PARAKLÊTOS - THẦN KHÍ SỰ THẬT

Đức Cha Giuse Võ Đức Minh giúp chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của từ “Paraklêtos”, mà Tin Mừng IV dùng để gọi Chúa Thánh Thần.

 

 

A.   NGUỔN GỐC VÀ Ý NGHĨA TỪ NGỮ :  PARAKLÊTOS - THẦN KHÍ SỰ THẬT


Trong Tân Ước và kể cả toàn bộ Kinh Thánh, chỉ có năm lần từ ngữ "Paraklêtos" được gợi ra, và Thánh Gioan là tác giả duy nhất đã xử dụng từ ngữ này (Ga 14, 16. 26 ; 15, 26 ; 16, 7. 13 ; 1Ga 2, 1). Thường người ta vẫn hiểu Paraklêtos là tên riêng chỉ Thánh Thần, nhưng đúng hơn đây là hoạt động của Thánh Thần : an ủi, phù trợ, bảo trợ, tôn sư, hướng đạo.


Các bản dịch Kinh Thánh dịch từ ngữ này rất khác nhau : "Đấng Bầu Chữa" (cha Nguyễn Thế Thuấn) ; "Đấng Bảo Trợ" (Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ) ; "Đấng Phù Trợ" (bản văn trong các bài đọc) ; bản văn tiếng Latinh thì gọi là "Paraclitus" ; các bản văn khác thường dùng lại tiếng "Paraclitus, Paraclet, Advocate, Counselor ...". Có lẽ đúng nhất là giữ nguyên từ "Paraklêtos", rồi tùy chỗ, tùy văn mạch mà hiểu là Đấng Bảo Trợ, Đấng Bầu chữa, Vị Tôn Sư hay Người Hướng Dẫn... Thánh Thần được ban để, đối với những người yếu đuối thì Ngài là Đấng Bảo Trợ; đối với người cần thông hiểu thì Ngài là Vị Tôn Sư; đối với người bối rối thì luôn được Ngài bảo vệ và bênh đỡ; đối với Vai trò hay hoạt động của Chúa Thánh Thần rất đa diện. Chính vì lẽ đó mà Thánh Gioan sử dụng từ ngữ rất chuyên môn là "Paraklêtos".


Nghiên cứu nguồn gốc từ ngữ, tìm hiểu hoạt động của Đấng là Paraklêtos và đặt trong bối cảnh mạch văn của bài diễn từ cáo biệt, là bối cảnh mà Chúa Giêsu đã nói về Đấng Paraklêtos, chúng ta sẽ hiểu tại sao Chúa Giêsu không gọi đích danh là Chúa Thánh Thần mà lại chỉ nói về Thần Khí Sự Thật, hoặc có khi nói đến Thánh Thần trong chức năng của Người là Paraklêtos.


Bản văn thứ nhất (Ga 14,16): Chúa Giêsu nói với các môn đệ : "Ta sẽ xin (sẽ khẩn nài) với Cha, và Người sẽ ban cho các ngươi một Đấng Bầu Chữa khác (Paraklêtos), để Ngài ở với các con luôn mãi". Nói đến một Đấng Bầu Chữa khác, có nghĩa là đã có một Đấng Bầu Chữa rồi.


Bản văn thứ hai (14,26):"Đấng Bầu Chữa khác (Paraklêtos), Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, chính Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự, và sẽ nhắc cho các ngươi nhớ lại mọi điều Ta nói với các ngươi".


Bản văn thứ ba (15,26):"Khi Đấng Bầu Chữa khác (Paraklêtos) đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí Sự Thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta".


Bản văn thứ tư (16,7-8) : "... vì nếu Ta không ra đi, thì Đấng Bầu Chữa khác (Paraklêtos) không đến với các ngươi ; còn nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến với các ngươi. Và Ngài đến, Ngài sẽ bắt lỗi thế gian về tội, về sự công chính, về án xử".


Bản văn thứ năm (Ga 16,13) : "Song khi nào Ngài (Paraklêtos) đến, vì là Thần Khí Sự Thật, Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật". Bản văn không nêu đích danh Paraklêtos , nhưng sử dụng đại danh từ Ekeinos (= Ngài).


Như thế trong Tin Mừng Gioan có bốn chỗ nêu đích danh Paraklêtos, và chỗ thứ năm dành một đại danh từ (Ekeinos) với nghĩa là Paraklêtos. Ở 4 đoạn trước, với những hoạt động rõ ràng, chúng ta thấy Chúa Giêsu xác định Thánh Thần là Paraklêtos ; nơi đoạn thứ năm, khi đi vào mầu nhiệm hiệp thông giữa Cha - Con - Thánh Thần, thì Đấng đó được ám chỉ (Ngài = Ekeinos) chứ không còn được nêu danh ; Ngài ẩn sâu như thể kéo chúng ta vào trong huyền nhiệm. Có thể nói, có một điều gì đó chúng ta như chạm tới, nhưng không cách nào nắm được, khôn phương đạt đáo. Đây là đỉnh cao hoạt động của Thánh Thần, Ngài sẽ đưa chúng ta đến chỗ am tường mọi điều về sự thật, tức là mạc khải của Thiên Chúa, để chúng ta hiểu Chúa Con là ai, Chúa Cha là ai. Vai trò của Paraklêtos ở đây là đưa chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.


Trong 1Ga 2, 1 : "Nếu ai (trong chúng ta) trót phạm tội, (thì này), ta có Đấng Bầu Chữa (Paraklêtos) nơi Cha, Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính", tác giả Gioan xác định Paraklêtos là Đức Giêsu Kitô trong tư cách là Đấng Công Chính.


Như thế Paraklêtos không phải là tên riêng của Chúa Thánh Thần cho bằng nói lên chức năng hoạt động của một Đấng mà Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu và Chúa Giêsu đã khẩn nài Chúa Cha ban cho các môn đệ. Đàng khác Paraklêtos cũng là Đấng mà Chúa Giêsu sai đến với chúng ta.


Theo cha Raymond E. Brown PSS : "Đấng Paraklêtos là Đấng tiếp nối sự nghiệp của Vị tiền nhiệm, ở đây Thánh Thần tiếp nối sự nghiệp của Đức Giêsu tương tự như Giôsua tiếp nối sự nghiệp của Môsê. Vì thế, Paraklêtos là Đấng "Alter-ego" của Đức Giêsu. Ngài hiện diện thay cho Đức Giêsu khi Người vắng mặt". Ta có thể thấy Đấng Paraklêtos luôn luôn có mặt, nhưng chỉ phát huy quyền của Ngài khi Đức Giêsu vắng mặt. Hệ luận của việc gọi Thánh Thần là Alter-ego của Đức Giêsu cho thấy Ngài luôn luôn làm theo ý Đức Giêsu, giúp cho người ta yêu mến Đức Giêsu, đến với Đức Giêsu và chính Ngài làm mọi sự nhân danh Đức Giêsu. Thánh Thần không là cái bóng của Đức Giêsu, nhưng là Đấng toàn quyền và đặc biệt phát huy quyền mình khi Đức Giêsu vắng mặt (Cần lưu ý, đây chỉ là cách giải thích mà các nhà chuyên môn giúp chúng ta hiểu, chứ chưa phải là tiếng nói của giáo quyền).


Theo nguyên tự, Paraklêtos là một từ Hy Lạp do tiếng Para-klêtos bởi động từ là parakalein, có nghĩa là gọi đến gần bên, gọi ai đến gần, xin điều gì, khẩn nài, khuyến dụ-an ủi. Dịch sang tiếng Latinh thường là Advocatus có nghĩa là Vị Trạng Sư, Đấng Bầu Chữa, Đấng Biện Hộ, Đấng Bảo Vệ, Đấng An ủi, Vị Cố Vấn....


Trở lại với nguồn gốc từ ngữ Paraklêtos, một trong những tác giả thời Tân Ước, ông Philon (thế kỷ II) đã sử dụng từ ngữ paraklêtos như là vị trạng sư hay người bầu chữa trong khung cảnh toà án, thuần về nghĩa pháp đình. Trong một vụ kiện liên quan đến nhân vật tên là Caius, Philon đã nêu ra ý kiến là cần đến một paraklêtos, nghĩa là một vị trạng sư để giúp cho Caius được thuận lợi hơn. Trong một phiên toà, nếu có được vị trạng sư giỏi thì không những giúp cho bị cáo được vững vàng mà có khi còn đem lại trắng án. Với chứng từ của Philon, Paraklêtos là từ ngữ chuyên môn của lãnh vực pháp đình.


Bản LXX dịch Cựu Ước, không thấy có từ paraklêtos ; chỉ có từ paraklêtores trong Is 40, 1 với nghĩa là an ủi : "Hãy an ủi, an ủi dân Ta".


Trong môi trường Dothái-giáo, đặc biệt nơi giới Rabbi, lại cũng không dịch chữ paraklêtos : họ đọc trại ra tiếng Dothái thành praqlit, praqlita nghĩa là giữ nguyên các phụ âm của paraklêtos (prqlt) để xử dụng trong các nguyên tự Do thái với nghĩa là trạng sư (khác với người cáo tội).


Rabbi Ben Jacop (khoang 150) viết : "Ai tuân giữ giới răn cách hoàn hảo thì có được một Đấng praqlit" nghĩa là ai giữ luật thì tự người đó sẽ có một đấng bầu chữa cho mình, còn ai lỗi luật thì phải đối diện với vị buộc tội và đấng đó không phải là paraklêtos. Hành vi sám hối, bác ái và đền tội là khiên thuẫn chống lại hình phạt.


Bước sang lãnh vực tôn giáo, Philon cho chúng ta những chứng cớ sống động trong tác phẩm "De exsecrationibus". Tác giả cho thấy mình có ba đấng Paraklêtos xuất hiện trước Chúa Cha : - lòng nhân hậu của Chúa Cha ; - sự thánh thiện của các tổ phụ ; - việc tu thân tích đức của mỗi người.


Tiến sang lãnh vực cử hành phụng tự, theo luật Do thái-giáo, mỗi ngày người ta sát tế hai con chiên ở đền thờ và hai con chiên này cũng được gọi là paraklêtos với nghĩa là đền tội.


Như thế trên bình diện từ ngữ, hai ý nghĩa căn bản của Paraklêtos : trạng sư chuyển cầu (x. câu chuyện của Abraham trong St 18,16t). Ngoài ra, trong 1Ga 2,1 Đức Giêsu được gọi là Đấng Paraklêtos do việc Người đổ máu ra làm Đấng xá tội; nên Paraklêtos có nghĩa thứ ba là Đấng xoá tội con người.


Như vậy, Paraklêtos trong Phúc âm Thánh Gioan là một từ ngữ chuyên môn của riêng Tin Mừng thứ tư hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú, không vay mượn từ bất cứ nguồn nào (các giáo phụ vẫn gọi tác phẩm của Gioan là do Chúa Thánh Thần viết bằng ngòi bút của Gioan).


B. ĐẤNG PARAKLÊTOS VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀI


Trong văn bản Do thái, hoạt động của Đấng Paraklêtos (dịch từ tiếng Do thái nikhan) có nghĩa là an ủi. Khi đối chiếu hoạt động của Chúa Thánh Thần trong vai trò Paraklêtos với các bản văn của Isaia đệ nhị. Nơi các bản văn này, Paraklêtos có nghĩa là an ủi, xoa dịu, làm nhẹ nhàng, nâng đỡ. Đàng khác, Is (43,10 và 12) nêu ra vụ kiện giữa Thiên Chúa chống lại các ngẫu thần, trong đó nhà Tiên Tri giới thiệu Israel như là chứng nhân của Thiên Chúa. Trong Gioan (16,8-11), Đấng Paraklêtos tố cáo thế gian và nại đến các môn đệ Chúa Giêsu trong vai trò chứng nhân (15,26t).


Như vậy, hành vi chuyên biệt của Đấng Paraklêtos trước hết là an ủi, thúc đẩy Dân Chúa can đãm, tin tưởng để vượt qua những khó khăn, thử thách, chướng ngại và sau nữa là biện hộ, làm chứng, chỉ dạy...


Ngài là Đấng Paraklêtos vì Ngài là Chứng Nhân đồng thời là Thầy Dạy trong vụ kiện giữa Đức Giêsu với thế gian. Ngài là Thần Khí Sự Thật (Ga 14,17 ; 15,26 ; 16,13). Các giáo phụ đã chuyển dịch từ ngữ Paraklêtos thành những hoạt động của Vị Trạng Sư (Advocatus, Tertullien) ; Đấng An ủi (Consolator, Hilario) hay theo cả hai nghĩa (Advocatus-Consolator, Augustinô), vài bản dịch Latinh cổ thêm từ ngữ :  Paraclitus.

 

C. MẠCH VĂN DIỄN TỪ CÁO BIỆT (GA 14-16)


Khi đọc lại trong mạch văn diễn từ cáo biệt, chúng ta sẽ thấy điều này : rõ ràng Thánh Gioan đặt một bên là Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và bên kia là thế gian. Khung cảnh là Nhà Tiệc Ly sau khi Giuđa ra đi. Lúc ấy Chúa Giêsu mới nói diễn từ cáo biệt. Như vậy diễn từ cáo biệt là lời của Vị Thầy dành riêng cho các môn sinh của mình, từ thế hệ này đến thế hệ khác, khi Ngài nhìn về tương lai (và cũng là tương lai rất xa) mà trong đó vai trò chủ đạo đối với các môn đệ, với tất cả Hội Thánh, chính là Paraklêtos ... Vai trò của Chúa Thánh Thần quan trọng đến độ không thể thay thế được đối với Hội Thánh sau khi Chúa Giêsu được tôn vinh cho tới lúc Ngài trở lại. Đặt trong mạch văn diễn từ cáo biệt, chúng ta hiểu rõ hơn chỗ đứng và vai trò của Chúa Thánh Thần mà Thánh Gioan gọi là Paraklêtos.


Trong diễn từ cáo biệt, điều quan trọng là vấn đề kế vị đồng thời là viễn tượng tương lai của dòng tộc, của môn phái... Tương tự như Môsê trong các chương cuối sách Thứ Luật, trong đó diễn từ thứ nhất ôn lại lịch sử của Dân Chúa, diễn từ thứ hai vừa ôn lại lịch sử vừa nói đến tương lai của toàn dân khi tiến vào Hứa Địa. Môsê nhấn mạnh đến sự trung thành của Thiên Chúa và nhắc nhở dân trung thành với Giao Ước và truyền thống của cha ông. Chúng ta cũng tìm thấy trong văn chương Dothái-giáo rất nhiều loại diễn từ cáo biệt (có thể đây là điểm đặc biệt của dân tộc Dothái vì họ tựa vào sự trường tồn của hậu duệ các tổ phụ), như "Sách về các ngày lễ" hay "Lời trối của 12 tổ phụ"... (x. St 49 về diễn từ của Giacóp).


Điểm khác biệt giữa diễn từ Do thái-giáo và diễn từ cáo biệt trong Tin Mừng Gioan là : Các diễn từ Do thái-giáo quy về Lề Luật (Torah), còn diễn từ cáo biệt trong Gioan 14-16 quy về Đức Giêsu.


Trong diễn từ của Đức Giêsu có xen lẫn lời loan báo sự trở lại của Ngài và việc ban Đấng Paraklêtos. Vậy Đức Giêsu hoạt động nhờ Đấng Paraklêtos như thế nào ?

 

 

 Ðấng Paraklêtos

 

Ðức Giêsu

Ga 14,16

Do Chúa Cha ban

Ga 3,16

14,16tt

ở với, ở bên các môn đệ
ở trong các môn đệ

13,16
14,20

14,17

thế gian không nhận, không biết
các môn đệ biết, nhận

1,11 ; 5,43
12,48

14,16

do Chúa Cha sai đến

5 ; 7 ; 8 ; 12

14,26

giảng dạy

7,14 ; 8,20 ; 18,18

15,26

làm chứng

5,31 ; 8,13 ; 18,37

16,8

bắt lỗi thế gian

3,19 ; 9,41 ; 15,22

16,13

không tự mình nói
nhưng nghe gì thì nói ra

7,17 ; 8,26 ...

16,13

loan báo điều sẽ đến

4,25

16,13

đưa vào tất cả sự thật

1,17 ; 14,6 ; 18,37


Như thế, hoạt động của Đấng Paraklêtos rất đa dạng và tự do, cốt để hiệp thông các môn đệ với Chúa Giêsu và Chúa Cha. [Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến (apostelein), Ngài sống vâng phục và khiêm hạ ; còn Thánh Thần được trao gửi (pempein), Ngài đưa vào hiệp thông].


Qua diễn từ cáo biệt, trong bối cảnh Giuđa đã rời Nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu như thể nói với các môn đệ về tương lai Hội Thánh sau này. Có ba lần Ngài nhắc đến việc Ngài sẽ ra đi (13,23 ; 14,19 ; 16,16), rồi bầu khí đầy ưu tư xao xuyến của các môn đệ vì họ sẽ phải đối diện với quyền lực thế gian, cùng với hình ảnh cây nho và cành nho trong Ga 15, càng làm cho các môn đệ thấy viễn ảnh một số trong họ sẽ tách lìa với thân cây ... Nhưng nếu được lãnh nhận Đấng Paraklêtos thì họ sẽ có được bình an, va hơn thế nữa, còn được chính Thiên Chúa ngự trong tâm hồn mình.

                                                                  
Gm Giuse Võ Đức Minh

 

nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh HĐGMVN

http://www.kinhthanhvn.org


Tr Ve Trang Muc Luc Kinh Thanh