Vào đề

         

Hành trình học hỏi Tin Mừng Lu-ca là tài liệu Kinh Thánh được soạn thảo cho người lớn sử dụng.  Tập sách này lấy từ những bài dạy của chúng tôi về Kinh Thánh cho sinh viên đại và cao học tại trường đại học Thánh Tô-ma cũng như cho những người lớn thuộc nhiều giáo xứ trong Tổng giáo phận Miami.  Qua kinh nghiệm dạy học, chúng tôi xác tín rằng cả tài liệu lý thuyết lẫn thực hành áp dụng vào cuộc sống cộng đoàn đều thiết yếu giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh.  Bởi vậy, trình bày những Hành trình này không nhằm cống hiến chỉ nguyên tài liệu chẳng ăn nhập gì với cuộc sống cá nhân, mà là để giúp độc giả sống mối quan hệ với Chúa.  Hai yếu tố chính của tài liệu này, phần trình bày tài liệu và phần bài tập suy nghĩ, đều quan trọng như nhau.

Hành trình học hỏi Tin Mừng Lu-ca cũng tương tự như tài liệu đã ra mắt, Hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô.  Đây là một kế tiếp đương nhiên đi theo việc học hỏi về Mác-cô, vì nhiều học giả xác nhận rằng Lu-ca khi viết sách Tin Mừng của ngài thì ngài đã có trong tay bản Tin Mừng Mác-cô.  Ngoài ra, Tin Mừng Lu-ca thích hợp với thời đại chúng ta, vì nhấn mạnh đến việc rao giảng Tin Mừng và những đề tài thật hay về niềm vui, tha thứ, sứ vụ trong mọi lãnh vực, cầu nguyện và Thánh Thần, phụ nữ và công bình, tất cả đều là quan trọng đối với nhiều người chúng ta.  Chúng tôi nhận ra được giá trị của Tin Mừng Lu-ca là nhờ công việc nghiên cứu của cha Eugene LaVerdiere.  Những nghiên cứu sâu xa của ngài về Tin Mừng Lu-ca được trình bày trong nhiều cuốn sách và băng nhựa sẽ là nền móng cho nhiều Hành trình trong tập sách này.

Hành trình học hỏi Tin Mừng Lu-ca được trình bày theo hình thức sách giáo khoa.  Mời bạn cứ việc viết vào tập sách này những cảm nghĩ, tư tưởng và suy tư của bạn, vì đó là khởi đầu cho những kinh nghiệm học hỏi.  Những câu trả lời khác nhau sẽ là căn bản  cho việc học hỏi trong mỗi Hành trình.  Mỗi Hành trình cho chúng ta phần kiến thức (phần Khám phá), những bài tập suy tư (phần Những điều khám phá), những điểm nhìn lại (phần Ôn lại) và một danh sách những tài liệu để nghiên cứu thêm (phần Sách đọc thêm).

Tập sách được sắp đặt để tùy ý sử dụng cho từng người sẽ giúp bạn có thể dành thời giờ bao lâu cho mỗi Hành trình cũng được.  Chỉ có một bài tập duy nhất, đó là Hành trình 1 gồm phần đọc sách Tin Mừng, cần phải làm luôn một lượt chứ không phân chia hay ngừng nghỉ.  Mỗi Hành trình có thể thích ứng cho từng cá nhân hay từng nhóm học hỏi.  Nếu sử dụng cho một nhóm học hỏi, thì các bài tập nên đem chia sẻ với nhau và thảo luận về các tài liệu.

 

Trước khi bạn lên đường học hỏi

Tác giả Lu-ca viết một bộ gồm hai cuốn sách:  Tin Mừng và Công vụ Tông đồ.  Hai cuốn này của Lu-ca chiếm khoảng 27 phần trăm phần Kinh Thánh Tân Ước.  Hầu hết các học giả Kinh Thánh đều cho là Lu-ca viết vào khoảng năm 85 sau công nguyên và cho một cộng đoàn gốc Dân ngoại ở vùng An-ti-ô-khi-a.  An-ti-ô-khi-a, một trung tâm chính trị văn hóa xứ Xi-ri, nổi danh là một trung tâm quan trọng đối với các Ki-tô hữu sơ khai.

          Thời gian biên soạn Tin Mừng Lu-ca được dựa trên lý thuyết sau đây.  Mác-cô là tác giả Tin Mừng thứ nhất và Lu-ca đã có trong tay bản Tin Mừng của Mác-cô.  Tin Mừng Mác-cô được viết khoảng năm 70 sau công nguyên, tức là vào lúc Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ.  Nếu đọc kỹ Mác-cô chương 13, chúng ta sẽ nhận ra việc mô tả lịch sử thời điểm Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá.  Nhưng nếu đọc Lu-ca 21:20-24, chúng ta lại thấy rõ ràng Giê-ru-sa-lem đã sụp đổ và Đền Thờ đã bị phá hủy rồi.  Vậy nếu Lu-ca đã để cho tới sau khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và sau khi có được bản Tin Mừng Mác-cô, thì ngài đã viết vào thời gian giữa năm 80 và 90 sau công nguyên, hoặc như các học giả đồng ý là vào năm 85 sau công nguyên.

          Lý thuyết cho rằng Tin Mừng Lu-ca được viết tại vùng An-ti-ô-khi-a dựa vào sách Công vụ Tông đồ nhắc tới những chuyến đi truyền giáo của Phao-lô.  Phao-lô, vị thừa sai vĩ đại nhất của Giáo Hội sơ khai, là người đã đem không biết bao nhiêu người Dân ngoại gia nhập Ki-tô giáo.  Công cuộc rao giảng Tin Mừng của ngài đã nằm trong thời kỳ cộng đoàn Ki-tô tại Giê-ru-sa-lem thì suy thoái vì bị bách hại, còn cộng đoàn Ki-tô tại Rô-ma thì chưa được phát triển hoàn toàn.  Do đó, trung điểm về cả thời gian lẫn nơi chốn đều tập trung vào An-ti-ô-khi-a.  Một số học giả tin rằng Lu-ca, có thể cũng chính là một tân tòng của Phao-lô, đã viết cho một trong những cộng đoàn đã tòng giáo nhờ Phao-lô.

          Nghiên cứu những tác phẩm của Lu-ca cho thấy ba điểm sau đây:  (1) Lu-ca 1:1-4 minh định rõ ràng thánh Lu-ca không phải là một chứng nhân cho Đức Giê-su (đúng ra Lu-ca chú giải về Tin Mừng đã được trao cho ngài hơn là trình bày Tin Mừng ấy theo chính suy tư cá nhân ngài);  (2) ý định của ngài là để cho câu truyện tự phát biểu;  và (3) khác hẳn với những tác giả sách Tin Mừng khác, tác phẩm của các ngài có thể phân chia thành từng phần, còn Lu-ca thì trình bày những chủ đề khác nhau qua tất cả sách Tin Mừng của ngài.  Đọc Lu-ca, chúng ta gặp được những chủ đề như niềm vui, tha thứ, vai trò của cầu nguyện và Thánh Thần, tôn trọng phụ nữ, và chỗ đứng của bữa ăn và sự công chính.  Những chủ đề này nảy sinh từ những hoạt động rao giảng Tin Mừng được trình bày cho cộng đồng Dân ngoại thời Lu-ca cũng như cho những cộng đoàn Ki-tô trong mọi thời.

          Trong thời đại chúng ta, việc dấn thân rao giảng Tin Mừng đã để lại cho những giáo hội Trung và Nam Mỹ nhiều vị tử đạo, cũng thế, cộng đoàn truyền giáo của Lu-ca đã phải đối phó với đau khổ và bách hại do người Rô-ma.  Sách Tin Mừng của ngài đã khích lệ họ hãy kiên trì trước những bách hại này.  Tuy nhiên, đối với Lu-ca, trầm trọng hơn đó là những vấn đề nội bộ cộng đoàn.  Để cho những bách hại bớt đi, cộng đoàn đã lơ là trong việc dấn thân cho Ki-tô giáo.  Do đó, một lần nữa sách Tin Mừng của ngài đã trở nên nguồn khích lệ người ta hãy kiên trì cho dù phải đau khổ.

          Chúng ta được biết ít về con người của Lu-ca.  Chúng ta tạm coi Lu-ca là một người thông minh vì lối văn tuyệt vời và sử dụng ngôn ngữ Hy-lạp của ngài.  Truyền thống vẫn cho Lu-ca là một y sĩ theo như Phao-lô viết trong thư Cô-lô-xê 4:14.  Phao-lô cũng nhắc đến Lu-ca, một bạn đồng hành, trong thư 2 Ti-mô-thê 4:11 và thư Phi-lê-môn.  Tuy nhiên chính Phao-lô cũng như tác giả sách Công vụ Tông đồ và Tin Mừng đều không xác nhận những ghi chú nói trên là ám chỉ về tác giả của sách Tin Mừng.  Trên phương diện lịch sử, kể từ thế kỷ thứ hai, chúng ta có những nguồn liệu cho thấy sách Tin Mừng này là do một tôi tớ trung tín có tên là Lu-ca.