, vương quốc phồn thịnh và tội lỗi của ông gần như bị tiêu tan.

 

SỰ LY KHAI (Ðọc 3V. 12, 1 - 33).

 

Sự thống nhất vương quốc của Salômôn bị tiêu tan ít lâu sau khi ông chết, vào khoảng 932 trước TCGS, người kế vị là Roboam con ông, hãy còn trẻ tuổi và rất ít sự khôn ngoan lẫy lừng của vua cha. Chính tại thành Sikem ở phía bắc, đã được cung hiến để tưởng nhớ các vị tổ phụ, là nơi bùng nổ vấn đề về tài chính, một vấn đề vốn đã âm ỉ từ thời Salômon hãy còn sống. Ðó là vấn đề liên quan đến sưu dịch mà Salômon bắt mỗi chi tộc phải đóng góp để có đủ tài chính và công nhân đáp ứng cho các chương trình xây cất vĩ đại của ông.

 

Khi Rôbôam lên ngôi, người ta hy vọng rất nhiều ở một chính sách dịu dàng hơn và nhất là được giảm bớt sưu thuế. Bên cạnh lòng ước muốn cải cách ấy còn một dòng thác sâu xa hơn, đó là sự ganh tỵ cổ truyền giữa miền nam và miền bắc. Mối ganh tỵ này đã nằm yên dưới triều đại của Ðavít, và đã bắt đầu khuấy động lại dưới thời Salômon, bây giờ trở thành hiển nhiên khi Rôbôam đến Sikem để dự nghi lễ tấn phong. Có người cho rằng những sắc thuế nặng nề của Salômon không đánh trên chi tộc Yuđa ở miền nam. Nếu đúng như thế, thì những chi tộc ở miền bắc đã phải chịu tất cả cái gánh tài chánh nặng nề cho những chương trình của Salômon. Vậy những chi tộc miền bắc yêu cầu vị vua trẻ tuổi Rôbôam giảm bớt sưu thuế. Rôbôam không phải là một con người khôn lanh về chính trị, và ông đã tỏ ra dửng dưng trước những yêu cầu của thời đại và nộ khí của dân chúng, thay vì giảm bớt sưu thuế, ông tuyên bố sẽ tăng thêm. Và ông đã tăng sưu thuế. Dưới sự lãnh đạo của Yêrôbôam, một người đã từng phục dịch vua Salômon, thuộc chi tộc Ephraim (dĩ nhiên là người miền bắc), toàn thể miền bắc nổi dậy chống miền nam và đòi ly khai. Những chi tộc miền bắc đã phá vỡ sự thống nhất với những tiếng la ó :

 

"Nào ta có phần nào với Ðavít ?

Không khoản nào với Ysai !

Israel hỡi ! Hãy lui về lều !

Hãy liệu lấy nhà ngươi, hỡi Ðavít !

 

Rôbôam chỉ còn làm vua trên một phần vương quốc của cha ông và của ông nội ông, chỉ kiểm soát được chi tộc Yuđa và một số phần tử thuộc các chi tộc Benjamin và Simêon. Công trình chính trị của Saul, Ðavít và Salômon đã bị đổ nát, và dân Israel sẽ không bao giờ còn được biết một vương quốc thống nhất gồm cả mười hai chi tộc như dưới triều đại ba vị vua đầu tiên của bọ.

 

Một torng những hành động đầu tiên, một hành động nguy hiểm nhất mà Yêrôbôam đã thực hiện trong vương quốc của ông ở miền bắc (thường gọi Israel để phân biệt với vương quốc Yuđa ở miền nam) là làm cản trở sự sùng mộ của dân chúng đối với Yêrusalem, thủ đô miền nam về phương diện tôn giáo. Ông nhận định rằng sự hiện diện của đền thờ và Khám sẽ luôn luôn là dịp lôi kéo các chi tộc miền bắc thống nhất với miền nam. Bởi đó ông xây cất những đền thờ riêng, một ở Ðan về phía cực bắc của xứ ông, và một ở Bêthel, không xa Yêrusalem bao nhiêu, ông hy vọng rằng bất cứ khách hành hương nào từ vương quốc của ông định đi Yêrusalem để viếng đến thờ và Khám Yavê, cũng sẽ bị quyến rũ dừng hẳn lại ở Bêthel. Tại Ðan và Bêthel ông đều cho dựng lên những con bê vàng (chắc chắn những tượng bằng gỗ thếp vàng). Ðiều này không phải hoàn toàn vì mục đích bái sùng ngẫu tượng. Những con bê chắc là có ý định tiêu biểu cho ngai Yavê và tượng trưng quyền năng của Ngài, nhưng không thể nào làm cho dân chúng nghĩ đúng như thế, bởi vì con bê cũng còn tượng trưng cho tà thần Baal của dân Canaan, vị thần của sự sinh sản đông đảo, quả nhiên chẳng bao lâu nhiều người đến bái lạy trước những con bê vàng, không phải vì coi như là biểu hiệu ngai của Thiên Chúa vô hình của Israel, song họ coi như là biểu hiện hữu hình của vị thần sinh sản đông đảo. Yêrôbôam đã mở đầu cho một tập quán tôn giáo nguy hiểm nhất. Nhờ đó ông đã ngăn chận được dân chúng của ông, không để họ đi hành hương đến Yêrusalem, nhưng cũng vì thế mà ông đã gieo mầm mống sự phản bội sau này của Israel đối với Thiên Chúa chân thực của mình. Tuy nhiên sự phản bội này sẽ không phải là không bị chống đối. Những vị tiên tri của Thiên Chúa bước vào lịch sử của Israel ở miền bắc và Yuđa ở miền nam, để yêu cầu phải ăn năn trở lại và để mang đến một sứ điệp thiêng liêng rất sâu xa.

 

CÁC TIÊN TRI TRƯỚC THỜI KỲ LƯU ÐÀY.

 

TIÊN TRI CỦA ISRAEL.

 

Phần nhiều nghe nói đến tiên tri, người ta hay nghĩ đến một người nói trước việc vị lai, một người có tầm mắt nhìn rất xa. Hiểu như thế tức là chưa phân biệt rõ ràng nhiệm vụ của các vị tiên tri. Ðúng thế, ở một vài trường hợp rất ít họ cũng nói trước những việc vị lai, nhưng thường nói một cách bóng gió huyền bí. Nhưng nhiệm vụ chính của họ là đem đến một sứ điệp tinh thần đúng lúc và rất rõ ràng của Thiên Chúa, đến cho vua và dân chúng họ là phát ngôn viên của Thiên Chúa, những sứ giả của Ngài truyền lại những ời Thiên Chúa yêu cầu dân chúng thờ đó hãy ăn năn trở lại. Sứ điệp của họ chỉ nhằm vào thời đại họ mà thôi, nhưng chân lý và tầm quan trọng của nó ngày nay vẫn còn giá trị.

 

Môsê là một tiên tri. Thật vậy ông là sứ giả vĩ đại nhất của Thiên Chúa, trước thời Chúa Giêsu ra đời.. nhưng kỷ nguyên của các tiên tri, một khoảng thời gian chừng 900 năm từ khoảng 1050 đến 150 trước TCGS, thật sự bắt đầu với Samuel và sự chỗi dậy của vương quyền, tiên tri và vương quyền dường như cùng chỗi dậy chung với nhau, và cả hai đều có sự liên hệ chặt chẽ trong nhiều thế kỷ, lý do là một trong những nhiệm vụ chính của tiên tri là khuyên răn và cảnh cáo vua. Ðó là một nhiệm vụ bội bạc, bởi vì các vị vua phần đông ở miền bắc (Israel) cũng như ở miền nam (Yuđa) không phải là những người biết kính sợ Thiên Chúa và biết hoan nghênh sứ điệp của Thiên Chúa, câu nói "phần thưởng dành cho vị tiên tri" có một giọng điệu mỉa mai chua chát ngay từ lúc lịch sử tiên tri khởi đầu, bởi vì các tiên tri hay bị đau khổ rất nhiều về sứ mạng của họ. Họ bị đánh đập, tù đày, sĩ nhục, gông cùm, nhận sâu xuống bùn nhưng chỉ có một điều làm cho họ im lặng, đó là sự chết, và thường thường họ bị giết một cách tàn bạo. Chúng ta đã thấy Samuel đem đến sứ điệp của Thiên Chúa truất phế Saul ; và Nathan đã can đảm khiển trách vào mặt Ðavít về tội âm mưu giết người với Batshêba. Những cuộc chạm mặt như thế là điển hình cho mối quan hệ giữa các tiên tri và các vua kế tiếp.

 

Không phải sự hoạt động của các tiên tri chỉ hạn chế nơi các vua mà thôi. Nhiều người khác nữa cũng cảm thấy sức mạnh của sứ điệp Thiên Chúa. Có vị đã nói (lớn tiếng và rõ ràng), những lời phản đối các vị tư tế đã phản bội chức vị linh thiêng của mình bằng sự tham ô và bái sùng ngẫu tượng ; phản đối những người giàu dày xéo bóc lột người nghèo, và phản đối cả những người nghèo có lối sống lang thang sa đọa không có mục đích, chẳng khác nào những con cừu đi theo những người chăn hư đốn, các tiên tri lên tiếng nói với mọi người : vua, tư tế, kẻ có tước quyền, người giàu có, kẻ nghèo hèn. Tính cách thiêng liêng mạnh mẽ trong những lời giáo huấn của họ đã góp phần rất lớn cho tôn giáo Môsê và còn thúc đẩy tiến hơn nữa lên thời kỳ cứu độ, trong đó con người sẽ được cứu rỗi bằng việc thờ phụng trong tinh thần và trong chân lý.

 

Trước khi nói về một ít vị tiên tri quan trọng hơn, thời kỳ trước lưu đày, thiết tưởng cũng nên tóm lược nhanh chóng những điều giáo huấn tổng quát của họ. Những lời sấm truyền cũng như những lời giảng dạy của các tiên tri thường tập trung vào những điểm sau đây :

 

* SỰ THÁNH THIỆN TRONG TÂM HỒN. Một trong những lời thiên khải của các tiên tri (điều cần thiết cho ta ngày nay cũng như cho chính thính giả Hippri ngày xưa đã được nghe lần đầu tiên) là phải có một tôn giáo thực trong tâm hồn, một tôn giáo đặt nền tảng trên sự yêu mến Thiên Chúa và vâng phục Ngài. Trong suốt thời kỳ náo loạn của các tiên tri, dân Israel tin tưởng quá tuyệt đối ở giá trị của những nghi lễ bên ngoài. Tâm hồn họ không muốn thờ phụng Thiên Chúa bằng cách vâng Thánh Ý Ngài hàng ngày, bởi đó họ trấn an lương tâm bằng cách tăng thêm nhiều bàn thờ và nhiều lễ tế. Họ phỏng đoán cách thê thảm là những việc này có thể kéo xuống lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Sự chuộng hình thức thối nát khô khan đã đâm rễ trong một thời kỳ khá lâu. Tiêu biểu nhất cho sự phản đối cái tôn giáo giả tạo chỉ vụ bề ngoài như thế, là những lời lên án của tiên tri Yêrêmia.

 

"Yavê các cơ binh, Thiên Chúa của Israel phán thế này : Hãy cải thiện đường đi nước bước cùng hành vi của các ngươi, và Ta sẽ để cho các ngươi lưu lại chốn này. Ðừng tin cậy noơi những lời dối trá, rằng : "Ðền thờ của Yavê ! Ðền thờ của Yavê ! Ðền thờ của Yavê chính là đây !" Phải, nếu các ngươi cải thiện đường đi nước bước cùng hành vi của các ngươi ; nếu giữa đồng bào với nhau, các ngươi thi hành công lý ; nếu các ngươi không áp bức khách ngụ cư, mồ côi, quả phụ ; nếu các ngươi không đổ máu vô tội ở chốn này ; nếu các ngươi không đi theo các thần khác - để mà phải khốn vào thân, thì Ta sẽ để các ngươi lưu lại chốn này, trên đất Ta đã ban cho cha ông các ngươi, từ đời đời cho đến đời đời" (Yr. 7, 3 - 7).

 

* CHỈ THỜ PHỤNG MỘT THIÊN CHÚA CHÂN THẬT. Các tiên tri thường xuyên chỉ trích sự bái sùng ngẫu tượng ở thời đại của họ "Ta là Yavê Thiên Chúa của các ngươi. Ngoài Ta ra, các ngươi không được có vị thần nào khác". Ðó là giới răn khẩn thiết nhất của thời đại ấy ngay cả một vài vị vua tốt như Êyêkia và Yôsia cũng chỉ thành công rất giới hạn trong những chiến dịch bài trừ sự bái sùng ngẫu tượng thời đó. Nhiều người Israel đã dâng con của họ làm của lễ bị thiêu sinh mà tế lễ vị thần tà giáo Môlôt. Pho tượng giống như hình người của vị thần này quả thật là một lò lửa khổng lồ. Dọc theo mấy cách tay giơ lên của nó, xuyên qua cái ngực mở ra của nó và vào trong bụng có lửa cháy bừng bừng của nó, người ta ném những nạn nhân vô tội để tế lễ tà thần. Yêrêmia đã nói rằng "ngay cả nơi tà áo của Yuđa cũng tìm thấy máu mạng người bần cùng vô tội" (Yr 2, 34).

 

Sự tôn thờ Baal và "nữ hoàng thiên cung" cũng phản nghịch không kém, và lại còn phổ biến hơn nữa. Nền tảng của nó là sự tuần hoàn hàng năm của thiên nhiên. Bởi vì thiên nhiên trông như ngủ yên dưới cái nắng ác nghiệt của mùa hè và sống lại với những trận mưa về cuối mùa thu. Người ta đã đặt ra một huyền thoại để giải thích tại sao lại có sự thay đổi giữa các mùa như thế. Theo huyền thoại này thì Baal, vị thần của sự sinh sản đông đúc bị chết vào mùa nắng ráo và đến mùa thu thì được bà vợ của ông ta làm cho hồi sinh. Rồi cuộc làm tình của họ đã làm cho thiên nhiên sinh sôi nảy nở sau những trận mưa. Những người tin tưởng ở huyền thoại này thì muốn tôn thờ hai vị thần nam và thần nữ của mình bằng cách bắt chước họ mà làm tình, để hy vọng là chính mình cũng được phúc sinh sản đông đúc như là thiên nhiên vậy. Xuyên qua sự bắt chước làm tình như thế, dân chúng nghĩ rằng mình mới tiến gần những vị thần đa tình của mình hơn, và mới bảo đảm được sinh nhiều con cái và ruộng đất được phì nhiêu. Vì sự tôn thờ này mà đĩ điếm đầy dẫy và sinh ra nhiều nghi lễ rất sỗ sàng thô tục. Quả là liều thuốc độc cho đời sống tôn giáo trong các vương quốc của dân Israel. Các tiên tri luôn luôn chỉ trích vấn đề này, nhưng không được hiệu quả thiết thực nơi thính giả. Cá ngài đã khẩn khoản yêu cầu họ, đe dọa họ và khóc lóc trước mặt họ để xin họ hãy trở lại và hãy trung thành với một Thiên Chúa độc nhất mà thôi, hãy tôn thờ Ngài, bằng cách tuyệt đối vâng phục Thánh Ý Ngài vì Ngài là Thiên Chúa thật của thiên nhiên.

 

* SỰ CÔNG BẰNG XÃ HỘI. Ðây cũng là một đề tài khác của các tiên tri mà có thể áp dụng cho thời nay. Sự xa hoa của các đền đài dinh thự đã được xây cất, trên sự bất công đối với công nhân và sự hối lộ của các thẩm phán trong những phiên tòa công khai tại các cửa thành. Những người buôn bán thời đó thường xử dụng những hình thức lùa gạt đê tiện nhất, dùng cân lường không chính xác (thời đại chúng ta không phải là không có), để khách hàng phải trả tiền nhiều hơn món hàng nhận được. Người nghèo, người cùng khổ, người bạch đinh, theo lời các tiên tri, rất quan trọng đặc biệt trước mặt Thiên Chúa. Khốn cho ai không biết đối xử với những kẻ ấy như "những người nghèo khổ của Thiên Chúa". Ðề tài này được nhiều tiên tri nhắc tới, nhất là Amos, "vị tiên tri của nhiệm vụ con người đối với đồng loại".

 

"Ya vê phán thế này : Vì ba tội ác của Israel và vì bốn tội, Ta sẽ không hối lại, bởi chúng bán người lành với giá bạc, và kẻ khó với một đôi dép. Nghèo nàn chúng chà đầu đất bụi, và chúng uốn cong đường lối kẻ hèn."(Am. 2, 6 - 7).

 

"Khốn cho những kẻ tráo đổi công lý thành khổ ngải và lẽ ngay chính thì hất nhào xuống đất. Cho nên : nhân vì các ngươi bắt nghèo hèn è cổ nộp tô, và thu lúa thóc bóc lột nó, nên các ngươi xây nhà đá mà sẽ không được ở. Các ngươi trồng vườn nho sang quý mà sẽ không được uống rượu.

 

Phải, Ta biết tội ác các ngươi nhiều, các ngươi quá phạm cũng lắm ; chúng bắt nạt người ngay, nhận quà hối lộ, nơi công môn hất quyền kẻ khó." (Am. 5, 7 - 12).

 

"Hãy nghe điều này hỡi quân chà đạp kẻ khó, và muốn chà đạp những người khiêm ti trong xứ. Các ngươi nói : Bao giờ ngày sóc qua đi để ta bán lúa ? Bao giờ Hưu Lễ mới xong để ta mở hàng ? Ta, bóp nhỏ đấu đong và thêm nặng quả cân, và làm sái cái cân giả mạo. Ta tậu lấy người nghèo bằng giá bạc và kẻ khó với một đôi dép. Lúa quét bỏ ta cũng bán đi". (Am. 8, 4 - 6)

 

Việc khởi đầu này của các tiên tri về vấn đề công bình đối với người nghèo khó chẳng khác gì một bản tuyên ngôn các mối phúc thật thời kỳ Chúa Kitô chưa ra đời. Vừa kêu gọi công bình và từ thiện, vừa đề cao kẻ nghèo khó là những người được Thiên Chúa yêu thương cách riêng.

 

Sự thánh thiện trong tâm hồn, sự phụng thờ một Thiên Chúa chân thật độc nhất, sự công bình đối với người nghèo khổ : đó là những đề tài chính của các tiên tri của Thiên Chúa. Các vua, các tư tế, các kẻ quyền quí giàu sang cũng như mọi tầng lớp nhân dân khác, đều là thính giả của họ. Nhưng về phần cá nhân của những vị tiên tri đó như thế nào, họ là ai và thuộc hạng người nào ? Tiêu biểu nhất và quan trọng nhất trong vai trò chống lại vương quốc mạnh mẽ của sự tội, đó là các tiên tri Êlia, Êlisa, Amos, Hôsê, Ysaia, Mica và Yêrêmia.

 

CÁ NHÂN NHỮNG TIÊN TRI THỜI KỲ TRƯỚC LƯU ÐÀY.

 

ÊLIA VÀ ÊLISA (Ðọc 3V. 16, 23 ; 4V. 13, 21).

 

Chức vụ của hai tiên tri hay làm phép lạ này quay chung quanh triều đại của Akhab, vua của dân Israel vào khoảng 870 trước TCGS. Chính cha của Akhab, vua Omri, đã dời thủ đô của vương quốc miền bắc về thành Samari. Chúng ta biết được, qua những tài liệu không thuộc bộ Kinh Thánh, thời đại của Omri là một thời đại rất vẻ vang và phồn vinh. Ông đã kết ước với nước lân bang Phênixia chuyên buôn bán, bằng cách cưới công chúa Phênixia tên là Iabel cho con trai Akhab của ông. Nhưng tác giả thiên khải của chúng ta không màng chi đến những thành công vật chất của Omri. Triều đại của ông đã bị phê phán một cách ngắn gọn và buồn tẻ khi nói đến sự thất bại thiêng liêng của ông.

 

"Omri đã làm sự dữ trước mắt Yavê và ăn ở thất đức hơn tất cả những người đã sống trước ông. Ông đã hoàn toàn đi theo con đường của Yơrôbôam . theo các tội lỗi do đó ông đã làm cho Israel vấp phạm, và chọc tức Yavê Thiên Chúa của Israel với những thần phù phiếm của chúng" (Các Vua III. 16, 25 - 26).

 

Izabel, người vợ ngoại giáo của Akhab, có tính tình cương nghị hơn chồng. Giữa bà và tiên tri Êlia xảy ra một mối hận thù mãn đại, bởi vì bà đã đem theo sự bái thờ thần Baal của xứ Phênixia. Bà dựng đền thờ ở Samari và đặt những pháp sư ở đó để lo việc sùng bái phóng túng cho thần ấy. Bà giết hại các tiên tri của Thiên Chúa, một mình Êlia đã thoát khỏi bàn tay sát nhân của bà. Bởi đó tại Samari, vương quốc của sự tội đã lấn áp nhờ sự hận thù.

 

Chương 18 trong quyển thứ ba, sách Các Vua đã mô tả một cách linh động cuộc tranh chấp nổi tiếng trên đỉnh núi Karmel, giữa những pháp sư của Baal và một mình Êlia. Ðó là một cuộc chạm trán tay đôi giữa quyền lực Baal và quyền lực Thiên Chúa. Cả hai bên đều trưng bày những thú vật tế lễ. Các pháp sư của Baal cầu kinh suốt buổi sáng để xin lửa xuống thiêu hủy lễ vật, nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Bị Êlia thôi thúc một cách chế giễu, họ lại tiếp tục cầu kinh suốt buổi chiều. Êlia lại cười nhạo "Phải kêu lớn hơn nữa ! vì ngài là thần linh, ngài đang bận suy tính hay mắc trở việc và có khi ngài đang đi vắng ; có lẽ ngài đã thiếp ngủ, ngài sẽ thức dậy !" (câu 27), vẫn không có gì xảy ra, rồi Êlia cho tưới nước ngập những lễ vật, ông cầu xin và có lửa xuống thiêu hủy lễ vật. Cuộc tranh chấp kết thúc bằng cuộc xử tử các pháp sư của Baal.

 

Nhưng Izabel vẫn còn sống và mạng sống của Êlia lúc nào cũng bị đe dọa. Ông đã phản đối xong sự bái sùng ngẫu tượng đang thịnh hành trong vương quốc của Akhab. Nhiệm vụ kế tiếp của ông là phản đối nhà vua về một bất công xã hội rất đê hèn mà cả nhà vua và hoàng hậu đều liên can. Ðó là vấn đề vườn nho của Nabôt ở thành Yizrơel. Vườn nho này ở sát cạnh cơ sở của nhà vua và ông này rất thèm muốn nó. Nhưng Nabôt không chịu bán vì đó là cơ nghiệp của tổ tiên. Nhà vua buồn rầu tuyệt vọng. Nhưng Izabel lại có phản ứng khác hẳn, bà chỉ có việc làm cho Nabôt bị đem ra xét xử về những lời vu cáo rằng ông ta đã nguyền rủa đến Thiên Chúa và nhà vua. Bị kết án là có tội. Nabôt bị đưa ra ném đá chết, và nhà vua được vườn nho. Bấy giờ vị tiên tri bước vào sân khấu :

 

"Bấy giờ lời Yavê đến với Êlia rằng : Hãy chỗi dậy, xuống gặp Akhab vua Israel, đóng đô ở Samari. Này nó đang ở vườn nho của Nabôt, nó đã xuống đó để tịch thu vườn ấy. Ngươi sẽ nói với nó rằng : Yavê phán thế này : há ngươi đã giết người, ngươi lại tịch thu của nữa sao ?

 

Ðoạn người nói với nó rằng , Yavê phán thế này : Chính nơi chó đã liếm máu Nabôt, chó sẽ liếm máu ngươi, cả ngươi nữa !. Và Yavê cũng đã phán về Izabel nữa, chó sẽ ăn thịt Izabel bên tường lũy Yizrơel" (3V. 21, 17 - 19 ; 23).

 

Hai trường hợp trên đây của Êlia chống lại sự bái sùng ngẫu tương và sự bất công xã hội là sứ mệnh điển hình cho sứ mệnh tất cả các tiên tri Israel. Họ mang đến sứ điệp của Thiên Chúa, họ thức tỉnh lương tâm của những người làm điều xấu, họ phô bày ý nghĩa của lời Giao Ước Thiên Chúa đối với Dân Người và sự sa đọa của vua cũng như của dân trong đời sống luân lý của họ. Vương quốc của sự tội mạnh mẽ đến cực độ. Chính các vị tiên tri, với sự trợ lực của Thiên Chúa hạn chế được một phần nào.

 

ÊLISA. Là phụ tá của Êlia, và khi biến khỏi mặt đất thì Êlia đã để lại áo choàng của mình (tượng trưng cho sứ mệnh của ông) cho Êlisa. Câu chuyện Êlisa cũng là một chuyện chống đối lực lượng sự ác trong vương quốc miền bắc. Nhưng ông được mô tả trong sách Các Vua III và IV, như là một người hay làm phép lạ. Ông đã làm cho con trai của một người Ihunem đã chết được sống lại (4V. 4, 25 - 37) ; đã làm cho bánh mỳ hóa ra nhiều để đủ cho nhiều người ăn (4V. 4, 42 - 44) ; và đã chữa cho Naaman khỏi bệnh phung (4V, chương 5). Trong những trường hợp này ta thấy rõ quyền lực các tiên tri của Thiên Chúa đối với sự chết và bệnh tật là hai đặc điểm của vương quốc satan. Qua tất cả những điều đó, Êlisa thật là một người tiền hô của Ðức Kitô, vị tiên tri vĩ đại, Ngài cũng sẽ hành động như thế.

 

AMOS VÀ HÔSÊ (Ðọc Amos các chương 1 - 9 ; Hôsê các chương 1 - 14 nhất là các chương 1 - 3, chương 11 và 14).

 

Ðây là hai vị tiên tri đã viết lần đầu tiên, nghĩa là hai vị tiên tri đã để lại những lời sấm và giáo huấn của họ bằng những quyển sách có chữ viết mang tên của họ. Cả hai vị tiên tri này nhiều điểm giống nhau, bởi vì sứ mệnh của họ đều ở vương quốc Israel vào khoảng 750 trước TCGS. Lúc đó Israel đang phồn thịnh dưới triều đại của Yêrôbôam II, một người khôn lanh việc trần thế. Nhưng về tính tình và về tầm quan trọng, thì hai vị khác nhau rõ ràng.

 

AMOS là một người miền nam và là một người nhà quê, cả hai sự kiện này có ảnh hưởng đến cách thức trình bày sứ điệp của ông. Là một người miền nam, ông không thích những vấn đề ông gặp ở miền bắc, nên ông nêu chúng ra và tố cáo. Là một người nhà quê, ông lấy làm chướng tai gai mắt trước cảnh phồn thịnh của hai thành Bêthel và Samari. Những sự phồn vinh và sung túc như thế là một cái gì thật xa lạ đối với ông. Ngay từ đầu ông đã có thành kiến. Ông lại cùng lấy làm chướng tai gai mắt hơn nữa trước cảnh mâu thuẩn giữa "kẻ có và người không", giữa nếp sống xa hoa của người giàu có và sự túng cực thấp hèn của người nghèo đã bị người giàu bóc lột. Chúng ta đã thấy một số những điều ông nêu ra về sự bất công xã hội và có thể nhớ lại lối nói thô chướng của ông. Ta có thể hình dung rõ ràng sự phẫn nộ của những người sang trọng và tham ăn xứ Samari khi bị Amos tố cáo cách cay nghiệt, ông gọi họ là bò cái :

 

"Hãy nghe lời này, hỡi những bò cái Bashan trên núi Samari, quân áp bức kẻ hèn, hành hạ kẻ khó, những kẻ nói với các đức ông của chúng : "Ðem lại đây uống nào" Ðức Chúa Yavê đã lấy thánh đức của Người mà thề : Quả thế, này sẽ đến trên các ngươi những ngày, người ta sẽ lấy câu liêm lôi các ngươi đi và hậu duệ các ngươi bằng lao đánh cá.

 

Ngang qua tường đổ, các ngươi sẽ ra, mỗi người thẳng trước mặt mình, các ngươi sẽ bị quăng xa vào chỗ bùn lầy. Sấm của Yavê" (Am. 4, 1 - 3)

 

Thật vậy, cách nói ấy rất là rõ ràng, khó được cảm tình với khán giả và khó lôi cuốn họ. Nhưng Amos cho rằng chỉ có cách đó mới vạch rõ được sự tuyệt vọng của tình trạng lúc bấy giờ. Mà tuyệt vọng thật, bởi vì sự sùng bái ngẫu tượng cũng đang thịnh hành nữa.

 

"Áo cầm đợ, chúng trải ra nằm bên cạnh các tế đàn ; tiền phạt chúng dùng uống rượu trong nhà Thiên Chúa của chúng" (Am. 2, 8).

 

Nếu sự bất công xã hội này và sự sùng bái ngẫu tượng không chấm dứt ngay việc làm thối nát xứ sở, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt quốc gia. Ngày sẽ là ngày của Yavê, ngày thẩm phán. Không phải là một ngày thưởng công và thắng trận hạnh phúc như dân Israel mong đợi, song là một ngày mà sự nhơ nhớp của tội lỗi Israel sẽ tự nó kéo xuống sự công bình nghiêm khắc của Thiên Chúa.

 

"Khốn cho những kẻ ước mong ngày của Yavê là gì vậy, ngày của Yavê, đối với các ngươi ? Tối tăm đó, chẳng phải là sáng ! Ấy cũng như người nọ vừa chạy thoát sư tử thì gấu bất thần gặp được, và khi vừa đến nhà, vừa chống tay vách tường thì rắn cắn. Lại không phải tối tăm đó sao, ngày của Yavê, chứ không phải sáng ? Phải, mù mịt đó, chứ không lóe được chút quang minh !" (Am. 5, 18 - 20).

 

Và tuy vậy, ngay cả trong ngày thẩm phán, một nhóm ít linh hồn trung tín, "Số sót" sẽ khỏi bị tiêu diệt.

 

"Yavê phán thế này với nhà Israel : Thành xuất quân một ngàn, sẽ còn sót lại một trăm. Thành xuất quân một trăm sẽ chỉ còn sót lại được mười" (Am. 5, 3).

 

Một ít dấu chứng trên đây đủ cho ta thấy sứ điệp của Amos. Ðó là một tiếng gào thét phản đối sự bất công và sự bái sùng ngẫu tượng. Ðồng thời cũng là một lời cảnh báo nghiêm nghị báo trước ngày thẩm phán hãi hùng trước mắt, lúc đó chỉ một nhóm ít người (kẻ lành) khỏi bị phạt mà thôi. Nhưng công trình của Amos không có kết quả. Sau một thời gian độ vài ba tháng thi hành sứ mệnh, ông rút lui về cuộc sống đơn giản của ông trên đồi xứ Yuđêa về phía nam, ở đó ông viết những điều cảm nghĩ của ông thành sách có mang tên ông, để truyền lại cho chúng ta ngày nay. Ông đã chiến đấu vì những lý tưởng lời giao ước của Thiên Chúa với Israel, nhưng ông đã thất bại. Tuy nhiên những lời giáo huấn của ông, những tiếng gào thét đòi hỏi công bình và từ bi cũng như những lời cảnh cáo của ông về ngày kinh hãi của Thiên Chúa đã trở nên phổ thông nơi các tiên tri kế tiếp ông. Ông đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ về sau của Israel, và để lại một sứ điệp quan trọng ngay cả cho chúng ta, những kẻ đang sống trong thời đại xa ông rất nhiều, nhưng không khác xa thời ấy bao nhiêu.

 

HÔSÊ cũng lên tiếng nói với chính những hạng người mà Amos đã tố cáo họ, nhưng giọng điệu của ông khác hẳn. Dù sao Hôsê cũng là người miền bắc, nói với dân chúng của mình. Giọng điệu của ông dịu dàng hơn Amos, tuy lời chỉ trích của ông rất đúng và mạnh mẽ nhưng được nói lên với lòng yêu thương và cảm tình rõ rệt.

 

Ðiều độc đáo nơi Hôsê là ông đã sống cái sứ điệp của ông trước, rồi mới rao giảng. Xin giải thích rõ hơn : Hôsê đã cưới Gôme, một người vợ thất trung đã sớm bỏ chồng để sống cuộc đời gái điếm, cũng có thể là thứ gái điếm trong những nghi lễ tế tà thần. Nhưng Hôsê vẫn yêu cô ấy. Ông đã tìm kiếm cô và đưa cô trở về nhà. Ðó là cái thảm kịch trong đời tư của Hôsê, và mối tình sâu xa của ông đối với người vợ thất trung.

 

Hôsê rao giảng cái kiểu thảm kịch đó và cái kiểu tình yêu sâu xa đó, nhưng trên một bình diện siêu nhiên. Sự bất hạnh của ông đã giúp ông nhận thức rõ ràng cái thảm kịch Israel từ bỏ Thiên Chúa, và tình yêu không thể tưởng tượng của Thiên Chúa đối với Israel. Theo lời của Hôsê, Israel là bạn trăm năm của Thiên Chúa, hợp nhất với Ngài bằng những dây thân ái còn chặt chẽ hơn là hôn nhân. Tuy nhiên Israel đã thất trung, đã hăm hở chạy theo tà thần ngoại giáo. Càng ngày Israel càng đi sâu hơn vào tội ngoại tình thiêng liêng. Dù thế Thiên Chúa vẫn luôn tìm kiếm, cứu vớt và đem Israel trở về với Ngài. Mối quan hệ giữa Thiên Chúa đối với Israel, trên bình diện siêu nhiên, chẳng khác gì mối quan hệ giữa Hôsê và Gôme, trên bình diện phàm nhân.

 

Làm sao giải thích được mối tình của Hôsê đối với Gôme ? Thật là khó. Tình yêu không thể giải thích được, nhất là mối tình chân thật được minh chứng bằng sự hy sinh anh dũng. Làm sao giải thích được tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel ? Vài lời của vị tiên tri này nói lên cho chúng ta tất cả những gì chúng ta có thể biết được.

 

"Không, Ta sẽ không thi hành hỏa hào khí nộ. Ta sẽ không hủy diệt Ephaim (Israel) vì Ta là Thiên Chúa, không phải phàm nhân. Ở giữa ngươi, Ta là Ðấng Thánh" (Hs. 11, 9).

 

"Ta là Thiên Chúa không phải phàm nhân", đó là lối giải thích độc nhất có thể được. Thiên Chúa bền vững trong tình yêu của Ngài, bởi vì như lời một tác giả thiên khải về sau đã viết : "Thiên Chúa là tình yêu" (Yn I. 4, 16). Thiên Chúa thương yêu vì chính Ngài là Tình Yêu. Ðó là điều sâu xa nhất Hôsê đã hé màn cho chúng ta thấy. Ðiều này lại càng được thấy rõ hơn nữa khi tình yêu của Thiên Chúa được chứng minh bằng sự Nhập Thể (của Ngôi Lời) để đem lại sự cứu độ cho loài người.

 

Bởi đó, chính Hôsê đã đưa vào Thánh Kinh hình bóng "cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa với Israel". Hình bóng đó được nhiều vị tiên tri về sau chấp nhận, và chính Ðức Kitô cũng dùng hình ảnh đó để mô tả sự liên hệ giữa Ngài với Israel Mới, tức là Giáo Hội. Và hình ảnh đó được khia triển đầy đủ nhất trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô 5, 22 - 23.

 

Hôsê lại còn để cho chúng ta một chân lý sâu xa nữa khi ông nói "Vì Ta muốn tín nghĩa chứ không phải tế tự và nhận biết Thiên Chúa hơn là thượng hiến" (Hs 6, 6).

 

Qua những lời trên đây, Hôsê chỉ trích thứ tôn giáo chỉ vụ hình thức bên ngoài ở thời ông, thứ đạo đức giả hiệu chỉ đặt hy vọng vào những nghi lễ bên ngoài, gia tăng hình thức nghi lễ thay vì những hành vi vâng phục và yêu mến. Ðiều Thiên Chúa đòi hỏi là lòng từ bi sự trung tín và hợp nhất với Ngài để rõ biết Ngài như thế nào. Nghi lễ bên ngoài chỉ có giá trị khi nào nó thể hiện sự sùng kính bên trong. Ðức Kitô cũng dùng những lời tương tự như Hôsê, khi nói về những người giả hình đạo đức ở thời Ngài (Mt 9, 13 ; 12, 7).

 

SỰ HỦY DIỆT VƯƠNG QUỐC ISRAEL Ở MIỀN BẮC (Ðọc Các Vua IV, chương 17).

 

Amos và Hôsê đều rao giảng tại vương quốc miền bắc vào khoảng 750 trước TCGS. Họ là những sứ giả cuối cùng Thiên Chúa đã gửi đến cho một dân tộc đang quay lưng với Ngài. Amos dùng những lời nảy lửa và đanh thép ; Hôsê thì dùng những lời lẽ đầy yêu thương. Các vua, các tư tế và dân chúng đã bịt tai không chịu lắng nghe một vị tiên tri nào cả. Và do đó, đã giáng xuống vương quốc miền bắc cái "ngày của Thiên Chúa" ngày tối tăm chứ không phải ánh sáng, ngày mù mịt không lòe được chút quang minh (Am. 5, 20). Dụng cụ để thi hành công lý của Thiên Chúa là đế quốc Asyria, thủ đô là thành Ninivê, là một trong những đế quốc lớn trên thế giới. Nó nắm quyền kiểm soát Mêsôpôtania trong vòng gần 300 năm, khoảng từ 900 đến 600 trước TCGS.

 

Vị vua cuối cùng của Israel tên là Hôsê (không phải là tiên tri Hôsê), lên ngôi vào khoảng năm 730 trước TCGS. Bị thua quân Asyri dưới sự lãnh đạo của Shalmaneser, vua Hôsê đã phải nộp những lễ vật triều cống nặng nề cho quân xâm lăng. Ông quay sang cầu cứu nước Aicập. Aicập hứa giúp đỡ, nhưng không bao giờ thực hiện lúc Israel bị tấn công, và Asyri đã tấn công Israel. Thủ đô của Israel là Samari bị bao vây trong vòng ba năm trời. Trong lúc đó Shalmaneser chết và Sargon lên kế vị. Ông này là một người nổi tiếng, đã sáng lập một triều đại Asyri mạnh mẽ nhất. Năm 722 trước TCSG, ông đã hoàn toàn tiêu diệt vương quốc miền bắc, lưu đầy dân Israel và đưa các người ngoại bang từ "Babilon, Kuta, Av-va, Khamat và Sơpharvaim" vào nước Israel (4V. 17, 24). Những người này định cư ở phía bắc Phalệtinh, họ dựng vợ gã chồng với bất cứ gia đình nào của Israel còn sống sót, họ lượm lặt chút ít điều họ hiểu biết về tôn giáo của người Samari, là những người mà dân Dothái thời Ðức Kitô thù ghét nhất.

 

Những ký sự đầy vẻ phô trương tự đắc của Sargon đã mô tả sự cáo chung của Israel như sau :

 

"Trong năm thứ nhất triều đại của tôi, tôi đã chinh phục Samari. Tôi đưa đi lưu đày 27000 người. Tôi lấy các xe của họ để cho quân đội tôi dùng, tôi bắt họ nộp triều cống. Dân chúng trong xứ là những nạn nhân trong tay tôi, tôi bắt chúng sống nơi khác và tôi đặt quan lại của tôi để cai trị họ, và họ phải nộp thuế như những người dân thuộc quyền cai trị của tôi".

 

Tất cả những điều này phù hợp với câu chuyện thê thảm Thánh Kinh thuật lại cho chúng ta. Sargon cũng bày ra những khổ hình bi thảm để bắt những người ông đưa đi lưu đày phải chịu. Họ bị sắp thành hàng dài, trói lại với nhau bằng những dây thừng buộc ở cổ hoặc ở cổ tay họ, hoặc buộc vào những vòng đâm xuyên qua mũi hay môi của họ. Dân Israel bị đưa đến Haran ở phía bắc, hoặc những xứ thuộc miền Mêsôpôtamia ở phía đông. Không bao giờ họ trở về nữa, và dần dần họ bị đồng hóa với các dân tộc nơi họ bị lưu đày.

 

"Sự đã xảy ra vì con cái Israel đã phạm tội nghịch với Yavê Thiên Chúa của chúng, Ðấng đã đem họ lên từ đất Aicập, từ bàn tay của Pharaô, vua Aicập, và vì họ đã kính giới các thần khác. Chúng đã đi theo thói tục của các nước Yavê đã đánh bạt khỏi trước mặt con cái Israel, những thói tục mà các vua họ đã tạo lấy. Con cái Israel đã thốt ra những điều chẳng phải, phạm đến Yavê Thiên Chúa của họ. Họ đã xây cho mình cao đàn trong các thành của họ, từ tháp canh cao cho đến đồn lũy, họ đã dựng bài vị và nêu thờ trên mọi đồi cao và dưới mọi cây cối xum xuê. Trên đó, trên mọi cao đàn họ đã huân yên, như các nước Yavê đã đày khỏi mặt họ . Họ đã bác bỏ tất cả các lệnh truyền của Yavê Thiên Chúa của họ, và đã tạo cho mình tượng đúc là hai con bê ; học đã làm nêu thờ và thờ lạy tất cả các cơ binh trên trời và phụng sự Baal. Họ đã chuyền con trai con gái họ qua lửa ; họ đã học đòi bói quẻ, yêu thuật ; họ đã bán mình làm sự dữ trước mặt Yavê để khơi cơn nghĩa nộ của Ngài. Cho nên Yavê đã chân nộ bừng bừng trên Israel và Ngài đã xua họ khỏi nhan Ngài. Vẻn vẹn chỉ còn một mình chi tộc Yuđa" (4V, 17)

 

Trong chương trình cứu độ, chỉ một mình Yuđa còn sót lại. Nơi chi tộc Yuđa và các vua của họ, thuộc dòng dõi Ðavít, được đặt tất cả niềm hy vọng cứu độ cho Israel và cho tất cả các nước.

 

Từ khi quốc gia bị chia rẽ sau cái chết của vua Salômon trước đó độ 200 năm, Yuđa ở miền nam đã vững mạnh hơn Israel ở miền bắc. Lý do chính là vì ở miền bắc, kẻ nào đủ sức mạnh cướp ngôi (thường bằng sự sát nhân) thì được lên làm vua. Ðang khi đó ở miền nam quyền lên ngôi vua chỉ thuộc về một gia đình mà thôi. Ðó là gia đình Ðavít. Sự kiện duy nhất này đã làm cho quốc gia tồn tại và bền vững. Dưới mắt của những công dân miền nam, thì vua của họ phải thuộc về dòng dõi Ðavít, bởi vì Thiên Chúa đã quyết định như thế qua miệng tiên tri Nathan (2V. 7). Thiên Chúa cũng đã khẳng định bằng cách nào đó và vào lúc nào đó, vương quốc này sẽ trở nên vừa phổ bác vừa vĩnh cửu. Người Yuđa biết tất cả điều này, họ rất lấy làm hãnh diện và ỷ lại. Họ không bao giờ nghĩ rằng chính những tội ác đã đưa Israel đến chỗ cáo chung thê thảm, cũng có thể làm cho Yuđa bị tiêu tán như thế. Không, họ không thể bị tiêu vong, họ nhất định phải tồn tại vì vương quốc của họ là vĩnh cửu.

 

Nhưng một sự loạn lạc nghiêm trọng đã hiện ra trước mắt. Ngay cả một người quan sát tình cờ sân khấu chính trị và xã hội ở Yuđa, cũng thấy được rằng những tội lỗi đã làm cho vương quốc Israel bị tiêu diệt ũng chính là những tội lỗi của Yuđa. Tuy chưa rõ ràng như thế, dựa trên sự tin tưởng hão huyền rằng nhiều lễ tế và nhiều lễ vật có thể thay thế cho lòng yêu mến và vâng phục mà Thiên Chúa đòi hỏi. Cũng có những bất công xã hội như thế lợi dụng người đồng loại một cách vô nhân đạo để mưu ích cho bản thân, bất công đối với kẻ nghèo, coi rẻ nhân phẩm mà mọi người đều có trước mặt Thiên Chúa.

 

Và cũng có sự bái sùng ngẫu tượng như thế : Yuđa cũng chạy theo tà thần ngoại giáo vào lúc Israel bị lưu đày, thì vua Akhaz của Yuđa "đã chuyển qua lửa ngay cả người con trai của ông, theo những điều gở các dân ngoại đã làm, dân Yavê đã đánh bạt khỏi trước mặt con cái Israel" (4V. 16, 3). Nếu Yuđa cứ tiếp tục làm những điều vô luân như thế thì ngay của Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên nó. Ðể giữ gìn Yuđa xứng đáng là người bạn trăm năm trinh trắng của Thiên Chúa, nhiều vị tiên tri thời bấy giờ đã đấu tranh kịch liệt, như tiên tri Isaia, Mica, và một thế kỷ sau đó : tiên tri Yêrêmia.

 

ISAYA VÀ MICA (Ðọc Isaya chương 5 - Bài ca vườn nho ; chương 6 - Isaya được kêu gọi ; chương 7 - 12 (sách Emmanuel) ; các chương 33 - 39 (Êzêkia và Sennakêrib). Cũng hãy đọc Mica : các chương 1 - 7).

 

Isaya và Mica cùng chung một bối cảnh. Cả hai đều là người miền nam của nước Yuđa. Sứ mệnh của họ bắt đầu vào lúc Amos và Hôsê chấm dứt sứ mệnh của mình. Một số sứ điệp của họ nhằm vào vương quốc miền bắc trước khi nước này bị suy đổ năm 722 trước TCGS. Tuy nhiên , mối quan tâm chính của họ là những hoàn cảnh trong vương quốc Yuđa. Họ hoàn toàn thành công trong sứ mạng này, chính là vì ông vua lên cầm quyền ở miền nam vài năm trước (hay sau - các học giả không nhất trí) sự sụp đổ của Israel, là một trong ba vị vua anh minh (hai vị kia là Ðavít và Yôsia) của triều đại. Nhất là Ysaia, là một cố vấn thân mật của vua Êzêkia, vua này đã nhờ rất nhiều ở những lời khuyên nhủ của ông.

 

Thời kỳ của Ysaia và Mica là một thời kỳ hỗn loạn, chính trị rối ren, bị quân Assyri đe dọa và tấn công, họ có lực lượng mạnh mẽ lúc bấy giờ. Yuđa được thoát khỏi nạn diệt vong như Israel năm 722, nhưng bàn tay của Assyri vẫn xiết chặt Yuđa trong quyền lực của mình, mặc dầu chúng chưa bóp nát nó. Sau khi Sargon, người đã chinh phục Israel, bị ám sát năm 705 trước TCGS, Sennacherib lên kế vị và bắt đầu một cuộc xâm lăng Yuđa năm 701. Ông đã hoàn toàn thành công mặc dầu ông không chiếm lấy thành Yêrusalem, trong dịp này, hoặc trong một dịp tương tợ chừng 10 năm sau đó (khó xác định niên biểu) quân lính của ông đã vây thành Yêrusalem và trông có vẻ chắc chắn chinh phục được thành ấy, nhưng đã bị tan vỡ vì một thứ bệnh giống như ôn dịch. Ðây là một sự cứu thoát thành thánh đối với người Yuđa, một sự cứu thoát đã được ca tụng trong sách Isaya, chương 37, câu 36 - 38 và trong sách Các Vua IV, chương 19 câu 35 - 36. Ðọc Isaya và Mica, nên nhớ đến bối cảnh chính trị và quân sự này.

 

Người ta biết rất ít về con người và đời sống của Mica. Môrêset, quê nhà của ông, cách Yêrusalem về phía tây nam độ hai mươi dặm. Ngôn ngữ đơn sơ và không chải chuốt của ông cho thấy rằng ông xuất thân từ một địa vị xã hội khiêm tốn. Ông và Amos giống nhau ở điểm này, và cũng như Amos, ông là một người quan tâm sâu xa đến vấn đề công bình xã hội. Chúng ta không rõ ông thi hành sứ mệnh của ông trong bao lâu, cũng không rõ ông mất lúc nào và trong trường hợp nào. Tuy nhiên chúng ta đọc trong sách Yêrêmia rằng, ít nhất cũng có một lần những lời sấm của ông đã đem lại sự cải cách hữu ích ở Yuđa.

 

"Mica người Môrêset, làm tiên tri vào thời Êzêkia vua Yuđa, đã nói với toàn dân Yuđa rằng : Yavê các cơ binh phán thế này, Sion sẽ thành ruộng cày, Yêrusalem hóa ra đống vụn, núi của nhà, một gò rừng hoang. Phải chăng, Êzêkia vua Yuđa và toàn thể Yuđa đã xử tử ông ấy ? Lại không phải là vua đã kính sợ Yavê và đã vỗ về nhan Yavê và Yavê đã hối lại sự dữ Người đã phán trên họ đó ư ?" (Yr. 26, 18 - 19).

 

Về Isaya thì chúng ta biết được nhiều hơn, mặc dù vẫn chưa đầy đủ như chúng ta mong muốn. Ngôn ngữ Híppri chải chuốt của ông cho thấy ông là một con người có học thức, và sự ông đi lại dễ dàng với vua Akhab và hoàng tử của ông ấy là vua Êzêkia, cho thấy rằng ông đã quen giao tiếp với hạng quyền quý. Ông có vợ và có ít nhất hai người con. Cả hai đều được đặt những tên có ý nghĩa tượng trưng, người con thứ nhất là Shear-jashub, "một kẻ sống sót sẽ trở về" và người con thứ hai là Maher-shalalhashbaz, "của trộm cắp thì vội vàng, nạn nhân thì hối hả". Ơn kêu gọi bước vào cuộc đời tiên tri của ông xảy ra, theo lời ông thuật lại ở chương 6 câu 1 "vào năm Ôzia chết" tức là vào khoảng 740 trước TCGS, độ 18 năm trước khi Israel bị tiêu diệt, chúng ta cũng biết rằng ông đã giúp đỡ Êzêkia lúc bị Sennakêrib xâm lăng vào khoảng 700 năm trước TCGS. Nhưng không rõ ông kết liễu cuộc đời ra sao. Theo lời truyền không được chắc chắn thì ông đã bị vua Manassê cưa làm hai, vua này là đứa con phản nghịch của Êzêkia, nhưng không có một sử liệu nào để xác nhận điều này.

 

Vì chức nghiệp của hai vị tiên tri này khá lâu, đặc biệt là Isaya, nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy có những điểm cực đoan trong các điều họ viết. Có những đoạn yên ủi và lên án, bởi vì họ phải đấu tranh không những với vị vua anh minh Êzêkia, mà còn phải đấu tranh với ông vua xấu khét tiếng là Akhab, cha của Êzêkia. Akhab có ít niềm tin ở Yavê và có lúc dường như để rơi mất luôn niềm tin ít ỏi đó. Chúng ta biết rằng vua ấy đã có lần dâng những đứa con trai của mình để làm lễ tế thần tà giáo. Vào lúc gần cuối đời, vua lại đi xa hơn nữa bằng cách dựng một bàn thờ ngoại giáo ở trong đền thờ Yêrusalem. Ngay cả thời kỳ cải cách của Êzêkia cũng không phải là hoàn toàn thành công. Tội lỗi vẫn còn đầy dẫy, khiến cho Isaya và Mica phải lên tiếng đả kích.

 

SỨ ÐIỆP CỦA TIÊN TRI ISAYA VÀ MICA.

 

Hai vị tiên tri đồng thời này đều đề cập đến nhiều điểm tương đồng, nên chúng ta có thể khảo sát họ cùng một lúc. Vậy 39 chương đầu trong sách Isaya thì có thể được chấp nhận là chính vị tiên tri này viết. Còn những chương sau của sách Isaya được viết trong thời kỳ lưu đày ở Babilon, khoảng 150 năm về sau.

 

MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT, đó là điểm cả hai vị tiên tri đều nhấn mạnh. Isaya diễn tả điều này bằng cách nêu lên quyền cai trị tối thượng của Thiên Chúa đối với ngay cả những nước ngoại giáo và xa xôi.

 

"Người phất cờ ra hiệu cho một nước từ phương xa lại, Người huýt gọi nó lại từ mút cùng mặt đất, và này chúng vội đến lanh chai" (Is. 5, 26).

 

Về phương diện tiêu cực, thì cả hai đều lên tiếng đả kích mạnh mẽ sự bái sùng ngẫu tượng ở thời họ. Ðó là tội nặng nhất của Israel, và chính nó đã buộc Thiên Chúa phải đoán xử phân minh.

 

"Phù phép, Ta sẽ vất phăng đi khỏi tay ngươi, và những thầy chiêm bốc sẽ không còn có nơi ngươi. Các thần tượng của ngươi, Ta sẽ hủy phăng đi, và những bài vị của ngươi ta sẽ cất khỏi giữa ngươi.

Ngươi sẽ không còn phục lạy công trình tay ngươi, các nêu thờ của ngươi, Ta sẽ nhổ đi khỏi giữa ngươi, các ảnh tượng của ngươi Ta sẽ hủy diệt" (Mi. 3, 1 - 3).

 

SỰ THÁNH THIỆN TRONG TÂM HỒN, trái nghịch với sự chuộng hình thức bên ngoài, là một điều mà hai vị tiên tri cũng đều rao giảng. Ðiều này cho thấy cách đặc biệt sự tiến dần đến mạc khải mà Ðức Giêsu sẽ nhấn mạnh khi Ngài nói rằng ơn cứu độ là do sự thờ phụng Thiên Chúa trong tâm hồn và trọng chân lý. Nếu những lễ tế bên ngoài không phải là dấu hiệu bày tỏ lòng mến yêu Thiên Chúa, thì Thiên Chúa không xá kể.

 

"Ích gì cho Ta, lễ tế vô vàn của các ngươi ? Yavê phán : Ta đã chán ngấy thượng hiến cừu tơ và mỡ thú vật béo nẫy. Huyết bò tơ với chiên con - cùng dê đực, Ta cũng không màng. Khi các ngươi vào yết Nhan Ta, nào ai đòi các ngươi làm thế : dẵm lên các tiền đình của Ta ? Các ngươi đừng đem lại lễ cúng tào lao : hương hoa với Ta là đồ tởm. Ngày sóc vả lễ bái của ngươi, hồn Ta đã ghét : chúng là gánh nặng cho Ta, Ta đã chán rồi không chịu nổi.

 

Các ngươi giang tay lên, Ta sẽ bịt mắt Ta với các ngươi. Các ngươi có gia tăng nguyện cầu, Ta cũng không nghe : tay các ngươi vấy đầy những máu ! Hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy mình đi. Hãy cất khỏi mắt Ta, sự dữ của việc làm các ngươi. Hãy thôi làm dữ ! Hãy học làm lành, hãy theo dõi công minh, hãy đỡ đần người bị áp bức, hãy xử cho kẻ mồ côi, hãy bênh đỡ người góa bụa" (Is. 1, 11 - 17).

 

Một nhóm ít NGƯỜI SỐNG SÓT vẫn trung thành với Thiên Chúa giữa một quốc gia tội lỗi, và cũng chính nhóm ít người sống sót này sẽ được tồn tại sau những ngày thẩm phán trước mắt, đó là một điểm khác nữa mà Isaya và Mica cũng như Amos đều rao giảng. Tất cả đều tưởng tượng rằng nhóm ít người này sẽ là những người tiếp đón lời hứa của Thiên Chúa, và sự cứu độ sẽ đến với họ và qua họ.

 

"Trong ngày ấy, Yavê các cơ binh sẽ là triều thiên trang điểm, là tràng hoa huy hoàng cho số sót của Dân Người" (Is 28, 5).

 

Một chân lý càng quan trọng hơn nữa được gặp thấy trong những sách ấy, đó là tính cách phổ bác của ơn cứu độ, nghĩa là ơn cứu độ được mở rộng bằng cách nào đó ngay cả cho các dân ngoại. Chân lý này nhắc cho chúng ta một lần nữa lời hứa thứ ba của Thiên Chúa đối với Abraham. Theo lời hứa ấy các dân ngoại cũng sẽ được chúc phúc qua Abraham và gia đình ông. Trải qua bao thế kỷ, lời hứa này đã hóa nên xa lạ đối với dân Israel và dường như bị quên lãng. Chính các tiên tri đã đưa nó ra ánh sáng, và như thế, các vị ấy chuẩn bị cho vương quốc phổ bác và công giáo của Ðức Kitô sẽ đến.

 

"Vào những ngày sau hết, núi nhà Yavê sẽ nên kiên vững trên đỉnh đầu các núi non, và nó sẽ được nhắc cao quá gò nỗng. Các dân sẽ tuôn về đó, và đông đảo chư quốc sẽ đổ về. Họ nói : "Nào Ta hãy lên nuúi Yavê, đến nhà của Thiên Chúa Yacob thờ, để Người dạy ta đường lối của Người, để theo nẻo đi của Người, ta tiến bước, vì từ Sion thánh chỉ ban ra, và lời Yavê phán tự Yêrusalem (Mi. 4, 1 - 2 ; cũng gặp thấy ở Is. 2, 2 - 3)

 

Một yếu tố rõ rệt sau cùng trong sứ mệnh của hai vị tiên tri này là sự nhấn mạnh vị cứu thế có vương quyền và vai trò vinh hiển của vị đế vương thuộc dòng dõi Ðavít sẽ đến. Isaya nhấn mạnh đặc biệt "Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con, và sẽ gọi tên là Emmanuel" (Is.7, 14). Trong những chương kế tiếp ông tả rõ thêm : vị đế vương này sẽ mang đến sự hiện diện của Thiên Chúa (Emmanuel có nghĩa là : Thiên Chúa ở cùng chúng ta). Ông tả vị ấy như là một chồi "xuất từ gốc Ysai" (11, 1), do đó thuộc dòng dõi Ðavít con của Ysai. Ở đây sự cứu độ được tập trung vào một cá nhân, một vị vua con của Ðavít. Ở một đoạn khác, Isaya nói thẳng về người con trai của Ðavít và về vương quốc vĩnh cửu và phổ bác đã hứa với người qua miệng tiên tri Nathan. Ông mô tả bằng nhiều từ ngữ phấn khởi, đến nổi những độc giả trong các thế hệ tương lai chuẩn bị đón tiếp một vị đế vương siêu phàm xuất chúng.

 

"Vì một trẻ đã sinh ra cho ta, một con trai được ban xuống cho ta , vai Ngài đỡ lấy mọi quyền bính và thiên hạ hô tước hiệu Ngài : Mưu sự lạ, Thần anh hùng, Cha đời đời, Vua bình an, quyền bính bao la, bình an vô tận trên ngai Ðavít, trên nước của ông, cho nước được vững bền kiên cố, nhờ công trình đức nghĩa, từ nay và cho đến muôn đời" (Is. 9, 5 - 6).

Mica cũng nói về vị đế vương thuộc dòng dõi Ðavít mà mọi người chờ mong, vê vương quốc phổ bác của Ngài và về thân mẫu Ngài.

 

"Phần ngươi, hỡi Bêlem - Ephrata, nhỏ bé nhất trong hàng các bộ tộc Yuđa. Chính tự nơi ngươi sẽ xuất hiện cho Ta, vị có mệnh thống lĩnh sơn hà Israel.

Nguồn gốc của Ngài đến trước xa, lên tới những ngày thuở xưa.

Cho nên Người sẽ phó nộp chúng cho đến thời "Ðẻ" sẽ sinh con, và số sót anh em Ngài về với con cái Israel.

Ngài sẽ bền vững, Ngài sẽ chăn dắt, đưa vào quyền lực Yavê, nhờ uy Danh của Ðức Yavê, Thiên Chúa của Ngài.

Và chúng sẽ được an cư, vì bấy giờ, Ngài sẽ nên lớn lao cho đến mút cùng mặt đất. Chính Ngài là sự bình an (Mi 5, 1 - 4).

 

Cũng nên lưu ý rằng những lời trích dẫn trên đây mô tả vị cai trị Israel trong tương lai như là một kẻ chăn chiên (Ðế vương chăn chiên). Một lối mô tả lạ thường, nhưng nó sẽ trở thành chính xác nhất khi tới ngày nó được ứng nghiệm.

 

Cả hai vị tiên tri đều cố ý nhằm hai mục đích : vạch ra những tội lỗi thông thường dân chúng thời đại các ngài thường ngã phạm, và hướng tư tưởng của họ về nhữntg ngày vinh quang trước mắt trong tương lai. Các ngài khuyến giới : Giờ đây hãy phụng sự Thiên Chúa, hãy kính trọng đồng loại, và như thế để chuẩn bị cho những ngày vị đế vương sẽ đến. Vị đế vương này sẽ đem lại ơn cứu độ, và sẽ mở ra một thời đại hòa bình mà loài người sẽ là bạn của Thiên Chúa và là bạn với nhau.

 

TRIỀU ÐẠI CỦA MANASSÊ CON TRAI CỦA VUA ÊZÊKIA TỐT LÀNH - Quãng cách giữa Isaya và Yêrêmia.

 

Manassê được 12 tuổi khi lên làm vua, ông đã trị vì ở Yêrusalem mười lăm năm. Tên mẹ là Khephxi-Bah. Ông đã làm sự dữ trước mắt Yavê, như những điều ghê tởm các dân ngoại đã làm, những dân Yavê đã đánh bạt khỏi trước mặt con cái Israel. Ông đã xây lại những cao đàn, Êzêkia cha ông đã phá, ông đã dựng những tế đàn kính Baal, và tạc một Ashêrah như Akhab vua Israel đã làm ; ông đã thờ lạy tất cả cơ binh trên trời và phụng sự chúng. Ông đã xây những tế đàn trong nhà Yavê .

 

Ðể kính tất cả các cơ binh trên trời, ông đã xây những tế đàn trong hai tiền đình của nhà Yavê. Ông chuyền qua lửa con trai ông và đã chiêm tinh làm yêu thuật, lập ra nào đồng bóng, pháp sư ; và làm lắm điều dữ trước mắt Yavê để chọc tức Ngài. Tượng Ashêrah ông đã tạc, ông đặt trong nhà mà Yavê đã phán với Ðavít và với con là Salômon : "Nơi nhà này và tại Yêrusalem, Ta đã chọn giữa các chi tộc Israel, Ta sẽ đặt Danh Ta mãi mãi. Và Ta sẽ không để chân Israel phiêu bạt khỏi thửa đất mà Ta đã ban cho cha ông chúng, miễn là chúng tuân giữ làm theo mọi điều Ta đã truyền cho chúng theo tất cả lề luật Môsê tôi tớ của Ta đã truyền dạy chúng". Nhưng chúng đã không nghe và Manassê đã làm chúng lạc đường, khiến chúng làm sự dữ còn nhiều hơn các dân ngoại Yavê đã hủy diệt trước mặt con cái Israel.

 

Yavê mới phán qua các tôi tớ Ngài là các tiên tri rằng : "Nhân vì Manassê vua Yuđa đã làm các điều ghê tởm ấy, vì nó đã làm bậy hơn cả dân Amori có trước nó đã làm, và nó cũng đã làm cho cả Yuđa phạm tội vì các xú thần của nó, vì thế, Yavê Thiên Chúa của Israel đã phán : Này đây Ta sẽ giáng xuống, trên Israel và Yuđa một tai họa và mọi kẻ nghe đến sẽ ù cả hai tai . Ta sẽ chùi Yêrusalem đi như người ta chùi cái bát, chùi rồi thì úp mặt nó xuống. Ta sẽ bỏ mặc cơ nghiệp Ta sót lại và phó nộp nó cho các địch thù tha hồ cướp bóc hôi của, vì chúng đã làm sự dữ truớc mắt Ta và chúng hằng khiêu giận Ta từ ngày tổ tiên chúng ra khỏi Aicập cho đến ngày nay".

 

"Manassê cũng đã đổ máu vô tội, nhiều đến nổi ông đã làm Yêrusalem này vấy đầy máu từ đầu thành đến cuối thành, đó là không kể các tội ông đã nên cớ cho Yuđa phạm, là làm sự dữ trước nhan Yavê" (4V. 21, 1 -16).

 

Ðoạn văn mô tả ngắn gọn này cho thấy rõ ràng hiệu quả công trình tốt đẹp do vua Êzêkia và hai tiên tri Isaya và Mica đã thực hiện được, không tồn tại bao lâu. Manassê, con trai Êzêkia, đã hoàn toàn làm tiêu tan công trình ấy. Ông phá hoại tôn giáo của Yuđa đến mức độ khó tưởng tượng được, ông xây cất tế đàn ngoại giáo ngay cả trong đền thờ ! Nếu Israel vì phạm nhiều tội mà đã phải hủy diệt, thì liệu Yuđa có khỏi bị trừng phạt nặng nề như thế chăng ?

 

Vào khoảng cuối triều đại của ông vua xấu xa khét tiếng này, có lẽ 650 năm tước TCGS, một đứa trẻ tên là Yêrêmia chào đời tại một thành nhỏ Anatôt, cách Yêrusalem về phía đông bắc chừng vài dặm. Thân sinh ông là Hêlcia, một người thuộc hàng tư tế. Khi còn bé, Yêrêmia đã sống trải qua một thời kỳ mục nát đồi bại trong tôn giáo, do Manassê tiếp tay. Các vua cũng như dân không ai để ý đến bài học mà sự hủy diệt vương quốc miền bắc để lại. Họ tiếp tục hành động như thể là Yavê không hiện hữu, hoặc Ngài có hiện hữu thì Ngài cũng không quan hệ gì tới hạnh kiểm, đạo đức của Dân Ngài. Bàn tay của Thiên Chúa đã sẵn sàng giáng xuống hình phạt cho nước Yuđa lúc Yêrêmia hãy còn thơ ấu.

 

YÊRÊMIA (Ðọc Yr. 1, 4 - 19 (Yêrêmia được kêu gọi) ; 7, 1 - 8, 3 và 26, 1 - 19 (Giảng về đền thờ) ; 6, 9 - 12 ; 15 10 - 21 ; 20, 7 -18 (Tự thú) ; 18, 1 - 12 (hình bóng nắm đất trong tay thợ gốm) ; 23, 1 - 8 (Người sống sót) ; 27, 1 - 22 (Hình bóng cái ách) ; các chương 30 - 31 (sách Aica) ; chương 36 (Yêrêmia với những bài giảng viết ra và Yôyakim) và các chương 37 - 44 (những năm cuối cùng của Yêrêmia).

 

Vua hắc ám Manassê chết lúc Yêrêmia được 10 hay 15 tuổi. Amôn, con trai ông, lên kế vị và cai trị chỉ độ một hai năm. Sau đó Yôsya lên ngôi, ông này là một trong những vị vua tốt nhất của Yuđa. Ông lên làm vua nước Yuđa năm 638 trước TCGS khi mới lên tám tuổi. Trong những năm đầu tiên của vị vua niên thiếu này, những truyền thống vô đạo của Manassê và Amôn hãy còn tồn tại. Hình thức bái sùng ngẫu tượng tệ hại nhất đang thịnh hành khắp vương quốc và ngay cả trong Ðền thờ. Bất cứ một người thành tín nào cũng đều thấy rõ rằng nước Yuđa đang cần một tiên tri can đảm để kêu gọi trở lại. Vị tiên tri đó chẳng bao lâu đã xuất hiện trên sâu khấu. Vào năm thứ 13 đời vua Yôsya, 625 trước TCGS, có lời Yavê đến với Yêrêmia, kêu gọi ông làm tiên tri. Ðây là một sự kêu gọi độc đáo. Lập tức Yêrêmia trả lời bằng câu khước từ : "A ha ! Lạy Ðức Yavê, này tôi đâu có biết nói, vì tôi chỉ là một đứa trẻ !" (1, 8). Yêrêmia không phải là một người tự tín kiểu Isaya. Ông là một thanh niên dễ cảm, quen với nếp sống yên tĩnh ở thành phố nhỏ, bản tính không thích hợp với đời sống xông pha và cách đối xử cay nghiệt mà các nhà cải cách đều trải qua. Tuy nhiên, Yêrêmia vẫn lãnh nhận sứ mệnh khiếp sợ này, tin tưởng ở lời Thiên Chúa hứa luôn luôn trợ lực.

 

"Này Ta đặt lời lẽ của Ta trong miệng ngươi ! Hôm nay Ta đặt ngươi cai các dân tộc và các nước, để nhổ và lật đổ, để hủy và để phá, để xây và cấy trồng .

Phần Ta, nay Ta đặt ngươi làm một thành trì, làm trụ sắt, làm tượng đồng cự lại cả xứ, cự lại các vua Yuđa, các khanh tướng của nó, cự lại hàng tư tế và dân trong xứ. Chúng sẽ tuyên chiến với ngươi, nhưng chúng sẽ không làm gì được ngươi, vì có Ta ở với ngươi - sấm của Yavê - để giải thoát ngươi" (Yr 1, 9 - 10 ; 18 - 19).

 

Ðộ ba năm sau, năm 622 trước TCGS, sứ mệnh của Yêrêmia trở nên dễ dàng hơn nhiều, nhờ ở cuộc cải cách rộng lớn vua Yôsya thực hiện. Sự cải cách này là do sự tìm thấy một quyển sách luật của Môsê trong đền thờ. Gần như chắc chắn đó là một phần của quyển sách Thứ Luật ngày nay, lúc bấy giờ được khám phá. Khi nghe đọc lớn tiếng cuốn sách đó, vị vua trẻ tuổi liền kinh hãi vì nhận thấy rằng ông và vương quốc ông đã đi quá xa, không biết phục tùng Thánh Ý Thiên Chúa. Lập tức ông bắt đầu một cuộc cải cách khiến cho Yêrêmia lòng đầy phấn khởi. Sự mô tả những biện pháp cải cách nhằm chống lại sự bái sùng ngẫu tượng cho ta thấy sự sa đọa tinh thần của Yuđa đã đến một mức độ kinh khủng.

 

"Vua truyền cho Hilkiah thượng tế, các tư tế đệ nhị phẩm, các thủ hộ phải đem ra khỏi đền thờ Yavê hết các đồ vật đã làm để kính bái Baal, Ashêrah và tất cả cơ binh trên trời . Ông cho thủ tiêu những tư tế mà các vua Yuđa đã đặt ra để huân yên trên các tế đàn nơi các thành Yuđa và vùng ngoại ô Yêrusalem, cùng những kẻ huân yên cho Baal, nhật nguyệt, các chòm sao và tất cả cơ binh trên trời. Ông cho đem nêu thờ khỏi nhà của Yavê . Ông triệt hạ các nhà chứa điếm tế tự nam nơi nhà Yavê, nơi mà các phụ nữ dệt áo cho Ashêrah . Ông làm cho uế tạp Tophet trong thung lũng Ben-hinnom, để đừng ai chuyền qua lửa con trai, con gái của mình cho Môlok. Ông đã phá hủy những con ngựa các vua Yuđa đã cung hiến cho mặt trời ở lối vào nhà Yavê . và ông cho phóng hoả những xe của mặt trời, và những tế đàn trên sân thượng của nhà Akhaz do các vua Yuđa đã làm, cùng những tế đàn Manassê đã làm nơi hai tiền đình nhà Yavê, vua đã triệt hạ và đập tan tành . Các cao đàn đối diện với Yêrusalem về phía nam núi Tàn Phá, vua Salômon đã xây cho Astartê, đồ tởm của dân Siđon, Kamosh, đồ tởm của dân Moab, Milkom, đồ quái gở của con cái Ammon, vua cho làm ra uế tạp và đập bể các bài vị, chặt các nêu thờ." (4V. 23, 4 - 14).

 

Ta không còn ngạc nhiên tại sao các tiên tri lại đả kích một cách mạnh mẽ như thế, và tại sao hình phạt của Thiên Chúa lại khắc nghiệt như thế. Sự bái sùng ngẫu tượng, những nghi lễ sinh sản đông đảo đồi trụy, và ngay trong đền thờ ! Vương quốc tội lỗi của satan được bảo vệ bằng những hào hố kiên vững biết bao !

 

Yôsya và công cuộc cải cách của ông kéo dài gần 13 năm. Vào năm 609 trước TCGS, vua này bị giết trong một trận đánh mà độc giả ngày nay chắc sẽ cho là điên khùng. Ðế quốc hùng cường Assyri đã bị ngã quỵ trước cuộc tấn công khốc liệt của quân Babylon. Ninivê, thủ đô nổi tiếng của Assyri bị hủy diệt năm 612 trước TCGS. Tuy nhiên, tàn quân Assyri đã tập hợp lại để tử thủ. Quân đội Aicập vội vã đi lên phía bắc để yểm trợ quân Assyri, và Yôsya, một cách khờ dại, đã cố gắng ngăn chận quân Aicập không để họ đi xuyên qua Phalệtinh, ông chết trong trận đó. Và những ngày bình an của sứ mệnh Yêrêmia cũng chấm dứt theo cái chết của ông. Những vua kế vị Yôsya không phải là những người đẹp lòng Thiên Chúa và những cuộc đối phó thường xuyên của Yêrêmia với họ chỉ đem lại thất vọng và vô hiệu quả, lại gây nguy hiểm cho tính mạng của ông.

 

Có bốn người lên kế vị, nhưng hai người, Yoakhaz và Yoakin chỉ cai trị được ít tháng. Yêrêmia phải bỏ ra hầu hết thì giờ và sức lực của mình để đương đầu với Yoakhim và Sêđêqya. Yoakhim trị vì từ 609 - 598 ; Sêđêqya từ 598 cho đến khi thành Yêrusalem bị hủy diệt năm 587 trước TCGS. Trong bốn ông này thì Yoakhaz, Yoakhim và Sêđêqya là con của Yôsya, còn Yoakin là con của Yoakhim.

 

1. Yôsya

(Trị vì 638 - 609 trước TCGS)

 

 


2. Yoakhaz (selium) 3. Yoakhim 5. Sêđêqya : vị vua cuối cùng

(3 tháng năm 609) (609 -598) của Yuđa (598 - 587

(bị lưu đày sang Aicập) (bị đày sang Babilon)

 

 


4. Yoakin

(Yêkhônia : cônia)

(3 tháng năm 598)

(bị lưu đầy sang Babilon)

 

Ðời sống bi thảm của Yêrêmia đã làm cho ông xứng đáng với danh hiệu là "con người sầu khổ". Nghiệp vụ của ông thật là xáo động, nhất là 20 hoặc 25 năm cuối cùng. Khi tự gọi mình là "con chiên bị đem đi giết" (Yr. 11, 19), ông đã vô tình nhưng quả thực là tự đặt mình làm tiền thân của Ðức Kitô, Ngài cũng sống dưới bóng của thành Yêrusalem sắp bị tiêu diệt. Cuộc đời của Yêrêmia chỉ là những chuổi ngày đau khổ. Việc ông đả kích sự đồi trụy của những người kế vị Yôsya và những tư tế hay dân chúng đã làm cho ông bị oán ghét kinh khủng. Ðường lối chính trị chủ bại gàn dở của ông đã trút xuống đầu ông cơn thịnh nộ của các vua và các tướng lãnh. Lập trường của Yêrêmia không thể bị đánh giá đúng đắn bằng cặp mắt trần tục, nhưng phải bằng cái nhìn của Thiên Chúa. Yêrêmia đã thấy rằng tội lỗi của Yuđa đã quá mức. Sự trừng phạt tất nhiên phải đến tự nơi tay Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã chọn dân Babilon làm dụng cụ để thi hành án phạt. Quân đội Babilon dưới sự lãnh đạo của Nabukôđôsor chỉ là đòn công lý của Thiên Chúa giáng xuống tội lỗi của Yuđa. Không có gì ngăn được sự trừng phạt này. Chống đối lại, như các vua và các tướng lãnh đã có ý định tức là chống đối Thiên Chúa, một việc làm điên cuồng nhất. Ðó là quan điểm của Yêrêmia bởi vì đó là quan điểm của Thiên Chúa. Nhưng khi rao giảng như thế với tất cả sức lực của mình, niềm tin của Yêrêmia bị căng thẳng đến tột độ.

 

Tiên tri này bị đánh đòn và đeo gông (20, 2), bị câu lưu trong sân khu vệ quân (30, 1), bị đánh đập và bị giam trong một cái hầm có mái vòm (37, 15 - 16). Sau hết, họ đã đem Yêrêmia đi mà quăng xuống bể nước của hoàng tử Malkiyahu, ở ngay trong sân khu vệ quân, họ đã lấy thừng giọi ông xuống, bề không có nước mà chỉ có bùn ; và Yêrêmia đã lún xuống bùn (38, 5 - 6). Sự việc này cho ta một hình ảnh cảm động nhất về vị tiên tri bị đau khổ, bị ném xa khỏi mắt thế tục, bị quăng sâu xuống chổ bùn nhơ.

 

Lại còn những sự đau khổ khác nữa, thuộc phạm vi gia đình hơn, và vì thế, lại càng làm đau lòng con người nhạy cảm này hơn nữa. Chính bà con cũng như những người hàng xóm của Yêrêmia cũng âm mưu hãm hại ông.

 

"Vì ngay chính anh em của ngươi, những người trong nhà cha ngươi cũng phản bội ngươi ; họ tập họp lực lượng để chống đối ngươi"(12, 6).

 

"Cho nên Yavê phán về những người Anatôt muốn mưu hại mạng ngươi mà rằng : Ðừng tuyên sấm nhân Danh Yavê, chẳng vậy mày sẽ chết tong tay chúng ta !" (11, 21).

 

Trong nhà cha của ông, trong quê quán của ông cũng như tại Yêrusalem, không một nơi nào Yêrêmia được bằng yên và khỏi bị chê cười "Tiên tri có bị khinh, thì chỉ có nơi quê quán và nơi nhà mình thôi" (Mt. 13, 57). Ðức Kitô mô tả một lối đối xử y hệt như thế. Không gì đáng ngạc nhiên khi ta thấy nỗi thống khổ tinh thần mà ông mô tả trong những chương gọi là "tự thú củ Yêrêmia", chứng tỏ ông đã chịu đựng quá sức người phàm. Ðâu rồi, những trợ lực của Thiên Chúa ? Sự trợ lực mà Thiên Chúa đã hứa khi kêu gọi Yêrêmia ? Tại sao ông bị bách hại tứ phía và không ngừng ? Tại sao ông không được chút cảm tình nơi thính giả, không chút mảy may thành công ?

 

Yêrêmia gần như mất cả niềm tin và gần như bỏ cuộc, tâm trạng của một tâm hồn trung tín bị thử thách kinh khủng đã được mô tả trong những đoạn như 15, 10 - 18 ; 20, 7 - 18, là một phần "những lời tự thú của Yêrêmia".

 

"Người dụ dỗ tôi, lạy Yavê, và tôi đã để mình bị dụ,

Người đã uy hiếp tôi và đã thắng ; suốt ngày tôi đã nên trò cười, cả lũ chúng nhạo báng tôi.

Vì hễ tôi phải nói, là tôi la lối, những kêu lên : Hành hung và ức hiếp.

Vì lời Yavê đã nên cho tôi mối hổ nhục và chế giễu suốt ngày.

Tôi tự nhủ tôi sẽ không nghĩ đến nữa, tôi sẽ không nói nhân Danh Người nữa !

Nhưng nơi lòng tôi như lửa bừng bừng, bị dồn ép trong xương cốt tôi.

Tôi hết sức nén lại, nhưng không tài nào nén được .

Ðồ chúc dữ, cái ngày tôi đã sinh ra ! Ngày mẹ tôi đã đẻ ra tôi, ước gì nó chẳng được chúc lành !

Ðồ chúc dữ, kẻ đã đem tin mừng cho cha tôi mà rằng : Con ông đã ra đời, một con trai. Và đã làm cho người mừng vui khôn tả ! Người ấy hãy nên như các thành Yavê đã lật nhào mà chẳng hề hối tiếc, sáng sớm nó hãy nghe kêu cứu và vào buổi trưa tiếng hò xung phong ! Bởi nó đã giết quách tôi ngay nơi bụng mẹ, khiến cho mẹ tôi nên mồ chôn tôi và bụng mẹ tôi chửa tôi mãi mãi !

Tôi đã lọt lòng mẹ làm gì, để phải thấy những lao đao phiền sầu, và ngày đời tôi tiêu hao trong tủi hổ ? (Yr. 20, 7 - 9 ; 14 - 18)

 

Ðiều đáng ngạc nhiên là Yêrêmia không bỏ cuộc. Ông vẫn hy vọng giữa cơn tuyệt vọng, ông tin tưởng giữa lúc không thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ có sự trợ lực của Thiên Chúa. Ông làm việc mình phải làm chỉ vì Thiên Chúa muốn như thế. Và chúng ta nên nhớ là ông không hề có một viễn ảnh đầy an ủi về miền hoan lạc và sự bình an trên trời như chúng ta, nhưng ông chỉ được hé mở cho thấy một sự bí mật nặng nề cho những người nước Yuđa trong thời ông. Yêrêmia tiếp tục chịu đau khổ vì Thiên Chúa, trong lúc mà phần thưởng duy nhất ông biết được là một phần thưởng bị giới hạn trong thế gian này, nhưng phần thưởng ấy ông cũng không gặp được trong đời sống. Ðến lúc "chư thánh diễn hành bước vào" trong ngày tận thế, con người sầu khổ này chắc chắn sẽ được vinh quang nổi bật nhất.

 

Nổi đau khổ sâu xa của Yêrêmia cũng có thể là do cảnh hãi hùng xảy ra đúng như lời ông cảnh cáo, cảnh thành Yêrusalem kiêu căng bị hủy diệt hoang tàn. Năm 587 trước TCGS, sau một cuộc bao vây ác liệt khoảng một năm rưỡi, lực lượng của Nabukôđônosor tiến vào Yêrusalem và phá hủy cả thành lẫn đền thờ. Những lời tiên tri bi thảm của Yêrêmia và những bạn đồng nghiệp của ông đã ứng nghiệm "Ngày của Yavê" lại đến, cái ngày phán xử công minh. Tội lỗi của Yuđa đã kéo hình phạt từ trời xuống ; không có cách nào khác để ngăn chận những sự đồi trụy của nó và đưa nó về con đường thống hối. Yêrêmia đau nát lòng khi thấy thành của Ðavít và đền thờ đều hóa thành những đống gạch vụn. Khi mà được phép chọn lựa, hoặc sống cách vinh dự, ở Babilon nơi người Yuđa đang bị lưu đày, hoặc ở lại giữa cảnh điêu tàn của Yuđa, ông đã chọn cách thứ hai này. Nhưng ngay cả ở đó, cụ già Yêrêmia cũng không hưởng được an bình và nghỉ ngơi. Người bạn của ông, Gôđôlia, mà người Babilon đã đặt lên để cai trị những người Yuđa không bị đưa đi lưu đày, đã bị ám sát. Sợ quân Babilon trả thù, các bạn bè của Yêrêmia liền trốn sang Aicập, mặc dù ông hết sức can ngăn, thế rồi ông buộc lòng phải đi theo họ và ở đó trên dãi đất mà Môsê đã giải thoát dân chúng độ 650 năm về trước, Yêrêmia lại đau khổ thêm khi thấy những đồng bào Yuđa của ông hăm hở bái sùng những ngẫu tượng của địa phương đó. Khi vị tiên tri này khiển trách họ, thì họ trả lời như sau :

 

"Về lời ông nói với chúng tôi nhân Danh Yavê, chúng tôi không nghe ông đâu, song le chúng tôi quyết thi hành cho trọn vẹn lời đã xuất từ miệng chúng tôi, là huân yên kính đức thiên nữ vương, và dâng rượu tế kính bà, như chúng tôi đã làm. Chúng tôi, cha ông chúng tôi, các vua và các vương công của chúng tôi, trong các thành Yuđa và nơi các phố phường Yêrusalem ; bấy giờ chúng tôi được ăn bánh no nê, được sung sướng và hết phải thấy tai họa. Nhưng từ khi chúng tôi thôi không huân yên kính đức thiên nữ vương và dâng rượu tế kính bà, chúng tôi đã phải thiếu thốn mọi sự, và đã tiệt dân vì gươm, vì đói" (44, 16 - 18).

 

Tình trạng cuối cùng cuộc đời Yêrêmia là như thế đó. Ông chết đi giữa sự thất bại hoàn toàn dưới mắt thế gian. Ông đã làm việc rất vất vả, chịu đau khổ rất nhiều và đã thành công rất ít. Chỉ trong những năm sau khi ông chết, khi người Yuđa bị đày ở bên Babilon, nhìn lại số phận của mình và những lời rao giảng của Yêrêmia, thì con người đặc biệt này mới bắt đầu được quý chuộng. Những điều ông viết ra đều được bảo quản, sứ điệp của ông được nghiên cứu và những lời giảng dạy của ông được áp dụng.

 

Nội dung những điều Yêrêmia đã giảng dạy, nói cách ngắn gọn, là như thế nào ?

 

Sự bái sùng ngẫu tượng lan tràn, đó là điều gai mắt nhất trên đất Yuđa. Khi Yoakhin lên ngôi năm 609 trước TCGS, những hiệu quả tốt lành do công trình cải cách của vua cha Yôsya của ông, đều bị bỏ rơi. Những thần ngoại giáo được bái thờ khắp nước Yuđa, ngay cả trong đền thờ. Sự bắt trẻ con làm lễ vật thiêu sinh lại bắt đầu ở thung lũng Hinnom, ngay phía nam Yêrusalem. Yuđa cũng áp dụng chính những hình thức tôn giáo đồi bại đã khiến cho Israel bị Thiên Chúa trừng phạt. Bàn tay công minh của Thiên Chúa không thể ngăn chận được nữa.

 

"Phải chăng các ngươi không trông thấy chúng làm gì trong các thành Yuđa, và nơi các phố phường Yêrusalem ? Con cái lượm củi, các ông bố nhóm lửa, các bà vợ nhồi bột làm oản kính thiên nữ vương ; đoạn chúng chước tửu tế kính các thần khác . Dân chúng Yuđa đã làm sự dữ trước mắt Ta - sấm của Yavê - chúng đã đặt những đồ nhờm tởm của chúng trong nhà trên đó Danh Ta đã được kêu khấn, để làm cho nhà ấy ra nhơ uế. Chúng đã xây cao đàn Tôphet trong thung lũng Ban-Hinnom, để hỏa thiêu con trai, con gái chúng . (7, 17 - 18 ; 30 - 31).

 

Thứ tôn giáo chỉ vụ hình thức cũng lan tràn một cách ngấm ngầm như ung thư trên khắp nước Yuđa. Chúng ta đã thấy Yêrêmia từng lên tiếng tố cáo mạnh mẽ Yuđa đã tin cậy quá ở sự hiện diện của đền thờ Yêrusalem. Họ tin tưởng rằng mình là dân Thiên Chúa, là con cháu Abraham, cũng quá đáng và quá tự đắc. Ðiều Thiên Chúa đòi hỏi, theo lời Yêrêmia, là sự cắt bì thiêng liêng, là sự dâng hiến lòng và tai để hiểu ý muốn cũa Thiên Chúa và tuân theo.

 

"Hãy cắt bì sùng bái Yavê, hãy cắt bì lòng các ngươi, hỡi người Yuđa và dân cư Yêrusalem, đừng để phẫn nộ của Ta như lửa phóng ra, nó bốc cháy mà không ai có tài dập tắt vì những hành vi ngang trái của các ngươi" (4, 4).

 

"Với ai tôi phải nói, phải đoan chứng để họ nghe cho ? Này tai chúng, tai không cắt bì, chúng không thể nào chú ý được, này lời Yavê đã nên trò cười đối với chúng, chúng không màng tới" (6, 10).

 

Nhiều thế kỷ về sau, thánh Phaolô cũng nhấn mạnh chân lý đó : "Vì chúng ta mới là giới cắt bì, hạng người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí" (Ph. 3, 3).

 

Tuy nhiên sứ điệp quan trọng nhất của Yêrêmia là sứ điệp nói về Giao Ước mới mà Thiên Chúa sẽ thiết lập. Sách Yêrêmia không phải chỉ toàn là cảnh cáo, là hô hào trật tự, hay nghiêm khắc tố cáo tội ác. Nó cũng còn chứa đựng vài đoạn đầy an ủi nhất trong bộ sách các tiên tri. Các chương 30 - 31 là cao đỉnh thiêng liêng tuyệt vời của sấm Yêrêmia, và là cái nhìn trực tiếp của Yuđa về một tương lai sẽ được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Yêrêmia nói về Giao Ước Mới sẽ đến, về tôn giáo mới trong tâm hồn và thành thật bên trong. Thật vậy, lời tiên tri này hết sức quan trọng trong lịch sử cứu độ đang biến chuyển. Giao ước thời Môsê ràng buộc Israel với Thiên Chúa của họ một cách thật là tốt đẹp. Giao ước thời Ðavít mà Nathan đã loan báo, nhấn mạnh vào vai trò trọng tâm của vị Vua dòng dõi Ðavít ; Vua ấy sẽ là Con của Thiên Chúa và một ngày nào đó sẽ có một vương quốc phổ bác và vĩnh cửu. Nhưng Israel đã không trung thành lời giao ước với Thiên Chúa của họ và đã lập nhiều đền thờ để tế các tà thần dân ngoại. Bởi đó, giao ước này bị hủy bỏ. Lời hứa cũa Yêrêmia về một Giao Ước Mới là một loạt mũi tên khác nhằm vào tôn giáo mới, lời Giao Ước Mới này sẽ được bảo chứng bằng Máu Chúa Kitô (1C. 11, 25), Ngài là Môsê mới và là Con Vua Ðavít.

 

"Này sẽ đến những ngày - sấm cũa Yavê - Ta kết với nhà Israel và nhà Yuđa, một Giao Ước Mới, không phải như Giao Ước Ta đã kết với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay chúng để đem chúng ra khỏi đất Aicập. Chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dù Ta là Chúa tể của chúng - sấm của Yavê - Ta sẽ đặt luật của Ta vào bên trong chúng và Ta sẽ viết lên tim lòng chúng ; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng ; còn chúng, chúng sẽ là Dân của Ta (31, 31 - 33).

 

Lời rao giảng của Yêrêmia là lời cảnh cáo cuối cùng cho dân chúng thời ông. Ðó là điều rõ rệt nhất. Tiếng nói của ông là tiếng cuối cùng của Thiên Chúa nói với dân Yuđa. Nếu nó không được tôn kính và vâng phục, thì nhất định tai họa sẽ đến.

 

"Hãy nghe và hãy lắng tai, đừng có tự cao tự đại, vì Yavê phán. Cho Yavê Thiên Chúa của các ngươi, hãy dâng kính vinh quang trước khi tời tối, trước khi chân các ngươi vấp rặng núi lẫn vào nhá nhem. Các ngươi trông còn sáng, nhưng người sẽ đổi thành u minh, biến ra mù tối.

Nhược bằng các ngươi không nghe, trong âm thầm hồn Ta chỉ còn biết khóc sự kiêu mạn của các ngươi và mắt Ta nhỏ lệ, vì đàn chiên của Yavê bị dẫn đi đày" (13, 15 - 17).

 

Yêrêmia đã tặng cho Yuđa một cơ hội may mắn cuối cùng, cũng như Amos và Hôsê đã làm cho Israel, nhưng cơ hội này đã bị khước từ. Lời kêu mời của Thiên Chúa bị khinh chê và tiên tri của Ngài bị nhạo cười. Vì thế năm 587 trước TCGS, người Babilon đã hủy diệt cả thành lẫn đền thờ và đưa dân chúng đi đầy sang Babilon.

 

Chuỗi những biến cố lịch sử nằm sau cái án phạt cuối cùng này thật là quan trọng, nhưng chúng ta không thể làm được gì hơn là chỉ phát họa nó trong việc nghiên cứu nhanh chóng của chúng ta về sự cứu độ. Ðế quốc Assyri nắm quyền kiểm soát miền cận đông trong vòng độ 300 năm, bắt đầu suy yếu vào nửa thế kỷ thứ bảy trước TCGS. Nó bị sụp đổ trước sự tấn công của quân Babilon và quân Mêđê năm 612 trước TCGS. Ninivê, thủ đô đáng kính của nó, đã bị hủy diệt và những tàn quân của Assyri tập hợp tại Haran để cố thủ một cách vô hiệu. Chính vào lúc này, năm 609, vị vua anh minh Yôsya bị giết trong khi ông cố gắng ngăn chận quân lực Aicập kéo họ tiến về phía bắc tiếp viện cho quân Assyri.

 

Ít lâu sau, năm 605 trước TCGS, Nabukôđônosor lên ngôi ở Babilon, lúc bấy giờ hùng cường nhất thế giới, Yuđa bị bắt nộp triều cống cho ông. Mỗi lần Yuđa bỏ qua nhiệm vụ đó, ông liền gửi quân đội sang để sửa sai. Vị vua Yuđa lúc đó là Yoakin, vừa mới thay thế vua cho Yoakhim, bị bắt đưa sang Babilon cùng với một số người ưu tú của Yêrusalem, vào khoảng năm 598.

 

Yoakin bị lưu đày được Sêđêqya kế vị, ông này là vị vua cuối cùng của Yuđa, là một con người thiếu cương quyết. Khi Aicập, Tyrô và Ammon ép buộc ông liên minh với họ để chống lại Babilon, ông đã quên lời khuyến cáo của Yêrêmia và đã liên kết với họ. Quân Babilon tức giận tràn xuống. Cuộc bao vây thành Yêrusalem bắt đầu năm 588 và kéo dài trong 18 tháng tàn nhẫn. Cuối thời gian đó, người Yuđêa bị vây chặt trong thành, phải điên khùng và ốm yếu vì đói khát và bệnh tật. Năm 587, tường lũy bị phá vỡ. Vua Sêđêqya chạy trốn vào sa mạc về phía đông, nhưng đã bị bắt gần Yêrikhô và bị nộp cho Nabukôđônosor đang ở trong tổng hành dinh của ông tại Ribla. Các con trai của ông bị giết trước mặt ông, rồi người ta móc mắt ông. Ðiều mà ông được trông thấy lần cuối cùng là máu của các con ông chảy ra. Rồi người ta xiềng ông lại để đưa đi lưu đày sang Babilon.

 

"Tháng Mười năm thứ Chín đời vua Sêđêqya, vua Yuđa, Nabukôđônosor, vua Babilon và tất cả quân binh của ông, đến Yêrusalem và đã vây thành. Mồng Chín tháng Tư, năm Mười Một, đời Sêđêqya, thành bị công phá .

Tất cả các tướng lãnh của vua Babilon đi vào và đặt bản doanh ở cổng giữa .

Vừa thấy thế, Sêđêqya, vua Yuđa, và tất cả binh lính bỏ chạy và ra khỏi thành ban đêm theo hướng con đường ngự uyển, qua cổng giữa hai lũy. Vậy ông đã ra theo con đường đến hoang-giao. Quân Kan-đa đuổi theo sau họ và chúng đã đuổi kịp Sêđêqya trong vùng hoang giao Yêrikhô. Chúng đã bắt ông và điệu đến Nabukôđônosor, vua Babilon ở Ribla trong đất Khamat và vua Babilon đã tuyên án trên ông. Vua Babilon đã cho hạ sát ở Ribla các con của Sêđêqya trước mắt ông. Vua Babilon cũng cho hạ sát tất cả hàng thân hào Yuđa. Ðoạn vua đã đâm mù mắt Sêđêqya và cho xiềng ông lại bằng hai xích đồng để điệu về Babilon" (Yr. 29, 1 - 7).

 

Nơbuzarađan, hồng lô tự khanh, quan hầu cận của vua Babilon, được sai đi hủy diệt thành Yêrusalem. Cả quốc gia lẫn tôn giáo của Israel đều cáo chung. Tôi lỗi đã để lại những hậu quả tàn hại biết bao ! Vương quốc bị tiêu tan, kinh thành bị phá hủy, đền thờ bị bình địa !

 

"Mồng Mười tháng Năm. Nơbuzarađan, hồng lô tự khanh, quan hầu cận trước mặt vua Babilon đến Yêrusalem. Ông đã đốt nhà của Yavê, cung điện nhà vua và tất cả các nhà ở Yêrusalem ; mọi ngôi nhà to lớn đều bị lửa thiêu hủy. Quân lính Kanđu dưới quyền quan hồng lô tự khanh, đã triệt hạ tất cả các tường lũy quanh Yêrusalem.

Dân còn sót lại trong thành, những người đã đào ngũ theo vua Babilon và những thợ thuyền còn lại, thì Nơbuzarađan hồng lô tự khanh đã bắt đi đày. Còn lê dân trong xứ, Nơbuzarađan hồng lô tự khanh đã giữ lại để trồng nho và canh tác.

Quân Kanđu đập bể các trụ đồng nơi nhà Yavê, các giá chở vạc và biển đồng trong nhà Yavê, mà lấy đồng đem về Babilon. Họ cũng lấy cả nồi niêu, xẻng, bình tưới, quán tôn, đĩa bát và tất cả những gì bằng vàng bằng bạc. Hai cột trụ, một biển đồng và 12 con bò bằng đồng ở bên dưới cái giác chở vạc vua Salômon đã làm cho nhà Yavê. Ðồng của tất cả các đồ vật ấy thật vô lường . Vậy Yuđa đã bị đày xa đất đai của họ (Yr. 52, 12 - 28).


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà