Hành trình học hỏi Tin Mừng Lu-ca

 

 

 

Thư mục có ghi chú

 

 

Alday, Carrillo Salvador.  Power From On High: The Holy Spirit In The Gospels and

          Acts.  Ann Arbor, Mich.:  Servant Books, 1978.

 

Alday trình bày cái nhìn tổng quát những chỗ nói về Thánh Thần trong các sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ.  Phần giải thích về Thánh Thần trong câu truyện thời thơ ấu thuộc Tin Mừng Lu-ca rất ích lợi giúp chúng ta hiểu được liên hệ giữa cầu nguyện và Thánh Thần.  Ông phác họa giáo huấn của Đức Giê-su về Thánh Thần, đồng thời cũng nêu lên những căn rễ giáo huấn này có từ nơi Cựu Ước.

 

Vô danh.  The Cloud of Unknowing.  Middlesex, England:

          Penguin Books Ltd., 1961.

 

Được viết khoảng thế kỷ 14, cuốn sách tu đức này được nhiều tác giả tu đức đương thời coi là một kiệt tác.  Sứ điệp tuy đơn sơ, nhưng rất thâm thúy, là người ta đi tìm Thiên Chúa không phải bằng lý trí, nhưng bằng tình yêu.  Chính trong tình yêu Thiên Chúa mà một người có thể thắng vượt được mọi trở ngại trong cuộc sống.

 

Apicella, Raymond.  Journeys Into Mark:  16 Lessons of Exploration and Discovery.

          Cincinnati, Ohio:  St. Anthony Messenger Press, 1990.

 

Tập sách đi cùng bộ với Hành trình học hỏi Tin Mừng Lu-ca.  Tập sách này trình bày sứ điệp hợp thời và cái nhìn sống động về đời sống Ki-tô hữu, đồng thời cũng dạy chúng ta phải sống đức tin Ki-tô như thế nào trong những lúc bất định và khó khăn.

 

Boadt, Lawrence.  Reading the Old Testament: An Introduction. 

Mahwah, N.J.:  Paulist Press, 1984.

 

Boadt viết cuốn giáo khoa này cho những sinh viên bắt đầu học Kinh Thánh, trình bày một cái nhìn tổng quát rõ ràng và được sắp xếp kỹ lưỡng.  Liên hệ với việc học hỏi của chúng ta là những chương nói về biến cố Xuất Hành/Xi-nai.  Sinh viên nào chưa có hiểu biết căn bản về Cựu Ước, sẽ thấy cuốn sách này rất hữu ích.  Còn nếu đã có căn bản vững chắc về Cựu Ước, sinh viên sẽ thấy việc học hỏi Tân Ước thích thú hơn.

 

 

Brown, Raymond E.  The Birth of the Messiah.  Garden City,

          N.Y.:  Doubleday & Company, Inc. 1977.

 

Với toàn bộ giải thích về những trình thuật tuổi thơ ấu trong Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca, Raymond Brown nghiên cứu nhiều điểm về từng khía cạnh của những câu truyện giáng sinh của Đức Giê-su.  Với hiểu biết ngôn ngữ và khoa chú giải Kinh Thánh, cha đã giải thích bản văn.  Đây là cuốn sách được coi là đầy dủ nhất về những câu truyện giáng sinh.

 

Brown, Raymond E., Joseph Fitzmyer, Roland Murphy, eds.  The New Jerome

Biblical Commentary, rev. ed.  Englewood Cliffs, N.J.:  Prentice Hall, 1990.

 

Là một nguồn liệu quan trọng giúp cho việc học hỏi Kinh Thánh, cuốn chú giải này đã được tu chính sau lần xuất bản năm 1969, thêm vào phần nghiên cứu về những hiểu biết Kinh Thánh trong hai mươi năm vừa qua.  Phần chú giải của Robert Karris về Tin Mừng Lu-ca hết sức hữu ích.  Các tác giả này là những học giả Kinh Thánh lỗi lạc của Công Giáo thời nay.

 

Brown, Raymond E., et al., eds.  Mary in the New Testament.  Philadelphia, Pa.:

          Fortress Press, 1978.

 

Cuốn sách này nói về Đức Ma-ri-a là kết quả do nỗ lực cộng tác giữa Hiệp hội Hội Thánh Lutheran Thế giới và Hội Đồng Giám mục Công giáo Hoa-kỳ.  Mục đích của sách là để nói lên vai trò của Đức Ma-ri-a qua cái nhìn Kinh Thánh chứ không phải là trình bày giáo lý.  Các học giả Tin Lành và Công giáo đóng góp vào tác phẩm này đã nói lên hình ảnh của Đức Ma-ri-a theo tư tưởng của những Ki-tô hữu thời Giáo Hội sơ khai.

 

Conzelmann, Hans.  The Theology of St. Luke.  New York, N.Y.:

          Harper & Row Publishers, Inc., 1960.

 

Cuốn sách của Conzelmann được coi như một tác phẩm cổ điển viết về Tin Mừng Lu-ca.  Khi bắt đầu nghiên cứu, những nhà chú giải khác thường sử dụng cuốn này.  Nghiên cứu của Conzelmann rất hữu ích giúp chúng ta hiểu cách thức Lu-ca sử dụng địa lý và ý niệm về hành vi cứu độ của Thiên Chúa.

 

Fitzmeyer, Jospeh A.  Luke the Theologian:  Aspects of His Teaching.

          Mahwah, N.J.:  Paulist Press, 1989.

 

Trong tác phẩm rất hay này bàn về những chủ đề chính của Tin Mừng Lu-ca, Fitzmeyer chủ trương rằng Lu-ca trình bày nhiều chủ đề cho cộng đồng Ki-tô.  Ngài thảo luận về tám chủ đề chính.  Những giải thích của ngài về Xa-tan và hành động của nó trong việc làm môn đệ Chúa rất là hữu ích.

 

Fitzmeyer, Joseph A.  The Gospel According to Luke (I-IX), Anchor Bible Series.

          Garden City, N.Y.:  Doubleday & Company, Inc. 1985.

 

Mỗi chi tiết trong Tin Mừng Lu-ca đều được Fitzmeyer chú giải kỹ lưỡng.  Hiểu biết của ngài về Kinh Thánh bằng Hy-ngữ và tài chú giải Kinh Thánh giúp cho tập sách này trở thành một dụng cụ tuyệt vời để đọc Tin Mừng Lu-ca.

 

Fitzmeyer, Joseph A.  The Gospel According to Luke (X-XXIV), Anchor Bible Series.

          Garden City, N.Y.:  Doubleday & Company, Inc. 1985.

 

Tập thứ hai trong bộ chú giải của Fitzmeyer nói về các chương 10-24 của Tin Mừng Lu-ca.  Chú giải của Fitzmeyer về cuộc Thương khó, Phục Sinh và Lên trời cung cấp những ý tưởng căn bản được trình bày trong các Hành trình học hỏi này.

 

Flanagan, Neil.  Mark, Matthew, and Luke:  A Guide to the Gospel Parallels.

          Collegeville, Minn.:  The Liturgical Press, 1978.   

 

Trong tài liệu hướng dẫn sử dụng cuốn Gospel Parallels của Burton Throckmorton, giáo sư Flanagan đã chia sẻ với các sinh viên những ghi chú lấy trong các tài liệu dạy học của ông.  Phần nói về Lu-ca cho chúng ta một căn bản vững chắc để hiểu các chủ đề trong Tin Mừng Lu-ca, cấu trúc về lối viết song song giữa Tin Mừng Lu-ca với Công Vụ Tông Đồ, cũng như những chú giải về thời gian, nơi chốn và tác giả của Tin Mừng Lu-ca.

 

Guinan, Michael.  Gospel Poverty:  Witness to the Risen Christ.

          Ramsey, N.J.:  Paulist Press, 1981.

 

Guinan trình bày một hiểu biết về sự khó nghèo trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.  Ông chủ trương rằng từ anawim trong Kinh Thánh chỉ về khó nghèo mang ý nghĩa sâu xa hơn là ý nghĩa về tiền bạc của cải.  Theo Guinan, anawim là một sự lệ thuộc hoặc sự yếu đuối.  Cuốn sách này rất hữu ích giúp chúng ta hiểu Mối phúc “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó...”

 

Hall, T. William, Richard Pilgrim, Ronald Cavanagh.  Religion:  An Introduction.

          San Francisco, Calif.:  Harper & Row Publishers, 1985.

 

Ba tác giả này đều là giáo sư tại Đại học Syracuse.  Họ đã viết cuốn sách này cho các sinh viên theo những lớp về tôn giáo.  Sách trình bày một cái nhìn rộng về bản chất tôn giáo, cố gắng định nghĩa tôn giáo là gì cũng như những phương cách biểu lộ tôn giáo như các câu truyện thánh thiêng, nghi lễ, huyền thoại và luân lý.

 

Jansen, John Frederick.  The Resurrection of Jesus Christ in New Testament Theology.

          Philadelphia, Pa.:  The Westminster Press, 1980.

 

Jansen không chú trọng đến một trình thuật nào của Tin Mừng về Phục Sinh.  Nhưng ông diễn tả ý nghĩa của Phục Sinh theo dòng toàn bộ Tân Ước.  Ông tiếp tục câu hỏi “Phục Sinh có ý nghĩa gì?”, sử dụng câu hỏi để khám phá ra ý nghĩa áp dụng cho thời nay.  Đối với Jansen, Phục Sinh là một biến cố quan trọng của cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.

 

Karris, Robert.  Invitation to Luke: A Commentary on the Gospel of Luke

With Complete Text From The Jerusalem Bible.  Garden City, N.Y.: Image

Books, 1977.

 

Trong cuốn chú giải này về Tin Mừng Lu-ca, Karris cho chúng ta những dữ kiện rất hay về Giáo Hội và thế giới như bối cảnh để Lu-ca viết.  Karris trình bày những tiểu luận ngắn gọn về việc truyền giáo, bách hại và những vấn đề của cộng đoàn.

 

Karris, Robert.  Luke: Artist and Theologian.  Mahwah, N.J.:  Paulist Press,

1985.

 

Robert Karris giúp chúng ta hiểu Tin Mừng Lu-ca với những suy tư sâu xa hơn những điều ông đã viết trong những cuốn chú giải khác.  Ông thảo luận về những chủ đề Lu-ca, đồng thời nhấn mạnh hơn đến chủ đề công bình và những bữa ăn.  Sinh viên nào thích đọc thêm về hai đề tài này có thể dùng sách của ông.

 

Karris, Robert.  What Are They Saying About Luke and Acts?  Mahwah, N.J.:

          Paulist Press, 1979.

 

Karris phác họa những chủ đề trong cả sách Tin Mừng lẫn Công Vụ Tông Đồ của Lu-ca.  Cuốn sách này là tài liệu tốt cho những ai muốn nghiên cứu sâu hơn về song song giữa Tin Mừng Lu-ca và Công Vụ Tông Đồ.

 

LaVerdiere, Eugene.  The Gospel of Luke, Audiocassettes.  Austin, Texas:  Texas

          Catholich Conference Scripture Seminar, 1985.

 

Những cuốn băng nhựa này là thành quả của bốn ngày hội thảo về Tin Mừng Lu-ca.  LaVerdiere đi xa hơn cả những điểm trong cuốn chú giải của ngài đã được nhà xuất bản Glazier ấn hành (xem tiếp theo dưới đây).  Ngài nhấn mạnh đến giải thích thế nào là người thân cận và bữa ăn, cũng như những kỹ thuật để học hỏi Tin Mừng Lu-ca.

 

LaVerdiere, Eugene.  Luke.  New Testament Message, Vol. 5.  Wilmington, Del.:

          Michael Glazier, Inc., 1983.

 

Cuốn này là một phần thuộc toàn bộ chú giải Tân Ước.  LaVerdiere đưa ra một đoạn Tân Ước, sau đó chú giải về đoạn Kinh Thánh đó.  Tất cả bộ sách là một hướng dẫn rất hay giúp cho những ai muốn biết thêm về bất cứ đoạn nào trong Tin Mừng Lu-ca.

 

LaVerdiere, Eugene.  When We Pray:  Meditation on the Lord’s Prayer.  Notre

          Dame, Ind.:  Ave Maria Press, 1983.

 

Đây là tác phẩm tuyệt vời của LaVerdiere viết về kinh Lạy Cha và cũng là căn bản cho những giải thích trong Hành trình 9.  LaVerdiere cho rằng kinh Lạy Cha là kinh nguyện của người môn đệ cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

 

Merton, Thomas.  Our Father:  Perfect Prayer, Audiocassette.  Kansas City, Mo:

          Credence Cassettes, 1989.

 

Trong một bài thuyết trình dành cho các tập sinh thuộc Đan viện Đức Bà tại Gethsemani, Merton trình bày sức mạnh của cầu nguyện bắt nguồn từ Kinh Thánh thời Giáo Hội sơ khai.  Lắng nghe Merton, bạn có thể móc nối với tư tưởng của LaVerdiere cho rằng kinh nguyện này là cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.  Merton gọi kinh Lạy Cha là “kinh nguyện bằng lửa”.

 

Morris, Leon.  Luke: An Introduction and Commentary, Vol. 3. 

Tyndale New Testament Commentaries series.  Grand Rapids, Mich.:

Inter-Varsity Press; William B. Eerdmans Publishing Company, 1988.

 

Là sách chú giải, cuốn này cho chúng ta một căn bản để hiểu thời gian, nơi chốn và ngày tháng của Tin Mừng Lu-ca.  Cũng như các sách chú giải khác, cuốn sách này cung cấp tài liệu về nhiều chủ đề được trình bày trong Tin Mừng.

 

Pennington, Basil.  Daily We Touch Him: Practical Religious Experience.

          Garden City, N.Y.:  Doubleday and Company, 1977.

 

Basil Pennington là tu sĩ dòng Trappist thuộc Đan viện Thánh Giu-se, tại Spencer, Massachusetts.  Ngài đi nhiều nơi và thuyết trình rất nhiều về đời sống tu đức.  Tác phẩm này trình bày một hệ thống căn bản để mang những ý niệm lấy từ tác phẩm The Cloud of Unknowing đem áp dụng vào đời sống hằng ngày.  Đặc biệt Pennington nhấn mạnh rằng con người hôm nay có thể tìm thấy giá trị tu đức bằng cách phát triển một kỷ luật sống, thực hành cách cầu nguyện hướng vào chủ điểm và có một vị linh hướng.

 

Perkins, Pheme.  Love Commands in the New Testament.

          Ramsey, N.Y.:  Paulist Press, 1982.

 

Perkins trình bày điều bà gọi là hiểu biết về bối cảnh văn hóa nói lên đạo đức trong Tân Ước.  Bà nêu lên hoàn cảnh chứng tỏ thế nào là yêu thương kẻ thù (Lu-ca 6).  Chương 4 và 5 của cuốn sách nói về câu truyện người con hoang đàng và người Sa-ma-ri nhân hậu trong Tin Mừng Lu-ca.

 

Perkins, Pheme.  Reading the New Testament, 2nd ed.  Mahwah, N.J.:  Paulist

Press, 1988.

 

Cuốn sách của Perkins là một dẫn nhập rất tốt cho những sinh viên bắt đầu học Kinh Thánh Tân Ước.  Bà đưa ra một trình bày sáng sủa và đầy đủ giúp chúng ta hiểu được Kinh Thánh hình thành như thế nào.  Những chú giải của bà về thánh Phao-lô và chương nói về Tin Mừng Lu-ca rất hữu ích.

 

Perkins, Pheme.  Resurrection:  New Testament Witness and Contemporary Reflection.

          Garden City, N.Y.:  Doubleday & Company, Inc., 1984.

 

Tác phẩm của Perkins viết về Phục Sinh được coi là một trong những trình bày cổ điển.  Bà trình bày Phục Sinh, khởi từ gốc Cựu Ước cho tới việc rao giảng về Phục Sinh trong Giáo Hội sơ khai.  Perkins cũng trình bày thêm về chủ đề bữa ăn và ý nghĩa của chủ đề ấy đối với câu truyện trên đường Em-mau.

 

Rohr, Richar.  Working for Justice, Video program.  Miami,

          Fla.: St. Thomas University, 1990.

 

Rohr, một giáo sư thường xuyên viếng thăm Đại học thánh Tô-ma, thuyết trình cho sinh viên về đề tài công lý và hòa bình.  Tâm điểm trình bày của cha là công lý và hòa bình phải ở chính nơi nào chúng ta tìm thấy chân lý.  Tìm thấy chân lý không chỉ là công việc trí óc, nhưng là làm sao phối hợp được mọi yếu tố cấu thành nhân loại, để cho sứ điệp đích thực của Thiên Chúa được thể hiện.  Vậy để tìm ra chân lý này của Thiên Chúa, Rohr đề nghị một số quan điểm rất hay dựa trên những đoạn Tin Mừng đặc biệt.

 

Schottroff, Luise, and Wolfgang Stegemann.  Jesus and the Hope of the Poor. 

Maryknoll, N.Y.:  Orbis Books, 1986.

 

Các tác giả này đặt giáo lý và hành động của Đức Giê-su trong phạm vi cộng đồng Do-thái.  Họ cho rằng Đức Giê-su là một biểu tượng hy vọng nói lên thay cho những kẻ bị áp bức và nghèo khó trong thời Ngài.  Một trong những chủ đề chính của sách này là Đức Giê-su là Đấng cứu độ người tội lỗi và những kẻ bị khinh bỉ.

 

Schweizer, Eduard.  The Good News According to Luke.  Atlanta:

          John Knox Press, 1984.

 

Schweizer chuẩn bị việc chú giải bằng cách nhấn mạnh rằng Lu-ca muốn dạy chúng ta về Thiên Chúa.  Trong một đoạn diễn tả, Schweizer cho rằng từ Thiên Chúa được sử dụng 122 lần trong Tin Mừng Lu-ca và 166 lần trong Công Vụ Tông Đồ, nhiều hơn tất cả những sách Tin Mừng khác.  Cũng như những tác giả khác, chú giải của ông làm sáng tỏ ý tưởng chúng ta đang trên cuộc hành trình tới Thiên Chúa qua Đức Ki-tô.

 

The Works of Josephus, trans. William Whiston.  Peabody, Mass.:  Hendrickson

          Publishers, 1985.

 

Josephus là sử gia Do-thái vào thế kỷ I.  Tác phẩm của ông là một tài liệu rất quý giúp chúng ta hiểu thời gian, chính trị và những ảnh hưởng tôn giáo thời Đức Ki-tô và Giáo Hội sơ khai.

 

Throckmorton, Burton, ed.  Gospel Parallels: A Synopsis of the First Three Gospels,

          rev. ed. Nashville, Tenn.:  Thomas Nelson, Inc. 1979.

 

Cuốn sách này rất hữu ích giúp chúng ta nhìn lại các thánh sử viết Tin Mừng qua những cột song song.  Nếu làm quen được với cách đọc một đoạn Tin Mừng trong khi nhìn vào những cột song song với các sách Tin Mừng khác, người đọc sẽ mau chóng nhận ra được nguồn Q, những nguồn liệu nào là chung và nguồn liệu nào là của riêng tác giả.  Cuốn sách này là một dụng cụ rất tiện lợi đối với những sinh viên bắt đầu học Kinh Thánh. 

 

 

 

 

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà