Hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô

Hành trình 12

 

 

Sứ điệp giấu ẩn

 

 

Arthur Miller viết cuốn The Crucible vào thập niên 1950.  Vở kịch diễn lại cuộc săn đuổi phù thủy tại Salem, Massachusetts khoảng năm 1600.  Miller đã mô tả rất lâm ly hoàn cảnh lịch sử Hoa-kỳ qua những nhân vật hết sức cuồng tín đến độ họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của đồng bọn.

 

Khán giả chứng kiến diễn tiến giữa các nhân vật và những biến cố mà không cần biết gì về Salem vào khoảng 1600 hoặc về ông Miller nữa.  Nhưng nếu khán giả hiểu biết được quãng thời gian Miller sống cũng như những việc làm của ông, họ sẽ nhận ra là Miller cũng đang mô tả khoảng thời gian 1950, lúc phong trào McCarthy biến các nghệ sĩ thành đối tượng của những “cuộc săn phù thủy” và làm cho họ trở nên kẻ thù của chính phủ Hoa-kỳ.  Miller nói lên sự vô lý của những biến cố trong thời ông bằng cách trình bày một lối sống kỳ quặc trong thời khác.

 

Có một sự tương tự giữa lối viết của Miller và lối sử dụng chất liệu Kinh Thánh.  Trong khoảng 400 năm (từ năm 200 truớc Chúa Giê-su đến năm 200 sau công nguyên), một hình thức văn chương bình dân trong thời Kinh Thánh được mệnh danh là khải huyền (apocalyptic).  Lối văn này chứa đựng những sứ điệp giấu ẩn qua một ngôn ngữ hết sức biểu tượng.  Cũng như nhà viết kịch Miller đã so sánh một thời đại lịch sử với một thời đại khác, tác giả Kinh Thánh sử dụng lối văn khải huyền để nói lên những hoàn cảnh hiện tại nhưng lồng trong những khoảng thời gian quá khứ.

 

Kỹ thuật văn khải huyền đã trở nên quen thuộc trong những thời đại vô cùng xáo trộn và đầy bách hại.  Chứng cớ về lối văn này được tìm thấy qua sách ngôn sứ Đa-ni-en và sách Khải Huyền.  Mỗi sách đều phản ảnh một thời đại đầy gian khổ do tay các bạo chúa đã ra lệnh hành hạ bao người, dã man không sao tả xiết.  Tác giả dùng lối văn khải huyền đem lại cho độc giả niềm hy vọng giữa một thời đại xáo trộn.  Mặc dù lối văn khải huyền đầy biểu tượng, nhưng vẫn hiểu được nếu chúng ta ý thức được những ý nghĩa biểu tượng của nó.

 

Ngoài sách Đa-ni-en và Khải Huyền ra, lối văn khải huyền cũng ảnh hưởng rất nhiều tới sách Tin Mừng.  Mác-cô đã ứng dụng lối văn này vào sách Tin Mừng của ngài, đặc biệt trong chương 13.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Mác-cô 13.

 

          Chú giải Kinh Thánh (exegesis) là việc cắt nghĩa từng dòng của một đoạn Kinh Thánh.  Việc chú giải này giúp cho sinh viên làm quen với ý nghĩa biểu tượng của ngôn ngữ, thể văn của tác giả và những phong tục tập quán thời đại ấy.  Bài tập sau đây sẽ giới thiệu với bạn việc chú giải một đoạn Kinh Thánh.

 

          Trong bài tập dưới đây, bạn hãy đọc lại Mác-cô 13 như đã phân chia sẵn.  Sau khi đọc các câu, bạn hãy viết một câu ngắn tóm tắt lại sứ điệp đã nhận thấy hoặc hình ảnh được mô tả.

 

Mác-cô 13:1-2

..................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:3-4

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:5-6

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:7-8

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:9-13

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:14-20

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:21-23

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:24-27

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:28-29

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:30

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:31

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:32

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:33-36

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 13:37

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Trong bài tập trên, bạn đã tìm hiểu ý nghĩa mỗi đoạn tóm tắt.  Bạn hãy so sánh những điều bạn biết với những điều trình bày sau đây.

 

Cảnh một (13:1-2):  Đức Giê-su tiên báo cho một người môn đệ của Ngài biết việc phá hủy Đền Thờ.

 

          Bạn hãy đọc Mác-cô 11:11-25.

 

          Đọc chương 11 cho thấy việc Mác-cô nói về Đền Thờ, một trong những công trình xây cất vĩ đại của thời ấy.  Mặc dù kiến trúc nguy nga, nhưng Đức Giê-su tiên báo nó sẽ bị phá hủy hoàn toàn.  Cũng như cây vả (11:12-14,20-21) đã bị tiêu hủy thế nào, cũng vậy, Đền Thờ sẽ bị phá hủy (13:1-2).

 

          Trong lối văn khải huyền, tác giả thường đặt một biến cố quá khứ như là điều sẽ xảy ra trong tương lai.  Làm như thế, tác giả có thể nói đến những tái diễn của biến cố trong tương lai.  Nói khác đi, một số học giả tin rằng vào lúc Mác-cô viết thì việc phá hủy Đền Thờ đã xảy ra rồi.  Đền Thờ bị phá hủy khi Giê-ru-sa-lem thất thủ và rơi vào tay Ti-tô trong chiến tranh Do-thái từ năm 66 đến 70 sau công nguyên.

 

          Vì Mác-cô muốn nhấn mạnh việc phá hủy Đền Thờ như bối cảnh cho đoạn này, nên các học giả đã cho rằng Mác-cô viết sách Tin Mừng vào giai đoạn này, do đó Tin Mừng Mác-cô được viết vào năm 70 sau công nguyên.  Vì các Ki-tô hữu thời ấy đã quen với lối văn khải huyền nên họ tin rằng việc phá hủy Đền Thờ sẽ là biến cố sau cùng trước khi Đức Giê-su trở lại trong vinh quang.  Nhưng Đền Thờ đã bị phá hủy rồi mà Đức Giê-su vẫn chưa trở lại, cho nên Mác-cô đã phải đối phó với nỗi thất vọng của cộng đoàn ngài.

 

Cảnh hai (13:3-4):  Huấn dụ thêm về việc phá hủy Đền Thờ.

 

          Những sứ điệp ẩn giấu được trình bày trong hai câu này.  Núi Ô-liu, dù là một địa danh có thật nhưng đã có một liên hệ biểu tượng với việc Đấng Cứu Thế đến.  Ngôn sứ Da-ca-ri-a viết:  “Ngày ấy, Người sẽ dừng chân trên núi Ô-liu, đối diện với Giê-ru-sa-lem về phía đông.  Núi Ô-liu sẽ chẻ ra ở giữa, từ đông sang tây, làm thành một thung lũng rộng lớn;  một nửa quả núi sẽ lui về phía bắc và một nửa về phía nam” (Dc 14:4).

 

          Đức Giê-su, Đấng được hứa ban và sẽ trở lại vào ngày tận thế, đang ngồi trên ngọn núi này và chăm chú nhìn xuống thành Giê-ru-sa-lem bạc mệnh.  Dù diễn tả Đức Giê-su đang bàn luận với bốn môn đệ, chúng ta vẫn có thể hiểu ngầm rằng chính Mác-cô đang đối phó với những khó khăn trong cộng đoàn ngài.  Có hai câu hỏi nêu ra ở đây:  Khi nào Đền thờ sẽ bị phá hủy (xem 13:2)?  Dấu chỉ nào cho thấy trước về ngày tận thế?

 

          Bạn hãy nhớ là có liên hệ mật thiết giữa việc phá hủy Đền Thờ và việc Đức Giê-su tái lâm (parouisia) trong đầu óc những người thuộc cộng đoàn Mác-cô.  Các môn đệ trong trình thuật là biểu tượng cho cộng đoàn Mác-cô đang bối rối vì Đền Thờ đã bị phá rồi mà việc thế mạt vẫn chưa xảy đến.

 

          Trong thời đại chúng ta, chúng ta phải đối phó với những người tự xưng là đọc được “những dấu chỉ thời đại” và tiên đoán ngày tận thế.  Nếu lấy hoàn cảnh đất nước Ít-ra-en hoặc viễn ảnh chiến tranh hạch nhân giữa những siêu cường quốc đem so sánh với hình ảnh Kinh Thánh thì đúng là những ông bà thầy bói tiên đoán tận thế đang lo lắng chờ ngày thế giới bị tiêu hủy.  Hy vọng nhất thời của họ là sẽ được “đưa đi” – được đem lên trời – ngay trước khi thảm họa sau cùng tiêu hủy hành tinh này.  Dẫn chứng Kinh Thánh về niềm tin này được gặp thấy trong bản dịch cổ điển Thư I gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca 4:17.

 

Cảnh ba (13:5-23):  Những dấu chỉ và những cảnh cáo.

 

          Cảnh này gồm có năm sứ điệp.

 

          1)  Mác-cô 13:5-6 cảnh cáo coi chừng ngôn sứ giả.  Cảnh này mở đầu và kết thúc với cùng một mệnh lệnh hãy coi chừng những ngôn sứ giả, những kẻ cho mình là Đấng Ki-tô hoặc biết chắc Đấng Ki-tô ở đâu và sẽ đến vào lúc nào (15:5, 23).  Như Đức Giê-su đã cảnh cáo môn đệ Ngài phải coi chừng bọn ngôn sứ giả, Mác-cô cũng cảnh cáo cộng đoàn ngài đề phòng các ngôn sứ giả ngay trong hàng ngũ của họ.  Bầu khí căng thẳng trong thời Mác-cô đã sản xuất rất nhiều hạng người cuồng tín đã ồn ào cho họ là Đức Giê-su hoặc bảo là ngày tận thế sắp đến.  Đây cũng là một khó khăn thường thấy trong thời Giáo Hội sơ khai, vì những đoạn Kinh Thánh khác cũng cảnh cáo những gì tương tự xảy ra (bạn hãy đọc 2 Tx 2;  Cv 20:29-30).

 

          2)  Mác-cô 13:7-8 nói về chiến tranh và những tin đồn về chiến tranh.  Qua Đức Giê-su, Mác-cô thông báo cho chúng ta biết “chưa phải là cùng tận” (13:7).  Dù lối viết khải huyền đầy những tai họa (chiến tranh, động đất và nạn đói) là những dấu chỉ tận thế, thì thời giờ tận thế thực sự vẫn chưa xảy ra.  Mác-cô chỉ xác định  rằng “Những điều ấy phải xảy đến” (13:7) thôi.  Đối với Mác-cô, đây không phải là “tận cùng,” mà đúng ra là “khởi đầu” những đau khổ cho Ki-tô hữu (bạn hãy nhớ lại tiêu đề của sách Tin Mừng trong 1:1).  Sự khởi đầu đau khổ này sẽ được quảng diễn trong phần còn lại của khung cảnh.

 

          3)  Mác-cô 13:9-13 hứa hẹn đau khổ và bách hại.  Nếu bạn là một môn đệ của Đức Giê-su, bạn hãy chia sẻ với kinh nghiệm đau khổ và bách hại của Ngài, điểm mà bạn đã khám phá trong Hành trình 5.  Đối với Mác-cô, cái chết của một tín hữu không phải là tận cùng nhưng là khởi đầu.  Chính qua cái chết, Tin Mừng sẽ được rao giảng cho Dân ngoại.  Bách hại và cái chết được Ki-tô hữu thời sơ khai nhìn theo hai khía cạnh:  sự chết tự nó làm chứng cho niềm tin vào Đức Giê-su là Chúa, khiến cho những người khác được can đảm mà tin tưởng, và sự chết là một khởi đầu cho một cuộc sống mới với Đức Ki-tô.

 

          Có thể có một giải thích khác về những câu trên, tuy nhiên vẫn không loại trừ giải thích vừa kể.  Trong thời Mác-cô, sự xáo trộn do chiến tranh Do-thái đã gây nên nạn chia rẽ giữa đảng phái và xáo trộn cũng làm hư hỏng nhiều gia đình họ hàng.  Có lẽ trong cộng đoàn Mác-cô, các phần tử bị gia đình mình ghét bỏ vì họ yêu mến Đức Giê-su.  Lại nữa, Mác-cô nhắc nhở Ki-tô hữu rằng họ được mời gọi chịu đau khổ, đó chính là lời chứng đích thực của cuộc đời người Ki-tô hữu.

 

          4)  Mác-cô 13:14 nói đến “Đồ-Ghê-Tởm-Khốc-Hại”.  Từ này lấy từ sách Đa-ni-en 9:27; 11:31; 12:11.  Những câu Kinh Thánh này nhắc đến việc vua An-ti-ô-khô đã dựng bàn thờ ngoại giáo lên trên bàn thờ của Đền Thờ năm 189 trước công nguyên.  Khi chọn trích dẫn trên, Mác-cô muốn nói rằng thời này còn tệ hơn cả thời An-ti-ô-khô.  Do đó, Ki-tô hữu phải coi chừng.  Họ phải cảnh giác trước “đầu mục của thế gian” (Xa-tan hoặc sự dữ) đang nắm quyền ở ngay địa điểm xây Đền Thờ.  Cái nhìn khải huyền cho thấy là thế giới hiện tại đang nằm dưới quyền lực Xa-tan, nhưng sẽ được biến đổi do quyền năng của Thiên Chúa khi Đấng Cứu Thế trở lại trong vinh quang.

 

          Những câu tiếp theo (13:15-20) mô tả hành động của những kẻ vây thành Giê-ru-sa-lem.  Khi quân địch đã tới cổng thành thì người ta phải lanh lẹ ra ngoài.  Tuy nhiên lối viết khải huyền muốn nói đến một ý nghĩa sâu xa hơn là thái độ thực tiễn phải trốn tránh quân địch.  Đối với Mác-cô, Ki-tô hữu trốn khỏi thành trì đang nằm dưới quyền lực Xa-tan thì hãy mang sứ điệp cứu rỗi đến với những ai muốn tin vào Đức Giê-su, Người Tôi tớ Đau khổ.

 

          5)  Trong Mác-cô 13:21-23, chúng ta lại đọc thấy sứ điệp “hãy coi chừng!”  Lần này Mác-cô cảnh cáo rằng những tình trạng xáo trộn có thể lại xảy đến.  Qua cuộc sống, Ki-tô hữu sẽ phải đối phó với những ngôn sứ giả đang cố gắng thuyết phục họ bỏ đi lòng tin.  Mác-cô nói rằng sứ điệp Đức Giê-su đều “đã báo trước tất cả cho anh em!” (13:23).  Lời này qua miệng Đức Giê-su cho biết Ngài là vị Ngôn sứ đích thực, Đấng có thể nhận rõ những dấu chỉ thời đại.  Ngài là tiên tri đích thực, vì Ngài đã nhắc tới những điều này trước rồi.  Cũng như mọi điều tiên báo trước kia đều đúng thì lần cảnh cáo này cũng đúng.

 

Cảnh bốn (Mác-cô 13:24-27):  Ngày Thế mạt.

 

          Cảnh này lại liên hệ với Kinh Thánh Cựu Ước.  Con Người (xem Hành trình 10) sẽ xuất hiện sau những biến cố ấy.  Hình ảnh đích thực của Ngài sẽ tỏ lộ trong ngày thế mạt.  Rồi Ki-tô hữu sẽ thực sự nhìn thấyhiểu được sứ mệnh của Con Người.  Với Ki-tô hữu, đây sẽ là thời gian vui mừng vì Con Người thu thập lại mọi người của Thiên Chúa.

 

 

Cảnh năm (Mác-cô 13:28-37):  Tỉnh thức.

          Một lần nữa, Mác-cô lại đưa về những biến cố thực sự đã xảy ra.  Vì Pha-lét-tin lúc nào cũng xanh tươi, nên cây vả là một trong số ít cây đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân.  Nói theo cách biểu tượng, Mác-cô muốn xác nhận rằng ngày tận cùng đã gần.  Mác-cô và cộng đoàn của ngài chắc đã tin rằng việc Đức Giê-su tái lâm sẽ xảy ra khi họ còn đang sống.  (Phao-lô cũng nghĩ như vậy trong 1 Thê-xa-lô-ni-ca 4:14-16).  Nhưng biết chắc khi nào xảy ra thì chỉ có mình Thiên Chúa Cha biết mà thôi.  Chính Chúa Cha sẽ tỏ lộ cho Chúa Con vào thời giờ thuận tiện.  Mác-cô 13:32 là câu trả lời cho những ngôn sứ giả thời nay cứ muốn tiên đoán ngày giờ tận thế.

 

          Rõ ràng, việc cá nhân Mác-cô cho rằng Đức Ki-tô sẽ trở lại lúc ngài còn đang sống là sai lầm.  Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu quan niệm của Mác-cô về tận thế trong thế hệ của ngài thì chúng ta sẽ hiểu được một cách mới mẻ về sứ điệp này bằng cách chia những biến cố của Đức Ki-tô thành ba loại:

 

·         Chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế -  giai đoạn bắt đầu với việc tạo dựng và kết thúc với việc Đức Giê-su đến.

·         Việc Đức Giê-su đến trong lịch sử -  giai đoạn khi Đức Giê-su sống tại thế, rao giảng Tin Mừng.  Giai đoạn này kết thúc với sự chết và sống lại của Ngài.

·         Thời đại chuyển tiếp cho đến khi Đấng Cứu Thế lại đến. Giai đoạn này bắt đầu với việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và công việc các tông đồ rao giảng Đức Ki-tô cho toàn thế giới.  Giai đoạn này sẽ kết thúc khi Con Người đến trong vinh quang.  Giai đoạn này có cả Mác-cô lẫn chúng ta.

 

Cũng như Mác-cô và các tín hữu của ngài, chúng ta đang chờ đợi tận thế.  Chính khi Đức Giê-su đến trong vinh quang là lúc chúng ta sẽ hiểu được làm môn đệ Chúa nghĩa là gì.  Với Mác-cô và cả chúng ta nữa, đây là ngày trọng đại vui mừng vì chúng ta tin rằng đây là lúc Thiên Chúa nối kết mọi người con cái Chúa lại với nhau.  Cũng như người mù tại Bết-xai-đa (8:22), chúng ta sẽ đi từ sự mù lòa đến việc nhìn thấyhiểu rõ.

 

 

Khám phá

 

Để kết luận cho những nhận xét về vấn đề khải huyền, chúng tôi nêu lên những yếu tố chính về văn chương khải huyền dưới sáu tiêu đề sau đây:

 

1)  Vấn đề tác giả.  Văn chương khải huyền được giới thiệu như lối viết của một vị tổ phụ hoặc ngôn sứ nào đó đã qua đời từ lâu.  Tác giả được gợi ý do diễn biến lịch sử đã lấy một tên giả khi viết.  Mặc dù đây không phải trường hợp của Mác-cô (hoặc sách Khải Huyền), vì thực sự chúng ta không có một tên giả, nhưng là chính Mác-cô đã lồng khung cảnh khải huyền vào lời lẽ của Đức Giê-su sau khi Đức Giê-su đã chết và Đền Thờ đã bị phá hủy.  (Đọc lại Hành trình 4, bạn sẽ hiểu cách Mác-cô lồng một khung cảnh vào những “lời lẽ của Đức Giê-su.”  Hãy nhớ là có sự di chuyển từ những điều Đức Giê-su đã thực sự nói đến những điều người ta viết về những gì Đức Giê-su đã nói.)

 

2)  Ý niệm về Thiên Chúa.  Văn chương khải huyền hiểu Thiên Chúa là Adonai (Chúa, Thiên Chúa), nghĩa là “Đấng đã có từ muôn đời.”  Thiên Chúa là Đấng siêu việt và Người liên lạc với lịch sử nhân loại chỉ qua trung gian của các thiên sứ.  Thiên Chúa thánh thiện đến nỗi chúng ta không bao giờ được xướng tên Gia-vê là danh Người, tên đã được mặc khải cho Mô-sê.

 

3)  Ý niệm về Mặc khải.  Khi nói đến ý niệm mặc khải, chúng ta cố gắng hiểu Thiên Chúa tỏ mình ra như thế nào qua thời gian và lịch sử (mặc khải là mở bức màn che phủ ra).  Trong văn chương khải huyền, mặc khải được coi là một thông đạt mới cho biết kế hoạch của Thiên Chúa dành cho thế giới.  Kế hoạch này là một bí mật được tỏ lộ chỉ cho những người rất thánh thiện biết.  Để bảo toàn những yếu tố bí mật, các hình ảnh và con số biểu tượng được coi là những chìa khóa để hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa.  Trong đoạn Tin Mừng này của Mác-cô, Đức Giê-su là Đấng Thánh của Thiên Chúa nên đã giữ bí mật được mặc khải cho Ngài.  Ngài đang vén màn bí mật về sứ điệp này qua thứ ngôn ngữ biểu tượng.

 

4)  Thời gian Mặc khải của Thiên Chúa.  Văn chương khải huyền nhấn mạnh rằng Đấng Adonai (Chúa) đã nói hoặc tỏ ra kế hoạch bí mật trong một quá khứ thật xa xưa khi mọi sự khác với bây giờ.  Kể từ lúc ấy, kế hoạch đã được niêm phong trong bí mật cho tới thời gian thuận tiện khi người nào đó có thể vén màn bí mật dựa trên một số dấu chỉ.  Những “dấu chỉ” này cho ta thấy sự kiện là quyền năng Thiên Chúa sắp sửa toàn thắng trong cuộc xung đột cuối cùng của toàn thể vũ trụ, trong đó thiện chí chiến thắng sự dữ.

 

5)  Hy vọng vào tương lai của con người.  Văn chương khải huyền gặp thấy niềm hy vọng về nhân loại trong quyền năng tuyệt đối của Đấng Adonai trên vũ trụ (mặc dù giấu ẩn), Người là Đấng có thể làm mọi sự.  Người ta cũng gặp được niềm hy vọng trong cộng đồng thà chịu tử đạo hơn là làm phương hại đức tin của họ nơi Thiên Chúa hay Lề Luật.  Ngay đến tình trạng gia tăng khổ đau hiện thời cũng chỉ là chiến thắng bề ngoài và tạm bợ của sự dữ mà thôi.  Ngày Phán xét sẽ từ trời đến trong nháy mắt như một phép lạ hoàn vũ do Đấng Adonai thực hiện.  Chúng ta không việc gì phải thất vọng ngay giữa cay đắng do những đau khổ và bách hại trong tay kẻ thù.  Vì toàn thể trật tự thế giới hiện đại này đang nằm trong tay sự dữ, nên Đấng Adonai sẽ tạo nên một trời mới đất mới.

 

6)  Đức tin.  Văn chương khải huyền mời gọi cộng đồng hãy tin rằng Đấng Adonai có đầy quyền năng để làm bất cứ điều gì.  Trong ý nghĩa này, văn chương khải huyền mời gọi chúng ta hãy tin tưởng Đấng Adonai với một lòng tin vượt trên cảm nghiệm của loài người.  Hầu hết hoặc tất cả chúng ta đều chưa bao giờ nhìn thấy một thiên thần khóa miệng sư tử (Đa-ni-en 6:23) hoặc một vị ngôn sứ bay đến một thành khác (Ê-dê-ki-en 3:12-14).  Nhưng tại sao hoặc làm sao chúng ta có thể chối cãi đó là do quyền năng tối cao của Đấng Adonai?

 

          Sau hết, nhân vật khải huyền đăm đăm nhìn về phương trời xa xăm và khóc than trong ưu phiền về sự lành không còn thấy trong lịch sử nhân loại rồi cầu nguyện:  “Nhưng lạy Chúa, còn Chúa thì bao lâu nữa?”

 

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 12, bạn đã khám phá:

 

·         Mác-cô 13 là một thí dụ về văn chương khải huyền, một thể văn thường thấy.

·         Việc chú giải Kinh Thánh giải thích bản văn Kinh Thánh từng dòng một, nhấn mạnh đến từ ngữ, phong tục và thể văn.

·         Qua thể văn khải huyền, Mác-cô đem lại một sứ điệp hy vọng cho cộng đoàn ngài trong thời xáo trộn và bị bách hại.

·         Ki-tô hữu đích thực, mặc dù đang phải đau khổ, nhưng cuối cùng sẽ vui mừng về ngày thế mạt khi Con Người đến trong vinh quang.

·         Văn chương khải huyền có sáu yếu tố chính.

 

 

Sách đọc thêm

 

Hanson, James.  If I’m A Christian, Why Be a Catholic?:  The Biblical Roots of Catholic

          Faith.  Ramsey, N.J.:  Paulist Press, 1984.

 

Jewett, Robert.  Jesus Against the Rapture:  Seven Unexpected Prophecies.

          Philadelphia:  Westminster Press, 1979.

 

       


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà