Hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô

Hành trình 4

 

 

Mỗi người có một kế hoạch

 

 

 

Chúng ta có chương trình cho cuộc sống của mình, từ việc đi chợ cho tới những công việc quan trọng hơn.  Đôi khi phải thay đổi chương trình do những hoàn cảnh bất ngờ.

 

          Tác giả viết sách Tin Mừng cũng vậy.  Ý định chính của họ là muốn cho cộng đồng tín hữu của mình biết về Đức Ki-tô.  Hành trình 4 giúp chúng ta khám phá kế hoạch của Tin Mừng Mác-cô.  Bài tập thứ nhất không sử dụng Kinh Thánh.  Bài tập thứ hai áp dụng vào việc học hỏi Tin Mừng Mác-cô.

 

 

Khám phá vào năm 2987

 

Năm đó là năm 2987.  Bạn là một trong nhóm người không biết Anh ngữ và uống những viên thuốc thay cho những bữa ăn.  Cùng với các bạn khác, bạn đang tìm tòi cổ vật tại Austin, tiểu bang Texas, là nơi người ta thường tìm thấy dấu vết sinh sống của người thời xưa.  Nhóm của bạn muốn xuất bản một cuốn sách dựa trên những khám phá ở nơi đó.  Trong cuộc đào xới, một người trong nhóm đã tìm thấy một mảnh giấy nhỏ trên đó viết như sau:

                   “Please pass the salt”      

 

Nội dung những chữ trên cho bạn biết gì về nhóm người cổ xưa này?  Những lời nào, tư tưởng nào và những khám phá nào giúp bạn có những quả quyết về nhóm người đã sống tại Austin hằng triệu triệu năm trước đây?  Trong khoảng cách dưới đây, bạn hãy liệt kê 10 từ, tư tưởng hoặc những khám phá bạn đã nghĩ tới.  Nên nhớ có nhiều ý kiến khác nhau.

 

 

1) ....................................                 6) ....................................

 

 

 

2) ....................................                 7) ....................................

 

 

 

3) ....................................                 8) ....................................

 

 

         

4) ....................................                 9) ....................................

 

 

5) ....................................                 10) ....................................

 

 

Kết quả khám phá của tôi

 

          Sau đây là liệt kê 10 từ, tư tưởng và khám phá mà tôi nghĩ có thể liên quan đến nhóm người cổ xưa này.  Bạn thử so sánh với kết quả của bạn xem.

 

1)    Nhóm người tại Austin đã có một ngôn ngữ.

2)    Nhóm là những người thông minh, vì họ đã có chữ viết để thông đạt.

3)    Nhờ những kỹ thuật tối tân của phòng thí nghiệm, chúng ta có thể xác định năm tháng của sứ điệp này và chất liệu làm ra giấy cùng mực viết.

4)    Để hiểu được sứ điệp, chúng ta phải học ngôn ngữ, phong tục và văn hóa của nhóm người cổ xưa này.

5)    Nhóm người tại Austin thuộc thành phần kỹ nghệ:  họ có thể sản xuất giấy và những dụng cụ để viết.

6)    Sứ điệp viết bằng Anh-ngữ:  “Please pass the salt.”

7)    Nhóm người tại Austin có đầu óc xã hội và sống hòa nhã qua việc sử dụng từ please.

8)    Dấu ngoặc kép trước chữ please cho thấy những lời này được trực tiếp nói ra do một người nào đó.

9)    Đồ ăn của họ khác với loại “thuốc viên” bạn đang sử dụng, bởi vì câu nói ngụ ý về một thức ăn cần tới muối.

10)            Nhóm sống như cộng đồng và cùng ăn uống với nhau.

 

Tất cả 10 ý tưởng trên đều khởi đầu bằng giả thiết.  Thí dụ, bạn giả thiết từ cuối cùng của sứ điệp là salt vì bạn nhận ra được nó trên mặt giấy.  Tuy nhiên, “khám phá” của bạn có thể là một câu được chuyển ngữ chứ không phải là một sứ điệp nguyên thủy.  Cũng có thể là khi chuyển ngữ, người viết nào đó đã viết sai từ, gạch ngang trên chữ l nên biến từ sall thành từ salt.  Rồi cũng có thể không phải là từ “salt” mà thực sự là từ sally lunn, tên của một thứ bánh ngọt ở miền Nam.

Nếu những giả thiết của bạn không đúng thì hầu hết những kết luận của bạn cũng không đúng.  Như thế, dự định xuất bản cuốn sách của các bạn cần phải xét lại và phải đề ra một kế hoạch mới dựa trên những giả thiết đúng.

Bài tập đơn giản này giúp bạn hiểu về một số kỹ thuật các học giả Kinh Thánh sử dụng để hiểu kế hoạch của một cuốn Tin Mừng.  Vì không thể cứu xét được cả tài liệu nguyên thủy do chính Mác-cô viết lẫn cá nhân Mác-cô, nên các học giả Kinh Thánh mới phải đưa ra những giả thiết để đi tới những lý thuyết về kế hoạch Mác-cô viết Tin Mừng.  Những giả thiết này được kiểm nhận và tái kiểm nhận cho đến khi một lý thuyết khả thi được đề ra.

Từ “lý thuyết” ở đây không có nghĩa là thiếu vắng sự thật, nhưng đúng hơn, là bao hàm một kết luận có lý nhất.  Hiện nay, hằng ngày chúng ta sống với không biết bao nhiêu lý thuyết:  thuyết tương đối, những thuyết phát triển tâm lý, những thuyết y khoa về ung thư và nhiều thuyết về sức khỏe liên quan tới việc chạy bộ.

Bài tập tới sẽ giới thiệu với bạn những thuyết Kinh Thánh hiện thời về toàn bộ kế hoạch Mác-cô viết sách Tin Mừng của ngài.  Những lý thuyết này đã được kiểm nhận và tái kiểm nhận qua suốt một tiến trình học hỏi Kinh Thánh dài do hằng trăm học giả trong khoảng 2000 năm.

 

 

Khám phá qua hành trình tìm về cội nguồn

 

Năm 1876, ông nội tôi là Vincenzo Apicella, con út trong số 17 người con của một gia đình nghèo, sống về nghề làm bánh tại Amalfi, Ý-đại-lợi.  Khi lên 19 tuổi, Vincenzo được cha chỉ cho cách phải làm thế nào đi sang Mỹ-châu để kiếm việc làm và gửi tiền về giúp gia đình.  Cùng với một người bạn, Vincenzo đi bộ lên Naples để kiếm đường đi.  Không có tiền, Vincenzo trốn trong một chiếc tàu đi Hoa-kỳ.  Trốn được ba ngày, anh ra gặp ông thuyền trưởng và ông ta bắt anh phải làm công để trả tiền vé tàu.

          Khi tới cảng Nữu-ước, Vincenzo được biết là những người di dân sẽ bị quản thúc tại đảo Ellis, nên anh đã nhảy xuống biển và bơi vào bờ.  Vừa tới bờ sông Hudson, ông nội tôi bị một người trông thấy và hỏi:  “Nếu mày bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa thì tao sẽ cho mày việc làm ở New Haven.”  Ông tôi chẳng biết Cộng Hòa với New Haven là cái quái gì.  Nhưng việc làm thì biết ngay.  Thế là ông tôi đã sống ở đấy suốt những năm tháng còn lại tại New Haven.  Ông chẳng bao giờ trở về Amalfi nữa.  Ông cũng chẳng đủ tiền để gởi về giúp đỡ gia đình.

          Ông nội tôi qua đời 9 tháng trước khi tôi sinh ra.  Tôi chưa khi nào biết câu truyện ông tới Hoa-kỳ cho mãi tới năm 1979 khi tôi đã trưởng thành và trở về Amalfi thăm một người bà con.  Đối với tôi, tầm quan trọng của câu truyện không phải là những dữ kiện, nhưng là những gì tôi rõ về nguồn cội của mình.

          Học hỏi Kinh Thánh cũng chứa đựng những yếu tố giống như những yếu tố trong câu truyện ông tôi.  Tôi không biết đích xác ông tôi và ông cố tôi đã nói chuyện gì với nhau, hoặc ông tôi nói gì với người thuyền trưởng hay với người đàn ông gặp ông tôi bên bờ sông Hudson, thì cũng thế, Kinh Thánh không chứa đựng đích xác những lời Đức Giê-su đã nói.  Đúng ra những lời được trình bày trong Kinh Thánh đã trải qua ba cấp độ:

 

1)    Những gì Đức Giê-su thực sự đã nói;

2)    Những gì các môn đệ rao giảng về Đức Giê-su và về những lời giảng dạy của Ngài;

3)    Những gì được viết về những điều Đức Giê-su đã nói.

 

Ba cấp độ này cho thấy sự biến chuyển từ khẩu truyền đến thành văn.  Chắc chắn Đức Giê-su đã dùng những năm rao giảng để huấn luyện và dạy dỗ các môn đệ về Nước Thiên Chúa.  Đây là cấp độ thứ nhất.

Sau khi Đức Giê-su chết và phục sinh, các môn đệ rao giảng sứ điệp của Ngài cho các cộng đoàn của họ.  Việc rao giảng được hướng về từng cộng đoàn riêng biệt và dựa trên ký ức (nhớ lại) về những lời của Đức Giê-su, chứ không phải chính nguyên văn những lời ấy.  Đây là cấp độ thứ hai.

Sau cùng, một tác giả như Mác-cô chẳng hạn, đã viết xuống những câu truyện và những lời giảng cho khỏi bị mai một.  Đây là cấp độ thứ ba.

Cũng như tôi đã kể câu truyện về ông nội tôi xảy ra cách đây gần một thế kỷ, thì Mác-cô cũng đang kể một câu truyện đức tin về Đức Giê-su đã xảy ra gần 40 năm trước khi Mác-cô viết về Ngài.  Cứ tạm coi như sách Tin Mừng Mác-cô được viết khoảng năm 70 sau Chúa giáng sinh và đặt thời điểm về cái chết của Chúa vào năm 33, thì có khoảng 37 năm trước khi Mác-cô bắt đầu viết.  Kế hoạch của Mác-cô là lựa lọc những câu truyện và sắp đặt lại để nói lên một điều gì đặc biệt cho riêng cộng đoàn của ngài.  Kế hoạch của Mác-cô là sắp xếp câu truyện về Đức Giê-su để giúp cho các độc giả của ngài tin vào Đức Ki-tô.

Bài tập vừa rồi và những hiểu biết về biến chuyển từ khẩu truyền tới thành văn có thể giúp bạn bắt đầu tìm hiểu kế hoạch Mác-cô dựng sách Tin Mừng của ngài.  Cấu trúc của Tin Mừng Mác-cô sẽ được bày tỏ qua bài tập sau đây.

Trong những khoảng cách dưới đây, bạn hãy viết lại những câu trong Tin Mừng Mác-cô:

 

1:1

...............................................................................................................................................................................

 

8:29 (chỉ viết lại những điều ông Phê-rô nói)

...............................................................................................................................................................................

 

8:31

...............................................................................................................................................................................

 

15:39 (những gì viên đại đội trưởng nói)

..............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Kết quả khám phá

 

Những câu Kinh Thánh bạn vừa viết xuống chính là dàn bài của kế hoạch dựng Tin Mừng Mác-cô.  Phần thứ nhất của Tin Mừng Mác-cô là từ 1:1 đến 8:30.  Phần thứ nhì là 8:31 đến 15:39.

          Hai phần chính của Tin Mừng Mác-cô trả lời cho hai câu hỏi.  Dưới đây bạn sẽ thấy những câu hỏi này và những trích dẫn Kinh Thánh để trả lời những câu hỏi ấy:

 

          Hỏi:             Người này, ông Giê-su, là ai vậy?

          Trả lời:        Là Đấng Cứu Thế (8:29).

 

          Hỏi:             Ngài là Đấng Cứu Thế loại nào?

          Trả lời:        Là Con Thiên Chúa (15:39).

 

 

Khám phá

 

Khôn ngoan hơn, chúng ta nên dừng lại ở đây để cầu nguyện.  Giống như trong Hành trình 3, bạn hãy tự hỏi mình những câu hỏi chính Mác-cô đã trình bày cho cộng đoàn của ngài:

 

·         Con người Đức Giê-su là ai đối với tôi?

·         Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế nào đối với tôi?

·         Đức Giê-su là Con Người chịu đau khổ và là Con Thiên Chúa, những điều này có nghĩa gì đối với tôi?

 

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 4, bạn đã có những khám phá sau đây:

 

·         nhận thức việc học hỏi Kinh Thánh bằng cách sử dụng chất liệu ngoài Kinh Thánh;

·         hiểu biết “lý thuyết” trong việc học hỏi hiện đại về Kinh Thánh;

·         biến chuyển từ khẩu truyền đến thành văn của Kinh Thánh;

·         cấu trúc toàn diện của sách Tin Mừng Mác-cô trả lời cho hai câu hỏi “Người này là ai?” và “Ngài là Đấng Cứu Thế nào?”;

·         có thêm chất liệu để suy nghĩ.

 

 

Sách đọc thêm

 

Kelber, Werner.  The Oral and the Written Gospel. 

Philadelphia:  Fortress Press, 1983.

 

Senior, Donald & Eugene LaVerdiere.  Gospel of Mark, Audiocassettes 1-4.

          Austin, Texas:  Texas Catholic Conference Scripture Seminar, 1984. 

 

 

 

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà