TIỀN EURO

Vào đầu năm 1999 tại Tây Âu đã xảy ra một biến cố kinh tế quan trọng: việc hợp nhất tiền tệ của các nước thành viên của Cộng Ðồng Kinh Tế Âu Châu (European Economic Community - Communauté Economique Européenne). Dự tính này đã bắt đầu trong thập niên 80 dưới sự thúc đẩy của Ðức và Pháp. Kể từ ngày 01.01.1999, 11 nước thành viên (Ðức, Pháp, Ý, Hà Lan, Phần Lan, Áo, Bỉ, Luxembourg, Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha) đã cùng chấp nhận một đồng tiền chung gọi là euro, tổ chức có danh hiệu chính thức là Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu (European Monetary Union - Union Monétaire Européenne). Chúng ta cũng nên biết Cộng Ðồng Kinh Tế Âu Châu hiện nay gồm 15 nước thành viên: Anh và Ðan Mạch chưa muốn nhập vào Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu, còn Thụy Ðiển và Hy Lạp chưa đủ tiêu chuẩn tài chánh để vào.

Cuối năm 1998, chính phủ của các nước thành viên đã phối hợp với Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu (European Central Bank - Banque Centrale Européenne, vai trò tương đương với Federal Reserve System của Mỹ) để quyết định giá trị vĩnh viễn tiền của mỗi nước trong tương quan với tiền euro. Tương quan này dựa trên tương quan trên thị trường cuối năm 1998 giữa tiền của các nước thành viên và đồng écu (european currency unit). Tiền écu là tiền tổng hợp các tiền của những nước thành viên của Cộng Ðồng Kinh Tế Âu Châu, xác định theo sự quan trọng kinh tế của mỗi nước; tiền écu chỉ được xử dụng bởi các cơ quan chính phủ và các ngân hàng, lãnh vực rất giới hạn. Ðồng écu hết được xử dụng kể từ ngày 01.01.1999, một écu đổi thành một euro. Nói cách khác, tiền euro thay tiền écu, nhưng lãnh vực được xử dụng rộng lớn hơn, bao gồm mọi hoạt động kinh tế của các nước thành viên. Nó giữ vai trò như đồng tiền của một nước, nhưng có giá trị chính thức trong 11 nước thành viên kể trên. Giá trị vĩnh viễn tiền mỗi nước so với tiền euro đã được công bố sau trưa ngày 31.12.1998:

1 EUR = 13.7603 ATS (tiền Áo)
1 EUR = 40.3399 BEF (tiền Bỉ)
1 EUR = 1.95583 DEM (tiền Ðức)
1 EUR = 166.386 ESP (tiềnTây Ban Nha)
1 EUR = 5.94573 FIM (tiền Phần Lan)
1 EUR = 6.55957 FRF (tiền Pháp)
1 EUR = 0.787564 IEP (tiền Ái Nhĩ Lan)
1 EUR = 1936.27 ITL (tiền Ý)
1 EUR = 40.3399 LUF (tiền Luxembourg)
1 EUR = 2.20371 NLG (tiền Hà Lan)
1 EUR = 200.482 PTE (tiền Bồ Ðào Nha)

Giá trị này không phải là giá thị trường ngày 31.12.1998, nhưng là giá trị trung bình trong thời gian cuối năm 1998. Chúng ta cũng nên biết ngày 04.01.1999, trên thị trường tài chánh 1 EUR trị giá quãng 1.179 USD (dollar Mỹ), 133.68 JPY (yen Nhật), 0.713 GBP (pound Anh).

Một thời gian chuyển tiếp 3 năm đã được ấn định ( 01.01.1999 - 01.01.2002 ) nhằm mục đích cho công dân mỗi nước quen với tiền euro và các ngân hàng, xí nghiệp có thời giờ để thích nghi, đặc biệt những áp dụng điện toán liên quan tới tiền tệ như lãnh vực quản trị tài chánh, kế toán ... Trong thực tế, giai đoạn này sẽ diễn biến như sau: kể từ ngày 01.01.1999, euro thay thế tiền của các nước thành viên trên các thị trường tài chánh (foreign exchange market, securities market, futures market... - marché des changes, marché des titres, marché à terme...), euro cũng có thể được xử dụng qua các phương tiện như carte, chèque, chuyển tiền ngân hàng (bank money- monnaie scripturale); việc xử dụng này không có tính cách bắt buộc. Tiền giấy và tiền kim khí (fiduciary currency - monnaie fiduciaire) của mỗi nước vẫn tiếp tục được xử dụng. Kể từ ngày 01.01.2002, tiền euro (bank money - monnaie scripturale) sẽ thay thế tiền của mỗi nước, tiền euro bằng giấy và kim khí sẽ được phát hành xử dụng song song với tiền của mỗi quốc gia. Người dân mỗi nước phải đổi tiền giấy và tiền cắc quốc gia sang tiền euro trong thời gian này tại các ngân hàng. Từ ngày 01.07.2002, việc đổi tiền vẫn có thể được, nhưng phải tới đổi trực tiếp tại Ngân Hàng Trung Tâm mỗi nước; đồng tiền duy nhất của 11 nước thành viên sẽ là đồng euro dù trả bằng bất cứ phương tiện nào. Cũng nên nhấn mạnh là việc đổi tiền không có giới hạn về số lượng, có từng nào đổi từng đó, nhưng nếu đổi nhiều tiền giấy sẽ gây chú ý cho nhà thuế hay cảnh sát để tìm ra nguyên nhân tại sao nhiều tiền mặt (buôn lậu, trốn thuế...). Mặt khác, dân chúng Âu Tây trả tiền những tiêu xài phần lớn bằng cartes bancaires, chèques; tiền mặt chỉ để thanh toán những chi tiêu ít quan trọng.

Một thí dụ cụ thể: đồng tiền hiện nay của Pháp là franc, 1 EUR=6.55957 FRF. Kể từ ngày 01.01.1999, khi gia đình tôi đi chợ, những đồ bán vẫn đề giá bằng tiền franc và càng ngày càng có giá bằng euro. Tôi vẫn trả hàng mua bằng tiền franc, nhưng tôi cũng có thể trả hàng mua bằng tiền euro nếu tôi trả bằng carte hay chèque. Kể từ ngày 01.01.2002, nếu tôi trả hàng bằng carte hay chèque, tôi phải trả bằng tiền euro, đồng thời tôi có tiền giấy và tiền cắc vừa bằng tiền franc vừa bằng tiền euro để xài. Sau ngày 01.07.2002, tôi phải trả hàng mua bằng tiền euro dù bằng phương tiện nào, tiền franc không còn giá trị nữa. Giả sử tôi muốn mua dollar Mỹ bây giờ, trên thị trường chỉ có giá euro-dollar, ngân hàng sẽ đưa cho tôi tiền dollar và tôi sẽ trả hoặc franc hoặc euro tuỳ theo phương tiện xử dụng. Ngược lại, khách du lịch từ Mỹ qua Pháp chơi sẽ đổi tiền mặt dollar lấy tiền franc trong thời gian chuyển tiếp, và sau ngày 01.01.2002 sẽ đổi lấy tiền euro. Trên thực tế bên Pháp trong năm 1999, giá cả hàng hoá đều có giá bằng franc và bằng euro, nhưng rất ít ai xử dụng carte hay chèque bằng euro; trái lại các xí nghiệp xử dụng tiền euro ngày càng nhiều hơn.

Tại sao đồng euro được 11 nước Tây Âu chấp nhận thay tiền nước mình? Những lý do chính có thể được góm tắt trong hai khía cạnh đối nội và đối ngoại của Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu:

Khía cạnh đối nội liên quan trực tiếp đến Thị Trường Kinh Tế Âu Châu: từ những thập niên 50 và 60, các chính phủ của các nước Tây Âu đã có những chính sách đoàn kết nhằm tạo nên một thị trường kinh tế chung. Thị trường này có tên chính thức là Cộng Ðồng Kinh Tế Âu Châu. Những thủ tục kiểm soát ở biên giới cũng như những thuế má đóng trên hàng hoá xuất nhập cảng, hoặc những kiểm soát về đầu tư tài chánh đã được dần dần xoá bỏ. Ðiều này làm sự trao đổi kinh tế giữa các nước thành viên gia tăng rất nhiều, các xí nghiệp sản xuất không phải chỉ nhắm thị trường một nước mà nhắm cả Thị Trường Kinh Tế Âu Châu. Vấn đề tiền tệ phức tạp giữa các nước thành viên là một trở ngại giới hạn sự trao đổi kinh tế này. Việc chấp nhận đồng euro là một nỗ lực của các nước thành viên nhằm tạo nên một thị trường mà trong đó các xí nghiệp không còn phải lo ngại về vấn đề lên xuống của tiền tệ. Thí dụ một xí nghiệp Pháp sản xuất xe hơi, một phần nguyên liệu chế xe phải mua của các hãng Ý và Tây Ban Nha; xe hơi sản xuất ra một phần sẽ bán bên Ðức và Bỉ . Giá trị tiền franc lên xuống so với tiền Ý, Tây Ban Nha, Ðức và Bỉ theo thị trường. Xí nghiệp khó có thể nhìn trước số lời lãi nếu vần đề tiền tệ không nhất định. Những chuyển động đầu tư tài chánh dễ dàng giúp việc đầu tư của các xí nghiệp phát triển. Với đồng euro, giá cả thị trường của hàng hoá trở thành rõ ràng hơn giữa các nước thành viên, nó làm nổi bật những chênh lệch về giá cả hàng hoá, tài chánh và nhân lực của từng nước hay từng vùng, sự cạnh tranh dễ dàng giữa các xí nghiệp làm giảm bớt từ từ những chênh lệch này. Nói tóm lại, tiền euro là một bước tiến quan trọng hợp lý trong nỗ lực tạo nên một thị trường kinh tế rộng lớn không trở ngại biên giới quốc gia. Ðối với người dân đồng euro giúp việc di chuyển dễ dàng giữa các nước thành viên mà không cần phải lo đến việc đổi tiền. Một đồng euro ở Pháp sẽ được chấp nhận trong 10 nước thành viên trung quanh. Nếu euro sẽ được thế giới tin tưởng như dollar Mỹ thì việc đi du lịch trên thế giới sẽ tiện lợi hơn. Một tờ báo Pháp đăng một câu chuyện cười phản ảnh tình trạng tiền tệ trước ngày 01.01.1999 như sau: một người Pháp đi một vòng du lịch trong 15 nước của Cộng Ðồng Kinh Tế Âu Châu, trong túi anh có 1.000 francs, đi tới đâu anh cũng có người nhà đón tiếp chẳng phải trả đồng nào, nhưng đi đến nước nào anh cũng đổi ra tiền nước đó. Lúc trở về Pháp, tuy chẳng tiêu gì, trong túi anh chỉ còn lại 600 francs.

Khía cạnh đối ngoại liên quan tới sự phát triển nhanh chóng của việc giao dịch thương mại, tài chánh giữa các nước trên thế giới và giá trị của đồng tiền quốc gia so với các tiền thường được xử dụng trên thị trường quốc tế như dollar Mỹ hay yen Nhật. Sự trao đổi thương mại quốc tế phát triển một cách thật mạnh mẽ vào cuối bán thế kỷ 20. Những tiến bộ kỹ thuật về hệ thống chuyên chở, thông tin và sự hợp tác của các quốc gia nhằm quy định những luật lệ chung về buôn bán giữa các nước là những động cơ thúc đẩy sự phát triển này. Một nền kinh tế quốc gia cởi mở mang đến cho nước nhiều lợi ích hơn là thiệt hại. Thị trường quốc tế giúp sản xuất của nước gia tăng và những nguồn đầu tư của các xí nghiệp ngoại quốc mang đến cho nước những tiến bộ kỹ thuật, những nguồn tài chánh dễ dàng khó có trong nước. Ðó là một yếu tố quan trọng giải thích mức độ phát triển nhanh chóng của các nước Ðông Nam Á Châu hiện nay. Nhưng mặt khác, những trao đổi thương mại, tài chánh thế giới dựa trên một hệ thống tiền tệ quốc tế không nhất định kể từ năm 1971 khi chính phủ Mỹ quyết định huỷ bỏ tương quan trực tiếp (convertibility - convertibilité) giữa tiền dollar và vàng, với vai trò quan trọng gần như độc nhất của tiền dollar Mỹ. Giá trị tiền của một nước lên xuống so với dollar Mỹ tuỳ theo thị trường tài chánh hằng ngày. Sự lên xuống đột ngột của tiền tệ có thể gây ra những hậu quả trầm trọng cho các xí nghiệp trong nước. Chúng ta cũng nên nhớ là cuộc khủng hoảng kinh tế của các nước Ðông Á Châu đã bắt đầu giữa năm 1997 với sự xuống giá đột ngột của tiền baht Thái-Lan. Với tiền euro, các nước thành viên hy vọng rằng những giao dịch thương mại với các nước khác sẽ được thanh toán một phần bằng tiền này thay vì bằng dollar Mỹ hay yen Nhật. Trong tương lai, nếu đồng euro tỏ ra vững chắc thì nó có thể trở thành một nguồn dự trữ lớn trong các Ngân Hàng Quốc Gia của các nước trên thế giới. Sách báo kinh tế có bàn đến viễn tượng một hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên ba đồng tiền chính (hard currencies - monnaies fortes) là USD, EUR và JPY. Mỗi đồng tiền chính này tượng trưng cho một vùng kinh tế có mức độ phát triển cao. Mặc dù thế, tiền euro cũng bị lên xuống so với các tiền khác tuỳ theo nhu cầu của thị trường. Trên nguyên tắc, giá trị đồng tiền của một nước phản ảnh tương quan giữa khối tiền xử dụng và giá trị của hoạt động kinh tế trong nước (sản xuất kỹ nghệ, nông nghiệp, thương mại, services...). Trên thực tế, nhiều yếu tố khác làm thay đổi giá trị của đồng tiền: những chuyển động tiền tệ đầu tư quốc tế quá nhanh trên thị trường tài chánh, phản ứng tâm lý thái quá trước một biến cố chính trị, kinh tế hoặc xã hội có ảnh hưởng ít nhiều đến tiền tệ, sức mạnh của thị trường tài chánh quốc tế mà trong đó rất nhiều buôn bán tiền tệ không có liên quan trực tiếp đến việc trao đổi sản phẩm thực sự, nó chỉ có tính chất'đánh cá'sự lên xuống của tiền tệ để sinh lời lãi... Việc xử dụng rộng rãi tiền euro bởi các nước thành viên và bởi các nước khác giúp các xí nghiệp của các nước thành viên đỡ bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống của tiền tệ. Mặt khác đồng euro của 11 nước vững vàng hơn là từng đồng tiền của mỗi nước thành viên. Sự vững vàng của đồng euro sẽ tạo môi trường thuận tiện cho một hoạt động kinh tế vững.

Tuy nhiên khi một nước từ bỏ đồng tiền của mình, một số dân chúng cảm thấy như một phần văn hoá của mình bị mất, những chính sách của chính phủ về kinh tế và xã hội không còn được tự do, mà phải theo đường lối chung của Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu, với những hậu quả như sự cạnh tranh sẽ mãnh liệt hơn, các xí nghiệp quốc gia có thể rời bỏ nơi sản xuất mắc mỏ và thiết lập ở những nước rẻ hơn, viễn tượng thất nghiệp làm một phần dân chúng lo ngại. Nói chung nguyên tắc độc lập quốc gia bị đụng tới, các đảng phái chính trị không đồng ý kiến với nhau. Các cuộc chưng cầu dân ý ở từng nước về vấn đề có chấp nhận euro hay không cho thấy kết quả tích cực chỉ hơn 50% không nhiều. Mặc dù những vấn đề trên, những lợi điểm của euro về mặt kinh tế và có thể về mặt chính trị lâu dài đã thúc đẩy các nước thành viên trên con đuờng hợp nhất tiền tệ.

Liệu đồng euro có thoả mãn những mong đợi của người dân các nước thành viên hay không? Euro có được thị trường thế giới tin tưởng như dollar Mỹ hay yen Nhật hay không? Việc chấp nhận đồng euro đã được chuẩn bị bởi Cộng Ðồng Kinh Tế Âu Châu từ nhiều năm trước. Những tiêu chuẩn phải có (critères de convergence des économies) để một nước có thể được chấp nhận vào Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu đã được các chính phủ xác định từ năm 1996. Những tiêu chuẩn này có tính cách tài chánh và được coi là những tiêu chuẩn cần thiết bảo đảm một nền kinh tế vững vàng: nạn lạm phát thấp, đồng tiền quốc gia vững, chỉ số phân lãi trên thị trường tài chánh giống nhau, mức độ nợ nần chi tiêu hằng năm của các chính phủ (budget deficit - déficit budgétaire) và những nợ nần lâu dài của nước (national debt - dette publique) ở một trình độ thấp. Một khi được chọn vào vùng tiền euro, chính phủ mỗi nước thành viên đã cùng ký kết hiệp định kinh tế gọi là 'Hiệp định về sự vững vàng và phát triển kinh tế'(pact of stability and growth - pacte de stabilité et de croissance) nhằm mục đích giữ vững những tiêu chuẩn tài chánh trên, do đó bảo đảm cho giá trị của tiền euro. Trong tình trạng hiện nay, những tiêu chuẩn này cho thấy nền kinh tế của các nước thành viên rất gần giống nhau; những nước Nam Âu Châu như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha đã thực hiện rất nhiều cố gắng để thoả mãn những tiêu chuẩn trên, mặc dù sức mạnh kinh tế còn thua những nước Bắc Âu. Quá trình chuẩn bị tiền euro thật kỹ lưỡng đã ít gây lo ngại, chỉ trích trong giới kinh tế, tài chánh Âu Châu khi tiền euro ra đời. Ðó là dấu chỉ sự tin tưởng vào giá trị của tiền euro. Khó khăn chính trong tương lai sẽ là liệu các nước thành viên có đủ khả năng điều hành đất nước và tôn trọng hiệp định này không, nhất là trong thời kỳ khó khăn kinh tế? Giá trị của đồng tiền tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố như đã đề cập ở trên, một đồng tiền không vững khó có thể gây tin tưởng trên các thị trường. Sự vững vàng của đồng euro tuỳ thuộc vào ít nhất ba yếu tố sau: một mặt là những chính sách của Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu nhằm kiểm soát khối tiền xử dụng để tránh nạn lạm phát và tạo môi trường thuận tiện cho hoạt động kinh tế, mặt thứ hai là những chính sách về kinh tế, xã hội của các chính phủ của các nước thành viên không vượt ra khỏi những tiêu chuẩn chung đã ký kết của Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu và mặt thứ ba là sức mạnh kinh tế của các nước thành viên. Trên thực tế từ ngày 01.01.1999, euro xuống giá từ 1.179 USD tới dưới 1 USD từ tháng giêng năm 2000 và quãng 0.97 USD hiện nay. Các báo chí bình dân chỉ trích rất nhiều sự im lặng của Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu và tự hỏi đồng euro có phải là một tiến bộ quan trọng như đã loan báo hay không. Các báo chí kinh tế có phản ứng tích cực hơn, giải thích lý do sự mất giá này bởi mức độ phát triển kinh tế mạnh mẽ và liên tục của Mỹ từ chín năm nay, với một tỷ số lạm phát thấp, thị trường cổ phần giá ngày càng lên cao, tỷ lệ phân lãi của Federal Reserve cao hơn tỷ lệ phân lãi của Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu rất nhiều. Trong khi đó tình hình kinh tế các nước thành viên của Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu ít phát triển hơn, nền kinh tế Ðức gặp nhiều khó khăn, mặc dù chỉ số lạm phát rất thấp trong các nước thành viên. Những yếu tố này làm những chuyển động đầu tư thế giới hướng về thị trường Mỹ hơn là Âu Châu. Ðây là cơ hội để ban lãnh đạo của Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu chứng tỏ sự hợp lý của chính sách tiền tệ (giữ tỉ số phân lãi hay tăng lên) để tránh sự mất giá thái quá của euro so với dollar, một tình trạng không phản ảnh trung thực hoạt động kinh tế thực sự. Trái lại, ít có ai đặt câu hỏi giả sử nếu không có đồng euro thì tình trạng kinh tế các nước Âu Mỹ hiện nay sẽ ảnh hưởng thế nào đến tiền của các nước thành viên của Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu? Chắc chắn ảnh hưởng sẽ lớn mạnh hơn tuỳ theo đồng tiền của mỗi nước: tiền Ðức sẽ mất giá ít, trong khi tiền các nước như Pháp, Ý, Tây Ban Nha... sẽ bị xuống giá nhiều hơn và do đó gây nhiều trở ngại kinh tế hơn.

Việc hợp nhất tiền tệ này là một giai đoạn quan trọng, nằm trong cả một quá trình lâu dài bắt đầu sau Ðệ Nhị Thế Chiến nhằm tạo nên một vùng Âu Châu hợp nhất về kinh tế, xã hội và chính trị sau những kinh nghiệm đau đớn của hai cuộc thế chiến 1914-1918 và 1939-1945. Ðường lối này nếu thành công có lẽ sẽ được bắt chước ở một số vùng trên thế giới, chẳng hạn như vùng Ðông Nam Á trong viễn tượng lâu dài. Dự tính của các nước trong hội ASEAN nhằm tạo nên một thị trường thương mại chung kể từ năm 2015 không thể có nếu kinh nghiệm của Cộng Ðồng Kinh Tế Âu Châu đã không mang lại những hậu quả tích cực cho các nước thành viên Tây Âu.

Sách viết về tiền euro có khá nhiều, phần lớn chuyên môn về hậu quả của tiền euro trên thị trường tài chánh theo nghĩa rộng, trên những vấn đề quản trị và kế toán, sự chuẩn bị của những ngân hàng, xí nghiêp. Nhưng nếu muốn hiểu biết về quá trình thành lập đồng euro, xin nên đọc cuốn'L'Euro' của ông Yves-Thibault de Silguy, nhà xuất bản 'Le livre de poche'; ông là membre de la Commission européenne, chargé des affaires Economiques, Monétaires et Financières (nguyên văn tiếng Pháp cho rõ ràng) cho nên rất tường tận về khía cạnh này.

Paris Ðông 2000
Nguyễn Văn Thành


Trở Về Mục Lục Xã Hội và Kinh Tế