Tìm hiểu Ga 18,28–19,16a [5/5]: Áp dụng vào cuộc sống



Đề tài: Sự thật trong Ga 18,28–19,16a

 

Bài 1/5: “Sự thật là gì?”. Quan sát Ga 18,28–19,16a

Bài 2/5: Sự thật về những kẻ tố cáo Đức Giê-su.

Bài 3/5: Sự thật về Phi-la-tô.

Bài 4/5: Sự thật về Đức Giê-su.

Bài 5/5: Áp dụng Ga 18,28–19,16a vào cuộc sống.

 

 

 

 

Bài 5/5: Áp dụng ý nghĩa đoạn văn Ga 18,28–19,16a vào cuộc sống

 

Loại bài trên đã tìm hiểu sự thật nơi những kẻ chống đối Đức Giê-su, sự thật nơi nhân vật Phi-la-tô và sự thật về Đức Giê-su. Trong quá trình đọc, độc giả có thể có thiện cảm hay ác cảm với các nhân vật trong câu chuyện. Người đọc có thể tự đồng hóa với các nhân vật và lựa chọn đứng về phía nhân vật chính diện. Các tình tiết trong câu chuyện có thể soi rọi vào những tình huống tương tự trong cuộc sống người đọc. Mỗi độc giả có một lịch sử cuộc đời riêng, nên việc cảm nhận và sống bản văn cũng khác nhau.

 

Trong đoạn văn 18,28–19,16a, người đọc có thể đối chiếu với cuộc sống qua đề tài sự thật. Sự thật được lộ tỏ dần dần trong bản văn từ tờ mờ sáng cho đến giữa trưa. Đó là sự thật của những kẻ tố cáo Đức Giê-su, sự thật của Phi-la-tô và sự thật của Đức Giê-su. Người đọc có thể thấy sự thật về chính mình hay sự thật về người khác qua các nhân vật trong đoạn văn 18,28–19,16a.

 

Trong vị trí của những kẻ tố cáo Đức Giê-su, người đọc, hay ai đó, có thể đã vô tình hay hữu ý đi ngược với sự thật để đạt được điều mình muốn. Trong bản văn, những kẻ tố cáo không có bằng chứng về việc Đức Giê-su làm điều ác, hay tự xưng là vua theo nghĩa chính trị; dầu vậy, họ vẫn tìm cách giết Đức Giê-su. Khi những kẻ chống đối tìm mọi cách để đạt mục đích, họ vô tình đi ngược lại niềm tin của họ: Bên ngoài, họ giữ lề luật; nhưng thực ra, họ bất trung với Thiên Chúa vì đã tuyên xưng thần phục Xê-da. Bản văn mời gọi người đọc xem lại tính chính đáng của những điều mình đang đeo đuổi.

 

Về nhân vật Phi-la-tô, bản văn đặt người đọc, hay ai đó, trước việc dùng người khác để khiêu khích đối phương (Phi-la-tô dùng Đức Giê-su để châm chọc những kẻ tố cáo Người). Điều này dẫn đến tự mâu thuẫn với chính mình khi tìm cách tỏ ra là mình là người có quyền hành (Phi-la-tô không tìm thấy lý do để kết tội mà lại cho đánh đòn và chế nhạo Đức Giê-su). Khi quyền lợi bị nguy hại, người ta có thể không dám đứng về phía sự thật (Phi-la-tô không dám xét xử Đức Giê-su theo sự thật). Nhân vật Phi-la-tô có thể là lời chất vấn cho người đọc.

 

Qua nhân vật trọng tâm là Đức Giê-su, Người đọc được mời gọi phân biệt giữa vương quyền của Đức Giê-su và vương quyền trần thế. Sự phân biệt này có thể buộc người đọc thay đổi quan niệm của mình về vương quyền và quyền bính. Sự thật về Đức Giê-su và sự thật về vương quyền của Người trong bản văn giúp người đọc biết cách bày tỏ quyền bính và vương quyền của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể.

 

Tóm lại, bản văn 18,28–19,16a là lời mời gọi người đọc đứng về phía sự thật. Câu nói của Đức Giê-su: “Bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi” (18,37c) cũng là câu mà người thuật chuyện dành cho độc giả. Đọc toàn bộ Tin Mừng thứ tư, người đọc sẽ biết sự thật là gì, để làm gì và sự thật là ai. Đức Giê-su nói với những người Do Thái: “Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông là môn đệ đích thực của Tôi, và các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (8,31-32). Sự thật có khả năng giải phóng người đọc khỏi mọi thứ nô lệ. Sự thật đó là Lời Thiên Chúa, như Đức Giê-su nói với Cha Người: “Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật. Lời của Cha là sự thật” (17,17). Đức Giê-su đến để nói Lời của Thiên Chúa, và chính Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa (1,1-18), nên chính Người là sự thật. Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (14,6).

 

Thực ra, thuộc về sự thật hay đứng về phía sự thật không gì khác hơn là đứng về phía Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa, như Đức Giê-su nói: “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa” (8,47). Thuộc về sự thật là điều kiện để nghe Đức Giê-su (18,37) và khi đã biết sự thật là gì, là ai và để làm gì, người đọc được mời gọi làm theo sự thật (3,21) và làm chứng cho sự thật như Đức Giê-su (18,37).

 

Qua sự việc tất cả các nhân vật theo đuổi mục đích riêng của mình, người thuật chuyện muốn trình bày đề tài vương quyền của Đức Giê-su trong đoạn văn 18,28–19,16a. Để tìm cách giết Đức Giê-su, những kẻ tố cáo kết tội Người là kẻ làm điều ác, là người tự cho mình là Con Thiên Chúa và xưng là vua. Phi-la-tô chọc tức những kẻ tố cáo bằng cách gọi Đức Giê-su là vua của những người Do Thái; ông để quân lính làm cho Người thành vị vua hề. Phi-la-tô đặt Người ngồi trên toà xét xử để làm vị thẩm phán hề. Theo cách trình bày của người thuật chuyện, các nhân vật đã vô tình nói đúnglàm đúng về Đức Giê-su. Quả thật Người là Con Thiên Chúa, là Vua và Người thi hành quyền xét xử.

 

Bản văn đã làm đảo lộn tình thế và làm lộ tỏ ra sự thật của các nhân vật. Những kẻ tố cáo không vào dinh để khỏi bị ô uế, trong khi họ tìm mọi cách để giết Đức Giê-su. Họ chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua kính Đức Chúa, nhưng lại tuyên xưng thần phục Xê-da. Họ đạt được mục đích là giết Đức Giê-su, nhưng phải trả giá đắt. Họ trở thành những người tôn thờ Xê-da, nghĩa là bất trung với Thiên Chúa của họ. Phi-la-tô có quyền xét xử, nhưng lại sợ hãi và không dám đứng về phía sự thật. Ông là người có quyền, nhưng thực ra là không có. Nơi mà những kẻ tố cáo Đức Giê-su cho là bị nhiễm uế (bên trong dinh), thì ở đó Đức Giê-su mặc khải cho Phi-la-tô (đại diện đế quốc Rô Ma) về quyền bính và về vương quyền của Người. Như thế, vương quyền của Đức Giê-su mang tính phổ quát, vì không chỉ giới hạn trên phần đất “không bị nhiễm uế”. Đầu bản văn 18,28–19,16a, Đức Giê-su bị kết tội là người làm điều ác; đến cuối đoạn văn, Người là Con Thiên Chúa và là Vua.

 

Qua những đảo lộn ngoạn mục trong đoạn văn 18,28–19,16a, có nét châm biếm, mỉa mai nơi các nhân vật, người thuật chuyện đã trình bày thành công các đề tài thần học quan trọng: “Sự thật nơi các nhân vật” và “Vương quyền Đức Giê-su. Người thuật chuyện mời gọi người đọc soi rọi vào cuộc đời mình qua ý nghĩa trong bản văn và qua tương tác giữa “thế giới bản văn” (le monde du texte) và “thế giới người đọc” (le monde du lecteur) để từ đó đón nhận sự thật, tin vào sự thật, sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật./.

Ngày 14 tháng 04 năm 2011
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/  -  email: josleminhthong@gmail.com