Hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô

Hành trình 14

 

 

Đâu là kết thúc?

 

 

Có khi một cuốn phim kết thúc rồi mà chúng ta vẫn còn ngồi trong bóng tối, vừa theo nghĩa đen vừa nghĩa bóng.  Khi xảy ra như vậy, chúng ta cứ ngồi dí trên ghế rạp hát, mắt dán vào màn ảnh, mong có thêm một cái gì nữa sẽ xuất hiện.  Kết thúc đột ngột khiến chúng ta sững sờ, bởi vì chúng ta thấy nơi chúng ta có điều gì đó mong mỏi câu truyện đến hồi kết thúc.  Đã kết thúc thì phải là kết thúc thực sự chứ.

 

          Chúng ta nhận thấy Tin Mừng Mác-cô kết thúc đột ngột (16:8).  Mặc dù các học giả Kinh Thánh tin rằng kết thúc thực sự là ở câu 16:8 rồi, nhưng sách Kinh Thánh của tôi lại có ba tiểu đề:  “Kết thúc mẫu dài,” “Kết thúc mẫu ngắn” và “Lời nói thêm.”  Những đoạn thêm vào Tin Mừng Mác-cô cho thấy tình huống khó khăn của Giáo Hội sơ khai qua lối kết thúc của Mác-cô.  Chỉ cần đọc những phần thêm vào cuối Tin Mừng Mác-cô cũng cho chúng ta rõ có sự thay đổi ngôn ngữ và lối văn không giống như của chính Tin Mừng, do đó hầu hết các học giả đều chủ trương là kết thúc dài ấy được thêm vào sau này.

 

          Có ba cách giải thích tại sao Mác-cô kết thúc đột ngột:

 

          1)  Đang khi Mác-cô viết Tin Mừng thì ngài bị bắt vì đạo.  Bị bắt trước khi viết xong Tin Mừng, Mác-cô chịu chung số phận mà ngài đã thấy trước các môn đệ Đức Ki-tô sẽ phải chịu, cho nên ngài để cho những người khác hoàn tất công việc viết Tin Mừng.

 

          2)  Vì chúng ta không có bản chính của Mác-cô, mà phần kết lại mất.  Do đó khi các thư ký chép lại Tin Mừng và nhận thấy phần kết bị mất, họ đã viết thêm phần ấy vào theo như họ nghĩ.

 

          3)  Mác-cô 16:8 là câu kết.  Mác-cô chủ ý kết thúc ở đây, và ngài tin là ngài đã cho độc giả một kết thúc thực sự rồi.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Mác-cô 16:1-8.

          Những câu đầu tiên (16:1-4) quả thực là để chúng ta hiểu rõ những sự kiện về sự Phục sinh.  Các phụ nữ đi xức dầu thơm cho xác Chúa.  Họ bàn bạc làm sao đẩy được phiến đá che mộ.  Rồi họ thấy phiến đá đã được rời đi từ trước khi họ tới.  Cả đến ngày tháng cũng đúng thực:  “Vừa hết ngày sa-bát” (16:1).

 

          Đừng đọc quá vội vàng những gì Mác-cô kể lại trong bốn câu này.  Nếu đọc đoạn này, rồi bạn vội tin là mình đã biết những gì xảy ra, thì bạn đã quên mất một điểm quan trọng, đó là sự vô lý về việc các phụ nữ đi xức xác Chúa.  Việc xức dầu đã được kể trong đoạn 14:3-7 rồi (xem lại Hành trình 13).

 

          Bạn hãy đọc lại câu 16:2:  “Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc...”  Nếu bạn đọc được tiếng Hy-lạp và Do-thái, thì việc nhấn mạnh vào ngày thứ nhất trong tuần và sau khi mặt trời ló rạng sẽ khiến bạn nhớ lại cùng một ngôn ngữ ấy cũng đã được sử dụng trong câu truyện tạo dựng trong sách Sáng Thế.  Sách Sáng Thế 1:1-5 viết:

 

1       “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.

2       Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.

3       Thiên Chúa phán:  “Phải có ánh sáng.”  Liền có ánh sáng. 

4       Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp.  Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối.

5       Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày,” bóng tối là “đêm.”  Qua một buổi chiều và một buổi sáng:  đó là ngày thứ nhất.”

 

Mác-cô đang so sánh “ngày thứ nhất tạo dựng” với “ngày thứ nhất của Phục sinh,” vì ngày trong câu Mác-cô 16:2 là ngày khởi đầu cuộc tạo dựng mới.

 

          Sau khi độc giả đã được lưu ý về “ngày tạo dựng mới,” Mác-cô kể lại việc các bà được một người thanh niên chào hỏi.  Chính lời chào hỏi của người này sẽ chứng tỏ là Tin Mừng Mác-cô kết thúc ở câu 16:8.

 

          *  Người thanh niên bảo các bà đừng hoảng sợ (16:6a).  Nếu bạn còn nhớ thì trong Hành trình 1, chúng ta đã gặp sự hoảng sợ như là những từ chính được lập đi lập lại nhiều lần trong Mác-cô.  Trong Tin Mừng Mác-cô, dân chúng hoảng sợ trước việc Đức Giê-su chữa lành, trừ quỷ, làm phép lạ, hành động và giảng dạy với uy quyền.  Giờ đây đến lượt các bà hoảng sợ;  mà hoảng sợ là phải vì họ tưởng đến để gặp người chết, hóa ra lại nghe nói Ngài còn sống.

 

          *   “Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét...” (16:6b).  Rõ ràng Ngài đã đi rồi.  Cũng Đức Giê-su Na-da-rét đã được nói đến trong các sách Tin Mừng khác, giờ đây  không còn nằm trong mộ chôn kẻ chết nữa.  Một lần nữa Mác-cô trình bày một sứ điệp về sự sống nơi kẻ chết.

 

          *   “...Đấng bị đóng đinh, Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa.  Chỗ đã đặt Người đây này!” (16:6c).  Đối với Mác-cô, đây chính là sự sống lại.  Đức Giê-su Na-da-rét bị các nhà lãnh đạo hành quyết đã được đem đến ngôi mộ này.  Nhưng “Người đã chỗi dậy rồi” và chứng cớ là nơi xác Ngài nằm giờ đây trống rỗng.

 

          Eugene LaVerdiere cho chúng ta một suy tư tuyệt vời về đoạn Tin Mừng này.  Đối với LaVerdiere, Mác-cô đang trình bày một so sánh khéo léo giữa ba khuôn mặt:  Đức Giê-su biến hình, người thanh niên trần truồng chạy trốn và vị sứ giả tại ngôi mộ.  Vị sứ giả cũng mặc áo trắng giống như Đức Giê-su trong cuộc Hiển dung.  Vị ấy mang áo trắng tinh làm chúng ta liên tưởng đến Bí tích Rửa tội.  Vị sứ giả đang công bố sự thật về Đức Giê-su:  Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế đã sống lại từ kẻ chết.  Sứ điệp này là cốt tủy của việc rao giảng Tin Mừng.  Sứ giả ngồi giữa nơi kẻ chết để công bố sự sống.  Sứ giả ấy (có thể là Mác-cô) là môn đệ chân chính.

 

          Trái lại, người thanh niên đã trút áo trắng mà sợ hãi chạy trốn.  Anh ta không thể nhận ra sự liên hệ giữa cuộc Khổ nạn và sự Phục sinh, cũng như không thể đương nổi những trách nhiệm do lời hứa Rửa tội.  Chúng ta có thể nhận ra sự tương phản giữa vị sứ giả và chàng thanh niên theo một khía cạnh mới nữa.  Đó là người môn đệ chân chính của Chúa Ki-tô phải nhận ra sự sống giữa những dấu chỉ của cái chết chung quanh mình.  Hãy nhớ lại những diễn biến xáo trộn về chính quyền cũng như tôn giáo Mác-cô đã mô tả qua lối văn khải huyền.  Vậy giờ đây Mác-cô nói rằng mặc dù mọi sự xem ra còn ảm đạm, nhưng người môn đệ chân chính cũng phải giống như người thanh niên tại ngôi mộ, đang ngồi giữa khung cảnh u tối để mà công bố về sự sống.

 

          “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông.  Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.”  Phần đầu của sứ điệp này bảo các bà hãy loan báo Tin Mừng cho các môn đệ của Chúa.  Phần thứ hai của sứ điệp chứa đựng tâm điểm trình thuật, tức là Đức Giê-su đi trước tới Ga-li-lê.

 

          Trong Hành trình trước (HT 13) chúng ta đã nói đến tầm quan trọng của Ga-li-lê.  Ga-li-lê còn quan trọng hơn cả một địa danh và có thể coi như là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa giá trị.  Đó là nơi biểu tượng cho cuộc tái lâm sẽ xảy ra.  Việc Đức Giê-su đi Ga-li-lê là một hành động biểu tượng quả quyết với độc giả sách Tin Mừng rằng sứ điệp phải được rao truyền cho mọi người trên mặt đất.  Ga-li-lê trở nên một nơi biểu tượng của Con Người, trong khi Giê-ru-sa-lem biểu tượng cho nơi sẽ sụp đổ dưới quyền lực của Xa-tan.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Mác-cô 14:28.

 

 

Những điều khám phá

 

Những gì Đức Giê-su đã tiên báo trong 14:28 thì bây giờ được thể hiện trong 16:7.  Tại sao người ta còn nghi ngờ điều này đang khi mọi điều Ngài tiên báo đã xảy ra?  Ngài đã chẳng ba lần tiên báo về cuộc Khổ nạn của Ngài đấy ư?  (Xem Hành trình 7).  Ngài đã chẳng tiên báo việc Phê-rô chối Ngài (14:30) hay sao?  Bởi vậy, nếu Đức Giê-su đã tiên báo Ngài sẽ có mặt tại Ga-li-lê sau khi sống lại từ kẻ chết, thì thế nào Ngài cũng phải tới đó.

 

          Câu cuối cùng của trình thuật Khổ nạn (16:8) có thể khiến nhiều người hiểu trái nghịch nhau về kết cục của Tin Mừng Mác-cô.  Trước hết, Chúa sống lại và phải vui mừng.  Thế mà “vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía.  Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ quá” (16:8).

 

          Các học giả đã suy nghĩ về câu này từ bao thế kỷ, vì rõ ràng câu ấy đã đặt sách Tin Mừng trong tình trạng bỏ dở.  Họ bảo chúng ta rằng việc bỏ dở ấy không phải về phần Đức Ki-tô vì Ngài đã toàn thắng trên thập giá và ngự bên hữu Thiên Chúa (14:62).  Việc còn lại Đức Ki-tô sẽ làm, đó là Ngài sẽ tới để quy tụ các kẻ trung thành (13:27).  Việc bỏ dở kia là về phần cộng đồng, vì Chúa Phục sinh sẽ tiếp tục ẩn giấu cho đến khi Ngài lại đến.  Bức màn bí ẩn về Chúa Phục sinh cùng với việc các bà không nói với ai một lời khiến chung ta nhớ lại những gì đã được thảo luận trong Hành trình 10.

 

          Trong Hành trình 10, chúng ta đã đọc chín trình thuật khác nhau nói về việc Chúa dạy người ta không được nói gì cả (bí mật về Đấng Cứu Thế).  Bí mật này giờ đây được tỏ lộ vì sự Phục sinh đã xảy ra, tuy chưa hoàn toàn vì chúng ta không biết ngày giờ nào Đức Ki-tô lại đến.  Sự yên lặng của các bà có thể nói lên rằng ý tưởng về ngôi mộ trống đã được tiết lộ vào một thời điểm nào đó sau này trong Giáo Hội sơ khai.  Lý do là vì ngôi mộ trống không được nói đến trong những thư sớm nhất của Phao-lô hoặc các thánh khác, mà chỉ nguyên thấy trong sách Tin Mừng thôi.  Cho dù các học giả không chắc chắn rõ ràng về kết thúc của Tin Mừng Mác-cô, chúng ta vẫn có thể hiểu về kết thúc này nhờ suy nghĩ từ những Hành trình trước đây cũng như một số vấn đề đã rõ ràng.

Mác-cô đã dạy chúng ta rằng chúng ta phải bước ra khỏi sự mù lòa của chúng ta mà tìm đến ánh sáng (xem Hành trình 7).  Quan trọng không phải chỉ đi đến Ga-li-lê thôi, mà còn phải thấy rõ Ga-li-lê tượng trưng cho điều gì.  Có lẽ nếu chúng ta bắt đầu với một số câu hỏi liên hệ đến chính mình, chúng ta sẽ hiểu được câu cuối cùng này của Tin Mừng Mác-cô.

 

·         Chúng ta không phải là một nhóm những kẻ tin vào sự Phục sinh, tuy tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Ki-tô mà vẫn còn những dịp khiến chúng ta mất lòng tin đó sao?

·         Có cách hành động nào trong lối sống của chúng ta không làm chứng cho Đức Ki-tô Phục sinh không?

·         Chúng ta chẳng mong chờ một điều gì đó và tin rằng “điều gì đó” ấy sẽ đến vào ngày thế mạt đấy ư?

·         Sau cùng, chúng ta chẳng tin là Nước Trời đang ở đây, nhưng vẫn chưa hoàn tất cho đến ngày Chúa Ki-tô đến lần sau hết hay sao?

 

Khi nào chúng ta mới hết nghi ngờ?  Khi nào lối sống của chúng ta mới là một chứng từ vĩnh viễn cho sự Phục sinh?  Khi nào Nước Thiên Chúa mới được hoàn tất?  Câu trả lời chỉ có vào ngày thế mạt, hoặc nói theo ngôn từ của Mác-cô, khi nào chúng ta thực sự thấy Ga-li-lê.  Bởi vì chính tại Ga-li-lê mà chúng ta nhận biết Con Người đến trong vinh quang của Ngài.

 

          Chúng ta sống trong thời gian ỡ giữa sự Phục sinh và Ngày Tái lâm.  Chúng ta cũng không khác gì những môn đệ Chúa Giê-su hoặc các phần tử thuộc cộng đoàn Mác-cô.  Chúng ta chờ đợi.  Đang khi chờ đợi, chúng ta luôn cố gắng sống Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô Na-da-rét.  Theo một nghĩa nào đó, chúng ta cũng đang hoảng sợ, run rẩy.  Chúng ta sẽ hoàn toàn khắc phục được sợ hãi chỉ khi nào chúng ta được ở cùng Đức Ki-tô đến muôn đời.

 

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 14 này, bạn đã khám phá những điều sau đây:

 

·         Mác-cô 16:8, mặc dù bất ngờ, nhưng là kết thúc thực sự của sách Tin Mừng.

·         Có liên hệ mật thiết giữa Đức Giê-su hiển dung, người thanh niên đứng cạnh ngôi mộ và người thanh niên trần truồng chạy trốn.  Hai người biểu tượng cho hai hạng người theo Chúa Ki-tô:  người thanh niên trong trình thuật Khổ nạn không thể chấp nhận thập giá, còn người thanh niên bên ngôi mộ loan báo Tin Mừng cứu rỗi.

·         Sứ điệp của người bên ngôi mộ là sứ điệp về sự sống giữa những dấu hiệu của sự chết.  Cũng thế, dù cộng đoàn của Mác-cô đang sống trong thời xáo trộn do chết chóc và bách hại, họ vẫn là những người của sự sống.

·         Ga-li-lê tượng trưng cho nơi Đức Giê-su sẽ tái lâm và là dấu chỉ Tin Mừng phải được loan báo cho mọi người.

·         Câu cuối cùng (16:8) mô tả các phụ nữ cũng cùng một tình huống như chúng ta.  Dù sự Phục sinh đã xảy ra rồi, chúng ta vẫn đang sống trong sự chờ đợi Đức Ki-tô lại đến.

 

 

Sách đọc thêm

 

Senior, Donald và Eugene LaVerdiere.  Gospel of Mark.  Audiocassettes.

          Austin, Texas:  Texas Catholic Conference Scripture Seminar, 1984.

           

                  


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà