Vào đề

 

 

Hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu là tập sách song song với Hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô và Hành trình học hỏi Tin Mừng Lu-ca. Ðược soạn cho độc giả người lớn, đây là tập sách rút tỉa từ những bài vở chúng tôi đã dùng để dạy những khóa Kinh Thánh cho sinh viên cấp đại học, cao học và tu nghiệp tại Ðại học Thánh Tô-ma ở Miami, Florida, cũng như các giáo xứ thuộc Tổng giáo phận Miami. Những kinh nghiệm dạy học và học hỏi này đã giúp chúng tôi xác tín rằng cốt yếu là phải biết dung hợp giữa tài liệu lý thuyết với áp dụng thực hành vào đời sống cộng đoàn nếu chúng ta muốn thực sự hiểu biết Kinh Thánh. Mỗi Hành trình được trình bày không phải chỉ nguyên như tài liệu không dính dáng gì tới đời sống cá nhân mỗi người, nhưng như một phương thế để độc giả có thể làm phát triển cuộc sống trí thức và thiêng liêng của họ. Hai điểm chủ yếu của tập sách, những kiến thức và những bài tập suy tư, đều quan trọng như nhau trong khi chúng ta học hỏi qua những bài tập.

Hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu được trình bày theo hình thức sách giáo khoa. Trước hết bạn hãy ghi lại những cảm nghĩ ban đầu, những tư tưởng và suy nghĩ làm bước đầu cho kinh nghiệm học hỏi. Những giải đáp sẽ trở thành căn bản giúp hiểu biết qua mỗi Hành trình riêng biệt. Mỗi bài tập đều cho bạn phần hiểu biết (Khám phá), những bài tập suy tư (Những điều khám phá), những điểm đã học hỏi (Ôn lại) và một danh sách tài liệu dùng để học hỏi tiếp theo (Khám phá thêm, hoặc Sách đọc thêm). Ðược trình bày theo cách từng bước một, nên bạn có thể dành thời giờ cho các bài tập bao lâu tùy theo nhu cầu của bạn cho mỗi Hành trình. Các bài tập cũng có thể sử dụng cho cá nhân hoặc cho một nhóm nhỏ.

 

Trước khi bạn lên đường học hỏi

 

Các học giả đồng ý rằng chúng ta biết rất ít về các tác giả Tin Mừng hơn là về các sách Tin Mừng. Không có tác giả nào (kể cả Mát-thêu) đã đề tên mình hoặc cho biết những chi tiết cá nhân ở trong sách Tin Mừng. Qua một cuộc tra cứu, các học giả chỉ đưa ra những giả định hữu lý dựa trên những kết quả nghiên cứu của họ hoặc những tài liệu đáng tin cậy của người khác. Tác phẩm của Mát-thêu được viết tại nơi nào đó vào khoảng giữa năm 80 tới 90 sau công nguyên. Nhiều học giả chọn năm 85 như niên hiệu đúng nhất.

          Các học giả gọi những sách của Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca là Tin Mừng Nhất lãm, nghĩa là tất cả đều theo một cái nhìn chung (syn-optic). Theo lý thuyết quen thuộc do nhiều học giả chủ trương, đó là Mát-thêu và Lu-ca cả hai đều theo giàn bài chung của Tin Mừng Mác-cô. Các học giả cũng tin rằng cả Mát-thêu lẫn Lu-ca đều lấy tư liệu từ những nguồn liệu khác. Một nguồn liệu quan trọng được Mát-thêu và Lu-ca sử dụng đã được gọi là Nguồn “Q” (do từ quelle trong Ðức-ngữ có nghĩa là nguồn), có thể là một sưu tập gồm những lời giảng của Ðức Giê-su. Lý thuyết về Nguồn “Q” đã được C. H. Weiss, học giả người Ðức, trình bày vào năm 1838. Lý thuyết chủ trương Mát-thêu sử dụng tài liệu của Mác-cô và Nguồn “Q” sẽ được nói đến chi tiết hơn trong các Hành trình học hỏi.

          Các học giả không tin là Mát-thêu tác giả sách Tin Mừng với Mát-thêu Tông đồ là cùng một người. Những lý thuyết thời Giáo Hội sơ khai đã cho rằng tác giả Mát-thêu có thể là một môn đệ của vị Tông đồ. Môn đệ này là người đã nhận được các dữ liệu từ một vị chứng nhân “chính thức”. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây hơn lại cho chúng ta một quan điểm ngược lại. Nếu tác giả Mát-thêu là chính vị Tông đồ hoặc môn đệ của vị Tông đồ, thì tại sao sách Tin Mừng của họ lại tùy thuộc rất nhiều vào ít nhất hai nguồn liệu kia, tức là Mác-cô và Nguồn “Q”, chứ không tùy thuộc vào những nguồn liệu ban đầu? Gần 70 phần trăm nội dung của sách Tin Mừng Mác-cô gặp thấy trong Tin Mừng Mát-thêu. Nếu Tông đồ Mát-thêu là tác giả Tin Mừng thì tại sao ngài lại viết bằng tiếng Hy-lạp thay vì tiếng Do-thái? Nghiên cứu Mát-thêu 24:15 nói tới trích dẫn ngôn sứ Ða-ni-en, đó là trích dẫn chỉ thấy trong bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước bằng tiếng Hy-lạp. Ðây là hai thí dụ trong những câu hỏi các học giả đã đưa ra. Chúng nói lên chiều kích sâu rộng của một cuộc khám phá uyên bác về Kinh Thánh.

          Ðiều quan trọng là phải hiểu rằng Giáo Hội không khi nào triệt để khẳng định tín hữu phải tin người này hoặc người kia là tác giả của một sách Tin Mừng. Ðúng hơn, trong đức tin và qua giáo huấn của Giáo Hội, Ki-tô hữu tin rằng các sách Tin Mừng được Thiên Chúa linh hứng và mặc khải một con đường cứu rỗi. Hiện nay, chúng ta có thể nói rằng sách Tin Mừng này là của một người tên là Mát-thêu.

          Nghiên cứu kỹ lưỡng Tin Mừng Mát-thêu cho thấy cộng đoàn của ngài có thể đến từ miền Pha-lét-tin và đã được thiết lập tại Xi-ri. Cộng đoàn có gốc rễ Do-thái vững chắc, như chúng ta thấy qua lòng tôn kính Lề Luật cùng với những truyền thống Do-thái và coi những người Dân ngoại (không phải Do-thái) là người ngoại bang. Nơi chốn (Xi-ri) và thời gian (giữa năm 80 đến 90 sau công nguyên) là điểm đáng lưu ý. Vào thời điểm này có nhiều tín hữu vẫn còn gắn chặt với Do-thái giáo, nhưng họ cũng bắt đầu tách ra khỏi những niềm tin của tổ tiên họ. Trước khi cuộc nổi loạn của Do-thái xảy ra vào cuối thập niên 60, những tin hữu sơ khai đã cảm nhận mối quan hệ mật thiết với anh chị em mình. Ðiều này được ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ chương 2, cho ta biết các môn đệ Ðức Giê-su tiếp tục tới Ðền Thờ tựa như đó là một phần của cuộc sống họ vậy. Trong lúc cuộc nổi loạn của Do-thái tới cao điểm, khi viên đại tướng của Rô-ma là Ti-tô phá hủy Ðền Thờ (khoảng năm 70 sau công nguyên), thì những quan hệ giữa người Do-thái với các Ki-tô hữu đã đổi thay nhiều lắm rồi.

          Việc phá hủy Ðền Thờ đã làm thay đổi những lề lối sống đạo của người Do-thái rất nhiều. Nó cũng ảnh hưởng sâu đậm tới những nhóm Ki-tô hữu sơ khai bị bắt buộc phải rời trung tâm của họ khỏi Giê-ru-sa-lem. Ðối với cộng đoàn Mát-thêu, đây là lúc thật hỗn độn và đau đớn khi họ chứng kiến cảnh đổ vỡ liên hệ với quá khứ và nhu cầu phải cố gắng hiểu mình là dân Thiên Chúa và môn đệ của Ðấng Cứu Thế.

          Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, Mát-thêu cho các độc giả của ngài biết Thiên Chúa là Ðấng nào bằng cách nói với họ rằng đó là chính Ðức Giê-su. Ngài nhấn mạnh Ðức Giê-su là sự kiện toàn Lề Luật Cựu Ước bằng cách sắp đặt sứ vụ của Ðức Giê-su theo năm bài giảng, phản ảnh năm cuốn sách Luật hay Ngũ Thư (năm cuốn đầu tiên của bộ Cựu Ước). Qua suốt sách Tin Mừng, Mát-thêu cho độc giả thấy rằng nơi Ðức Giê-su, Ðấng Ki-tô, người ta nhận ra quyền năng, giáo huấn và sự hiện diện của Thiên Chúa.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà