"Ngộ đạo" là gì?

(gpquinhon.org) Thứ bảy - 18/10/2014 05:56

Trong quyển Kinh thánh Tân ước, khi dẫn nhập tổng quát vào các thư của thánh Gioan, người viết cho biết là mục tiêu của những thư này, theo thánh Irênê, là nhằm cảnh giác các tín hữu về trào lưu ngộ đạo. Thế thì “ngộ đạo” là cái gì vậy?

Lần đầu tiên gặp tiếng “ngộ đạo”, tôi liên tưởng tới những tiếng “ngộ độc, ngộ thực”, hay là “ngộ hoặc, ngộ nhận”, và nghĩ tới những người đã hiểu sai đạo lý cho nên tuyên bố xằng xịt; hoặc là những kẻ đi lường gạt người ngây thơ dễ tin. Nhưng mà khi tra lại từ điển, thì thấy rằng “ngộ” không phải chỉ có nghĩa “sai lầm” (ngộ nhận) hay là “gặp” (hội ngộ, kỳ ngộ), nhưng còn có nghĩa là: ”hiểu ra được, thức tỉnh” (tỉnh ngộ, giác ngộ). Và đây mới là đúng nghĩa của “ngộ đạo”, dịch từ gnosistrong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là sự hiểu biết. Tuy nhiên, đó chỉ mới là nói về từ ngữ. Khi muốn mô tả nội dung của trào lưu ngộ đạo (gnosticismus), thì các nhà sử học cho thấy rằng nó phức tạp hơn nhiều. 

Như vừa nói, trong tiếng “ngộ đạo”, thì “ngộ” có nghĩa là “hiểu biết” chứ không phải là “sai lầm”. Nhưng mà chắc phải có gì sai lầm nên thánh Gioan mới phải cảnh giác các tín hữu chứ? 

Đúng như vậy, nếu “ngộ đạo” chỉ có nghĩa là sự hiểu biết về đạo thì không có gì đáng nói. Vấn đề được đặt ra là khi nó trở thành một lạc giáo. Trên thực tế, nó đã trở thành một mối nguy cơ đe doạ đức tin Kitô giáo suốt mấy thế kỷ. Thực ra, con người chúng ta ai cũng ham hiểu biết hết mọi chuyện trên trời dưới đất, kể cả về thế giới thần thánh cùng là định mạng con người sau khi đã chết. Điều đó nằm trong bản tính tự nhiên của con người, và không có gì đáng trách hết. Chuyện đáng trách là giữa hàng ngũ của các tín hữu Kitô giáo, có những người chủ trương họ nhận được một kho tàng kiến thức riêng về thiên giới, và ai gia nhập vào nhóm của họ thì sẽ được họ truyền thụ cho. Nói như vậy có nghĩa là ngoài sự hiểu biết về Thiên Chúa mà chúng ta nhận được nhờ việc đón nhận mặc khải của Chúa được truyền thụ qua Kinh thánh và lời giảng các tông đồ, họ chủ trương còn có một nguồn mặc khải kín đáo khác nữa mà chỉ ai gia nhập nhóm ngộ đạo thì mới biết được. Đây là một hình thức ngộ đạo mà thánh Irênê đã tố cáo. Theo Irênê, ngoài mặc khải của Lời Chúa được các thánh tông đồ rao giảng và truyền lại cho Hội thánh, không còn có nguồn mặc khải bí mật nào nữa. 

Nhưng mà thánh Irênê sống vào thế kỷ II, chứ đâu phải vào thời Tân ước ra đời đâu? 

Đúng như vậy. Như đã nói trên đây; tự nó, sự “ngộ đạo” (theo nghĩa là hiểu biết về đạo) thì chẳng có gì là xấu cả. Chính thánh Gioan đã viết trong Phúc âm (17,3) rằng: “sự sống đời đời hệ tại hiểu biết Thiên Chúa chân thật và biết đức Giêsu đấng mà Chúa sai đến”. Khi chúng ta đón nhận Tin mừng và đức tin, thì chúng ta được biết Chúa hơn, không phải chỉ biết cách trừu tượng mà còn được sống thân mật với Chúa. Dưới khía cạnh đó, sự “ngộ đạo” không có gì là xấu. Ngoài ra, còn có một hình thức ngộ đạo chính đáng và tốt lành nữa, đó là sự cố gắng của các nhà thần học muốn đào sâu thêm nội dung đức tin; theo nghĩa này, Clêmentê, Origène và trường phái Alexanđria tự nhận là mình đang theo đuổi “ngộ đạo”, muốn đi sâu hơn vào việc hiểu biết Chúa, tới những cấp độ cao của sự chiêm niệm. Tuy nhiên, bên cạnh nghĩa ”ngộ đạo” nói được là theo nghĩa đen như vậy, các nhà sử học đặt nhãn hiệu ”ngộ đạo” cho những khuynh hướng chủ trương nhận được mặc khải kín về Thiên Chúa. Trên thực tế, nội dung của những điều được mặc khải kín đáo chỉ là một mớ học thuyết pha phôi giữa mặc khải Kinh thánh với các triết thuyết khác từ Hy-lạp và miền Tiểu á. Những học thuyết ấy đi ngược với những chân lý nền tảng của Kitô giáo, cách riêng về Thiên Chúa, về đức Kitô và về con người. 

Về Thiên Chúa thì có gì lệch lạc? 

Đành rằng phái ngộ đạo tin có Thiên Chúa, nhưng mà Thiên Chúa rất là cao xa tít mù, ngự trên cửu trùng. Đối lại là Vật chất; và vật chất thì xấu xa tội lỗi. Như vậy, chủ trương căn bản của nhóm ngộ đạo là quan niệm nhị nguyên, luôn luôn đối chọi giữa sáng tối, trắng đen. Giữa hai thái cực (một bên là Thiên Chúa cao tít mù, và một bên là Vật chất) nhóm ngộ đạo chủ trương có rất nhiều hữu thể môi giới. Tuy nhiên, chúng không phải do Thiên Chúa tạo dựng, nhưng là xuất phát (emanatio) từ thiên tính, tạo thành một chuỗi đẳng cấp từ trên xuống. Vì vậy hữu thể nào càng gần Chúa thì càng được sung mãn toàn thiện, và càng xuống thấp thì càng bất toàn. Tuy nhiên sự xuống dốc không phải trơn tru đều đều, nhưng mà có sự đứt quãng, có sự sa đoạ thoái hóa, từ loài thiêng liêng sang loài vật chất. Đứng đầu hàng của loài sa đoạ là một “Hóa công” (Demiurgus), làm chủ thế giới vật chất, thế giới mà con người đang sống, nơi diễn ra đủ mọi thứ bất công tội lỗi, đau khổ và chết chóc. Quan niệm nhị nguyên của nhóm ngộ đạo không những đối chọi giữa loài thiêng liêng với loài vật chất, giữa ánh sáng và tăm tối, nhưng thậm chí còn đối chọi giữa Thiên Chúa thực (Chúa của tình thương trong Tân ước) với Hóa công (tức Thiên Chúa độc dữ trừng phạt của Cựu ước). 

Chủ trương ngộ đạo có ảnh hưởng gì tới đức Kitô? 

Cần nhắc lại là có rất nhiều khuynh hướng ngộ đạo, đôi khi chống đối lẫn nhau. Trong các khuynh hướng ngộ đạo, có hai quan niệm trái ngược với đức tin công giáo về đức Kitô. 

1) Một quan niệm là đồng hóa đức Kitô với Hóa công, không phải theo nghĩa là Ngài là Ác Thần vật chất, nhưng theo nghĩa là đức Kitô chỉ là một thụ tạo của Thiên Chúa. Bởi vậy, tuy dù thuyết ngộ đạo bùng nổ vào thế kỷ II-III, nhưng vài nhà chú giải Thánh kinh cho rằng nó đã manh nha từ những cộng đoàn Ephêsô và Colossê, khiến cho thánh Phaolô phải nhấn mạnh rằng tuy dù mọi vật trên trời dưới đất được tạo nên do đức Kitô và vì đức Kitô, nhưng đức Kitô không phải là Hóa công theo nghĩa là thuộc hàng thụ tạo, bởi vì nơi Người có sự sung mãn của thiên tính. 

2) Một quan niệm khác thì phủ nhận cuộc nhập thể của đức Kitô. Theo họ, vật chất là cái xấu xa bỉ ổi; thân xác cũng là cái xấu xa tội lỗi, và sự cứu rỗi hệ tại thoát ly khỏi vật chất; vì thế không thể có chuyện Thiên Chúa xuống làm người với thân xác con người được. Theo họ, đức Kitô chỉ có dáng vẻ bề ngoài là con người chứ không phải là người thật. Có lẽ đây chính là chủ trương mà thánh Gioan tông đồ phải đối phó khi nhấn mạnh tới việc nhập thể của đức Kitô trong các thư. Dù sao thì vào thời của thánh Gioan, nó mới chỉ manh nha. Khuynh hướng này sẽ bùng lên trong những thế kỷ tiếp, dưới nhãn hiệu là “ảo nhân thuyết” (docetismus), với những hậu quả lạc giáo về bản tính đức Kitô cũng như về đức Maria. Thực vậy, nếu đức Kitô không phải là người thực mà chỉ là ảo ảnh con người, thì đức Maria đâu có phải là mẹ của đức Kitô. 

Sau cùng, chủ trương của phái ngộ đạo về con người có gì trái với mặc khải Kitô giáo? 

Về nhiều điểm lý thuyết cũng như thực hành. Xét về lý thuyết, thì họ chống lại tín điều xác con người sẽ sống lại, bởi vì theo họ thân xác và vật chất tự bản chất là xấu, nên không thể nào được hưởng ơn bất tử. Cũng có thuyết chủ trương thuyết luân hồi, theo đó linh hồn cứ bị đày hết kiếp này sang kiếp khác để thanh luyện; chừng nào được sạch rồi thì được trở về thiên giới. Về thực hành, thì ta thấy có những khuynh hướng trái ngược nhau. Có nhóm thì rất là khắt khe về luân lý, hành hạ thân xác mầm mống tội lỗi, kiêng thịt và rượu, thậm chí dùng nước lã khi cử hành Thánh lễ; họ cũng khước từ hôn nhân vì cho đó là tội lỗi. Đối lại thì có nhóm tháo thứ hoàn toàn vì coi thân xác vật chất hoàn toàn sa đoạ rồi, vô phương cứu vớt; vì thế ta cứ tự do buông thả chứ hơi đâu mà kiềm chế, thậm chí có nhóm cộng sản, đặt hết mọi tài sản để dùng chung, kể cả các bà vợ. 

Như vừa nói trên đây, xem ra vào thời các tông đồ đã có những mầm mống của phái ngộ đạo (hoặc có người gọi là “tiền ngộ đạo”). Sang đến thế kỷ II, thì khuynh hướng này mới bành trướng, và thánh Irêneô là người đã viết nhiều tác phẩm để chống lại với lạc thuyết đó, mang nhiều khuynh hướng khác nhau. Cách riêng tại Rôma, Markion lập ra một Giáo hội tự trị, với hàng giáo phẩm riêng. Ông ta không những loại bỏ các sách Cựu ước, mà ông cũng gạn lọc các tác phẩm Tân ước, chỉ giữ lại Phúc âm theo thánh Luca và 10 thư của Phaolô. Dĩ nhiên, các nhóm ngộ đạo có một mớ mặc khải khác, được truyền tụng kín đáo giữa những thành viên mà thôi. Một số tác phẩm ngụy thư đã ra đời trong hàng ngũ của nhóm ngộ đạo. Cũng nên biết là quan niệm nhị nguyên còn tồn tại nơi nhóm Manikêo, và mãi tới thời Trung cổ còn thấy bóng dáng nơi nhóm Albigeois vào thế kỷ XIII. Ngày nay, người ta thường gán là ngộ đạo những ai muốn phân rẽ thiện ác, tốt xấu theo quan niệm nhị nguyên; cũng bị gọi là ngộ đạo những ai chạy theo những mặc khải tư riêng về các thiên thần hay về tận thế thay vì đào sâu học hỏi Lời Chúa trong Kinh thánh; hoặc là những người sử dụng một kỹ thuật (phương pháp) nào đó để đạt tới Thiên Chúa. Và cũng bị liệt vào hàng ngộ đạo những ai muốn uốn nắn hình ảnh Thiên Chúa theo sở thích riêng tư, hợp với tầm cỡ lý luận con người, thay vì chấp nhận thập giá và mầu nhiệm đức tin. 

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phan Tấn Thành 

Nguồn tin: www.daminhvn.net

 


Muc Luc Muc Vu