Trật Tự Kitô Hữu (Christian Order)

Tháng Giêng 2005

 

http://www.christianorder.com/features/features_2005/features_jan05_bonus.html

 

Bài viết Những Cuộc Hiện Ra Thật Và Giả do Cha Peter Joseph trong số báo tháng Mười năm 2004 khơi lên một số bình luận và nghi vấn, mà phần lớn là tích cực.  Chúng tôi cho in ra đây một số câu hỏi và trả lời của Cha Joseph.

 

‘Các Tiên Tri’ và ‘Những Cuộc Hiện Ra’

 

Cha bảo rằng bà Vassula Ryden đã bị Văn Phòng Tòa Thánh ‘luận tội’ là không đúng.  Hơn nữa, Đức Hồng Y Ratzinger trong các cuộc phỏng vấn bà Vassula ngài đã nói rằng những bài viết của bà có thể được đọc và quảng bá cách thận trọng”

 

Văn Phòng Tòa Thánh đã ra hai Tuyên Cáo chống lại ‘các thông điệp’ của bà Vassula.  Tuyên Cáo đầu tiên vào năm 1995 nói rằng có ‘nhiều yếu tố cơ bản cần phải được xem như sai lạc chiếu theo giáo lý Công Giáo.  Ngoài việc nêu rõ sự ngờ vực tự nhiên trong những luận cứ cho rằng những mặc khải tự nhiên đã xảy ra, ta cũng cần lưu ý một số những sai lầm về giáo lý tiềm ẩn bên trong’.

 

Sau đó Bản Tuyên Cáo nêu lên sự tối nghĩa, giảng giải lộn xộn về tín điều Chúa Ba Ngôi và Giáo Hội – “đi ngược lại giáo huấn Công Giáo”.  Bản Tuyên Ngôn còn nói rằng “Bà ta rõ ràng đã đặt mình trên tất cả mọi phán quyết và mọi quy ước của giáo quyền và  giáo luật, và trong thực tế, đang tạo ra một mối bất hòa liên tôn”.

 

Tất cả những điều ấy đủ để xem là một sự ‘luận tội’ – ngoại trừ bạn tin rằng điều sai lầm ngụy giáo và hành vi bất chánh là những vấn đề không quan trọng.

 

Về việc bạn còn có thể truyền bá những tín điệp đó nữa hay không, thì Bản Tuyên Cáo năm 1995 viết rằng: “Thánh Bộ này yêu cầu sự can thiệp của các Giám Mục để nhờ đó giáo dân của họ được thông tin cách chính xác và để khỏi tạo cơ hội cho bà gieo rắc tư tưởng của bà trong các Giáo Phận của họ”.

 

Bản Tuyên Cáo Thứ Hai của năm 1996 tái khẳng định rằng các Giám Mục của Giáo Hội có năng quyền giáo luật trên mọi bài viết liên quan đến đức tin và luân lý, vì thế những mặc khải cá nhân đó không thể có biệt lệ trong điểm giáo luật này.

 

Vậy thì từ đó đến nay Hồng Y Ratzinger tuyên bố cái gì?  Trong bài viết của tôi, độc giả nên hiểu rằng những lời bình luận riêng tư hay công cộng của Hồng Y Ratzinger – ngay cả trường hợp nếu là xác thực – cũng không thể xóa bỏ một sắc luật của Thánh Bộ.  Chỉ có một sắc luật mới thì có thể vô hiệu hóa một sắc luật cũ - chứ không phải đơn thuần là một cuộc phỏng vấn với báo chí!  Ngay cả những xác tín và quan điểm cá nhân của Giáo Hoàng cũng không có quyền hạn, và không thể viện dẫn để phủ nhận giáo huấn hay Giáo Luật.  Như đã nói trong bài viết của tôi, Giáo Hội được điều hành bằng những tuyên ngôn công khai và những điều luật phổ quát, chứ không phải bằng những cuộc phỏng vấn cá nhân hay những truyền đạt riêng tư.

 

Ngay như nếu có gì hơn thế nữa, hay giả như có thêm một cuộc xét nghiệm nữa, thì mọi người Công Giáo vẫn buộc phải tuân theo phán quyết chính thức duy nhất đã công bố cho đến nay, (về thông điệp của bà Vassula) là phủ quyết.

 

*****

 

“Bài viết của Cha Joseph đã thiếu sót không đề cập đến Medjugorje, hay những mặc khải của Cha Gobbi.”

 

Mục đích của tôi là giải thích những nguyên tắc để phân định mọi mặc khải; chứ không phải chỉ để cắt nghĩa chi tiết của vài mặc khải cá biệt nào đó.  Những nguyên tắc trong bài viết của tôi cho thấy rõ rằng giáo dân không được truyền bá những tín điệp của Medjugorje.  Muốn biết tại sao, bài nói chuyện của Giám Mục Peric trong cùng số của Christian Order nói về vấn đề đó rất đầy đủ.

 

Trong những dịp khác, tôi đã nói với giáo hữu (thường thì chẳng có ai tin) là đừng có bám lấy và truyền bá hiện tượng Medjugoje nữa.  Những cái lý của tôi đơn thuần là: 1. Đức Giám Mục đã nói hiện tượng là giả.  2.  Không có phép lạ nào được chuẩn nhận.  3.  Những thông điệp nhàm chán tầm thường nhai đi nhai lại, không xứng đáng với Mẹ Chúa Trời.  Còn đầy dẫy những lý do khác nữa.

 

Phần trường hợp Cha Gobbi, tôi không được biết là có sự phán quyết chính thức nào (từ giáo quyền) là chấp thuận hay phủ quyết, tuy nhiên tôi nghĩ rằng những tín điệp của Cha lập đi lập lại, tẻ nhạt rườm rà, và lắm lúc lại mâu thuẫn với nhau.  Phong trào Chống Chúa Kitô đã không xuất hiện trong năm 1998 như đã được tiên báo; và việc Chúa Đến Lần Thứ Hai cũng không xảy ra, điều mà các tín điệp của thập niên 90’s đã tiên đóan là sẽ xảy đến vào cuối thập niên.

 

*****

 

“Nếu các Linh Mục như Cha muốn nói gì thì nói, thì chắc chẳng có cuộc hiện ra nào được công nhận!  Mọi mặc khải đều bị kết án ngay từ bước đầu”

 

 

Tôi thích tin theo những mặc khải được chuẩn nhận, bởi vì những mặc khải đó được công nhận chỉ sau khi được xét nghiệm cẩn thận. Ta phải có đức tin nhưng chớ có nhẹ dạ.  Kẻ chủ quan thường dẫn đến một trường hợp điển hình là lý giải sai lạc.  ‘Nhiều thiên tài đã bị đồng môn kết tội, bởi vì họ đi trước thời gian.  Thế nên, ai bị kết tội là một thiên tài’!

         

Không phải mọi cuộc hiện ra được chuẩn nhận đều đã có lúc phải kinh qua màn mây mù của sự luận tội.  Không có phán quyết nào từng được công bố chống lại các mặc khải tại Guadalupe, Paray-le-Monial, Rue de Bac, Lourdes, Knock, Fatima, Banneux, Beauraing.  Vậy các Giám Mục có thận trọng không?  Thông thường, có – vì các ngài  buộc phải thận trọng.

 

Việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa đã bị khống chế do lệnh của Tòa Thánh từ năm 1958 đến năm 1978.  Việc sùng kính này đã chưa bao giờ bị kết án hay bị xem là sai trái, nhưng chỉ bị ra lệnh là không được truyền bá mà thôi.  Không hội đủ bằng chứng, và đến nay sự việc đã rõ ràng vì một số những phó bản và bản dịch ở thời điểm đó hướng dẫn lệch lạc. Ta nên làm gì trong suốt 20 năm đó? Vâng theo sắc chỉ như mọi người khác. Lúc đó tôi không hề nghe về bất cứ sự bất tuân nào trong vấn đề này.  Đức vâng phục như thế mới làm Chúa hài lòng.

 

Nếu bạn muốn truyền bá những tín điệp bị ngăn cấm, thì bạn có khác gì một giáo hữu Tin Lành, bất chấp các Giám Mục và Giáo Hội.

 

*****

“Làm sao chúng tôi biết được những trường hợp nào thực sự đã bị một giám mục có năng quyền phản đối?  Thí dụ như trường hợp tại Garabandal, tôi đã đọc rất nhiều khẳng định cũng như phản khẳng định đến nỗi tôi không biết phải tin ai bây giờ”

 

Đôi khi khó mà biết được cách chắc chắn là phán quyết nào đã được chấp thuận.  Dù vậy chỉ cần viết thư cho Văn Phòng Chưởng Ấn của Gíao Phận, yêu cần được biết về lập trường chính thức, thường thì bạn sẽ nhận được sự giải đáp mà bạn cần.

 

Trách nhiệm chứng minh thuộc về những ai cho là (hiện tượng hay tín điệp) đã được chấp thuận.  Bạn cần nói với họ rằng: “Làm ơn cho xem toàn văn bản (và ngày) của sắc lệnh mà Giám Mục chấp thuận.”  Ta có thể đối chiếu với Văn Phòng Chưởng Ấn bất cứ sắc lệnh nào tự cho là đã được chấp thuận.

 

Trong trường hợp của Garabandal, trong nhiều năm qua tôi đã đọc những tuyên cáo đưa ra những phán quyết phủ nhận của các giám mục kế vị.  Mấy năm trước tôi cũng đã xem một văn thư từ Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Úc, tái xác định sự phủ quyết về trường hợp Garabandal, và lên án sự bất tuân của những ai truyền bá hiện tượng ấy.

 

Còn có người bảo, ‘Đang có một sự xét nghiệm nữa’:  cho dù là thật, điều ấy chẳng có giá trị gì trong bối cảnh hiện nay.  Bạn không nên truyền bá bất cứ điều gì mà Giáo Hội tuyên bố phủ nhận, cho đến khi nào một sắc lệnh mới đảo ngược lại sắc lệnh cũ.

 

 

Fr Peter Joseph

Bản Dịch:  Nhân Ái


Muc Luc Muc Vu