Trước khi hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô

 

 

          Mặc dù được viết bằng Hy-ngữ thường dụng, sách Tin Mừng Mác-cô vẫn là một sứ điệp nói lên quan hệ liên tục giữa chúng ta với Thiên Chúa, mối quan hệ đã được trình bày do Đức Giê-su Ki-tô.  Mác-cô viết khoảng năm 70 sau công nguyên, thời điểm xáo trộn lớn về chính trị, như bạn sẽ thấy trong Hành trình 12.  Vùng Thánh địa đã bị Rô-ma đô hộ hơn 130 năm.  Từ năm 66 sau công nguyên, một vài nhóm đã cố vùng lên lật đổ ách cai trị của Rô-ma, nhất là nhóm Quá Khích.  Cuối cùng, những nhóm khởi loạn này đã làm cho Rô-ma không kiên nhẫn nổi nữa nên chính quyền trả đũa bằng cách tàn phá Giê-ru-sa-lem.

 

          Trong số những đám chống lại chính phủ Rô-ma bị ảnh hưởng do tình huống chính trị lộn xộn, có một nhóm người tự gán cho mình là “Những người đi theo Con Đường” hoặc “Ki-tô hữu” kể từ ngày Đức Giê-su lên trời và họ đã chờ đợi Đấng Mê-si-a trở lại trong vinh quang.  Tin rằng ngày tận thế gần kề, giờ đây họ mong đợi vinh quang Nước Thiên Chúa sẽ đập tan ách thống trị Rô-ma.  Giữa lúc tuyệt vọng ấy, Mác-cô viết sách Tin Mừng để khơi niềm hy vọng.  Ngài không muốn cộng đoàn của mình quên lãng sứ mệnh Đức Ki-tô trao cho họ:  sứ mệnh làm tôi tớ phục vụ.  Mác-cô nhìn những xáo trộn thời thế như là cơ sở giúp cho cộng đoàn hiểu rõ hơn về ý nghĩa thập giá.

 

          Dù các học giả Kinh Thánh không chắc chắn cộng đoàn Mác-cô hình thành thế nào, nhưng họ vẫn giả thiết một số những yếu tố.  Mác-cô đề cao thập giá là vì ngài muốn cộng đoàn mình hãy theo cách nhìn Ki-tô giáo mà hiểu biết về cuộc Khổ nạn của Đức Ki-tô trong thời điểm bách hại.  Các học giả cũng tin rằng Mác-cô viết cho một cộng đoàn đa số là gốc Dân ngoại, vì ngài giải thích những nghi thức của Do-thái là những điều đã quen thuộc với một cộng đoàn Do-thái rồi.  Thí dụ rõ ràng khi ngài cắt nghĩa việc giết con chiên Vượt qua vào ngày thứ nhất cử hành tuần Bánh Không Men (Mc 14:12) và giải thích Ngày Sửa soạn là áp ngày sa-bát (Mc 15:42).  Mác-cô cũng phiên dịch những từ A-ram không quen thuộc đối với cộng đồng Dân ngoại:  Gôn-gô-tha là Đồi Sọ (Mc 15:22) và “Ê-lô-i.”

 

          Hai địa điểm người ta nghĩ có thể là cộng đoàn của Mác-cô:  Xi-ri và Rô-ma.  Rất đông Ki-tô hữu cư ngụ tại hai nơi ấy.  Cuộc bách hại Ki-tô hữu cũng xảy ra tại hai nơi ấy.  Những người chủ trương tại Rô-ma cho rằng cộng đoàn Mác-cô bị chán nản vì cuộc tử đạo của Phao-lô và Phê-rô.  Rô-ma, một đô thị phồn thịnh kinh tế thương mại, đã để dễ dàng cho Tin Mừng truyền lan thế giới.  Nhưng mặt khác, địa điểm miền Đông là Xi-ri cũng có thể là cộng đoàn Mác-cô vì pha trộn rất nhiều ảnh hưởng Do-thái và Dân ngoại.  Cũng như địa điểm Rô-ma, Xi-ri được coi là một vùng đô thị náo nhiệt thời ấy.

 

          Khi đưa ra những chủ trương về cộng đoàn Mác-cô, các học giả cũng nêu lên những lý thuyết khác nhau về tác giả Mác-cô.  Không có chỗ nào trong sách Tin Mừng cho biết tác giả Mác-cô là ai.  Tuy nhiên một truyền thuyết thế kỷ 2 đã cho tác giả là ông Mác-cô.  Người ta tin Mác-cô là môn đệ của thánh Phê-rô và là người ghi lại những ký ức của Phê-rô về Đức Ki-tô.  Vấn nạn về quan hệ Phê-rô – Mác-cô là:  Vậy tại sao sách không mang tựa đề là “Tin Mừng theo thánh Phê-rô” vì Phê-rô là một khuôn mặt nổi hơn Mác-cô?

 

          Những chi tiết nói về một “Gio-an Mác-cô” gặp thấy nơi những đoạn khác trong Kinh Thánh Ki-tô (Tân Ước).  Sách Công Vụ Tông Đồ nói đến nhà của bà Ma-ri-a, mẹ ông Gio-an Mác-cô, là nơi Ki-tô hữu thường tụ họp (Cv 12:12).  Mác-cô được đi theo cuộc truyền giáo thứ nhất của Phao-lô và Ba-na-bê, anh em họ của Mác-cô.  Ông được nhắc đến nhiều lần trong những thư của Phao-lô (Plm 24; Cl 4:10; 2 Tm 4:11) và trong 1 Pr 5:13.  Tuy nhiên, cuối cùng cũng không có một kết luận minh bạch về căn cước của tác giả Mác-cô.

 

          Mặc dù không biết chính xác tác giả là ai, chúng ta vẫn chắc một điều ngài là một người tin vào sứ điệp của Đức Ki-tô, được cộng đồng Ki-tô kính trọng, và quan hệ hơn cả, ngài chỉ một lòng ao ước muốn nói lên cho cộng đoàn mình cũng như toàn thể cộng đồng Ki-tô mọi thời biết Đức Giê-su là Đấng nào.

 

          Lòng nhiệt thành của Mác-cô muốn cho người ta thấy Đức Ki-tô là ai, chứ không phải tác giả là ai, được trình bày trong loạt Hành trình này.  Bất kể những xáo trộn thời thế, Mác-cô vẫn cho chúng ta một dung mạo đích thực về Đức Ki-tô, nhờ đó đem lại hy vọng và cứu rỗi cho một cộng đoàn đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa thời cuộc và vận mạng của mình.  Đó chính là mục đích trình bày dung mạo đích thực của Đức Giê-su để chúng ta có thể gọi những gì Mác-cô viết là “Tin Mừng.”

 

 

   


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà