Tiền Euro Bị Tẩy Chay ?
Nguyễn Văn Thành

Tỷ giá hối đoái (exchange rate - taux de change) giữa tiền euro và dollar Mỹ ở mức 0.90 chỉ kéo dài trong vài phút, cuối ngày hôm qua (03.05.2000) tỷ giá này được thị trường qui định là 0.8948 dollar tại New York, sau khi đã xuống giá đến 0.8890 dollar. Tin tức không vui mỗi ngày đều có. Hôm qua là tin nước Hy Lạp sẽ là thành viên của Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu (EMU) đã làm tiền euro mất giá thêm. Những chuyên viên buôn bán tiền tệ (foreign exchange traders - cambistes) sợ việc mở rộng Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu sẽ tạo nhiều nguy cơ chênh lệch phát triển kinh tế giữa các nước thành viên trong tương lai. Không có yếu tố tích cực nào trong lúc này có vẻ ngăn chận được sự xuống giá của tiền euro.

Trên phương diện kỹ thuật, không có viễn tượng nào đen tối hơn lúc này. Sau khi đã bị thua lỗ rất nhiều khi nghĩ rằng tiền euro sẽ lên giá trong năm nay, những xí nghiệp đầu tư tài chánh (ngân hàng, institutional investors, funds - investisseurs institutionnels, fonds d'investissement) không thể làm gì khác hơn là phải bán lỗ hết những tiền euro còn giữ đã mua ở giá cao. Thị trường tài chánh đi theo chiều hướng bán của các ngân hàng lớn anglo-saxon, nhất là những ngân hàng Hoa Kỳ, với những áp dụng điện toán tự động báo ngân hàng phải bán euro khi tỷ giá hối đoái xuống tới một mức đã được xác định trước (stop-loss).

Những dữ kiện kinh tế tổng quát (macroeconomic data - données macroéconomiques) của các nước thành viên của Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu tương đối tích cực, trong khi đó nạn lạm phát bên Hoa Kỳ rất có thể sẽ tăng lên ; mặc dù thế giá trị tiền euro dường như tách khỏi những dữ kiện kinh tế này. Vấn đề hiện tại của tiền euro và các tiền khác là sức mạnh của tiền dollar Mỹ.

Cuộc khủng hoảng của tiền euro hiện nay càng trầm trọng hơn bởi chính sách im lặng của Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu. Trong khi bên Hoa Kỳ, cuộc tranh luận hiện nay liên quan đến việc gia tăng tỷ số phân lãi sắp tới của Federal Reserve thì bên Âu Châu, sự im lặng của Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu chỉ làm mọi tiên đoán của thị trường tài chánh theo hướng đi xuống của tiền euro.

Trong các văn phòng buôn bán tiền tệ của các ngân hàng (trading room - salle des marchés), hai viễn tượng được nêu ra : một là khi những số tiền euro mua lỗ được bán đi, thị trường sẽ tìm lại được giá trị thực sự của tiền euro so với tiền dollar Mỹ và yen Nhật ; thứ hai là những ngân hàng trung tâm lớn (Mỹ, Nhật, Âu Châu) sẽ cùng mua tiền euro trên thị trường tài chánh và bán dollar, yen để ngăn chận khuynh hướng xuống giá hiện nay của đồng euro. Mỹ và Nhật có lợi ích gì để làm như thế không ? Vấn đề chỉ được đặt ra như thế, nhưng chưa có dấu chỉ gì cho thấy các chính phủ hoặc Ngân Hàng Trung Tâm bắt đầu thương lượng với nhau.

Christian Noyer, phó giám đốc Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu đã phát biểu ngày hôm qua trước Quốc Hội Âu Châu như sau : « chúng tôi muốn một đồng euro mạnh và sẽ làm những gì cần thiết để đạt mục đích này. Giá trị hiện nay của đồng euro không phản ảnh tình trạng kinh tế vùng euro ». Sự xuống giá hiện nay của đồng euro làm giá nhập cảng tăng lên và do đó tạo điều kiện cho nguy cơ lạm phát. Ðiều này bắt buộc Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu phải tăng tỷ số phân lãi để nạn lạm phát không gia tăng.

Ðồng euro yếu cũng có lợi điểm là làm xuất khẩu của nước gia tăng và do đó mức độ phát triển kinh tế gia tăng. Từ ngày 01.01.1999, euro đã mất giá quãng 24% so với dollar Mỹ và quãng 26% so với yen Nhật. Lấy thí dụ nước Pháp, theo thống kê Phòng Thương Mại và Kỹ Nghệ Paris, mức độ xuất khẩu của Pháp trong năm 1999 đã gia tăng rất nhiều, ở cùng mức độ trước cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1997. Hiện nay trong toàn số lượng xuất khẩâu Pháp, 70% được thanh toán bằng euro, 29% bằng dollar Mỹ ; trong toàn số lượng nhập khẩu, 66% được thanh toán bằng euro, 33% bằng dollar Mỹ. Mặc dù thế, mức độ lạm phát của Pháp và những nước thành viên khác của của Cộng Ðồng Tiền Tệ Âu Châu rất thấp, dưới 3%. Nhưng nếu euro cứ tiếp tục xuống giá nữa thì lợi điểm này có còn tồn tại được không ? Bộ trưởng kinh tế và tài chánh Pháp, ông Laurent Fabius, cho biết là trong lần họp G8 thứ tư vừa qua tại Washington, phần đông các đại biểu đều cho rằng tiền euro ở mức thấp (undervalue - sous-évaluer) đến 30% so với giá trị thật sự.

Dự đoán trong tương lai có lẽ sẽ như sau : đồng euro quá thấp sẽ làm tăng giá nhập cảng và gây nguy cơ lạm phát, nếu giá cả trong vùng euro tăng lên thì Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu sẽ thực hiện chính sách tiền tệ khắt khe hơn. Hậu quả có thể thấy trước là tiền lãi của vốn đầu tư sẽ gia tăng, các xí nghiệp phải chịu phân lãi nặng hơn và do đó ít đầu tư hơn nếu không đủ lãi nhiều, người dân ít tiêu xài vì vay nợ mắc, sự phát triển kinh tế do đó bị giảm sút. Nhưng đồng euro sẽ trở lại mức độ hợp lý hơn.

(Phỏng dịch theo báo Les Echos thứ năm ngày 04.05.2000.
Les Echos là nhật báo kinh tế tài chánh lớn nhất của Pháp)

Bài báo trên cho thấy hai cái nhìn rất khác nhau về sự xuống giá hiện nay của tiền euro. Một mặt, những chuyên viên buôn bán tiền tệ trong các văn phòng buôn bán của các ngân hàng tỏ ra rất bi quan và không có gì tích cực có thể trấn an họ nếu không phải là khuynh hướng xuống giá của tiền euro. Mặt khác, các chính phủ của các nước thành viên và Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu (chúng ta nên biết là Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu là một cơ quan độc lập đối với các chính phủ của các nước thành viên) muốn bảo vệ khía cạnh nội địa của vùng euro. Với mức phát triển kinh tế đang tiến lên, nạn thất nghiệp giảm xuống, giá cả không tăng lên, Ngân Hàng Trung Tâm Âu Châu không có lý do gì để can thiệp vào giá tiền euro so với các ngoại tệ khác để tránh ảnh hưởng tiêu cực cho tình trạng kinh tế nội bộ.

Những buôn bán tiền tệ của các ngân hàng phần lớn là theo nhu cầu của các xí nghiệp tài chánh (institutional investors, mutual funds, pension funds, hedge funds - investisseurs institutionnels, fonds d'investissement, fonds de retraite, fonds spéculatifs) và các xí nghiệp kỹ nghệ, thương mại và services liên quan đến xuất nhập cảng ; nếu bị lỗ lãi, ngân hàng không bị ảnh hưởng tới. Trái lại, những buôn bán tiền tệ riêng cho ngân hàng (trading, arbitrage) tuỳ thuộc vào mức độ giới hạn bị lỗ và sự kiểm soát chặt chẽ của mỗi ngân hàng, nếu không có thể thua lỗ đến sập tiệm. Ðể đối đầu với nguy cơ lên xuống của ngoại tệ (exchange risk - risque de change), các ngân hàng và thị trường tài chánh có những kỹ thuật giúp các xí nghiệp xử dụng ngoại tệ nhiều tránh những lỗ lãi liên quan đến sự mất giá của tiền euro.

· Mua bán tiền tệ trước (foward exchange - change à terme).

Kể từ đầu thập niên 70, khi hệ thống tiền tệ quốc tế không còn nhất định, các xí nghiệp xuất nhập cảng không biết trước số tiền quốc gia mình sẽ nhận hoặc trả sẽ là bao nhiêu nếu không thanh toán ngay. Sự lên xuống của tiền quốc gia so với các tiền mạnh như dollar, euro, yen ảnh hưởng đến số lời lãi của xí nghiệp. Chẳng hạn xí nghiệp A của Pháp sản xuất và bán hàng bên Hoa Kỳ, giá hàng sản xuất mất 1.000.000 eur, hàng bán cho xí nghiệp Mỹ trị giá 1.045.000 usd, sẽ được thanh toán trong vòng ba tháng. Lúc giao kèo được ký kết, tỷ giá hối đoái là 1 eur = 0.95 usd. Số lời của hãng là :

(1.045.000/0.95) - 1.000.000 = 100.000 eur

Ba tháng sau, khi nhận tiền, nếu tỷ giá hối đoái là 1 eur = 0.90 usd, số lời sẽ là :
(1.045.000/0.90) - 1.000.000 = 161.111 eur

nếu tỷ giá hối đoái là 1 eur = 0.98 usd, số lời sẽ là :
(1.045.000/0.98) - 1.000.000 = 66.326 eur

Mục đích chính của một xí nghiệp kỹ nghệ, thương mại hay services là sản xuất và sinh lời trên khả năng sản xuất của hãng thì mới có thể tồn tại lâu dài. Nếu xí nghiệp ham lời bằng cách đánh cá trên tỷ giá hối đoái trong tương lai thì có thể sẽ lời nhiều hơn, nhưng cũng có thể sẽ lỗ nhiều, rất nguy hiểm. Chính vì thế các ngân hàng đã nghĩ ra cách giúp các xí nghiệp tránh được nguy cơ lên xuống ngoại tệ bằng cách đề nghị một giá hối đoái ngay trong hiện tại, nhưng sẽ thanh toán trong tương lai quy định trước. Thí dụ xí nghiệp B nhập cảng hàng mua từ Nam Hàn mất 1.045.000 usd sẽ thanh toán trong vòng ba tháng tới. Sợ rằng tiền euro sẽ mất giá hơn, hãng B muốn biết ngay từ bây giờ số tiền euro sẽ phải trả, ngân hàng sẽ tính toán và đề nghị bán 1.045.000 usd theo một tỷ giá hối đoái xác định ngay từ bây giờ. Nếu xí nghiệp đồng ý thì dù giá hối đoái có thay đổi thế nào đi nữa, hãng sẽ mua tiền dollar của ngân hàng như giá đã qui định. Giá này được ngân hàng xác định theo tỷ lệ phân lãi của dollar và euro trên thị trường phân lãi ngân hàng. Những phương thức tính toán trở thành phức tạp tuỳ theo thời gian quy định. Cách đơn giản nhất là dưới một năm và cũng là những buôn bán thông thường nhất trong các ngân hàng. Thí dụ đơn giản hoá như sau :

tỷ lệ phân lãi tiền USD 3 tháng trên thị trường phân lãi ngân hàng là 6% một năm, tỷ lệ phân lãi tiền EUR 3 tháng trên thị trường phân lãi ngân hàng là 3.50% một năm, tỷ giá hối đoái trên thị trường tài chánh lúc này (spot - comptant) là 1 eur = 0.95 usd. Chuyên viên buôn bán tiền tệ sẽ tính toán như sau : số tiền dollar X cần thiết bây giờ để có thể bán cho hãng B trong cuối tháng thứ ba tới là :

X + X (6%*90/360) = 1.045.000 usd
X = 1.029.557 usd

Ðể có 1.029.557 usd và cho mượn với phân lãi 6% một năm trong vòng ba tháng, ngân hàng cần mượn trên thị trường :
1.029.557/0.95 = 1.083.744 eur

1.083.744 eur mượn với phân lời 3.50% một năm trong vòng ba tháng sẽ thành :
1.083.744*(1+(3.50%*90/360)) = 1.093.227 eur

Giá hối đoái ngân hàng có thể đề nghị cho xí nghiệp ngay bây giờ là :
1.045.000 / 1.093.227 = 0.95588

Dĩ nhiên trên thực tế, ngân hàng sẽ đề nghị một giá như 0.94588 để có tiền commission, bởi vì ngân hàng phải mượn tiền euro và cho mượn tiền dollar trong vòng ba tháng. Xí nghiệp biết ngay từ bây giờ số tiền euro (1.093.227) sẽ phải trả để có 1.045.000 usd, ngân hàng sẽ lãnh tiền commission và không sợ bị thua lỗ gì dù tỷ giá hối đoái trong ba tháng tới có ra sao đi nữa. Cách tính toán cũng tương tự, nhưng theo hướng ngược lại, nếu xí nghiệp B cần bán dollar sẽ nhận từ hàng xuất cảng. Ðây chỉ là thí dụ đơn giản, trên thực tế tỷ số phân lãi và hối đoái trên thị trường khác nhau theo cung cầu (bid - ask) và thay đổi rất lẹ. Thời gian trong tương lai càng xa thì tính toán càng trở thành phức tạp theo dữ kiện thực sự của thị trường, những áp dụng điện toán giúp những chuyên viên buôn bán tiền tệ xác định một cách chính xác và lẹ làng những giá cả này.

Thí dụ đơn giản trên đây cho thấy một điều quan trọng là tương quan giữa tỷ lệ phân lãi và tỷ giá hối đoái giữa dollar và euro. Không có tương quan này thì mọi chính sách của Ngân Hàng Trung Tâm trên tỷ số phân lãi sẽ không có hiệu quả gì hoặc có hiệu quả ngược lại trên tỷ giá hối đoái.

· Option tiền tệ (foreign exchange option - option de change)

Kỹ thuật này xuất hiện từ cuối thập niên 80 và rất phát triển trên các thị trường tài chánh ngân hàng hiện nay. Ðây là một khí cụ tài chánh quan trọng trong những khí cụ tài chánh được góm tắt trong danh từ « derivatives » của Anh ngữ và « produits dérivés » của Pháp ngữ. Nói một cánh đơn giản, đây là kỹ thuật như kỹ thuật bảo hiểm. Người mua một option trả ngay cho người bán một số tiền (option price - prime d'option) và được người bán bảo đảm sẽ bán hoặc mua ngoại tệ ở một giá, một số lượng và một thời gian nhất định trong tương lai.

Có hai loại options : mua và bán call option, mua và bán put option.

Người mua call option là người trả tiền prime và có thể mua ngoại tệ ở một giá, một số lượng và một thời gian nhất định trong tương lai. Trái lại, người bán call option nhận tiền prime và bảo đảm sẽ bán ngoại tệ ở một giá, một số lượng và một thời gian nhất định trong tương lai trong trường hợp người mua muốn mua .

Người mua put option là người trả tiền prime và có thể bán ngoại tệ ở một giá, một số lượng và một thời gian nhất định trong tương lai. Trái lại, người bán put option nhận tiền prime và bảo đảm sẽ mua ngoại tệ ở một giá, một số lượng và một thời gian nhất định trong tương lai trong trường hợp người mua muốn bán.

Những mua bán này được đề nghị bởi các ngân hàng và có tính cách riêng tư (over the counter - gré à gré). Sự xác định tiền prime và tỷ giá hối đoái dựa trên những tính toán phức tạp đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về toán học tài chánh, thống kê học, các thị trường tài chánh và phân lãi. Option có thể được nhìn theo hai khía cạnh. Nhìn theo khía cạnh « đánh cá » (speculation - spéculation), đặc điểm của option là nó tạo lời rất cao và nhanh (leverage - effet de levier) nhưng nguy hiểm rất nhiều (volatility - volatilité), trong tính toán có nhiều giả thiết chưa chắc sẽ đúng trong tương lai ; chỉ dành cho các ngân hàng và các xí nghiệp tài chánh chuyên môn chấp nhận lỗ lãi nhiều hoặc những triệu phú thích mạo hiểm. Ðó là trường hợp bán call hay put, có thể bị lỗ rất nhiều nếu tỷ giá hối đoái lên xuống nhiều. Nhìn theo khía cạnh bảo hiểm (hedging - couverture), option là một khí cụ mềm mại giúp các xí nghiệp có thể lợi dụng được chiều hướng lên xuống của ngoại tệ. Ðó là trường hợp mua call hay put, chỉ mất nhiều nhất là tiền prime đã trả và có quyền mua hay bán tuỳ ý mình. Một thí dụ cụ thể : xí nghiệp A sẽ phải trả trong vòng sáu tháng tới cho một hãng Mỹ 1.000.000 usd, ngân hàng đề nghị bán call option như sau :

prime

: 20.000 eur

giá hối đoái

: 1 eur / 0.97 usd

số lượng

: 1.000.000 usd

thời gian

: 6 tháng
Nếu hãng A sợ là tiền euro sẽ xuống giá so với dollar trong vòng sáu tháng tới thì họ sẽ mua call option ngân hàng đề nghị và trả 20.000 eur tiền prime. Giả sử vào cuối tháng thứ sáu tỷ giá hối đoái trên thị trường xuống đúng như hãng A đã tiên đoán 1 eur = 0.90 usd, hãng A sẽ mua của ngân hàng 1.000.000 usd và sẽ trả 1.030.927 eur (1.000.000/0.97), tổng cộng số tiền trả sẽ là 1.050.927 eur (1.030.927+20.000) ; nếu mua theo giá thị trường lúc đó, hãng A sẽ phải trả 1.111.111 eur (1.000.000/0.90). Nhưng nếu vào cuối tháng thứ sáu tỷ giá hối đoái trên thị trường lại là 1 eur = 1 usd, hãng A sẽ không mua của ngân hàng giá 1 eur / 0.97 usd theo như call option và mất 20.000 eur tiền prime đã trả ; đồng thời sẽ mua trên thị trường theo giá lúc đó là 1.000.000 usd và trả 1.000.000 eur ; tổng cộng số tiền euro trả là 1.020.000 eur.

· Futures tiền tệ (exchange futures - contrats à terme de changes)

Kỹ thuật này được chính thức đề giá trên các thị trường lớn như ở Chicago, London. Người mua không phải trả tiền prime, nhưng tất cả mua bán phải trả tiền đặt cọc (deposit) và lời lãi mỗi ngày đều phải thanh toán (margin call - appel de marge). Lợi điểm của kỹ thuật này là có tổ chức qui mô và rất dễ dàng ra vào thị trường (liquidity - liquidité). Cũng như option, kỹ thuật này phức tạp chỉ dành cho những chuyên viên tài chánh trong ngân hàng, các xí nghiệp đầu tư tài chánh kể trên hoặc những xí nghiệp lớn trên thế giới hay dùng nhiều ngoại tệ. Kỹ thuật này ít được dùng hơn là hai kỹ thuật mua bán tiền tệ trước và option.

Những kỹ thuật tài chánh hiện tại giúp các xí nghiệp đỡ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự lên xuống của ngoại tệ. Những mua bán tiền tệ có tính chất đánh cá, nhất là những công ty tài chánh như hedge funds lớn anglo-saxon (chữ hedge ở đây không có nghĩa là bảo hiểm như đề cập ở trên, nhưng có nghĩa speculation) có nhiều ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái trên thị trường; ngược lại nó làm cho việc buôn bán tiền tệ dễ dàng hơn. Có nên kiểm soát hơn những loại xí nghiệp đầu tư tài chánh này không ? Vấn đề vẫn chỉ còn ở trên bình diện tranh luận giữa hai khuynh hướng đối lập nhau : nguyên tắc thị trường tự do và nguyên tắc can thiệp kiểm soát quốc gia hay quốc tế.

Paris Xuân 2000


Trở Về Mục Lục Xã Hội và Kinh Tế