MỤC VỤ BỆNH NHÂN VÀ AN TÁNG

Lm Phêrô Trần Đình, Dalạt

 

 

Bài này gồm hai phần : mục vụ bệnh nhân và mục vụ an táng.

Trong mỗi phần, chúng ta sẽ trình bày :

 

 

PHẦN MỘT

MỤC VỤ BỆNH NHÂN

 

I. GIÁO THUYẾT HƯỚNG DẪN CỦA GIÁO HỘI

 

1. Bệnh tật trong đời sống con người

Bệnh tật và đau khổ là những thử thách nặng nề nhất trong cuộc sống con người.

 

Khi lâm bệnh, con người cảm nghiệm sự bất lực, giới hạn và hữu hạn của mình, khiến họ ý thức hơn về cái chết (GLCG, s.1500).

 

Bệnh tật có thể làm cho con người xao xuyến, yếm thế, đôi khi đưa tới tuyệt vọng và nổi loạn chống lại Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng có thể làm cho họ chín chắn hơn, nhận ra những điều phụ thuộc trong cuộc sống để biết quay về những điều chính yếu, hối thúc họ tìm kiếm và quay về với Thiên Chúa (s. 1501)

 

2. Bệnh tật trước nhan Thiên Chúa. Bệnh tật có thể trở thành con đường hoán cải và đau khổ cũng có giá trị chuộc tội  (x. Ys 53, 11) (s. 1502).

 

3. Bệnh tật và Đức Kitô

 

          a/ Đức Kitô cảm thương người bệnh tật và chữa lành nhiều kẻ yếu đau (x. Mt 7, 24), Người còn  có quyền tha  tội (x. Mc 2, 5-12). Người đến chữa lành con người cả hồn lẫn xác, Người là lương y mà bệnh nhân tìm đến (x. Mc 2, 17), Người muốn đồng hoá với họ : “Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom” (Mt 25, 36) (s. 1503)

 

          b/ Đức Kitô còn muốn nhận lấy những đau khổ của họ : “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (x. Mc 1, 41 ; 3, 10 ; 6, 56).

 

          c/ Trên thánh giá, Người “xoá tội trần gian” (Ga 1, 29) mà bệnh tật chỉ là một hậu quả.

 

d/ Ngoài ra, khi chịu nạn chịu chết trên thánh giá, Đức Kitô đã đem lại một ý nghĩa mới cho đau khổ : giúp chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người và liên kết chúng ta với cuộc khổ nạn cứu độ của Người (s. 1505).

       

4/ Sứ mạng của Giáo Hội

 

          a/ Khi theo Đức Giêsu, các môn đệ đã được tham dự vào sứ mạng cảm thương và chữa lành : “các ông đi rao giảng,  kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỉ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 12-13) (s. 1506).

 

          b/ Chúa Phục sinh đã lặp lại việc sai đi này : “Nhân danh Thầy, họ đặt tay trên những người bệnh hoạn yếu đau, thì những người này sẽ đước an lành mạnh khoẻ” (Mc 16. 17-18).

 

          c/ “Hãy chữa lành bệnh nhân” (Mt 10, 8). Giáo Hội lãnh nhận sứ mạng này nơi Chúa và cố gắng thực hiện qua việc chăm sóc bệnh nhân và cầu nguyện cho họ. Giáo Hội tin Đức Kitô, Vị lương y thể xác và tinh thần đang hiện diện và hoạt động đặc biệt trong các bí tích, nhất là bí tích thánh thể, bánh ban sự sống đời đời, và theo Thánh Phaolô, có liên hệ đến sức khoẻ thể xác (s. 1509).

 

          d/ Giáo Hội thời các tông đồ đã có nghi thức dành riêng cho các bệnh nhân : “Ai trong anh em đau yếu, hãy mời các kỳ mục của Giáo Hội đến và họ sẽ cầu nguyện cho người ấy sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu chữa người bệnh ; người ấy được Chúa nâng dậy và nếu đã phạm tội thì sẽ được Chúa thứ tha” (s. 1510).

 

Giáo Hội tin và tuyên xưng trong bảy bí tích có một bí tích để nâng đỡ người bệnh tật là bí tích xức dầu bệnh nhân.

       

Nhắc lại giáo thuyết của Giáo Hội là để chúng ta ý thức rằng Chúa Giêsu đã yêu thương bệnh nhân như thế nào, đồng thời biết rằng đây là một sứ mạng của Giáo Hội được Chúa trao phó.

 

II. MỤC VỤ BỆNH NHÂN

(x. Lm Giuse Vũ Đức, Mục Vụ cho Bệnh Nhân. Không ghi nơi và năm xuất bản. Email : joevu@webtv.net)

 

Như đã nói : “Bệnh tật và đau khổ là những thử thách nặng nề nhất trong cuộc sống con người” (GLCG, s. 1500), khi ấy con người mang nhiều tình cảm lẫn lộn. Chính vì vậy, mục vụ bệnh nhân là một sứ mạng cao quí của người mục tử chăm sóc đoàn chiên :  “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 18). “Kẻ nghèo hèn” đây chắc hẳn bao hàm cả những kẻ bị bệnh tật nữa.

 

1. Tình cảm của bệnh nhân lúc hấp hối : băn khoăn, lo lắng, sợ hãi, buồn tủi, thắc mắc lo âu. Vì thế, họ cần được trợ lực, khích lệ về mặt tinh thần.

Thừa tác viên thi hành mục vụ bệnh nhân có nhiệm vụ đặc biệt là :

·      chuẩn bị cho bệnh nhân đón nhận bí tích hoà giải ;

·      ban ơn đại xá ;

·      trao ban thánh thể khi có điều kiện ;

·      đặc biệt giúp bệnh nhân đón nhận bí tích xức dầu ;

·      ngoài ra, mục vụ bệnh nhân còn bằng cầu nguyện, đọc sách thánh cách đơn sơ ngắn gọn giúp họ hiểu thêm về mầu nhiệm của đau khổ cũng như giá trị của đau khổ.

 

2. Những dấu hiệu của bệnh nhân sắp chết 

 

          a/ Ít khi chúng ta nghe người hấp hối nói hay báo cho người thân việc ra đi của họ, nhưng họ lại đề cập đến việc thăm viếng của người quá cố, giấc mơ về người thân đã chết nhiều năm trước. Những dấu này như báo cho gia đình là họ đang hấp hối.

 

Callanan và Lelly, tác giả cuốn “Tặng vật cuối cùng” – được tác giả Vũ Đức trích dẫn - chứng minh rằng người chết tự chọn giờ chết cho họ. Không ai giải thích được tại sao và cũng chẳng ai đủ sức giữ họ lại, nhất là những bệnh nhân “chết bằng an”. Nhiều trường hợp bệnh nhân chờ cho thân nhân tụ họp đông đủ, chia sẻ những kỷ niệm của ngày sinh nhật, ngày cưới…rồi khi người thân bước ra khỏi phòng thì cũng lúc ấy bệnh nhân ra đi vĩnh viễn.

 

          b/ Những dấu hiệu của thần chết đã đến gần :

ù trước hết là biếng ăn. Khi bệnh nhân từ chối thì đừng ép, vì ăn vào sẽ sinh biến chứng.

 

Trong giai đoạn cuối đời, bệnh nhân trở về nội tâm hơn là chú ý đến những gì bên ngoài. Lúc này cần cầu nguyện cho bệnh nhân và nói lời an ủi, xin lỗi và từ giã. Hãy làm, vì đây là cơ hội cuối cùng. Cũng cần nói những lời khích lệ giúp bệnh nhân kiên cường tới giờ chót.

 

Khi người thân ở giai đoạn cuối cuộc đời, cần sự hiện diện của ta, không phải để cứu sống (mà thực ra ta chẳng làm được), nhưng để nâng đỡ  và đưa tiễn họ vào thế giới bên kia cách bình an.

 

Tóm lại : khi giờ chết đến, ngoài những đổi thay nơi thân xác, bệnh nhân còn có những biến động nơi tinh thần và tình cảm. Ta cần biết rõ điều này để giúp đỡ họ chết bằng an.

 

Bệnh nhân sắp chết thường ở trong tình trạng hôn mê, dầu vậy họ nghe và biết mọi diễn tiến chung quanh. Lúc này gia đình và thân nhân cũng thường cuống quít, nói năng um xùm. Điều cần chuẩn bị cho linh hồn lìa xác là sự thinh lặng. Họ cần được ra đi trong thanh thản, trong lời kinh, trong sự phó dâng, để được chết lành trong tay Chúa.

 

3. Lưu ý về xức dầu bệnh nhân. Khi ban các bí tích cuối cùng cho bệnh nhân, cần lưu ý một số điểm quan trọng sau đây :

(x. Lm Vinh Sơn Nguyễn thế Thủ, cẩm nang các nghi thức bí tích và á bí tích, Nxb Tp Hồ chí minh, tháng 01 năm 2003, tr. 75)

 

4. Lưu ý về Dầu Bệnh Nhân (O.I). Khi không có sẵn Dầu Bệnh Nhân đã được thánh hiến bởi Giám Mục, bất cứ Linh Mục nào khi cử hành bí tích xức dầu cũng có thể làm phép dầu trong chính nghi thức, số dầu còn lại do chính Linh Mục này làm phép, sẽ phải được đốt hết sau khi cử hành xong bí tích cho bệnh nhân (x. sđd. tr. 74)

 

PHẦN HAI

MỤC VỤ AN TÁNG

 

I. GIÁO THUYẾT HƯỚNG DẪN CỦA GIÁO HỘI

Tất cả các bí tích  đều hướng tới mục tiêu là cuộc Vượt Qua cuối cùng dẫn đưa con người vượt qua sự chết vào đời sống trong Nước Trời. Những điều người tín hữu tuyên xưng trong đức tin và hi vọng “tôi trông đợi ngày kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” lúc đó được hoàn tất trọn vẹn (GLCG, s. 1680).

 

Cuộc vượt qua cuối cùng của kitô hữu

 

1. Đối với kitô hữu, ý nghĩa sự chết được mặc khải trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, Đấng đem lại cho chúng ta niềm hi vọng duy nhất. Người kitô hữu được cùng chết với Đức Kitô, “lìa bỏ thân xác này để được ở bên Chúa” (s. 1681).

 

2. Chết là khởi đầu của cuộc tái sinh đã bắt đầu nơi bí tích thánh tẩy, là nên “giống” hoàn toàn với “hình ảnh Con Thiên Chúa” nhờ Thánh Thần xức dầu và nhờ tham dự bàn tiệc Nước Trời đã được tiền dự trong bí tích Thánh Thể, cho dù người đó còn cần thanh luyện trước khi được mặc áo tinh tuyền vào dự tiệc cưới Con Chiên. (s. 1682).

 

3. Như người mẹ hiền, Giáo Hội đã dùng các bí tích cưu mang người tín hữu suốt cuộc lữ hành trần thế, nay cũng đồng hành đến cuối đường để trao họ lại “trong tay Cha”. Trong Đức Kitô, Giáo Hội dâng lên Chúa Cha người con của ân sủng, và trong hi vọng gửi lại lòng đất hạt giống thân xác sẽ chỗi dậy vinh quang. Nghi thức phó dâng này được cử hành long trọng trong thánh lễ; kèm theo các á bí tích là những nghi thức làm phép trước và sau thánh lễ (s. 1683).

 

II. MỤC VỤ AN TÁNG

 

1. Cử hành lễ nghi an táng

Lễ an táng theo nghi thức kitô giáo là một cử hành phụng vụ của Hội Thánh. Chính vì vậy Hội Thánh muốn vừa diễn tả sự hiệp thông với người đã qua đời, vừa giúp cộng đoàn tham dự mầu nhiệm hiệp thông này và công bố niềm tin vào sự sống đời sau. (s. 1684).

Sách Lễ Nghi an táng của phụng vụ Rôma đề ra 3 mẫu cử hành, gồm 4 thì chính :

        a/ Đón tiếp. Khởi đầu nghi thức là một lời chào đầy lòng tin tưởng. Vị chủ sự đón tiếp thân nhân người quá cố bằng một lời an ủi. Cái chết của một thành viên trong cộng đoàn là một biến cố nhắc nhở các tín hữu phải vượt qua những cách nhìn của “thế gian này” và hướng đến những viễn ảnh chân thực trong đức tin vào Đức Kitô Phục Sinh. (s. 1687).

        b/ Phụng vụ Lời Chúa trong nghi lễ an táng được chuẩn bị chu đáo, vì cộng đoàn hiện diện có thể gồm các tín hữu ít tham dự phụng vụ, và cả những thân hữu của người quá cố không phải là kitô hữu. Đặc biệt, bài giảng “không được theo hình thức điếu văn”, và phải trình bày mầu nhiệm sự chết dưới ánh sáng Đức Kitô Phục Sinh. (s. 1688).

        c/ Phụng vụ Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của thực tại Vượt qua nơi cái chết của kitô hữu. Trong thánh lễ, Giáo Hội bày tỏ sự hiệp thông của mình với người quá cố : khi dâng lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, hi tế cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, Giáo Hội cầu xin Cha cho người con của mình được thanh luyện khỏi mọi tội lỗi, được tha mọi hình phạt, và được nhận vào bàn tiệc trong nước Chúa. Nhờ bí tích Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu, nhất là gia đình người quá cố, học sống hiệp thông với người “đã an nghỉ trong Chúa”, bằng cách rước Mình Thánh Chúa mà người đó đang là một chi thể sống động, để rồi cầu nguyện cho và cùng với người đó. (s. 1689).

        d/ Nghi thức từ biệt người quá cố lần cuối cùng là lời Giáo Hội “phó dâng người này cho Chúa”. Cộng đoàn kitô hữu chào từ biệt lần cuối cùng một chi thể của mình, trước khi xác người đó được mai táng. Truyền thống Byzantin diễn tả ý nghĩa này bằng cái hôn từ biệt người quá cố :

        “Bằng lời chào cuối cùng này, chúng ta hát tiễn người ra đi khỏi cuộc đời này và hát bài chia ly, cũng là bài hiệp thông và tái ngộ. Đúng vậy, cái chết không thể chia lìa chúng tôi, vì tất cả chúng tôi đang đi cùng một đường và sẽ gặp lại nhau ở cùng một nơi. Chúng tôi sẽ không bao giờ bị chia cách, vì đang sống cho Đức Kitô và giờ này đang được kết hiệp với Người, đang đi gặp Người … Tất cả chúng tôi sẽ đoàn tụ trong Đức Kitô”. (s. 1690).

       

2. Những lưu ý mục vụ cần biết

 

        a/ Cần phân biệt thánh lễ an táng với nghi lễ an táng là hai cử hành khác nhau. Thánh lễ an táng là cử hành thánh lễ với các bản văn phụng vụ về lễ cầu hồn; nghi lễ an táng là cử hành các nghi thức công giáo trước khi đem chôn thi hài người quá cố. Thông thường nghi lễ an táng được cử hành trong thánh lễ an táng. Tuy nhiên vì hoàn cảnh tang gia và việc bảo trì thi hài người quá cố, nhiều khibắt buộc phải an táng thi hài người quá cố  vào những ngày luật phụng vụ không cho phép cử hành thánh lễ an táng, lúc đó người ta có nghi lễ an táng nhưng không có thánh lễ an táng. Thánh lễ cầu hồn chỉ cho người chết sẽ được cử hành vào một ngày khác thuận tiện hơn. Giáo Hội cũng qui định chỉ được cử hành nghi lễ tiễn biệt người chết khi có thi hài người đoq, điều này không cho phép cử hành nghi lễ tiễn biệt một nơi, xác một chỗ (RM 384).

 

        b/ Thánh lễ an táng bị cấm vào các ngày sau đây : Tam nhật Vượt qua, các lễ trọng buộc và các chúa nhật mùa vọng. Mùa chay và mùa phục sinh. Nếu cử hành an táng vào các ngày này, trong thánh lễ buộc phải dùng bản văn phụng vụ và các bài đọc kinh thánh của ngày lễ đó. Ngoài các lễ trọng và mùa phụng vụ kể trên, người ta có thể cử hành thánh lễ an táng vào những ngày khác kể cả vào các ngày chúa nhật mùa thường niên hay mùa giáng sinh (RM 380).

 

        c/ Nghi lễ an táng gồm ba giai đoạn : tẩm liệm và cầu nguyện tại nhà tang ; phó dâng và từ biệt tại nhà thờ ; và mai táng nơi phần mộ hoặc hoả táng. Thừa tác viên thông thường cử hành các nghi lễ an táng là Linh Mục hay phó tế, tuy nhiên khi những người này vắng mặt, thì một giáo dân được uỷ nhiệm cũng có thể chủ sự các nghi lễ này với một vài thích nghi cho phù hợp với chức năng của họ.

(x. Lm Nguyễn thế Thủ, sđd, tr. 143-144)

       

3. Về việc hoả táng

Lòng đạo đức bình dân thường tránh việc ướp xác, ướp hương hay hoả thiêu thi hài, vì những việc đó đưa đến ý tưởng là cái chết gây ra sự phá huỷ hoàn toàn bản thể con người (…) Tuy nhiên, ở vào thời đại chúng ta, việc hoả táng đang trở nên phổ biến vì những lý do gắn liền với các biến đổi của điều kiện sinh hoạt và môi sinh (…). Tín hữu đã có sự lựa chọn này được ân cần mời gọi không giữ trong nhà những bình đựng tro thi hài người chết thuộc gia đình họ, nhưng đặt tro đó vào mộ phần xứng đáng, cho đến khi Thiên Chúa khiến chỗi dậy những ai an nghỉ trong lòng đất và khi biển trả lại những người chết nó cất giữ (x. Kh 20, 13).

(x. Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ, bản dịch của Uỷ Ban Văn hoá Hội Đồng Giám Mục VN 2003, tr. 294-295)

 

4. Mục vụ an táng bày tỏ sự hiệp thông, bày tỏ đức tin và là cơ hội để truyền giáo.

 

          a/ Bày tỏ sự hiệp thông

Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông và mầu nhiệm này được tỏ bày chẳng những khi chúng ta tham dự các bí tích … nhưng còn trong những giây phút đau thương của cuộc sống con người, khi mà những lời nói trở nên sáo ngữ.

“Vui với người vui, khóc với kẻ khóc” không chỉ là một tình cảm tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Tin Mừng nữa. Đặc biệt, trong những giờ phút đau buồn, khi những con người cảm thấy mất mát, sự hiện diện của người mục tử có tác dụng an ủi, nâng đỡ tinh thần thân nhân của người quá cố, bởi có những trường hợp sự ra đi của một người thân cũng có nghĩa là sự sụp đổ về tinh thần của người ở lại.

       

          b/ Bày tỏ đức tin và niềm hi vọng

Chết không phải là hết. Chính nơi cái chết mà người kitô hữu bày tỏ đức tin hơn cả, như lời mà cả đời họ tuyên xưng : “Tôi tin có sự sống đời sau”.

Nếu triết học hiện sinh nói rằng : “Cái chết là một dự phóng phá đổ mọi dự phóng” (Jean Paul Sartre), thì đức tin tuyên xưng một điều ngược lại : “Cái chết là một dự phóng hoàn thành mọi dự phóng”, bởi vì  chết là “trở về với Đức Kitô”, quê hương của chúng ta. Nếu cuộc sống con người là lữ thứ, thì chết là đạt đến đích điểm :

 

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan ?” (Tv 42, 2-3).

Vì thế, trong thánh lễ an táng, Giáo Hội dạy những người tín hữu phải có cái nhìn vượt qua thế gian này, và hướng đến viễn ảnh chân thực trong đức tin vào mầu nhiệm phục sinh (x. GLCG, s. 1687); còn những lời lẽ của Linh Mục, đặc biệt trong bài giảng, không được có kiểu cách của một bài điếu văn bi thương, nhưng phải trình bày ý nghĩa của cái chết dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh (x. GLGG, s. 1688).

       

          c/ Là cơ hội truyền giáo

Con người trong thế giới hôm nay khủng hoảng nhiều nhất về niềm hi vọng, nghi ngờ về đức yêu thương và cũng cảm nhận sự mong manh của kiếp sống làm người.

 

Vì thế, khi họ được nhìn thấy người kitô hữu hiệp thông trong đau khổ, kiên cường trước cái chết…sẽ là một dấu hỏi to lớn trong lòng họ. Đây không phải chỉ là lý thuyết, nhưng là một thực tế rất cụ thể, bởi như Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã nói trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng rằng : “Con người ngày hôm nay thích những chứng nhân hơn là những thầy dạy”.

 

Kết luận

Bệnh tật và chết chóc là thành phần của cuộc sống con người. Cho dầu là đau thương, khủng khiếp…thì ai cũng phải đón nhận.

 

Mục vụ là làm sao để người ta có thể đón nhận nó trong đức tin, để biến những đau thương ấy thành sức mạnh cứu độ con người.

 

Vì thế, người mục tử yêu thương đoàn chiên, sẵn sàng hi sinh thời giờ và sức khoẻ, để phục vụ bệnh nhân cách vui lòng.


Muc Luc Muc Vu