PARAKLETOS, CHÚA THÁNH THẦN

Kính mời quý bạn đọc tiếp tục tìm hiểu về “vai trò của Chúa Thánh Thần” với ĐC Giuse Võ Đức Minh.

 

Thánh Gioan để lại cho Hội thánh 5 bản văn vô cùng quý giá về Chúa Thánh Thần.

* Bản văn thứ nhất (Ga 14,16): Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Ta sẽ xin (sẽ khẩn nài) với Cha, và Người sẽ ban cho các ngươi một Đấng Bầu Chữa khác         (Paraklêtos), để Ngài ở với các ngươi luôn mãi”

* Bản văn thứ hai (14,26): “Đấng Bầu Chữa khác (Paraklêtos) , Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, chính Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự, và sẽ nhắc cho các ngươi nhớ lại mọi điều Ta nói với các ngươi".

* Bản văn thứ ba (15, 26): “Khi Đấng Bầu Chữa khác (Paraklêtos) đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí Sự Thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta".

* Bản văn thứ tư (16, 7-8) : “... vì nếu Ta không ra đi, thì Đấng Bầu Chữa khác (Paraklêtos) không đến với các ngươi ; còn nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến với các ngươi. Và Ngài đến, Ngài sẽ bắt lỗi thế gian về tội, về sự công chính, về án xử".

* Bản văn thứ năm (Ga 16, 13) : “Song khi nào Ngài  đến, vì là Thần Khí Sự Thật, Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật” (Bản văn không nêu đích danh Paraklêtos, nhưng sử dụng đại danh từ Ekeinos = Ngài).

1.Đấng Bầu Chữa ở với các ngươi luôn mãi ! (Ga 14, 16)


Chúa Giêsu nói với các môn đệ :  “Ta sẽ xin (sẽ khẩn nài) với Cha, và Người sẽ ban cho các ngươi một Đấng Bầu Chữa khác (Paraklêtos), để Ngài ở với các ngươi  luôn mãi” (Ga 14,16):

Đoạn văn nầy giới thiệu Chúa Thánh Thần hiện diện ở giữa các môn đệ như Đấng An ủi (Consolator).

Điểm đáng lưu ý ở đây là Chúa Giêsu giới thiệu Chúa Thánh Thần trong tư cách một Đấng Paraklêtos khác ; như vậy phải hiểu là các môn đệ đã có một Đấng Paraklêtos rồi, Đấng nầy được thư thứ nhất Gioan chỉ rõ là chính Đức Giêsu :  Hỡi anh em, những con thơ bé, tôi viết điều nầy để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai trót phạm tội, thì này, ta có Đấng Bầu chữa (Paraklêtos) nơi Cha, là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công chính” (1 Ga 2, 1). Chúa Giêsu đã xuất hiện trong tư cách là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Chuộc loài người, và Ngài thể hiện tư cách đó đối với các môn đệ dưới hoạt động của một Đấng Paraklêtos. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn thường hiểu Đấng Paraklêtos chỉ về Chúa Thánh Thần, nhưng trong mạch văn này, Đấng Paraklêtos phải hiểu về chính Chúa Giêsu, Đấng an ủi, phù trợ, bảo vệ và hướng dẫn các môn đệ; nói tắt, tất cả những hoạt động mà sau này Chúa Thánh Thần sẽ làm thì Chúa Giêsu đã làm trước. Như vậy, rõ ràng bao lâu còn hiện diện nơi trần gian với các môn đệ, thì Chúa Giêsu đóng vai Đấng Paraklêtos. Ngài không chịu để mất một người nào. Ngài luôn luôn bảo vệ môn đệ [xt. Câu chuyện tại vườn Cây Dầu trong Ga 18, 1t, như xưa kia Môsê bảo vệ Dân Chúa trong hành trình sa mạc, trước mặt người đời và trước toà Thiên Chúa (Đấng chuyển cầu), x. Xh 32, 11. 30 : dù chính mình không chạy theo ngẫu tượng, không phạm tội như đoàn dân trong cuộc hành trình sa mạc, nhưng mỗi khi đến trước mặt Thiên Chúa, Môsê không bao giờ cáo tội anh em mình...]. Giờ đây, vào lúc sắp ra đi, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về Đấng tiếp nối Ngài là Đấng Paraklêtos khác, Đấng sẽ thay thế Ngài, mặc lấy tâm tình của Ngài. Đấng Paraklêtos khác là Đấng "Alter-ego" của Đức Giêsu sẽ hoàn toàn trung thành với sứ mạng của Ngài. Đấng Paraklêtos khác ấy là Đấng luôn ở với các môn đệ, tương tự như Đức Giêsu yêu các môn đệ cho đến cùng (x. Ga 13, 1). Điều này bù đắp cho việc Đức Giêsu sắp ra đi. Đấng Paraklêtos là Thần Khí Sự Thật, là Đấng mạc khải Chúa Giêsu. Sự thật trong Gioan là chính Chúa Giêsu, mầu nhiệm Con Thiên Chúa trong vai trò cứu thế. Mầu nhiệm Sự Thật hướng tới hai đối tượng : các môn đệ và thế gian. Thế gian không thể lãnh nhận Thánh Thần vì thế gian không thấy và không biết Chúa Giêsu : “Ví mọi sự có trong thế gian – đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt, và kiêu hãnh về của cải -  (các điều  ấy) không do tự Cha, nhưng là do tự thế gian mà có “ (x. 1 Ga 2, 16. Thế gian chỉ coi là thật điều nó chạm tới và hưởng thụ, nên vô phương lãnh hội mạc khải của Chúa Giêsu (Ga 1, 10 ; 8, 23...). Do đó, thế gian coi là hư ảo điều Thiên Chúa thông ban cho con người như mầu nhiệm Thiên Chúa, ân sủng, đức tin, lời hứa sự sống đời đời... Đối ngược lại với thế gian, các môn đệ của Chúa Giêsu được Thần Khí Sự Thật tác động nên mới có thể biết và lãnh hội mầu nhiệm Chúa Giêsu. Người môn đệ của Chúa Giêsu không thể yêu mến Chúa Giêsu, nếu không có Thần Khí Sự Thật.


2
. Đấng Bầu Chữa sẽ dạy các ngươi mọi sự (Ga 14, 26)

"Đấng Bầu Chữa khác (Paraklêtos) , Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, chính Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự, và sẽ nhắc cho các ngươi nhớ lại mọi điều Ta nói với các ngươi" (Ga 14, 26).

Đấng Paraklêtos là Vị Thầy, là Tôn Sư !

Gợi lên hai thời kỳ của Mạc Khải : - thời Chúa Giêsu ở với các môn đệ ; - thời Chúa Giêsu ra đi, để lại cho Thánh Thần tiếp tục hiện diện. Trong thời kỳ sau, Thánh Thần với nhiệm vụ Thầy Dạy, tôn vinh Chúa Giêsu và làm vinh danh Chúa Cha. Có hai động từ nói về hoạt động của Thánh Thần trong lãnh vực nầy ; đó là dạynhắc bảo : " Chính Ngài sẽ dạy các ngươi mọi sự và sẽ nhắc cho các ngươi nhớ lại điều Ta đã nói với các ngươi“ (Ga. 14, 26). Có lẽ đây là một trong các đỉnh cao của Tin Mừng : sứ mạng giảng dạy của Chúa Giêsu ở trần thế chấm dứt, nhường chỗ cho hoạt động giảng dạy của Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm. Thực vậy, cho đến nay, Chúa Giêsu là Đấng giảng dạy về Thiên Chúa trong Đền Thờ, nơi tiêu biểu của Mạc Khải (x. Ga 6, 59 ; 7, 14 ; 18, 20). Từ nay, Thánh Thần thay Ngài để giảng dạy bằng cách tiếp nối sứ mạng và nội dung mạc khải của Chúa Giêsu qua việc nhắc nhớ, giúp đào sâu Lời Chúa để các môn đệ hiểu tường tận về mầu nhiệm cứu độ. Thánh Thần trở nên Vị Tôn sư, vị Thầy nội tâm. Sự hiện diện của Ngài để thực hiện một cách triệt để điều mà các Ngôn sứ Giêrêmia và Edêkiel đã  tiên báo khi đề cập đến Giao Ưóc mới : "Này sẽ đến những ngày … Ta sẽ đặt luật của Ta vào bên trong chúng và Ta sẽ viết trên tim lòng chúng và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng, chúng sẽ là Dân của Ta. Chúng sẽ không còn mỗi người sẽ dạy bảo nhau, mỗi người phải nói với anh em mình : Hãy biết Giavê. Vì hết thảy chúng đều biết Ta ….“ (Gr 31, 31-34); "Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới. Bên trong các ngươi, Ta sẽ ban xuống một Thần Khí mới, Ta sẽ cất tấm lòng đá khỏi thịt mình các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi tấm lòng  thịt. Bên trong các ngươi, Ta sẽ ban xuống Thần Khí của Ta. Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo luật điều của Ta“ (Ed 36, 26-27). Thần khí mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Giới luật nội tâm nơi Ngôn sứ Giêrêmia chính là Thần Khí của Thiên Chúa nơi Ngôn sứ Edêkiel. Điều đó có nghĩa là, trong Giao Ước cũ,Thiên Chúa đã ban Luật của Người cho Dân ; còn trong Giao Ước mới, Thiên Chúa ban chính Thần Khí của Người cho Dân, để dạy bảo Dân Chúa về Lời Chúa, nội tâm hóa Lời Chúa.


3
. Thần Khí Sự Thật sẽ làm chứng về Ta (Ga 15, 26)

"Khi Đấng Bầu Chữa khác (Paraklêtos) đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí Sự Thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta (Ga 15, 26).

Đấng Paraklêtos làm chứng về Chúa Giêsu !

Chủ đề " làm chứng “ là chủ đề trọng yếu trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Có thể nói, Tin Mừng Gioan tập trung vào việc làm chứng về Chúa Giêsu : "Người trông thấy đã làm chứng, và chứng của người là chứng xác thực, và Người biết là đã nói thật, ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin “ (Ga 19, 35). Nguồn gốc của Thánh Thần là từ nơi Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu mạc khải điều này : "Khi Đấng Bầu Chữa khác đến, Đấng Ta sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí Sự Thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta "  (Ga 15, 26). Lời mạc khải nầy khiến chúng ta lưu ý về nguồn gốc thần linh của Đấng Paraklêtos. Những gì Thánh Thần làm đều mang tính Thiên Chúa, thuộc lãnh vực thần thiêng. Vai trò Chúa Thánh Thần là làm chứng vì liên quan đến vụ kiện giữa Đức Giêsu và thế gian. Thế gian đã kết án người công chính, đã giết hại người vô tội. Cho nên vai trò của người làm chứng là xác nhận điều đã thấy, và giải oan cho người vô tội : Ngài bênh vực và làm cho người công chính được vinh quang. Trong vụ kiện này, thế gian vừa chạm tới Chúa Giêsu vừa đụng tới các môn đệ Người. Với sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần thì sẽ tỏ lộ rõ ràng ai đúng ai sai. Làm chứng thế nào ? - Chứng từ thường nại tới uy tín của Lời Kinh Thánh : "Đừng tưởng Ta sẽ cáo tội các ngươi nơi Cha đâu. Người cáo tội có đó rồi : Môsê, người mà các ngươi nhờ cậy. Vì nếu các ngươi tin Môsê, các ngươi đã tin Ta, vì chính về Ta mà ông đã viết. Nếu chữ viết của ông, các ngươi không tin, thì làm sao các ngươi có thể tin được lời nói của Ta“ (Ga 5, 45-47). Chúa Thánh Thần giúp cho các môn đệ nhớ lại Lời Kinh Thánh (Ga 14, 26 ; 16, 13-15), soi sáng cho họ về mối tương quan giữa hoạt động của Chúa Giêsu với Lời Kinh Thánh, vì Thánh Thần là Đấng linh hứng, là Tác Giả của Lời Kinh Thánh ; chỉ mình Ngài có thể làm sáng tỏ Lời Kinh Thánh là : "Chúa  Con nói, nhưng Chúa Cha dạy “ (Filius dicebat sed  Pater docebat). Điều quan trọng ở đây là Chúa Giêsu ủy thác các môn sinh của mình cho Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần sẽ hỗ trợ các môn sinh này trong sứ mạng làm chứng trước thế gian : "Và khi người ta dẫn đi giải nộp các ngươi, các ngươi đừng lo toan trước phải nói gì, nhưng điều gì ban cho các ngươi ngay giờ đó, các ngươi hãy nói, vì không phải các ngươi nói mà là Thánh Thần “ (Mc 13, 11). Họ sẽ làm chứng bằng cách trung thành với những gì đã nghe, đã thấy về Chúa Giêsu, không thêm không bớt điều gì. Thánh Thần là bảo chứng sự trung thành với kho tàng đức tin. Ngài còn dạy môn đệ tiến sâu hơn vào sự thật (Ga 16, 13).


4
. Đấng Paraklêtos đến, sẽ bắt lỗi thế gian (Ga 16, 7-11)

Chúa Giêsu an ủi các môn đệ trước lúc Ngài ra đi, Ngài nói : "Ta ra đi, thì ích lợi hơn cho các ngươi, vì nếu Ta không ra đi, thì Đấng Bầu Chữa không đến với các ngươi ; còn nếu Ta đi, Ta sẽ sai Ngài đến với các ngươi. Và Ngài đến, Ngài sẽ bắt lỗi thế gian về tội, về sự công chính, về án xử …  (Ga 16, 7-11).

Đấng Paraklêtos chính là vị Trạng sư, vị Thẩm phán.

Khi Chúa Giêsu còn tại thế thì chưa có việc ban Thánh Thần, vì đó là do kế hoạch của Thiên Chúa. Thực vậy, khi Chúa Giêsu ra đi thì Thánh Thần được trao ban và nhờ lãnh nhận Thánh Thần mà các môn đệ làm được mọi chuyện, kể cả việc phải đối diện với thế gian. Thánh Thần bênh đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ bằng việc "Bắt lỗi thế gian về tội, về sự công chính, về án xử". Ngài trở thành Vị Trạng Sư cho các môn đệ trước thế gian.  - Về tội : Thế gian (qua người Do thái) đã kết án Chúa Giêsu dù không tìm ra chứng cứ buộc tội (x. Ga 9, 24 ; 18, 30). Đấng Paraklêtos chứng minh Chúa Giêsu vô tội. Tội ở về phía thế gian vì đã không tin và khước từ Chúa Giêsu (Ga 3, 19-21 ; 9, 41 ; 12, 37). Thế gian bảo Đức Giêsu phạm thượng và kết án Ngài trong khi Ngài đích thực là Con Thiên Chúa (Ga 19, 7) ; hơn thế nữa, thế gian còn từ khước chính Thiên Chúa. Thánh Thần vạch ra cho thấy là thế gian đã phản bội chống lại Thiên Chúa. - Về sự công chính : Khái niệm "công chính" của Tin Mừng Gioan khác với Tông đồ Phaolô. Công chính theo Phaolô nằm trong tương quan cứu độ. Theo Gioan, công chính là được tôn vinh bên Chúa Cha. Người công chính là người biết hướng về Thiên Chúa. Thế gian quả quyết mình nắm quyền quyết định về sự công chính (Ga 9, 28), Thánh Thần tỏ cho thấy thế gian đã sai lầm, vì Chúa Giêsu đã sống lại và được tôn vinh (Ga 16, 5). Về với Chúa Cha là dấu chứng Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian.  - Về án xử : Từ khi thế gian kết án Đức Giêsu thì những tưởng rằng đã xong vụ kiện. Đức Giêsu phải chịu chết, bởi Ngài là vua Israel (Ga 19, 19). Nhưng Đấng Paraklêtos đến lật lại vụ án, cho thấy thế gian đã phạm thêm sai lầm : từ không tin đến đắc thắng và lầm lạc. Trong vụ án, Đức Giêsu đã chết, nhưng Ngài cũng đã toàn thắng, bởi Ngài đánh bại Satan là kẻ cầm đầu thế gian (x. Ga 12, 31 ; 14, 30 - con rắn trong St 3, 1 là biểu tượng quyền lực theo nghĩa chính trị, xt Ga 8, 44). Như vậy, người Dothái lên án Chúa Giêsu vì họ hành động theo sự xúi bẩy của Satan, họ hành động theo bóng tối. Thế gian đã kết án Đức Giêsu nên cũng hành xử tương tự với các môn đệ ... Đấng Paraklêtos đã lật lại vụ án Đức Giêsu thì cũng không ngừng làm như thế cho các môn đệ


5
. Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật (Ga 16, 13)

"Song khi nào Ngài (Ekeinos) đến, vì là Thần Khí Sự Thật, Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật".

Đấng Paraklêtos là Thần Khí Sự Thật.

Không chỉ hoạt động trong tư cách Đấng Phù Trợ, An ủi, Tôn sư, Chứng nhân,Trạng sư, Thẩm phán,  mà Đấng Paraklêtos còn là Vị Thầy dẫn đường vào tất cả sự thật ; Ngài là Thần Khí Sự Thật. Gợi hứng từ Thánh vịnh 25, 5 : "Xin dẫn tôi theo đường sự thật của Người, xin hãy dạy tôi vì Người là thần linh tế độ cho tôi...". Sự thật chính là Lề Luật được coi như Luật sống của Dân Chúa. Trong Thánh vịnh này, lời khẩn xin "cho tôi biết đường lối của Người, xin hãy dạy tôi" nghĩa là được am tường giáo huấn sâu sắc của Chúa. Chúa Giêsu mạc khải nhiều điều, nhưng các môn đệ chỉ hiểu được một phần (Ga 16, 12) ; còn phần lớn thì họ chưa hiểu nổi. Đấng Paraklêtos là Thần Khí Sự Thật đến để giúp đỡ, làm cho môn đệ am hiểu toàn bộ Mạc Khải. Ngài thực hiện việc này bằng cách nói (phải chăng qua tiếng nói Huấn quyền Hội Thánh), nghĩa là tiếp tục mạc khải chính giáo huấn của Chúa Giêsu, vì Ngài nói lại cho chúng ta những điều Ngài đã nghe được trong việc Chúa Cha dạy bảo Chúa Con. Như thế cho thấy có sự hiệp thông sâu xa giữa Chúa Cha - Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nguồn Mạc Khải vì thế tuôn trào luôn mãi, không khi nào vơi. Chúa Cha thông truyền mọi sự cho Chúa Con, và Chúa Thánh Thần kín múc tất cả nơi Chúa Cha và Chúa Con, để thông truyền lại cho các môn đệ. Vì vậy, Ngài hành động nhằm tôn vinh Đức Giêsu Kitô. Đây là sứ mạng tối hậu của Đấng Paraklêtos. Suốt cuộc đời trần thế, Đức Giêsu không tìm vinh quang cá nhân cho mình ; Ngài xin Chúa Cha tôn vinh Ngài : "Lạy Cha, giờ đã đến ! Xin hãy tôn vinh Con Cha, ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha          (Ga 17, 1). Chúa Cha đáp lại lời khẩn xin này bằng cách trao gửi Chúa Thánh Thần. Vinh quang Chúa Giêsu là chiếu tỏa quyền năng của Người, là làm trọn Thánh Ý Chúa Cha.

Gm Giuse Võ Đức Minh

 

nguồn : ỦY BAN KINH THÁNH -  HĐGMVN

http://kinhthanhvn.org

 


Tr Ve Trang Muc Luc Kinh Thanh