Hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu

Hành trình 11

 

 

Bài giảng về Mầu nhiệm Triều Đại Thiên Chúa

(các dụ ngôn)

 

Bài giảng thứ nhất của Tin Mừng Mát-thêu đặt nền móng cho sứ điệp Ki-tô;  trong bài giảng thứ hai, thợ (các môn đệ) được quy tụ và đào tạo.  Đã tới lúc phải quảng bá sứ điệp và Mát-thêu chuẩn bị một bài giảng về kỹ thuật tốt nhất để rao truyền lời Chúa, đó là dụ ngôn.  Dụ ngôn là một dụng cụ giảng dạy quen thuộc trong thời Đức Giê-su;  các học giả Kinh Thánh gặp thấy khoảng bốn mươi dụ ngôn trong các sách Tin Mừng.

 

 

Khám phá

 

Parable (dụ ngôn) là do từ Hy-lạp parabole, nghĩa là “đặt bên cạnh”, và được dùng để dịch từ Do-thái mashal, nghĩa là “giống như.”  Cả hai từ mang gốc Hy-lạp và Do-thái đều nói lên có sự so sánh.  Trong bài giảng thứ ba, Mát-thêu trình bày những so sánh giữa Nước Trời với những kinh nghiệm sống thường ngày.

          Kèm theo những dụ ngôn còn gặp thấy ba loại so sánh khác trong sách Tin Mừng, đó là ngụ ngôn, ẩn dụ và ví dụ (allegory, metaphor, simile).  Cả ba thể thức này rất giống với dụ ngôn và cũng là những cách Đức Giê-su dùng để trình bày lời giảng của Ngài.

          Ngụ ngôn sử dụng việc so sánh bằng cách lấy những hình ảnh khác thay thế những hình ảnh trong chính câu truyện.

          Bạn hãy đọc Mát-thêu 13:24-30; 37-39.  Trong khoảng trống dưới đây, bạn hãy viết xuống so sánh của ngụ ngôn.

 

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

          Bạn có nhận thấy là người gieo hạt được so sánh với Con Người (Mát-thêu 13:37), ruộng được so sánh với thế gian, cỏ lùng là những kẻ theo Ác Thần... không?

          Ẩn dụ là so sánh giữa hai cái không giống nhau.  Những đặc tính của cái này đem so sánh và chuyển đổi sang cái kia.  Một thí dụ điển hình nhất về ẩn dụ là Mát-thêu 5:13, “Chính anh em là muối cho đời.”

          Ví dụ là so sánh bằng cách sử dụng những từ như, như là, tựa như, giống như.

          Bạn hãy đọc Mát-thêu 10:16.

          Hãy để ý là trong huấn dụ cho các môn đệ, Đức Giê-su nói Ngài sai các môn đệ đi như chiên đi vào giữa bầy sói.

 

 

Những điều khám phá

 

Dụ ngôn không phải khởi xuất từ Đức Giê-su.  Chúng ta gặp thấy dụ ngôn trong một số đoạn Cựu Ước, thí dụ I-sai-a 5:1-7;  Ê-dê-ki-en 21:5;  Ê-dê-ki-en 24:3;  Huấn ca 39:2-3;  Thánh vịnh 78:2.  Thường dụ ngôn không rõ ràng ngay, nhưng nó đòi người nghe phải khám phá ra ý nghĩa.  Trong khi dụ ngôn mời gọi người nghe phải thảo luận thì nó cũng đòi hỏi người lắng nghe phải tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của nó (Huấn ca 39:3).

          Một số dụ ngôn trong Cựu Ước được trình bày giống như những bí ẩn chỉ một số ít người đặc biệt mới hiểu được (Huấn ca 39:2-3).  Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các dụ ngôn đều không hiểu được đối với mọi người trừ một ít người mà thôi.  Thực ra Đức Giê-su đã sử dụng dụ ngôn khi nói với mọi kẻ theo Ngài.  Đối với Đức Giê-su, dụ ngôn là phương tiện để đối thoại giữa Ngài với những ai theo Ngài.  Ngài trình bày các dụ ngôn để bày tỏ quan điểm của Ngài.  Ngài hy vọng thính giả của Ngài sẽ được khích lệ và đem sứ điệp dụ ngôn vào trong cuộc sống của họ.  Đức Giê-su cũng biết sẽ có sự chống đối làm ngăn trở cuộc đối thoại ấy như Ngài đã thường chấp nhận, bởi vì một số dụ ngôn của Ngài làm cho người ta phải bàng hoàng lo sợ.

 

 

Khám phá

 

Khi so sánh các dụ ngôn trong Tin Mừng Nhất lãm, chúng ta nhận thấy các tác giả không quan tâm mấy tới những chi tiết và đâu là điểm chính của dụ ngôn cho bằng cứ trung thực với sứ điệp của câu truyện.  Các tác giả tùy nghi áp dụng dụ ngôn vào những đề tài đặc biệt trong sách Tin Mừng của các ngài.

          Bạn hãy đọc Mát-thêu 13:31-32 và Lu-ca 13:18-19.  Trong khoảng trống dưới đây, bạn hãy so sánh dụ ngôn và đề tài đặc biệt giữa Mát-thêu và Lu-ca.  (Bạn có thể định vị trí của dụ ngôn bằng cách đọc những câu trước đó và đoạn đặc biệt sau đó.  Việc này sẽ giúp bạn dễ so sánh hơn.)

 

Mát-thêu 13:31-32

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Lu-ca 13:18-19

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Cả hai dụ ngôn đều nói về Nước Trời.  Đặt dụ ngôn của Mát-thêu trong khung cảnh bài giảng về mầu nhiệm Nước Trời sẽ giúp chúng ta nhận thấy ngài muốn cho người ta biết về cõi rộng lớn của Nước Trời.  Còn dụ ngôn của Lu-ca đi sau một câu truyện về hối cải (một đề tài quen thuộc trong sách Tin Mừng của ngài).  Khi tín hữu thống hối tội lỗi thì họ được thoát khỏi mọi yếu đau và Nước Trời ở gần họ hơn.  Như vậy, tuy cùng một câu truyện, nhưng khi kể lại Lu-ca muốn nhấn mạnh tới một điểm khác.

          Cuối cùng, cả hai đều tự do thay đổi chi tiết trong câu truyện:  hạt cải không phải là hạt nhỏ nhất trong các hạt giống;  hạt cải không mọc thành cây lớn, nhưng là khóm rau;  chim trời không làm tổ ở khóm rau, mà chỉ ẩn nấp trong đó và ăn hạt cải thôi.

 

 

Khám phá

 

Chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy phần giới thiệu dẫn vào bài giảng về mầu nhiệm Nước Trời bắt đầu không phải bằng một dụ ngôn, nhưng lại bằng chi tiết nói về ông Gio-an Tẩy giả.  Trong Tin Mừng Mát-thêu, ông Gio-an giữ một vai trò ngôn sứ độc đáo và thể hiện lời tiên tri của ngôn sứ Ma-la-khi trong Cựu Ước:  “Này Ta sai ngôn sứ I-sai-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng” (Ma-la-khi 3:23).  Do đó, nếu Mát-thêu chuẩn bị cho bài giảng bằng dụ ngôn, mà dụ ngôn sẽ là phương tiện chính Đức Giê-su sử dụng để loan báo Nước Trời, thì thật là hợp lý khi chứng thực rằng vị tiền hô của Đấng Mê-si-a (tức là ông Gio-an Tẩy giả) quả nhiên đã đến rồi.  Vậy phần giới thiệu này cho thấy sự khác biệt giữa hai tiếng nói ngôn sứ:  những tiếng nói ngôn sứ thời trước khi Đức Giê-su đến và tiếng nói của chính Đức Giê-su.

 

Bạn hãy đọc Mát-thêu 11:11-24.

 

 

Những điều khám phá

 

Cao trọng như ông Gio-an (Mát-thêu 11:11 khẳng định rằng trong lịch sử chưa hề có ai sinh ra đời lại cao trọng hơn ông), nhưng ông không phải là Đấng Mê-si-a.  Thực vậy, vì được chia sẻ ánh sáng ngôn sứ của Đức Giê-su nên các môn đệ Ngài cao trọng hơn cả ông Gio-an (Mát-thêu 11:11).  Chẳng phải sứ điệp mạnh mẽ của ông Gio-an, cũng chẳng phải sứ điệp bạo lực của cuộc “thánh chiến” do nhóm Quá Khích cầm đầu sẽ đưa người ta đến Nước Trời.  Nhưng chính sứ điệp của Đức Giê-su kêu gọi người ta phải canh tân đức tin mới loan báo cho người ta biết Nước Trời đã đến gần.

          Mát-thêu cho cộng đoàn ngài biết một số người sẽ chối từ sứ điệp của cả ông Gio-an lẫn Đức Giê-su.  Những phần tử này trong cộng đoàn sống thái độ mâu thuẫn trong đức tin, họ chối bỏ ông Gio-an vì ông sống khổ hạnh, nhưng đồng thời cũng chối bỏ Đức Giê-su mà họ cho là người tham ăn tục uống chỉ vì Ngài ăn uống với những người tội lỗi.  Mát-thêu cam đoan rằng “Đức khôn ngoan được chứng minh bằng hành động” (Mát-thêu 11:19).

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Mát-thêu 11:25-30.

 

Những điều khám phá

 

Đây có thể là câu trả lời cho vấn đề Mát-thêu đưa ra.  Đức khôn ngoan nằm ở chỗ nhận ra được quan hệ giữa Đức Giê-su và Chúa Cha.  Người khôn ngoan là người tin rằng “không ai biết Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho.”  Đây cũng là tâm điểm của sứ điệp Mát-thêu, một sứ điệp đặt ra câu hỏi:  chúng ta có thể tìm được ở đâu sự hiện diện, giáo huấn và quyền bính của Thiên Chúa?  Trả lời là chúng ta tìm thấy nơi Đấng Em-ma-nu-en, Con Thiên Chúa, Đức Ki-tô.

          Mát-thêu tiếp tục cảnh giác những ai chối từ sứ điệp Đức Ki-tô là họ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.  Vì tiếp nhận Đức Ki-tô sẽ đem lại sự sống, còn chối bỏ sẽ đưa tới cái chết.  Chúng ta sẽ phải đối diện với những hậu quả hành động của mình trong ngày phán xét.  Mặc dù theo địa lý các thành Kho-ra-din, Bét-xai-đa và Ca-phác-na-um là nhà của Đức Giê-su, nhưng chúng cũng biểu tượng cho sự kiện ngay cả những người sống đương thời với Đức Giê-su lịch sử vẫn có thể hiểu lầm hoặc chối bỏ sứ điệp của Ngài.  Còn tín hữu chân chính sẽ trân trọng ấp ủ sứ điệp của Đức Giê-su.

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Mát-thêu 12.

 

Những điều khám phá

 

Chương 12 bắt đầu với hai cuộc tranh luận về ngày sa-bát.  Trong cuộc tranh luận thứ nhất, các môn đệ bị tố cáo đã bứt lúa và chuẩn bị đồ ăn vào ngày sa-bát là hai điều trong ba mươi chín việc làm bị cấm theo tài liệu giải thích luật ngày sa-bát do các thầy ráp-bi.  Hành động của các môn đệ cũng tương tự như hành động kể trong sách Đệ nhị luật 23:25;  tuy nhiên, đoạn Cựu Ước này không nói đến ngày sa-bát.  Điều những người Pha-ri-sêu phàn nàn dựa trên Xuất Hành 34:21 dạy người ta phải nghỉ ngơi ngày thứ bảy.  Đức Giê-su trình bày ba lý do để đối lại.  Chứng lý thứ nhất dựa vào câu truyện trong 1 Sa-mu-en 21:1-6 kể lại vua Đa-vít và thuộc hạ ăn bánh trong thánh điện.  Câu truyện này không nói đến ngày sa-bát.  Chứng lý thứ hai của Đức Giê-su lấy từ Lê-vi 24:8 cho phép các tư tế dọn bánh đặt trước nhan Đức Chúa vào ngày sa-bát.  Chứng lý thứ ba của Đức Giê-su và cũng là chứng lý mạnh mẽ nhất dựa trên Hô-sê 6:6:  “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.”  Bản văn trong Hô-sê cũng được dùng trong Mát-thêu 9:13 và Đức Giê-su còn thêm:  “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

          Cuộc tranh luận thứ hai về ngày sa-bát xảy ra chung quanh việc chữa lành cho một người bị bại tay.  Theo giải thích do các thầy ráp-bi, việc chữa lành được phép làm vào ngày sa-bát trong những trường hợp tối khẩn khi mạng sống bị nguy hiểm.  Theo diễn tả về người bại tay trong câu truyện này, tình trạng anh ta chỉ như là tật bẩm sinh và không có gì đe dọa mạng sống.  Đức Giê-su trả lời bằng một chứng lý cũng lấy từ những tài liệu giải thích của các thầy ráp-bi cho phép trong ngày sa-bát được đem các con vật ra khỏi những bẫy sập có thể làm hại chúng.  Vậy chứng lý của Đức Giê-su là nếu luật cho phép cứu loài vật, thì với việc cứu con người lại càng phải được phép hơn.

          Khi đặt những biến cố trong cả hai câu truyện vào ngày sa-bát, Mát-thêu đang phải đối phó với hai vấn đề trong thời ngài:  ưu tư của các Ki-tô hữu gốc Do-thái đối với việc giữ ngày sa-bát, và chứng lý thần học phát biểu Đức Giê-su cao trọng hơn ngày sa-bát.

          Các học giả Kinh Thánh đều cùng đồng ý rằng cộng đoàn Mát-thêu đã sâu nặng gốc rễ truyền thống Do-thái.  Những Ki-tô hữu gốc Do-thái này hầu như tất cả đều tuân giữ truyền thống về ngày sa-bát theo Lề Luật Do-thái.  Những trích dẫn từ các tài liệu của các thầy ráp-bi chứng tỏ sự kiện đã có rất nhiều tranh luận đối nghịch ngay trong những cộng đoàn Do-thái về những việc gì được phép làm trong ngày sa-bát.  Thí dụ, nhóm Ét-xê-ni chủ trương giải thích rất hẹp, nếu con vật lăn xuống hố vào ngày sa-bát thì cứ để cho nó chết luôn.  Còn những tài liệu của các thầy ráp-bi lại đưa ra những giải thích phóng khoáng hơn.  Có lẽ Mát-thêu phải đối phó với tình trạng mục vụ cho cộng đoàn ngài nên đã chọn nhấn mạnh đến cách giải thích theo ngôn sứ Hô-sê:  “Ta muốn tình yêu...” (Hô-sê 6:6).

          Mát-thêu 12:8 nói rằng “Con Người làm chủ ngày sa-bát.”  Mát-thêu đặt lời tuyên bố này sau khi nhấn mạnh Thiên Chúa muốn lòng nhân từ.  Đối với Mát-thêu, chứng lý sau cùng là quyền bính của chính Đức Giê-su.  Khi tự xưng là Chúa của ngày sa-bát, Ngài liên quan mình với Thiên Chúa, tức Đức Chúa của ngày sa-bát đã được người ta nhìn nhận.  Tài liệu Kinh Thánh và tài liệu của các thầy ráp-bi đều nói rõ ràng chỉ có Thiên Chúa mới làm việc trong ngày sa-bát.  Hơn nữa, công việc của Thiên Chúa trong ngày sa-bát là ban cho hoặc cất đi sự sống của con người.

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 11, bạn đã khám phá những điều sau đây:

·         Dụ ngôn là phương tiện chính Đức Giê-su dùng để giảng dạy.

·         Dụ ngôn đã là một hình thức giảng dạy quen thuộc trong Cựu Ước và những nơi khác.

·         Kỹ thuật của dụ ngôn mời gọi và khuyến khích người nghe phải khám phá ra sứ điệp dấu ẩn trong bóng tối của câu truyện.

·         Môn đệ Đức Giê-su vì được chia sẻ ánh sáng ngôn sứ của Ngài nên còn cao trọng hơn cả ông Gio-an Tẩy giả.

·         Đức Giê-su là Đấng tỏ ra cho chúng ta biết Chúa Cha.

·         Cũng như Chúa Cha, Đức Giê-su có thể làm công việc của Thiên Chúa trong ngày sa-bát.

 

 

Sách đọc thêm

 

Boucher, Madeleine I.  The Parables, New Testament Message, vol. 7.

          Collegeville, Minn.:  Michael Glazier, Inc. 1983.

 

Freed, Edwin D.  The New Teatament:  A Critical Introduction.  Belmont,

          Calif.:  Wadsworth Publishing Company, 1991.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà