TÌM HIỂU THÁNH KINH

“Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô” (Thánh Giê-rô-ni-mô)

LỜI MỞ ĐẦU

Nhiều người nhận xét: người Tin lành rất thông thạo Thánh Kinh, còn người Công giáo hiểu biết rất ít về Thánh Kinh. Thật vậy, trong quá khứ chúng ta chú trọng nhiều vào giáo lý, giáo luật và phụng vụ hơn là Thánh Kinh. Nhưng điều đó đã hoàn toàn thay đổi từ sau công đồng chung Va-ti-ca-nô II. Hãy nhìn vào sự thay đổi trong Thánh Lễ mà chúng ta cử hành. Ngày nay, cơ cấu của Thánh Lễ có hai phần rõ rệt: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Sự thay đổi này là kết quả giáo huấn của công đồng trong hiến chế về mặc khải Dei Verbum:

"Hội Thánh luôn tôn kính Sách Thánh như chính Thân Thể Chúa. Nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để ban phát cho các tín hữu" (MK 21).

Lời Chúa và Thánh Thể là hai cách hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Tin Mừng theo thánh Lu-ca gợi cho chúng ta điều ấy trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau: Họ thấy lòng mình bừng cháy khi Chúa Giê-su nói với họ và giải nghĩa Sách Thánh cho họ trên đường, và họ nhận ra Người khi Người "cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ" (x. Lc 24:13-32).

Nói cho đúng, không phải ngày nay Hội Thánh mới ý thức tầm quan trọng của Kinh Thánh. Ngay từ đầu, Hội Thánh vẫn coi Thánh Kinh là một trong hai nguồn mặc khải chính, song song với Thánh Truyền, và đã rút ra từ hai nguồn mạch này tất cả những tín điều và giáo huấn về đức tin và luân lý. Tuy nhiên, việc trực tiếp với Thánh Kinh đã không được khuyến khích, vì sợ rằng sự hiểu biết sai lầm Lời Chúa có thể đưa đến những hậu quả tai hại trong đời sống đức tin của người tín hữu.

Ngày nay, một mặt Hội Thánh giao trọng trách cho các chủ chăn: "Các giám mục có phận sự dạy dỗ cách thích hợp cho các tín hữu đã được trao cho mình biết sử dụng đúng đắn Sách Thánh, nhất là Tân Ước và trước tiên là các sách Tin Mừng, nhờ các bản dịch. Các bản dịch này phải được kèm theo những lời giải thích cần thiết và đầy đủ, để con cái Hội Thánh có thể sử dụng Sách Thánh cách bảo đảm và ích lợi, và được thấm nhuần tinh thần Sách Thánh" (MK 25). Mặt khác, Hội Thánh muốn trao Sách Thánh vào tay mỗi người tín hữu và cả những người ngoài Ki-tô giáo, bởi vì "cũng như đời sống Hội Thánh được tăng triển nhờ năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể thì cũng có thể hy vọng đời sống thiêng liêng sẽ có một đà tiến mới nhờ gia tăng lòng sùng kính Lời Chúa", là lời "hằng tồn tại muôn đời" (x. MK 25-26).

Đó là một vài lời phi lộ cho khóa Tìm Hiểu Thánh Kinh của chúng ta trong Mùa Chay 2007 này.

 

ĐỌC THÁNH KINH

1. Trong Phụng vụ và các buổi cầu nguyện

Các bài đọc được công bố trong các thánh lễ được chọn lựa để làm sao bao quát được tất cả những bài quan trọng trong Kinh Thánh. Chúng ta có chu kỳ năm A, năm B và năm C cho các ngày Chúa Nhật. Đồng thời có năm I (năm lẻ) và năm II (năm chẵn) cho ngày thường.

2. Đọc sách Kinh Thánh

Bản dịch:

không bản dịch nào hoàn hảo, muốn tương đối tốt cần phải:

- chính xác: dịch từ các bản gốc tiếng Do thái, Aramaic và Hy lạp

- hay về mặt văn chương

Các bản dịch tiếng Việt

Bản dịch của Nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh, xuất bản năm 1994 và 1998

Bản dịch của ĐHY Tụng (?)

Bản dịch của LM Nguyễn thế Thuấn, xuất bản năm 1976

Bản dịch của LM Nguyễn văn Vi

Các bản dịch tiếng Anh:

Revised Standard Version (RSV), 1952

Jerusalem Bible (JB), 1966

New American Bible (NAB), 1970

New English Bible (NEB), 1970

Ngày nay, bản dịch “công giáo” và “tin lành” không khác nhau mấy, vì cùng dựa vào những nghiên cứu đứng đắn của các chuyên gia kinh thánh. Tuy nhiên, danh mục – quy điển – các sách có thể khác nhau giữa công giáo và tin lành về số sách và thứ tự.

Quy điển (Canon)

Trong Hội Thánh, Chúa Giê-su đã trao cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị quyền giáo huấn để "dạy người ta tuân giữ mọi điều Chúa đã truyền" (x.Mt 28:20), và đã ban Thánh Thần cho các vị này để thi hành sứ mạng (x.Ga 20:21-22). Thánh Thần đã dùng các vị này để giúp cộng đoàn Hội Thánh dần dần xác định những sách nào là Sách Thánh. Vào thế kỷ IV Hội Thánh Công Giáo đã có những bản kê khai các sách được nhìn nhận là Sách Thánh: đó là quy điển, tức là những sách được Thánh Thần linh hứng và có giá trị để Hội Thánh quy chiếu vào đó mà biết những gì phải tin và những gì phải thực hành trong đời sống. Ngày nay Hội Thánh Công Giáo vẫn trân trọng tôn kính, giữ gìn và tuyên đọc Lời Chúa trong bộ Sách Thánh gồm phần Cựu Ước (46 cuốn ) và Tân Ước (27 cuốn).


Danh Mục Các Sách

CỰU ƯỚC

THE OLD TESTAMENT

 

 

A. Ngũ Kinh:

The Pentateuch:

Sáng Thế (St)

Genesis (Gn)

Xuất Hành (Xh)

Exodus (Ex)

Lê-vi (Lv)

Leviticus (Lv)

Dân Số (Ds)

Numbers (Nm)

Đệ Nhị Luật (Đnl)

Deuteronomy (Dt)

 

 

B. Sử và Truyện:

Historical books:

Giô-suê (Gs)

Joshua (Jos)

Thủ Lãnh (Tl)

Judges (Jgs)

Bà Rút (R)

Ruth (Ru)

Sa-mu-en 1&2 (Sm)

Samuel (Sm)

Các Vua 1&2 (V)

Kings (Kgs)

Sử biên niên 1&2 (Sb)

Chronicles (Chr)

Ét-ra (Er)

Ezra (Ezr)

Nơ-khe-mi-a (Nkm)

Nehemiah (Neh)

Tô-bi-a (Tb)

Tobit (Tb)

Giu-đi-tha (Gđt)

Judith (Jdt)

Ét-te (Et)

Esther (Est)

Ma-ca-bê 1&2 (Mcb)

Maccabees (Mc)

 

 

C. Thi Phú:

Wisdom books:

Gióp (G)

Job (Jb)

Thánh vịnh (Tv)

Psalms (Ps)

Châm ngôn (Cn)

Proverbs (Prv)

Giảng viên (Gv)

Ecclesiates (Eccl)

Diễm ca (Dc)

Songs  (Sg)

Khôn ngoan (Kn)

Wisdom (Wis)

Huấn ca (Hc)

Sirach (Sir)

 

 

D. Ngôn Sứ:

Prophetic books:

I-sai-a (Is)

Isaiah (Is)

Giê-rê-mi-a (Gr)

Jeremiah (Jer)

Ai ca (Ac)

Lamentations (Lam)

Ba-rúc (Br)

Baruch (Bar)

Ê-dê-ki-en (Ed)

Ezekiel (Ez)

Đa-ni-en (Đn)

Daniel (Dn)

Hô-sê (Hs)

Hosea (Hos)

Giô-en (Ge)

Joel (Jl)

A-mốt (Am)

Amos (Am)

Ô-va-đi-a (Ôv)

Obadiah (Ob)

Giô-na (Gn)

Jonah (Jon)

Mi-kha (Mk)

Micah (Mi)

Na-khum (Nk)

Nahum (Na)

Kha-ba-cúc (Kb)

Habakkuk (Hb)

Xô-phô-ni-a (Xp)

Zephaniah (Zep)

Khác-gai (Kg)

Haggai (Hg)

Da-ca-ri-a (Dcr)

Zechariah (Zec)

Ma-la-khi (Ml)

Malachi (Mal)

 

 

 

 

TÂN ƯỚC

NEW TESTAMENT

 

 

A. CÁC SÁCH TIN MỪNG

Gospels

Mát-thêu (Mt)

Matthew (Mt)

Mác-cô (Mc)

Mark (Mk)

Lu-ca (Lc)

Luke (Lk)

Gio-an (Ga)

John (Jn)

 

 

Công Vụ Tông Đồ (Cv)

Acts of the Apostles (Acts)

 

 

B. CÁC THƯ

 

Rô-ma (Rm)

Romans (Rom)

1 Cô-rin-tô (1 Cr)

1 Corinthians (1 Cor)

2 Cô-rin-tô (2 Cr)

2 Corinthians (2 Cor)

Ga-lát (Gl)

Galatians (Gal)

Ê-phê-xô (Ep)

Ephesians (Ep)

Phi-li-phê (Pl)

Philippians (Phil)

Cô-lô-xê (Cl)

Colossians (Col)

1 Thê-xa-lô-ni-ca (1 Tx)

1 Thessalonians (1 Thes)

2 Thê-xa-lô-ni-ca (2 Tx)

2 Thessalonians (2 Thes)

1 Ti-mô-thê (1 Tm)

1 Timothy (1 Tm)

2 Ti-mô-thê (2 Tm)

2 Timothy (2 Tm)

Ti-tô (Tt)

Titus (Ti)

Phi-lê-môn (Plm)

Philemon (Phlm)

Do-thái (Dt)

Hebrews (Heb)

Gia-cô-bê (Gc)

James (Jas)

1 Phê-rô (1 Pr)

1 Peter (1 Pt)

2 Phê-rô (2 Pr)

2 Peter (2 Pt)

1 Gio-an (1 Ga)

1 John (1 Jn)

2 Gio-an (2 Ga)

2 John (2 Jn)

3 Gio-an (3 Ga)

3 John (3 Jn)

Giu-đa (Gđ)

Jude (Jude)

 

 

Sách Khải Huyền (Kh)

Book of Revelations (Rv)

 


Sơ Lược Nội Dung Các Sách

CỰU ƯỚC

A. Ngũ Kinh (Pentateuch) còn gọi là Luật (Torah), gồm 5 quyển đầu tiên của Cựu Ước. Năm quyển này là nền tảng cho đời sống của dân Do Thái, đó là:

Sách Sáng thế (St) - Khởi nguyên - Genesis (Gn): gồm hai phần:

- Nguồn gốc của vũ trụ và con người, sự sa ngã và lời hứa cứu độ

- Các truyền thống về thủy tổ của dân Ít-ra-en và giải thích sự có mặt của họ trên đất Ai cập.

Sách Xuất hành (Xh) - Exodus (Ex): kể lại cuộc ra khỏi Ai cập như một kinh nghiệm về quyền năn giải thoát của Thiên Chúa; giao ước Xi-nai như một kinh nghiệm cộng đồng về sự gặp gỡ Thiên Chúa.

Sách Lê-vi (Lv) – Leviticus: chỉ dẫn các lễ nghi tế tự.

Sách Dân số (Ds) – Numbers: tiếp theo chuyện Xuất hành, kể về cuộc hành trình và đời sống của dân Ít-ra-en trong hoang địa trên đường về Đất Hứa.

Sách Đệ nhị luật (Đnl) - Thứ luật – Deuteronomy (Dt): bài diễn văn của ông Mô-sê trình bày lại Giao ước, răn đe và khuyến giục dân chúng.

B. Các sách Sử và Truyện

Sách Giô-suê (Gs) – Johsua: kể lại cuộc chinh phục đất Ca-na-an. Giô-suê nối tiếp sự nghiệp của Mô-sê, dẫn dân Ít-ra-en vượt qua sông Gio-đan, đánh chiếm toàn thể Đất Hứa, sau đó phân chia đất đai cho các chi tộc. Cuối cùng là đại hội toàn dân tại Si-khem.

Sách Thủ lãnh (Tl) – Thẩm phán – Judges: kể chuyện 12 vị anh hùng dân tộc Chúa dùng trong thời kỳ sau Giô-suê cho đến khi lập vương quốc.

Sách Rút (R) - Ruth: kể chuyện về lòng đạo đức hiếu thảo của một nàng dâu người xứ Mo-áp, sau trở thành bà cố nội của vua Đa-vít.

Sách 1 và 2 Sa-mu-en (1 Sm, 2 Sm): kể chuyện ông Sa-mu-en là vị Thủ lãnh cuối cùng và là thiết lập chế độ quân chủ theo yêu cầu của dân. Ông vua thứ nhất được tấn phong là Sa-un đã không trung thành với Chúa. Vua thứ hai là Đa-vít, người đã đưa nước Ít-ra-en tới thời hoàng kim.

Sách 1 và 2 các Vua (1 V, 2 V) – Kings: kể chuyện các vua từ Sa-lô-môn đến thời lưu đày. Sau vua Sa-lô-môn, vương quốc chia làm hai, phía bắc gọi là Ít-ra-en, phía nam gọi là Giu-đa. Hai bên kình địch nhau.

Sách 1 và 2 Sử biên niên (1 Sb, 2 Sb) – Ký sự – Chronicles: tác giả thuộc truyền thống tư tế, kể lại lịch sử các triều đại và đặc biệt tô điểm Đa-vít như hình ảnh vương quyền của Thiên Chúa.

Sách Ét-ra (Er) - Ezra và sách Nơ-khe-mi-a (Nkm) - Nehemiah: là hai vị lãnh đạo đã khôi phục Giê-ru-sa-lem, đền thờ, luật Mô-sê, việc phụng tự và sự trung thành với nòi giống.

Sách Tô-bi-a (Tb) – Tobit: nhằm đề cao đời sống đạo đức của những người trung thành giữ Luật Chúa, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức, dầu sống xa Đất Hứa cũng được Chúa chúc phúc.

Sách Giu-đi-tha (Gđt) – Judith và Sách Ét-te (Et) – Esther: ca ngợi quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Chúa có thể dùng những phụ nữ yếu đuối để cứu cả dân.

Sách 1 và 2 Ma-ca-bê (1 Mcb, 2 Mcb): kể lại những cuộc nổi dậy của Giuđa Macabê, chống lại mưu đồ của các vua Hy lạp nhằm tiêu diệt đạo Do thái.

C. Các sách Thi phú

Còn gọi là các sách Khôn ngoan, trong đó gồm những suy tư về nhân sinh và giáo huấn luân lý.

Sách Gióp (G) – Job: là một vở kịch bằng thơ, chủ đề là ý nghĩa của sự đau khổ.

Sách Thánh Vịnh (Tv) – Psalms: là bộ sưu tập thánh ca, gồm 150 bài thơ tôn giáo, khoảng phân nửa được coi như của Đa-vít sáng tác. Người Do Thái, Chúa Giêsu và Giáo Hội công giáo dùng như kinh nguyện chính thức.

Sách Châm ngôn (Cn) – Cách ngôn – Proverbs: gồm nhiều bộ sưu tập lời của những người khôn ngoan.

Sách Giảng viên (Gv) – Ecclesiastes: suy tư khắc khoải về ý nghĩa của cuộc sống, về cái hư ảo của trần thế.

Sách Diễm ca (Dc) – Diệu ca - The Song of Songs: gồm 5 bài tình ca diễn tả mối tình giữa Chàng và Nàng, được coi như những bài ca ngợi tình yêu giữa Thiên Chúa và Dân Người.

Sách Khôn ngoan (Kn) – Wisdom: khuyến giục dân Do thái xa tránh những tập tục vô luân của thế giới ngoại giáo.

Sách Huấn ca (Hc) – Sirach: sưu tập những lời khôn ngoan đức hạnh.

D. Các sách Ngôn Sứ (prophet)

Ngôn sứ là các xướng ngôn viên của Thiên Chúa. Nhờ đời sống chiêm niệm, các Ngài hiểu được ý Chúa và lên tiếng nói với dân, vạch cho họ thấy những lỗi lầm, kêu gọi họ quay về với Giao Ước, loan báo hình phạt và ơn cứu độ. Các lời hứa cứu độ thường ám chỉ một Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô. Sau Ngũ Kinh thì các sách Ngôn Sứ là phần quan trọng nhất trong Cựu Ước. Có thể chia làm 2 nhóm: 4 ngôn sứ “lớn” và 12 ngôn sứ “nhỏ” (nói về độ lớn nhỏ của cuốn sách). Sau đây là các sách:

Sách I-sai-a (Is) – Isaiah: là cuốn lớn nhất, gồm ba phần:

- chương 1-39 gọi là I-sai-a đệ nhất, là vị ngôn sứ rao giảng ở xứ Giu-đa trong giai đoạn đen tối nhất lịch sử Israel, 742-687 thời kỳ vương quốc phía Bắc Israel bị tàn phá. Ông nhìn thấy vực thẳm đáng sợ giữa Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi.

- chương 40-55 gọi là I-sai-a đệ nhị, là một vị ngôn sứ thời lưu đày. Ông loan báo niềm hy vọng cứu độ và sứ mạng mới của Dân Chúa. Ông nói về ”nhóm nhỏ” gồm những người khiêm nhường, 4 bài hát về ”Người tôi tớ Giavê”, Messiah là Đấng được xức dầu.

- chương 56-66 gọi là I-sai-a đệ tam, có lẽ là sưu tập của nhiều ngôn sứ sau thời lưu đày, nhằm củng cố niềm tin của cộng đồng Do thái hồi hương.

Sách Giê-rê-mi-a (Gr) – Jeremiah: chép lời rao giảng và tiểu sử của Giê-rê-mi-a. Ông hoạt động vào thời kỳ vương quốc miền nam là Giu-đa sắp bị diệt vong. Ông chứng kiến cảnh Giê-ru-sa-lem bị thất thủ, vua quan tư tế và dân chúng bị lưu đầy sang Ba-by-lon. Cuộc đời và lời rao giảng của ông mang trọn nỗi bi đát của thời đại, nhưng ông vẫn nói lên niềm hy vọng vào cuộc chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa.

Sách Ai ca (Ac) – Lamentations: gồm ba bài theo thể “điếu tang”, đọc vào dịp lễ kỷ niệm đền thờ bị phá hủy. Ngày nay Hội Thánh đọc sách này trong Tuần Thánh.

Sách Ba-rúc (Br) – Baruch: nói về đời sống tôn giáo của người Do thái ở hải ngoại và ảnh hưởng mạnh mẽ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

Sách Ê-dê-ki-en (Ed) – Ezekiel: ông thuộc hàng tư tế, bị lưu đầy ở Ba-by-lon. Rao giảng của ông nhằm giúp những người lưu đày hiểu biết về hiện tại của mình và giữ vững niềm hy vọng ở tương lai.

Sách Đa-ni-en (Đn) – Daniel: thuộc thể văn “khải huyền”, nhằm an ủi khích lệ Dân Chúa giữ vững niềm tin trong cơn thử thách.

Sách Hô-sê (Hs) – Hosea: chép lời rao giảng và cuộc đời của Hô-sê. Ông cưới một người vợ là gái làng chơi tên Gomer. Gomer “ngựa quen đường cũ”, nhưng Hô-sê lại tìm về. Ông sống nỗi bi đát của tình vợ chồng bị phản bội để làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa bị phản bội.

Sách Giô-en (Ge) – Joel: mô tả tai họa và công bố lời hứa giải thoát. Lời hứa tuôn đổ Thần Khí được ứng dụng vào biến cố Ngũ Tuần.

Sách A-mốt (Am) – Amos: là một người chăn chiên. Ông giải thích ”Ngày của Chúa” như ngày phán xét những kẻ kiêu hãnh.

Sách Ô-va-đi-a (Ôv) – Obadiah: ngắn nhất và không rõ nguồn gốc. Sách đề cao sự công thẳng khủng khiếp của Thiên Chúa.

Sách Giô-na (Gn) – Jonah: là một câu chuyện nhằm đề cao một quan niệm phổ quát về ơn cứu độ.

Sách Mi-kha (Mk) – Micah: loan báo hình phạt và lời hứa cứu độ.

Sách Na-khum (Nk) – Nahum: lời sấm về sự trừng phạt đế quốc Át-sua và loan báo ơn cứu độ cho Giu-đa.

Sách Kha-ba-cúc (Kb) – Habakkuk: chất vấn Chúa vì Chúa để cho dân hung ác đe dọa Dân Chúa, và Chúa trả lời: “Người công chính sẽ được sống nhờ lòng trung tín”.

Sách Xô-phô-ni-a (Xp) – Zephaniah: loan báo “Ngày của Gia-vê”, một thảm nạn đổ ụp xuống trên mọi dân tộc, cảm hứng cho bài “Dies irae” hát trong lễ mồ.

Sách Khác-gai (Kg) – Haggai: cổ võ việc xây lại đền thờ sau thời lưu đày.

Sách Da-ca-ri-a (Dcr) – Zechariah: gồm hai phần: chương 1-8 thuộc thời kỳ tái thiết và phục hưng; chương 9-14 giáo huấn về Đấng Mê-si-a.

Sách Ma-la-khi (Ml) – Malachi: sau khi đền thờ được xây lại năm 515, kêu gọi thanh tẩy mọi tội lỗi để thờ phượng Chúa.

TÂN ƯỚC

Ghi lại lời chứng của các Tông Đồ về mầu nhiệm Chúa Kitô. Gồm 27 quyển chia làm:

A. Các sách Tin Mừng – Phúc Âm – Gospels là: Mát-thêu (Mt), Mác-cô (Mc), Lu- ca (Lc) và Gio-an (Ga): tường thuật về cuộc đời Chúa Giêsu.

Sách Công Vụ các Tông đồ (Cv): có thể gọi là phần II của sách Lu-ca. Tường thuật về hoạt động của các tông đồ, đặc biệt là Phê-rô và Phao-lô.

B. Các thư của các tông đồ, gồm có:

- 13 thư của thánh Phao-lô gởi cho các cộng đoàn và các cá nhân là: thư Rôma (Rm), thư 1 và 2 Cô-rin-tô (1 Cr, 2 Cr), thư Ga-lát (Gl), thư Ê-phê-xô (Ep), thư Phi-líp-phê (Pl), thư Cô-lô-xê (Cl), thư 1 và 2 Thê-xa-lô-ni-ca (1 Tx, 2 Tx), thư 1 và 2 Ti-mô-thê (1 Tm, 2 Tm), thư Ti-tô (Tt), thư Phi-lê-môn (Plm)

- 1 thư gởi cho “tín hữu Do thái”: thư Do thái (Dt)

- 7 thư chung (catholic letters) là: thư Gia-cô-bê (Gc), thư 1 và 2 Phê-rô (1 Pr, 2 Pr), thư 1, 2 và 3 Gio-an (1 Ga, 2 Ga, 3 Ga), thư Giu-đa (Gđ).

C. Sách Khải huyền (Kh) - Apocalypse hay Revelation: viết theo thể văn “khải huyền”, nhằm khích lệ các Kitô-hữu đang trải qua những cơn bách hại khốc liệt vào cuối thế kỷ thứ nhất.

 

Đọc theo thứ tự nào?

Không cần phải đọc từ đầu đến cuối như đọc một quyển truyện, vì sách không viết theo thứ tự. Nhiều đề nghị khác nhau:

- Theo George Martin, Reading Scripture as the Word of God: có thể bắt đầu bằng 2 quyển của Luca, hoặc bắt đầu với Mác-cô, sau đó đọc Tê-sa-lô-ni-ca và Cô-rin-tô. Tiếp theo là Gioan, thư Roma và thư Ga-lát. Sau cùng mới đọc Khải huyền cùng với những giải thích đúng đắn. Cựu Ước thì bắt đầu với Xuất hành, Giô-sua, Thẩm phán, hai sách Sa-mu-ên, hai sách các Vua.

- Theo Raymond E. Brown, Responses to 101 Questions on the Bible: Từ Sáng thế ký tới phần đầu sách Xuất hành, rồi một phần của sách Thẩm phán, Sa-mu-ên, các Vua, Ét-ra, Nơ-khe-mi-a, 1 Ma-ca-bê. Những phần đó cho một cái nhìn về toàn bộ lịch sử dân Ít-ra-ên. Sau đó chọn lựa trong các sách ngôn sứ và khôn ngoan để hiểu phần nào những suy tư của dân Chúa. Các thánh vịnh là những lời nguyện tuyệt vời để dâng lên Chúa. Với Tân Ước thì bắt đầu bằng Mác-cô và Gio-an, rồi Công vụ, một vài thư của Phao-lô (như 1 Cô-rin-tô, Phi-lip-phê), 1 Phê-rô.

 

Các chỉ dẫn cần thiết

Dẫn nhập (introductions): Là nghiên cứu của các học giả, giúp người đọc dễ hiểu về bối cảnh của các sách Kinh Thánh.

Chú thích (notes): Cắt nghĩa những tiếng tối nghĩa trong bản văn.

Chú giải (commentaries): Có nhiều loại, từ đơn giản đến đầy đủ chi tiết (exhaustive verse-by-verse). Thông dụng nhất đối với người công giáo là quyển The Jerome Biblical Commentary.

Cách tham khảo

Để dễ tham khảo, các học giả đã nghĩ ra cách phân thành câu (verse) và đoạn (chapter). Thí dụ:

Mt 2:1-7 là sách Mát-thêu đoạn 2 từ câu 1 đến câu 7.

Rm 9:30-10:21 là thư Rô-ma từ đoạn 9 câu 30 đến đoạn 10 câu 21

1 Cr 15:3-8,11 là thư 1 Cô-rin-tô đoạn 15 từ câu 3 đến câu 8 và câu 11

Có sách viết theo kiểu khác: Mt 2,1-7 và Rm 9,30-10, 21 và 1 Cr 15,3-8.11

HIỂU THÁNH KINH

Làm sao hiểu được Thánh Kinh? Có lẽ đó là sự băn khoăn và mong đợi của mọi người khi cầm lên cuốn Thánh Kinh. Chúa muốn nói gì đây? Ý nghĩa của đoạn văn này thế nào? Có những chữ thật tối nghĩa. Cũng có những đoạn văn sáng sủa, đọc là hiểu ngay, nhưng hình như còn có ý nghĩa khác cao xa hơn. Sợ nhất là hiểu sai Lời Chúa, vì “sai một li đi một dặm”. Hơn nữa, việc này ảnh hưởng đến ơn cứu độ và sự sống đời đời.

Thật ra không ai trên đời này có thể hiểu thấu Lời Chúa. Thiên Chúa là huyền nhiệm. Do tình yêu tuyệt vời, Thiên Chúa đã hé lộ cho chúng ta qua Lời của Ngài con đường đưa đến ơn cứu độ, và đã ban Thần Khí của Ngài giúp chúng ta có khả năng đón nhận. Tuyệt diệu của Lời Chúa ở chỗ vừa soi sáng dẫn dắt, vừa thăm thẳm không cùng. Vì thế chúng ta không thể nói mình đã hiểu thấu hoặc đã nắm được toàn bộ chân lý. Chỉ có thể nói, nên tiếp cận với Lời Chúa thế nào để lãnh nhận ơn Chúa.

1. Hai yếu tố cần thiết để hiểu Thánh Kinh:

a) Lòng khiêm nhường và tin yêu.

“Lạy Cha là Chúa Tể càn khôn, con cảm tạ Cha vì đã giấu không cho những người thông thái và khôn ngoan biết những điều ấy, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn.” (?) “Kẻ bé mọn”, tức là kẻ có lòng khiêm nhường và tin yêu. Công đồng Va-ti-ca-nô II: “Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần.” (MK 12:3)

b) Học hỏi.

Đọc Cv 8:27-31

Chúa Thánh Thần dùng Phi-lip-phê giải thích Kinh Thánh cho hoạn quan người Ê-ti-ô-pi-a. Ông quan này rất có lòng thành (ngồi xe vất vả), thông thái (đọc được tiếng Hy lạp và Do thái, biết kính sợ Chúa (đi hành hương Giê-ru-sa-lem) và tin vào Thiên Chúa của người Do thái. Nhưng dầu vậy ông vẫn không hiểu được Kinh Thánh. Chúa không dùng phép lạ chiếu một luồng ánh sáng vào tâm trí viên quan đó, nhưng đã dùng Phi-lip-phê, một con người, một phương tiện “tự nhiên” bình thường để giúp viên quan đó hiểu Lời Chúa. Câu chuyện này minh chứng tầm quan trọng của việc học hỏi Lời Chúa.

2. Những nghĩa được dùng trong Thánh Kinh:

“Theo một truyền thống cổ xưa, có thể phân biệt hai nghĩa được dùng trong Thánh Kinh: nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng.” (GL 115)

a) Nghĩa văn tự: (GL 116)

“Nghĩa văn tự là nghĩa mà lời Thánh Kinh nêu lên và được khoa chú giải khám phá ra khi tuân theo những quy luật để giải nghĩa đúng. Tất cả các nghĩa trong Thánh Kinh đều dựa vào nghĩa văn tự.”

Như vậy, trước hết và quan trọng hơn hết, ta phải hiểu rõ nghĩa văn tự, tức là phải hiểu rõ điều các thánh ký có ý muốn nói.

b) Nghĩa thiêng liêng: (Gl 117)

Nhờ sự thống nhất trong ý định của Thiên Chúa, không những bản văn Thánh Kinh, mà cả các thực tại và biến cố được bản văn đề cập đến đều có thể là dấu chỉ của thực tại thiêng liêng.

          - Nghĩa ẩn dụ (allegorical): để hiểu thấu đáo ý nghĩa của các biến cố, phải đối chiếu với mầu nhiệm Chúa Kitô. Thí dụ: cuộc vượt qua biển Đỏ của dân Israel là tiền trưng cuộc vượt qua của Chúa Kitô, do đó soi sáng chúng ta sống thực tại thiêng liêng mà chúng ta cử hành trong bí tích Thánh Tẩy.

          - Nghĩa luân lý (moral): các biến cố được Kinh Thánh thuật lại phải dẫn chúng ta đến một cách ăn ở chính trực hơn.

          - Nghĩa thần bí (anagogical – dẫn tới): chúng ta có thể hiểu các thực tại và biến cố được đề cập trong Kinh Thánh như những dấu chỉ dẫn chúng ta đến thực tại vĩnh cửu trên trời.

Để giúp chúng ta giải thích đúng đắn các nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh, công đồng Va-ti-ca-nô II đã nói: “vì Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần” (MK 12:3) và đưa ra ba tiêu chuẩn sau đây:

1.     Trước hết, phải hết sức chú ý đến “nội dung và tính thống nhất của toàn bộ Kinh Thánh”. Toàn bộ chương trình cứu rỗi mà Thiên Chúa mặc khải trong Thánh Kinh đều quy tụ về Chúa Kitô là trung tâm điểm và được mở rộng từ cuộc Vượt Qua của Người.

2.     Kế đến, phải đọc Thánh Kinh trong “Truyền Thống sống động của toàn thể Hội Thánh”. Theo các thánh Giáo Phụ, Thánh Kinh phải được đọc chủ yếu trong con tim Hội Thánh hơn là trên những vật liệu dùng để viết Thánh Kinh. Thật vậy, vì Hội Thánh giữ trong truyền thống sống động của mình ký ức về Lời Chúa.

3.     Phải lưu ý đến “tính loại suy đức tin”, tức là sự liên kết chặt chẽ giữa các chân lý đức tin với nhau trong toàn bộ chương trình mặc khải.

Tuy nhiên, nền tảng để suy diễn và nhận biết mặc khải của Chúa trong các nghĩa thiêng liêng đều phát xuất từ nghĩa văn tự. Nghĩa văn tự (literal sense) là nghĩa mà lời Thánh Kinh nêu lên và được khoa chú giải khám phá ra khi tuân theo những quy luật để giải nghĩa đúng. Nói cách khác, nghĩa văn tự là ý mà thánh ký muốn nói khi viết ra những lời lẽ đó. Đây chính là trọng điểm của khoa Kinh Thánh đương thời.

NGHĨA VĂN TỰ TRONG THÁNH KINH

Nhiều người nêu ra những thắc mắc như: Kinh Thánh nói Chúa tạo dựng trong 6 ngày, vậy mỗi ngày có phải là 24 giờ không? Ông Gio-na trong bụng cá 3 ngày, khi nó nhả ra ông có khỏe mạnh không? Ngôi sao lạ hiện ra ở phương đông là sao gì, xuất hiện vào năm nào?...

Những thắc mắc trên phát xuất từ quan niệm chung của mọi người về Kinh Thánh. Quan niệm này cho rằng:

-                           mọi lời trong Kinh Thánh đều do ơn linh hứng, do đó phải cắt nghĩa theo sát chữ (literally), còn gọi là theo nghĩa đen.

-                           mọi điều nói trong Kinh Thánh đều mang tính chất lịch sử, nghĩa là xảy ra đúng như Kinh Thánh mô tả.

Nhưng có phải mọi điều trong Kinh Thánh đều có tính chất lịch sử không? Như vậy làm sao dung hòa với khoa sử học, với khoa vũ trụ học, với khoa nhân chủng học? Có nhiều cố gắng không thành trong giới học giả. Hậu quả: một là cố chấp về một phía, nhận Kinh Thánh thì chối bỏ khoa học hoặc ngược lại. Hai là để qua một bên những điểm gây mâu thuẫn bất đồng, chỉ đọc những phần nào xem ra hợp tình hợp lý. Thái độ tránh né này làm giảm giá trị và sức mạnh của Lời Chúa khiến mất đi phương tiện căn bản làm giàu đời sống đức tin của người Kitô-hữu. Thật ra vấn đề không phải là Kinh Thánh đúng hay khoa học đúng. Vấn đề ở chỗ chúng ta có hiểu đúng Kinh Thánh hay không.

Giải thích theo sát chữ, đúng hay sai? Chúng ta phải phân biệt giữa điều Kinh Thánh muốn nói và điều mà chúng ta tưởng rằng Kinh Thánh muốn nói. Khi đọc một đoạn văn, chúng ta dựa vào tất cả những kiến thức mình đã thâu thập được từ trước để hiểu đoạn văn đó. Những kiến thức của chúng ta đóng khung trong thời gian, không gian, ngôn ngữ và văn hóa cũng như kinh nghiệm riêng của mình. Khi gặp một điều gì thuộc một nền văn hóa, ngôn ngữ, không gian và thời gian khác, chúng ta đặt mình trong khung cảnh đó mới hiểu đúng được. Một vài thí dụ: dog meat; cool!; jokes;…

Những diễn biến trong khoa chú giải Thánh Kinh

Mãi cho tới thế kỷ 17, mọi người đều hiểu Thánh Kinh theo sát chữ và đều tin rằng mọi điều nói trong Thánh Kinh đều có tính chất lịch sử. Và vì Thánh Kinh là chân lý, nên ai dám nói ngược lại hoặc nói khác đi điều nào trong đó thì đều bị coi là lạc đạo. Trường hợp nhà bác học Ga-li-lê-ô (1564-1642).

Khoảng cuối thế kỷ 17, một linh mục học giả người Pháp tên là Richard Simon đã thử đọc Thánh Kinh theo một lối khác, nghĩa là đọc như sách thường. Ông dùng phương pháp mà ngày nay chúng ta gọi là phê bình lịch sử và chỉ cho thấy ông Mô-sê không phải là tác giả của toàn bộ Ngũ Kinh như người ta vẫn tin. Sau đó ông nêu ra nhiều dị biệt giữa những tường thuật về việc tạo dựng và về lịch sử của dân Israel và xác định được 4 truyền thống là nguồn soạn ra Ngũ Kinh. Khoảng cuối thế kỷ 18, những dị biệt giữa các sách Tin Mừng đã khiến các học giả nhận ra một khoảng cách giữa chân dung của Chúa Giêsu Kitô trong Kinh Thánh và con người lịch sử mang tên là Giêsu. Những khám phá này đã gây tranh luận sôi nổi giữa các học giả và trong các giáo hội Kitô-giáo. Hai khuynh hướng cực đoan chính có thể kể ra:

1) Tân thuyết (modernism): những khám phá mới cho thấy có nhiều sai lầm về mặt lịch sử và khoa học trong Thánh Kinh, vì thế những người theo tân thuyết còn gọi là duy lý (rationalism) cho rằng Thánh Kinh chỉ là một truyện thần thoại, người viết bịa đặt ra để dạy đời.

2) Duy Bản thuyết (fundamentalism): đối lại với tân thuyết, một trào lưu trong nhiều giáo phái Tin Lành đề cao quyền tối thượng của Thánh Kinh, chống lại các học giả. Những người duy bản chủ nghĩa giải thích Thánh Kinh hoàn toàn theo sát chữ.

Thái độ của Giáo Quyền

Dĩ nhiên, giáo quyền Công Giáo hết sức thận trọng trong vấn đề này, vì nó liên quan đến nguồn mặc khải là chính nền tảng của đức tin. Những câu hỏi được đặt ra như: phương pháp mới này có chính xác về mặt khoa học không? Nghiên cứu Lời Chúa mà dùng phương pháp của loài người thì có đúng không? Tuy nhiên, trước những khám phá càng ngày càng nhiều và không thể chối cải được của giới học giả, giáo quyền đã chính thức lên tiếng và dè dặt bày tỏ lập trường:

Năm 1893, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII trong thông điệp Providentissimus Deus cho phép các học giả nghiên cứu Thánh Kinh bằng những phương tiện khoa học hiện đại, nhưng cảnh cáo họ về sự nguy hiểm của khoa học, đồng thời nhấn mạnh về tính chất “không thể sai lầm” của Thánh Kinh.

Năm 1902, Ủy Ban Thánh Kinh Giáo Hoàng (Pontifical Biblical Commission) đã được thành lập gồm nhiều chuyên gia quốc tế về Thánh Kinh, mục đích đẩy mạnh việc nghiên cứu dưới sự giám sát chặt chẽ của giáo quyền. Ủy Ban này vẫn còn hoạt động cho tới ngày nay.

Năm 1943, Đức Thánh Cha Piô XII trong thông điệp Divino Afflante Spiritu đã bước một bước căn bản, giúp Giáo Hội Công Giáo thoát ra khỏi phương pháp giải thích Thánh Kinh hoàn toàn theo sát chữ. Thông điệp này đề cao tầm quan trọng của phương pháp mới. Ngài khẳng định tính chất không sai lầm của Thánh Kinh trong phương diện đức tin và luân lý, đồng thời cũng tôn trọng chiều kích nhân loại của Lời Chúa. Thông điệp này hàm ý: không phải mọi điều trong Thánh Kinh đều có tính chất lịch sử theo nghĩa ngày nay chúng ta hiểu khi nói về chữ "lịch sử".

Năm 1965, công đồng chung Vaticanô II trong hiến chế tín lý về mạc khải Dei Verbum, đã đặt nền cho lề lối giải thích Thánh Kinh của Giáo Hội ngày nay.

“Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người[1] mà phán dạy, nên để thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, người giải thích Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thật sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ.” (DV 12:1)

“Để tìm ra chủ ý của thánh sử, cần phải xét đến thời đại và văn hóa của họ, các “thể văn” thông dụng thời bấy giờ, cách thức cảm nghĩ, diễn tả, và tường thuật thịnh hành trong thời của họ, vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau như thể văn lịch sử, ngôn sứ, thi ca… hoặc những thể loại khác.” (DV 12:2)

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã trích dẫn tài liệu căn bản này và dạy chúng ta những nguyên tắc phải dựa vào đó để giải thích Thánh Kinh. Những nguyên tắc này dựa vào một phương pháp gọi là Phê Bình Lịch Sử (historical-critical approach).

Phương Pháp Phê Bình Lịch Sử

Chữ phê bình thường bị hiểu một cách tiêu cực, là chỉ ra những sai lầm khuyết điểm. Nhưng chữ phê bình cách chung, đặc biệt là trong trường hợp của Kinh Thánh, là suy xét và phân tích những khía cạnh khác nhau của bản văn. Đối với Kinh Thánh, phê bình lịch sử (historical criticism) là cách thức được các học giả sử dụng nhiều nhất. Đó là việc tìm hiểu về tác giả (bối cảnh, mục đích), về hoàn cảnh sáng tác (vấn đề mà tác giả đang phải đối diện), về người nghe hay người đọc (họ ở đâu, đang gặp vấn đề gì, họ đã hiểu được những gì). Cũng phải nhận định thể văn mà tác giả dùng. Nói tóm lại, phê bình lịch sử là đặt những câu hỏi đối với bản văn Kinh Thánh như đặt câu hỏi đối với bất cứ quyển sách thường nào khác, nhằm khám phá ra sứ điệp của bản văn đó. Tác giả thật sự có ý muốn nói gì? Biết được điều tác giả muốn nói, chúng ta mới nghiệm ra được điều Thiên Chúa muốn mặc khải cho chúng ta. Trước hết, chúng ta hãy xét đến văn thể.

Phê Bình Văn Thể (literary form criticism)

Mở một tờ báo hằng ngày, chúng ta thấy các bài viết dùng nhiều văn thể khác nhau. Có những bài tường thuật (report), nghị luận (editorial), tiểu thuyết (fiction), thi ca (poem), trào phúng (satire), quảng cáo… Thi ca thì chú trọng đến âm điệu, từ ngữ tượng thanh tượng hình, diễn tả những cảm xúc nội tâm, nhằm đánh động lòng người, không cần đúng sự thật. Người đọc thơ phải biết những điều đó thì mới thưởng thức được bài thơ. Nếu đọc thơ mà thắc mắc không biết điều tác giả nói có chính xác về mặt khoa học không là thắc mắc sai chỗ rồi. Bài tường thuật thì phải đúng sự thật lịch sử khách quan. Bài nghị luận thì chủ quan vì muốn nói lên lập trường của người viết. Mỗi thể văn đều có những hình thức, nội dung và mục đích khác nhau. Nói tóm lại, cần phải nhận ra văn thể thì mới giải thích đúng điều mà tác giả muốn nói.

Các sách trong Thánh Kinh dùng đủ loại văn thể khác nhau. Thật ra Thánh Kinh không phải là một cuốn sách gồm nhiều tập, nhưng phải gọi là một thư viện (library) gồm nhiều cuốn sách thuộc nhiều thể văn khác nhau. Ngay trong mỗi cuốn sách, nhiều khi các phần cũng được viết bằng những thể văn khác nhau. Một số văn thể chúng ta có thể gặp thấy trong các sách Thánh Kinh là:

huyền thoại (myth)

thi ca (poem)

truyền kỳ (legend)

tiểu sử (biography)

tranh luận (debate)

nghị luận (editorial)

truyện (fiction)

lời chúc (blessing)

bài ca (songs)

lời rủa (curse)

dụ ngôn (parables)

ngụ ngôn (fable)

phép lạ (miracles)

châm ngôn (proverb)

ẩn dụ (allegory)

lời sấm (oracle)

thư tín (letters)

tường thuật (narrative)

khải huyền (revelation)

thánh ca (hymns)

và nhiều nữa…

Chúng ta hãy thử tìm hiểu một vài loại văn.

Dụ Ngôn (parable)

Dụ ngôn là loại văn rất quen thuộc đối với chúng ta, vì có rất nhiều trong các sách Tin Mừng. Trong Cựu Ước cũng có, hãy lấy một làm thí dụ.

Thí dụ 1: Nathan và Đa-vít. Đọc 2 Samuel 12:1-4

Đa-vít bị câu chuyện dẫn dụ, lên tiếng kết án người nhà giàu đã bắt con bê con của người nghèo. “Vua Đa-vít đùng đùng nổi giận với người ấy và nói với ông Na-than: ‘Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết!...’ Na-than nói: ‘Kẻ đó chính là Ngài!’” Tuyệt diệu ở chỗ Đa-vít tự kết án mình mà không biết. Chừng biết mới thấy thấm.

Chữ dụ ngôn có nghĩa là so sánh. Đó là một câu chuyện ngắn, người kể dùng những hình ảnh quen thuộc trong thiên nhiên hoặc trong đời sống thường ngày. Yếu tố đặc biệt của dụ ngôn là gây kinh ngạc và thắc mắc cho người nghe. Người nghe bị shocked vì tình tiết trái với lẽ thường, nên hết sức để ý đến câu chuyện. Muốn hiểu người nghe bị shocked như thế nào, cần phải đặt mình vào hoàn cảnh lịch sử của người đương thời: người nghe là ai? câu chuyện này nói với họ trong hoàn cảnh nào? Yếu tố đặc biệt nhất của dụ ngôn là không có kết luận. Câu chuyện dừng lại ở ngay điểm người kể muốn nói để cho người nghe suy nghĩ và tự rút ra kết luận, không phải cho câu chuyện mà cho chính mình, vì người kể muốn giúp họ biến cải trong ánh sáng mới.

Nói tóm lại, dụ ngôn có những đặc điểm sau đây:

1.     so sánh

2.     dùng những hình ảnh quen thuộc trong thiên nhiên và đời sống thường ngày

3.     gây kinh ngạc, thắc mắc (shock) cho người nghe

4.     không kết luận, để người nghe tự kết luận, vì muốn giúp họ biến cải.

Thí dụ 2: Khách dự tiệc. Đọc Lc 14:7-11

Tại sao Luca nói: “Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này…” Có vẻ như Chúa Giêsu có ý khuyên: ai muốn chọn cỗ nhất thì trước hết hãy ngồi xuống chỗ cuối. Luca muốn chúng ta đừng hiểu lầm nên đã nhấn mạnh: đây không phải là một lời khuyên – tức là một lời nói thẳng, mà là một dụ ngôn – tức là một câu chuyện kể ra với mục đích chỉ trích nhằm sửa sai. Ngày nay chúng ta không hiểu hoàn cảnh lịch sử và lối sử dụng dụ ngôn nên bị lúng túng tự hỏi: “không lẽ Chúa dạy khiêm nhường kiểu đó?” Hãy để ý đến câu mở đầu của thánh sử. Chúa Giêsu muốn nói cho những người “khách dự tiệc muốn chọn cỗ nhất mà ngồi”, thực tế là mọi người thời bấy giờ. Họ chú ý nghe, tưởng đâu mình được khen. Nghe xong mới thấy mình bị “xỏ”. Lúc đó mới thấm đòn.

Vậy nếu biết đó là một dụ ngôn và hiểu hoàn cảnh lịch sử, chúng ta sẽ thấy ý của Chúa Giêsu muốn nói là: tất cả quý vị đều hám danh; nhưng người dại thì hám danh một cách một cách dại dột, còn người khôn thì hám danh một cách khôn khéo. Luca rất khéo tạo ra cái âm hưởng chế nhạo trong lời khuyên răn nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của Chúa Giêsu.

Thí dụ 3: Người con hoang đàng. Đọc Lc 15:1-3,11-32

Tên của dụ ngôn này không phải thuộc bản văn linh hứng, mà do người sau thêm vào cho dễ hiểu dễ nhớ, nhưng đồng thời dẫn người đọc đi xa ý của tác giả. Hãy chú ý tới hai câu mở đầu 15:1-3 nói về sự bất mãn của các Pha-ri-sêu và kinh sư khi thấy Chúa Giêsu đi lại và ăn uống với những người tội lỗi. Chúa Giêsu kể dụ ngôn này cho họ. Họ là những người tự cho mình là công chính, như người con cả trong câu chuyện. Chúng ta có thể hình dung Chúa Giêsu đang nói với họ: các bạn không muốn ăn uống với người tội lỗi và không muốn đi lại với họ ư? Hãy suy nghĩ lại đi, chính các bạn cũng có trách nhiệm trong tội lỗi của họ mà (người con cả không nói gì khi người cha chia gia tài và để người con thứ bán gia tài ấy). Hơn nữa, các bạn nghĩ rằng các bạn biết Chúa ư? Chưa chắc đâu! Thật ra, lòng nhân hậu và thương xót của Chúa vượt xa tất cả những gì các bạn biết về Ngài, vượt khỏi mức độ hợp lý bình thường, giống như người Cha “dại dột không biết xấu hổ” kia. Các bạn chưa biết Chúa đủ đâu. Đừng quá cố chấp. Hãy thay đổi đi!

Huyền Thoại (myth)

Ngày nay, người ta thường dùng chữ myth khi nói về một cái gì trước kia người ta tưởng đúng, bây giờ khi sự thật bị lột trần mới biết là hoàn toàn bịa đặt. Thể văn huyền thoại (myth as a literary form) có nghĩa khác. Huyền thoại là một câu chuyện tưởng tượng dùng những biểu tượng để diễn tả một thực tại vượt quá tầm hiểu biết của loài người (a myth is an imaginative story that uses symbols to speak about reality, but a reality that is beyond a person’s comprehension). Những câu chuyện về sự sáng tạo trong các nền văn hóa đều dùng thể văn này. Việt Nam có những chuyện như “con rồng cháu tiên”, “một mẹ trăm con” là những huyền thoại. Trong Thánh Kinh có truyện tạo dựng vũ trụ và loài người.

Dân tộc nào cũng suy tư về nguồn gốc của mình. Họ biết mình hiện hữu. Và họ tự hỏi: mình từ đâu đến? mình khởi đầu như thế nào? Không ai chứng kiến và cũng không có sử liệu nào ghi lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Nó thuộc về tiền sử. Nhưng người ta biết chắc phải có cái lúc ấy. Nếu không có lúc ấy thì không có hôm nay. Huyền thoại được xây dựng để diễn tả cái thực tại vượt quá tầm hiểu biết ấy. Chất liệu tạo hình là những hình ảnh, những kinh nghiệm, những tin tưởng, những ước vọng, những suy tư của cả một truyền thống dân tộc. Có thể gọi huyền thoại là Kinh, là Tuyên ngôn của dân tộc. Trong trường hợp Kinh Thánh, huyền thoại về tạo dựng tuyên xưng niềm tin của dân Israel vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa.

Huyền thoại về nguồn gốc vũ trụ

Xem Sáng thế ký 1:1-2:4a.

Trong câu chuyện này, tác giả dùng những kiến thức khoa học của người đương thời về vũ trụ. Bầu trời như chiếc lồng bàn úp trên cái mâm là đất. Dưới đất là thế giới của người chết. Mặt đất được chiếu sáng bằng hai ngọn đèn lớn là mặt trời và mặt trăng. Các vì sao là những trang điểm của bầu trời. Trên bầu trời có những cánh cổng lúc mở lúc đóng, mở thì mưa đóng thì hạn hán.

Thứ tự các ngày trong truyện là:

3 ngày phân tách:

3 ngày cư trú:

1. ánh sáng / bóng tối

2. mặt trời, mặt trăng, ngôi sao

3. nước phía trên / nước phía dưới

4. chim / cá

5. nước / đất khô

6. thú vật, cây cối, loài người

7. Chúa nghỉ ngơi

Theo các học giả, đoạn văn này được thành hình vào khoảng năm 450 B.C. sau thời kỳ lưu đày bên Babylon. Huyền thoại về nguồn gốc vũ trụ của dân Babylon đã khiến dân Israel phải tuyên xưng niềm tin chân chính của mình. Những tuyên xưng này – mà chúng ta tin là được linh hứng – có những điểm sau đây:

-          Có một Thiên Chúa duy nhất, Người là Đấng tạo hóa, tất cả đều là thụ tạo.

-          Mặt trời mặt trăng không phải là thần thánh.

-          Mọi tạo vật đều tốt lành, trật tự, càng về sau càng hoàn hảo.

-          Con người là triều thiên của tạo vật, được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có nam có nữ và có sứ mạng thay Chúa chăm sóc mọi loài.

-          Ngày Sabbath là ngày thánh dành riêng cho Thiên Chúa

Huyền thoại về nguyên nhân sự đau khổ

Đọc St 2:5-3:24

Trước thực tại của sự đau khổ và sự chết, con người băn khoăn tự hỏi: tại sao Thiên Chúa tốt lành đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa lại có thể để cho sự đau khổ và sự chết cùng tồn tại ngay trong chính trật tự tốt lành của Chúa? Câu trả lời là: nguyên nhân do chính con người đã chọn không tuân theo trật tự do Chúa sắp đặt.

Tác giả đã dùng những biểu tượng và tình tiết của câu chuyện để trình bày một cách tuyệt vời nguyên nhân của sự đau khổ và sự chết. Chúng ta hãy lần lượt xem qua.

Adam

Danh từ chung, nghĩa là “người”, chỉ một người hay mỗi người

Vườn địa đàng

Nơi không có đau khổ

Cây sự sống

Tiếp tục ăn thì sẽ không chết

Cây biết lành biết dữ

Khả năng chọn lựa ngược lại trật tự do Chúa sắp đặt (tự do)

“người ở một mình không tốt”

Nhân cách hóa Thiên Chúa. Chúa thử nhiều cách nhưng thất bại.

Đặt tên

Làm chủ / liên hệ chủ thể - đối tượng / không phải bạn ngang hàng

Xương sườn

“xương bởi xương, thịt bởi thịt”

“mình ơi!”

Trần truồng mà không mắc cỡ

Tự chấp nhận một cách đơn thuần / self-acceptance, comfort with who they are

Con rắn

Cám dỗ (# ma quỷ)

Ăn trái cấm

Phạm tội, tội cách chung, không xác định là tội nào

Xấu hổ

Bị tha hóa / self-alienation

Trốn Chúa

Mất khả năng đáp trả tình yêu của Chúa

Chúa phạt

Nhận biết khi mình bất tuân trật tự do Chúa sắp đặt thì phải chịu hậu quả đương nhiên

Bị đuổi khỏi vườn địa đàng

Mất khả năng làm tiêu tan (undo) hậu quả của tội

Con người thuở ban đầu - “nhân chi sơ tánh bản thiện” - hạnh phúc trong trật tự do Chúa sắp đặt. Hạnh phúc này là sự hòa hợp:

-          với chính mình: trần truồng mà không xấu hổ.

-          với tha nhân: yêu nhau thắm thiết, tuy hai mà một

-          với thiên nhiên: vườn địa đàng

-          với Chúa: bạn thân thiết, hằng ngày đi dạo và trò chuyện.

Nhưng con người đã phạm tội. Bản văn không dùng chữ tội, nhưng đã diễn tả một cách tuyệt vời mọi diễn tiến của việc phạm tội.

-          biết rõ trật tự của Chúa: đối đáp với con rắn

-          chọn làm ngược lại: ăn

-          bị hậu quả: xấu hổ, trốn tránh, đổ thừa nhau, bị trừng phạt, bị đuổi ra khỏi vườn

Ăn là một biểu tượng rất hay:

-          không ép ăn được: chọn lựa cách tự do

-          thức ăn trở nên một phần của chính mình: tội đã phạm có thể được tha, nhưng hậu quả của nó đã nhập vào mình khiến mình đổi khác, không thể trở lại tình trạng nguyên thủy được nữa. Sau khi phạm tội, con người đã “biết” sự dữ. Kinh nghiệm mới này đã làm thay đổi nhận thức, quan niệm và thái độ của ta đối với chính mình, với tha nhân, với thiên nhiên và với Thiên Chúa.

Chúa vẫn không thôi yêu thương, chăm sóc và hứa ơn cứu rỗi cho con người.

-          “Chúa làm áo cho con người”

-          Tiếc rẽ, đau đớn và thất vọng trong giọng nói

-          Người đàn bà đạp đầu rắn: Israel, Đức Mẹ

Cổ tích (legend)

Chuyện về các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop, về ông Mô-sê, về các thủ lãnh như Sam-song dùng một thể văn gọi là cổ tích (legend). Khác với huyền thoại, cổ tích có nền móng lịch sử vững chắc. Tuy nhiên, cổ tích không phải là lịch sử. Có thể gọi là dã sử hay truyện dân gian hay truyền thuyết. Để hiểu sứ điệp của các câu truyện này, hay là ý của tác giả khi viết ra chúng, chúng ta cần phải truy nguyên sự thành hình của chúng.

Sự thành hình.

Bản văn mà chúng ta có hôm nay trong Kinh Thánh thành hình qua ba giai đoạn chính:

1. Các biến cố lịch sử.

Israel có một lịch sử khởi đầu từ các tổ phụ, thời kỳ nô lệ Ai cập, cuộc xuất hành, thời kỳ các thủ lãnh, thời kỳ quân chủ, thời kỳ chia đôi đất nước, cuộc lưu đầy Babylon, hồi hương, sự xâm lấn của người Hy lạp, sự chiếm đóng của người La mã, và sau cùng là Chúa Giêsu và các tông đồ của Ngài. Lịch sử này được các sử gia và các nhà khảo cổ xác nhận.

Các biến cố lịch sử của dân Israel

Niên biểu ước chừng

 

 

 

 

1850 B.C.

 

 

 

Abraham nhận biết ơn gọi của Chúa

Isaac

Gia-cóp

Giu-se

nô lệ bên Ai cập

1250 B.C.

 

 

 

Mô-sê và cuộc xuất hành

Thời kỳ các thủ lãnh

Vua Saul

1000 B.C.

 

 

 

Vua Đa-vít

Đền thờ Giê-ru-sa-lem

Vua Solomon

922 B.C.

 

 

 

Vương quốc chia đôi

Các ngôn sứ kêu gọi lòng trung thành với Chúa

721 B.C.

 

 

 

Vương quốc phía bắc rơi vào tay đế quốc Assyria

587 B.C.

 

 

 

Vương quốc phía nam sụp đổ - khởi đầu cuộc lưu đầy ở Babylon

537 B.C.

 

 

 

Cyrus, vua Ba tư, chinh phục Babylon và cho dân Israel hồi hương

336 B.C.

 

 

 

Alexander Đại Đế

167 B.C.

 

 

 

Hy lạp hóa

Cuộc nổi dậy của anh em Ma-ca-bê

Bách hại

63 B.C.

 

 

 

Quân Rô-ma chiếm đóng toàn thể miền cận đông

7-6 B.C.

 

 

 

Chúa Giê-su sinh ra

A.D. 30

 

 

 

Chịu đóng đinh

A.D. 100

 

 

 

Mãn thời kỳ tông đồ

 

 

 

 

 

2. Giai đoạn truyền khẩu.

Câu chuyện về các nhân vật lịch sử này được dân gian kể đi kể lại cho nhau nghe, thế hệ trước kể cho thế hệ sau và cho thế hệ sau nữa… trước khi được viết thành văn tự. Chúng ta thường có ấn tượng không tốt về những lời truyền miệng, chúng thường “tam sao thất bản”. Nhưng truyền miệng theo kiểu “nói hành” khác với văn truyền khẩu. Ở đây, một kho tàng văn hóa và tôn giáo của một dân tộc được kính cẩn truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ kia. Nếu một vài cá nhân sai lầm thì cả cộng đoàn sẽ sửa chữa. Cho nên truyền khẩu của Kinh Thánh trên căn bản (basically) là chính xác. Nói như vậy không có nghĩa là mọi chi tiết trong trong truyền khẩu đều chính xác. Văn truyền khẩu không quan tâm đến sự chính xác trong các lãnh vực sau đây:

a. Trích dẫn.

Ngày nay chúng ta phải trích dẫn thật chính xác câu nói của một người nào đó, nhưng ngày xưa điều đó không cần thiết. Bận tâm của họ không phải ở lời lẽ mà ở ý nghĩa sâu xa và vô giá của câu truyện.

Một thí dụ trong truyện ông Abraham. Xem St 12:1-3

Chúng ta tự hỏi: “không lẽ chính Chúa nói như vậy sao? Chúa là Đấng tốt lành mà lại đi chúc dữ?” Thay vì hỏi “tại sao Chúa nói điều đó?” chúng ta hãy hỏi “tại sao người ta nói Chúa nói điều đó?” Lối văn này phản ảnh nền văn hóa và sự tin tưởng của người thời đó. Họ rất quen thuộc với việc chúc lành và chúc dữ. Người thời xưa tin tưởng ở quyền lực của lời chúc. Dân Israel cũng chia sẻ niềm tin thô thiển đó. Nhưng có một điều khác: họ tin tưởng quyền lực của lời chúc phát xuất từ Thiên Chúa. Chúng ta thấy việc chúc lành chúc dữ xãy ra nhan nhản trong Cựu Ước. Trong Tân Ước Chúa Giêsu dạy các môn đệ: hãy yêu thương thay vì chúc dữ.

b. Thứ tự thời gian.

Chuyện các tổ phụ không phải là một câu chuyện dài từ đầu đến cuối, nhưng là nhiều câu chuyện nhỏ (episodes) ghép lại với nhau. Mỗi chuyện nhỏ là một đơn vị độc lập. Khi ghép lại thành truyện dài, các tác giả không quan tâm đến thứ tự thời gian sao cho hợp lý và sự chuyển tiếp giữa các câu chuyện sao cho trơn tru.

Thí dụ: trong Sáng thế đoạn 24 ông Abraham đã già và lo cưới vợ cho con là Isaac trước khi ông chết. Đoạn 25 bắt đầu với việc Abraham cưới vợ khác và sinh ra một đàn con mới. Đến câu 8 thì nói ông Abraham chết.

Những câu chuyện trong Phúc Âm cũng không theo thứ tự thời gian. Thí dụ việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giê-ru-sa-lem. Nhất lãm thì nói việc này xãy ra vào cuối quãng đời công khai, khi Đức Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để chịu tử nạn. Gioan thì nói việc này xãy ra đầu Phúc Âm, ngay sau phép lạ nước biến thành rượu tại Cana. Mỗi câu chuyện là một đơn vị trong truyền khẩu. Các thánh ký khi ghép lại thì tự ý sắp đặt theo thứ tự thời gian riêng của mình.

c. Nơi chốn và hoàn cảnh.

Nơi chốn và hoàn cảnh cũng không mấy quan trọng đối với văn truyền khẩu. Thí dụ St 21:22-31 kể giao ước giữa ông Abraham và vua Abimelech ở một chỗ gọi là Beersheba. St 26:26-33 thì kể y như vậy, nhưng không phải ông Abraham mà là con của ông – Isaac là người ký giao ước. Điều tác giả quan tâm là giao ước giữa tổ phụ dân Israel và vua Abimelech. Khi thấy có hai câu chuyện, tác giả ghi lại cả hai.

d. Không lập lại những điều ai cũng biết.

Khi kể lại câu chuyện, người kể và người nghe đều hiện diện. Họ có chung một nền văn hóa và cùng biết những điều thông thường ai cũng biết nên không cần phải nói ra. Chúng ta sống ở một nền văn hóa khác và một thời đại khác nên nếu chúng ta tưởng những điều mình hiểu ngầm là những điều họ hiểu ngầm thì chúng ta sẽ không thể hiểu được điều họ muốn nói. Thí dụ, khi đọc sách Sáng thế, chúng ta phải biết những điều tác giả nói đều dựa trên quan niệm “trái đất” bằng phẳng. Khi đọc sách Gióp, chúng ta phải biết vào thời điểm đó, không ai có quan niệm rõ ràng về sự sống lại.

Truyện các tổ phụ thường nói về số tuổi khổng lồ của các Ngài. Con số đó không phải là số tuổi mà là số nhân đức. Họ không giải thích vì thời đó khi nói như vậy ai cũng biết.

Một thí dụ khác, ông Gia-cóp đã lường gạt cha là Isaac để ăn trộm phúc lành của anh là Esau (St 37). Đối với chúng ta, sự lường gạt khiến cho ơn phúc lành nếu có thì cũng thành vô hiệu, vì thế chỉ cần Isaac chúc lành lại cho Esau là xong. Nhưng với người thời xưa, phúc lành đã ban ra thì có hiệu lực và không thể nào lấy lại. Vì thế, Esau phải năn nỉ cha ban một phúc lành khác cho mình.

3. Giai đoạn văn tự.

Vào một thời điểm nào đó, vì nhu cầu đương thời, các tác giả gom góp những câu chuyện khầu truyền lại và soạn thành văn bản. Văn bản đó lại được những người thời sau sửa đổi, thêm bớt cho phù hợp với nhu cầu đương thời. Vì thế những câu truyện kể trong Thánh Kinh thành hình qua rất nhiều giai đoạn trong thời gian như những lớp gỗ bao bọc xung quanh cái lõi của một thân cây. Cắt ngang một gốc cây cổ thụ và đếm số vòng chúng ta tính được số tuổi của cây. Đi ngược lại các giai đoạn, chúng ta tìm ra điều tác giả muốn nói.

Những đặc tính của các truyện cổ tích

a.     Các biến cố lịch sử được nhìn dưới ánh sáng đức tin

Người dân Israel tin rằng, biến cố không chỉ là biến cố mà còn là hành động của Chúa. Ngày nay khi nói về nguyên nhân, chúng ta thường ám chỉ nguyên nhân trực tiếp. Người dân Israel luôn luôn nói về nguyên nhân tối hậu. Trời mưa, nghĩa là Chúa làm mưa. Thiên Chúa luôn luôn hiện diện, yêu thương và hành động qua các biến cố. Câu chuyện xuất hành là một thí dụ hùng hồn cảm nhận của họ về sự hiện diện đầy quyền năng giải thoát của Chúa.

b.     Sự phóng đại

Phóng đại là một đặc tính của những truyện dân gian, tô vẽ các vị anh hùng, nhằm mục đích thu hút sự chú ý của thính giả. Trong Kinh Thánh, muốn truyền cảm hứng cho thính giả, người kể tô vẽ tính chất siêu phàm của Chúa khi can thiệp vào lịch sử của dân Ngài. Sự phóng đại khác việc giải thích dưới ánh sáng đức tin. Một thí dụ: so sánh hai đoạn văn trong Xh 14:15-31.

c.      Phép thuật

Đôi khi, một ít chi tiết trong các truyện cổ tích vượt quá ranh giới phóng đại, mang tính chất phù phép. Thí dụ truyện Samson và Dalilah (Tl 16:4-31). Chúng ta tự hỏi: “tại sao câu chuyện lại nói sức mạnh của Samson là ở bộ tóc dài?”

Truyện Samson và Dalilah nằm trong sách Thủ lãnh. Chủ đích của sách này là giáo dục dân Israel: Thiên Chúa muốn cho họ một bài học vì họ làm điều xấu dưới mắt Chúa, như đọc thấy trong Tl 2:11-14. Không cắt tóc hoặc không uống rượu là dấu chỉ sự thánh hiến (Tl 16:17). Sức mạnh của Samson nằm ở sự tuyệt đối trung thành với Chúa. Tóc là biểu tượng. Xa lìa Thiên Chúa, tượng trưng bằng việc cắt tóc, là mất đi sức mạnh siêu phàm. Tóc mọc trở lại, trở về với Chúa, tìm lại được sức mạnh.

d.     Gốc tích

Giống như những truyện dân gian khác, cổ tích trong Kinh Thánh thường được kể để giải thích nguồn gốc cái tên của một người, một nơi, một nghi lễ, một tập tục… Một thí dụ rất quen thuộc là gốc tích sự tàn phá thành Sodom. Xem St 19:1-26.

Trong truyện này, chúng ta thấy giải thích nguồn gốc của thành Zoar (câu 22) và nguồn gốc khối đá có hình người đàn bà (câu 26) có lẽ rất quen thuộc với người thời đó. Lối văn này nhằm làm cho câu chuyện thêm hấp dẫn để người nghe dễ nhớ và lưu truyền ý nghĩa của câu truyện: sự nguy hiểm của việc theo Chúa mà còn ngoái lại đằng sau.

e. Phương tiện chuyên chở mặc khải

Cổ tích có mặt trong Thánh Kinh vì chúng phản ảnh nhận thức của dân Israel về Thiên Chúa và về liên hệ đặc biệt giữa họ với Ngài. Nhận thức này lúc đầu không được hoàn hảo, nó lớn lên theo thời gian. Một câu chuyện rất quen thuộc cho chúng ta thấy sự tăng trưởng này. Xem St 22:1-19, truyện ông Abraham sát tế con mình là Isaac.

Theo phong tục của người dân Canaan trẻ con thường bị đem tế thần bằng cách thiêu sống. Người dân Israel thì sát tế tất cả các con đầu lòng để hiến dâng cho Gia-vê, nhưng dần dần họ nhận ra rằng Ngài không muốn sát tế trẻ con. Vì thế, họ giữ việc sát tế các con đầu lòng của loài vật, và chuộc lại các con đầu lòng của loài người (Xh 13:11). Tuy vậy, việc sát tế con trong dân Israel vẫn còn xãy ra (2 Vua 16:1-4; 21:6; 23:10). Trong khi vấn nạn về việc sát tế con tiếp tục là một nan đề qua nhiều thế kỷ, thì câu chuyện ông Abraham sát tế con là Isaac được kể đi kể lại như một phương tiện chuyên chở Chúa dùng để mặc khải điều Ngài muốn dạy dân Israel.

Cho đến ngày nay, câu chuyện này vẫn chưa mất sức mạnh vạn năng của nó, nhưng mang một ý nghĩa phổ quát hơn: cái thế tiến thoái lưỡng nan của một người tin trước một thử thách đụng chạm đến tận gốc rễ của niềm tin.

Chúa đã hứa cho Abraham trở thành tổ phụ một dân “đông như sao trên trời, như cát dưới biển”. Trong tuổi già, ông mới sinh được một con trai là Isaac. Và Thiên Chúa thử thách ông. Tác giả nhấn mạnh điểm này, vì muốn độc giả biết rằng thử thách đức tin cũng xãy ra cho họ. Abraham là một người đầy lòng tin, nhưng giờ đây phải đối diện với một nan đề. Tác giả không có một giải thích nào về tâm trạng của Abraham. Ông ta nghĩ gì? Ông ta vật vã ra sao? Câm nín. Sự câm nín có lẽ diễn tả tình trạng tê dại trong lòng ông Abraham. Không nói nhưng ông vẫn hành động một cách dứt khoát, cho thấy lòng tin của ông không suy siểng chút nào. Ông không thể biết được Isaac có được cứu hay không, hoặc có nên cứu hay không. Ông chỉ biết một điều, Chúa đã nói thì Chúa giữ lời. Cách nào? Tùy ý Chúa. Câu chuyện tiếp tục với một kết thúc tốt đẹp khiến người đọc tự nhủ: mình phải bắt chước ông Abraham trong mọi hoàn cảnh, dầu có phải bước đi trong tăm tối, dầu có phải trăn trở trong đau khổ để nhận biết thánh ý Chúa. Phải luôn luôn bước đi trong tin yêu và sự vâng phục nhất là trong những lúc khó khăn, khi đường lối của Chúa vượt quá tầm hiểu biết của loài người.

Khải Huyền (revelation, apocaliptic)

Thánh Gioan bắt đầu sách Khải huyền bằng câu: “Mặc khải của Đức Giêsu Kitô…” Mặc khải (revelation) hay khải huyền (apocalypse) là một thể văn dùng những những biểu tượng, thị kiến và nói chuyện tương lai, nhưng mục đích lại là hiện tại. Người thời đó đọc thì hiểu ngay tác giả muốn nói gì. Nhưng đối với chúng ta sống ở thế kỷ 21 và trong một nền văn hóa khác, chúng ta không quen với lối văn khải huyền, nên tưởng rằng tác giả có ý nói những điều mà thực ra không phải là ý của tác giả. Người không hiểu thể văn khải huyền thường cho rằng tác giả muốn diễn tả những gì sẽ xảy ra trong ngày tận thế. Họ trích dẫn nhiều đoạn văn để gây sự sợ hãi và thất vọng nơi những người yếu tin.

Trong Kinh Thánh, hai quyển sách Khải huyền trong Tân Ước và sách Đa-ni-ên trong Cựu Ước và một số đoạn trong các sách Tin Mừng và một số sách khác dùng thể văn này. Những sách này được viết ra trong thời các tín hữu bị bách hại. Mục đích của tác giả là củng cố niềm tin cho các tín hữu: “Đừng sợ, vì Thiên Chúa, Đấng làm chủ lịch sử, vẫn hoàn toàn làm chủ ngay trong hoàn cảnh hiện tại. Cuộc bách hại sẽ chấm dứt và người lành sẽ chiến thắng.”

 

 

Linh mục Phanxicô Xavie Bùi ngọc Tỷ

Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang

St. Joseph The Worker Church, Winnetka

Mùa Chay 2007



[1] Tuy là tác giả, nhưng Chúa không trực tiếp viết ra Thánh Kinh. Ngài dùng các tác giả loài người để soạn thảo Thánh Kinh. Có thuyết cho rằng Thiên Chúa đọc cho tác giả viết (divine dictation). Thuyết này không có nền tảng. Công đồng dạy chúng ta: “Thiên Chúa đã chọn người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ viết những điều đó thôi.” (DV 11)