Hành trình học hỏi Tin Mừng Lu-ca

Hành trình 13

 

 

Những bữa ăn và Bàn Tiệc của Đấng Mê-si-a

 

 

Những bữa ăn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống chúng ta.  Ngoài sự cần thiết để sinh tồn, các bữa ăn còn quy tụ thân nhân và bạn bè lại với nhau.  Nếu không phải là tất cả thì hầu hết những buổi cử hành của chúng ta cũng đều diễn ra quanh bữa ăn.  Trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su thường được mô tả như một người đi picnic sẵn sàng chia sẻ bữa ăn với người khác.  Sinh hoạt ăn uống này của Đức Giê-su đã đi vào hầu hết mỗi chương của sách Tin Mừng Lu-ca, và đã được nhắc đến trong những Hành trình nói về cô Mác-ta, người con hoang đàng và ông Da-kêu.

 

Khám phá

 

Chúng ta nên coi việc chia sẻ bữa ăn như một dấu chỉ nói lên một thực tại khác.  Hiểu theo Kinh Thánh, việc chia sẻ bữa ăn nói lên thực tại người ta ngồi cùng bàn với bạn bè chứ không phải với kẻ thù.  Đức Giê-su ý thức mình đồng bàn với nhiều hạng người, nhất là với những người thu thuế và tội lỗi, do đó điều này trở nên một dấu chỉ nói lên một thực tại mới.  Làm như vậy, Đức Giê-su cho thấy bàn tiệc Đấng Mê-si-a và việc loan báo Triều Đại Thiên Chúa sắp đến rồi.  Tại bàn tiệc này với Thiên Chúa và do Đấng Mê-si-a khoản đãi, mọi kẻ được cứu rỗi sẽ ngồi với nhau muôn đời.

 

Khám phá

 

Lu-ca đã trình bày thực tại mới này ngay đầu sách Tin Mừng của ngài.  Bạn hãy nhớ khi học hỏi về cuộc giáng sinh của Đức Giê-su và nhấn mạnh đến “...đặt Người nằm trong máng cỏ” (Lu-ca 2:7).  Trong máng cỏ, Đức Ki-tô trở thành của ăn cho nhân loại khiến cho các thiên thần hát mừng và mục đồng đến mà xem.  Từ các trình thuật về thời thơ ấu cho đến sau Phục Sinh, chủ đề bữa ăn là tâm điểm để Lu-ca trình bày về Đức Giê-su.  Thực vậy, học giả Kinh Thánh Robert Karris đã kể ra bốn mươi lăm từ khác nhau nói đến thức ăn trong Tin Mừng Lu-ca.

 

Khám phá

 

Cựu Ước là một nguồn liệu để chúng ta có những bối cảnh giúp hiểu chủ đề bữa ăn trong Lu-ca.  Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng cốt lõi của sứ điệp Cựu Ước nằm trong câu truyện Xuất Hành/Xi-nai.  Nơi đây dân Ít-ra-en được giải phóng khỏi ách nô lệ, được đem đi qua biển cả cõi chết để hành trình về đất hứa và sự sống mới.  Có nhiều biểu tượng Kinh Thánh khiến chúng ta không dễ gì hiểu được câu truyện dài dòng này, và một trong những biểu tượng ấy chính là bữa ăn Vượt Qua.

Bạn hãy đọc lướt qua Xuất Hành 12-20.

Toàn bộ biến cố lịch sử biến chuyển từ nô lệ đến tự do đã trở thành nguồn gốc cho một cuộc cử hành phụng vụ.  Trong Xuất Hành 12, thức ăn, chuẩn bị thức ăn và những chỉ dẫn phải ăn như thế nào được trình bày như một nghi thức chứ không phải chỉ nguyên là dữ kiện.  Chúng ta có thể so sánh điều này với lễ Tạ ơn (Thanksgiving) của chúng ta, vì những thức ăn đặc biệt là cốt yếu để mừng ngày lễ này.  Chẳng có gì là ý nghĩa tạ ơn nơi con gà tây cả, thế mà bữa cơm gà tây đã trở thành một nghi thức quốc gia để làm biểu tượng nói lên chúng ta lệ thuộc vào Thiên Chúa.

Trong trình thuật Xuất Hành/Xi-nai, cử hành bữa ăn nói lên việc Thiên Chúa kết ước với Mô-sê (Xuất Hành 20).  Chúng ta thường gọi giao ước này là Mười Giới Răn.  Theo quan điểm của dân Ít-ra-en, những giới răn này là mực thước để sống một cuộc sống với Thiên Chúa.  Ý thức Thiên Chúa ban sự sống, dân Ít-ra-en ăn một bữa ăn gồm có một số yếu tố đặc biệt biểu tượng cho sự sống mới với Thiên Chúa.

 

Khám phá

 

Trong bữa ăn Vượt Qua, ba yếu tố trở nên những dấu chỉ.

          1) Nghi thức sát tế con chiên và lấy máu nó vẽ trên khung cửa để cho thần chết đi qua (pesach) khỏi những ngôi nhà của người Ít-ra-en.

          Các học giả có những ý kiến khác nhau về từ nguyên pesach.  Từ này có thể bởi từ gốc Akkadia (pasahu) có nghĩa là “xoa dịu” hoặc “nhảy nhót”.  Ý nghĩa “nhảy nhót” nói về một cuộc thánh vũ, nhảy múa chung quanh một vật thánh.  Còn ý nghĩa “xoa dịu” có thể là do một nghi thức của Akkadia hiện vẫn còn tồn tại.  Một số học giả lại cho rằng từ pesach có gốc do một từ Ai-cập có nghĩa là “đánh bằng một cái tát”.  Mặc dù có những khác biệt ý kiến về nguyên từ, biến cố ấy cử hành đêm Đức Chúa vượt qua các nhà Do-thái và tha mạng sống cho các con đầu lòng.

2) Dấu chỉ thứ hai là bánh không men (massoth).  Các bà nội trợ xứ Ca-na-an sử dụng một miếng bột cũ để làm mẻ bánh cho ngày hôm sau.  Vào mùa xuân khi làm bánh không men, họ lau chùi nhà cửa, vứt bột cũ đi và bắt đầu làm bột mới không men.  Bắt chước ngày hội mùa của người Ca-na-an, việc người Do-thái ăn bánh không men trở nên một dấu chỉ của những khởi đầu mới.  Đối với dân Ít-ra-en, khởi đầu mới này là sự kiện họ đi từ ách nô lệ dưới thời Pha-ra-ô để tiến đến đời sống mới trong đất hứa.

3) Dấu chỉ chứ ba là việc thánh hiến con đầu lòng (qadesh).  Việc thánh hiến này chứng tỏ Thiên Chúa (Đức Chúa) cai trị muôn loài muôn vật.  Thiên Chúa không muốn việc sát tế con trẻ (một nghi lễ của người Am-mo-ri), nhưng cứu độ nó.  Việc thánh hiến con đầu lòng là để tưởng niệm Thiên Chúa đã đem dân Ít-ra-en ra khỏi ách nô lệ.

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Lu-ca 9:10-17/

          Có liên hệ nào giữa biến cố Xuất Hánh/Xi-nai với phép lạ này của Đức Giê-su?  (Đọc lại Xuất Hành 16).

 

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Liên hệ tôi nhận thấy giữa hai đoạn Kinh Thánh được quy chiếu vào ý tưởng sa mạc trong Xuất Hành 16 với ý tưởng “...ở đây là nơi hoang vắng” trong Lu-ca 9:12.  Như xưa trong sa mạc Thiên Chúa đã nuôi dưỡng dân Ít-ra-en, thì ngày nay Đức Ki-tô cũng nuôi dưỡng dân chúng.  Trong cả hai trình thuật, con người được Thiên Chúa nuôi dưỡng là do mối quan hệ đặc biệt Thiên Chúa dành cho con người.  Được dưỡng nuôi bởi Thiên Chúa trong sa mạc hay bởi Đức Ki-tô tại Bét-xai-đa, cả hai đều nói lên điều gì đó về quan hệ giữa con người với con người:  giờ đây họ là anh chị em với nhau.  Bạn cứ nhớ là chẳng ai lại ngồi ăn uống với kẻ thù, nhưng với thân nhân bạn bè.

 

Khám phá

 

Nếu xét kỹ hơn Lu-ca 9:16, chúng ta sẽ thấy một hành vi mang tính cách nghi lễ Đức Giê-su đã làm.  Ngài cầm lấy bánh, ngước mắt lên, đọc lời chúc lành, bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ để họ phân phát cho dân chúng.

          Hành động nghi thức này khiến chúng ta nhớ đến bánh hằng ngày chúng ta cầu xin khi đọc kinh Lạy Cha.  Trong kinh nguyện ấy, chúng ta xin Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi sự chúng ta cần để chúng ta hoàn thành được những nhu cầu giúp cho Triều Đại Thiên Chúa được thể hiện.  Chúng ta coi lời nguyện ấy như một kinh nguyện của người môn đệ.  Trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, việc các môn đệ phân phát bánh cho dân chúng biểu tượng cho sự kiện họ được Đức Ki-tô dạy dỗ và họ phải làm cho người khác những gì Chúa đã làm cho chính họ.

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Lu-ca 22:7-20.

          Có những liên hệ nào giữa Lu-ca 22:7-20 với biến cố Xuất Hành/Xi-nai hoặc với trình thuật trong Lu-ca 9:10-17?

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Tôi nhận thấy những liên hệ sau đây:

 

 

Khám phá

 

Liên hệ sau hết giữa nghi thức Bữa Tiệc Ly và nghi thức phép lạ hóa bánh ra nhiều cho thấy Đức Giê-su đã cử hành nghi thức này nhiều lần.  Có thể Đức Giê-su đã thường cầm lấy bánh, chúc lành và phân phát.  Trình thuật Bữa Tiệc Ly tóm tắt tất cả những lần Đức Giê-su đã làm phép bánh trước kia và trở nên hành động sau hết của Đức Ki-tô khi Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể.  Hình ảnh trình bày các môn đệ đồng bàn với Chúa nói lên hình ảnh Tiệc Thánh Thể của toàn thể nhân loại được đồng bàn với Thiên Chúa.  Khi cùng nhau đến ăn uống tại Tiệc Thánh Thể, chúng ta tuyên xưng sự hiệp nhất giữa chúng ta với Đức Ki-tô và với nhau trong cộng đoàn.

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Lu-ca 22:21.

          Hãy lưu ý tiêu đề nhỏ trong bản dịch Tân Ước (Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ):  Kẻ Phản Bội.  Kẻ phản bội tiếp theo sau trình thuật Thiết lập Bí tích Thánh Thể.  Hậu quả của việc Đức Giê-su ngồi đồng bàn với các môn đệ sẽ đưa một người trong số các môn đệ phản bội Ngài.  Chúng ta cũng có thể nói chính những hành động của Đức Giê-su ngồi ăn uống với những kẻ bị xã hội ruồng bỏ và những kẻ nghèo hèn sẽ đưa Ngài tới cái chết.

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 13, bạn đã khám phá những điều sau đây:

 

 

 

Sách đọc thêm

 

Boadt, Lawrence.  Reading the Old Testament:  An Introduction.

          Mahwah, N.J.:  Paulist Press, 1984.

 

Karris, Robert.  Luke:  Artist and Theologian.  Mahwas, N.J.:

          Paulist Press, 1985.

 

LaVerdiere, Eugene.  “Do This In Memory of Me,” Parts I & II, The Gospel of Luke,

          Audiocassettes.  Austin, Texas:  Texas Catholic Conference Scripture

Seminar, 1985.

 

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà