Kiểu nói ''bỏ đạo công khai'' giáo luật hiểu thế nào?

(gpquinhon.org) Thứ hai - 05/01/2015 05:58

Trong Giáo luật có nói đến việc lìa bỏ Giáo hội cách công khai. Vậy cách công khai đó phải hiểu thế nào?

Nguyên ngữ bằng Latinh ở:

GL. đ.1086.1 - ”Matrimonium inter duas personas, quarum alteri sit baptizatain Ecclesia catholica vel in eandem recepta necactu formali ab ea defecerit, et altera non baptizata, invalidum est[1].

GL. đ.1117 - ”Statuta superius forma servanda est, si saltem alterutra pars matrimonium contrahentium in Ecclesia catholica baptizata vel in eandem recepta sit neque actu formali ab ea defecerit, salvis praescriptis can.1127.2[2].

GL.đ.1124 - “Matrimonium inter duas personas baptizatas, quarum altera sit in Ecclesia catholica baptizata vel in eandem post baptismum recepta, quaeque nec ab ea actu formali defecerit, altera vero Ecclesiae vel communitati ecclesiali plenam communionem cum Ecclesia catholica non habenti adscripta, sine expressa auctoritatis competentis licentia prohibitum est[3]

Cụm từ actu formali defecerit thường được dịch ra Việt ngữ là lìa bỏ Giáo hội cách công khai hoặc bỏ đạo công khai thì không đầy đủ ý nghĩa lắm, và người ta thường hiểu bỏ đạo công khai với nội dung là: không đi lễ Chúa nhật, không xưng tội rước lễ,không tham gia các sinh họạt trong giáo xứ. Cách hiểu nầy không đúng với từ actu formali của Giáo luật. Bởi vì có những người vì lý do nào đó không thực hành đạo, nhưng vẫn còn đức tin. Chữ actu formali phải hiểu là: bằng một quyết định dứt khoát và rõ ràng trước mặt người có thẩm quyền trong Giáo Hội, xin xóa bỏ bí tích rửa tội và ra khỏi Giáo Hội Công Giáo[4], nghĩa là hoàn toàn chối bỏ đức tin.

Về mặt hình thức:

. Hành vi này phải thực hiện bằng văn bản, có chữ ký, nơi và ngày tháng năm làm văn bản. Trong văn bản trình bày yêu cầu của mình.

. Hành vi này phải được thực hiện cách tự do, có ý thức và biết rõ lý do.

. Cần có sự gặp gỡ đối thoại với người có thẩm quyền trong Giáo hội.

Quyết định chấp thuận của người có thẩm quyền trong Giáo hội được coi như một hành vi hành chính có tính cách pháp lý. Quyết định này không xóa bỏ ấn tích rửa tội (GL đ.849) mà chỉ là công khai hóa hành vi chối bỏ đức tin và không muốn thuộc về Giáo hội công giáo của đương sự.

Về mặt thực tế, đó là hành vi:

. Công khai tôn thờ ngẫu tượng, thần linh ngoại giáo.

. Lãnh nhận nghi thức gia nhập vào một tôn giáo khác hoặc nhận một hình thức rửa tội khác sau khi đã rửa tội theo nghi thức công giáo.

. Ký văn bản chối bỏ đức tin công giáo như điều kiện gia nhập một giáo phái hoặc để hưởng một quyền lợi hay đặc ân.

Như thế, theo giáo luật, người này bị xếp vào trường hợp của đ.751[5] và có thể bị hình phạt theo quy định của GL. đ.1364[6] với những hệ quả kèm theo.

Việc kết hôn của người này với người công giáo bị cấm, trừ khi người này xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo cũng bằng một quyết định dứt khoát và rõ ràng trước mặt người có thẩm quyền trong Giáo Hội, hoặc đã được giải vạ hoặc đã được phép chuẩn của Bản quyền giống như trường hợp của hôn nhân hỗn hợp nơi GL đ.1124[7]. Xem GL. đ.1086; 1117 nêu trên.

Lm. Alph. Nguyễn Công Vinh


[1] GL. đ.1086.1-Hôn phối vô hiệu giữa một người đã rửa tội trong Giáo hội Công giáo hay đã được nhận vào Giáo hội Công giáo và chưa công khai chính thức lìa bỏ Giáo hội, với một người không rửa tội.

[2] GL. đ.1117 - Phải giữ thể thức quy định ở trên, nếu ít là một trong hai người kết hôn đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo, hay đã được nhận vào Giáo hội Công giáo và chưa công khai chính thức lìa bỏ Giáo hội; đừng kể quy định của điều 1127.2.

[3] GL. đ.1124 - Nếu không có phép minh thị của thẩm quyền hữu trácg, hôn phối bị cấm chỉ giữa hai người đã rửa tội, mà một người đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo, hoặc đã được nhận vào Giáo hội Công giáo sau khi rửa tội và chưa công khai chính thức lìa bỏ Giáo hội Công giáo, với một người thuộc về một giáo hội hay giáo đoàn không hiệp thông hoàn toàn với Giáo hội Công giáo.

[4] PASSICOS (Jean), L’acte formel, in L’année canonique, 39, 1997, tr. 51-57.

[5] GL. đ.751 - Gọi là lạc giáo khi cố chấp phủ nhận, sau khi đã chịu phép rửa tội, hay nghi ngờ một chân lý phải tin nhận theo đức tin thần linh và công giáo; gọi là bội giáo nếu chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo; còn ly giáo là từ chối sự tùng phục Đức Giáo Hoàng hay từ chối sự hiệp thông với các phần tử của Giáo hội đang thuộc quyền Ngài.

[6] GL. đ.1364.1- Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết, đừng kể quy định ở điều 194 triệt 1 số 2.[…].

[7] Réponse de la CPIV/67-68, 11.02.1972 (AAS 65 [1972] 397; De 69 [1972] 817). CPIV= Pontificia Commissio decretis Concilii Vaticani II interpretandis

Tác giả bài viết: Lm. Alph. Nguyễn Công Vinh 

 


Trang Mục Vụ